Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Phép nối là gì? Phân loại phép nối và bài tập vận dụng giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Phép nối là gì? Phân loại phép nối và bài tập vận dụng
I. Pháp nối là gì?
Là cách dùng những từ ngữ sẵn mang ý nghĩa chỉ quan hệ (kể cả những từ ngữ chỉ quan hệ cú pháp bên trong câu), và chỉ các quan hệ cú pháp khác trong câu, vào mục đích liên kết các phần trong văn bản (từ câu trở lên) lại với nhau.
Phép nối thường sử dụng một số phương tiện liên kết như sử dụng các quan hệ từ, từ nối, các trợ từ, phụ từ, tính từ, kết ngữ hoặc quan hệ về chức năng cú pháp trong câu. Các từ hay được sử dụng trong phép nối như: Do đó, tiếp theo, tuy vậy, chỉ...
Ngoài ra phép nối còn được thể hiện qua nối bằng quan hệ chức năng cú pháp
Ví dụ: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại (1). Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ(2). (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ)
Câu (1)-(2) nối với nhau bằng quan hệ từ "nhưng".
Đặc điểm nhận diện: Sử dụng ở câu sau các từ ngữ biểu thị quan hệ (nối kết) với câu trước
II. Phân loại phép nối
1. Nối bằng kết từ
- Kết từ (quan hệ từ, từ nối) là những hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp câu, như và, với, thì, mà, còn, nhưng, vì, nếu, tuy, cho nên... Kết từ cũng được dùng để liên kết trong những cấu tạo ngôn ngữ lớn hơn câu.
* Ví dụ 1: Nguyễn Trãi sẽ sống mãi trong trí nhớ và tình cảm của người Việt Nam ta. Và chúng ta phải làm cho tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi rạng rỡ ra ngoài bờ cõi nước ta.
(Phạm Văn Ðồng)
* Ví dụ 2: Mỗi tháng, y vẫn cho nó dăm hào. Khi sai nó trả tiền giặt hay mua thức gì, còn năm ba xu, một vài hào, y thường cho nốt nó luôn. Nhưng cho rồi, y vẫn thường tiếc ngấm ngầm. Bởi vì những số tiền cho lặt vặt ấy, góp lại, trong một tháng, có thể thành đến hàng đồng.
(Nam Cao)
2. Nối bằng kết ngữ
- Kết ngữ là những tổ hợp từ gồm có một kết từ với một đại từ hoặc phụ từ, kiểu như vì vậy, do đó, bởi thế, tuy vậy, nếu vậy, vậy mà, thế thì, với lại, vả lại... hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kết kiểu như nghĩa là, trên đây, tiếp theo, nhìn chung, tóm lại, một là, ngược lại...
* Ví dụ 1:
Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác, đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc.
(Hồ Chí Minh)
* Ví dụ 2:
Một hồi còi khàn khàn vang lên. Tiếp theo là những tiếng bước chân bình bịch, những tiếng khua rộn rã: phu nhà máy rượu bia chạy vào làm.
(Nam Cao)
3. Nối bằng trợ từ, phụ từ, tính từ
- Một số trợ từ, phụ từ, tính từ tự thân mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết nối các bộ phận trong văn bản, chẳng hạn như cũng, cả, lại, khác...
* Ví dụ 1:
Gà lên chuồng từ lúc nãy. Hai bác ngan cũng đã ì ạch về chuồng rồi. Chỉ duy có hai chú ngỗng vẫn tha thẩn đứng giữa sân.
(Tô Hoài)
* Ví dụ 2:
Tiếng hát ngừng. Cả tiếng cười.
(Nam Cao)
* Ví dụ 3:
Tôi biết trong vụ này anh không phải là thủ phạm. Thủ phạm là người khác cơ.
4. Nối theo quan hệ chức năng cú pháp (thành phần câu hiểu rộng)
- Trong nhiều văn bản, nhất là văn bản nghệ thuật, có những câu chỉ tương đương một bộ phận nào đó (một chức năng cú pháp nào đó) của câu lân cận hữu quan. Ðó là những câu dưới bậc, hoặc ngữ trực thuộc.
* Ví dụ 1 (câu dưới bậc tương đương bổ ngữ của động từ):
Tôi nghĩ đến sức mạnh của thơ. Chức năng và vinh dự của thơ.
(Phạm Hổ)
* Ví dụ 2 (câu dưới bậc tương đương trạng ngữ của câu):
Sáng hôm sau. Hắn thức dậy trên cái giường nhà hắn.
(Nam Cao)
III. Ý nghĩa của phép nối
Đây là một trong các phép kết nối thường được dùng trong tiếng Việt. Nó có công dụng nối các câu có quan hệ với nhau trong đoạn văn, do đó phép nối này mang đầy đủ các ý nghĩa.
Phép nối có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo nên sự kết nối khứ chỉ và hồi chỉ cho các bộ phận bên trong văn bản nằm ở vị trí trước và sau của nó. Vì vậy phép nối có tác dụng làm tăng tính mạch lạc cho câu, giúp người đọc hiểu được mối quan hệ mà tác giả muốn truyền tải.
IV. Một số lưu ý khi sử dụng phép nối
+ Cách nối được người viết sử dụng một cách trực tiếp và có ý thức, còn ba phương thức liên kết còn lại thường được chúng ta dùng theo thói quen, không có ý thức rõ ràng.
+ Căn cứ và phương tiện ngôn ngữ sử dụng trong phép nối, chúng ta có thể xác định dễ dàng mối quan hệ trong ý nghĩa của câu văn.
+ Nối quan hệ từ chặt chẽ hơn nối tổ hợp từ. Vì vậy trước kia, người ta quan điểm rằng viết như ở ví dụ 1 và 2 của cách nối quan hệ từ là viết sai ngữ pháp, phải thay dấu chấm bằng dấu phẩy, thay đổi hai câu đơn thành một câu ghép mới đúng ngữ pháp.
+ Những phương thức nối ở trên cho ta thấy được những ẩn ý của tác giả, những phép nối này được sử dụng một cách trực tiếp, có chủ ý của tác giả.
+ Căn cứ vào phương tiện và ngôn ngữ sử dụng trong phép nối, ta có thể nhận thấy được mối quan hệ trong ý nghĩa của câu.
+ Nối quan hệ từ có sự liên kết chặt chẽ hơn so với phép nối tổ hợp từ.
V. Bài tập về phép nối
Câu 1: Phép nối là biện pháp tạo ra sự liên kết giữa các câu, các đoạn văn bằng cách:
A. sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế các từ ngữ đã có ở câu trước.
B. sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước.
C. sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước.
D. lặp lại ở câu đứng sau từ ngữ đã có ở câu đứng trước.
Đáp án : B
Phép nối là biện pháp tạo ra sự liên kết giữa các câu, các đoạn văn bằng cách: sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ biểu thị quan hệ với câu trước.
Câu 2: Các phép liên kết chủ yếu được học là?
A. Phép nối, phép lặp
B. Phép liên tưởng, trái nghĩa
C. Phép thế
D. Cả 3 đáp án trên
Đáp án : D
Các phép liên kết chủ yếu được học là: phép nối, phép lặp, phép liên tưởng, trái nghĩa, phép thế
Câu 3: Phép nối trợ từ, phụ từ, tính là gì?
A. Là phép nối gồm có một kết từ kết hợp một đại từ hoặc phụ từ hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kế
B. Là cách sử dụng các hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp câu
C. Là phép nối sử dụng một số trợ từ, phụ từ, tính từ mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết và nối các bộ phận trong văn bản
D. Là sử dụng những câu chỉ tương đương với bộ phận nào đó hoặc chức năng cú pháp nào đó của câu liên quan để liên kết, thường được sử dụng trong các văn bản nghệ thuật
Đáp án : C
Phép nối trợ từ, phụ từ, tính là phép nối sử dụng một số trợ từ, phụ từ, tính từ mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết và nối các bộ phận trong văn bản
Câu 4: Phép nối quan hệ từ là gì?
A. Là phép nối gồm có một kết từ kết hợp một đại từ hoặc phụ từ hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kết
B. Là cách sử dụng các hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp câu
C. Là phép nối sử dụng một số trợ từ, phụ từ, tính từ mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết và nối các bộ phận trong văn bản
D. Là sử dụng những câu chỉ tương đương với bộ phận nào đó hoặc chức năng cú pháp nào đó của câu liên quan để liên kết, thường được sử dụng trong các văn bản nghệ thuật
Đáp án : B
Phép nối quan hệ từ là cách sử dụng các hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp câu
Câu 5: Phép nối theo quan hệ chức năng, cú pháp là gì?
A. Là phép nối gồm có một kết từ kết hợp một đại từ hoặc phụ từ hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kết
B. Là cách sử dụng các hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp câu
C. Là phép nối sử dụng một số trợ từ, phụ từ, tính từ mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết và nối các bộ phận trong văn bản
D. Là sử dụng những câu chỉ tương đương với bộ phận nào đó hoặc chức năng cú pháp nào đó của câu liên quan để liên kết, thường được sử dụng trong các văn bản nghệ thuật
Đáp án : D
Phép nối theo quan hệ chức năng, cú pháp là sử dụng những câu chỉ tương đương với bộ phận nào đó hoặc chức năng cú pháp nào đó của câu liên quan để liên kết, thường được sử dụng trong các văn bản nghệ thuật
Câu 6: Dòng nào sau đây không chứa những từ ngữ thường dùng trong phép nối?
A. Cái này, điều ấy, việc đó, hắn, họ, nó…
B. Và, rồi, nhưng, mà, còn, vì, nếu, tuy, để…
C. Vì vậy, nếu thế, thế thì, vậy nên…
D. Nhìn chung, tóm lại, hơn nữa, vả lại, với lại…
Đáp án : A
Dòng không chứa những từ ngữ thường dùng trong phép nối là: Cái này, điều ấy, việc đó, hắn, họ, nó…
Câu 7: Phép nối được chia thành mấy loại?
A. 2
B. 3
C. 4
D. 5
Đáp án : C
Phép nối được chia thành 4 đoạn:
- Phép nối tổ hợp từ
- Phép nối quan hệ từ
- Phép nối bằng trợ từ, phụ từ, tính từ
- Phép nôi bằng quan hệ chức năng cú pháp
Câu 8: Phép nối tổ hợp từ là gì?
A. Là phép nối gồm có một kết từ kết hợp một đại từ hoặc phụ từ hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kế
B. Là cách sử dụng các hư từ quen thuộc dùng để chỉ quan hệ giữa các từ ngữ trong ngữ pháp câu
C. Là phép nối sử dụng một số trợ từ, phụ từ, tính từ mang ý nghĩa quan hệ được dùng làm phương tiện liên kết và nối các bộ phận trong văn bản
D. Là sử dụng những câu chỉ tương đương với bộ phận nào đó hoặc chức năng cú pháp nào đó của câu liên quan để liên kết, thường được sử dụng trong các văn bản nghệ thuật
Đáp án : A
Phép nối tổ hợp từ là: phép nối gồm có một kết từ kết hợp một đại từ hoặc phụ từ hoặc những tổ hợp từ có nội dung chỉ quan hệ liên kết
Câu 9: Xác định phép nối và vai trò của phép nối trong những trường hợp sau:
a. Khi đọc sách, bạn có thể nghe nhạc không lời có nhịp độ nhanh để rèn luyện cho não và mắt bạn đọc nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng tai nghe nếu muốn vừa nghe nhạc vừa đọc sách… (A-đam Khu – Chúng ta có thể đọc nhanh hơn?)
b. Khi bạn đọc phần cuối chương trước, bạn sẽ có một khái niệm chung về nội dung chính của chương. Đồng thời, não của bạn cũng biết được những thông tin cần thiết nào mà bạn cần tìm hiểu trong chương sách.
(A-đam Khu – Chúng ta có thể đọc nhanh hơn?)
c. Quả thực như vậy, việc kiên trì nỗ lực để cố gắng theo đuổi mục tiêu, lí tưởng là rất quan trọng.
(Theo Trần Thị Cẩm Quyên – Đừng từ bỏ cố gắng)
d. Đôi lúc, ta tự trách vì những quyết định sai lầm của mình. Nhưng đó là lúc ta cần nhận thức và rút ra bài học, biến thất bại thành đòn bẩy để hướng đến thành công, không suy sụp hay bỏ cuộc.
(Theo Trần Thị Cẩm Quyên – Đừng từ bỏ cố gắng)
Trả lời:
a.
- Phép nối: Tuy nhiên
- Tác dụng: Tạo sự liên kết giữa hai câu văn bằng quan hệ từ tương phản “Tuy nhiên” giúp đưa ra biện pháp để đọc sách một cách hiệu quả.
b.
- Phép nối: Đồng thời
- Tác dụng: Tạo sự liên kết giữa hai câu văn, đồng thời chỉ ra kiến thức mà não tiếp nhận được sau khi đọc một chương sách
c.
- Phép nối: Quả thực như vậy
- Tác dụng: Nhấn mạnh tầm quan trọng về việc kiên trì nỗ lực theo đuổi mục tiêu, lí tưởng.
d.
- Phép nối: Đôi lúc, nhưng
- Tác dụng: Tạo sự liên kết giữa hai câu văn bằng quan hệ từ tương phản giúp khích lệ chúng ta đạt được thành công sau thất bại.
Xem thêm các nội dung khác: