Các thành phần của câu: Cấu tạo ngữ pháp và bài tập vận dụng

801

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu vc giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Các thành phần của câu: Cấu tạo ngữ pháp và bài tập vận dụng

1. Các thành phần của câu - Cấu tạo ngữ pháp của câu là gì ?

Câu được phân tích ra thành nhiều thành phần, trong đó có những thành phần chính và những thành phần phụ.

- Chủ ngữ : là một trong hai bộ phận chính của câu. Chủ ngữ nêu người, sự vật được miêu tả, nhận xét. Câu thường có một chủ ngữ hoặc có thể có nhiều chủ ngữ đặt kế tiếp nhau. Muốn tìm chủ ngữ, ta đặt câu hỏi : Ai? Con gì? Việc gì?

- Vị ngữ : là một trong hai bộ phận chính của câu. Vị ngữ chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất, vị trí để miêu tả hoặc nhận xét về người, sự vật được nêu ở chủ ngữ. Câu thường có một vị ngữ hoặc có thể có nhiều vị ngữ. Trong câu, vị ngữ thường đứng sau chủ ngữ (song đôi khi, để gây sự chú ý thì vị ngữ cũng được đảo lên trước chủ ngữ). Muốn tìm vị ngữ, ta đặt câu hỏi : .....là gì? ......làm gì? ........như thế nào?

- Trạng ngữ : là bộ phận phụ của câu, có tác dụng thêm nghĩa cho câu. Trạng ngữ bổ sung tình huống cho cầu (chỉ thời gian, địa điểm, mục đích, nguyên nhân, phương tiện...). Câu có thể có hoặc không có trạng ngữ. Trạng ngữ thường đứng ở đầu câu và ngăn cách với chủ ngữ, vị ngữ bằng dấu phẩy. Câu có thể có một hoặc nhiều trạng ngữ. Các trạng ngữ có thể cùng một ý nghĩa hoặc có nhiều ý nghĩa khác nhau.

Một số nội dung dưới đây không có trong chương trình giảng dạy chính nhưng chúng ta có thể tham khảo thêm :

- Định ngữ : là bộ phận phụ của câu. Định ngữ bố sung ý nghĩa cho danh từ trong câu. Danh từ nào trong câu cũng có thể có định ngữ. Các định ngữ có thể đứng trước hoặc đứng sau danh từ. Định ngữ đứng trước chỉ số lượng, khối lượng, định ngữ đứng sau chỉ đặc điểm sở hữu.

- Bổ ngữ : là thành phần phụ của câu. Bổ ngữ bổ sung ý nghĩa cho động từ, trạng từ trong câu. Bổ ngữ phụ cho động từ thêm các ý nghĩa về đối tượng, thời gian, nơi chốn, cách thức... Bổ ngữ phụ cho tính từ thêm các ý nghĩa về đối tượng, mức độ,... của tính chất. Động từ, tính từ nào trong câu cũng có thể có bổ ngữ, các bổ ngữ có thể đứng trước hoặc đứng sau động từ, trạng từ.

- Hô ngữ : là những từ ngữ dùng để làm lời hô, gọi, gây sự chú ý ở người nghe hoặc biểu lộ cảm xúc. Hô ngữ thường đứng ở vị trí đầu hoặc cuối câu. Lời hô, gọi, lời bộc lộ cảm xúc nhiều khi được dùng như một câu đơn độc lập, không phải thành phần câu. Khi đó, lời gọi, lời hô không phải là hô ngữ.

- Bộ phận song song : là những bộ phận đặt cạnh nhau, cùng giữ chức vụ ngữ pháp giống nhau trong câu gọi là bộ phận song song. Bộ phận song song giúp cho việc diễn đạt câu ngắn gọn hơn. Chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, định ngữ hoặc bổ ngữ đều có thể đặt cạnh nhau làm bộ phận song song. Các bộ phận song song ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy hoặc bằng một số từ chỉ quan hệ như : và, hoặc, hoặc là, hay là, hay ... Đặc biệt, các bộ phận có cùng chức vụ ngữ pháp như nhau những cũng phải cùng loại thì mới được tính là bộ phận song song.

Xét theo cấu tạo ngữ pháp của câu thì sẽ bao gồm câu đơn và câu ghép.

- Câu đơn là câu do một cụm chủ - vị tạo nên. Câu đơn có thể có nhiều chủ ngữ hoặc vị ngữ giữ chức vụ là bộ phận song song.

- Câu ghép là câu do hai hay nhiều cụm chủ - vị độc lập tạo thành nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau về ý nghĩa.

2. Bài tập vận dụng

Bài 1. Đặt câu theo cấu trúc sau :

a) Trạng ngữ, Trạng ngữ, Chủ ngữ - Vị ngữ.

b) Trạng ngữ, Chủ ngữ, Chủ ngữ - Vị ngữ.

c) Trạng ngữ, Chủ ngữ - Vị ngữ, Vị ngữ.

d) Trạng ngữ, Trạng ngữ, Trạng ngữ, Chủ ngữ - Vị ngữ.

e) Trạng ngữ, Trạng ngữ, Chủ ngữ, Chủ ngữ, Vị ngữ, Vị ngữ.

Lời giải:

a) Sáng nay, lúc 7 giờ, Lan đạp xe đến trường học.

b) Buổi sáng, Lan và các bạn cùng lớp được đi thăm viện bảo tàng.

c) Buổi chiều, Lan đi về nhà và cùng em trai chơi đánh cầu lông.

d) Buổi tối, lúc 19 giờ, tại nhà Lan, cả gia đình Lan quây quần cùng ăn cơm tối.

e) Lúc 20 giờ, sau khi tắm xong, Lan và em trai cùng nhau học bài và xem ti vi cùng bố mẹ.

Bài 2. Tìm chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ của những câu sau đây :

a) Vào một đêm cuối xuân năm 1947, khoảng 2 giờ sáng, trên đường đi công tác, Bác Hồ đến nghỉ chân ở một nhà ven đường.

b) Ngoài suối, trên mấy cành cây cao, tiếng chim, tiếng ve cất lên inh ỏi, râm ran.

c) Trên những ruộng lúa chín vàng, bóng áo chàm và nón trắng nhấp nhô, tiếng nói, tiếng cười rộn ràng, vui vẻ.

d) Hoa lá, quả chín, những vạt nấm ẩm ướt và con suối chảy thầm dưới chân đua nhau toả hương.

e) Ngay thềm lăng, mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một đoàn quân danh dư đứng trang nghiêm.

Lời giải:

a) Chủ ngữ : Bác Hồ

Vị ngữ : đến nghỉ chân ở một nhà ven đường

Trạng ngữ : Vào một đêm cuối xuân năm 1947, khoảng 2 giờ sáng, trên đường đi công tác

b) Chủ ngữ : tiếng chim, tiếng ve

Vị ngữ : cất lên inh ỏi, râm ran

Trạng ngữ : Ngoài suối, trên mấy cành cây cao

c) Chủ ngữ : bóng áo chàm và nón trắng; tiếng nói, tiếng cười

Vị ngữ : nhấp nhô; rộn ràng, vui vẻ

Trạng ngữ : Trên những ruộng lúa chín vàng

d) Chủ ngữ : Hoa lá, quả chín, những vạt nấm ẩm ướt và con suối chảy thầm dưới chân

Vị ngữ : đua nhau toả hương

e) Chủ ngữ : mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một đoàn quân danh dự

Vị ngữ : đứng trang nghiêm

Trạng ngữ : Ngay thềm lăng

Đánh giá

0

0 đánh giá