Nhân hóa là gì? Phân loại nhân hóa, tác dụng của nhân hóa

36

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Nhân hóa là gì? Phân loại nhân hóa, tác dụng của nhân hóa giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Nhân hóa là gì? Phân loại nhân hóa, tác dụng của nhân hóa

Nhân hóa là gì? Phân loại nhân hóa, tác dụng của nhân hóa (ảnh 1)

I. Biện pháp tu từ là gì?

- Khái niệm: Biện pháp tu từ là một trong những biện pháp nghệ thuật hay được sử dụng trong các tác phẩm văn học. Nhờ việc sử dụng các biện pháp tu từ, tác giả có thể dễ dàng hơn trong việc truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc về mỗi sự vật, sự việc đến bạn đọc một cách dễ dàng và sinh động hơn.

- Tác dụng:

+ Tăng sự gợi hình, gợi cảm cho con người, cảnh vật và thiên nhiên.

+ Nhằm thu hút người đọc, người nghe.

+ Thể hiện sự đa dạng, độc đáo về từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt.

+ Giúp người đọc, người nghe dễ nhớ và tạo ấn tượng độc đáo cho người đọc.

+ Thể hiện trọn vẹn tâm tư, tình cảm, cảm xúc, nguyện vọng của tác giả.

II. Biện pháp tu từ nhân hóa là gì?

- Khái niệm: Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người, làm cho thế giới đồ vật, cây cối, loài vật trở nên gần gũi với con người, biểu thị những suy nghĩ, tình cảm của con người.

- Ví dụ: Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.

- Ví dụ: 

Ông trời

Mặc áo giáp đen

Ra trận

Muôn nghìn cây mía

Múa gươm

Kiến

Hành quân

Đầy đường.

(Mưa – Trần Đăng Khoa)

Trong đoạn thơ, các sự vật được nhắc đến bao gồm: Trời, cây mía, kiến. Trong đó:

- Trời: được gọi là ông, được miêu tả là mặc áo giáp và ra trận.

- Cây mía: được miêu tả đang múa.

- Kiến được miêu tả là hành quân.

=> Có thể thấy, các từ ngữ như “ông”, “mặc áo”, “ra trận”, “múa”, “hành quân” đều là những từ ngữ vốn để gọi người hoặc tả người dùng để gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật.

III. Phân loại nhân hóa

Nhân hóa được chia làm 3 loại:

+ Dùng những từ vốn gọi người để gọi vật.

+ Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật.

+ Trò chuyện, xưng hô với vật như với người.

- Ví dụ:

- Phép nhân hóa dùng từ vốn gọi người để gọi vật: Ông Mặt Trời vừa thức giấc, chim muông đã hót líu lo trên những cánh đồng vàng.

- Trò chuyện xưng hô với đồ vật, con vật như con người: Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta.

Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ tính chất, hoạt động của vật: Dòng sông uốn mình qua cánh đồng xanh ngắt lúa khoai.

IV. Tác dụng của nhân hóa

- Tác dụng của biện pháp tu tu nhân hóa là:

+ Làm cho các sự vật trở nên sống động và gần gũi với con người.

+ Giúp những sự vật, đồ vật có thể biểu hiện được các suy nghĩ hay bày tỏ thái độ, tình cảm như con người.

+ Giúp tác phẩm trở nên có hồn và sống động hơn.

+ Giúp tác giả thể hiện được trọn vẹn cảm xúc, câu từ, cũng như lối diễn đạt được hay hơn, logic hơn.

+ Biện pháp tu từ nhân hóa giúp tác giả thể hiện tác phẩm hay hơn, gần gũi hơn.

- Ví dụ:

 “Dưới trăng quyên đã gọi hè

      Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông

Chim đỗ quyên loại chim thường hót vào mùa hè. Tác giả sử dụng hình ảnh nhân hóa “quyên gọi hè” khiến cho tứ thơ trở nên sinh động và bay bổng hơn. Với việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật này, người đọc có thể cảm nhận như được nghe bước đi của thời gian chuyển từ xuân sang hè.

Nhân hóa là gì? Phân loại nhân hóa, tác dụng của nhân hóa (ảnh 2)

V. Dấu hiệu nhận biết phép nhân hóa

Bước 1: Chỉ ra dấu hiệu gồm sự vật, hiện tượng, loài vật nào đó được nhân hoá và từ ngữ dùng để nhân hoá. Ví dụ: Trong tác phẩm xuất hiện các từ thường gọi người như: anh, chị, cô, dì,… và các từ này được dùng để gọi vật.

Bước 2: Nêu tác dụng của phép nhân hoá đó. Ví dụ: Khiến sự vật trở nên gần gũi và gắn bó với con người.

VI. Các bước sử dụng phép nhân hóa

Bước 1: Xác định sự vật cần được nhân hoá.

Bước 2: Xác định hình thức nhân hoá nào được sử dụng.

Bước 3: Tiến hành thực hiện nhân hoá với nội dung trong câu.

VII. Lưu ý khi sử dụng biện pháp nhân hóa

- Không sử dụng tuỳ tiện. Cần cân nhắc và hiểu rõ mục đích sử dụng của mình.

- Phải phân biệt biện pháp nhân hoá với các biện pháp tu từ khác để sử dụng thật hợp lý. 

- Sử dụng linh hoạt biện pháp nhân hoá, tránh rập khuôn, máy móc, khiến cho biện pháp nhân hoá mất đi tác dụng của nó.

VIII. Bài tập về nhân hóa

Bài 1. Hãy cho biết phép nhân hoá trong mỗi trường hợp dưới đây được tạo nên bằng cách nào?

a.

Cỏ gà rung tai

Nghe

Bui tre

Tần ngần

Gỡ tóc

Hàng bưởi

Đu đưa

Bế lũ con

Đầu tròn

Trọc lốc.

b.

Trâu ơi ta bảo trâu này:

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cấy cày giữ nghiệp nông gia,

Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông,

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

Trả lời:

a. Dùng những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của người để chỉ hoạt động, tính chất của vật (Rung tai – Nghe, Tần ngần - Gỡ tóc, Bế lũ con, Đầu tròn - Trọc lốc).

b. Trò chuyện, xưng hô với vật như đối với người (Trâu ơi ta bảo trâu này).

Bài 2. Phân tích đoạn thơ sau đây:

“Hôm nay trời nắng chang chang

Mèo con đi học chẳng mang thứ gì

Chỉ mang một chiếc bút chì

Và mang một mẩu bánh mì con con.”

(Mèo con đi học – Phan Thị Vàng Anh)

- Bài thơ trên đã nhân hóa con vật nào? Và nhân hóa như thế nào?

- Việc sử dụng biện pháp nhân hóa như vậy có tác dụng gì?

Trả lời:

- Hình ảnh nhân hóa được sử dụng ở đây là: “chú mèo”

Chú mèo trong đoạn thơ có những hoạt động y hệt một em học sinh. Chú mèo ta cũng phải đi học, chuẩn bị bút chì, và mang mẩu bánh mì đi ăn.

- Tác dụng: Nhờ vào hình ảnh nhân hóa này mà bài thơ trở nên hấp dẫn và cuốn hút hơn. Bởi vì hình ảnh so sánh này luôn khiến cho người đọc cảm thấy sự đáng yêu và tinh nghịch cả những chú mèo.

Bài 3: Hãy tìm phép nhân hóa trong đoạn văn sau và cho biết chúng thuộc kiểu nhân hóa nào?

Tôi đi đứng oai vệ. Mỗi bước đi,tôi làm điệu dún dẩy các khoeo chân,rung lên rung xuống hai chiếc râu.Cho ra kiểu cách con nhà võ.Tôi tợn lắm.Dám cà khịa với tất cả mọi người bà con trong xóm.Khi tôi to tiếng thì ai cũng nhịn,không ai đáp lại.Bởi vì quanh quẩn,ai cũng quen thuộc mình cả.Không nói,có lẽ họ nể hơn là sợ.Nhưng tôi lại tưởng thế là không ai dám ho he.

            (Dế mèn phiêu lưu kí)

Gợi ý:

- Chú ý đến các từ ngữ vốn dùng để chỉ hoạt động, tính chất của người: oai vệ, làm điệu, kiểu cách con nhà võ, cà khịa, bà con trong xóm, to tiếng, ai cũng nhịn, ai đáp lại, ai, quen thuộc, họ nể, tưởng, không ai dám ho he.

- Các từ trên thuộc kiểu nhân hóa dùng dùng những từ vốn để chỉ hoạt động, tính chất,...của người để miêu tả, hô gọi vật.

Bài 4: Tìm phép nhân hóa và nêu tác dụng của chúng trong những câu thơ sau?

a.

Trong gió trong mưa

Ngọn đèn đứng gác

Cho thắng lợi, nối theo nhau

Đang hành quân đi lên phía trước

            (Ngọn đèn đứng gác)

b. Mẹ hỏi cây Kơ – mia:

-Rễ mày uống nước đâu?

-Uống nước nguồn miền Bắc

            (Bóng cây Kơ – nia)

Gợi ý:

Chú ý tìm những từ ngừ vốn dùng để mọi người xưng hô, trò chuyện với nhau, những từ vốn chỉ hoạt động, tính chất của con người được các tác giả dùng để gọi hoặc tả các vật vô tri vô giác.

a.đứng gác, nối theo nhau, hành quân, đi lên phía trước.

b.hỏi cây Kơ – nia, uống nước.

Bài 5: Tìm phép nhân hóa trong các đoạn văn sau. Cho biết chúng thuộc kiểu nhân hóa nào?

a) Chị Cốc thoạt nghe tiếng hát từ trong đất văng vẳng lên, không hiểu như thế nào, giật nẩy hai đầu cánh, muốn bay. Đến khi định thần lại chị mới trợn tròn mắt, giương cánh lên, như sắp đánh nhau. Chị lò dò về phía cửa hang tôi, hỏi : […].

            (Tô Hoài)

b) Mỗi chiếc lá rụng có một linh hồn riêng, một tâm tình riềng, một cảm giấc riêng. […] Có chiếc lá nhẹ nhàng khoan khoái đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng, như thầm bảo rằng sự đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại […] Có chiếc lá như sợ hãi ngần ngại rụt rè, rồi như gần tới mặt đất, còn cất mình muốn bay trở lại cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông hoa thơm; hay đến mớn trớn một ngọn cỏ xanh mềm mại.

            (Khái Hưng)

c) Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

            (Thép Mới)

Gợi ý:

a. chị (cách gọi dùng cho người), nghe, không hiểu, muốn, định thần, trợn tròn mắt, lò dò, hỏi,...

b. linh hồn, tâm tình, cảm giác, nhẹ nhàng, khoan khóa, đùa bỡn, múa may, thầm bảo, sợ hãi, ngần ngại, rụt rè, muốn, âu yếm, mơn trớn.

c.chống lại, xung phong, giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín, hy sinh, bảo vệ, anh hùng lao động, anh hùng chiến đấu.

Thuộc kiểu nhân hóa vốn dùng những từ để chỉ các hoạt động, đặc điểm, tính chất,...của người dùng cho con vật, chiếc lá, cây tre.

Bài 6: Tìm các vật, hiện tượng tự nhiên được nhân hoá trong những đoạn thơ, đoạn văn dưới đây. Cho biết chúng được nhân hoá bằng cách nào. 

 (ảnh 1)

a. Chim mừng, ríu cánh vỗ 

Rủ nhau về càng đông

Cào cào áo xanh, đỏ 

Giã gạo ngay ngoài đồng.

Hạt níu hạt trĩu bông 

Đung đưa nhờ chị gió 

Mách tin mùa chín rộ 

Đến từng ngõ, từng nhà. 

(Quang Khải)

b. Đêm hôm qua, trời mưa bão ầm ầm. Rặng phi lao vật vã, chao đảo trong gió nhưng không cây nào chịu gục. Sáng ra, trời tạnh ráo. Các cây phi lao chỉ bị rụng mất một ít lá. Khi bé Ly đi học, như thường lệ, rặng phi lao lại vi vu reo hát chào Ly. Ly vẫy tay chào lại:

– Lớn mau lên, lớn mau lên nhé!

(Theo Bùi Minh Quốc)

c. Vườn cây đầy ắp tiếng chim và bóng chim bay nhảy. Những thím chích choè nhanh nhảu. Những chú khướu lắm điều. Những anh chào mào đỏm dáng. Những bác cu gáy trầm ngâm...

(Theo Nguyễn Kiên)

Lời giải:

a. Chim, cào cào, gió, hạt lúa. Chúng được nhân hóa bằng cách (1) và (2). 

b. Rặng phi lao được nhân hóa bằng cách (2) và (3). 

c. Chích chòe, khướu, chào mào, cu gáy. Chúng được nhân hóa bằng cách (1) và (2). 

Bài 7: Em thích hình ảnh nhân hoá nào trong đoạn thơ dưới đây? Nêu tác dụng của hình ảnh nhân hoá đó.

Chẳng đâu bằng chính nhà em

Có đàn chim sẻ bên thềm líu lo.

Có nàng gà mái hoa mơ

Cục ta, cục tác khi vừa đẻ xong.

Có bà chuối mật lưng ong

Có ông ngô bắp râu hồng như tơ.

(Đoàn Thị Lam Luyến)

Lời giải:

Em thích hình ảnh:  

Có ông ngô bắp râu hồng như tơ.

Tác dụng của hình ảnh đó là: 

- Giúp câu thơ giàu hình ảnh, sinh động: bắp ngô được nhân hóa là “ông” trở nên sinh động, ngộ nghĩnh và thật gần gũi với mỗi gia đình. Ngoài ra, râu bắp ngô còn được so sánh “hồng như tơ” khiến câu thơ ví von giàu hình ảnh.

- Thể hiện tình yêu gia đình, quê hương và yêu cuộc sống của tác giả.

Bài 8: Đặt 2 – 3 câu có hình ảnh nhân hoá nói về cảnh vật, hiện tượng tự nhiên.

M: Những chị mây đang dạo chơi trên bầu trời.

Lời giải:

- Những chị mây đang dạo chơi trên bầu trời.

- Từng chị mây cam, hồng dần dần vẫy tay chào biệt buổi chiều để đến với màn đêm tĩnh lặng.

- Bỗng từ đằng xa những đám mây đen ì ạch trôi về từ vùng biển, nhờ trận gió nồm nam đẩy chúng mau chóng bao phủ kín bầu trời. 

- Nắng thu dịu nhẹ mà ấm áp như lời ru của mẹ.

- Mây đen ùn ùn kéo từ đâu tới, bầu trời trong xanh phút chốc đã khoác lên mình chiếc áo màu đen.

- Ánh nắng nhảy nhót khắp cánh đồng.

- Nhóc mây rất nghịch ngợm, mỗi ngày lại biến thành hình dáng khác nhau để thu hút sự chú ý của mọi người.

- Gió hiểu lòng bà, liền chạy từ ngoài vườn vào nhà, đem theo hơi mát của dòng sông.

- Bão lớn thương người dân vất vả, nên chỉ loay hoay ngoài biển, chẳng dám vào đất liền chơi với mọi người.

Đánh giá

0

0 đánh giá