Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Truyền thống là gì? Đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam thường dùng giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Truyền thống là gì? Đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam
1. Truyền thống là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, truyền thống là “đức tính, tập quán, tư tưởng, lối sống...được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”. Nói một cách khác, truyền thống là kết quả của việc một cá nhân chia sẻ, sử dụng quá khứ để giao tiếp, tạo kết nối với cá nhân khác và công đồng trong hiện tại. Truyền thống thường xuất hiện và duy trì trong một nhóm văn hóa hoặc xã hội cụ thể. Những phong tục, tập quán này thường được cộng đồng đó coi là quan trọng, có ý nghĩa và thường được các thành viên trong cộng đồng duy trì, tôn trọng. Chẳng hạn, truyền thống thờ cúng tổ tiên ông bà của người Việt Nam được duy trì và tôn trọng, thậm chí là trong cộng đồng người Việt ở các quốc gia không có tín ngưỡng này.
Truyền thống có liên quan đến nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, gồm: những thực hành tôn giáo và tâm linh, nghi lễ và lễ tưởng niệm gia đình, các chuẩn mực và hành vi xã hội, biểu hiện nghệ thuật và văn hóa, v.v. Chúng có thể phục vụ nhiều chức năng khác nhau, chẳng hạn như củng cố bản sắc và sự đoàn kết của nhóm, truyền tải kiến thức và giá trị văn hóa, mang lại cảm giác liên tục và ổn định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác và giao tiếp xã hội.
Các truyền thống có thể rất khác nhau giữa các nền văn hóa và các nhóm xã hội, và thường phát triển theo thời gian để đáp ứng và chịu ảnh hưởng từ những hoàn cảnh đang thay đổi. Trong khi một số truyền thống có thể bắt nguồn từ các sự kiện lịch sử hoặc niềm tin tôn giá thì những truyền thống khác có thể được tạo ra hoặc điều chỉnh để đáp ứng với sự phát triển hiện đại và bối cảnh xã hội đang thay đổi.
2. Sự hình thành và phát triển truyền thống
Truyền thống được tồn tại và phát triển nhờ vào hoạt động sáng tạo của con người, của tập thể, của cộng đồng dân tộc. Bản chất của truyền thống là sự lặp đi, lặp lại có tuyển chọn, là sự tích lũy truyền bá, sự kế thừa và sáng tạo những kinh nghiệm lịch sử xã hội của các thế hệ nối tiếp nhau.
Ông cha ta đời này qua đời khác đã coi trọng việc xây dựng những truyền thống tốt đẹp và chuyển giao nó cho các thế hệ con cháu mai sau. Do vậy, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là một vấn đề mà xã hội và các nhà giáo dục cần quan tâm.
Truyền thống là sức mạnh thúc đẩy các thế hệ sau không ngừng duy trì phát triển, giữ gìn và vươn lên để tiếp nối, làm rạng rỡ truyền thống đó. Việc phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, dân tộc là việc làm quan trọng và thể hiện lòng biết ơn những người đi trước và sống xứng đáng với những gì được hưởng.
3. Ý nghĩa của truyền thống
Một đất nước mà không có truyền thống, không có lịch sử, không có những giá trị vĩnh hằng thì không thể có hiện tại, càng không thể có tương lai. Do đó truyền thống có ý nghĩa và vị trí hết sức quan trọng trong đời sống nhân dân và đất nước.
Truyền thống luôn gắn liền với sự tồn tại và phát triển trong con người, nó theo chiều hướng của tương lai. Mỗi người đều mang trong mình những giá trị truyền thống ở các mức độ khác nhau.
Truyền thống là do con người xây dựng và phát triển, nó là một bộ phận không thể thiếu được của nền văn minh. Truyền thống được coi là thứ keo kết dính các thành viên với nhau làm cho tập thể trở thành một chỉnh thể đoàn kết và thống nhất. Vì vậy mà truyền thống có sức mạnh to lớn trong đời sống xã hội.
Nói đến truyền thống không thể không nhắc đến bộ phận quan trọng của nó là phong tục, tức là những thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đa số nhân dân thừa nhận và làm theo. Tuy nhiên không phải tất cả các phong tục truyền thống đều cần phải giữ gìn và phát huy. Chúng ta cần phát huy những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, đất nước. Tuy nhiên đối với truyền thống nhưng đã lạc hậu, không còn phù hợp thì cần loại bỏ để tiếp thu những cái mới góp phần làm phong phú hơn truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, đất nước.
Truyền thống có vai trò quan trọng, nhưng không nên cường điệu những truyền thống đặc biệt của mình. Cái mà ta cần tìm là con đường nào dẫn một dân tộc ra khỏi quá khứ và đến tương lai một cách thuận lợi và ngắn nhất chứ không phải là những giá trị của quá khứ.
4. Giá trị của truyền thống
Truyền thống thường có tính hai mặt đối với những cộng đồng khác nhau tùy theo hoàn cảnh khác nhau: “Một là, truyền thống góp phần suy tôn, gìn giữ những gì là quý giá, là cốt cách, là nền tảng cho sự phát triển, cho sự vận động đi lên của cộng đồng của dân tộc… Từ mặt này, thì truyền thống mang ý nghĩa giá trị tích cực, là cái góp phần tạo nên chỗ dựa không thể thiếu của dân tộc trên con đường tới tương lai. Hai là, truyền thống đồng thời cũng còn là mảnh đất hết sức thuận lợi cho sự dung dưỡng, duy trì và làm sống lại mặt bảo thủ, lạc hậu, lỗi thời khi mà điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi. Mặt thứ hai này có tác dụng không nhỏ trong việc kìm hãm, níu kéo, làm chậm sự phát triển của một quốc gia, một dân tộc nào đó”. Như vậy, có những truyền thống mang giá trị tích cực, thúc đẩy xã hội phát triển nhưng có những truyền thống trở thành nhân tố cản trở sự phát triển của xã hội cần hạn chế, xoá bỏ
“Giá trị truyền thống chính là kết tinh tất cả những gì tốt đẹp nhất qua các thời đại lịch sử khác nhau của dân tộc để làm nên bản sắc riêng. Nó được truyền lại cho các thế hệ sau và cùng với thời gian, cùng với sự tiến triển của lịch sử sẽ được bổ sung bằng các giá trị mới”.
5. Truyền thống văn hóa
Truyền thống văn hóa là truyền thống thể hiện cụ thể đến tập hợp các phong tục, tín ngưỡng, tập quán và giá trị được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một cộng đồng/ dân tộc. Những truyền thống này liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống văn hóa, chẳng hạn như ngôn ngữ, nghệ thuật, âm nhạc, ẩm thực, tôn giáo và các chuẩn mực xã hội.
Truyền thống văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc và thế giới quan của các cá nhân và cộng đồng,. Hơn thế nữa, nhiều dân tộc xem truyền thống là nguồn gốc của niềm tự hào và di sản văn hóa. Truyền thống văn hóa được truyền tải thông qua nhiều phương tiện khác nhau, chẳng hạn như kể chuyện bằng miệng, biểu đạt nghệ thuật, giáo lý tôn giáo và giáo dục chính quy. Truyền thống tôn sư trọng đạo, yêu nước, thương người như thế thương thân, … của người Việt Nam đươc thẻ hiện qua nhiều phương diện văn hóa
Truyền thống văn hóa cũng có thể rất khác nhau trong một xã hội hoặc trong một nền văn hóa nhất định, tùy thuộc vào các yếu tố địa lí, các sự kiện lịch sử và tầng lớp xã hội. Như vậy, nhiều truyền thống văn hóa có thể phát triển theo thời gian và một số truyền thống mới có thể xuất hiện do sự thay đổi hoàn cảnh văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, truyền thống văn hóa phần lớn có xu hướng bền vững và lâu dài, vì nó đã ăn sâu vào cấu trúc văn hóa của một xã hội.
6. Đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam
Lòng yêu nước, tinh thần bất khuất, ý chí tự lực, tự cường.
Lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành từ rất sớm, bắt nguồn từ tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết với quê hương, xứ sở, từ lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Tình yêu nước một cách tự nhiên của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng dần phát triển thành chủ nghĩa yêu nước, trở thành động lực tinh thần to lớn trong mỗi giai đoạn dựng nước và giữ nước. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có sự thống nhất chặt chẽ giữa ý thức bảo vệ chủ quyền non sông đất nước, tinh thần độc lập dân tộc với ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, quyết tâm bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, không chịu khuất phục trước các thế lực ngoại xâm. Trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, yêu nước là giá trị nổi bật và cơ bản nhất, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Nhìn lại lịch sử, dân tộc Việt Nam đã phải trải qua hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Chính lòng yêu nước đã làm nên sức mạnh nội sinh, là nguồn lực không bao giờ cạn, bảo đảm cho sự trường tồn của đất nước qua mọi thăng trầm của lịch sử. Nhiều tấm gương sáng ngời, biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ghi nhận.
Tinh thần đoàn kết dân tộc.
Ở Việt Nam, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng là một đặc trưng gốc rễ của làng xã, được hình thành từ rất sớm trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong quá trình đó, người dân Việt Nam luôn tương trợ, hợp tác, giúp đỡ nhau, tạo nên sức mạnh tinh thần và vật chất để chiến thắng mọi kẻ thù. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, sự đoàn kết, đùm bọc là yếu tố tinh thần nổi bật, khắc sâu qua các thế hệ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với ý chí sắt đá và sự đồng lòng của dân tộc, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc trong 9 năm kháng chiến, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy khó khăn, gian khổ, với khát vọng cháy bỏng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết một lòng vượt qua mọi thử thách, hy sinh, gian khổ để làm nên đỉnh cao thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn thể dân tộc Việt Nam luôn đoàn kết thực hiện mục tiêu chung của đất nước. Với vai trò hạt nhân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chiến lược của Đảng.
Lòng yêu thương con người, tinh thần nhân đạo, vị tha, hòa hiếu.
Giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt Nam còn được biểu hiện ở lòng yêu thương con người, kết thành chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả. Tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, sẻ chia mỗi khi gặp hoạn nạn, thiên tai... được hình thành một cách tự nhiên trong điều kiện sống với thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh kéo dài. Phát huy truyền thống “Thương người như thể thương thân”, mỗi người dân Việt Nam luôn có cách ứng xử, yêu thương người khác như chính bản thân mình, vừa biểu hiện sự thấu hiểu, cảm thông, hiểu mình, hiểu người vừa chứa đựng tư tưởng nhân văn cao đẹp. Tinh thần nhân đạo cao cả, sự hòa hiếu, độ lượng, bao dung còn được thể hiện với cả kẻ thù của dân tộc: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”(1)...
Cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và chiến đấu.
Với điều kiện sinh tồn đầy khó khăn, khắc nghiệt, con người Việt Nam không thể tồn tại nếu không cần cù, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động. Chính mảnh đất giàu tài nguyên nhưng nhiều thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đã rèn giũa, hình thành tính cách chịu thương, chịu khó, biết trân trọng thành quả lao động của mình, của người khác, linh hoạt trong sản xuất. Xuất phát từ đòi hỏi của sự sinh tồn, tinh thần quả cảm và sự linh hoạt, sáng tạo đã giúp dân tộc Việt Nam ứng phó, tồn tại trong bất cứ thử thách nào. Bên cạnh đó, trải qua các cuộc đấu tranh vệ quốc, con người Việt Nam đã thể hiện sự dũng cảm, thông minh khi chiến đấu chống lại kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần.
Yêu chuộng hòa bình.
Yêu chuộng hòa bình là giá trị được kết tinh từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Chính những mất mát, đau thương của chiến tranh đã khiến dân tộc Việt Nam thấu hiểu hơn hết ý nghĩa, giá trị của hòa bình bởi nỗi đau chiến tranh càng lớn thì khát vọng hòa bình càng mãnh liệt. Những người dân nước Việt luôn coi “việc binh là việc bất đắc dĩ” - chỉ cầm súng khi kẻ thù buộc phải chiến đấu để giữ đất, giữ làng; chiến đấu để bảo vệ hòa bình, để có hòa bình, để rồi “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.
7. Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
Mẫu 1
Trong tiến trình đổi mới, con người và văn hóa Việt Nam luôn có sự liên hệ với cội nguồn truyền thống. Truyền thống là những kinh nghiệm đấu tranh sinh tồn của một dân tộc đã được đúc kết thành các giá trị và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Truyền thống bao gồm tất cả các lĩnh vực của xã hội, nhưng tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực văn hóa. Trong cuộc đấu tranh sinh tồn của một dân tộc, truyền thống có ý nghĩa vô cùng to lớn. Vừa là nguồn sống vừa là nguồn sáng tạo của dân tộc. Vì thế, truyền thống không phải là những vật trưng bày chết cứng trong viện bảo tàng, mà nó luôn tồn tại trong mối quan hệ với hiện tại và tương lai.
Tuy nhiên, chúng ta phải xác định rằng giá trị văn hóa truyền thống chỉ có ý nghĩa lịch sử tương đối. Vai trò và tác động của các giá trị văn hóa truyền thống có thể khác nhau qua các thời kỳ lịch sử. Vì thế, việc nghiên cứu sự tác động của các giá trị văn hóa truyền thống đến cuộc sống hiện tại là một nhiệm vụ quan trọng để giúp chúng ta phân biệt được những tác động tích cực với những tác động tiêu cực, từ đó phát huy mặt tích cực và khắc phục mặt tiêu cực của các giá trị truyền thống. Đó chính là vấn đề cơ bản của mối quan hệ giữa truyền thống với hiện đại.
Trước hết, cần khẳng định rằng những giá trị truyền thống cơ bản kể trên vẫn có ý nghĩa tác động tích cực đến việc xây dựng con người mới và nền văn hóa hiện đại của chúng ta. Lòng yêu nước không chỉ thể hiện ở tinh thần giữ nước, mà nó còn hun đúc cho mọi người Việt Nam tinh thần quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu đẹp. Lòng tự cường dân tộc đã tiếp cho người dân một sức mạnh để đưa đất nước nhập vào dòng chảy phát triển của thế giới. Tính cần cù sáng tạo đã giúp con người và văn hóa Việt Nam đạt được những tiến bộ rất quan trọng. Cần cù sáng tạo được thể hiện trong học tập, nghiên cứu và trong lao động, sản xuất. Lòng khoan dung cũng là một giá trị truyền thống quan trọng của dân tộc ta. Cũng với tinh thần khoan dung, chúng ta đang xây dựng một nền văn hóa có khả năng dung hợp các thành tựu tiến bộ của các nền văn hóa trên thế giới. Đức tính giản dị cũng là một giá trị văn hóa truyền thống quan trọng của dân tộc, đã được Đảng và Bác Hồ nâng lên thành phương châm sống của con người mới Việt Nam. Truyền thống thương người như thể thương thân cũng đang tạo cho văn hóa Việt Nam một nét đẹp riêng và có tác động không nhỏ đến sự phát triển con người và xã hội.
Bên cạnh đó, ở nước ta hiện nay, trong lĩnh vực văn hóa tập tục, nhiều yếu tố lạc hậu, phản tiến bộ đã được hạn chế. Tuy nhiên, trong thời đại của tự do văn hóa thì nhiều hủ tục khác lại đang có cơ hội được phục hồi. Tục lệ cưới xin, ăn uống linh đình đang quay trở lại với mức độ rầm rộ hơn xưa. Hủ tục về ma chay cũng vẫn còn tồn tại khá nặng nề ở một số nơi.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực văn hóa giáo dục, truyền thống "tôn sư trọng đạo" và hiếu học của người phương Đông là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, truyền thống tôn sư trọng đạo nhiều khi được hiểu một cách tuyệt đối hóa, dẫn đến cách truyền thụ kiến thức theo kiểu thầy đọc, trò nghe, làm cho học sinh trở thành cái máy tiếp thu thụ động, hạn chế óc tìm tòi sáng tạo của học sinh. Điều này hiện nay đang bị nhiều người lên tiếng phê phán. Hay trong lĩnh vực văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo (không bàn tới hiện tượng lợi dụng tự do tín ngưỡng - tôn giáo để đạt mục đích ở ngoài tín ngưỡng - tôn giáo) cũng đang bị lợi dụng, làm cho nạn mê tín dị đoan tăng lên. Lễ hội tràn lan. Lễ hội cũ được phục hồi, lễ hội mới được sáng tạo thêm. Có thể nói, hiện tượng lễ bái và tình trạng lễ hội tràn lan đang là một trong những vấn đề nhức nhối của văn hóa Việt Nam. Tình trạng trên có cả nguyên nhân bên trong lẫn nguyên nhân bên ngoài.
Vậy nguyên nhân của thực trạng này là gì? Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ tâm lý, tâm linh xa lánh cõi trần. Tất nhiên, tự thân nguyên nhân này không mang tính tiêu cực. Chỉ khi nào bị lợi dụng và được kết hợp với các nguyên nhân khác thì nó mới tạo ra tác động tiêu cực. Tiếp đến là do trình độ dân trí còn chưa cao. Chúng ta chưa kế thừa đúng đắn truyền thống văn hóa.
Ngoài ra, chúng ta không thể không kể đến một nguyên nhân bên ngoài rất quan trọng là tác động của toàn cầu hóa văn hóa dưới sự hậu thuẫn của toàn cầu hóa kinh tế. Khía cạnh lợi ích kinh tế của một số lễ hội phương Tây do toàn cầu hóa văn hóa đem lại hiện đang được khai thác triệt để ở nhiều nơi trên thế giới. Trong những ngày lễ, các nhà kinh doanh thực hiện một chiến dịch quảng cáo rầm rộ để tiêu thụ các sản phẩm ăn theo. Còn các phương tiện truyền thông thì tuyên truyền, chạy theo một cách thiếu chủ kiến, một kiểu tuyên truyền theo đuôi công chúng.
Nói tóm lại, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khắc phục những hạn chế của một số tập quán lạc hậu là một công việc có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển trí tuệ con người và xây dựng nền văn hóa mới, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong xã hội hiện đại của chúng ta.
Mẫu 2
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận nhiều với nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn, thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết hơn bất cứ khi nào hết.
Thực trạng đang diễn ra mà ai cũng cảm nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người chúng ta ngày càng được hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại dường như quên đi nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra và lớn lên - đất nước Việt Nam yêu dấu. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ lại ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những văn hóa các nước khác.
Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ ngày càng bị mai một và mất dần đi. Những lễ hội, cuộc thi dân gian không còn được nhận nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Nhiều người trẻ hiện nay thậm chí còn không hiểu biết về nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của các nước trên thế giới. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.
Đứng trước thực trạng đáng báo động trên, là những người trẻ chúng ta - những thế hệ tương lai của đất nước, cần phải làm gì để khắc phục? Theo đó, trước hết, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh cần phải tìm hiểu, trau dồi những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn và phát huy thật tốt những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức đúng đắn về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gia đình, cộng đồng cũng phải cùng chung sức, đồng lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hóa đó để không bị phai nhạt trong các luồng văn hóa khác.
Tóm lại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.
Mẫu 3
Trong buổi học Nói và nghe hôm nay, em xin trình bày quan điểm của mình về vấn đề: thú chơi tranh dân gian trong đời sống hiện đại. Kính mong cô cùng các bạn chú ý lắng nghe.
Mọi người thân mến, hiện nay, nước ta có 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu: tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kính Nam Bộ, tranh Kim Hoàng, tranh Thập vật, tranh làng Sình, tranh Đồ thế Nam Bộ, tranh Thờ miền núi, tranh Gói vải, tranh Thờ đồng bằng và tranh Vải. Có thể thấy, tranh dân gian xuất hiện ở nhiều vùng miền: từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ Bắc vào Nam.
Tuy nhiên, theo thời gian, những dòng tranh này dần bị mai một và đi vào lãng quên. Người ta ít nói tới tranh dân gian hay tranh Tết, tranh thờ. Thay vào đó, một vài gia đình lựa chọn treo những loại tranh khác. Song, nhiều người vẫn dành một tình cảm đặc biệt cho dòng tranh dân gian. Họ sẵn sàng bỏ ra công sức để tìm hiểu về các tác phẩm có giá trị cao.
Như đã biết, mỗi bức tranh dân gian thường ẩn chứa quan niệm, mong ước của người xưa về cuộc sống tốt đẹp. Ví như tranh chim công, cá chép luôn sóng đôi với nhau để thể hiện mong muốn công thành danh toại, ấm no, sung túc. Bởi vậy, chơi tranh dân gian chính là cách giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa dân tộc.
Chơi tranh dân gian cần xuất phát từ niềm yêu thích, say mê. Trong quá trình chơi tranh, chúng ta nên tích lũy cho bản thân những kiến thức cơ bản về các loại tranh. Ngoài ra, chúng ta - những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần biết giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của thế hệ trước. Chúng ta có thể dành chút thời gian tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa nước nhà để tuyên truyền, giới thiệu tới mọi người xung quanh nhằm giúp tranh dân gian trở nên phổ biến hơn.
Bài thuyết trình của em đến đây là hết. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe