Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Phân tích tác phẩm Cô hàng xén hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén
Đề bài: Phân tích tác phẩm Cô hàng xén của Thạch Lam.
Dàn ý Phân tích tác phẩm Cô hàng xén
A. Mở bài
- Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả, thể loại): Thạch Lam được đánh giá là nhà văn “tài hoa nhất trong nhóm Tự lực văn đoàn”, nổi tiếng với phong cách viết nhẹ nhàng, tâm tình thủ thỉ mà thâm trầm sâu lắng, là một tác giả tiêu biểu của văn chương Việt Nam giai đoạn trước năm 1945.
- Nêu nhận xét chung về tác phẩm: Truyện ngắn Cô hàng xén là tác phẩm tiêu biểu cho văn phong Thạch Lam, được in trong tập Sợi tóc (1942); thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu của tác giả với số phận của những con người nhỏ bé bình dị, đặc biệt là người phụ nữ; ca ngợi sự tảo tần, đức hi sinh của họ.
B. Thân bài
1. Tóm tắt tác phẩm
Cô hàng xén xoay quanh cuộc đời và gánh hàng xén của cô gái tên Tâm. Khi còn là một thiếu nữ và được ở cùng gia đình, Tâm phải buôn bán để lo nuôi em ăn học; nhưng đây là những tháng ngày vô cùng hạnh phúc đối với Tâm, vì cô cảm thấy vui vẻ, tự hào khi đã lo được cho cha mẹ, cho em. Khi lấy chồng – một anh giáo nghèo, gánh hàng lại thêm nặng trên đôi vai nhỏ bé của Tâm, vì cô không chỉ phải lo “giang sơn nhà chồng” mà vẫn còn phải tiếp tục lo cho các em ăn học. Từ một cô gái đẹp nhất chợ, Tâm trở nên hao mòn, già cỗi trong những nỗi lo lắng cơm áo gạo tiền. Truyện kết thúc ở những bước chân đầy lo toan mệt mỏi của Tâm khi trở về nhà chồng sau khi đã dốc hết số tiền còn lại đưa cho em trai.
2. Phân tích nội dung chủ đề của tác phẩm
2.1. Sự vất vả mưu sinh của những con người bé nhỏ, bình dị nơi làng quê
Sự vất vả mưu sinh được thể hiện rõ nhất qua nhân vật Tâm, đặc biệt qua hình ảnh “cái đòn gánh cong oằn xuống” vì hàng nặng, những bước chân đều đều trên con đường làng ra chợ mỗi khi trời còn chưa sáng.
- Khi chưa lấy chồng, Tâm dựa vào gánh hàng xén, vào sự chịu thương chịu khó để khi “trời còn tờ mờ sáng” đã thức dậy, kẽo kẹt gánh hàng lên phiên chợ, kiếm mỗi ngày vài hào bạc chỉ để nuôi gia đình, hai em đi học.
+ Tâm phải giúp đỡ cha mẹ, vì “từ ngày trong nhà sút đi và ông Tú ở trên tỉnh dọn về đã ba bốn năm nay rồi. Ruộng nương chỉ còn hơn mẫu, cấy đủ thóc ăn, và căn nhà gạch cũ này là nhà thờ, chung cả họ” nên lúc này mọi gánh nặng kinh tế dồn lên đôi vai của cô thiếu nữ đang độ tuổi lẽ ra phải được chiều chuộng, chăm lo.
+ Những ngày rét buốt, từ sáng tinh sương Tâm đã phải dậy, gánh hàng nặng trên vai để kiếm những đồng hào chỉ nuôi gia đình “Trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng… Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi. Chịu khó, chịu khó từng tí một, hết bước nọ sang bước kia, cứ thế mà đi không nghĩ ngợi”.
- Khi lấy chồng, Tâm còn vất vả hơn cả thời con gái
+ Tâm không những phải “lo cả giang sơn nhà chồng”, lo “tiền thuế cho chồng”, vì Bài chỉ được vài đồng bạc lương một tháng nên không đủ lo cho gia đình, vì thế “mọi chi tiêu trong gia đình trông vào mình nàng”
+ Tâm còn phải tiếp tục dấm dúi lo cho hai em ăn học, vì cha đã không làm việc nữa, mẹ thì đã già, các em vẫn còn đi học.
+ Cái gánh hàng trên vai nàng dường như nặng hơn, chiếc đòn gánh cứ cong mãi xuống và những bước chân của Tâm ngày càng dè dặt, chậm chạp. Sự tự tin của nàng, sự xinh đẹp của nàng cũng không còn nữa khi bị những vất vả, áp lực cuộc sống đè nặng.
=> Qua hình ảnh nhân vật Tâm, ta thấy được bóng dáng của rất nhiều những con người nhỏ bé, bình dị nơi làng quê nào đó của Việt Nam trước năm 1945. Hoàn cảnh sống vất vả của họ đã được phác họa rất rõ nét trong truyện ngắn này. Họ đều đang ngày ngày cặm cụi mưu sinh nhằm đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của cuộc sống, đang bị những áp lực của cơm áo gạo tiền ghi sát đất.
2.2. Sự bất công, quan niệm trọng nam khinh nữ trong xã hội cũ
Qua cuộc sống hàng ngày, cuộc đời của nhân vật Tâm và những con người nhỏ bé xung quanh cô, ta thấy được sự bất công đối với người phụ nữ trong xã hội xưa: mẹ Tâm, Tâm
* Mẹ Tâm: Quan điểm người phụ nữ phải lo toan gánh vác gia đình đã khiến mẹ Tâm “ngày càng già thêm”, mệt mỏi hơn. Khi nhà cửa sa sút, ông Tú phó mặc mọi sự cho vợ. Mẹ Tâm phải lo toan kinh tế, vun vén nhà cửa, làm thêm hàng xáo để đảm bảo cuộc sống. Bà thương con gái, nhưng bản thân cũng không thể gồng gánh bớt cho con, vì gánh nặng trên vai bà quá lớn.
* Tâm: Gánh nặng dồn lên đôi vai của cô thiếu nữ. Tâm phải nghỉ học, làm bạn với gánh hàng xén để đỡ đần cha mẹ, nuôi các em. Cái cảnh “Cái đòn gánh cong xuống vì hàng nặng, kĩu kịt trên mảnh vai nhỏ bé theo nhịp điệu của bước đi” đã quá quen thuộc với cô thiếu nữ.
- Khi lấy chồng, cưới xong Tâm đã phải đi chợ ngay để lo toan “tiền cho chồng vụ thuế” hay “phải may vá cho Bài”. Thậm chí, chỉ mới sinh con được nửa tháng, Tâm đã phải quay trở lại với những buổi sáng tinh sương giá buốt, với gánh hàng nặng trĩu trên vai; bởi lúc này “nàng chỉ còn là một người đàn bà tảo tần hôm sớm để nuôi chồng” và mang thêm gánh nặng nuôi hai đứa em trai ăn học.
- Tâm hi sinh vì gia đình, vì em, nhưng không được coi trọng, bị em trai coi là đương nhiên. Cậu khó chịu, coi thường, “trả lời chị qua loa, hơi bực mình về những câu hỏi lẩn thẩn của chị” và “nói ngay đến chuyện cần” là muốn có “chục bạc” để mua sách, khi chị chưa đưa ngay thì “vùng vằng đứng dậy bước ra ngoài thềm”, thái độ khó chịu.
- Tâm nhìn thấy những người phụ nữ quanh mình cũng cùng cảnh ngộ: “Cô thấy chung quanh toàn những đàn bà chịu khó làm ăn vất vả để nuôi chồng, nuôi con”, điều đó đã thành điều hiển nhiên trong xã hội đó. Tâm quen với điều đó, không nhận thấy đó là điều bất công, vì “Trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em”.
=> Qua góc nhìn của nhân vật Tâm, tác giả đã khéo léo thể hiện sự bất công của xã hội đối với người phụ nữ, quan điểm trọng nam khinh nữ trong xã hội cũ. Họ là những người phải chịu vất vả, phải lo toan cho gia đình chồng con, nuôi em… Đó là điều hiển nhiên đến mức họ đã quen và chấp nhận điều đó.
2.3. Ca ngợi vẻ đẹp, sự tần tảo, hi sinh của người phụ nữ
- Vẻ đẹp ngoại hình của Tâm:
+ Tâm là cô thiếu nữ đang độ tuổi đẹp nhất và được mọi người công nhận, cô cũng ý thức được vẻ đẹp của mình: “Tâm biết mình xinh nhất chợ. Bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lời chòng ghẹo”
+ Khi lấy chồng, người thiếu phụ càng thêm mặn mà: “Má nàng hồng hơn, môi nàng thắm thêm, người ta bảo nàng bây giờ đẹp ra hơn trước”
- Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của sự hi sinh, tần tảo
+ Tâm đảm đang buôn bán phụ giúp cha mẹ, nuôi em ăn học. Gánh hàng rong trên vai Tâm, tất cả tài sản quý báu của Tâm, sự vất vả sớm hôm trong những buổi sáng mùa đông rét mướt… đều là để lo cho cha mẹ, cho em.
+ Cô đã hi sinh lợi ích bản thân “chả bao giờ nghĩ cho riêng mình”. Cô phải “rời bỏ quyển sách, để bước chân vào cuộc đời rộng rãi hơn, khó khăn và chặt chẽ”, bỏ dở giấc mơ thiếu nữ để bươn chải trong cuộc sống.
+ Cô chịu vất vả, hi sinh hết lòng vì gia đình chồng để lo toan bởi vì “bao nhiêu việc chi tiêu trong nhà lại trông cả vào mình nàng” khi “dăm bẩy đồng bạc lương” của chồng không đủ nuôi sống gia đình.
+ Tâm luôn yêu thương cha mẹ, lo toan cho các em, yêu quý chồng con. Khi vất vả vì những người thân yêu thì “bao nhiêu nỗi mệt nhọc cô thấy tiêu tán cả”.
=> Tâm là người phụ nữ đẹp cả về ngoại hình lẫn tâm hồn, đẹp về đức hi sinh, vì sự tần tảo lo toan. Tâm cũng giống như biết bao người phụ nữ Việt Nam khác, luôn quên mình để lo nghĩ cho người khác, nhận mọi thiệt thòi về mình.
3. Phân tích những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm
3.1. Giọng điệu nhẹ nhàng, tâm tình
- Truyện ngắn mang đậm phong cách Thạch Lam, không đi sâu vào những tình huống gay cấn, kịch tính mà hấp dẫn bạn đọc bằng lối kể chuyện tâm tình, thủ thỉ, nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng người.
- Cuộc đời của Tâm hiện lên qua những trang viết nhẹ nhàng, bình dị như chính cuộc đời, không cầu kì hoa mĩ: ngày ngày gánh hàng đi chợ, gánh hàng rong theo chân cô từ lúc thiếu nữ đến khi lấy chồng, đều đều kể về cuộc đời nhân vật.
- Thạch Lam đã “đưa thơ vào trong văn xuôi” với giọng kể nhẹ nhàng thủ thỉ mà thu hút bạn đọc.
3.2. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế
- Tập trung vào miêu tả tâm lí nhân vật một cách tinh tế, sắc sảo. Khai thác cảm giác nội tâm của nhân vật, chú trọng đến thế giới bên trong của nội tâm con người: cảm nhận của Tâm về con đường gồ ghề, về những bước chân đều đều, về mùi phân trâu ngái nồng, về hương cỏ cây buổi sớm.... Là điểm nhấn trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của truyện ngắn Thạch Lam.
- Diễn biến tâm lí của nhân vật Tâm: từ sự e lệ, ngại ngùng, mơ mộng của một cô thiếu nữ mới lớn đến sự lo toan vất vả của người thiếu phụ đã được khắc họa một cách tài tình. Qua đó, làm nổi bật vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, khơi gợi sự đồng cảm của người đọc với thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
3.3. Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, thấm đẫm chất thơ
- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, thuần chất Việt. Thạch Lam thường xuyên sử dụng những từ láy giàu sức gợi hình, gợi tả. Các từ thuần Việt trong trẻo, bình dị và nhẹ nhàng như chính văn phong của tác giả.
- Ngôn ngữ thấm đẫm chất thơ: những câu văn dài mang đậm chất miêu tả, nhẹ nhàng; nhìn sự vật hiện tượng dưới con mắt lãng mạn, thi vị hóa cuộc sống.
- Thạch Lam đã đưa ngôn ngữ thơ vào trong văn xuôi, khiến người đọc khi khép trang sách lại vẫn còn lắng đọng dư vị của chất thơ, của nét đẹp nhẹ nhàng kín đáo.
C. Kết bài
- Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm: Khép lại truyện ngắn Cô hàng xén, người đọc có thể cảm nhận được chút xót xa, thương cảm cho cuộc đời của những con người bé nhỏ trong xã hội cũ cũng như sự lắng đọng của tình yêu thương, của niềm xúc động với vẻ đẹp và sự hi sinh, tần tảo của Tâm và của biết bao người phụ nữ Việt Nam khác.
- Liên hệ bản thân: Truyện ngắn cho em thấu hiểu về nét đẹp của những người phụ nữ bình dị luôn tảo tần, hi sinh vì người khác; hiểu thêm về phong cách văn chương Thạch Lam và những đóng góp của ông trong nền văn học Việt Nam.
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén - mẫu 1
Chợ huyện một tháng sáu phiên
Gặp cô hàng xén kết duyên Châu, Trần
Hẳn nhiều người không còn xa lạ với câu ca dao miêu tả hình ảnh cô hàng xén quen thuộc trên. Thật vậy, hình ảnh cô hàng xén với chiếc gánh nặng trĩu, kẽo kẹt đi qua từng phiên chợ đã trở nên thân thuộc trong văn chương viết về người phụ nữ Việt Nam. Đến với Thạch Lam - cây bút lãng mạn nổi bật trước Cách mạng tháng Tám, hình tượng người phụ nữ thôn quê truyền thống đã trở nên nổi bật và sống động. Thạch Lam luôn trân trọng và nâng niu hình ảnh này, viết về họ bằng những ngôn từ giản dị nhưng đầy tình cảm, ca ngợi họ bằng cái trữ tình đậm chất Thạch Lam. Những tác phẩm của ông hiện lên dung dị, mộc mạc, đẹp một cách sáng trong như chính đức hy sinh thầm lặng của những người con gái, như chính cô hàng xén trong tác phẩm "Cô hàng xén".
Thạch Lam đã vẽ lên trong lòng người đọc hình ảnh người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó, làm sáng lên những đức tính tốt đẹp giữa bối cảnh xã hội thực dân nửa phong kiến u ám và bất công. Ông đã thành công khi mang đến những tia nắng ấm áp, xua đi hiện thực u uất, qua đó làm nổi bật lên nét đẹp của những người phụ nữ xưa.
Trong nền văn xuôi Việt Nam, Thạch Lam là một trong những ngòi bút kiệt xuất nửa đầu thế kỷ XX, cùng với Vũ Trọng Phụng và Nguyễn Tuân. Nếu Vũ Trọng Phụng nổi tiếng với những tác phẩm gào thét, đau đớn, Nguyễn Tuân hiện lên tài hoa và sang trọng, thì Thạch Lam lại tinh tế, thanh đạm và nhẹ nhàng như chính tâm hồn Việt Nam trong sáng, giản dị trong từng con chữ của ông. Sự nghiệp của Thạch Lam gồm nhiều thể loại, nhưng truyện ngắn trong các tập "Gió lạnh đầu mùa" (1937), "Nắng trong vườn" (1938) là thành công hơn cả. Những tác phẩm này thể hiện rõ nhất phong cách văn chương đặc trưng của Thạch Lam và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc, đặc biệt là truyện ngắn "Cô hàng xén".
Truyện ngắn "Cô hàng xén" xoay quanh cuộc đời của Tâm - cô gái bán hàng xén. Tâm kiếm tiền nuôi sống gia đình bằng việc gánh hàng bán ở chợ. Gánh hàng của cô gồm kim, chỉ, lược và nhiều vật dụng nhỏ khác. Ngay từ công việc và mục đích mưu sinh vì gia đình, Tâm đã hiện lên là một người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó và yêu thương gia đình. Hình ảnh Tâm gánh hàng đi bán khiến ta nhớ đến câu ca dao:
"Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non."
Nhân vật Tâm là hiện thân của sự lam lũ, chịu thương chịu khó, nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay. Ngay từ những dòng văn đầu tiên, tác giả đã khéo léo cho người đọc thấy nghệ thuật truyện ngắn vô cùng tinh tế của mình. Văn Thạch Lam hay ở chỗ cốt truyện thường giản dị và cảnh sắc thiên nhiên không chỉ là phông nền cho câu chuyện mà tham gia tâm tình, đồng cảm với nhân vật. Sự tham gia ấy nhẹ nhàng đến mức đôi lúc khiến người đọc cảm thấy như được lắng nghe những tâm sự chân thành từ sâu thẳm tâm hồn.
Cô hàng xén gánh hàng trở về sau phiên chợ chiều, khi đường làng đã bao phủ sương mù, hòa cùng tiếng lá tre xào xạc và tiếng thân tre cót két. Những cổng gạch cũ kỹ, rêu phong, những ngõ tối mấp mô vì lỗ chân trâu, mùi bèo dưới ao, mùi rạ quen thuộc và ẩm ướt. Sáng sớm hôm sau, Tâm lại gánh hàng lên chợ khi sương trắng còn đầy các ngõ. Ngày qua ngày, cuộc đời Tâm cứ thế trôi đi trong thầm lặng và nhọc nhằn.
Tâm, người con gái xinh đẹp nức tiếng, được nhiều người để ý, "bọn con trai cứ hay quanh quẩn chỗ cô ngồi và buông lơi chọc ghẹo". Nhưng Tâm không để ý, bởi cô tự tin ở giá trị và lòng cao quý của mình. Thạch Lam đã mô tả cuộc đời cơ cực, nhục nhã của một người phụ nữ giữa xã hội bất công, tiêu điều, nhưng cũng không quên khám phá tâm hồn cao quý của người phụ nữ ấy.
"Nàng đã đảm đang nuôi cả một nhà, với lại, trừ phi là cô gái hư không kể, còn ai ở địa vị nàng cũng phải tảo tần buôn bán như thế. Làm việc, đối với Tâm, là lệ chung của người ta. Cô thấy chung quanh toàn những đàn bà chịu khó làm ăn vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Không bao giờ Tâm nghĩ cho mình, cho cuộc đời riêng của cô."
Ở đây, ta có thể thấy Tâm mang trách nhiệm với gia đình, dù vất vả với gánh hàng xén trĩu nặng trên vai nhưng cô không bao giờ than trách, kêu ca về nỗi khổ nhọc. Bằng gánh hàng xén bé xíu, Tâm chắt chiu từ đó để nuôi cả gia đình. Những đồng tiền ít ỏi cô kiếm được luôn dành để lo cho em, cho gia đình chồng, cho con, cho cha mẹ. Dù gánh nặng trên vai cô càng "cong xuống và rền rĩ", nhưng Tâm vẫn kiên cường bước tiếp.
"Buổi phiên chợ Bằng, Liên ngồi cạnh nàng nhí nhảnh khoe:
Liên đưa ra một đôi khuyên vàng cô mới gửi đánh ở trên tỉnh. Tâm cầm lấy ngắm nghía trên tay. Mắt nàng sáng lên, Tâm nghĩ đến những buổi nói chuyện với Liên khi nàng chưa lấy chồng. Hai chị em bàn về những đồ trang sức, và đôi khuyên là cái ước vọng tuyệt đích của hai cô gái quê. Hai người buổi vào cũng nhắc đến, và cùng hẹn nhau dành dụm để sắm một đôi đeo Tết.
Nàng ngẩn ngơ đưa trả lại Liên, yên lặng nhìn bạn mắc vào tai. Tâm nghĩ không bao giờ nàng có thứ ấy nữa. Làm sao dành dụm được chừng ấy tiền, mà nếu có số tiền ấy nữa nàng cũng còn phải để tiêu việc nhà, hay gửi cho các em."
Lần đầu tiên Tâm chạnh lòng cho số phận mình, khi nghĩ đến Liên - cô bạn xưa nay đã sung túc, giàu sang. Nhưng suy nghĩ ấy chỉ thoáng qua vì gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai cô còn đó.
Chợ này bán ít thì sang chợ khác, gánh hàng xén đong đưa theo nhịp chân đi và đôi vai gầy càng thêm còm cõi. Ngày qua ngày tần tảo, ra đi khi trời còn sương muối lạnh giá, trở về khi trời chập tối gió bấc và mưa phùn hiu hắt, cuộc đời Tâm cứ thế thầm lặng trôi đi.
Kết thúc tác phẩm, sau khi đưa hai chục bạc - số tiền lấy họ của chồng cho em trai, Tâm trở về nhà trong nỗi buồn và lo sợ, "nàng cúi đầu đi nhanh vào bóng tối". Điều này thể hiện nỗi sợ hãi, hoang mang của một mảnh đời mãi loanh quanh trong nghèo đói, không tìm ra được lối thoát cho ngày mai. Cái nghèo đói của Tâm gắn liền với nỗi lo âu không vun vén chu toàn được cho hai gia đình nội, ngoại. Đức hy sinh với Tâm như một bản năng hình thành từ trong máu thịt, cô chấp nhận nó như một lẽ hiển nhiên bởi "có đâu chỉ một mình cô: Trong những lũy tre xanh kia, bao nhiêu người cũng như cô, cũng phải chịu khó, và nhọc nhằn, để kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em".
Ở Thạch Lam, có sự giao thoa giữa chất hiện thực và lãng mạn rất đặc trưng. Dù gánh hàng đi chợ suốt một ngày dài đằng đẵng, nhưng Tâm vẫn có thể gác đi nỗi vất vả để lắng nghe tiếng xao xác giẫm lên lá khô, ngửi mùi bèo dưới ao và mùi rạ ướt đưa lên ẩm ướt. Hay ngay trong buổi chợ ồn ào, Tâm vẫn đủ thư thái để cảm nhận "không khí giá và trong của buổi sáng làm hồng da dẻ và khiến máu chảy mạnh". Mùi hương, màu sắc, khí vị của làng quê yên bình và trong trẻo được cảm nhận qua nhân vật chính phần nào giảm đi cái khắc nghiệt của cuộc sống và mang vào cho trang văn chất thơ man mác, dìu dịu.
Đọc Thạch Lam có thể thấy cô Tâm và các nhân vật nữ khác trong văn Thạch Lam thường có số phận bất hạnh. Nhưng vượt lên tất cả, họ luôn cố gắng gìn giữ những phẩm chất cao quý của tâm hồn, luôn quan tâm, hy sinh vì người khác mà ít khi nghĩ cho mình. Đó là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Không chỉ vậy, Thạch Lam còn am hiểu sâu sắc đời sống nội tâm của nhân vật, ông len lỏi vào ngõ ngách tâm hồn người, lắng nghe những vang động sâu thẳm bên trong để đồng cảm với thân phận người phụ nữ bằng tất cả tâm hồn tinh tế, nhạy cảm. Điều đó khẳng định rằng nhà văn thương cảm, sẻ chia và yêu thương tha thiết những người phụ nữ - những kiếp người bé nhỏ, yếu đuối trong xã hội.
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén - mẫu 2
"Cái tài nhờ cái tâm để cháy lên, cái tâm nhờ có cái tài mà tỏa sáng." Lời khẳng định của Raxun Gamzatôp như lời minh chứng cho giá trị trường tồn của tác phẩm "Cô hàng xén" - một viên ngọc sáng trong kho tàng văn học Việt Nam do nhà văn Thạch Lam sáng tạo. Mỗi lần đắm mình trong trang văn ấy, độc giả không chỉ thấu hiểu số phận của cô hàng xén Tâm mà còn cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn và tài năng nghệ thuật của Thạch Lam.
Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của Tâm - một góa phụ trẻ tuổi, tảo tần, hiền hậu, gánh vác trên vai trách nhiệm nuôi mẹ già, hai đứa em thơ. Hình ảnh "cái đòn gánh cong xuống" như minh chứng cho cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn của Tâm.
Thạch Lam đã khéo léo miêu tả tâm trạng của Tâm qua từng bước chân nặng nề trên con đường về nhà sau phiên chợ. Nỗi lo toan về gánh nặng gia đình, sự mệt mỏi về thể xác và tinh thần khiến Tâm chìm trong suy tư.
Tuy nhiên, Tâm không hề than vãn, trách móc số phận. Cô chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên, bởi "làm việc, đối với Tâm, là lệ chung của người ta". Tâm mang trong mình phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương, chịu khó, hy sinh bản thân vì gia đình.
Bằng ngòi bút tinh tế, giàu cảm xúc, Thạch Lam đã vẽ nên bức chân dung đầy chân thực về người phụ nữ Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
Tác giả không chỉ miêu tả ngoại hình mà còn khai thác thế giới nội tâm của nhân vật, từ những suy nghĩ, cảm xúc đến những ước mơ thầm kín. Qua từng câu văn, ta cảm nhận được sự thấu hiểu và xót thương của Thạch Lam dành cho số phận của những người phụ nữ nhỏ bé, lam lũ.
Bên cạnh giá trị hiện thực sâu sắc, "Cô hàng xén" còn thể hiện tài năng nghệ thuật của Thạch Lam qua ngôn ngữ giàu sức gợi cảm, hình ảnh thơ mộng và giọng văn nhẹ nhàng, đằm thắm.
Tác giả sử dụng nhiều phép tu từ như ẩn dụ, so sánh, miêu tả,... để tô điểm cho tác phẩm, tạo nên những rung cảm tinh tế trong lòng người đọc.
Tác phẩm không chỉ phản ánh hiện thực xã hội mà còn thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn cho người phụ nữ Việt Nam.
Thạch Lam mong muốn một xã hội công bằng, nơi người phụ nữ được trân trọng, được sống đúng với giá trị của mình. Qua tác phẩm, tác giả khẳng định vai trò to lớn của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
"Cô hàng xén" là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Thạch Lam. Tác phẩm không chỉ có giá trị hiện thực và nghệ thuật sâu sắc mà còn thể hiện giá trị nhân đạo cao đẹp, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn học Việt Nam.
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén - mẫu 3
"Cô hàng xén" là một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Thạch Lam, xoay quanh cuộc đời của Tâm - một cô gái bán hàng xén hiền lành và xinh đẹp. Tâm là biểu tượng cho cái đẹp và sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam thời xưa.
Tâm, cô gái bán hàng xén, mỗi ngày đều gánh hàng ra chợ để bán. Cô sống cùng bố mẹ và một cậu em trai nhỏ tuổi đang ăn học. Thạch Lam miêu tả Tâm là người con gái hiền lành, xinh xắn, thường bị nhiều chàng trai trêu ghẹo mỗi khi cô gánh hàng đi qua. Không chỉ đẹp về ngoại hình, Tâm còn đẹp cả về tâm hồn. Cô làm việc chăm chỉ để kiếm tiền lo cho em ăn học và nuôi sống gia đình mà không hề oán thán. Hình ảnh Tâm ngại ngùng và tương tư về anh giáo trẻ cũng là một nét đáng yêu của cô, dù có tình cảm nhưng vẫn e ấp vì phận con gái chưa dám tỏ bày.
Qua lời bà mối, cuối cùng Tâm cũng kết hôn với người mình yêu thương. Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sau khi cưới, cuộc sống mưu sinh vẫn đầy gian truân. Hai năm sau ngày cưới, cô sinh con trai đầu lòng, nhưng chỉ sau nửa tháng ở cữ, cô lại phải gánh hàng ra chợ bán. Không chỉ lo cho gia đình chồng, cô còn phải gánh vác trách nhiệm với gia đình bên ngoại. Tâm vẫn chăm chỉ kiếm tiền để lo cho em trai ăn học, cố gắng thỏa mãn mọi yêu cầu để em có cuộc sống tốt hơn.
Suốt cuộc đời, Tâm chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn hạnh phúc. Dù có một người chồng tốt và đám cưới rình rang, cuộc sống của Tâm vẫn không như ý vì hoàn cảnh khó khăn của nhà chồng. Cô vẫn phải thức khuya dậy sớm, tất bật lo toan cho gia đình, chăm sóc chồng con và lo cho em trai. Điều này khiến Tâm luôn ngưỡng mộ Liên - người bạn bán hàng ngày xưa nay đã lấy chồng giàu có, sống cuộc sống sung túc, giữ được vẻ trẻ trung. Trong khi đó, Tâm trở nên già nua và mệt mỏi vì những khó khăn cuộc sống. Nhưng đó chính là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam xưa - những người phụ nữ tảo tần, hy sinh cả đời mình mà chưa từng sống vì bản thân.
Với những tình huống và bút pháp miêu tả tinh tế, Thạch Lam đã khắc họa thành công hình ảnh cô hàng xén xinh đẹp, chăm chỉ nhưng bất hạnh. Truyện không chỉ tái hiện cuộc sống thực tế của người phụ nữ Việt Nam xưa mà còn làm nổi bật sự bất công của số phận. Dù vậy, "Cô hàng xén" vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về sự kiên cường và đức hy sinh của người phụ nữ.
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén - mẫu 4
Cô hàng xén là một truyện ngắn của Thạch Lam, xoay quanh cuộc đời của Tâm - cô gái bán hàng xén. Tâm là hiện thân của cái đẹp, của sự chịu thương chịu khó của những người phụ nữ Việt Nam xưa.
Trong truyện, Tâm là cô gái bán hàng xén, thường gánh hàng ra ngoài chợ để bán. Cô có bố mẹ, có thêm một cậu em trai nhỏ tuổi đang ăn học. Tác giả miêu tả Tâm là người con gái hiền lành, xinh xắn, khi mang gánh hàng đi còn bị rất nhiều chàng trai trêu ghẹo. Đã đẹp người, Tâm còn đẹp cả nết. Cô dùng công việc để kiếm tiền lo cho em ăn học, lo cho cả nhà mà không oán thán lấy nửa lời. Hình ảnh cô gái ngại ngùng và tương tư về anh giáo trẻ cũng là một điểm rất đáng yêu của cô gái, khi ngại ngùng nhưng là phận con gái nên chưa dám tỏ lời.
Cuối cùng, Tâm qua lời bà mối mà lấy người con trai mình yêu thích. Nhưng có lẽ cuộc đời trái ngang, Tâm lấy được người chồng mình yêu thương nhưng cuộc sống bôn ba kiếm kế sinh nhai vẫn phải tiếp diễn. Hai năm sau khi cưới, cô hạ sinh con trai đầu lòng, nhưng chỉ nửa tháng ở cữ đã phải gánh hàng ra chợ bán. Không chỉ lo bên nhà nội, cuộc sống ở nhà ngoại cũng đè nặng lên đôi vai gầy của Tâm. Cô vẫn kiếm tiền lo cho đứa em trai ăn học, cố gắng thỏa mãn những yêu cầu để đứa em trai được vui vẻ, được bằng bạn bằng bè.
Dường như, cả cuộc đời của Tâm đều chưa được hưởng phút giây hạnh phúc. Dù lấy được người chồng tốt, có đám hỏi rình rang nhưng cuộc sống của Tâm vẫn chẳng như ý vì gia cảnh của nhà chồng. Cô vẫn phải đi sớm về hôm để làm việc, tất bật chu đáo chăm chồng, lo con, rồi còn lo cho đứa em trai đang đi học. Đó là lý do tại sao Tâm ngưỡng mộ Liên - người bạn bán hàng lúc xưa nhưng nay đã lấy được anh chồng giàu có. Liên sống sung túc hơn, vẫn giữ được vẻ trẻ đẹp của thiếu nữ còn Tâm thì không. Vì những khó khăn trong cuộc sống, cô đã trở nên già nua và mệt mỏi. Nhưng đó mới chính là hình ảnh những người phụ nữ xưa của Việt Nam - những người phụ nữ tảo tần chưa từng sống vì bản thân mình.
Bằng những tình huống và bút pháp miêu tả vô cùng đặc sắc, Thạch Lam đã cho người đọc thấy được hình ảnh cô hàng xén xinh đẹp và chăm chỉ. Tuy nhiên, số phận lại bất công, chưa đem lại cho cô gái ấy hạnh phúc. Nhưng đó lại chính là cuộc sống thực tế của Việt Nam xưa.
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén - mẫu 5
Raxun Gamzatôp từng nói rằng: “Cái tài nhờ cái tâm để cháy lên, cái tâm nhờ có cái tài mà tỏa sáng”. Quả thật khi viết tác phẩm “Cô hàng xén”, nhà văn Thạch Lam đã tỏa sáng cái tâm cao đẹp và cái tài của người nghệ sĩ chân chính. Và mỗi lần đắm mình trong trang văn ấy độc giả càng thấu hiểu hơn giá trị nội dung và nghị thuật của tác phẩm.
Truyện Thạch Lam thường hướng tới số phận những con người nhỏ bé, nhọc nhằn, vất vả trong cuộc sống mưu sinh trước cách mạng tháng 8/1945. Đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa, họ cam chịu chấp nhận thiệt thòi và coi việc mình phải gánh vác, phải lo toan, phải mưu sinh cho người khác là trách nhiệm bổn phận của mình.
Tác phẩm “Cô hàng xén” đã tạo ra một nhánh vẽ mới bên cạnh “đại lộ” của sứ mệnh phản ánh nhân sinh như văn nhân bao đời nay vẫn thường làm. Cuộc sống túng thiếu không phải là lí do khiến Tâm rơi vào tình cảnh cam chịu đó. Mà bởi những quan niệm, thành kiến về thân phận người con gái là phải sống trọn bổn phận, dâng trọn đời mình cho gia đình đôi bên đã trở nên quá đỗi quen thuộc ở xã hội lúc bấy giờ: “Làm việc, đối với Tâm, là lệ chung của người ta. Cô thấy chung quanh toàn những đàn bà chịu khó làm ăn vất vả để nuôi chồng, nuôi con. Không bao giờ Tâm nghĩ cho mình, cho cuộc đời riêng của cô.”. Hình ảnh “Cái đòn gánh cong xuống…có phải đâu chỉ mình cô” cho ta hiểu thêm sự bằng lòng chấp nhận đến cam chịu của nhân vật Tâm. Cô coi đó là lẽ đương nhiên, bao nhiêu người như vậy phải kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con, nuôi các em, phải chu toàn công việc nhà chồng… Thạch Lam đã chĩa thẳng ngòi bút của mình vào chế độ xã hội trọng nam khinh nữ, chế độ tàm tòng tứ đức đè nặng lên số phận người phụ nữ mà viết, mà lên án, mà phê phán.
Thạch Lam thương cho Tâm, một cô gái “từ tuổi trẻ đến tuổi già toàn khó nhọc và lo sợ”, nỗi khổ tâm, lo lắng trong lòng kéo dài vô hạn, không có điểm dừng. Ngoài kia cũng có biết bao mảnh đời như thế, cũng cặm cụi sớm hôm dể cáng đáng gia đình. Tâm – một kiếp phận “như tấm vải thô dệt đều nhau” – đầy nhọc nhằn, mệt mỏi. Số phận này dường như hiện thân vào cả cảnh vật “Cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm và dày đặc.” Tâm buộc phải chấp nhận số phận “cúi đầu đi vào trong ngõ tối”, nhanh nhanh trở về với hiện thực, tiếp tục cuộc sống mưu sinh vất vả, gánh gồng.
Và hơn hết, nhân vật Tâm trong “Cô hàng xén” được tác giả viết nên bởi tấm lòng tôn vinh, ngợi ca vẻ đẹp muôn đời của người phụ nữ: Chịu thương, chịu khó,nhân hậu,vị tha, giàu đức hy sinh, giàu tình yêu thương. Đâu chỉ có “đấng mày râu” mới làm nên nghiệp lớn. Thạch lam thấy thương yêu và sẵn sàng cúi mình trước sự cho đi của những kiếp người bé nhỏ mà kiên cường ấy. Không phải Tâm không có ước mơ, nàng “mơ màng nghĩ đến sự thành công của các em sau này: “đỗ đạt rồi làm trên tỉnh giúp thầy mẹ. Nhà mình lại sung túc và mát mặt như xưa”. Cô chẳng hề bận tâm đến thứ hạnh phúc của riêng mình. Biết bao người con gái tuổi trăng tròn phải đánh đổi mồ hôi, nước mắt, tuổi xuân và ước vọng cả đời mà nuôi gia đình,con thơ. Những năm tháng thanh xuân mơ mộng với họ thật ngắn ngủi, câu chuyện học hành đèn sách cũng chỉ có trong huyễn mộng, cơm áo gạo tiền mới là bản chất của cuộc đời. Chưa chắc những “tấm lụa đào” thời xưa đã chịu lắm đắng cay bằng những “tấm vải thô sơ”- hình ảnh biểu trưng cho người phụ nữ một đời cực nhọc, bận bịu, chẳng còn biết mình nên sống vì điều gì ngoài việc tận tâm với gia đình đôi bên. Tác giả xót xa, thương cảm cho thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, họ cam chịu, thiệt thòi, chịu bao đắng cay vất vả; họ không được quan tâm sẻ chia. Cuộc sống của họ chỉ bị cương tỏa bởi những lề thói lạc hậu của chế độ phong kiến, con người không dám sống cho riêng mình, bị trói chặt bởi những lễ giáo lạc hậu hà khắc…
Không chỉ vậy, với “Cô hàng xén”, Thạch Lam mong muốn thể hiện ước mơ về một cuộc sống công bằng; không còn những bất công, không còn những người phụ nữ phải hi sinh riêng mình vì thứ trách nhiệm mà lẽ ra ai cũng phải gánh vác. Ông vừa phản ánh hiện thực, vừa truyền thổi vào tâm hồn người đọc một niềm tin, một tình yêu bát ngát vào cuộc sống. Thay vì “cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”, ông muốn những người phụ nữ ấy hãy biết yêu thương bản thân mình hơn, được sẻ chia yêu thương,nâng niu, trân trọng hơn.
“Cô hàng xén” là tác phẩm tiêu biểu cho truyện ngắn của Thạch Lam, yếu tố hiện thực hòa quyện với lãng mạn trữ tình, cốt truyện thiên về mạch trữ tình. Những câu văn giàu chất thơ, tác giả khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày.Những biến thái tinh vi của cảnh vật sóng bước cùng những chuyển biến tâm lý đầy tinh tế trong nội tâm nhân vật: Cô Tâm bớt mệt hẳn đi khi nhìn thấy cây đa và cái quán gạch lộ ra trong sương mù. Cùng một lúc, dãy tre đầu làng gần hẳn lại, cành tre nghiêng ngả dưới gió thổi và nghe thấy tiếng lá rào rào và tiếng thân tre cót két…Cô thấy chắc dạ và ấm cúng trong lòng, bỏ hẳn nỗi lo sợ từ nãy vẫn quanh quẩn trong trí khi cô qua quãng đồng rộng, trơ gốc rạ dưới gió bấc vi vút từng cơn. Câu văn giàu hình ảnh, gợi cảm, trong sáng, giá trị thâm trầm sâu sắc. Trong tác phẩm, ta thấy dòng ý thức của người kể chuyện như trùng khớp với hình tượng nghệ thuật dù tác giả chọn ngôi kể thứ ba. Điểm nhìn trần thuật linh hoạt, từ điểm nhìn của người kể chuyện, nhà văn chuyển điểm nhìn sang nhân vật. Nhà văn tưởng chừng như đã nhập tâm vào nhân vật của mình để miêu tả những biến thái tinh vi trong nội tâm nhân vật “Cô hàng xén”. Từ những bước chân nặng nề, mệt mỏi của Tâm sang phiên chợ kết thúc tới cảm giác an yên mãn nguyện trong bữa cơm gia đình vì được ngắm: các nét mặt xinh xẻo, những con mắt ngây thơ lóng lánh dưới mái tóc tơ của các em: cô thấy lòng đầm ấm và tự kiêu, lòng người chị chịu khó nhọc để kiếm tiền nuôi các em ăn học…Tất cả đã khắc họa nên “Cô hàng xén” đại diện cho vẻ đẹp và nỗi đau khổ, thiệt thòi của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Bên cạnh những đặc sắc nghệ thuật của Thạch Lam được nói ở trên, ta còn thấy Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua lời nói, cử chỉ, hành động (hành động không có xung đột), qua những suy tư của Tâm, qua những đánh giá của người trần thuật. Truyện Thạch Lam không có những xung đột, truyện như một bài thơ trữ tình. Thạch Lam viết những điều hết sức bình dị và tinh tế với giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng bao tình cảm yêu mến.
Nhà văn Sê-khốp đã từng khẳng định : “Nhà văn chân chính phải là nhà văn nhân đạo trong cốt tủy”. Và có lẽ cái thiên bẩm của Thạch Lam là “ nhân đạo từ trong cốt tủy ấy”. Văn phong Thạch Lam được coi là “ngắt câu bằng màu, chấm câu bằng nốt nhạc, chuyển đoạn bằng hình ảnh” (Thụy Khê) và dẫn dắt người đọc không phải bằng tình tiết, bằng những xung đột gay cấn mà bằng “ hành trình cảm giác” bởi thế nhân đạo trong tác phẩm của ông cũng có gì đó khác biệt với những nhà văn khác. Thạch Lam hướng ngòi bút của mình đến những con người bé mọn, nghèo khổ, yếu đuối đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thạch Lam thấu hiểu và cảm thông sâu sắc với những nỗi bất hạnh ngang trái trong cuộc đời họ. Nhân vật của Thạch Lam thường có số phận bất hạnh nhưng vượt lên tất cả, họ luôn giữ gìn phẩm chất cao đẹp, luôn quan tâm yêu thương vị tha.
Tác phẩm “Cô hàng xén” của Thạch Lam trong sáng, giản dị, đẹp tinh tế, tác giả đã khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ mà thấm đẫm dư vị của tình người mênh mang. Nhà văn mong muốn xã hội phải thay đổi, phải bình đẳng hơn để người phụ nữ trong xã hội phong kiến được sống đúng với giá trị mình đang có, được trân trọng, yêu thương, được đối xử công bằng, được tự do, hạnh phúc.
Hemingway từng nói: “Mọi tác phẩm nghệ thuật đều có sự bất tử riêng của nó. Vì nó là thành phẩm vững bền nhất của sức lao động và trí tuệ của con người”. Đúng như vậy, những tranh tượng có thể tiêu tan, các tượng đài có thể sụp đổ nhưng các tác phẩm chân chính sẽ vượt ngoài quy luật băng hoại thời gian để tồn tại vĩnh viễn. Tác phẩm “Cô hàng xén” của Thạch Lam sẽ ngân vang mãi với thời gian bởi những giá trị nội dung, nghệ thuật đặc sắc của nó.
Phân tích tác phẩm Cô hàng xén - mẫu 6
Tác phẩm "Cô Hàng Xóm" của nhà văn Thạch Lam là một câu chuyện ngắn mang đậm tinh thần nhân văn và sâu sắc về con người. Tác phẩm này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả bởi giá trị nội dung và nghệ thuật mà tác giả đã truyền đạt.
Trong "Cô Hàng Xóm", Thạch Lam đã khắc họa một hình ảnh đầy đủ về cuộc sống của những người dân nghèo khó, bị bỏ rơi trong xã hội. Tác giả đã mô tả chi tiết về cảnh đời khó khăn, cơ cực của cô hàng xóm và cách mà cô ấy vẫn kiên trì, sống với niềm tin và hy vọng. Đồng thời, tác giả cũng nhấn mạnh vào tình cảm đồng cảm, lòng nhân ái và sự chia sẻ giữa con người, qua đó khẳng định giá trị của tình thương và sự đồng cảm trong xã hội.
Ngoài ra, về mặt nghệ thuật, Thạch Lam đã sử dụng ngôn ngữ sinh động, hình ảnh sống động và cấu trúc câu chuyện hấp dẫn để tạo nên một tác phẩm đầy cảm xúc và sâu sắc. Ông đã biến những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày trở nên đầy ý nghĩa và gợi lên những suy tư sâu sắc về tình người và giá trị cuộc sống.
Tóm lại, tác phẩm "Cô Hàng Xóm" của Thạch Lam không chỉ là một câu chuyện đơn giản về cuộc sống hàng ngày mà còn là một thông điệp về lòng nhân ái, tình thương và sự chia sẻ. Giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đã làm cho độc giả cảm thấy động lòng và suy ngẫm về ý nghĩa của cuộc sống và tình người.