Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Cấu tứ là gì? Ví dụ và ý nghĩa của cấu tứ trong thơ nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Cấu tứ là gì? Ví dụ và ý nghĩa của cấu tứ trong thơ
1. Câu tứ là gì?
- Cấu tứ, một yếu tố quan trọng khác của thơ, nằm ở sự pha trộn giữa hình ảnh và ý nghĩa; càng nhiều trải nghiệm về hình tượng, càng khéo léo khai thác ý nghĩa sâu sắc. Đơn giản, cấu tứ là việc biến đổi ý tưởng thành cảm xúc và hình ảnh, mang đến cho bài thơ sự linh hoạt và sâu lắng.
- Cách cấu tứ trong thơ:
+ "Cấu": xây dựng, sắp xếp, liên kết
+ "Tứ": ý nghĩ - trong thơ, sự suy nghĩ gắn liền với tình cảm và biểu hiện ra thành hình ảnh.
---> Cấu tứ là cách xây dựng, sắp xếp và liên kết những ý nghĩ, cảm xúc và hình ảnh thành các hình tượng mang ý tưởng trung tâm của toàn bộ bài thơ.
+ Xét trong quá trình sáng tác, cấu tứ là hành động tư duy để sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật. Cái kì diệu của cấu tứ là làm cho tinh thần nhà văn gặp gỡ với sự việc khách quan (hình và ý gặp nhau).
+ Xét như một thành quả sáng tạo, cấu tứ là sự cắt nghĩa, lí giải, khái quát hiện tượng đời sống bằng một hình tượng tổng quát có sức chi phối toàn bộ cảm thụ, suy tưởng và miêu tả nghệ thuật trong tác phẩm. Tức là xây dựng một ý tưởng bao quát toàn bài, liên kết những cảm xúc, suy nghĩ và hình ảnh biểu hiện trong dạng cấu tạo và phát triển của hình tượng thơ.
=> Tóm lại, cấu tứ là cách cấu tạo và phát triển của hình tượng thơ:
+ Tứ là linh hồn của tác phẩm, cung cấp một thế đứng, một cách nhìn, cách cảm nhận để thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Cấu tứ là một hình thế giới nghệ thuật của tác phẩm, là quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người của nó.
+ Để cấu tạo tứ, trước hết phải có tình. Song những tình cảm phải được tổ chức lại chặt chẽ và phục vụ cho chủ đề chung của toàn bài thơ để tình cảm không bị phân tán, ý tưởng được liên kết lại trong một cấu tạo chung và phát triển một cách hợp lý.
Tuy nhiên, có tư hay chưa hẳn có một sáng tác hay. Tứ thơ phải được đắp bồi cụ thể bằng cảm xúc, hình ảnh và ngôn ngữ chọn lọc. Có những sáng tác mà tứ được tạo thành gần gũi nhau nhưng vẫn mang sắc thái và gương mặt riêng biệt.
2. Ví dụ về cấu tứ trong thơ
- Bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu:
+ Nhan đề: "Từ ấy" đánh dấu một thời điểm quan trọng trong cuộc đời tác giả, khi ông giác ngộ lý tưởng cách mạng.
+ Cấu tứ: Bài thơ được tổ chức theo mạch cảm xúc từ sự bừng tỉnh, nhận thức mới mẻ đến sự hòa nhập và cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Các hình ảnh như "mặt trời chân lý", "hồn tôi" được sử dụng để thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm hồn tác giả.
- Bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu:
Cấu tứ: Bài thơ được xây dựng trên nền tảng của cuộc chia tay giữa người ở lại và người ra đi. Các hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Bắc được sắp xếp xen kẽ, tạo nên một bức tranh sống động về tình cảm gắn bó và lòng biết ơn.
- Bài thơ "Tây Tiến" của Quang Dũng:
Cấu tứ: Bài thơ miêu tả hành trình gian khổ nhưng hào hùng của đoàn quân Tây Tiến. Các hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, hiểm trở được sử dụng để làm nổi bật tinh thần chiến đấu kiên cường của người lính.
Cách xác định cấu tứ, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Xét nhan đề: Nhan đề của bài thơ thường gợi mở chủ đề và cảm xúc chính mà tác giả muốn truyền tải. Đây là điểm khởi đầu quan trọng để hiểu cấu tứ của bài thơ.
- Phân tích số từ và nhịp điệu: Đếm số từ trong mỗi câu thơ và chú ý đến nhịp điệu của từng dòng thơ. Nhịp điệu có thể giúp bạn nhận ra sự thay đổi cảm xúc và ý tưởng trong bài thơ.
- Xác định hình ảnh chính: Tìm hiểu các hình ảnh nổi bật trong bài thơ. Hình ảnh mở đầu, các hình ảnh tiếp theo và hình ảnh kết thúc đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấu tứ.
- Phân tích mạch cảm xúc: Xác định sự phát triển của cảm xúc xuyên suốt bài thơ. Từ cảm xúc ban đầu đến cao trào và kết thúc, mạch cảm xúc này giúp bạn hiểu rõ hơn về cấu trúc và ý nghĩa của bài thơ.
- Tìm hiểu các biện pháp tu từ: Chú ý đến các biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh,... và cách chúng ảnh hưởng đến cấu tứ của bài thơ.
- Tổng hợp và đánh giá: Sau khi phân tích các yếu tố trên, bạn cần tổng hợp lại để xác định cấu trúc tổng thể và ý nghĩa của bài thơ.
3. Các bước phân tích, đánh giá cấu tứ trong tác phẩm thơ trữ tình
Bước 1: Đọc bao quát bài thơ và tập trung vào mạch tình cảm, cảm xúc, cảm hứng chủ đạo, các hình tượng tiêu biểu của bài thơ.
Bước 2: Nhận xét về cách thức tổ chức mạch tình cảm, cảm xúc; cách thức sắp xếp tổ chức hình tượng trong bài thơ; nhận xét về mối tương quan giữa hai yếu tố này.
Bước 3: Nhận xét, đánh giá về cách cấu tứ thể hiện tư tưởng chủ đề, thông điệp của bài thơ.
4. Ý nghĩa của việc tìm hiểu cấu tứ trong thơ
Khi đọc một bài thơ, việc tìm hiểu cấu tứ của nó có ý nghĩa rất lớn. Cấu tứ của một bài thơ sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan về tác phẩm, đưa ra được những đánh giá chung nhất về chủ đề, các ý triển khai và mục đích hướng đến. Qua đó không chỉ giúp người đọc hiểu được ý đồ của tác giả mà còn giúp họ nắm bắt được chủ đề để khai thác tác phẩm một cách hiệu quả và đầy đủ nhất. Ví dụ qua bài Tràng giang của Huy Cận, từ việc biết được cấu tứ của bài thơ, người đọc có thể dễ dàng phán đoán được tâm trạng của nhân vật trữ tình ở đây là nỗi buồn nhớ nhà, nhớ quê hương khi chứng kiến sự nhỏ bé của con người, sự vô tận của vũ trụ và sự kỳ vĩ của tự nhiên nước nhà. Qua đó, ta thấy được tấm lòng yêu nước của một người trí thức, một người con xa nhà luôn khắc khoải nhớ về quê hương. Như vậy, việc tìm hiểu về cấu tứ của tác phẩm là cực kỳ quan trọng, nó rất có ích trong quá trình khám phá nội tâm của tác giả cũng như cái “hồn” của tác phẩm.
5. Phân tích một số tác phẩm có cấu tứ độc đáo
Phân tích cấu tứ và hình ảnh trong bài thơ Từ ấy
Bài thơ “Từ ấy” là bản đàn dạo khúc vui đầu tiên của người cộng sản Tố Hữu khi gặp lí tưởng Đảng.“Từ ấy” được cấu tứ dựa trên một sự kiện quan trọng, có tính chất bước ngoặt trong con đường đời, đường thơ của thi sĩ. Sự kiện ấy làm thay đổi hoàn toàn nhận thức, tư tưởng tình cảm và con đường đấu tranh của người thanh niên cách mạng. Đó là sự kiện Tố Hữu được kết nạp Đảng năm 1938.
Toàn bộ bài thơ từ nhan đề đến các câu thơ, khổ thơ, hình ảnh, tình cảm của nhân vật trữ tình đều được triển khai từ sự kiện đó nên người đọc sẽ thấy: Từ ấy - niềm vui lớn “bừng nắng hạ”, “mặt trời chân lý”, “hồn tôi – vườn hoa lá”; từ ấy - lẽ sống lớn “tôi buộc lòng tôi với mọi người”; Từ ấy - tình cảm lớn “tôiđã là con của vạn nhà”…
Nhan đề chính là chìa khóa quan trọng để tiếp cận thi phẩm. “Từ ấy” trước hết ghi dấu một thời điểm cụ thể trong cuộc đời Tố Hữu, được tác giả ghi cuối bài: Tháng 7/1938. Đây chính là thời điểm Tố Hữu vinh dự được đứng vào hàng ngũ của những người cùng đấu tranh cho lí tưởng cao đẹp, thời điểm ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Vì thế, “Từ ấy” không chỉ là thời điểm cụ thể mà đã trở thành dấu mốc có tính chất bước ngoặt trong con đường đời, đường thơ của Tố Hữu.
“Từ ấy” được đặt ở nhan đề và ngay dòng đầu bài thơ như bản lề vạch chia ranh giới rõ ràng giữa hai khoảng thời gian. Đó là bản lề cánh cửa khép lại quãng thời gian trước “Từ ấy” và mở ra khoảng thời gian sau “Từ ấy” trong cuộc đời nhà thơ. Trước “Từ ấy” là cuộc sống bế tắc, tối tăm, cô đơn tuyệt vọng chán chường đã từng được Tố Hữu ghi lại qua những dòng thơ hồi tưởng.
“Năm 20 của thế kỉ 20
Tôi sinh ra nhưng chưa được làm người
Nước đã mất. Cha đã làm nô lệ
Ôi những ngày xưa mưa xứ Huế
Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!
Ngẩng đầu lên không thấy mặt trời
Đất lai láng những là nước mắt.”
(Một nhành xuân)
Đó là khoảng thời gian người thanh niên trẻ băn khoăn tìm kiếm lẽ sống trong sự quẩn quanh, bế tắc không lối thoát. Đó không chỉ là tâm trạng của riêng mình nhà thơ mà là chung cho cả thế hệ trẻ lúc bấy giờ.
Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vẫn vơ theo mãi dòng quanh quẩn
Muốn thoát than ôi, bước chẳng rời.
(Nhớ đồng)
“Từ ấy” đã khai quang con đường rộng mở, tươi sáng cho người thanh niên Nguyễn Kim Thành; mở ra những điều mới mẻ, thiêng liêng. “Từ ấy” là thời điểm Tố Hữu được ánh sáng lí tưởng soi chiếu, thời điểm hình thành nên chiến sĩ cách mạng Tố Hữu và cũng là thời điểm “khai sinh” hồn thơ Tố Hữu - hồn thơ trữ tình chính trị, lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Vì thế, “Từ ấy” trở thành tứ của bài thơ, là điểm tựa cho sự vận động của nhận thức, tình cảm của nhà thơ; là điểm liên kết các khổ trong bài thơ.
“Từ ấy” là thời điểm khép lại chuỗi ngày dằn vặt, đau khổ, bóng tối, mở ra một cuộc sống mới đầy hứa hẹn với niềm vui sướng, say mê toát lên từ sự thức tỉnh kì diệu. Tố Hữu ghi lại giây phút đổi thay ấy bằng những hình ảnh tươi sáng, giàu tính hình tượng: “nắng hạ”, “mặt trời chân lí”, “vườn hoa lá”.
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
“Nắng hạ” là thứ ánh nắng chói chang, rực rỡ của mùa hè; khác hẳn ánh nắng dịu nhẹ của mùa thu hay ánh nắng ấm áp của mùa xuân. Ánh nắng hạ chiếu sáng những ngõ ngách sâu kín nhất của tâm hồn, trí tuệ, nhận thức của chàng thanh niên trẻ. “Mặt trời chân lí” là hình ảnh ẩn dụ cho lí tưởng Đảng. Mặt trời đem đến ánh sáng, sự sống cho muôn loài. Đối với Tố Hữu, lí tưởng của Đảng cũng như thế, soi rọi tâm hồn, đem lại sự sống giúp nhà thơ nhận ra con đường đi đến chân lí, lẽ phải, niềm vui và hạnh phúc. Để diễn tả tác động mạnh mẽ, sức ảnh hưởng lớn lao của lí tưởng cộng sản, Tố Hữu đã khéo léo sử dụng các động từ mạnh “bừng”, “chói”. Ánh sáng lí tưởng cộng sản không chỉ tác động về mặt lí trí mà còn “chói qua tim”, thức tỉnh cả về mặt tình cảm trong tâm hồn nhà thơ. Từ đó, mở ra một chân trời mới, nhà thơ như sống một cuộc đời mới đầy vui tươi, lạc quan như “vườn hoa lá”.
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Hình ảnh so sánh hồn thơ - vườn hoa lá diễn tả một cách đầy đủ sức sống dào dạt, sinh sôi và niềm vui sướng hứng khởi trong tâm hồn nhà thơ trong những buổi đầu đến với lí tưởng cách mạng. Đó là cuộc sống đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị, có màu xanh yên bình của lá, của hoa, có hương thơm của hoa và âm thanh rộn ràng của tiếng chim. Việc sử dụng các tính từ chỉ mức độ như “đậm”, “rộn” nhấn mạnh hơn nữa niềm vui, sức sống kì diệu trong tâm hồn thi nhân khi bước theo ánh sáng lí tưởng đời mình.
Thời điểm “Từ ấy” không chỉ là bước ngoặt hồi sinh cuộc đời nhà thơ, đem đến một cuộc sống mới đầy niềm vui, lạc quan mà còn là bước ngoặt hồi sinh tâm hồn, đem đến nguồn cảm hứng nghệ thuật dạt dào cho thơ ca của Tố Hữu. Vì vậy, có thể nói, “Từ ấy” chính là thời điểm khai sinh hồn thơ Tố Hữu, đem đến cho thơ ca của ông sức sống mới, nguồn cảm hứng mới – thơ trữ tình chính trị.
Sau những phút giây sung sướng đón nhận lí tưởng cách mạng, người chiến sĩ cộng sản đã có sự chuyển biến lớn về nhận thức. Đó trước hết là ý thức trách nhiệm trước cuộc đời, là nhận thức mới về lẽ sống.
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.
Nhân vật trữ tình tự “buộc” lòng mình với mọi người. Đó là ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của nhà thơ vượt qua giới hạn của cái tôi cá nhân để sống gắn bó với mọi người với thái độ dứt khoát, mạnh mẽ xác định bởi lí trí sáng suốt thể hiện. Con người cá nhân đã thoát dần cái tôi vị kỉ, nhỏ bé để vươn đến cái tôi rộng lớn - cái tôi hướng đến cuộc đời và mọi người. Để từ đó thiết lập tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ trước nỗi đau, vui buồn của bao kiếp người, đặc biệt là “bao hồn khổ”.
Tố Hữu đã đặt mình vào giữa dòng đời, trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ; ở đó, nhà thơ tìm thấy niềm vui, tìm thấy sức mạnh mới của “khối đời”. Đó là sức mạnh đoàn kết gắn bó rộng lớn và đông đảo của nhân dân. Lẽ sống cao đẹp khi giác ngộ lập trường giai cấp, tự nguyện gắn bó cái tôi cá nhân với cái ta chung trong ý thức đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho người thanh niên cộng sản Tố Hữu.
“Từ ấy” không chỉ là bước ngoặt đem đến niềm vui lớn, lẽ sống lớn mà còn mở ra những chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của người thanh niên cộng sản Tố Hữu. Trước khi giác ngộ cách mạng, Tố Hữu là thanh niên trí thức tiểu tư sản; lí tưởng cộng sản đã giúp nhà thơ vượt ra rào cản hẹp hòi của cá nhân để có được tình hữu ái giai cấp, tình thân ruột thịt với quần chúng lao khổ.
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ
Ba từ “là” xuất hiện liên tiếp trong đoạn thơ như lời khẳng định chắc nịch, rắn rỏi, dứt khoát cho sự hòa nhập tuyệt đối. Người chiến sĩ đã ở giữa đời, là con của gia đình, là em của kiếp đời phôi pha, là anh của các em thơ nghèo khổ, đói cơm rách áo. Số từ được nhà thơ sử dụng tăng dần từ một, mọi, trăm, khối, vạn như mở rộng khối đời đồng thời kết nối tình cảm yêu thương gắn bó giữa quần chúng nhân dân lao khổ.
Qua các cụm từ “kiếp phôi pha”, “cù bất cù bơ” ta không chỉ thấy ý thức trách nhiệm mà còn là tấm lòng chan chứa yêu thương, sự đồng cảm xót xa của nhà thơ dành cho những kiếp người bất hạnh, vất vả, đắng cay trong xã hội cũ. Ta như nhìn thấy hình ảnh của những chú bé đi ở (“Đi đi em”, “Hai đứa bé”), những cô gái giang hồ (“Tiếng hát sông Hương),… Càng yêu thương đồng cảm với những số phận phôi pha bao nhiêu, nhà thơ càng căm hận trước bao bất công, ngang trái trong xã hội cũ bấy nhiêu. Đó cũng là động lực để người chiến sĩ hăng say hoạt động cách mạng để đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình, cho mọi người, cho quần chúng nhân dân còn bao cơ cực, lầm than.
Bài thơ ra đời năm 1938. Trong bối cảnh nước mất nhà tan, rất nhiều thanh niên trí thức lúc bấy giờ rơi vào sự bế tắc, mất phương hướng thì sự giác ngộ lí tưởng cách mạng đem đến niềm vui sướng vô bờ, giúp nhà thơ nhận thức được lẽ sống lớn, tình cảm lớn cũng là sự lựa chọn đúng đắn của người thanh niên yêu nước Nguyễn Kim Thành. Ghi lại bước chuyển quan trọng trong cuộc đời nhưng nhà thơ không lên gân, giọng thơ nhẹ nhàng với cảm xúc vui tươi, tha thiết cũng là giọng điệu rất riêng của nhà thơ Tố Hữu.
“Từ ấy” là tuyên ngôn về lẽ sống của người cộng sản khi gặp lí tưởng của Đảng; là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Đó là thời điểm hồi sinh tâm hồn, bước ngoặt trong nhận thức, tình cảm của nhà thơ. Còn nếu không có “Từ ấy”? Nhà thơ Tố Hữu đã từng tự trả lời: “Không biết tôi sẽ trở thành thế nào, may lắm là một người vô tội” (Câu chuyện về thơ). Chính vì thế “Từ ấy” được Tố Hữu lựa chọn trở thành tứ xuyên suốt, là mạch ngầm liên kết hình ảnh, câu từ, cảm xúc trong toàn bộ bài thơ.
Phân tích tác phẩm Tràng giang của Huy Cận về khía cạnh cấu tứ, hình ảnh và giá trị tạo hình
Con người luôn bị chi phối bởi hoàn cảnh, các nhà thơ trong phong trào Thơ mới cũng vậy, hoàn cảnh đã đưa họ tiếp cận với những vần thơ sâu sắc, chứa chan tình yêu nước sâu đậm. Tiêu biểu trong đó ta phải kể đến đó là nhà thơ Huy Cận với tác phẩm Tràng giang - một tác phẩm hay, ý nghĩa về tấm lòng của một con người luôn nặng lòng vì nước thể hiện qua cấu tứ, hình ảnh trong bài thơ.
Bài thơ được gợi cảm hứng từ một buổi chiều thu bên bến Chèm, chàng thi sĩ đứng cạnh dòng nước, ngắm nhìn đất trời cảnh vật mà “tức cảnh sinh tình”. Nguồn cảm hứng đó ta có thể thấy rõ qua câu đề từ của bài thơ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Câu đề từ gợi ra một không gian rộng lớn nơi con người chan chứa cảm xúc bâng khuâng khó tả.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng
Hình ảnh đầu tiên xuất hiện là hình ảnh con sóng nhấp nhô trùng trùng, điệp điệp. Con sóng tầng tầng, lớp lớp ấy kéo theo là nỗi buồn của nhân vật trữ tình, nhìn sóng nước như nhìn thấy nỗi buồn trong lòng mình. Cùng với đó là hình ảnh con thuyền lênh đênh trên sông gợi liên tưởng về một kiếp người nghèo khổ, nay đây mai đó, không biết đi đâu về đâu. Trong thơ Đường, ta đã từng bắt gặp hình ảnh con thuyền và dòng sông đầy ám ảnh, trĩu nặng cái tình của người đưa tiễn:
Cô phàm viễn cảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu
(Lí Bạch)
Con thuyền dường như trở lên nhỏ bé lạ thường kết hợp với hình ảnh cành củi bị cuốn theo dòng nước càng tô đậm thêm sự nhỏ bé của sự vật hay chính là một kiếp người nào đó trong xã hội.
Sang đến khổ thơ thứ hai, ta bắt gặp hình ảnh khái quát toàn bộ khung cảnh sông nước thể hiện hiện qua 4 câu thơ:
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài trời rộng bến cô liêu
Đến đây, khung cảnh trở lên thật tĩnh lặng, vắng vẻ, gợi lên một nỗi buồn thầm kín, khó tả. Các từ láy “lơ thơ”, “chót vót”, “đìu hiu” gợi lên cảm nhận về một sự xa xăm, sự vắng lặng lạ thường, nhỏ bé của con người so với vũ trụ bao la. Gió hiu hiu thổi trên cồn cát vắng bóng của sự sống con người, sự vật, con người thật nhỏ bé, vô định trước sự rộng lớn của vũ trụ. Và không gian cứ mở rộng, con người lại càng cô đơn, nhỏ bé và buồn tủi trước thiên nhiên rộng lớn. Để rồi, sự cô quạnh, lạnh lẽo ấy khiến tác giả phải thốt ra thành lời khiến người đọc không khỏi buồn lây mà cảm thán:
Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng
Hình ảnh bèo dạt đã nhiều lần xuất hiện trong thơ ca, nhưng ở đây nó lại thấm thía sự chia ly, gợi lên sự nhỏ bé, mong manh của kiếp người giữa dòng đời. Hình ảnh bèo nối hàng gợi cảm nhận về những kiếp người chìm nổi trong xã hội, họ vẫn ở đó và ngày càng khổ đau hơn. “Không một chuyến đò ngang” đã thể hiện sự vắng bóng, thiếu sự gắn kết với con người. Cảnh vật càng trở lên hoang vắng, mênh mông đến tận cùng như nỗi buồn của con người. Trên nền không gian ấy, hình ảnh bãi vàng vẫn hiện lên, tô điểm thêm bức tranh đồng thời cũng tô đậm thêm sự thiếu sức sống, vắng lặng của cảnh vật hoang tàn. Phải chăng bởi lòng người u buồn khiến cho cảnh vật chẳng thể đẹp mà cũng nặng trĩu tâm tư của nhân vật trữ tình?
Để rồi khổ cuối càng bộc lộ rõ tâm tư, tình cảm của tác giả:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Hình ảnh cánh chim và đám mây tiếp tục tô điểm thêm cho bức tranh thiên nhiên vũ trụ rộng lớn, cô quạnh. Sự hùng vĩ của cảnh sắc của những đám mây lớp lớp nối tiếp nhau cùng cánh chim đang bay về tổ ấm báo hiệu hoàng hôn hôn đang buông xuống. Sự tương phản giữa cánh chim và bầu trời càng làm nổi bật lên sự tồn tại nhỏ bé như kiếp người, cũng nhỏ bé và vô định giữa đất trời rộng lớn. Bởi vậy lòng người chỉ càng thêm tịch mịch và u buồn. Nỗi buồn về kiếp người, về nỗi nhớ quê hương tha thiết của một con người nơi đất khách quê người đang tức cảnh sinh tình, bộc lộ nỗi lòng của mình.
Tóm lại, Tràng giang là một bài thơ đặc sắc cả về cấu tứ thơ cũng như các hình ảnh được sử dụng. Không chỉ thể hiện được sự tài hoa trong sáng tác thơ của Huy Cận mà nó còn làm nổi bật lên tâm tư, tình cảm trĩu nặng nỗi buồn và niềm mong nhớ về quê hương của tác giả. Cùng với đó, sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại đã tạo nên một thi phẩm độc đáo về tình yêu quê hương, đất nước con người ẩn chứa trong nỗi buồn thầm kín của một con người đa sầu, đa cảm như Huy Cận.