Giải thích câu tục ngữ Tôn sư trọng đạo đầy đủ nhất

0.9 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Giải thích câu tục ngữ Tôn sư trọng đạo đầy đủ nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Giải thích câu tục ngữ Tôn sư trọng đạo đầy đủ nhất

1. Tôn sư trọng đạo là gì?

"Tôn sư" trong đó "tôn" là tôn trọng, kính trọng và đề cao; "sư" là thầy dạy học, dạy người, dạy chữ. Vậy tôn sư là người học trò phải biết tôn trọng, kính trọng và đề cao vai trò của người thầy trong quá trình học tập vào trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôn sư" không đồng nghĩa với là thầy luôn luôn đúng, vì điều đó còn tùy thuộc vào sức khỏe, trạng thái tâm lý của thầy giáo, sự thay đổi của điều kiện ngoại cảnh mà đã tác động đến hoạt động giáo dục. 

"Trọng đạo" trong đó "trọng" là coi trọng, tôn trọng, đạo là đạo lí, con đường làm người, đạo đức, đạo lí truyền thống tốt đẹp của con người. Vậy trọng đạo là người học trò phải biết tôn trọng, lễ phép, kính trọng người thầy vì người thầy đã giảng dạy, truyền dạy cho chúng ta biết thế nào là đạo nghĩa, đạo đức, đạo học làm người và những tri thức khác về mọi mặt của đời sống tự nhiên, đời sống xã hội. Ngoài ra, trọng đạo cũng có nghĩa là trọng chân lý, xét trong tình huống giáo dục cụ thể chân lý là của cùng một chủ thể thầy dạy đưa ra, nhưng cũng có khi là chân lý được học trò đúc kết, tích lũy trong hoạt động sống nói chung. Vì thế, trong giáo dục, học trò vẫn có thể tranh luận với thầy, phản biện lại thầy về kiến thức chân lý mà vẫn giữ nguyên đạo lý và sự tôn sư.

Như thế, sự "tôn sư" đi liền với "trọng đạo" không tách rời nhau mà luôn ở trong cùng một khái niệm. Ngày nay, "tôn sư trọng đạo" vẫn mang ý nghĩa tôn vinh người thầy và nghề dạy học, nhưng giáo dục ngày nay cơ bản đã khác xưa, mối quan hệ thầy trò cũng cũng phải vận động sao cho phù hợp với thời cuộc". Tuy nhiên, cho dù là sự vận động như thế nào đi chăng nữa thì vai trò của người thầy cũng không thể thay thế được. Người Trung Quốc có câu: "Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi". Mặt khác, sự "tôn sư" ở đây còn được hiểu là kính trọng thầy về kiến thức và đạo đức, nhưng cũng còn ý nghĩa khác nữa là quý mến thầy trong cách hiểu về tình người. Tóm lại, có thể hiểu đơn giản tôn sư trọng đạo là tôn trọng, kính yêu và biết ơn đối với những người làm thầy giáo, cô giáo (đặc biệt là những thầy cô giáo đã dạy mình) ở mọi lúc mọi nơi, coi trọng những điều thầy dạy, coi trọng và làm theo đạo lí mà thầy đã dạy mình.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống quý báu của dân tộc, chúng ta cần phát huy và giữ gìn truyền thống ấy. Đây là một nét đẹp trong tâm hồn mỗi người, làm cho các mối quan hệ ngày càng trở nên gắn bó. 

2.  Ý nghĩa của Tôn sư trọng đạo

Từ xưa đến nay, tôn sư trọng đạo là phẩm chất đạo đức rất được coi trọng, nhằm đền đáp công lao to lớn của những người thầy thầm lặng đã truyền đạt kiến thức để giáo dục con người. Ông cha ta từ thời xa xưa vẫn thường dạy “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”, tức là một chữ cũng là thầy nửa chữ cũng là thầy. Như vậy, vai trò của người thầy đã sớm được ghi nhận trong xã hội từ rất lâu về trước.

Sinh thời, thủ tướng Phạm Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Khác với các nghề khác, thành phẩm của giáo dục và công lao của người thầy chính là tạo ra những người tốt cho xã hội. Bên cạnh đó, kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng có rất nhiều câu nói về công lao của người thầy, chẳng hạn như:

“Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”

Tôn sư trọng là truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc từ bao đời nay. Xuất phát từ vai trò quan trọng của giáo dục, Nhà nước ta xác định rất rõ ràng rằng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu của Việt Nam. Vì vậy, rất nhiều chính sách phát triển với lĩnh vực giáo dục được đưa ra nhằm mang đến một thế hệ mới có tri thức cao, sánh vai với các cường quốc châu lục trên thế giới. Không chỉ vậy, Nhà nước còn lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày hội lớn toàn dân để tôn vinh các nhà giáo của Việt Nam.

