Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Dàn ý nêu cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Dàn ý nêu cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ
Đề bài: Lập dàn ý nêu cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ
Dàn ý nêu cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ - mẫu 1
1. Mở bài: khái quát và giới thiệu lloiwf ru của mẹ
- Nhắc tới tuổi ấu thơ để gợi nhớ về lời ru
.- Nêu cảm nghĩ chung nhất về lời ru.
2. Thân bài: giới thiệu phần chính của lời ru của đoạn văn
Cảm nghĩ về giai điệu của lời hát ru đối với trẻ thơ
.- Ngọt ngào, sâu lắng, ngân từ sâu thẳm trái tim của người mẹ, người bà
.- Ru trẻ vào giấc ngủ say nồng.2, Cảm nghĩ về ý nghĩa lời hát ru và tình cảm của người hát ru.
- Thể hiện tấm lòng của người bà yêu cháu, người mẹ yêu con.
- Gửi gắm bao ước mơ, hi vọng về tương lai của con trẻ.
3,Kết bài:tình cảm cảm xúc về lời ru
- Bày tỏ tình cảm đối với người hát ru (nỗi nhớ, lòng biết ơn).
- Khẳng định giá trị và sức sống của lời hát ru.
Dàn ý nêu cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ - mẫu 2
1. Mở Bài :
Giới thiệu bài thơ: tên tác giả, nội dung, ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc.
Nêu cảm xúc chung của em về bài thơ: yêu thương, biết ơn, xúc động, tự hào…
2. Thân Bài :
- Trình bày cụ thể cảm xúc của em qua từng khổ thơ:
Khổ thơ đầu tiên: cảm nhận sự ấm áp, an toàn, bình yên khi được mẹ ru ngủ.
Khổ thơ thứ hai: cảm nhận sự hy sinh, vất vả, lo lắng của mẹ cho con.
Khổ thơ thứ ba: cảm nhận sự quan tâm, chia sẻ, động viên của mẹ khi con gặp khó khăn.
Khổ thơ cuối cùng: cảm nhận sự tin tưởng, kỳ vọng, khích lệ của mẹ cho con.
3. Kết Bài :
Tóm lại cảm xúc của em về bài thơ. Bày tỏ lòng biết ơn và mong muốn đáp lại tình yêu của mẹ.
Cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ - mẫu 1
Xuân Quỳnh (1942-1988), quê ở làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), là một nhà thơ nữ Việt Nam. Bà được xem là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa… Bà được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học nước nhà.
”Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
/…/
Lời ru thành mênh mông”
Hai khổ thơ đã thể hiện tình yêu thương con tha thiết của người mẹ qua lời ru ngọt ngào, trìu mến. Lời ru ngọt ngào ấy nuôi dưỡng con từ thuở con còn nằm trong nôi cùng với sự ấp ủ, che chở của mẹ và lời ru ấy đã vỗ về, nâng giấc con trong những năm tháng tuổi thơ. Lời ru của mẹ theo con suốt của đời, ở mọi nơi, mọi lúc, đi cùng con khi con trưởng thành: làm dịu mát tâm hồn con trong những ngày hè, nâng đỡ con khi con lên núi cao, ra biển rộng.
Hình ảnh so sánh và điệp ngữ “lời ru” góp phần khẳng định: lời ru ấy chính là tình yêu thương tha thiết mẹ dành cho con trong suốt cuộc đời, là khát vọng mong ước con khôn lớn, có thể vượt mọi khó khăn để hướng tới tương lai rộng mở.
Cùng với thể thơ năm chữ, ngôn ngữ bình dị, nhịp điệu thiết tha, trìu mến. Hai khổ thơ đã bày tỏ khát vọng của một người mẹ mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con. Lời ru ấy làm đẹp thêm tình cảm gia đình, tình mẹ con, làm đẹp thêm tình cảm thiêng liêng nhưng cũng rất thân thuộc và gần gũi ấy.
Cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ - mẫu 2
Ai cũng có một quê hương để từ đó ta lớn thành người. Quê nội và quê ngoại của Xuân Quỳnh nằm ở hai bên bờ sông Nhuệ hiền hòa, một vùng đất nổi tiếng với nghề ươm tơ, dệt lụa. Đấy là một làng quê cổ truyền với những vườn cây, sân gạch, những mái chùa cong cong, cổ kính, những con đường lát gạch nghiêng nghiêng bên những bờ ao và những lũy tre già bao bọc.
Cũng như bao đứa trẻ, Xuân Quỳnh lớn lên trong những tiếng ru hời nhưng không phải tiếng ru hời của mẹ, mà đó là tiếng ru được tạo ra bởi tiếng lách cách thoi đưa, bởi tiếng hát của những người thợ dệt và những tiếng dế đêm như những khúc dương cầm, … “và chúng đã in mãi trong tâm hồn Xuân Quỳnh như một bản nhạc dạo đầu của những ngày thơ ấu”.
Tất cả những không gian ấy, như nhuốm mùi phây phẩy của những nong tằm, mùi khăm khẳm của phân trâu và cả những cây rơm khô cháy muộn. Cái vùng đất ấy, dù quê mùa lam lũ, nhưng cũng vô cùng đầm ấm đã che chở cho tâm hồn ngây thơ, trong trẻo và bất hạnh của Quỳnh từ thuở nhỏ.
Thật vậy, người mẹ là kì quan đẹp nhất trong cuộc đời này, mẹ đã vực dậy những yêu thương trìu mến mang đem đến cho con bao nhiêu hạnh phúc. Ngay tiếng ru hời kia, sẽ mãi mãi không bao giờ xuất hiện nếu không có mẹ, và nó sẽ im lặng khi con không cất tiếng giữa cuộc đời – của mẹ…
Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát
Lúc con nằm ấm áp
/…/
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông.
Tiếng ru là sự mềm mại, là một thức mùi vi diệu mà tạo hóa đã để mẹ ban tặng cho con. Giữa cái mênh mang đến vô tận vô cùng của vũ trụ, khi con trở về – như một sự hồi sinh trong mẹ, con đến với mẹ – và lời ru cũng văng vẳng chao nghiêng theo cánh võng nhịp nhàng, yên ả.
Với trẻ thơ, gần gũi nhất và thân thiết nhất là người mẹ. Mẹ là nơi chúng ta trở về sau một ngày thơ thẩn, vui chơi, là nguồn kiến thức vô tận, thỏa mãn những điều chúng thắc mắc…Xuân Quỳnh yêu trẻ bằng tình yêu của một người mẹ và hiểu trẻ thơ bằng tâm lí của người nghệ sĩ. Với sự thúc giục của trái tim phụ nữ, chị truyền vào tâm hồn các em tình mẫu tử thiêng liêng bằng ý thơ qua sự so sánh rất sáng tạo.
Cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ - mẫu 3
Có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của mẹ? Có lời ru nào ngọt ngào, tha thiết hơn lời mẹ ru con? Hàng ngàn năm qua, thơ viết về mẹ và lời ru có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài. “Lời ru của mẹ” của nữ sĩ Xuân Quỳnh nằm trong mạch nguồn cảm xúc chung ấy, song đã để lại một dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc suốt mấy chục năm qua nhờ vào cảm xúc tự nhiên, chân thành bằng một tứ thơ thật độc đáo. Chính điều ấy đã góp phần làm nên đặc điểm tươi tắn, hồn nhiên và trong sáng, thu hút sự chú ý của người đọc. Đọc “Lời ru của mẹ” của Xuân Quỳnh, chúng ta được trở về sống lại tuổi thơ như trong truyện cổ tích thần kỳ, giàu biến hóa, tất cả khởi nguồn từ tình thương yêu bao la của mẹ.
Quả thật, bao trùm suốt cuộc đời con không lúc nào vắng lời ru của mẹ. Từ khi con sinh ra đời là lúc lời ru ẩn giữa đất trời bay về trú ngụ. Chính cảm xúc tự nhiên này mà thơ Xuân Quỳnh hấp dẫn, lôi cuốn từ người lớn đến trẻ em. Đoạn thơ mở đầu có được vẻ đẹp hồn nhiên cũng nhờ phẩm chất đáng yêu ấy:
“Lời ru ẩn nơi nào
Giữa mênh mang trời đất
Khi con vừa ra đời
Lời ru về mẹ hát”.
Có lời ru mẹ hát là bởi có con sinh ra đời. Hóa ra lời ru mà tạo hóa ban cho con người là để nâng niu, vỗ về con trẻ. Đọc khổ thơ trên, chúng ta không thể quên đoạn thơ trong thi phẩm “Chuyện cổ tích về loài người" nổi tiếng của chính tác giả:
“Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc”.
Quả là lời ru thật diệu kỳ, như có phép thần tiên, điều đó đã được nhà thơ triển khai trong suốt toàn bộ thi phẩm. Lời ru yêu thương gắn với tuổi hồng, tuổi nụ. Tuổi càng thơ dại, lời ru càng tha thiết, mê say. Lời ru vốn không biết ở nơi nào giữa đất trời cao rộng, bất chợt một ngày khi con sinh ra, lời ru đã có mặt trên đời. Từ đó, lời ru của mẹ theo mãi bên con. Khi con nằm ấm áp trong vòng tay, lời ru hóa thành tấm chăn mềm mại. Lúc con đang say ngủ, lời ru hóa giấc mộng lành:
“Lúc con nằm ấm áp
Lời ru là tẩm chăn
Trong giấc ngủ êm đềm
Lời ru thành giấc mộng”.
Lâu nay, thơ ca viết về lời ru của bà, của mẹ thường gắn với giấc ngủ trẻ thơ: “Cái ngủ mày ngủ cho lâu/ Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về..."; hay “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy thức đủ vừa năm”. Đến Xuân Quỳnh, lời ru còn biết “đi chơi" khi con thức giấc, thậm chí biết xuống ruộng khoai hay “ra bờ ao rau muống". Lời ru được nhân hóa một cách tài tình, gắn với hình ảnh người mẹ lam lũ, khó nhọc sau lũy tre xanh. Nhờ đó, người mẹ hiện lên vừa giàu lòng yêu thương, nhân hậu, vừa mang vẻ đẹp chất phác của người lao động nghèo:
“Khi con vừa tỉnh giấc
Thì lời ru đi chơi
Lời ru xuống ruộng khoai
Ra bờ ao rau muống”.
Không những bên con trong giấc ngủ say nồng, biết vắng mặt làm lụng khi con đùa vui, chạy nhảy, lời ru của mẹ còn theo con đến lớp mỗi ngày. Tuổi thơ của con có lúc nào vắng lời ru bên cạnh. Buổi con tan học về, có mẹ đón đưa, lúc ấy lời ru cũng ngân nga qua từng lời nói yêu thương, từng cử chỉ dịu dàng. Lời ru hóa thành vòng tay, thành ngọn cỏ đón bước chân con lon ton sau giờ tan học:
“Và khi con đến lớp
Lời ru ở cổng trường
Lời ru thành ngọn cỏ
Đón bước bàn chân con”.
Tuổi thơ hồn nhiên của con khép lại với lời ru của mẹ dịu dàng, chở che, ấm áp. Mai này lớn khôn, trưởng thành, liệu lời ru có còn theo bước chân con? Khổ thơ cuối bài được tác giả dùng đến sáu dòng thơ để biểu đạt với tất cả những tình ý, cảm xúc đầy trải nghiệm. Giọng thơ, hơi thơ cũng trải dài ra, khi trục trặc với nhiều thanh trắc được gieo ở các vần “gắt”, “mát”, “thẳm” để rồi kết thúc là câu thơ toàn thanh bằng đi liền nhau: “Lời ru thành mênh mông" như chính cuộc đời mỗi người qua hết gian truân sẽ được thành danh, hiển đạt. Con lớn khôn, lời ru của mẹ vẫn không xa vắng, vẫn ở bên con chia sẻ ngọt bùi. Lời ru hóa thành bóng râm dịu mát trên đường xa nắng gắt lúc con qua. Lời ru cũng đồng hành cùng con lúc gập ghềnh dâu bể. Lời ru hóa thành mênh mông khi con được hiển vinh, vươn ra biển lớn với người đời. Ôi lời ru của mẹ thật diệu kỳ, nhân hậu biết bao:
“Mai rồi con lớn khôn
Trên đường xa nắng gắt
Lời ru là bóng mát
Lúc con lên núi thẳm
Lời ru cũng gập ghềnh
Khi con ra biển rộng
Lời ru thành mênh mông”.
“Lời ru của mẹ” (Xuân Quỳnh) khai thác đề tài muôn thuở trong tình cảm con người. Lời thơ tự nhiên, cảm xúc thơ chân thành, đặc biệt nữ sĩ Xuân Quỳnh đã tạo được tứ thơ đặc sắc nên thi phẩm đằm sâu nơi trái tim người đọc. Quả vậy, lời ru ngọt ngào từ tấm lòng người mẹ vẫn theo mãi trọn đời con, từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, dù phải qua nắng nôi, ghềnh thác. Thật đúng như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết về lời ru và tình mẹ bao la:
"Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru".
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy).
Cảm nghĩ về bài thơ Lời ru của mẹ - mẫu 4
Có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của mẹ? Có lời ru nào ngọt ngào, tha thiết hơn lời mẹ ru con? Trải qua ngàn năm thi ca thành văn nước Việt, thơ viết về mẹ và lời ru có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bài. Lời ru của mẹ do nữ sĩ Xuân Quỳnh sấng tác nằm trong mạch nguồn cảm xúc chung ấy, song đã để lại một dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc suốt mấy chục năm qua nhờ vào cảm xúc tự nhiên, chân thành, bằng một tứ thơ thật độc đáo. Trước hết, lời ru yêu thương gắn với tuổi hồng, tuổi nụ. Tuổi càng thơ dại, lời ru càng tha thiết, mê say. Lời ru vốn không biết ở nơi nào giữa đất trời cao rộng, bất chợt một ngày khi con sinh ra, lời ru đã có mặt trên đời. Từ đó, lời ru của mẹ theo mãi bên con. Khi con nằm ấm áp trong vòng tay, lời ru hóa thành tấm chăn mềm mại. Lúc con đang say ngủ, lời ru hóa giấc mộng lành: “Lúc con nằm ấm áp/ Lời ru là tấm chăn/ Trong giấc ngủ êm đềm/ Lời ru thành giấc mộng”. Không những bên con trong giấc ngủ say nồng, biết vắng mặt làm lụng khi con đùa vui, chạy nhảy, lời ru của mẹ còn theo con đến lớp mỗi ngày. Tuổi thơ của con có lúc nào vắng lời ru bên cạnh? Buổi con tan học về, có mẹ đón đưa. Lúc ấy, lời ru cũng ngân nga qua từng lời nói yêu thương, từng cử chỉ dịu dàng. Lời ru hóa thành vòng tay, thành ngọn cỏ đón bước chân con lon ton sau giờ tan học: “Và khi con đến lớp/ Lời ru ở cổng trường/ Lời ru thành ngọn cỏ/ Đón bước bàn chân con”. Lời ru của mẹ khai thác đề tài muôn thuở trong tình cảm con người. Lời thơ tự nhiên, cảm xúc thơ chân thành, đặc biệt, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã tạo được tứ thơ đặc sắc nên thi phẩm đắm sâu nơi trái tim người đọc.
Xem thêm các nội dung khác: