100 Câu ca dao, tục ngữ về lời ăn tiếng nói hay nhất

1.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Câu ca dao, tục ngữ về lời ăn tiếng nói hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Câu ca dao, tục ngữ về lời ăn tiếng nói hay nhất

1. Ca dao về lời ăn tiếng nói hay nhất

  • Đất tốt trồng cây rườm rà

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng

  • Người thanh tiếng nói cũng thanh

Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu

  • Nói lời phải giữ lấy lời

Đừng như con bướm đậu rồi lại bay

  • Nói chín thì phải làm mười

Nói mười làm chín kẻ cười người chê

  • Người khôn ăn nói nửa chừng

Để cho người dại nửa mừng nửa lo

  • Rượu lạt uống lắm cũng say

Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm

  • Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời

  • Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,

Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.

  • Sảy chân, gượng lại còn vừa,

Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.

  • Chim ngu ăn mận ăn me

Người ngu ăn nói chua lè mắm tôm

  • Hoa thơm ai chẳng nâng niu

Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề

  • Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe

  • Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

  • Ngày thường chả mất nén hương

Đến khi gặp chuyện ôm lưng thày chùa

  • Cười người chớ vội cười lâu

Cười người hôm trước hôm sau người cười

  • Hoa thơm ai chẳng nâng niu

Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề

  • Kim vàng ai nỡ uốn câu

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời

  • Đất tốt trồng cây rườm rà

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng

  • Thổi quyên, phải biết chiều hơi,

Khuyên người, phải biết lựa lời khôn ngoan.

  • Rượu nhạt, uống lắm cũng say,

Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm.

  • Roi song đánh đoạn thời thôi,

Một lời xiết cạnh, muôn đời chẳng quên.

  • Ăn lắm, thì hết miếng ngon,

Nói lắm, thì hết lời khôn hóa rồ.

  • Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,

Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.

  • Chim khôn, tiếc lông,

Người khôn, tiếc lời.

  • Vàng thời thử lửa, thử than,

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

  • Người thanh, tiếng nói cũng thanh,

Chuông kêu, khẽ đánh bên thành cũng kêu.

  • Sảy chân, gượng lại còn vừa,

Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.

  • Vàng sa xuống giếng, khôn tìm,

Người sa lời nói, như chim sổ lồng.

  • Đất xấu, trồng cây ngẳng nghiu,

Những người thô tục, nói điều phàm phu.

  • Nói người, chẳng nghĩ đến ta,

Thử sờ lên gáy, xem xa hay gần

  • Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

  • Lên xe nhường chổ bạn ngồi

Nhường nơi bạn dựa nhường lời bạn thưa

  • Tu thân rồi mới tề gia

Lòng ngay nói thật, gian tà mặc ai

  • Chim khôn chưa bắt đã bay

Người khôn ít nói, ít hay trả lời

  • Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên​

  • Khó mà biết lẽ biết lời

Biết ăn biết ở hơn người giàu sang

2. Tục ngữ về lời ăn tiếng nói hay nhất

  • Lời nói, gói vàng
  • Có đi có lại mới toại lòng nhau
  • Kính lão đắc thọ
  • Tôn trọng người khác cũng là tôn tọng chính mình
  • Lời chào cao hơn mâm cổ
  • Kính trên, nhường dưới
  • Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
  • Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.
  • Ăn có nhai, nói có nghĩ.
  • Ăn bớt bát, nói bớt lời.
  • Đa ngôn, đa quá.
  • Lưỡi sắc hơn gươm.
  • Lời nói đọi máu.
  • Lời nói, không cánh mà bay.
  • ăn đàn sóng, nói đàn gió
  • Ăn ngay nói thật, mọi tật mọi lành.
  • Học ăn học nói học gói học mở
  • Nói một đàng làm một nẻo
  • Lời nói không đi đôi với việc làm
  • Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.
  • Một câu nhịn bằng chín câu lành

3. Nguồn gốc của các câu Ca dao, tục ngữ về lời ăn tiếng nói

Văn hóa dân gian Việt Nam còn lưu giữ nhiều tục ngữ về lời ăn tiếng nói. Nó xuất phát từ một kinh nghiệm sống rằng, lời nói rất quan trọng, có thể ảnh hưởng xấu hoặc tốt tới người khác và từ đó tác động tới người nói. Vì vậy tục ngữ mới khuyên rằng “học ăn, học nói, học gói, học mở”, học ăn là việc liên quan tới sự sinh tồn xếp thứ nhất, việc quan trọng thứ hai là học nói, nói lên tầm quan trong của việc ăn nói trong cuộc sống.

Qua việc tìm hiểu tục ngữ và tập trung lên các tục ngữ liên quan tới lời ăn tiếng nói, một mặt thấy được sự ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa hóa vào tục ngữ Việt Nam cũng như văn hóa người Việt nói chung, mặt khác cũng phản ánh sự tiếp thu đầy khoan dung và khôn ngoan của người Việt. Kết quả là để lại cho thế hệ sau một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và giá trị.

4. Bình luận câu tục ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

Dàn ý

I. MỞ BÀI

Dẫn dắt, giới thiệu câu ca dao “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khái quát nhận định cá nhân về câu nói (đúng, ý nghĩa, sâu sắc,...).

II. THÂN BÀI

Giải thích ý nghĩa câu nói:

"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” có thể hiểu là: khi nói năng, giao tiếp với nhau thì nên thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Lời lẽ trước khi thốt ra cần suy nghĩ kĩ tránh lỡ lời làm xúc phạm hay xấu đi mối quan hệ với mọi người xung quanh. Câu nói mang ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của lời nói đối với con người và khuyên ta nên thận trọng, suy nghĩ kĩ trước khi ăn nói.

Lợi ích của việc nói năng lựa lời, thận trọng:

- Làm hài hòa mối quan hệ giữa người và người trong giao tiếp.

- Giảm bớt mâu thuẫn, bất hòa trong xã hội.

- Người nghe dễ dàng tiếp nhận và đồng tình với vấn đề được nói đến.

- Thể hiện nét lịch sự, văn hóa trong giao tiếp ứng xử.

- Hạn chế cảm xúc tiêu cực và tổn thương cho người nghe đồng thời vẫn thực hiện được mục đích giao tiếp....

Tác hại của việc nói năng thiếu suy nghĩ:

- Chạm vào lòng tự ái, xúc phạm đến người nghe khiến họ khó tiếp nhận vấn đề thậm chí khó chịu đồng thời không đạt được hiệu quả giao tiếp.

- Làm rạn nứt các mối quan hệ với người xung quanh, dễ gây ra tranh chấp, xung đột.

- Thể hiện sự kém văn minh, kéo thấp vẻ đẹp văn hóa nơi con người....

Lời khuyên:

- Nên suy nghĩ thật kĩ trước khi nói.

- Học cách lựa chọn ngôn từ phù hợp để vừa thực hiện đúng mục đích giao tiếp vừa thể hiện được sự văn minh và tránh gây ra cảm xúc tiêu cực cho đối phương.

- Nói năng lựa lời không có nghĩa là thiếu thẳng thắn mà là chọn lời nói khéo léo để truyền đạt sự thật.

- Không nên nói năng tùy tiện, thiếu suy nghĩ vì mỗi chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

III. KẾT BÀI

Khẳng định lại ý kiến cá nhân về câu nói "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” (câu nói đúng, giàu ý nghĩa, lời khuyên chân thành và sâu sắc,...). Đúc kết bài học kinh nghiệm.

Bài văn mẫu

        Ngôn ngữ - tiếng nói là công cụ để giao tiếp, để diễn đạt tư tưởng, tình cảm của con người. Ngôn ngữ - cách ăn nói là thước đo tri thức, nhân cách của mỗi chúng ta. Vì thế, nhân dân ta luôn luôn nhắc nhở nhau:

"Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"

        "Lời nói chẳng mất tiền mua" vì nó là ngôn ngữ cộng đồng, là tài sản chung của cả dân tộc. Hồ Chủ tịch có nói: "Tiếng Việt là của quý lâu đời của nhân dân ta". Ngay từ lúc còn nằm trong bụng mẹ đến lúc cất tiếng chào đời, rồi trưởng thành khôn lớn, tiếng mẹ đẻ luôn luôn gắn liền với tâm hồn và cuộc sống của mỗi con người. Câu tục ngữ "Lời nói chẳng mất tiền mua" chứa đựng một lời khuyên, một sự nhắc nhở: phải biết trân trọng và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

        "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" - "Lựa lời" nghĩa là biết cân nhắc, chọn từ ngữ, tìm cách diễn đạt chính xác nhất, tế nhị nhất, phản ánh đúng tư tưởng tình cảm của mình lúc nói. Nói như thế nào "cho vừa lòng nhau", nhân dân ta muốn lưu ý đến tính hiệu quả trong giao tiếp, phải văn minh, lịch sự, hợp tình hợp lí và đúng lễ nghĩa, đạo lí.

        Tóm lại, câu tục ngữ nêu lên một kinh nghiệm quý báu về cách ứng xử, giao tiếp nhằm giáo dục mọi người cách ăn nói văn minh lịch sự, không được thô lỗ, cục cằn.

        Bài học mà câu tục ngữ nêu lên là đúng đắn và sâu sắc cho tất cả mọi người. Tại sao phải "lựa lời" lúc nói năng?

        Nói phải đúng: đúng sự vật, đúng hiện tượng, khách quan, đúng tư tưởng tình cảm ý nghĩ của mình, phải ăn nói đúng nơi, đúng lúc. Không được ăn nói tuỳ tiện, ăn nói thiếu suy nghĩ. Muốn nói đúng phải "lựa lời” cân nhắc ngôn từ, lựa chọn cách diễn đạt sao cho tế nhị, dễ hiểu, cảm hóa lòng người.

        Nói phải văn minh, lịch sự nên phải "lựa lời mủ nói". Ngôn ngữ phản ánh vốn sống, sự hiểu biết, trình độ học vấn của mỗi người. Kẻ dốt nát, thô lậu thường ăn nói thô lỗ, tục tằn. Ngôn ngữ là thước đo đạo đức của mọi người. Ông bà ta quan niệm lời ăn tiếng nói luôn luôn gắn liền với lễ nghĩa, đạo lí. Trong gia đình, ngoài xã hội, có kẻ trên người dưới, có người già người trẻ, có quan hệ thân, sơ... "kính thưa, dạ, vâng..." là những điều cần biết trong lúc nói năng, ứng xử.

        Giao tiếp phải biết "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", nghĩa là ăn nói văn minh, lịch sự, hợp tình hợp lí, phải coi trọng tâm lí, tình cảm người đang đối thoại với mình. Tính hiệu quả lúc nói cần được đặc biệt quan tâm. An nói phải lễ phép, khiêm nhường và chín chắn. "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" không có nghĩa là ăn nói mơn trớn, xu nịnh, giả dối để mua chuộc, lừa bịp người đối thoại. Kẻ ăn nói xu nịnh, giả dối là vô đạo đức, kém nhân cách, bị người đời kinh bỉ.

        Suy rộng câu tục ngữ trên, ta thấy rõ hơn bao giờ hết, nhân dân ta rất coi trọng lời ăn tiếng nói. Có biết bao câu ca dao, tục ngữ cho ta lời khuyên quý báu về cách ăn nói:

-   "Học ăn, học nói, học gói, học mở".

-   "Gọi dạ, bảo vâng".

"Đất tốt trồng cây rườm rà,

Những người thanh lịch nói ra dịu dàng".

"Đất xấu trồng cây khẳng khiu,

Những người thô tục nói điều phàm phu".

        Trong giao tiếp, chúng ta phải biết nói lời hay ý đẹp. Tuổi học trò phải biết ăn nói trung thực, khiêm tốn, lễ phép; không được đặt điều, nói năng giả dối, xảo trá; phải tránh cách nói hoa hòe hoa sói, ngọt xớt, đãi bôi. Ai ai cũng nên nhớ: "Mật ngọt chết ruồi".

        Nói với ai? Nói điều gì? Nói để làm gì? Nói như thế nào? Đó là những câu hỏi mà con người khôn ngoan, chín chắn luôn luôn tự nêu ra làm định hướng trong giao tiếp, ứng xử.

        Từ cuộc sống gia đình, học đường vào cuộc sống xã hội lộng lớn, trong quan hệ xã hội làm ăn của nền kinh tế thị trường, nghệ thuật "ăn nói" càng trở nên vô cùng quan trọng. Do đó, tuổi trẻ chúng ta phải học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, học tập ca dao, tục ngữ, học cách diễn đạt, cách chọn từ, đặt câu của các nhà văn trong tác phẩm văn học. Cái gốc ngôn ngữ của mỗi người là đạo đức, kinh nghiệm và trình độ văn hoá. Cho nên phải biết học: "Học ăn học nói, học gói học mở".

        Tóm lại, câu tục ngữ trên đã cho em một kinh nghiệm quý báu, một bài học sâu sắc về cách ăn nói, ứng xử, giao tiếp. Quan hệ giữa con người với con người là bạn. Chúng ta phải học cách ăn nói lễ phép, văn minh lịch sự; phải xa lánh những kẻ ăn nói tục tĩu, thô lỗ. Nhiệm vụ của mỗi người cần phải góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Đánh giá

0

0 đánh giá