Tôn sư trọng đạo còn có ý nghĩa giúp cho con người sống có nhân nghĩa và thủy chung. Sống trong đời nếu biết coi trọng đạo lý làm người nói chung và  tôn sư trọng đạo nói riêng sẽ giúp cho chúng ta có khả năng tiến xa hơn trong học tập và gặt hái được thành công lớn trong sự nghiệp. "Tôn sư trọng đạo” dù ở thời xưa hay ngày  và mãi mãi mai sau vẫn luôn là một nét đẹp không gì có thể thay thế được của dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, thời nào, người thầy vẫn giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.

3. Biểu hiện của Tôn sư trọng đạo

Tôn sư trọng đạo được thể hiện rõ nhất thông qua các hành động, lời nói, cử chỉ và thái độ đối với thầy giáo, cô giáo. Chỉ cần thông qua tác phong nói chuyện của học sinh đối với thầy cô là có thể nhìn rõ được đạo đức này trong mỗi người.

Thứ nhất, học sinh có thái độ và hành động làm vui lòng thầy cô. Tôn sư trọng đạo chính là đạo đức cần thiết có đối với tất cả mọi người. Chúng ta cần thể hiện một thái độ kính trọng, mến yêu bởi lẽ các thầy cô giáo đã dạy dỗ mình nên người. Bên cạnh đó, mỗi học sinh cũng cần phải lễ phép khi giao tiếp, không tỏ thái độ thiếu tôn trọng hoặc có các hành vi, cử chỉ không đúng chuẩn mực với thầy cô. Đồng thời, các bạn cũng phải luôn nỗ lực hết mình, ghi nhớ những lời thầy cô dạy để trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đặc biệt là các em học sinh, sinh viên cần phải chăm ngoan, nghe lời thầy cô, cố gắng học tập và rèn luyện để đạt được kết quả cao trong học tập.Có như thế mới có thể báo đáp ân nghĩa với sự dạy dỗ của thầy cô.

Thứ hai, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 là ngày lễ truyền thống của dân tộc Việt Nam, đây là ngày để tôn vinh công lao dạy dỗ của các thầy giáo, cô giáo. Đồng thời cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng của mình đối với thầy cô giáo đã dạy mình. Vào ngày này, các em học sinh và sinh viên trên khắp cả nước lại nô nức mua những bó hoa, món quà,... để dành tặng cho thầy cô. Xã hội luôn có sự quan tâm đặc biệt đến các nhà giáo. Bên cạnh những biểu hiện bên trên, tôn sư trọng đạo còn được thể hiện rõ nhất thông qua sự quan tâm của xã hội đối với các nhà giáo. Có thể khẳng định rằng, trong xã hội hầu hết mọi người luôn dành tình cảm kính mến và tôn trọng đối với các giáo viên. Sự quan tâm đối với nền giáo dục, đời sống vật chất và tinh thần của giáo viên sẽ giúp cho các học sinh phát triển tốt. Đặc biệt, Nhà nước còn luôn có sự quan đặc biệt đối với các nhà giáo thông qua những chính sách như tăng ngân sách cho giáo dục, tăng lương và phụ cấp. Đồng thời, còn tu bổ, xây dựng hệ thống trường lớp tạo ra môi trường thuận lợi cho quá trình giảng dạy, học tập và rèn luyện.

4. Dàn ý bài nghị luận "Tôn sư trọng đạo"

I. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề nghị luận: Lịch sử dân tộc luôn đề cao, coi trọng những người mang trọng trách lớn lao: Dẫn dắt, giáo dục con người trưởng thành. Điều đó đã trở thành một đạo lý mà người ta vẫn gọi là “Tôn sư trọng đạo”.

II. Thân bài:

* Giải thích thế nào là “Tôn sư trọng đạo”?

- “Tôn sư”: Tôn trọng thầy cô giáo

- “Trọng đạo”: Coi trọng đạo lí

⇒ “Tôn sư trọng đạo”: Cần ghi nhớ công ơn, tôn trọng ân nghĩa của thầy cô giáo, coi trọng đạo lý, khắc sâu ơn nghĩa của những người đã dìu dắt, dạy dỗ học trò trong sự nghiệp trồng người.

- "Tôn sự trọng đạo" chính là một truyền thống tốt đẹp của đạo học Việt Nam, truyền thống này có từ lâu đời khi có nhu cầu truyền dạy và học tập của con người.

* Tại sao cần phải “tôn sư trọng đạo”?

Cần biết ơn thầy cô bởi:

- Thấy cô nâng đỡ, truyền đạt tri thức, chắp cánh nâng đỡ con người trong hành trình dài rộng của cuộc đời

- Thầy cô dạy ta cách sống, cách làm người, hướng con người tới những giá trị sống tốt đẹp

- Thầy cô dành cho học trò tình yêu thương như mẹ cha

- Thầy cô là những người bạn luôn bên cạnh chia sẻ với học trò mỗi lúc buồn vui hay hạnh phúc

- Biết ơn thầy cô giáo là nét đẹp trong cách sống của con người, là biểu hiện của một người thực sự có văn hóa

* Biểu hiện của “Tôn sư trọng đạo”

- Phạm Sư Mạnh – học trò của cụ Chu Văn An, tuy đã thành quan lớn, nhưng khi quay trở về thăm thầy vẫn kính cẩn, đứng từ xa vái chào. Khi được thầy mời vào nhà chỉ dám ngồi bậc dưới ⇒ Một thái độ, một con người, một nhân cách lớn

- Ngày nay, truyền thống ấy vẫn được thể hiện một cách đa dạng dưới nhiều hình thức:

+ Học sinh gửi những lời tri ân tới thầy cô nhân ngày 20/11

+ Học hành chăm chỉ, lễ phép, ngoan ngoãn với thầy cô giáo…

* Mở rộng vấn đề

- Ngày nay có rất nhiều người học trò đang ngồi trên ghế nhà trường, được học nhiều bộ môn của các thầy cô giảng dạy nhưng họ không ý thức được vấn đề cần phải tôn trọng, kính trọng, lễ phép với người thầy và coi trọng đạo học mà thầy truyền giảng. Điều ấy có nghĩa là đạo lý truyền thống không được tôn trọng, học tập...

- Bên cạnh những biểu hiện thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo” vẫn còn những con người bất kính, vô ơn với thầy cô:

  • Hỗn láo với thầy cô
  • Bày trò chọc phá thầy cô
  • Làm những hành vi sai trái khiến thầy cô phiền lòng

⇒ Hành vi, việc làm như vậy phải bị phê phán

- Nhưng cũng có rất nhiều người học trò đã và đang hiểu, thực hành câu thành ngữ và cũng đang bước trên con đường thành đạt trong cuộc sống, trong khoa học,...

* Liên hệ bản thân:

- Điều tuyệt vời nhất để đền đáp công ơn thầy cô là học hành chăm chỉ cần cù, mang những kiến thức mà thầy cô đã truyền dạy xây dựng tương lai bản thân và làm giàu cho đất nước

- Cố gắng trở thành con người sống đẹp, sống có đạo đức, có tài để không phụ công lao dạy dỗ của thầy cô

- Bản thân cần ý thức trách nhiệm và việc làm của mình sao cho xứng đáng với những gì thầy cô truyền đạt

III. Kết bài:

- Khẳng định lại vấn đề nghị luận: “Tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp trong tính cách, phong cách sống của mỗi người

- Lời nhắn gửi đến mọi người: Hãy sống thật đẹp, sống có ích, có đức và có tài để công lao của các thầy cô trở nên có ý nghĩa

5. Bài mẫu

Mẫu 1

“Tôn s­ư trọng đạo” không chỉ còn là vấn đề đạo đức mà còn là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thầy còn được tôn trọng. Mà chắc chắn rằng, con người không thể quay trở về với điểm xuất phát với cảnh sống ăn lông ở lỗ được. Vì thế, dù thời kì lịch sử nào, dù xã hội nào “Tôn sư trọng đạo” vẫn là truyền thống vô cùng tốt đẹp, và vô cùng cần thiết, cần được tiếp tục phát huy và gìn giữ. Đó là yếu tố quan trọng làm nên nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.

Nhân dân ta từng có những câu nói vô cùng giản dị mà chứa đựng những ý nghĩa rất sâu sắc về vấn đề Đạo và Thầy. Những câu nói ấy vừa tôn vinh người Thầy, vừa nhắc nhở con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Thầy là người vạch đường chỉ lối cho một người “Không thầy đố mày làm nên”. Vì thế vị trí của người thầy được đặt ngang hàng với vị trí của cha mẹ, “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Chúng ta vẫn luôn tự nhắc mình:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy

Người làm thầy trong bất cứ xã hội nào luôn được xã hội tôn trọng “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Bởi vậy, “tôn sư trọng đạo” không còn là một vấn đề quan niệm sống hay quan niệm về cách cư xử mà đã trở thành một phạm trù đạo đức. Thời xưa Platôn, Aritxtôt, Khổng Tử… từ người thầy đã trở thành những bậc thánh trong lòng học trò. Ngày nay, người thầy tuy không có vị trí tuyệt đối như thế song thầy vẫn là người được xã hội tôn trọng và “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Dù ở phương Đông hay phương Tây, dù mối quan hệ thầy trò có bình đẳng đến đâu, gần gũi đến đâu thì danh giới thầy trò, vị trí đáng kính của người thầy vẫn không hề bị mai một.

 

Trên thực tế, vấn đề “tôn sư trọng đạo” ngày nay đã có nhiều điều đáng phải bàn. Các thầy cô giáo dù phải đứng trước bao nhiêu khó khăn của cuộc sống vẫn đang ngày đêm lo lắng, nghiền ngẫm để truyền thụ cho học sinh những tri thức quý giá nhất. Còn học sinh, bên cạnh những học sinh chăm chỉ ngoan ngoãn, thực hiện đúng đạo làm trò, kính yêu và tôn trọng thầy cô giáo, đã có không ít bạn chót quên đi đạo nghĩa thầy trò. Những học sinh ấy đã vô tình hoặc cố ý vi phạm đạo làm trò, làm đau lòng các thầy cô giáo. Đã có những câu chuyện đau lòng mà chúng ta không muốn nhắc đến như hiện tượng học trò xúc phạm thầy cô giáo, vô lễ với những người đang ngày đêm dạy bảo mình những điều hay lẽ phải, truyền đạt cho mình những tinh hoa tri thức nhân loại. Xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục lên án những học sinh đó.

“Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống văn hoá vô cùng tốt đẹp của loài người. Nếu trẻ em là tờ giấy trắng thì người cầm cây bút viết lên những tờ giấy trắng ấy những tráng thẳng hàng, rõ nét, rõ chữ nhất chính là thầy cô giáo. Tôn trọng những người giữ vai trò truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ sau là biểu hiện của tình yêu tri thức, của lòng ham học hỏi, của ý chí và khát vọng vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế “tôn sư” không chỉ là vấn đề tôn trọng, kính yêu người làm nghề dạy học mà còn là biểu hiện của tình yêu tri thức, biểu hiện của văn minh, tiến bộ. “Đạo” cũng không chỉ dừng lại ở đạo làm trò, ở những hình thức, thái độ ứng xử với người thầy mà còn là cả vấn đề đạo đức xã hội. Đó là đạo làm người, là đạo học ở đời. Trọng đạo là coi trọng sự hiểu biết, coi trọng tinh thần ham học hỏi, đề cao truyền thống ham học.

Để xã hội ngày càng văn minh con người ngày càng phải chú ý đến chuyện học hành, tiếp thu tri thức. Vì thế, vai trò của người thầy trong xã hội hiện đại đã thay đổi, từ người truyền đạt tri thức đã chuyển thành người dẫn dắt học sinh tìm ra con đường đến với tri thức. Vai trò của người thầy ít nhiều thay đổi nhưng vị trí của người thầy thì không hề suy giảm. Thầy vẫn là thầy và ngày càng quan trọng hơn. Vì vậy, dù xã hội có đi đến đâu, xã hội ấy vẫn có những người muốn học và vẫn có những người thực hiện nhiệm vụ dạy bảo người đi sau. Trong cuộc sống ngày nay, khi mà vấn đề học hành ngày càng phức tạp và sự xuống cấp về đạo đức xã hội đang khiến nhiều người có lương tâm trách nhiệm phải quan tâm suy nghĩ thì vấn đề “tôn sư trọng đạo” càng phải tiếp tục được kế thừa và phát huy hơn nữa.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta. Đứng trước những hiện tượng đáng suy nghĩ hiện nay về vấn đề đạo đức học đường, chúng ta cần phải có những hoạt động cần thiết để nhắc nhở mỗi người nhìn lại thái độ và cách ứng xử của mình đối với những người làm thầy trong xã hội này. Tôn sư trọng đạo cần phải được quan tâm hơn nữa.

Mẫu 2

Comenxki- một nhà giáo dục, nhà hoạt động nhân văn vĩ đại người Séc đã nói rằng: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”, để tôn vinh nghề giảng dạy, đồng thời gián tiếp nêu bật lên sự đáng quý, đáng trọng của những con người làm nghề giáo, những người cả đời lái những chuyến đò đưa học sinh đến bến bờ của tri thức. Ở Việt Nam ta truyền thống tôn sư trọng đạo đã có từ ngàn đời nay, trở thành một chuẩn mực đạo đức, một lối ứng xử tốt đẹp mà mỗi một con người đều phải ghi nhớ không quên. Mỗi thế hệ con em đều được ông cha nhắc nhở rằng “Một ngày làm thầy cả đời làm cha”, thầy cô chính là người cha người mẹ thứ hai, mà chúng ta phải yêu thương, kính trọng bằng hết tầm lòng, không khác gì những người thân ruột thịt trong gia đình, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

“Tôn sư” tức là tôn trọng, kính mến, và có tấm lòng biết ơn với những người làm thầy, làm cô, bất kể là họ đã từng hay chưa từng dạy dỗ chúng ta. Còn “trọng đạo” có nghĩa là coi trọng, đặt những lời thầy cô giáo truyền đạt ở trong lòng để ngẫm nghĩ, suy xét, xem trọng đạo lý làm người, giữ chuẩn mực đạo đức, đối xử với thầy cô đúng phép tắc lễ nghĩa, không được có những hành động xấc xược, thiếu đạo đức. Biểu hiện rõ nét của truyền thống tôn sư trọng đại trong xã hội ngày nay, chính là sự chăm ngoan, lễ phép, kính thầy yêu bạn của các thế hệ học sinh. Các em học sinh tham gia giờ học một cách nghiêm túc, tích cực xây dựng bài vở, đạt kết quả tốt để làm vui lòng thầy cô giáo, đền đáp lại những gì mà người giáo viên đã truyền dạy. Tôn trọng lời thầy cô dạy dỗ, hết lòng giúp đỡ thầy cô trong công tác giảng dạy, quan tâm thầy cô giống như người thân thiết của mình. Bên cạnh đó vào những ngày lễ tết, đặc biệt là ngày nhà giáo Việt Nam, để tôn vinh nghề giáo và lòng biết ơn của mình, các thế hệ học sinh luôn có truyền thống thăm hỏi, tặng quà, chúc mừng thầy cô giáo của mình. Thậm chí có người đã ra trường gần 20 năm, nhưng không năm nào quên về thăm lại thầy cô giáo cũ, ôn lại chuyện xưa một cách đầy trân trọng và yêu thương.

Truyền thống tôn sư trọng đạo là truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc, đã trở thành nét văn hóa đặc sắc trong phong tục tập quán. Từ thuở xa xưa, đặc biệt là nước ta dưới ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ của nền Nho học đã có quan niệm về ba vị trí có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội ấy là “Quân-Sư-Phụ”, tức đứng đầu là bậc cửu ngũ chí tôn, sau đó là vị trí của người thầy và cuối cùng chính là người cha. Như vậy vị trí của người thầy chỉ đứng sau vua, nhận đủ mọi sự tôn trọng, kính mến từ những người khác trong xã hội, họ được coi là tấm gương sáng, là “khuôn vàng thước ngọc” để đánh giá các chuẩn mực đạo đức trong xã hội. Người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đất nước, là người trực tiếp bồi dưỡng đào tạo các nhân tài cho quốc gia, chính vì thế xã hội lại càng tin tưởng vào nhân cách, đạo đức và tu dưỡng của bậc làm thầy. Bởi vậy, nên để trở thành một người thầy giáo trong xã hội xưa được nhiều người kính trọng, thì họ cũng phải tự đặt ra cho mình những quy tắc, nề nếp nghiêm cẩn, tác phong đứng đắn, để không phụ lòng mong mỏi của đất nước, nhân dân đồng thời làm tấm gương sáng cho học trò noi theo, mong có ngày trò giỏi hơn thầy. Không chỉ vậy, lời nói của người thầy trong xã hội cũ vô cùng có sức ảnh hưởng, việc được tiếp xúc giao lưu với những con người được coi là biểu tượng, khuôn mẫu của nhân cách và đạo đức khiến người ta vô cùng vinh dự và quý trọng. Đặc biệt, giữa thầy và trò luôn có sự phân biệt rạch ròi tôn ti, người thầy có quyền nặng lời trách mắng, xử phạt nếu học sinh vi phạm, yếu kém mà học sinh thì phải răm rắp nghe theo, lệnh thầy có lẽ chỉ kém lệnh của thiên tử, sức nặng của truyền thống “tôn sư trọng đạo” vào thời này được bộc lộ vô cùng rõ ràng.

Ngày nay xã hội có nhiều đổi thay, vị thế của thầy và trò ngày càng được kéo gần, người thầy vẫn đóng vai trò truyền đạt tri thức như bao đời nay, thế nhưng tiếng nói và vị trí xã hội thì không giống như trong xã hội cũ, nghề giáo trở thành một nghề như bao nghề khác. Thế nhưng truyền thống tôn sư trọng đạo thì vẫn không hề thay đổi trong ý thức hệ của dân tộc ta, và những người làm nghề giáo cũng vẫn giữ được những phẩm cách, tư chất của người làm thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương sáng về nhân cách, đạo đức cho lớp học trò noi theo. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, sự chi phối của tiền quyền, sự mai một của truyền thống tôn sư trọng đạo trong một số con người, sự xuống cấp của đạo đức đã khiến cho vai trò và vị trí của người thầy, người cô trong xã hội không còn được xem trọng như trước. Có lẽ chúng cũng ít nhiều nghe hoặc chứng kiến những sự việc đáng tiếc như học sinh hành hung, dọa nạt, thách thức, thậm chí là dọa giết cả người thầy người cô của mình chỉ vì những lý do không đâu, chỉ vì sự bồng bột của tuổi trẻ mà không màng tới luân thường đạo lý. Còn các bậc phụ huynh lại càng chứng tỏ sự thiếu hiểu biết của mình khi bao che những hành vi sai trái của con em, đổ lỗi cho giáo viên, coi họ chỉ là những người làm công ăn lương, chỉ được quyền dạy chứ không có quyền trách phạt. Điều đó đã dẫn tới những hệ lụy hết sức nguy hiểm, là tạo cho con em những tư tưởng không tôn trọng thầy cô, ỷ vào sự chở che của cha mẹ, đánh mất đi truyền thống tôn sư trọng đạo tốt đẹp của dân tộc, cuối cùng là cha mẹ đã không dạy dỗ được con cái, cũng không để cho thầy cô uốn nắn. Hậu quả là biến một bộ phận các em học sinh thành lớp người vừa thiếu hụt tri thức lại vừa thiếu hụt cả nhân cách và phẩm chất đạo đức, vô cùng nguy hại cho xã hội. Còn đối với người giáo viên, sự suy đồi về nhân cách và đạo đức của một số thầy cô đã đem đến những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực cho nghề nhà giáo, có khi nào mà người ta lại thấy một cô giáo dùng ma túy, một người thầy xâm hại học sinh, rồi những người thầy người cô hành hung học sinh của mình một cách tàn ác chỉ vì sự nóng giận nhất thời... Những điều đó đã đánh mất niềm tin của học sinh, phụ huynh và cả xã hội về nhân cách và đạo đức của người thầy, thứ vốn được coi như “khuôn vàng thước ngọc” từ bao đời nay. Bên cạnh đó sự thiếu hụt kiến thức, chậm trễ trong việc cập nhập chuyên môn, yếu kém trong nghiệp vụ, sự lười biếng trong hoạt động dạy và học đã khiến các em học sinh cảm thấy chán nản trong học tập, hình tượng người thầy truyền dạy kiến thức từ đó cũng dần trở nên phai mờ trong lòng các em học sinh. Cuối cùng là thái độ của xã hội đối với người thầy và cả ngành giáo dục đôi khi còn quá phiến diện và tầm nhìn hạn hẹp, biết một mà không biết hai. Trong thời buổi lên ngôi của facebook và truyền thông, thì chỉ một clip nho nhỏ hoặc một tin tức giật gân về người giáo viên hoặc ngành giáo dục cũng khiến dân tình đổ xô vào bình luận, người đủ tầm suy xét nhìn sự thật thì ít, thế nhưng những kẻ tù mù, thích chửi bới thì đông hơn cả quân Mông, gây nên những hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng. Điều đó cũng làm cho những người làm nghề giáo phải gánh chịu nhiều áp lực, thậm chí không còn thiết tha với nghề, từ đó những nỗ lực cải thiện giáo dục của nhà nước cũng trở nên khó khăn hơn.

Từ những điều tôi trình bày ở trên, mong rằng mỗi chúng ta dù là học sinh, phụ huynh hay là bất kỳ một ai trong xã hội cần phải có suy nghĩ đúng đắn về nghề nhà giáo, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Ngày hôm nay chúng ta không chỉ tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo mà còn phải nỗ lực bảo vệ những người thầy người cô đáng kính của chúng ta khỏi những tác động tiêu cực của xã hội, để họ có thể tiếp tục cống hiến, tiếp tục miệt mài với phấn bảng với con thuyền tri thức của mình, đóng góp cho đất nước.

Mẫu 3

“Dẫu đếm hết sao trời đêm nay, dẫu đếm hết lá mùa thu rơi, nhưng ngàn năm làm sao em đếm hết công ơn người thầy…” Đó là câu hát cứ ngân nga mãi trong lòng tôi và những ai đã từng cắp sách đến trường, bước chân vào một thế giới mới, xa lạ hơn và không một chút thân thuộc thì người thầy là người đã dìu dắt, nâng đỡ mỗi bước chân của chúng ta trên hành trình tích lũy tri thức và nhân cách làm người.

Ngạn ngữ Trung Quốc có câu “Một gánh sách không bằng một người thầy tốt”. Tại sao vậy? Học là một công việc cả một cuộc đời con người và không có điểm dừng. Trong hành trình đó sẽ có nhiều lúc ta gặp khó khăn, thắc mắc thì người thầy, người cô sẽ là người giúp đỡ, giải gỡ những băn khoăn cho chúng ta.

Thầy cô không là người vĩ đại nhưng lại có vai trò vô cùng to lớn trong việc tiếp thu thêm tri thức và nâng cao nhân cách làm người của mỗi người chúng ta. Từ lẽ đó mà nhân dân ta thường có câu “Tôn sư trọng đạo” là không sai.

Tôn sư trọng đạo là một đạo nghĩa, một nhân cách làm người, chỉ cho chúng ta cách đối nhân xử thế với người đã giúp đỡ chúng ta như người cha, người mẹ thứ hai. Vậy thế nào là tôn sư? Thế nào là trọng đạo?

Tôn trong tôn sư nghĩa là tôn kính, kính trọng. Sư trong tôn sư là người thầy, người cô. Tôn sư chính là một lời khuyên nhủ, một lời răn dạy mỗi người chúng ta đều phải tôn trọng và kính yêu mỗi người thầy, mỗi người cô đã dạy cho ta biết chữ, biết cách làm người và biết cách sống cho đúng đạo nghĩa.

Tôn trọng thầy cô cũng như tôn trọng chính cha mẹ của chúng ta. Từ đó, với hai từ tôn sư, ta có thể hiểu được vai trò của thầy tại sao lại to lớn đến như vậy, lại vĩ đại đến mức độ chúng ta cần tôn trọng. Thế còn trọng đạo? Trọng trong trọng đạo cũng như tôn trong tôn sư đều chỉ đến sự tôn kính, tôn trọng của ai đó dành cho một người nào đó mà mình kính yêu, quý mến.

Đạo trong trọng đạo là đạo lý, đạo đức. Trọng đạo nghĩa là chúng ta phải tôn trọng người đã dạy cho chúng ta đạo đức, hiểu được đạo lý làm người, đối nhân xử thế trong cuộc sống. Người đó không là ai khác ngoài người thầy, người cô, những người lái đò dìu dắt, đưa đón chúng ta cập đến đến bến bờ của tương lai.

Trọng đạo ở đây còn có nghĩa là tôn trọng đạo đức làm người. Tóm lại, tôn sư trọng đạo là một cụm từ của ông cha ta thời xưa dùng để khuyên răn con cháu nên tôn trọng và kính yêu người thầy, người cô – những người ngày đêm không ngại khó khăn mà thắp sáng lên ánh đèn soi rọi trên con đường đến thành công của chúng ta.

Tại sao người làm thầy, người làm cô lại có ý nghĩa và vai trò lớn lao đến như vậy? Có một ai đó đã từng nói ” Cho tôi một con cá thì tôi sẽ ăn hết nó trong một ngày.

Nhưng nếu dạy tôi cách câu cá thì tôi sẽ được ăn cá suốt đời”. Vai trò của người thầy cũng như vậy đấy. Thầy không có phép màu nhiệm, không có đũa thần giúp chúng ta trở nên thông minh hơn, sáng tạo hơn nhưng thầy là người có thể dạy cho chúng ta cách câu cá để ta có thể vững bước chân trên mọi nẻo đường, không bao giờ “chết đói”.

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam sẽ còn lưu giữ mãi theo năm tháng nhằm khuyên nhủ con người nên tôn trọng người thầy cũng như tôn trọng nghề giáo.

Trên đất nước này, trên thế giới có rất nhiều nghề khác nhau nhưng tại sao con người nên tôn trọng nghề giáo nhất. Đó là vì nghề giáo không như những ngành nghề khác, nghề giáo là nghề “trồng người”. Tạo ra những con người có tri thức, có văn minh, có đạo đức, đó chính là nhiệm vụ lớn lao và cao cả nhất trong mọi ngành nghề.

Một đất nước có những con người thông minh, sáng tạo lại vừa có đạo đức thì đất nước ấy sẽ trở nên phát triển vượt bậc. Do đó, nghề giáo cũng như vai trò người làm thầy, người làm cô là cao cả, là vĩ đại và tôn sư trọng đạo là một trong vô vàn truyền thống văn hóa của dân tộc ta có ý nghĩa lớn lao và sâu sắc nhất.

Cùng sự ra đời của truyền thống tôn sự trọng đạo thì đã có rất nhiều câu thơ, câu nói dân gian được ra đời như “Nhất tự vi sư bán tự vi sư” nghĩa là một chữ cũng là thầy và nữa chữ cũng là thầy.

Dù một chữ hay nữa chữ thì vẫn là thầy đã dạy. “Tam nhân đồng hành tất hữu vi sư ” ba người cùng đi trên một con đường thì sẽ có một người đóng vai trò là người thầy dìu dắt hai người còn lại đi trên con đường đó.

Hay rất nhiều câu nói khác nhau được ra đời như John Steinbeck đã từng nói ” Một thầy giáo tuyệt vời cũng chính là một nghệ sĩ tuyệt vời và trên thế giới chỉ có số ít những người như vậy. Dạy học là nghệ thuật vĩ đại nhất vì đó là sự kết hợp giữa lý trí và tinh thần.”

Tôn sư trọng đạo không chỉ là truyền thống của riêng dân tộc ta mà còn là lời khuyên, sự răn dạy của người xưa dành cho con cháu ngày nay, không tùy thuộc vào khu vực nào, quốc gia nào đều phải thực hiện tôn sư và trọng đạo.

Bác sĩ Helen Caldicott đã có một quan điểm về người thầy “Tôi tin rằng giáo viên là người quan trọng và chịu nhiều trọng trách nhất của xã hội vì những nỗ lực trong nghề nghiệp của họ ảnh hưởng tới số phận của trái đất”. Vai trò của người thầy không bất cứ thứ gì, không mọi ngành nghề nào sánh bằng.

Người thầy là người cha, người cô là người mẹ và thầy cô là người lái đò đưa chúng học trò cập đến bến bờ tương lai với niềm vui và hạnh phúc. Thầy cô là những người rất giản dị thôi nhưng vai trò của thầy cô là vô cùng lớn lao, là vô cùng cao cả. Suốt một đời học sinh chỉ mong gặp được một người giáo viên tốt và suốt đời của người làm thầy, làm cô cũng chỉ hy vọng chúng học trò được nên người và một lời cảm ơn chân thành từ chúng ta.

Đơn giản là thế! Đã nhắc đến công ơn của thầy cô thì ta không thể không nhớ đến những người thầy vĩ đại như thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Cao Bá Quát, thầy Nguyễn Đình Chiểu,…Trong đó ta không thể nào không nhớ đến hình ảnh của thầy Nguyễn Tất Thành – Người vừa xây dựng đất nước vừa dạy trò để nên người như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.

Tôn sư trọng đạo không gì khác hơn ngoài việc khuyên răn mỗi người chúng ta nên tôn trọng, kính yêu thầy cô giáo. Thế nhưng, ngày nay lại có rất nhiều học sinh không nghĩ như vậy. Họ không coi trọng, lễ phép với thầy cô, nhiều lúc làm loạn trong lớp học, không chú ý nghe theo sự răn dạy, sự chỉ bảo của thầy cô mà ngược lại họ có những hành động đáng xấu hổ như nói xấu thầy cô, chửi bới,..

Rất nhiều hành động đáng xấu hổ như vậy đang ngày càng diễn ra không chỉ ở riêng đất nước chúng ta mà nó đã lan rộng trên khắp thế giới và chúng ta cần phê phán, khuyên răn hay làm bất cứ điều gì có thể để ngăn cản những trường hợp như vậy.

Một khía cạnh khác rằng thầy cô ngày nay có lẽ một phần đã quên đi trọng trách của người làm thầy, quên đi nhiệm vụ lớn lao của sự nghiệp “trồng người”. Usinxki đã từng nói: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.

Người làm thầy, người làm cô thì điều đầu tiên cần là nhân cách. Ngày nay, có một số thầy cô đã quên đi nhiệm vụ cao cả đó mà tước bỏ nhân cách của một người làm thầy để làm ra những điều đáng xấu hổ như thực hiện những hành vi đồi trụy với học trò của mình hay chỉ đơn giản là hạ hạnh kiểm hoặc điểm thi của học trò nào đó nếu không đi học thêm ở nhà người thầy đó,…

Có rất nhiều trường hợp như vậy đã xảy ra và đang làm cho nền giáo dục của nước ta ngày càng đi xuống một cách trầm trọng. Vì vậy, chúng ta cần phải ngăn cản, phê phán những hành vi như vậy, cả thầy và trò, để đưa nền giáo dục về đúng bản chất thực sự của nó – tôn sư trọng đạo, hiếu nghĩa với cha mẹ, giúp ích cho đất nước.

Ngày 20 tháng 11 hằng năm đã được chọn là ngày để ghi nhớ công vinh của thầy cô giáo. Trong ngày này, những cô cậu học trò sẽ dâng tặng cho thầy cô những món quà vô cùng dung dị như một cành hoa, một con điểm tốt hay chỉ đơn giản là một lời cảm ơn cũng đủ để thầy cô nhận thấy được tấm lòng chân tình của chúng ta. Hy vọng ngày 20 tháng 11 hằng năm đều là những kỉ niệm tốt đẹp, vui vẻ giữa thầy và cô, là khoảng khắc mà chúng học trò như tôi sẽ thực hiện truyền thống tôn sư trọng đạo một cách ý nghĩa nhất.

“Hôm nay ngồi nhớ lại
Ngày đầu tiên đến trường
Nhớ thầy tôi ngày ấy
Với tấm lòng luyến thương!”

Thầy cô mãi là cha mẹ thứ hai của chúng ta và tôn sư trọng đạo luôn là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Hãy cùng nhau phát huy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp này, bạn nhé!

Đánh giá

0

0 đánh giá