Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Nói giảm nói tránh là gì? Tác dụng của biện pháp nói giảm nói tránh thường dùng giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Nói giảm nói tránh là gì? Tác dụng của biện pháp nói giảm nói tránh
I. Nói giảm, nói tránh là gì?
- Khái niệm: Nói giảm nói tránh là một biện pháp tu từ được sử dụng trong văn viết lẫn trong văn nói. Cách nói giảm nói tránh sẽ giúp cho ngôn từ phát ra lịch sự, trở nên tinh tế hơn trong các cuộc giao tiếp.
- Ví dụ 1:
“Chia buồn cùng gia đình, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi”.
Bác sĩ sử dụng từ “Không qua khỏi’’ ở đây có ý nghĩa là “chết”, để giảm cảm giác đau buồn cho người nhà bệnh nhân.
Ví dụ 2: Chúng ta thường dùng từ “tử thi” thay cho từ “xác chết” hoặc muốn nói lịch sự chúng ta không dùng từ “già” mà dùng từ “có tuổi”,…
Ví dụ 3: Trong các bài thơ, đoạn văn, ta thường gặp biện pháp tu từ này như: “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm, gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.”
(Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu)
Từ “bầu sữa” được dùng để thay thế cho một từ vốn chỉ một bộ phận cơ thể của người người phụ nữ, giữ chức năng sản sinh ra sữa nuôi con.
II. Những cách nói giảm, nói tránh thông dụng
* Những cách nói giảm nói tránh thông dụng
- Cách 1: Dùng các từ đồng nghĩa, đặc biệt là từ Hán Việt
(Ví dụ: Người lính đã chết rồi. → Người lính đã hi sinh rồi)
- Cách 2: Dùng cách nói vòng vo
(Ví dụ: Vườn rau này héo úa. → Vườn rau này cần được chăm sóc, tưới nước nhiều hơn.
- Cách 3: Dùng cách nói phủ định
(Ví dụ: Món ăn dở. → Món ăn chưa được ngon)
* Các cách nói giảm nói tránh thường xuất hiện trong những trường hợp sau đây:
- Khi muốn tránh cảm giác đau buồn, gai người, sợ hãi, thô tục.
- Khi muốn thể hiện sự tôn trọng với người đang giao tiếp với mình trong trường hợp là người có quan hệ thứ bậc xã hội cao hơn, hoặc người có tuổi tác cao.
- Khi nhận xét chân thành, tế nhị, lịch sự nhằm giúp người nghe dễ dàng tiếp thu.
Ví dụ:
- Nếu muốn tránh cảm giác đau buồn, thay vì nói từ “chết”, ta sẽ nói “mất, qua đời”
- Muốn nhận xét một cách chân thành, tế nhị, lịch sử và có văn hóa để người nghe dễ dàng tiếp thu ý kiến và góp ý, thay vì nói thẳng khuyết điểm nóng nảy của một người nọ một cách thô thiển, ta sẽ nói “Bạn cần phải bình tĩnh lại”
- Muốn tránh cảm giác thô tục, thiếu phần lịch sự, thay vì nói “Bạn nam kia bị mù”, ta sẽ nói “Bạn nam kia bị khiếm thị”
* Nói giảm nói tránh không nên dùng vào các trường hợp sau đây:
- Khi thực sự phê bình, nghiêm khắc, cần sự thẳng thắn để nói đúng sự thật về ai đó đang mắc lỗi lầm.
- Khi bạn diễn tả một thông tin khách quan, chính xác, trung thực như biên bản hành chỉnh, cuộc họp…
III. Nói giảm, nói tránh có mấy loại?
Thông thường, có bốn cách được áp dụng:
- Thay thế bằng các từ đồng nghĩa, từ Hán - Việt để tăng sự trang trọng, lịch sự cho câu văn.
Ví dụ: “Cảnh sát tìm thấy một xác chết cạnh dòng sông đầu làng.” → “Cảnh sát tìm thấy một thi thể cạnh dòng sông đầu làng..
- Sử dụng cách diễn đạt gián tiếp nhằm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng, tránh các từ ngữ tiêu cực làm giảm cảm giác nặng nề.
Ví dụ: “Bạn ấy còn kém lắm” → “Bạn ấy cần phải cố gắng hơn nữa”,
- Cách nói phủ định bằng việc dùng từ trái nghĩa, giảm tính tiêu cực và thể hiện sự tôn trọng người đọc, người nghe.
Ví dụ: “Bức tranh xấu lắm.” Từ “xấu” có thể diễn đạt lại bằng “không đẹp lắm”.
- Sử dụng cách nói trống (tỉnh lược) nhằm giảm tính chất đau buồn, chuẩn bị tâm lý cho người đọc, người nghe.
Ví dụ: “Anh ấy bị thương nặng thế thì không còn sống được lâu nữa đâu chị à”. Câu trên có thể chuyển thành “Anh ấy (…) thế thì không ( …) được lâu nữa đâu chị à.” để mang cảm giác nhẹ nhàng hơn.
IV. Tác dụng của nói giảm, nói tránh
- Biện pháp tu từ mang nhiều dụng ý về nghệ thuật giúp cách diễn tả của cá nhân được nhẹ nhàng hơn, lịch sự hơn.
Ví dụ 1: “Chia buồn cùng gia đình, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng bệnh nhân không qua khỏi”. “Không qua khỏi” ở đây là “chết”, bác sĩ nói như vậy để giảm cảm giác đau buồn cho người nhà bệnh nhân.
Ví dụ 2: “Anh ấy không bao giờ trở về nữa, mãi mãi nằm lại ở chiến trường B”. “Mãi mãi nằm lại” ám chỉ cái chết của người chiến sĩ. Cách nói như vậy nhằm giảm cảm giác đau buồn, mất mát, đồng thời diễn đạt nhẹ nhàng sự hi sinh.
Ví dụ 3: “Bố mẹ không còn ở với nhau đã lâu, tôi chịu cảnh thiếu thốn tình cảm từ nhỏ”. “Không còn ở với nhau” là cách nói giảm nói tránh một cách nhẹ nhàng của “ly dị”.
V. Phân biệt nói giảm, nói tránh và nói quá
So sánh ở đây chính là việc nêu lên các điểm giống và khác nhau của 2 biện pháp tu từ này.
– Giống nhau:
+ Cả nói quá và nói giảm nói tránh đều cách nói không chính xác sự việc xảy ra.
+ Đều là các biện pháp tu từ sử dụng nhiều trong văn chương, thơ ca hoặc giao tiếp mỗi ngày.
– Khác nhau
Dựa vào khái niệm để hiểu rõ bản chất của 2 biện pháp này.
+ Nói quá: nhằm phóng đại, khoa trương sự việc. Điều này giúp tạo ra sự nổi bật, ấn tượng của vấn đề với người đọc, người nghe.
+ Nói giảm nói tránh: tránh đi thẳng vào vấn đề, biểu đạt sự việc tế nhị, nhẹ nhàng, lịch sự phù hợp với người đọc, người nghe hơn.
=> Có thể kết luận nói giảm nói tránh hoàn toàn trái ngược với nói quá, hai biện pháp tu từ thường gặp trong tiếng Việt.
VI. Bài tập về nói giảm, nói tránh
Bài 1. Các câu sao sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó.
a. Lúc phát bài kiểm tra, cô giáo nói với Quân:
- Cô thấy rằng con cần phải cố gắng thêm nhiều trong thời gian tới.
b. Thấy Hòa định mặc một chiếc áo khoác có màu sắc sặc sỡ, Loan góp ý:
- Mình thấy chiếc áo khoác này không hợp với chiếc váy bên trong của cậu lắm.
Trả lời:
- Hai câu văn trong a và b, đều sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh.
- Tác dụng:
+ Câu a: giúp giảm đi sự tiêu cực và trách móc trong lời nhận xét, giúp Quân không quá tổn thương và buồn bã, nhưng vẫn hiểu được sự thiếu sót của mình
+ Câu b: giúp Hòa không bị xấu hổ và giúp Loan vừa góp ý được cho bạn, vừa giữ được phép lịch sự.
Bài 2. Sử dụng biện pháp tu từ nói giảm nói tránh để thay đổi các câu sau:
a. Chiếc khăn len này được đan thật xấu.
b. Con chó đã chết rồi.
Trả lời:
a. Chiếc khăn len này được đan thật xấu.
→ Chiếc khăn len này được đan chưa khéo lắm.
b. Con chó đã chết rồi.
→ Con chó đã ra đi rồi.
Bài 3. Hãy đặt 5 câu và vận dụng cách nói giảm nói tránh để giải quyết bài tập.
1. Cậu học môn toán quá tệ.
=> Cách nói giảm nói tránh: Cậu cần cố gắng nhiều hơn trong môn Toán.
2. Chiếc xe này xấu quá
=> Cách nói giảm nói tránh: Chiếc xe này không được đẹp.
3. Ông già đã chết hôm qua.
=> Cách nói giảm nói tránh: Ông già mới qua đời ngày hôm qua.
4. Chữ cậu xấu lắm
=> Cách nói giảm nói tránh: Cậu luyện chữ thường xuyên cho đẹp hơn.
5. Anh bộ đội chết khi đang làm nhiệm vụ.
=> Cách nói giảm nói tránh: Anh bộ đội hi sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Bài 4: Viết một đoạn văn có sử dụng biện pháp nói giảm, nói tránh
Trả lời: Đất nước ta đã phải trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Trải qua biết bao năm kháng chiến, đấu tranh để giành lại độc lập, tự do, để có được cuộc sống ấm no như ngày nay, chúng ta đã phải đánh đổi rất nhiều. Biết bao thế hệ đã ra đi lên đường nhập ngũ để rồi chiến đấu và hi sinh xương máu của mình cho quê hương, đất nước. Các anh mang trong mình một sứ mệnh lớn lao, nguyện hiến dâng cả sức trẻ, lòng dũng cảm và cả cuộc đời mình để trở thành những vị anh hùng trong lòng người dân Việt Nam.
Ở trong đoạn văn, biện pháp nói giảm nói tránh được sử dụng ở từ "hi sinh". Từ hi sinh đã được sử dụng để thay cho cái chết nhằm làm giảm bớt sự đau thương, mất mát mà dân tộc Việt Nam đã phải trải qua.
Bài 5: Những từ ngữ in đậm trong đoạn trích sau đây có nghĩa là gì? Tại sao người viết, người nói lại dùng cách diễn đạt đó
- Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.
- Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh ngời
- Lượng con ông Đỗ đây mà... Rõ tội nghiệp, về đến nhà thì bố mẹ chẳng còn.
Trả lời:
- Từ in đậm trong đoạn trích này là: "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác" là cách để nói đến cái chết mà Bác Hồ đã sử dụng trong di chúc của mình nhằm nhắc đến cái chết một cách nhẹ nhàng hơn.
- Từ in đậm trong câu thơ là: "đi", là cách nói nhẹ nhàng mà nhà thơ Tố Hữu sử dụng để nhắc đến cái chết của Bác Hồ.
- Từ in đậm trong câu này là: "chẳng còn" làm cách nói nhẹ nhàng hơn để chỉ cái chết
Bài 6. Thay các từ ngữ in đậm bằng các từ ngữ đồng nghĩa để thể hiện cách nói giảm nói tránh trong các câu sau:
a. Anh cứ chuẩn bị đi, bà cụ có thể chết trong nay mai thôi.
b. Ông ta muốn anh đi khỏi nơi này.
c. Bố tôi làm người gác cổng cho nhà máy.
d. Ông giám đốc chỉ có một người đầy tớ.
e. Mẹ tôi làm nghề nấu ăn.
Lời giải
a. Anh cứ chuẩn bị đi, bà cụ có thể chết trong nay mai thôi.
-> Thay bằng từ “đi”, (“mất”…)
b. Ông ta muốn anh đi khỏi nơi này.
-> Thay bằng cụm từ “không muốn nhìn thấy anh nữa”.
c. Bố tôi làm người gác cổng cho nhà máy.
-> Thay bằng từ “bảo vệ”.
d. Ông giám đốc chỉ có một người đầy tớ.
-> Thay bằng từ ngữ “giúp việc” ( “thư ký”).
e. Mẹ tôi làm nghề nấu ăn.
-> Thay bằng “nội trợ” (“đầu bếp”).
Bài 7. Tìm ít nhất 5 cách diễn đạt trong giao tiếp thường ngày có sử dụng nói giảm, nói tránh.
Lời giải
- Nó chưa được chăm chỉ.
- Cậu ấy không được xinh lắm.
- Ông ngoại nhà Nam mất rồi chị ạ!
- Thôi xong rồi Mai ơi!
- Bạn ấy không cao nhưng rất ưa nhìn.
Bài 8. Biện pháp nói giảm nói tránh được in đậm trong khổ thơ sau nói về điều gì?
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
(Tây Tiến, Quang Dũng)
A. Sự xa xôi.
B. Cái chết.
C. Sự vất vả.
D. Sự nguy hiểm.
Chọn đáp án: B
Bài 9. Ý kiến nào nói đúng nhất mục đích của việc nói giảm nói tránh?
A. Để nhấn mạnh, gây ấn tượng và tăng sức biểu cảm cho sự vật, hiện tượng được nói đến trong câu.
B. Để người nghe thấm thía được vẻ đẹp hàm ẩn trong cách nói kín đáo giàu cảm xúc.
C. Để tránh gây cảm giác đau buồn, ghê sợ, nặng nề; tránh thô tục, thiếu lịch sự.
D. Để bộc lộ thái độ, tình cảm, cảm xúc của người nói.
Chọn đáp án: C
Bài 10. Câu văn nào dưới đây có sử dụng phép nói giảm nói tránh?
A. Ngày tháng mười chưa cười đã tối
B. Không đợi được các con cháu về đông đủ, ông cụ ấy đã đi xa.
C. Nguy hiểm nhất là khi các bao bì ni lông thải bỏ bị đốt, các khí độc thải ra đặc biệt là chất đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, nôn ra máu, ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.
D. Đất rộng bao la làm chúng tôi sửng sốt.
Chọn đáp án: B
Xem thêm các nội dung khác: