Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường
Đề bài: Viết đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường
Dàn ý viết Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường
1. Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: Bạo lực học đường
2. Thân đoạn:
Giải thích:
Bàn luận:
3. Kết đoạn: Suy nghĩ chung về bạo lực học đường, rút ra bài học cho bản thân.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 1
Hiện nay, vấn đề bạo lực học đường đang trở thành một thách thức đáng kể với xã hội. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lí, sức khỏe của học sinh mà còn đặt ra câu hỏi lớn với giáo dục nói chung. Để giải quyết hiện tượng xấu này, chúng ta cần có nhận thức sâu sắc về nguyên nhân, hậu quả để từ đó đề xuất những giải pháp thích hợp để xóa bỏ nó.
Bạo lực học đường có thể bao gồm nhiều hình thức như lăng mạ, đánh nhau, đe dọa, lan truyền thông tin xấu hay bất kì hành động nào gây tổn thương tâm lí và vật lí cho nạn nhân. Điều này có thể xảy ra trực tiếp trong các cơ sở giáo dục hoặc thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Những hành vi bạo lực này khiến nạn nhân cảm thấy bị cô lập và không an toàn trong môi trường giáo dục.
Nguyên nhân của vấn đề này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Có thể là tâm lí lứa tuổi học sinh muốn thể hiện bản thân nhưng lại lựa chọn con đường bạo lực để thể hiện sức mạnh, quyền uy của bản thân. Áp lực học tập, áp lực từ phía thầy cô, gia đình cũng có thể gây đến bạo lực học đường. Sự thờ ơ của nhà trường, việc phụ huynh chưa quan tâm, sát sao với con cái cũng dẫn đến những khiếm khuyết về tâm lí, tính cách, suy nghĩ sai lệch dẫn đến hành động cực đoan của các em.
Khi bạo lực học đường diễn ra, các học sinh sẽ trở nên kém tập trung, lo âu, kết quả học tập giảm sút. Lâu dài, các em sẽ mất niềm tin vào giáo dục và có thể mắc các hội chứng trầm cảm, tự kỉ, sợ giao tiếp xã hội,... Vấn nạn này không chỉ tác động đến tâm lí, tinh thần của học sinh mà còn gây hậu quả lớn về mặt xã hội. Nó tạo ra môi trường học tập không an toàn, lành mạnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện của học sinh.
Để đối mặt với vấn đề này, chúng ta cần thực hiện các biện pháp nhất quán và đồng bộ từ nhiều phía khác nhau. Trước hết, hệ thống giáo dục cần thiết lập các chương trình đào tạo và hoạch định giáo dục tâm lí, giúp học sinh xây dựng kĩ năng kìm chế cảm xúc và giải quyết xung đột. Gia đình và nhà trường cũng cần kết hợp chặt chẽ để giáo dục con em về những tác hại, hệ quả xấu của nạn bạo lực học đường. Các bạn học sinh là người trực tiếp tiếp xúc với bạo lực, cho dù có nghe, nhìn hay là nạn nhân của vấn nạn này, các bạn cũng phải dũng cảm lên tiếng để bảo vệ chính mình và mọi người xung quanh. Ngoài ra, các cấp quản lí và xã hội cũng cần tạo ra các cơ chế xử lí công bằng đối với các trường hợp bạo lực học đường.
Bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của trường học mà còn là thách thức đối với toàn xã hội. Tất cả mọi người cần chung tay xây dựng một môi trường học tập an toàn, tích cực để giúp học sinh phát triển toàn diện về cả kiến thức và tâm lí. Từ đó, mầm mống bạo lực sẽ dần được loại bỏ, trường học sẽ thực sự là “ngôi nhà thứ hai” đầy hạnh phúc của học sinh.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 2
Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Việc học sinh sử dụng bạo lực để đe dọa, cảnh cáo và "trừng phạt" những người bạn học mà mình "không ưa" đang dần trở nên phổ biến ở rất nhiều trường học. Đây là hành động sai trái, đáng bị lên án bởi hành vi bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, tâm sinh lí của nạn nhân mà còn làm mất đi hình ảnh trong sáng, tốt đẹp nên có ở mỗi học sinh.
Bạo lực học đường là một con dao hai lưỡi, nó không chỉ gây tổn thương sâu sắc đến nạn nhân, khiến cho nạn nhân cảm thấy sợ hãi, đau đớn, tủi nhục mà còn khiến cho người sử dụng bạo lực dần trở nên tha hóa, biến chất.
Bạo lực khiến cho con người ta ảo tưởng về sức mạnh, vị trí của bản thân, từ đó có những suy nghĩ và hành động lệch lạc, trái đạo đức. Việc tiếp xúc với nhiều chương trình, trò chơi bạo lực cùng tâm lí thích thể hiện bản thân ở tuổi mới lớn chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực học đường. Cùng với đó, việc giáo dục, quản lí lỏng lẻo của gia đình và nhà trường cũng góp phần hình thành nên những suy nghĩ và hành động lệch lạc của học sinh. Nhu cầu thể hiện bản thân không hề xấu nếu chúng ta thực hiện nó thông qua việc cố gắng học hành, rèn luyện phát triển bản thân.
Bạo lực học đường dù thông qua hành động nào cũng là điều tồi tệ, đáng lên án nhất. Mỗi học sinh chúng ta cần ý thức được mối nguy hại của bạo lực học đường, từ đó chung tay đẩy lùi ra khỏi môi trường học đường.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 3
Hiện nay, khi xã hội phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì cũng là lúc có nhiều vấn đề nổi cộm nổ ra nhận được sự quan tâm của toàn dư luận. Một trong số đó phải kể đến vấn đề bạo lực học đường của học sinh hiện nay.
Một thực trạng dễ dàng nhận thấy hiện nay đó là ở trong trường học, hiện tượng các em học sinh chửi bới, lặng mạ, sỉ nhục bạn bè hiện nay khá phổ biến. Bên cạnh việc lăng mạ, xúc phạm người khác thì hiện tượng đánh nhau giữa học sinh cũng không phải khó gặp, thậm chí có nhiều trường hợp công an phải vào cuộc. Một điều đáng quan ngại hơn nữa là tình trạng bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa các bạn nam mà hiện nay còn xảy ra ở các bạn nữ.
Nguyên nhân của hiện trạng này đầu tiên không thể không nhắc đến đó là do ý thức chủ quan của các bạn học sinh còn kém, chưa có đủ nhận thức về hậu quả của bạo lực học đường. Bên cạnh đó là việc muốn thể hiện bản thân mình hơn người nên dùng bạo lực và ngôn ngữ không đứng đắn để chứng minh. Nguyên nhân khách quan không thể không nhắc đến là do sự quản lí còn lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, chưa định hướng cho các em tư duy đúng đắn dẫn đến những hành động lệch lạc.
Hậu quả của vấn nạn bạo lực để lại vô cùng kinh khủng: nó hình thành thói hung hăng, tính cách không tốt cho người thực hiện hành vi bạo lực; gây tổn hại, ảnh hưởng về sức khỏe, về tâm lí cho người bị hành hung. Ngoài ra, nó còn gây ra những hình ảnh xấu ảnh hưởng đến tương lai của học sinh, nhà trường và gia đình. Vấn đề bạo lực học đường sau này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của các em học sinh, khiến cho các em dễ trở thành người xấu.
Để khắc phục hiện trạng này, trước hết, mỗi học sinh cần có nhận thức đúng đắn, sống chan hòa với mọi người, hướng đến những điều tốt đẹp, không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Thêm nữa, gia đình cần quan tâm đến con em của mình nhiều hơn, giáo dục về ý thức, tư duy cho các em. Ngoài ra, nhà trường cần có những biện pháp nghiêm khắc để xử lí những hành vi bạo lực học đường để răn đe và không cho các em tái phạm.
Mỗi người một hành động nhỏ nhưng cùng chung tay với sẽ tạo ra ý nghĩa lớn, lan tỏa được thông điệp lớn lao. Để đẩy lùi vấn đề bạo lực học đường, chúng ta cần chung tay xây dựng một thói quen học tập thật tốt và rèn luyện đạo đức cho bản thân để trở thành một người chủ nhân thực thụ của đất nước.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 4
Người ta vẫn thường nói vui với nhau rằng "trường học là ngôi nhà thứ hai của em", thế nhưng hiện nay tình trạng bạo lực học đường đang diễn ra ở mức báo động khiến cho nhiều em nhỏ sợ đến trường. Vậy trước vấn nạn này chúng ta cần phải làm gì?
Bạo lực học đường là những hành vi gây hại đến tinh thần, thể xác của bạn mình bằng nhiều cách như sử dụng lời nói khiếm nhã hoặc tệ hơn là có những hành động bạo lực với bạn của mình.
Bạo lực học đường là một vấn nạn rất đáng được quan tâm hiện nay. Với từ khóa "bạo lực học đường", chỉ trong 0.57 giây chúng ta đã tìm được 28.200.200 kết quả về những vụ việc nghiêm trọng xoay quanh vấn đề này. Con số trên quá đủ làm minh chứng cho tình trạng báo động của hành vi này hiện nay.
Vậy bạo lực học đường từ đâu mà có? Trước hết, nó xuất phát từ những mâu thuẫn, sự ghen ghét đố kỵ của những em học sinh. Trong một tập thể, chỉ cần có bạn giỏi hơn mình hay đơn giản là xinh hơn mình đã có thể dẫn đến sự đố kỵ và có những lời lẽ làm tổn thương đến bạn mình. Sâu xa hơn, bạo lực học đường xuất phát từ sự nhận thức, từ cách giáo dục con nhỏ của gia đình, của nhà trường. Những hình ảnh như cô giáo đánh học sinh hay cha đánh mẹ... tác động vô cùng lớn đến nhận thức của trẻ nhỏ. Sách báo, phương tiện truyền thông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Bạo lực học đường gây ra những hậu quả vô cùng lớn đến người bị hại và cả người gây ra bạo lực. Tôi đã từng đọc vô số bài báo về những đứa trẻ không dám đến trường do bị bạn bè ghẻ lạnh, cười chê và thậm tệ hơn là bị đánh đập. Những tổn thương đó khiến các em trở nên tự ti, trầm cảm và nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong. Cũng không ít những trường hợp học sinh bị đuổi học, phải chịu hình phạt của pháp luật khi còn ở tuổi rất trẻ chỉ vì những hành động thiếu suy nghĩ của mình. Cả những nạn nhân của bạo lực học đường và cả những người gây ra bạo lực học đường, tương lai của các em sẽ đi về đâu khi còn quá nhỏ mà đã phải mang trong mình tâm lý sợ hãi, còn quá nhỏ mà đã phải chịu những "vết dơ" không bao giờ có thể xóa nhòa? Điều này cũng sẽ khiến các bậc phụ huynh mất đi lòng tin vào môi trường giáo dục, rồi họ sẽ phải gửi gắm con mình ở đâu mới là tốt nhất?
Bạo lực học đường đã không còn là chuyện của một, hai cá nhân của một, hai trường học nữa mà nó là vấn đề của toàn xã hội. Để ngăn chặn tình trạng này, nhà trường và gia đình cần có những biện pháp giáo dục hợp lý dành cho con trẻ, thậm chí là những hình phạt nặng tay để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc của bạo lực học đường. Và là một học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, các bạn học sinh nên có những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn, không nên tiếp tay cho những hành động xấu và cần phải bảo vệ những người bạn của mình.
"Trường học là ngôi nhà thứ hai của em" hãy để trường hợp được trở về đúng nghĩa là một ngôi nhà mà các em học sinh muốn đến, muốn về, muốn nhớ tới chứ đừng biến trường học trở thành nỗi ám ảnh với bất kỳ ai.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 5
Từ thời kì hồng hoang đến đêm trường trung cổ, xã hội loài người đang ngày càng trở nên văn minh hơn. Nhưng một trong những yếu tố cản trở sự phát triển toàn diện của xã hội ở mọi thời đại chính là các tệ nạn xã hội. Trong thời đại thế giới phẳng ngày nay, tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng đặc biệt là ở giới trẻ cụ thể hơn là tuổi trẻ học đường - lứa tuổi còn chưa vững vàng về tâm lý và sự hiểu biết.
Tệ nạn xã hội là các hiện tượng phổ biến trong xã hội có giai cấp và cấp độ. Chúng thường được biểu hiện ở những hành vi sai lệch với chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức và pháp luật, gây hậu quả xấu về mọi mặt với đời sống xã hội, cản trở tiến bộ xã hội.
Có nhiều tệ nạn xã hội, ví dụ như: nghiện ma túy, cờ bạc, tham nhũng, bạo lực học đường (gia đình), mê tín dị đoan, trộm cắp, lừa đảo, nghiện game không lành mạnh… Trong đó bạo lực học đường trong những năm gần đây đang trong tình trạng đáng báo động.
Trong quá trình nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những quan điểm khác nhau về khái niệm bạo lực học đường. Mặc dù, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa thống nhất trong giới nghiên cứu, tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu: bạo lực học đường là những hành vi cố ý, sử dụng vũ lực hoặc quyền lực của học sinh hoặc giáo viên đối với những học sinh, giáo viên hoặc những người khác và ngược lại. Đó có thể là những hành vi bạo lực về thể xác, bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ, những bắt ép về tài chính hoặc những hành vi khác có thể gây ra những tổn thương về mặt tinh thần hoặc thể xác cho người bị hại. Bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn. Tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh. Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo (GD- ĐT) đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau...
Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, các nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra. Xã hội thờ ơ, dửng dưng, buông xuôi, chưa có sự quan tâm đúng mức, những giải pháp thiết thực, đồng bộ, triệt để. Đa số học sinh cho rằng bạo lực học đường là sai trái nhưng không dám lên tiếng vì sợ liên lụy, sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo, vì thế mà không dám báo với thầy cô hay chính quyền địa phương. Một bộ phận học sinh khác thì thờ ơ, dửng dưng, im lặng, hoặc thậm chí cổ vũ, đồng tình với bạo lực.
Nếu tệ nạn xã hội nói chung ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và đạo đức con người, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, rối loạn trật tự xã hội, suy thoái giống nòi, dân tộc, văn hóa suy đồi, làm mất tư cách của một người công dân, gây ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn lao động trẻ khi đất nước Việt Nam đang trong đà đi tới hội nhập và phát triển thì bạo lực nói chung và học đường nói riêng cũng để lại những hậu quả vô cùng đáng tiếc. Nó gây tổn thương về thể xác và tinh thần người bị hại, đến gia đình, người thân, bạn bè người bị hại. Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Cùng với những ảnh hưởng tới văn hóa truyền thống của xã hội thì hành vi bạo lực chốn học đường cũng đã là một phần không nhỏ làm mất trật tự xã hội. Với người gây ra bạo lự thì con người phát triển không toàn diện, đi ngược lại tính “người”, mất dần nhân tính. Đó là mầm mống của tội ác mất hết tính người sau này. Có khác gì người gây ra bạo lực tự làm hỏng tương lai của chính mình, gây nguy hại cho xã hội. Bị mọi người lên án, xa lánh, căm ghét.
Để hạn chế rồi chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, thiết nghĩ xã hội cần có những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ giáo dục con người trong gia đình, nhà trường, trong toàn xã hội, coi trọng dạy kĩ năng sống, vươn tới những điều chân thiện mỹ. Chúng ta cần có thái độ quyết liệt phê phán răn đe, giáo dục cải tạo, có biện pháp trừng phạt kiên quyết những người gây ra bạo lực làm gương cho người khác. Nghiêm cấm các game bạo lực. Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân học sinh. Tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu nghiệm nhất ngăn chặn bạo lực học đường.
Mỗi học sinh chúng ta – thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước cần tránh xa bạo lực học đường. Mỗi người cần mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực đừng vì e ngại cái xấu và cái ác mà lựa chọn cách im lặng. Im lặng chẳng khác gì tiếp tay cho cái xấu, cái ác. Bên cạnh việc học tập và rèn luyện thì hành trang cần thiết mà chúng ta cần cho mình là hình thành những quan niệm sống tốt đẹp, cư xử với mọi người bằng tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia bởi:
“Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau”
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 6
Học sinh là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, sự trau dồi bản thân của chúng ta ngày hôm nay sẽ quyết định đến thành công, giá trị tốt đẹp mà chúng ta có sau này. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn mà ta dễ dàng nhận thấy đó là vấn đề bạo lực học đường đang diễn ra ngày càng phức tạp. Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí, đạo lí, xúc phạm trấn áp danh dự, nhân phẩm của người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Bạo lực học đường hiện nay có xu hướng gia tăng nhanh chóng, diễn ra ở nhiều nơi do đó đang trở thành một vấn nạn của xã hội. Hành động bạo lực học đường có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như: xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, làm tổn thương về mặt tinh thần con người thông qua lời nói thậm chí là đánh đập, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực. Báo chí và các kênh truyền thông những năm gần đây đưa rất nhiều vụ tin tức về những người vi phạm đạo đức, có hành vi bạo lực học đường ở nhiều cấp độ khác nhau khiến ta cần suy nghĩ và nhìn nhận. Nguyên nhân của vấn nạn này đầu tiên phải kể đến là do sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân mỗi người học sinh, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống. Bên cạnh đó còn là do các bạn bị ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực: phim, ảnh, sách, báo, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng...) Sự giáo dục chưa đúng đắn, thiếu quan tâm của gia đình cũng là nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng. Bạo lực học đường để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách đối với các em học sinh, nó làm cho nạn nhân bị tổn thương về thể xác và tinh thần, gây ám ảnh một khoảng thời gian dài. Ngoài ra, nó còn tạo tính bất ổn trong xã hội: tâm lí lo lắng bất an bao trùm từ gia đình, nhà trường, đến xã hội; con người phát triển không toàn diện, mất dần nhân tính là mầm mống của tội ác mất hết tính người sau này. Để khắc phục vấn nan này, trước hết mỗi người cần nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại mà bạo lực học đường gây ra cho bản thân và cho người khác. Bên cạnh đó, thầy cô và nhà trường cần quản lí học sinh của mình một cách nghiêm khắc, kỉ luật hơn, có biện pháp mạnh để răn đe cũng như phòng trừ những trường hợp bạo lực học đường. Gia đình cũng cần quan tâm đến con em mình nhiều hơn, dạy con em mình cách sống yêu thương, tình nghĩa, đoàn kết với mọi người để hạn chế tối thiểu xảy ra các vụ bạo lực học đường. Vì một thế hệ công dân vừa có tài, vừa có đức, chúng ta hãy cùng nhau chung tay nâng đỡ những thế hệ học sinh sống với nhân cách cao đẹp ngay từ hôm nay.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 7
Môi trường học đường luôn có những vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn dư luận. Một trong số đó phải kể đến chính là nạn bạo lực học đường. Bạo lực học đường ngày nay càng gia tăng, hình thức biểu hiện ngày càng phức tạp (đánh bằng nắm đấm, thước, gậy, ghế, dao…; bêu rếu, dọa nạt, chửi bới, tung clip hành hung bạn lên các trạng mạng xã hội); tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến chết người. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiện tượng này là do sự nhận thức về đạo đức còn kém, coi nhẹ học đạo đức khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Môi trường học tập căng thẳng thêm vào đó, những xích mích trong cuộc sống cũng khiến cho các bạn dễ nổi nóng và xảy ra những hiện tượng không đáng có. Nguyên nhân chủ quan nữa dẫn đến nạn bạo lực học đường là gia đình thiếu quan tâm đến con em mình. Cha mẹ không quan tâm, chăm sóc, theo dõi con cái thì làm sao hiểu được tâm tư tình cảm của con cái, làm sao kịp thời ngăn chặn, uốn nắn những suy nghĩ, những hành động lệch lạc sai trái của con cái để hướng chúng đi trên con đường tốt đẹp được. Hậu quả của vấn nạn bạo lực học đường để lại hết sức nghiêm trọng: Đối với nạn nhân, gây tổn thương về thể xác, tinh thần, gia đình, người thân, bạn bè người bị hại. Đối với người có hành vi bạo lực không toàn diện, có thiên hướng bạo lực, là mầm mống của tội ác mất hết tính người sau này. Làm hỏng tương lại chính mình, gây nguy hại cho xã hội. Bị mọi người lên án, xa lánh, căm ghét. Chính vì thế, gia đình cần quan tâm sâu sắc tới con em mình và có mối quan hệ mật thiết với nhà trường, để biết con em mình hàng ngày học hành và sinh hoạt như thế nào? Hơn nữa, nhà nước cần mở ra nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho tầng lớp thanh thiếu niên để các bạn học sinh vừa học vừa chơi, tạo nên sự thoải mái và tình bạn bè gần gũi, thân thiết thì mới mong hạn chế bớt nạn bạo lực học đường. Các cấp chính quyền cần phải đồng bộ, quyết liệt hơn trong việc đẩy lùi những tệ nạn xã hội như ma túy, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, đua xe; đi sâu giáo dục tuổi trẻ lối sống đẹp, thổi vào lâm hồn tuổi trẻ luồng gió tươi mát hơn, trong lành hơn để thanh thiếu niên thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn, đáng sống hơn, thì nạn bạo lực học đường sẽ không còn.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 8
Môi trường học đường là môi trường học tập cung cấp cho chúng ta kiến thức, kỹ năng cùng các hành trang cần thiết để bước vào cuộc sống. Tuy nhiên, môi trường học đường- nơi an toàn và được coi là ngôi nhà thứ hai của mỗi người đang ngày một thay đổi. Nó bị bao phủ bởi màu sắc ảm đạm của những lời nói tục chửi bậy, những hành vi vô lễ, những hành động gian lận… Nhưng đặc biệt nghiêm trọng là vấn nạn bạo lực học đường.
Bạo lực học đường là gì? Đó là những hành vi ứng xử thô bạo gây tổn hại thân thể, tinh thần của người khác bất chấp ý lí lẽ. Bạo lực học đường là điểm nóng của ngành giáo dục hiện nay và đang có xu hướng ngày một gia tăng. Đối tượng của bạo lực học đường không chỉ gói gọn là giữa học sinh mà còn là cả thầy cô giáo.
Bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng dưới nhiều hình thức và con đường khác nhau. Nhưng diễn ra chủ yếu dưới hai hình thức là đánh đập thể xác, lăng mạ tinh thần qua mạng xã hội, cô lập trong lớp học. Nó lôi kéo sự tham gia không chỉ của một cá nhân mà thông thường là một nhóm sẽ cùng xúc phạm, đánh đập đối tượng nào đó. Chúng ta thấy xôn xao trên dư luận vụ nhóm nữ sinh cấp ba ở Hưng Yên đánh đập, lột đồ bạn học chỉ vì xích mích cá nhân. Rồi mười nữ sinh ở Quảng Ninh đánh hội đồng hai bạn học vào chiều ngày 6 tháng 4 năm 2019. Rất nhiều vụ việc bạo lực học đường thương tâm như vậy đang ngày ngày xảy ra.
Chúng ta còn biết đến vụ việc cô giáo Hải Phòng phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng, thầy giáo tát vào mặt, đánh vào đầu khiến học sinh nhập viện. Bạo lực học đường có nhiều biểu hiện khác nhau như vậy nên hành vi của nhiều người tưởng chừng trêu đùa nhưng rất có thể dẫn đến tình trạng bạo lực học đường.
Vậy đâu là nguyên nhân của bạo lực học đường? Nó có thể bắt đầu xảy đến từ những hành vi tưởng chừng vô hại, là “chuyện nhỏ” như nói móc, nhìn đểu, ghen ghét trong học tập, yêu đương. Các em học sinh còn quá nhỏ để nhận thức được hành vi và dễ dàng bị tác động từ phim ảnh, sách báo bạo lực. Suy nghĩ, hành động trong cơn nóng giận đến mất kiểm soát. Sự giáo dục thiếu hoàn chỉnh do non nớt trong tư duy cùng với sự thờ ơ của gia đình. Tất cả tạo điều kiện nuôi dưỡng mầm mống bạo lực học đường và khi có điều kiện nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Chúng ta đều biết đến những hậu quả nghiêm trọng mà bạo lực học đường gây đến đối với cả hai đối tượng là nạn nhân và người gây ra bạo lực. Nạn nhân của hành vi bạo lực học đường sẽ chịu tổn thương cả về thể xác, tinh thần. Sẽ trở thành ám ảnh trong cuộc đời các em. Cha mẹ, bạn bè người bị hại thì hoang mang lo lắng cho nạn nhân. Trong họ và xã hội đều có cái nhìn cảnh giác với môi trường học tập. Người gây ra bạo lực cũng phải gánh chịu nhiều hậu quả cho những sai lầm của mình. Người đó sẽ bị xa lánh, ghét bỏ, làm hỏng tương lai của chính mình và trở thành nỗi xấu hổ của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Dưới áp lực từ dư luận, dù là nạn nhân hai người bạo hành thì hậu quả để lại của bạo lực học đường đều rất nghiêm trọng đối với tương lai và sự phát triển của họ.
Giải pháp cho vấn nạn bạo lực học đường là hết sức cần thiết. Và giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về bạo lực học đường là yếu tố then chốt. Cần phải nhân rộng sự hiểu biết của mọi người để phòng tránh, ngăn chặn những hành vi không tốt. Hãy kết nối mọi người với nhau bằng tình yêu thương sự bao dung và lòng nhân ái. Phối hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội để tạo ra môi trường giáo dục và tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển nhân cách. Còn đối với những trường hợp cố tình vi phạm, pháp luật phải có những xử lý, răn đe cho phù hợp để ngăn chặn bạo lực học đường dù chỉ là mầm mống.
Mỗi cá nhân hãy cùng đóng góp sức lực để ngăn chặn bạo lực học đường. Phải có quan điểm nhận thức rõ ràng, biết phân biệt phải trái, đúng sai. Hình thành, rèn luyện, tu dưỡng những đức tính tốt đẹp. Tuyệt đối không a dua theo bè kết phái và làm ra những hành vi đáng xấu hổ. Đừng để con quỷ giận dữ trong bạn điều khiển. Trở thành nạn nhân hay người gây ra bạo lực học đường đều không phải mong muốn tốt đẹp. Hãy có ý thức để tự bảo vệ chính bản thân bạn và người xung quanh bạn.
Bạo lực học đường là hiện tượng không tốt đối và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Việc ngăn chặn, phòng chống, đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường rất thiết thực và cần thiết. Hãy cùng chung tay để nói không với bạo lực học đường. Xây dựng một môi trường giáo dục văn minh và nhà trường sẽ là nơi để học, để phát triển nhân cách, kỹ năng trong mỗi cá nhân.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 9
Bạo lực học đường trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, phát triển phức tạp. Tính chất và mức độ không ngừng tăng cao. Vấn nạn này trở thành một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối trong xã hội. Vậy làm thế nào để phòng chống bạo lực học đường?
Trước tiên, mỗi người cần hiểu rõ thế nào là bạo lực? Bạo lực là hành vi gây tổn hại đến người khác. Bao gồm tổn hại về cơ thể và tinh thần. Biểu hiện cụ thể như: đánh đấm vào cơ thể, mắng chửi, xỉ nhục, nói xấu, tung tin trên mạng, đụng chạm vào những vùng nhạy cảm, quấy rối, xâm hại, thậm chí bỏ rơi, không quan tâm, cô lập bạn cũng là một hành vi bạo lực...
Nguyên nhân đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày như: Tranh chấp nhau đồ đạc, nói xấu nhau, tung ảnh của nhau trên mạng xã hội, hiểu nhầm nhau, đọc trộm tin nhắn của nhau cũng dẫn tới bạo lực...
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn xuất phát từ những bất ổn tâm lí trong gia đình. Một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau thậm chí chúng thường xuyên bị đánh đập cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực.
Trong thời đại cách mạng 4.0, các em bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực từ mạng xã hội. Mạng xã hội vô tình đã định hướng ngôn ngữ và hành vi của bản thân các em. Mấy ngày nay, bản thân ngạc nhiên khi thấy rất nhiều học sinh nói câu: “Em làm vậy bố em đánh em không trượt phát nào!”. Tôi tò mò hỏi một em “Sao cô thấy mấy bạn hay dùng câu đó thế? Câu đó xuất phát từ đâu?” Bạn học sinh đó trả lời: Trên mạng đấy cô. Người nói là Fan cứng của anh “Khá Bảnh”. Vì khi anh ấy đi cắt tóc giống anh Khá thì bố anh ấy đã đánh anh ấy không trượt phát nào.
Đối với nhà trường cần nâng cao nhận thức của học sinh về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật. Hoạt động này khá đa dạng như thành lập tổ tư vấn tâm lí, giáo dục thông qua các giờ học, giờ sinh hoạt lớp, mời chuyên gia tâm lí.
Khi học trò có xích mích, mâu thuẫn thì giáo viên cần giúp học sinh tìm những cách giải quyết xích mích, mẫu thuẫn lịch sự, có văn hóa, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Thầy giáo cô giáo phải là nơi tin tưởng để các em tìm đến để nhờ tư vấn và giúp đỡ.
Đặc biệt, nhà trường cần tạo một không gian thân thiện, lành mạnh, xây dựng tổ tư vấn tâm lí học đường. Thầy giáo, cô giáo chính là những người sẽ giúp học trò vượt qua khủng hoảng tâm lí tuổi mới lớn và giúp các con tìm ra cách giải quyết tình huống tốt nhất.
Việc xử lý học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi xấu cần được xử lý nghiêm minh.
Cách thứ nhất, tìm cách tách khỏi môi trường ấy tạm thời. Kế sách mà chúng ta vẫn hay đùa vui đó là: trong ba sáu kế, kế chuồn là thượng sách. Lí do là bởi khi đó, người gây bạo lực cho chúng ta họ đang ở trạng thái tâm lí nóng giận, dễ bị kích động nên cách tốt nhất là ta sẽ tìm cách tách khỏi môi trường ấy tạm thời bằng việc đi đến một chỗ nào đó. Để cả ta và người gây bạo lực cho ta giữ bình tĩnh. Tuy nhiên, sau đó, khi đã bình tĩnh thì sẽ quay trở lại để nói chuyện hoặc giải quyết vấn đề hiểu lầm dẫn tới mâu thuẫn và bạo lực đó.
Trong trường hợp chúng ta bị kẻ gây bạo lực khống chế thì bình tĩnh quan sát tình huống và tìm cách để thoát thân bằng một số cách sau:
- Khi bị nắm tay và kéo đi. Ta có thể dùng đầu gối hoặc dùng cùi trỏ đánh lại, tìm khe hở của tay để thoát ra
- Khi bị ôm ghì từ phía sau ta có thể huých vào tay, dẫm vào chân hoặc tìm cách ngồi xuống và bỏ chạy
Cách thứ hai là có thể tìm người tin cậy để giúp đỡ. Ví dụ: Ở trường, ta có thể báo, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô. Ở nhà, có thể nói với bố mẹ hoặc báo công an…
Tóm lại dù là giáo viên, phụ huynh hay học sinh đều phải có trách nhiệm trong việc phòng chống bạo lực học đường. Nên mỗi người cần phải biết kiềm chế để không nổi nóng, biết nhận lỗi khi mình làm sai và có lòng vị tha. Như vậy mới có thể nói không với bạo lực học đường.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 10
Bạo lực học đường là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Đó là những hành động xấu và thiếu văn hóa của một số bạn trẻ. Họ đánh nhau thay vì dùng lời nói, họ sẳn sàng lăn xả vào nhau vì những lí do hết sức nhỏ bé. Đây là một hiện tượng xấu, mang lại nhiều tác hại tiêu cực cho người bị bạo lực và gia đình họ. Vấn đề bạo lực học đường là vấn đề lớn của cả xã hội nên tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong việc này.
Bạo lực học đường là những hành động xấu, tác động đến thể chất và tâm lý của người bị hại. Đó có thể là sự đánh đập, hành hạ thân thể hay đe dọa, xúc phạm về tinh thần. Có thể vì những hiềm khích nhỏ trong cuộc sống hay học tập, các bạn học sinh sẳn sàng đánh nhau. Một người đánh một người, nhiều người đánh một người rồi nhiều người đánh nhiều người. Tất cả đôi khi chỉ vì những lý do hết sức nhỏ nhặt. Hoặc họ đe dọa nhau về mặt tinh thần, xúc phạm nhân cách người khác. Hiện nay, bạn bạo lực học đường ngày càng có chiều hướng gia tăng và mức độ nguy hiểm hơn. Dù ở khía cạnh nào đi nữa thì nạn bạo lực học đường cũng gây ra những tác hại vô cùng to lớn.
Trước hết, những người bị bạ hành bị những đau đớn về thể xác. Nặng hơn, họ có thể vĩnh viễn không quay trở lại trường học được nữa. Nhưng nỗi đau thể xác không thể sánh bằng những nỗi đau về tinh thần. Người bị bạo hành sẽ có cảm giác bất an, tinh thần bất ổn và hay mắc chứng lo sợ. Thậm chí nhiều người còn bị trầm cảm kéo dài. Gia đình của những người bị bạo lực gia đình cũng đau buồn không kém. Họ đau buồn về những gì mà con em mình phải chịu đựng. Trong khi đó, những học sinh gây ra bạo lực đôi khi lại càng hung hăng hơn. Dần dần, họ trở thành những con người xấu. Và sau này, khi lớn lên, liệu họ có tấm lòng lương thiện hay lại thích động tay động chân như vậy?!
Nạn bạo lực học đường được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chính là do bản thân các bạn học sinh. Chính những suy nghĩ và hành động chưa “lớn” của mình đã tạo nên những sự nhức nhối cho xã hội. Ngoài ra, sự thiếu quan tâm của cha mẹ cũng là một yếu tố khiến các bạn trở nên lêu lỏng. Hãy ảnh hưởng xấu của xã hội cũng không thể phủ nhận được. Nhiều phim ảnh mang tính bạo lực được lan truyền trên nhiều phương tiện mà thiếu sự kiểm soát. Điều đó cũng ảnh hưởng đến tâm lý và hành động tiêu cực của các bạn trẻ.
Hơn ai hết, gia đình sẽ là nơi yêu thương và giáo dục các bạn học sinh đầu tiên. Nếu được sống trong một môi trường giáo dục tốt, những suy nghĩ và hành động của các bạn sẽ ôn hòa và tình cảm hơn. Bên cạnh đó, vai trò của nhà trường và thầy cô cũng vô cùng quan trọng. Nhà trường cần giáo dục các em về đạo lý và cách cư xử giữa người với người. Thầy cô cần răn đe và chỉ rõ cho các bạn những gì mình đã làm chưa đúng. Riêng bản thân các bạn học sinh, cần nói không với bạo lực học đường. Không tham gia đánh nhau hoặc tổ chức đánh nhau mà hãy tập trung học và vui chơi lành mạnh.
Nạn bạo lực học đường đang là vấn nạn lớn của cả xã hội và ngày càng phức tạp. Nói như vậy không phải là không thể ngăn chặn được nạn bạo lực này. Mỗi người trong chúng ta cần phải hành động và làm những gì để góp phần hạn chế và tiến đến xóa bỏ nạn bạo lực học đường. Gia đình, nhà trường cần giáo dục tốt và tạo môi trường học tập thân thiện, lành mạnh để các bạn học sinh học tập. Hãy nói và chia sẻ với nhau nhiều hơn thay vì dùng hành động. Hãy yêu thương lẫn nhau và đừng làm tổn thương nhau. Và hãy để nạn bạo lực học đường chỉ còn là quá khứ!
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 11
Trường học vốn là môi trường dạy dỗ con người kiến thức và đạo đức. Hiện tượng bạo lực học đường đi ngược lại với tôn chỉ ấy. Bạo lực học đường là một vấn nạn gây nhức nhối của ngành giáo dục và toàn xã hội.
Bạo lực học đường là những hành vi bạo lực, xâm hại tinh thần và thể xác người khác xảy ra ở môi trường học đường. Đây không phải là hiện tượng mới nhưng đang xảy ra ngày càng nhiều và có tính chất nghiêm trọng hơn. Bạo lực có thể được khơi nguồn từ những hành động rất nhỏ như va chạm trong lúc chơi đùa, nhìn nhau trên đường đi, phán xét nhau trên mạng xã hội,…
Những hậu quả nó để lại vô cùng nghiêm trọng. Trước hết, bạo lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân học sinh. Đó sẽ là những nỗi ám ảnh về tinh thần và sự đau đớn về thể xác. Có rất nhiều vụ bạo lực học đường đã cướp đi sinh mạng của những bạn trẻ. Dù là thể xác hay tinh thần thì tất cả những ảnh hưởng đó đều tác động mạnh đến tương lai của những người liên quan đến vụ bạo lực. Không chỉ vậy, hành vi bạo lực cũng đem đến tác động xấu cho xã hội. Nó như loài virus dễ dàng lây lan tới người xung quanh và tới thế hệ đi sau.
Để xóa bỏ nạn bạo lực học đường, bản thân mỗi người cần học cách kiềm chế cảm xúc, duy trì thói quen sống lành mạnh, có nhận thức rõ ràng về hành vi của mình. Nhà trường cũng cần rèn luyện kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động ngoại khóa mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh. Gia đình, người thân, bạn bè cần quan tâm tới các em học sinh. Lứa tuổi học sinh còn ngây ngô và nhạy cảm nhưng cũng khao khát chứng tỏ bản thân. Nếu không được định hướng đúng, bất cứ ai cũng có thể trở thành hung thủ hoặc nạn nhân của bạo lực học đường.
Học sinh là lực lượng tương lai sẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, ai trong chúng ta cũng đều có trách nhiệm bảo vệ và rèn luyện lớp trẻ để trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 12
Bạo lực học đường đã và đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong trường học hiện nay, nó gây ảnh hưởng đến tâm lý chung và sự phát triển chung của học sinh.
Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí đạo đức xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Bạo lực học đường có thể xảy ra dưới nhiều hình thức và thật đáng buồn, đáng hổ thẹn thay khi những con người còn đang ngồi trên ghế nhà trường, những con người đã và đang hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với những kiến thức sách vở, toàn là những kiến thức văn minh, văn hóa, đạo đức mà lại chỉ thích xúc phạm, lăng nhục, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự người khác, làm tổn thương về mặt tinh thần thông qua lời nói, đánh đập, tra tấn, hành hạ dã man làm tổn thương về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực.
Trong những năm gần đây tình trạng bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn lớn ngày càng gia tăng làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục và các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Tại Việt Nam, số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Cũng theo thống kê của Bộ GDĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau, cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau… Bạo lực học đường đã trở thành mối quan tâm của rất nhiều gia đình, nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội bởi hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra.
Nạn bạo lực học đường xảy ra là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, về khách quan là thấy ngày nay học sinh bị tác động nhiều của các phương tiện truyền thông, phim ảnh, internet. Những phim ảnh, những trang web đầy bạo lực và khiêu dâm lan tràn trên các trang mạng xã hội đã làm vẩn đục tâm hồn của học sinh và sinh viên, làm cho giới trẻ dần dần đánh mất đi tính lương thiện, đánh mất những ước mơ, hoài bão cao đẹp của đời mình biến họ trở thành những kẻ thực dụng, ăn chơi sa đọa, đua đòi, tiêm nhiễm theo lối sống không lành mạnh.
Về mặt chủ quan, ta dễ dàng nhận thấy kỉ cương trong nhà trường của chúng ta còn quá lỏng lẻo, chưa thực sự thiết chế nội quy chặt chẽ. Điều đó khiến cho học sinh chẳng còn coi kỉ luật của nhà trường ra gì cả, nên tha hồ đánh nhau, trấn lột lẫn nhau mà cũng không sợ bị phát hiện.
Một nguyên nhân chủ quan nữa dẫn đến nạn bạo lực học đường là gia đình thiếu quan tâm đến con em mình. Cha mẹ chỉ lo làm ăn, cung cấp tiền bạc cho con cái tiêu xài, ngoài ra chẳng biết con cái mình học hành như thế nào. Quan hệ với bạn bè tốt xấu ra sao… Tâm tư, tình cảm của tuổi mới lớn, cha mẹ cũng không nắm bắt kịp hoặc là không có thời giờ để quan tâm.
Một yếu tố nữa cũng tác động rất lớn đến lối sống của tuổi trẻ hiện nay đó là sự ăn chơi đua đòi theo lối sống phương Tây không phù hợp. Bên cạnh đó còn có nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc ngoài xã hội cũng đã phá hủy tâm hồn tuổi trẻ, làm băng hoại tâm hồn tuổi trẻ, khiến nhiều thanh thiếu niên phạm tội và dẫn đến nạn bạo lực học đường.
Những cảnh bạo lực học đường, trong đó có những cảnh nữ sinh mặc áo dài trắng thướt tha mà lại ngoắt một cái có thể lao vào nhau, cấu xé nhau, xé rách quần áo của nhau, những cảnh học sinh lớp này và học sinh lớp kia trong một trường đánh nhau tập thể như những tên xã hội đen thực thụ, rồi chính người trong cuộc còn tung lên mạng trong sự hả hê mà không hề biết rằng đã làm đau nhói trái tim của những bậc sinh thành và những con người đang trăn trở về tương lai của xã hội, của đất nước.
Trước hết, để hạn chế được vấn đề này, chúng ta phải lập lại kỷ cương trong nhà trường, phải đặt nặng vấn đề giáo dục nhưng cũng phải mạnh tay hơn đối với những học sinh quá kém về đạo đức, cần phải mời những em học sinh đó ra khỏi nhà trường, nếu không chúng ta sẽ rơi vào sự bế tắc khó gỡ bỏ. Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm sâu sắc tới con em mình và có mối quan hệ mật thiết với nhà trường.
Đồng thời, nhà nước cần hạn chế những phim ảnh bạo lực, những quán bar… và mở ra nhiều sân chơi bổ ích, lành mạnh cho tầng lớp thanh thiếu niên như xây dựng, mở ra nhiều sân vận động, câu lạc bộ thể thao, các câu lạc bộ về những môn nghệ thuật để các bạn học sinh vừa học vừa chơi, tạo nên sự thoải mái và tình bạn bè gần gũi, thân thiết thì mới mong hạn chế bớt nạn bạo lực học đường.
Hơn nữa, các cấp chính quyền cần phải đồng bộ, quyết liệt hơn trong việc đẩy lùi những tệ nạn xã hội như ma túy, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp, đua xe; đi sâu giáo dục tuổi trẻ lối sống đẹp, thổi vào tâm hồn tuổi trẻ luồng gió tươi mát hơn, trong lành hơn để thanh thiếu niên thấy cuộc sống này tươi đẹp hơn, đáng sống hơn, thì nạn bạo lực học đường sẽ không còn nữa. Không biết xã hội sẽ đi về đâu khi bộ phận không nhỏ của tuổi trẻ hôm nay sống không có lý tưởng, đi ngược lại truyền thống đạo lý có tự nghìn xưa của dân tộc, sống theo lối sống cá nhân, ăn chơi hưởng lạc, sống không có mục đích ở ngày mai.
Trường học là một môi trường tốt nhất không những cung cấp cho chúng ta những tri thức về khoa học mà còn là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, sinh viên, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thanh cao hơn, trong sáng hơn, trang bị cho chúng ta một quan niệm đúng đắn về cuộc sống, một lẽ sống cao đẹp… Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến nhiều người làm công tác giáo dục nói riêng, các cấp chính quyền và toàn xã hội nói chung đang lo lắng trước sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường.
Toàn xã hội phải cần quan tâm, cần có những biện pháp quản lí, ngăn chặn những hành động có hại đến môi trường văn hóa, xã hội. Quan tâm, nâng cao văn hóa gia đình, người lớn cần phải làm gương, ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án, loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình. Phối hợp ba môi trường giáo dục: Gia đình - Nhà trường – Xã hội. Nhà trường cần quan tâm tổ chức thực hiện việc dạy kĩ năng sống cho học sinh một cách nghiêm túc, hiệu quả. Mỗi học sinh cần biết kiềm chế bản thân, giữ cho trái tim luôn ấm nóng tình yêu thương, ý thức rõ ràng về hành động và hậu quả mình gây ra.
Khi có tình trạng bạo lực xảy ra trong học đường thì tất cả mọi học sinh, dù không liên quan thì cũng không nên chỉ biết đứng nhìn mà nhanh chóng báo cáo với ban giám hiệu nhà trường, báo cáo cho các cơ quan công an địa phương… để hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra.
Tình trạng bạo lực học đường đã và đang gây nhức nhối cho xã hội, thế nhưng chúng ta không nên đánh mất niềm tin vào con người. Hiện tượng bạo lực học đường chỉ là một mảng tối trong bức tranh của toàn xã hội hiện nay. Nhưng không vì thế chúng ta mất niềm tin vào thế hệ trẻ, cần phải có biện pháp triệt để vấn đề này, lôi những nạn nhân đang bế tắc ra nơi ánh sáng.
Cần nhận thức đúng đắn về vấn nạn bạo lực học đường. Cần sống có lí tưởng, sống với trái tim đạo đức và đầy sự yêu thương, chung tay cùng với gia đình, nhà trường và toàn xã hội đẩy lùi bạo lực ra khỏi học đường, hãy diệt trừ tận gốc mầm mống đầu tiên bằng cách răn đe và xử phạt thật nghiêm minh.
Với mục tiêu giáo dục những mầm non tương lai của đất nước, vấn đề bạo lực học đường cần được thật sự chú trọng quan tâm.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 13
Trước kia, chúng ta thường có tâm lí chủ quan nghĩ rằng bạo lực học đường là một vấn đề hết sức xa xôi, ít xảy ra, không phổ biến. Cũng do đó, mọi người cũng không ý thức về tầm ảnh hưởng, tác động, hậu quả nghiêm trọng của hiện tượng này. Song, thời gian gần đây, nó lại trở thành một vấn đề nóng bỏng trên các báo, các trang web. Đứng trước thực trạng này chúng ta cần có nhận thức và hành động như thế nào?
Bạo lực học đường diễn ra rất nhiều ở các trường học, từ Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tới cả Đại học mà nhiều nhất là ở các trường THCS và THPT trên quy mô cả nước. Chỉ cần một thao tác rất nhanh trên google ta có thể tìm thấy hàng loạt các video clip quay cảnh bạo lực của cả nữ sinh lẫn nam sinh. Dường như bạo lực học đường đã trở thành một “mốt” thời thượng của học sinh, để khẳng định vị trí của mình với mọi người, cho mọi người biết ta đây hơn người và chính vậy đã khiến bạo lực học đường diễn ra mạnh mẽ, rầm rộ hơn.
Bạo lực học đường có nhiều hình thức khác nhau. Nhẹ thì tát, đấm, túm tóc, đá, đạp, nặng hơn thì dùng dao rạch mặt, dùng giày cao gót đánh vào đầu... thậm chí còn chém đứt tay, chém ngang người, nguy hiểm đến tính mạng và tinh thần. Bạo lực học đường có thế diễn ra giữa học sinh cùng trường hay khác trường, giữa cá nhân hay một nhóm người, giữa thầy cô và học sinh... Có một sự thật không thể phủ nhận là hiện tượng bạo lực học đường ngày càng diễn ra nhiều hơn và quy mô rộng hơn. Không phải chỉ có những trường ở thành phố, thành thị mới có bạo lực học đường mà ngay cả những trường vùng ven, miền núi hay nông thôn cũng không hiếm. Không chỉ “solo” đánh tay đôi mà những hiện tượng bạo lực học đường còn có sự tham gia của các băng nhóm hội tụ các tay anh, tay chị trong trường.
Nhưng bên cạnh những trận đánh giữa các học sinh còn có một phần nhỏ những xích mích giữa giáo viên và học sinh. Học sinh xúc phạm, lăng mạ, chà đạp nhân phẩm của giáo viên cũng có mà giáo viên đánh đập, sỉ nhục, đay nghiến học sinh cũng không phải là ít. Bạo lực học đường đang diễn ra một cách mạnh mẽ, sôi động, rầm rộ ở nhiều trường học trên phạm vi cả nước với nhiều hình thức khác nhau.
Gây bạo lực học đường là tự làm hỏng tương lai chính mình, gây nguy hại cho xã hội và khiến mọi người lên án, xa lánh, căm ghét. Chúng ta cần có những biện pháp gì để chống bạo lực học đường? Những người gây ra bạo lực học đường cần cố gắng mở rộng nâng cao nhận thức, giữ cho trái tim luôn ấm nóng tình yêu thương và ý thức rõ ràng về hành động do bản thân thực hiện. Hiện nay xã hội nói chung và nhà trường nói riêng đều đang tìm cách để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường diễn ra. Chính vì vậy, bản thân là một học sinh chúng ta nên tránh những hành vi xấu mang tính không lành mạnh trong khu vực giảng đường, hãy cư xử như một người học sinh đúng mực.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 14
Trong những năm gần đây nạn Bạo lực học đường là một vấn nạn lớn, làm đau đầu các nhà quản lí giáo dục và các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Gây bức xúc và gây tâm lý hoang mang cho phụ huynh, thầy cô và học sinh. Vậy làm thế nào để giải quyết được tình trạng này.
Chỉ cần lên Google đánh cụm từ "Học sinh đánh nhau" thì chỉ cần (0,08 giây) thì kết quả google tìm kiếm là 3.140.000 cụm từ liên quan đến việc học sinh dùng bạo lực để giải quyết những khúc mắc. Đây là một con số thật khủng khiếp và đáng báo động. Hoặc chỉ cần vào Youtube bạn sẽ thấy những hình ảnh, những thước phim bạo lực do học sinh quay lại và tung lên mạng. Những thước phim quay cảnh đấm đá vô nhân tính của các cô cậu mang đồng phục học trò đang đấm đá, xé áo, lột quần, túm tóc gây ám ảnh cho người xem và nỗi đau về một thế hệ tuổi trẻ với những nhân cách đang bị băng hoại nghiêm trọng.
Những nguyên nhân dẫn đến hành vi bạo lực thường là những hành vi do: học sinh cá biệt thành lập băng nhóm để ức hiếp bạn bè; do ảnh hưởng từ phim ảnh bạo lực; do ghen tị về thành tích học tập; do mâu thuẫn nhỏ trong bạn bè dẫn đến xích mích, nổi nóng thiếu kiềm chế; bên cạnh đó là những nguyên nhân cỏn con như "thích thì đánh cho nó chừa", "nhìn đểu".
Ông Phạm Ngọc Lưu, Trợ lý thanh niên Phòng Giáo dục quận 9, Tp Hồ Chí Minh cho rằng: Vấn đề bạo lực học đường hiện nay đang ở mức báo động cấp thiết, đang có nguy cơ nổ bùng và lan rộng. Và sẽ càng nguy hiểm hơn nếu bản thân các em tìm cách tự trả thù theo kiểu "xã hội đen" mà không cần đến sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường.
Nguyên nhân của những vụ việc trên có thể do học sinh bị tiêm nhiễm từ lối cư xử của các đối tượng bên ngoài nhà trường, thậm chí là những người lớn trong gia đình. Nhiều học sinh có cha mẹ hoặc người thân là những người hành nghề tự do trong xã hội và có cách cư xử không đúng chuẩn mực. Chính những thói quen ứng xử hằng ngày của họ đã vô tình gieo trong đầu các em những suy nghĩ không tốt, dẫn đến việc các em có lối cư xử, hành xử không hay trong nhà trường với bạn bè.
Bạo lực học đường để lại những hậu quả nghiêm trọng, khó lường:
Gây tổn thương và gây dư chấn về tinh thần và thể xác: học sinh bị bạn bè đánh đập rồi bị quay phim tung lên mạng sẽ dễ bị chấn thương tâm lí, sốc về tinh thần, cảm thấy quê với bạn bè, xấu hổ với mọi người xung quanh. Vụ ba học sinh ở thành phố Vinh (Nghệ an) hành hung bạn, vụ học sinh Hà Nội hành hạ bạn giữa vườn hoa công viên: túm tóc, lột áo. Vụ học sinh trường THCS Chu Văn An (Tp Hồ Chí Minh) đánh bạn, quay phim làm nhức nhối dư luận trong thời gian qua. Chưa hết bàng hoàng thì vừa qua vào tháng 5 năm 2010 học sinh lớp 10 ở trường THPT Hồng Bàng tỉnh Đồng Nai đâm chết bạn ngay tại cửa lớp. Thầy Nguyễn Văn Đạo (42 tuổi), dạy môn Vật lý của trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi bị một nhóm học sinh đánh bị thương nặng phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đặng Thuỳ Trâm, huyện Đức Phổ. Những thông tin này trong một bài viết ngắn không thể đem lên hết được nhưng cũng đủ để chúng ta gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy đồi đạo đức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam.
Đau lòng hơn nữa khi mà những học sinh bị đánh, thầy cô giáo bị hành hung không phải xây xát nhẹ mà phải nằm viện với di chứng về tổn thương thể xác. Bị gãy tay chân, bị chấn thương sọ não. Thậm chí bị hoảng loạn, bị thần kinh, bỏ học, bỏ dạy.
Giải pháp nào cho Bạo lực học đường? Có Bốn giải pháp cấp thiết xóa bạo lực học đường:
Toàn xã hội cần phải củng cố, nâng cao chất lượng môi trường xã hội, văn minh tiến bộ. Cần có biện pháp quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội. Nghiêm cấm các game bạo lực.
Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình. Trong từng gia đình, người lớn phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình.
Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục: gia đình – nhà trường – xã hội. Các cơ quan báo chí phải quan tâm thỏa đáng đối với lĩnh vực văn hóa, đạo đức và chấp hành luật pháp của mọi người dân.
Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí của người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Người thầy và nhà trường phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe học sinh.
Nhà trường cần phát huy trách nhiệm đội ngũ giáo viên chủ nhiệm trong việc kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng cá nhân học sinh.
Tình thương, trách nhiệm là phương thuốc hiệu nghiệm nhất ngăn chặn bạo lực học đường. Theo bản thân người viết: Học sinh cần nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân, biết kiềm chế được, biết nhận lỗi khi mình làm sai và biết vị tha khi bạn nhận ra lỗi lầm.
Với học sinh cá biệt, cần có sự quan tâm của gia đình - nhà trường - xã hội. Nếu tiếp tục vi phạm cần xử lý nghiêm bằng cách cho đi cải tạo, giáo dục nhân cách. Vì một môi trường học đường lành mạnh, Học sinh "HÃY NÓI KHÔNG VỚI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG". Mỗi người lớn trong gia đình phải là tấm gương lớn cho con em noi theo.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 15
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng được nâng cao. Giới trẻ là thành phần được quan tâm nhiều nhất. Nhưng ta cũng nên nhìn nhận một cách khách quan rằng xã hội thay đổi quá nhanh. Con người ngày càng có những đòi hỏi cao hơn ở cuộc sống. Nhu cầu của nhân loại dần được thay thế, cũng như người ta “muốn ăn ngon mặc đẹp” thay vì “ăn no mặc ấm”. Và chính vì sự thay đổi đột ngột của xã hội mà hành vi, lối sống của một số thanh niên, học sinh, sinh viên ngày càng sai lệch.
Lứa tuổi cắp sách đến trường, có thầy cô, có bạn bè thì không ai có thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xích mích đối với những người xung quanh. Trước đây, đó cũng chỉ là những chuyện bình thường, người ta cãi nhau như để tranh luận, để tìm ra cái sai của mỗi người, để tập nói tiếng xin lỗi, cảm ơn và đôi khi lại có thêm người bạn mới. Nhưng hiện tại, những vấn đề này không chỉ đơn thuần là tranh cãi trong phạm vi nhà trường mà dường như nó đã vượt ra đến tầm ảnh hưởng của pháp luật.
Kết quả nghiên cứu về hành vi bạo lực trong nữ sinh trung học (với 200 phiếu khảo sát tại 2 trường THPT ở Hà Nội) được khảo sát cho thấy: có đến 96,7% số học sinh trả lời ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, mức độ là 44,7% rất thường xuyên, 38% thường xuyên. Trả lời quan niệm của các em về hiện tượng đánh nhau giữa các học sinh nữ: hơn 45% cho rằng đó là "bình thường".
Mới đây, dư luận còn chưa hết bàng hoàng trước video clip một học sinh nữ đánh bạn dã man được xác định là học sinh trường THPT Trần Nhân Tông thì người ta lại tiếp tục sốc với khoảng 4 video clip khác được đăng rầm rộ trên mạng mà điều đặc biệt là những “diễn viên” trong các đoạn clip trên đều là học sinh nữ.
Tôi vẫn nhớ như in, từ lúc bắt đầu vào lớp một – ngày đầu tiên cắp sách đến trường cho đến hôm nay là một học sinh THPT, mỗi khi bước vào lớp, đập vào mắt tôi là dòng chữ “tiên học lễ, hậu học văn”. Người ta học lễ nghĩa, học văn hóa, người ta học làm người trước rồi mới đến những kiến thức cần thiết trong cuộc sống. Người Việt Nam tôn trọng đạo đức hơn tất cả. Ấy thế mà chỉ vì những lý do không đáng, một số học sinh sẵn sàng ra tay đánh bạn giữa chốn đông người, chà đạp nặng nề lên nhân phẩm người khác. Đó là bản thân họ đã có lỗi, họ đã không nhìn ra cái sai để sửa chữa. Một phần nữa ta cũng nên nhìn nhận rằng xã hội bây giờ quá thờ ơ. Thế nên mới có cảnh nhiều người ngồi thản nhiên trên ghế đá xem bạn cùng trường của mình bị một bạn khác đánh mà vẫn làm ngơ như kiểu: “đó không phải là trách nhiệm của tôi”. Hay có nhiều người khác lại quan tâm bằng cách quay hình lại truyền mạng.
Một trong những nguyên nhân cơ bản như đã nêu trên là tình trạng nhiều nơi chú trọng về chữ, nhẹ về dạy người. Đạo đức dần bị bỏ quên. Học sinh học tập căng thẳng nên dễ dẫn đến những tình trạng ức chế về tâm lý. Cộng với ở độ tuổi vị thành niên, học sinh thường có những suy nghĩ bốc đồng, mang trên mình cái tôi cá nhân quá lớn. Lòng tự trọng dần biến thành cục tự ái to đùng lúc nào không hay nên hay nổi nóng vì những chuyện không đáng và có khi gây ra những hậu quả đáng tiếc cho bản thân và cho người khác. Nhiều bạn trẻ quan niệm rằng: dùng bạo lực có tác dụng nhanh, hiệu quả tức thì, đối phương phải phục tùng mình. Thế nên tình trạng bạo lực học đường cứ tiếp diễn từ ngày này sang ngày khác, truyền từ người này sang người khác.
Khi xảy ra bạo lực học đường, việc dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật ngoài xã hội chỉ là khoảng cách ngắn. Nếu hành vi bạo lực học đường không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và giải quyết triệt để sẽ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật ở ngoài trường gây hậu quả nghiêm trọng.
Các giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn bạo lực học đường hiện nay đầu tiên là tuyên truyền, giáo dục học sinh để tác động đến ý thức của học sinh về truyền thống dân tộc, nhân cách, lối sống và ý thức chấp hành luật pháp. Tiếp đến là tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách pháp luật đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Xây dựng củng cố các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan chức năng có liên quan. Việc xử lý học sinh vi phạm pháp luật, bạo lực học đường chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh sửa chữa sai lầm trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi xấu cần được xử lý ngay tại cộng đồng để phát huy vai trò trách nhiệm của chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố, gia đình, nhà trường. Việc tách các học sinh ra khỏi môi trường xã hội, gia đình đưa vào trường giáo dưỡng, trại giam chỉ là biện pháp cuối cùng.
Là công dân Việt Nam, là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Tôi luôn nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện đạo đức, chính trị, học tập văn hóa xã hội để có kiến thức bền vững, để trở thành một công dân tốt, để đưa con tàu Việt Nam ra biển lớn sánh vai cùng năm châu.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 16
Ngôi trường trong kí ức của những cô cậu học trò là nơi lưu giữ những tháng ngày tươi đẹp, trong trẻo và đầy mơ mộng nhất của cuộc đời. Nhưng giờ đây, chúng ta phải nhìn nhận một vấn nạn đang ngày càng phổ biến trong trường học và phá hủy năm tháng cắp sách của những đứa trẻ: bạo lực học đường.
Thế nào là bạo lực học đường? Đó là hành động dùng vũ lực bằng tay chân, các vật dụng nguy hiểm hay dùng những phát ngôn thô bạo sỉ nhục gây ra tổn thương và thiệt hại cho người khác về nhiều mặt. Nó xảy ra trong một môi trường mà nhiều người vẫn cho rằng an toàn nhất: trường học. Trong một vài năm trở lại đây, vấn nạn này nhen nhóm dưới nhiều hình thức mới nghiêm trọng hơn và ngày càng nhận được sự quan tâm được cộng đồng.
Bạo lực học đường có thể biểu hiện từ những hành vi nhỏ nhất xảy ra hằng ngày, xảy ra giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, từ nam cho đến nữ. Nhiều giáo viên đã thay vì dùng những lời lẽ giảng giải nhẹ nhàng để giúp học trò của mình nhận thức được vấn đề thì họ lại so sánh những đứa trẻ ngây thơ ấy với những con vật, những đồ vật vô tri vô giác hay dùng biện pháp đánh đập roi vọt để răn đe, đay nghiến. Gần đây nhất, liên tục nổ ra hiện tượng bảo mẫu hay các cô trông giữ trẻ dùng dép hay tát những đứa bé mới chỉ bốn năm tuổi gây bức xúc trong dư luận. Học sinh từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng cộng thêm với tâm lý bốc đồng đã đẩy sự việc đi quá xa dẫn đến những vụ đánh nhau đẫm máu, những clip xé quần áo, rạch mặt . Cũng có những nạn nhân của bạo lực học đường là những học sinh nhút nhát, rụt rè, không giao lưu với mọi người dẫn đến bạn bè cô lập ức hiếp.
Vấn nạn này đang biến chuyển ngày càng phức tạp xuất phát do sự thiếu sót của nhiều phía. Nó xảy ra ngay trong môi trường giáo dục chắc hẳn do ban lãnh đạo nhà trường chưa thực sự quan tâm đến tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của học sinh, sự lắng nghe dưới mái trường chưa thực sự được thường xuyên. Đặc biệt gia đình của các em có nhiều bậc cha mẹ vẫn giữ quan niệm “thương cho roi cho vọt” nên khi giáo viên dùng roi vọt với con mình, họ không dám lên tiếng tố cáo, bênh vực. Trong tâm niệm của phụ huynh, những người thầy người cô luôn là tượng trưng cho sự giáo dục đúng đắn nên họ hoàn toàn tin tưởng vào cách dạy dỗ ấy. Học sinh cũng vì e dè sợ sệt mà chịu đựng bạo lực học đường một mình, không có sự đồng hành và thông cảm từ phía gia đình, bạn bè.
Sau những lời lẽ xúc phạm, những hành động đánh đập là sự tổn thương và mất mát không thể lấp đầy. Những nạn nhân sẽ bên cạnh tổn thương về thể xác còn là sự khủng hoảng về tinh thần. Các em thường rơi vào trạng thái bi quan, bế tắc. Nếu suy nghĩ lo âu quá nhiều còn dẫn đến tình trạng căng thẳng, rối loạn. Thậm chí, có nhiều trường hợp, những đứa trẻ ấy đã khép lại cuộc đời mình với một giấc ngủ, khép lại mọi cảm giác đau đớn. Mỗi sự mất mát đều là một khoảng trống không thể lấp đầy với gia đình và tương lai của xã hội.
Đã đến lúc tất cả chúng ta đều phải hành động để bảo vệ những nụ cười hồn nhiên vì đó là cũng chính là những công dân quyết định đến sự phát triển sau này của đất nước. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của các em, luôn làm bạn với các em bằng tất cả sự chân thành, xoa dịu tổn thương mà các nạn nhân đã chịu đựng. Đồng thời các vụ việc bạo lực học đường chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Chúng ta vẫn phải có niềm tin vào giáo dục, vào những giáo viên nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người, vào những học trò ngoan ngoãn lương thiện.
Để giải quyết một vấn nạn đang nhức nhối, đó không phải là công việc đơn lẻ, dễ dàng mà là cả một quá trình với sự giúp sức chung tay không chỉ từ những người trong ngành giáo dục mà còn từ mỗi công dân trách nhiệm bởi “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 17
Bạo lực học đường đang là một vấn đề gây bức xúc dư luận và làm xấu hình ảnh trường học. Nó là những hành vi thô bạo, dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề giữa các bạn học sinh , xâm phạm đến thân thể, xúc phạm danh dự và làm tổn thương tinh thần của bạn. Bạo lực học đường ngày nay càng gia tăng, hình thức biểu hiện ngày càng phức tạp (đánh bằng nắm đấm, thước, gậy, ghế, dao…; bêu rếu, dọa nạt, chửi bới, tung clip hành hung bạn lên các trạng mạng xã hội); tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng , thậm chí dẫn đến chết người. Có nhiều nguyên dân dẫn đến bạo lực học đường, có thể kể đến nguyên nhân trực tiếp là do mâu thuẫn, xích mích, thích thể hiện cái tôi, bị bạn bè kích động, rủ rê lôi kéo. Nguyên nhân gián tiếp là do thiếu kĩ năng sống, không có kĩ năng giải quyết mâu thuẫn, gia đình và nhà trường chưa giáo dục nghiêm minh, triệt để, các biện pháp kỷ luật chưa đủ sức răn đe.
Hậu quả, nó gây tổn thương cả về thể xác và tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân và người gây ra. Mọi hành vi của bạo lực học đường đều được gia đình, nhà trường, xã hội lên án mạnh mẽ cùng các biện pháp xử lý nghiêm ngặt. Việc ngăn chặn bạo lực học đường cần phải có sự phối hợp của tất cả mọi người, cần phải giáo dục tốt kĩ năng sống, hiểu biết cho học sinh, tạo sân chơi lành mạnh để tránh xa những trò chơi bạo lực. Mọi người cùng cố gắng vì một môi trường KHÔNG có bạo lực học đường.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 18
Xã hội ngày càng phát triển, con người càng phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực mà không ai mong muốn. Nó tác động một cách sâu sắc tới sự phát triển và ổn định của xã hội. Hiện nay, giới trẻ đang có những hành vi mà khiến cho các bậc cha mẹ và xã hội phải đau đầu, vắt óc suy nghĩ để đưa ra những hướng giải quyết. Trong số đó, bạo lực học đường đang trong tình trạng báo động. Có nhiều người cho rằng cá nhân gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Lại có người đi tìm nguyên nhân từ gia đình, nhà trường, xã hội. Vậy bạn nghĩ như thế nào về điều đó, chúng ta cùng nhau suy nghĩ và tìm ra câu trả lời bạn nhé.
Như chúng ta đã biết, bạo lực học đường không còn xa lạ với bất kỳ ai, nó đang diễn ra một cách thường xuyên và liên tục trên thực tế. Đây là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Bạo lực học đường được hiểu là hành vi sử dụng ngôn ngữ của quả đấm để giải quyết mâu thuẫn, xích mích trong không gian trường học. Trong khoảng thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều trong thời gian qua, gây nên nhiều lo lắng, bất bình trong xã hội. Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận một cách khách quan để giúp giải thiểu tình trạng này.
Rất nhiều người nhìn nhận vấn đề này theo các cách khác nhau, không thống nhất. Một số người nghĩ rằng đó là do bản năng thích phô diễn và thể hiện mình của giới trẻ. Có người lại cho là do gia đình, nhà trường và xã hội. Theo tôi, chúng ta cần phải xem xét tới nhiều khía cạnh. Đối với việc thể hiện bản thân, đây là một nguyên nhân không thể nào tránh khỏi. Chỉ vì những xích mích nhỏ, hay một câu nói thoáng qua mà con người ta có thể dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Phải chăng bản năng ở con người là như thế. Nhưng nếu nói bạo lực học đường chỉ do bản năng của giới trẻ thì hoàn toàn không đúng hoặc có thể nói là không đầy đủ. Xã hội hiện nay đang phải đối mặt với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ, kĩ thuật. Giới trẻ ngày nay tiếp xúc với internet, phim ảnh, mạng xã hội rất nhiều. Những trang Web, phim ảnh mang tính bạo lực đã làm cho trong hồn trong sáng của học sinh, sinh viên trở nên chai sạn đi và chính những cái đó đã dẫn đến những vụ việc không đáng có. Các bạn nghĩ rằng họ làm được như thế thì tại sao mình lại không làm được và đã thể hiện một cách thái quá mà không hề nghĩ tới hậu quả mà nó mang lại. Một nguyên nhân không thể không kể đến đó là do gia đình. Các bậc phụ huynh không có sự giáo dục đúng đắn cho con em mình. Trong độ tuổi này, các bạn có những thay đổi về tâm sinh lý, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa, hướng dẫn cho bạn để các bạn hiểu rõ mình cần phải làm gì và làm như thế nào. Các bậc cha mẹ đừng nghĩ cứ chu cấp tiền bạc cho con ăn học đầy đủ thì đã làm tốt vai trò của mình, đấy chỉ là một phần để giúp con em chúng ta hoàn thiện tốt bản thân.
Thực tế cho thấy, bạo lực học đường hiện nay không dừng lại ở học sinh nam với nhau mà còn xảy ra với cả học sinh nữ. Chúng ta đã không còn xa lạ với những hình ảnh học sinh nữ mặc áo dài đánh nhau, xé quần xé áo bạn với những lý do hết sức vớ vẩn là “ Mày nhìn tao với ảnh mắt khác”. Hình ảnh ấy như đã làm xấu đi nét đẹp của học sinh, sinh viên và hơn hết đó là giới trẻ.
Một yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng bạo lực học đường hiện nay đó là xuất phát từ nhà trường. Chính nhà trường đã không đưa ra những kỷ luật nhất định để xử phạt những hành vi bạo lực học đường. Với hình thức nhắc nhở thì quá nhẹ so với những việc mà các bạn gây ra hoặc không đủ răn đe và có tính thuyết phục. Tất nhiên, sự giáo dục luôn được đề cao trong trường học nhưng chúng ta cần phải xử phạt nghiêm minh hơn những người có ý thức kém về đạo đức, không có ý thức phát triển bản thân, gây ra những hậu quả ảnh hưởng đến xã hội.
Tại sao trong cùng một môi trường lại có những người thích thể hiện sức mạnh “ cơ bắp” để làm những điều mà xã hội lên án, phải chăng đó là do sự lệch lạc về nhân cách, có sự méo mó về nhận thức và tình cảm. Những người như thế phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tại sao có những việc làm tốt hơn mà chúng ta không làm, không học hỏi để cho bản thân trở thành người có ích cho xã hội? Câu hỏi đó là dành cho mỗi chúng ta.
Chúng ta cần phải phối hợp giữa giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội và chính bản thân mỗi người với nhau. Ở đâu có sự giáo dục tốt thì ở đó tình trạng bạo lực học đường diễn ra ít đi và nếu có xảy ra thì cũng chỉ ở mức độ xô xát nhẹ, có thể hòa giải được. Ngược lại, ở đâu có sự buông lỏng kỷ cương, tự do quá trớn, có sự ỷ lại về trách nhiệm thì vấn đề bạo lực học đường là một tất yếu, khó tránh khỏi.
Là học sinh, chúng ta không thể làm ngơ trước hiện tượng bạo lực học đường, chúng ta cần phải đứng lên đấu tranh để có được một xã hội tốt hơn, văn minh hơn, con người được tự do làm việc, sinh sống. Tình trạng bạo lực học đường chỉ có thể ngăn chặn khi chúng ta biết yêu thương nhau, sống hiền hòa, luôn nghĩ về những điều tốt đẹp, đừng chỉ vì một lời nói hay cái gì đó mà đánh mất đi giá trị bản thân mình.
Vậy đấy, bạo lực học đường đang chiếm một phần trăm đáng kể trong bảng thống kê về những vấn đề bức thiết trong xã hội. Đừng để cho bạo lực học đường diễn ra nữa, chính nó đang đe dọa đến sự ổn định xã hội mà chúng ta đang sinh sống đấy. Không có gì là tự nhiên mà có, chúng ta phải hành động, phải thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, biết nhận thức được cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào cần phải loại bỏ và cái nào nên tích cực phát huy. Đừng nghĩ đến bạo lực học đường dù là trong suy nghĩ bạn nhé!
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 19
Trường học là nơi rèn luyện nhân cách, đạo đức cho học sinh, nơi bồi dưỡng cho tâm hồn giúp ta nên người. Thế nhưng, một điều thật đau lòng, thật nhức nhối đang diễn ra, khiến toàn xã hội lo lắng trước sự suy đồi, tha hóa về đạo đức trong nhà trường hiện nay đó là nạn bạo lực học đường. Nó được hiểu là những hành vi sai trái, đùng bạo lực để giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, có thể là của cả giáo viên dành cho học sinh. Nó được biểu hiện với nhiều trạng thái khác nhau trong trường học như: bạn bè ghen ghét, đố kị nhau cũng lôi nhau ra đánh, mâu thuẫn, xích mích nhỏ cũng đánh nhau, chửi nhau thậm tệ. Hay việc học sinh ngang bướng, cãi lời thì thầy cô dùng hình thức đòn roi, lời nói khó nghe để trừng trị.
Nguyên nhân dễ nhận thấy chính là do tự bản thân các em có suy nghĩ về cái tôi quá lớn, lúc nào cũng muốn thể hiện mình. Thêm vào đó mới là sự thiếu giáo dục từ gia đình, bố mẹ bỏ bê, vô trách nhiệm, hoặc chiều chuộng quá đáng. Tiếp theo là từ phía nhà trường, kỉ luật quá lỏng lẻo, không có hình thức xử phạt nghiêm khiến học sinh coi thường.
Vậy làm thế nào để loại bỏ bạo lực học đường? Việc làm này không phải của một riêng ai, mỗi cá nhân trong xã hội đều cần phải quan tâm tới sự giáo dục của con em mình. Đầu tiên cần thiết lập kỷ cương trong nhà trường, sau đó cần sự quan tâm phối hợp với các em từ phía gia đình, những người xung quanh. Thiết nghĩ nếu nạn bạo lực học đường không được ngăn chặn thì thế hệ ngày mai sẽ ra sao?
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 20
Nhà trường là nơi để học sinh rèn luyện đạo đức và tri thức, là nơi để các em trưởng thành, định hướng được tương lai mai sau của bản thân mình. Tuy nhiên nhà trường vẫn còn tồn tại nhiều điều khiến cho giáo viên và phụ huynh phiền lòng. Đó là vấn đề bạo lực học đường.
Bạo lực học đường được hiểu là những hành vi sai trái, đùng bạo lực để giải quyết vấn đề của các bạn học sinh, có thể là của cả giáo viên dành cho học sinh. Bạo lực học đường là vấn nạn của giáo dục, mặc dù đã tìm phương hướng khắc phục tuy nhiên chỉ làm thuyên giảm chứ chưa giải quyết được triệt để.
Bạo lực học được biểu hiện rất đa dạng và phong phú trong trường học. Bạn bè ghen ghét, đố kị nhau cũng lôi nhau ra đánh. Mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong lớp cũng đánh nhau, chửi nhau thậm tệ. Học sinh ngang bướng, cãi lời, thầy cô dùng hình thức đòn roi để trừng trị. Đó đều là những biểu hiện của vấn nạn học đường trong thời gian qua, nhưng chưa được xử lý triệt để. Đánh nhau, gây sự với nhau ngay trên trường học, bên ngoài trường, hoặc thậm chí kéo nhau đến những nơi vắng vẻ để “xử lý” nhau theo “luật giang hồ”.
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do chính học sinh. Khi các em có ý thức về cái tôi cá nhân quá lớn, muốn thể hiện mình, muốn cho mọi người thấy mình đã lớn và có thể hành xử theo suy nghĩ của bản thân. Hơn hết đó còn do sự giáo dục của các bậc phụ huynh cũng giống như của nhà trường chưa được nghiêm minh, chưa đủ sức răn dạy học sinh. Khi các em đã xử lý nhau bằng hình thức bạo lực, chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến thể xác và cả tinh thần.
Theo khảo sát của nền giáo dục thì bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng mạnh. Ở trường X vừa rồi, có vụ một nhóm học sinh nữ ngang nhiên chặn một bạn nữ và giật tóc, đánh, đám túi bụi và mặt bạn kia chỉ vì lý do “giật” mất người yêu của một bạn trong nhóm. Lý do ngớ ngẩn và hành động ngớ ngẩn đã để lại hậu quả xấu cho cả hai bên. Các em đã bị nhà trường xử lý nghiêm khắc, không được tái phạm nhưng nhân phẩm của chính các em đang tự hủy hoại với suy nghĩ và hành động của mình.
Tại Hải Phòng, ở một trường THPT, có một nhóm bạn nam còn cầm dao, côn, gậy gộc để chặn đường đánh hai bạn học sinh của trường khác cũng vì lý do sang “tán” gái trường này. Các em học sinh đã để cho hành vi bạo lực xâm nhập vào một môi trường đáng nhẽ ra chỉ nói chuyện nhẹ nhàng và nghiêm khắc với nhau.
Bạo lực học đường không chỉ diễn ra ở học sinh mà ngay cả với giáo viên vẫn còn tình trạng đó. Nhiều giáo viên khi học sinh nghịch ngợm, không nghe lời thì giáo viên đã đánh đập để xử lý. Nhân cách của một người giáo viên không bao giờ cho phép như vậy nhưng họ lại hành xử như một tên côn đồ.
Bạo lực học đường ảnh hưởng đến môi trường học tập của các em học sinh, ảnh hưởng thành tích học tập, sự nỗ lực cố gắng và cả tương lai phía trước. Nếu đánh nhau, lỡ như xảy ra hậu quả gì ngoài ý muốn thi chính các em phải ăn năn, hối hận cả đời cũng không hết.
Để ngăn chặn nạn bạo lực học đường cần xuất phát từ việc giáo dục, giảng dạy, hướng dẫn cho các em có một cách nhìn nhận đúng đắn hơn về bạo lực trong nhà trường là như thế nào. Làm thế nào để các em hiểu và tránh xa bạo lực, xây dựng môi trường trong lành hơn.
Bạo lực học đường có khi còn liên quan đến pháp luật khi những hành vi vượt qua sự giải quyết của nhà trường mà lại cần đến sự can thiệp của pháp luật thì chính các bạn đang đẩy tương lai của mình vào ngõ cụt.
Như vậy bạo lực học đường diễn biến rất phức tạp, tuy nhiên nếu tìm cách hạn chế thì có thể làm thuyên giảm vấn nạn này.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 21
Tuổi học trò luôn là khoảng thời gian tươi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Thế nhưng, có một vấn nạn đang xảy ra và ngày càng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong cộng đồng hiện nay chính là nạn bạo lực học đường. Đây là một vấn đề vô cùng nhức nhối và cần có nhiều biện pháp để khắc phục, trả lại môi trường học đường trong sáng, lành mạnh cho học sinh, sinh viên.
Bạo lực học đường là những lời nói, hành vi bạo lực thô bạo, thiếu văn hóa giữa học sinh với học sinh và thậm chí và học sinh với thầy cô giáo. Những hành vi và lời nói này xúc phạm nghiệm trọng tới thể chất và tinh thần của người bị hại, gây những tác động xấu trong xã hội. Một thực tế đáng buồn là tình trạng bạo lực học đường đang có tình trạng gia tăng.
Mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội hay trong chính cuộc sống xung quanh chúng ta cũng có thể bắt gặp những vụ bạo lực học đường. Các nhóm học sinh, sinh viên túm đông lại để xem 2 bạn học sinh “xử lý” lẫn nhau. Những nhóm học sinh hung bạo đánh đập thô bạo một bạn học sinh không có sức kháng cự. Đặc biệt là những vụ nữ sinh đánh nhau còn xé áo, xé quần nhằm làm nhục bạn rồi tung lên các trang mạng xã hội. Hay có những bài báo đưa tin thầy giáo, cô giáo có những lời lẽ và hành động xúc phạm đến danh dự và thân thể học sinh. Rồi học sinh có thái độ vô lễ, coi thường thầy cô giáo.
Những hành vi bạo lực đó để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với mọi người. Với những người bị hại, những hành vi bạo lực trên đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của họ. Gây ra tâm lý hoang mang, lo sợ thường trực. Gây ra những mất mát, thương đau cho các gia đình có con bị hại. Thậm chí có những vụ bạo hành gây mất mạng. Nó cũng làm cho tình trạng xã hội ngày một bất ổn.
Không chỉ có ảnh hưởng xấu đối với những người bị hại mà cả những người gây bạo lực cũng bị những ảnh hưởng tiêu cực. Chắc chắn họ sẽ bị kỉ luật, bị chê trách, làm ảnh hưởng tới sự nghiệp và tương lai. Nếu hành vi này không được giáo dục và thay đổi sẽ dẫn tới sự phát triển không toàn diện sau này.
Vậy nguyên nhân của những hành vi bạo lực học đường này do đâu? Có thể kể đến một trong những nguyên nhân đầu tiên chính là sự thiếu hiểu biết và nhận thức một cách toàn diện của các bạn học sinh, sinh viên. Họ đánh bạn với những xích mích, những mâu thuẫn không đáng có, hoặc thậm chí đánh bạn để thể hiện ta đây là “đàn anh, đàn chị”, để ra oai. Có điều này là do họ bị ảnh hưởng bởi môi trường bạo lực, thiếu văn hóa hoặc tiếp xúc với quá nhiều những yếu tố bạo lực như phim ảnh hay các trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, gia đình và nhà trường cũng có một phần trách nhiệm do chưa có sự quan tâm thích đáng cũng như chưa có phương pháp giáo dục con cái, học sinh hợp lý. Một nguyên nhân nữa phải kể đến chính là sự dửng dưng của một bộ phận người trong xã hội trước những hành động bạo lực học đường. Nó khiến cho các hành động bạo lực có cơ hội được lan rộng.
Trước những hậu quả và nguyên nhân trên, cần có những biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu những hành vi bạo lực học đường trong xã hội hiện nay. Trước hết, bản thân mỗi người cần có những nhìn nhận đúng đắn về hành vi của mình, có cách điều chỉnh và rèn luyện bản thân theo những hướng tích cực hơn. Nhà trường cần có những phương pháp giáo dục toàn diện hơn, chặt chẽ hơn để học sinh có thể nhìn thấy những tác hại khôn lường từ hành vi thiếu ý thức của mình. Gia đình cũng cần quan tâm tới cuộc sống của con cái nhiều hơn, hạn chế cho con tiếp xúc với những môi trường chứa nhiều bạo lực như phim ảnh hay các trò chơi điện tử.
Bạo lực học đường tuy không phải là vấn đề mới nhưng nó có ảnh hưởng cũng như tác động xấu đối với toàn xã hội, vì thế mỗi người cần nâng cao ý thức của chính mình cũng như những người xung quanh để ngăn chặn hành vi này, trả lại cho học đường môi trường phát triển lành mạnh.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 22
Ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của con trẻ cũng được nhiều phụ huynh quan tâm hơn trước. Tất cả trẻ em đến độ tuổi đi học đều được đến trường. Vì vậy mà trường học được coi là môi trường giáo dục tốt nhất, là nơi các em có thể tiếp thu tri thức và có những mối quan hệ bạn bè thân thiết. Tuy nhiên, hiện nay trong môi trường đó lại tồn tại một vấn nạn vô cùng nhức nhối – đó là tình trạng “bạo lực học đường” chủ yếu diễn ra ở lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi. Vậy thực trạng và nguyên nhân của bạo lực học đường là do đâu?
Trước hết, ta cần hiểu “Bạo lực học đường” là những hành vi thô bạo, xúc phạm đến danh dự của người khác gây tổn hại cả về tình thần và xác. Những hành vi đó thường diễn ra ở lứa tuổi từ 10 đến 18 tuổi.
Theo thống kê thì mỗi năm nước ta có đến hàng trăm vụ bạo lực học đường và mức độ nghiêm trọng thì ngày càng đáng báo động. Các em học sinh không chỉ dừng lại ở hành vi đánh đập, xúc phạm nhân phẩm của người bị hại mà các em còn quay lại clip up lên các trang mạng xã hội gây nên nhiều nhức nhối. Chắc hẳn chúng ta đều biết đến sự việc đau lòng khi một nữ sinh ở Hưng Yên bị nhóm bạn cùng lớp bạo hành dã man ngay tại lớp học. Rồi còn biết bao vụ bạo hành học đường khác mà chúng ta không biết đến khiến các em học sinh ngày càng sợ hãi mỗi khi đến trường. Hành vi bạo lực học đường có những dấu hiệu nghiêm trọng, nhưng đáng lo ngại nhất là thái độ thờ ơ, vô cảm từ phía nhà trường, ngành giáo dục trong cách xử lý vấn đề về bạo lực học đường.
Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Như chúng ta đã biết, lứa tuổi từ 10 đến 19 tuổi – lứa tuổi thay đổi tâm sinh lý và hình thành tính cách. Đây là một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, bởi chúng sẽ trở nên rất nhạy cảm và bắt đầu xuất hiện cảm giác “trở thành người lớn”. Cũng chính vì điều đó mà việc thích thể hiện cái tôi đã dần hình thành trong lứa tuổi này. Khi xã hội ngày càng phát triển, bố mẹ càng trở nên bận rộn hơn với công việc, Một nguyên nhân có tác động lớn nhất đến hành vi bạo lực học đường ở các em đến từ phía gia đình. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống mưu sinh khiến các bậc phụ huynh không còn thời gian dành cho con trẻ của mình nữa. Họ đi làm từ sáng sớm đến tận tối khuya và mặc cho con cái với những chiếc Smartphone, iPad… Điều này khiến những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm và sự giáo dục từ chính bố mẹ chúng. Và một điều hết sức quan trọng là sự ảnh hưởng của các trang mạng xã hội, vì các em trong độ tuổi mới lớn sẽ rất tò mò với những điều thú vị mà mạng xã hội lại đáp ứng được điều đó. Tuy nhiên có những em hiếu động và do không được giáo dục, uốn nắn từ nhỏ nên các em có những hành vi ngang bướng và sẵn sàng xúc phạm người khác khi các em thích. Một góc khuất nữa đến từ sự quản lý của nhà trường, có những thầy cô thờ ơ, thậm chí vô cảm trước những hành vi ngang ngược của học sinh. Rồi đến khi sự việc đi quá xa và để lại những tổn hại nghiêm trọng đến những học sinh bị bạo lực học đường thì lúc đó họ mới nhận trách nhiệm về mình. Nhưng khi đó là quá muộn cho những vết thương không thể lành trên những cơ thể yếu ớt của các nạn nhân…
Hậu quả của bạo lực học đường đã quá rõ ràng. Các nạn nhân là các em học sinh sẽ phải mang trên mình những vết thương về thể xác nhưng vết thương ấy sẽ lành. Còn những khủng hoảng trầm trọng về tinh thần và nỗi ám ảnh sẽ theo các em cả cuộc đời và ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em. Như chúng ta cũng đã thấy hậu quả để lại sau vụ bạo hành của nhóm học sinh lớp 9 ở Hưng Yên. Các em chỉ mới là học sinh trung học, rồi tương lai của những em bị bạo hành và cả những em có hành vi đó sẽ đi về đâu…
Cuối cùng, ai mới phải là người chịu trách nhiệm và phải ngăn chặn chuyện này? Có quá nhiều câu hỏi, quá nhiều sự quan tâm mỗi khi vấn đề này được nhắc tới, được đem ra bàn luận, và có lẽ nó sẽ không bao giờ hết“nóng hổi” trong cuộc sống ngày nay. Vậy liệu rằng có biện pháp nào có thể ngăn chặn được việc này? Trước hết là từ phía gia đình, các bậc phụ huynh hãy dành nhiều thời gian cho can cái hơn để tâm sự cùng con và chia sẻ cho các con những tình cảm yêu thương nhất. Hạn chế cho các con tiếp xúc với các trang mạng xã hội quá sớm và có thái độ thật nghiêm khắc để các con không được có hành vi xúc phạm người khác. Tiếp đó là trách nhiệm từ phía nhà trường, có thể nói thời gian các con ở trường nhiều hơn là ở nhà với bố mẹ, vì vậy các thầy cô ngoài việc giảng dạy thì cần thiết phải chú ý đến các hành vi của các em học sinh hơn nữa. Nếu không phát hiện sớm hoặc thờ ơ thì hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn. Thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa tuyên truyền cho các bạn học sinh về bạo lực học đường và những nguy hại của nó đến cuộc sống của những nạn nhân bị bạo lực học đường.
Chúng ta đều biết rõ những nguy hại của bạo lực học đường. Vậy thì ngay từ giây phút này hãy chung tay để bảo vệ chính cuộc sống của con em mình. Có như vậy mới có thể giảm lùi những tác hại do bạo lực học đường gây ra.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 23
Bạo lực học đường hiện nay đang là một vấn nạn đáng báo động đang len lỏi vào các môi trường giáo dục gây ra tâm lý hoang và lo sợ cho các em học sinh và phụ huynh. Chỉ cần lướt qua một số trang mạng xã hội mọi người đều có thể bắt gặp những clip học đánh nhau, kéo bè kéo phái bắt nạt bạn học.
Bạo lực học đường có thể biểu hiện bằng rất nhiều hành động khác nhau, không chỉ đơn thuần là các hành động xúc phạm hay tác động vật lý. Những hành động khủng bố bạn học trên môi trường ảo cũng tác động mạnh mẽ đến tâm lý các em học sinh và gây ra những hậu quả đáng tiếc.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do ý thức của các bạn học sinh còn kém, các bạn muốn thể hiện cá tính, bản thân mình hơn người nên dùng bạo hành và ngôn ngữ không đứng đắn để chứng minh. Nguyên nhân khách quan là do sự quản lí còn lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, chưa định hướng cho các em tư duy đúng đắn dẫn đến những hành động lệch lạc. Tình trạng bạo hành học đường hình thành thói hung hăng, tính cách không tốt cho người thực hiện hành vi bạo hành; gây tổn hại, ảnh hưởng về sức khỏe, về tâm lí cho người bị hành hung vàgây ra những hình ảnh xấu cho học sinh, nhà trường và gia đình. Mỗi học sinh cần có nhận thức đúng đắn, sống chan hòa với mọi người, bạn bè xung quanh, hướng đến những điều tốt đẹp, không dùng bạo hành để giải quyết vấn đề. Ngoài ra chúng ta cần tích cực học tập, trau dồi bản thân, đóng góp có ích cho trường lớp, giúp cho môi trường sư phạm phát triển bền vững, sống có ước mơ, khát vọng, lí tưởng, biết vươn lên để thực hiện những ước mơ, hoài bão đó.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 24
Tình bạn là tình cảm luôn được trân trọng và tôn vinh trong tình cảm con người. Thế nhưng thực tế có rất nhiều người đi ngược lại với tình cảm ấy. Nhiều học sinh khi còn ngồi trong ghế nhà trường đã xảy ra những xích mích, những sự xung đột với bạn bè của mình, làm mất đi tình bạn. Nhiều trường hợp những xung đột ấy không được chính những học sinh kiểm soát tốt và gây ra một vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội: bạo lực học đường.
Đã có cuộc điều tra khảo sát về mức độ bạo lực học đường trong các trường học trên phạm vi cả nước. Kết quả là, hiện tượng nam nữ sinh đánh nhau chiếm tới 96,7% trong đó có 44,7% xảy ra thường xuyên. Đặc biệt là số lượng nữ sinh có hành vi bạo lực học đường hơn nhiều số lượng nam sinh. Điều đó làm dấy lên quan ngại về tình trạng rối loạn môi trường giáo dục khi mà bạo lực học đường ngày càng trở nên phổ biến và lan rộng.
Về mặt chủ quan, ta dễ dàng nhận thấy kỉ cương trong nhà trường của chúng ta quá lỏng lẻo, chúng ta quá tôn trọng học sinh, thậm chí nhiều trường, nhiều nơi không cho đuổi học học sinh, dù học sinh đó có vi phạm kỉ luật đến mức độ nào đi nữa. Điều đó khiến cho học sinh chẳng còn coi kỉ luật của nhà trường ra gì cả, nên tha hồ đánh nhau, trấn lột lẫn nhau mà cũng không sợ bị đuổi học.
Một nguyên nhân chủ quan nữa dẫn đến nạn bạo lực học đường là gia đình thiếu quan tâm đến con em mình. Cha mẹ chỉ lo làm ăn, cung cấp tiền bạc cho con cái tiêu xài, ngoài ra chẳng biết con cái mình học hành như thế nào? Quan hệ với bạn bè tốt xấu ra sao, quan hệ với thầy cô ở trường như thế nào? Chúng có những suy nghĩ lệch lạc như thế nào về cuộc sống, về xã hội. Cha mẹ không quan tâm, chăm sóc, theo dõi con cái thì làm sao hiểu được tâm tư tình cảm của con cái, làm sao kịp thời ngăn chặn, uốn nắn những suy nghĩ, những hành động lệch lạc sai trái của con cái để hướng chúng đi trên con đường tốt đẹp được.
Một yếu tố nữa cũng tác động rất lớn đến lối sống của tuổi trẻ hiện nay đó là sự ăn chơi đua đòi theo lối sống phương Tây không phù hợp. Bên cạnh đó còn có nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc ngoài xã hội cũng đã phá hủy tâm hồn tuổi trẻ, làm băng hoại tâm hồn tuổi trẻ, khiến nhiều thanh thiếu niên phạm tội và dẫn đến nạn bạo lực học đường.
Những cảnh bạo lực học đường, trong đó có những cảnh nữ sinh áo dài trắng, quần trắng lao vào nhau, cấu xé nhau, xé rách quần áo của nhau; những cảnh học sinh lớp này và học sinh lớp kia trong một trường đâm chém nhau như những cảnh trong phim xã hội đen… được tung lên mạng đã làm đau nhói trái tim của những con người đang trăn trở về tương lai của xã hội, của đất nước.
Bạo lực học đường gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Những nam nữ sinh có hành vi bạo lực học đường sẽ có nguy cơ cao dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật. Nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời và giải quyết triệt để những hành vi bạo lực học đường thì hậu quả sẽ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật ở ngoài phạm vi trường học mà ra toàn xã hội, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Những hậu quả ấy có thể là những căn bệnh nguy hiểm về tâm lí, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của người gây ra bạo lực, nạn nhân và những người có liên quan. Sự nghiệp học tập, cuộc sống của họ cũng bị đảo lộn, đi theo chiều hướng tiêu cực. Có thể nói bạo lực học đường phá hủy cuộc đời của bao thanh thiếu niên khi mà đáng nhẽ tương lai tươi sáng đang chờ đón ở phía trước. Đối với xã hội, bạo lực học đường là một trong những nguyên nhân chính gây ra những tệ nạn xã hội nghiêm trọng, gây hỗn loạn xã hội và mất đoàn kết trong tập thể.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường hiện nay đầu tiên là công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh nhằm tác động đến ý thức của học sinh về lối sống lành mạnh, truyền thống dân tộc, nhân cách và đạo đức tốt đẹp, ý thức chấp hành luật pháp. Sau đó, ta cần phải áp dụng các chính sách pháp luật đến công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em đặc biệt là những người có liên quan trực tiếp đến vấn nạn bạo lực học đường.
Ví dụ như xử lý học sinh vi phạm pháp luật, có hành vi bạo lực học đường nhằm giáo dục, giúp đỡ học sinh nhận ra và sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Vì vậy, đối với những học sinh vi phạm pháp luật cần được xử lý công khai nhưng ở mức độ vừa phải để phát huy vai trò trách nhiệm của gia đình và nhà trường.
Ngoài ra ta còn có thể đưa các học sinh ấy đi trải nghiệm những khóa tu ở chùa để học được cách sống tốt, hoặc các khóa học tâm lý và kĩ năng. Mỗi bạn học sinh cần nhận thức đúng đắn về hậu quả cũng như tác hại của bạo lực học đường bởi bạo lực học đường xảy ra hay không là ở chính bản thân các em.
Nói không với bạo lực học đường là mục tiêu hàng đầu của cả nước ta. Giới trẻ là tương lai của đất nước, vì vậy tránh sự sa sút và tệ nạn trong giới trẻ là điều rất quan trọng. Tránh bạo lực học đường trong môi trường giáo dục là một biện pháp hiệu quả cần ưu tiên hàng đầu. Mỗi bạn học sinh cần ý thức được trách nhiệm và thái độ của mình trong học tập, cần rèn luyện về cả mặt thể chất lẫn đạo đức để tránh những sự cố đáng tiếc và để tương lai của các em tươi sáng hơn.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 25
Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức khoa học mà còn là môi trường nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức cho học sinh, sinh viên. Nó là nơi hình thành tâm hồn cao đẹp, sáng tạo và trang bị cho chúng ta quan niệm đúng đắn về cuộc sống, lòng nhân ái... Tuy nhiên, một vấn đề đau lòng, nhức nhối đang xâm phạm môi trường giáo dục, khiến nhiều người lo lắng, đó là nạn bạo lực học đường.
Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân của nạn bạo lực học đường, chúng ta cần nhìn vào cả hai khía cạnh khách quan và chủ quan. Khía cạnh khách quan thì chúng ta thấy học sinh ngày nay chịu ảnh hưởng lớn từ phim ảnh, internet. Những nội dung bạo lực, khiêu dâm đang tràn ngập xã hội, làm mờ đi tâm hồn trong trắng của giới trẻ. Họ đang mất đi những giác quan lương thiện, những ước mơ cao đẹp, biến thành những người hung dữ, đánh mất sự lương thiện và tình thương.
Trong khi đó, khía cạnh chủ quan cho thấy kỷ cương trong nhà trường đang trở nên lỏng lẻo. Sự tôn trọng quá mức dành cho học sinh khiến cho kỉ luật trở nên thụ động. Việc không đuổi học sinh ngay cả khi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng khiến họ không coi trọng quy tắc, có thể đánh nhau mà không sợ hậu quả.
Một vấn đề chủ quan khác là sự thiếu quan tâm từ phía gia đình. Cha mẹ chỉ lo lắng về kinh tế mà quên mất giám sát con cái. Họ không hiểu rõ về cuộc sống hàng ngày, tâm tư tình cảm, mối quan hệ với bạn bè và thầy cô của con cái. Điều này làm cho cha mẹ không kịp thời can thiệp, định hình suy nghĩ và hành vi của con cái.
Sự ảnh hưởng của lối sống phương Tây cũng đóng góp vào vấn đề này. Ảnh hưởng của sự ăn chơi, đua đòi theo lối sống không lành mạnh, cùng với nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc đang hủy hoại tâm hồn tuổi trẻ, góp phần vào nạn bạo lực học đường.
Những hình ảnh bạo lực học đường, như nữ sinh áo dài lao vào nhau, đấu nhau, cấu xé quần áo; hình ảnh học sinh đâm chém nhau như trong phim xã hội đen, khiến trái tim những người lo lắng cho tương lai xã hội đau đớn.
Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần phải khắc phục kỷ cương trong nhà trường, tăng cường giáo dục và thực hiện kỷ luật mạnh mẽ với những học sinh vi phạm nghiêm trọng. Gia đình cần tăng cường quan tâm, theo dõi con cái, tạo ra môi trường tốt cho sự phát triển của họ. Nhà nước cần hạn chế những nội dung bạo lực, đồng thời mở ra nhiều sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu niên.
Nếu không kiểm soát được nạn bạo lực học đường, xã hội có thể đối mặt với những hậu quả lớn. Việc xã hội hóa một phần tuổi trẻ, sống không có lí tưởng, không theo đuổi giá trị truyền thống có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn, mất mát đạo đức trong xã hội.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 26
Trường học là không gian giáo dục độc đáo, là nơi mỗi cá nhân trải qua thời kỳ gắn bó, có bạn bè để học hỏi, và thầy cô để hướng dẫn nhân cách. Tuy nhiên, đáng tiếc khi môi trường đó ngày càng bị ảnh hưởng bởi vấn đề bạo lực học đường. Không chỉ thế, vấn đề này đang trở thành mối quan ngại lớn của phụ huynh và xã hội.
Bạo lực học đường hiện nay không chỉ giới hạn ở việc các nam sinh đánh nhau, mà còn có nhiều bạn gái tham gia, thậm chí trở nên phổ biến hơn. Trong thời gian gần đây, có nhiều trường hợp nữ sinh giật tóc, đánh nhau và quay clip đăng lên mạng xã hội.
Phụ huynh và giáo viên không thể không bàng hoàng trước những hình ảnh đánh nhau, thậm chí cắt tóc, cởi đồ quay clip đăng lên mạng xã hội. Những video đó chỉ là một phần nhỏ của tình trạng bạo lực học đường, với nhiều vụ bạo lực khác chưa được công khai. Các học sinh trung học và phổ thông đang trải qua những biến đổi tâm sinh lý, suy nghĩ bồng bột và thích thể hiện bản thân.
Bạo lực học đường không chỉ ở mức chửi nhau, đánh nhau trên lớp, mà còn nguy hiểm hơn với những vụ đánh nhau có thể đe dọa tính mạng. Có những trường hợp nhiều nữ sinh xô vào giật tóc, cầm giày đánh bạn, thậm chí sử dụng dao để tấn công. Những người bị hại không chỉ đau về thân xác mà còn gánh chịu tổn thương tinh thần.
Nhiều nguyên nhân góp phần vào vấn đề bạo lực học đường, trong đó có những yếu tố xã hội như sự bức xúc khi không đạt được mong muốn, ganh ghét về thành công của người khác, và những lời lẽ xúc phạm. Đặc biệt, học sinh trung học cơ sở, đang trải qua sự biến động nhanh chóng về thể chất và tâm sinh lý, gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi.
Tác động của văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng, với truyền thông đại chúng, các tác phẩm nghệ thuật có chủ đề bạo lực, và trò chơi điện tử hành động. Hành vi lan truyền giữa học sinh, khi họ ảnh hưởng lẫn nhau trong mối quan hệ bạn bè. Đôi khi, họ không nhận thức đúng về động cơ của hành động, dẫn đến những hành vi tiêu cực trong môi trường học tập.
Bạo lực học đường gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Khi trường học không còn là nơi giáo dục nhân cách mà chỉ là nơi của những trận đòn roi đáng sợ, học sinh sẽ sợ đến trường. Khi không còn kỷ niệm đẹp về bạn bè, chỉ còn sự thù ghét, đó là tổn thương sâu sắc đối với học sinh.
Để giảm thiểu vấn nạn này, cần sự đóng góp của mỗi người. Gia đình, nhà trường đóng vai trò quan trọng nhất. Gia đình cần tạo môi trường giáo dục tích cực, lành mạnh để học sinh phát triển. Nhà trường phải giáo dục học sinh về đạo đức và cách cư xử, đồng thời răn đe những hành vi sai trái. Học sinh cũng cần từ chối bạo lực học đường, tập trung vào học tập và hoạt động lành mạnh.
Bạo lực học đường là vấn nạn lớn của xã hội, nhưng chúng ta có thể hạn chế nó. Mỗi người chúng ta cần hành động để giảm bạo lực học đường. Gia đình và nhà trường cần đóng vai trò quan trọng, tạo môi trường học tập tích cực và lành mạnh. Hãy chia sẻ và yêu thương nhau, để bạo lực học đường trở thành quá khứ!
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 27
Tuổi học trò hồn nhiên trong sáng với màu áo trắng cắp sách tới trường nhưng hiện tại vấn đề bạo lực học đường đang là nỗi ám ảnh đối với xã hội. Vậy màu trắng ấy có còn tinh khôi? Câu chuyện nhỏ nhưng không nhỏ về kí ức tuổi thơ của Nick Vujicic – diễn giả không tay không chân đã trải qua những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường đã khiến không ít người phải suy ngẫm. Khi thuở còn “cắp sách”, cậu thường bị bạn bè trêu chọc vì ngoại hình xấu xí, tương lai sẽ mù mịt... Bạo lực học đường không phải một câu chuyện mới nhưng thời gian gần đây, nó trở thành đề tài được nhiều phụ huynh trên thế giới quan tâm khi mạng xã hội góp phần phát tán nhanh hơn nhiều đoạn ghi hình các học sinh ẩu đả lẫn nhau. Một số bậc cha mẹ do quá mải mê kiếm tiền mà thiếu đi sự quan tâm chăm sóc với tư cách một người bạn dẫn đến nhiều em bị thiếu đi nguồn chia sẻ tâm tình thủ thỉ hàng ngày. Điều đáng nói là các chuẩn mực đạo đức và giá trị con người hiện nay không còn nặng chữ: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, công, dung, ngôn, hạnh mà được đong đo cân đếm bằng tiền bạc, địa vị, danh vọng. Từ xưa đến nay, tuổi học trò luôn là khoảnh khắc hồn nhiên, vui tươi và đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Một sai lầm, vụng dại ở cái thời ngây ngô này sẽ khiến những kỉ niệm sau này suy ngẫm lại bớt đẹp, bớt trong sáng. Vì vậy hãy giữa cho mình những gì tốt đẹp nhất, nói không với bạo lực học đường để màu áo trắng đến trường mãi tinh khôi.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 28
Bạo lực học đường giờ đây đang trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết khi mà lướt qua các mạng xã hội, các trang báo điện tử tràn lan các thông tin về nạn bạo lực học đường. Nhà trường chính là ngôi nhà thứ 2 của các em học sinh. Tuy nhiên sẽ như thế nào khi các em lại cảm thấy sợ hãi hay cô đơn trong chính ngôi nhà của mình?
Có thể hiểu bạo lực học đường bao gồm rất nhiều hành vi khác nhau gây tổn thương đến học sinh bao gồm cả thể xác và tinh thần. Nó thường xảy ra giữa những học sinh, bao gồm cả việc dọa nạt, tẩy chay hay đánh đập giữa các học sinh. Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia về vấn đề này, trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 1800 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Có thể nói đây là một con số đáng báo động đỏ về vấn nạn này.
Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này đó chính là do bản thân học sinh, sự thay đổi về mặt tâm sinh lí với một cái tôi cá nhân quá cao .Chỉ cần những tác động, những kích thích xấu từ bên ngoài cũng khiến học sinh học theo, ví dụ như những clip bạo lực trên mạng. Và nguyên nhân chính nữa là do phía gia đình, nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn”, bố mẹ ít quan tâm đến con cái hoặc thường xuyên nặng lời quát tháo.
Vấn đề này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, là biểu hiện về việc đạo đức của học sinh ngày càng xuống cấp . Nó khiến cho học sinh trở nên hung hăng hơn, và nạn nhân thì trở nên sợ sệt, không muốn đến trường vì sợ gặp kẻ bắt nạt . Nó làm xấu đi hình ảnh của những học sinh thơ ngây trong mắt cộng đồng, xã hội.
Vì vậy cần có những giải pháp phù hợp cho vấn đề này.Về phía học sinh, sinh viên, cần có ý thức rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức về hành động cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó.Đối với một số học sinh cá biệt, cần có sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường,giáo viên để uốn nắn, tránh phân biệt đối xử.
Như vậy, bạo lực học đường không chỉ là vấn đề của cá nhân trường học mà còn là vấn đề của chính cộng đồng, xã hội. Hãy chung tay vì một môi trường học đường lành mạnh, tích cực.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 29
Giáo dục luôn là vấn đề được con người và toàn dư luận quan tâm hàng đầu. Những năm gần đây, vấn đề bạo lực học đường vẫn diễn ra vô cùng phức tạp và phổ biến gây nhức nhối và là mối quan tâm của mỗi gia đình có con em trong giai đoạn cắp sách đến trường. Bạo lực học đường là việc mỗi bạn học sinh dùng những lời nói miệt thị, thô bỉ để xúc phạm người khác; bên cạnh đó còn là việc các em dùng vũ lực để thể hiện thái độ ghét bỏ, không vừa ý của mình đối với bạn bè.
Gần đây, trên các phương tiện thông tin truyền thông đã đưa tin có rất nhiều vụ các em học sinh có hành vi dùng vũ lực đánh nhau, có nhiều trường hợp dùng vũ khí cũng như đánh nhau tập thể ở trong và ngoài nhà trường đến mức công an phải vào cuộc. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra ở các học sinh nam mà hiện nay xu hướng các bạn học sinh nữ đánh nhau đang ngày càng gia tăng ở mức độ khó lường. Nguyên nhân của hiện trạng này đầu tiên phải nhắc đến đó là do ý thức chủ quan của các bạn học sinh còn kém, chưa có đủ nhận thức về hậu quả của bạo lực học đường.
Bên cạnh đó việc kiểm soát hành vi của các bạn học sinh cũng chưa thực sự tốt, chỉ vài lời nói kích động cũng có thể nổ ra cuộc bạo lực. Ngoài ra, tình trạng bạo lực học đường còn là do sự quản lí còn lỏng lẻo của gia đình và nhà trường, chưa định hướng cho các em tư duy đúng đắn dẫn đến những hành động lệch lạc. Bạo lực học đường hình thành thói hung hăng, tính cách không tốt cho người thực hiện hành vi bạo lực; gây tổn hại, ảnh hưởng về sức khỏe, về tâm lí cho người bị hành hung. Ngoài ra, nó còn gây ra những hình ảnh xấu ảnh hưởng đến tương lai của học sinh, nhà trường và gia đình. Vấn đề bạo lực học đường sau này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của các em học sinh, khiến cho các em dễ trở thành người xấu.
Từ những hậu quả khôn lường này, mỗi người học sinh chúng ta cần ý thức được tác hại của vấn nạn này, đồng thời chung tay tuyên truyền, kêu gọi mọi người tẩy chay bạo lực ra khỏi phạm vi học đường; tích cực học tập, rèn luyện bản thân trở thành một công dân tốt, có ích cho xã hội. Tuổi trẻ là mầm non, là tương lai của đất nước, chúng ta hãy biết phấn đấu, trau dồi bản thân ngay từ hôm nay để có thể cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 30
Giáo dục là một môi trường nghiêm túc và đòi hỏi những chuẩn mực nhất, bởi đó là nơi nuôi dưỡng con người trưởng thành và phát triển. Tuy nhiên, vấn đề “bạo lực học đường” lại đang là “một thùng dầu loang lổ” giữa biển trời giáo dục, khiến cho giáo viên, phụ huynh và cả học sinh bận lòng.
Trước tiên khi nói về bạo lực học đường, đó là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí, đạo lí, xúc phạm, trấn áp người khác gây những tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần trong phạm vi trường học. Đó là khi xảy ra xích mích giữa các học sinh trong lớp, trong trường, dẫn đến chửi, thậm chí là đánh nhau, gây những thương tích và cả những ký ức không đáng có trong cuộc đời học sinh của mỗi người. Bạo lực học đường không chỉ dừng lại ở chuyện làm tổn thương thể chất, đáng sợ hơn là những lời nói xúc phạm, mỉa mai, khiến người bị bạo lực rơi vào trạng thái tiêu cực nhất. Một thống kê gần đây cho thấy, từ năm 2010 đến nay, ở Việt Nam đã có hơn 7000 học sinh tham gia vào các sự việc đánh nhau, lôi kéo, dọa đánh bạn và bị kỷ luật. Hay ở Ai Cập, 70% học sinh từ 13-15 tuổi đã trả lời rằng họ bị bạo lực ít nhất một lần trong một tháng. Quả là một con số không tưởng, bạo lực học đường ở Việt Nam nói riêng, và cả khắp các nước trên thế giới nói chung đang ở mức “báo động đỏ”. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này không chỉ dừng lại ở học sinh, dạo gần đây báo chí đã không ngừng đưa tin về những vụ việc giáo viên có những hành vi bạo lực quá thô bạo với học sinh của mình, tát, đạp, thậm chí là đánh đập dã man. Chứng kiến và nghe tin về những sự việc ấy, cộng đồng không khỏi lo lắng về sự an toàn trong trường học, một số phụ huynh còn không dám đưa con đến trường.
Bạo lực học đường bắt nguồn từ những nguyên nhân rất đơn giản, đôi khi chỉ từ những lời trêu đùa giữa các học sinh với nhau nhưng lại được nghiêm trọng hóa vấn đề. Một phần, vì đang ở độ tuổi nhạy cảm và bắt đầu hình thành những suy nghĩ mới, hoặc do những áp lực hay sự căng thẳng trong học tập, học sinh dần sinh ra thái độ bất cần, hiếu thắng và đó là chất kích thích để những vụ bạo lực xảy ra nhiều hơn. Thích thể hiện cái tôi cá nhân của mình, khả năng kiềm chế kém là lí do khiến không ít học sinh đã rơi vào trạng thái tồi tệ. Không thể không kể đến những tác động tâm lí đến từ gia đình và nhà trường, nếu bố mẹ không lựa chọn được cách giáo dục con tốt, gia đình bất hòa, hay trường học mắc “bệnh thành tích”, giáo viên thực hiện hành vi bạo lực. Tất cả những mặt tiêu cực ấy sẽ ảnh hưởng đến tâm lí của học sinh. Mặt khác, sự phát triển của công nghệ cũng khiến các bạn trẻ dễ tiếp cận hơn với những nguồn thông tin và những nội dung tiêu cực, ảnh hưởng nhiều đến nhận thức.
Tưởng chừng chỉ là sự hiếu động của lứa tuổi học trò, tuy nhiên bao lực học đường lại ảnh hưởng rất lớn đến học sinh, cả với người bị bạo lực hay người thực hiện hành vi bạo lực, hiện tại và cả sau này, khi họ không còn là học sinh, bởi không chỉ là thương tích mà còn là những vết thương lòng sau đó. Một số trường hợp may mắn được giải quyết, nhưng cũng có một số trường hợp để lại những hậu quả đáng tiếc, đó là sự đánh đổi cả mạng sống con người. Đứng trước tình trạng đáng báo động này, chính phủ nói chung và bộ giáo dục cần có nhận thức đúng đắn về vấn đề và đưa ra hướng giải pháp hợp lí. Mỗi học sinh cũng cần nhận thực được sự nguy hiểm của vấn nạn bạo lực trong trường học để bảo vệ mình và những người khác, đặc biệt, tác động và cách giáo dục từ cha mẹ cũng là một yếu tố gốc rễ, gia đình và nhà trường cần kết hợp cách giáo dục phù hợp nhất để giúp con, học sinh của mình có một môi trường giáo dục toàn vẹn.
Giải quyết vấn đề bạo lực học đường đang là vấn đề cấp thiết đặt ra cho xã hội, mỗi cá nhân cần chung tay để tạo một môi trường giáo dục trong sáng và hiệu quả như đúng bản chất của nó, để “mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”.
Đoạn văn nghị luận về bạo lực học đường - mẫu 31
Như chúng ta được biết, trường học là nơi để giảng dạy, học tập, là môi trường để các thế hệ học sinh cùng rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Ấy thế nhưng, gần đây, một vấn nạn đã xảy ra gây nhức nhối cho toàn dư luận và xã hội – bạo lực học đường. Vậy bản chất của vấn nạn này là gì? Bạo lực học đường là những lời nói, hành vi thô bạo, bất chấp đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học. Thực sự nó đã trở thành một cơn ác mộng không chỉ với ngành giáo dục mà là với toàn xã hội. Bởi bạo lực học đường đã để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Việc đánh đập, tra tấn, hành hạ, làm tổn hại về sức khỏe, thể xác, và tệ hại hơn là việc xúc phạm, lăng mạ, xỉ nhục, chà đạp nhân phẩm, làm nạn nhân tổn thương về mặt tinh thần thông qua lời nói. Đã có rất nhiều trường hợp học sinh, thậm chí là giáo viên, bị khủng hoảng và phải bỏ học, bỏ việc. Điều đang nói hơn, bạo lực học đường hiện nay ngày càng có xu hướng gia tăng nhanh chóng, diễn ra ở nhiều nơi. Điển hình như việc chỉ cần một thao tác tìm kiếm đơn giản, ta có thể nhận được hàng triệu kết quả về những vụ bạo lực học đường gây chấn động dư luận: nam sinh dùng dao đâm bạn, hay nữ sinh dùng giày cao gót đánh nhau chỉ vì ghen tuông,… Thật là đáng buồn! Mỗi bạn trẻ, nhất là những bạn học sinh phải có được nhận thức đúng đắn, học tập, rèn luyện bản thân thật tốt, sống vui vẻ, hòa đồng với bạn bè và những người xung quanh để cùng hướng tới một ngày trường học không còn vấn nạn bạo lực học đường.