Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Nhà văn Nam Cao: Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp chi tiết nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Nhà văn Nam Cao: Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp
1. Tiểu sử Nhà văn Nam Cao
- Nam Cao (1915/1917 – 1951), tên thật là Trần Hữu Tri.
- Quê ông ở Lý Nhân, Hà Nam.
- Ông sinh ra trong một gia đình công giáo bậc trung.
- Thuở nhỏ ông học ở trường làng, sau đó được gửi xuống Nam Định học.
- Sau đó do thể chất yếu nên ông về nhà chữa bệnh rồi cưới vợ.
- Năm 18 tuổi ông vào Sài Gòn nhận làm thư kí cho một hiệu may.
- Khi trở ra Bắc ông dạy học tại Hà Nội.
- Năm 1943 ông gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc.
- Năm 1945 ông tham gia cướp chính quyền ở Lý Nhân và được cử làm chủ tịch xã.
- Năm 1946 ông gia Hà Nội hoạt động Hội Văn hóa cứu quốc
- Năm 1948 ông gia nhập Đảng Cộng Sản Việt Nam.
- Năm 1950 ông làm việc cho Hội Văn nghệ Việt Nam, tại tạp chí văn nghệ.
2. Sự nghiệp văn học
a. Quan điểm sáng tác
- Ông theo quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh” ": “Nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”
- Ông quan niệm: Tác phẩm "phải chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi; ca tụng tình yêu, bác ái, công bằng” và "Văn chương không cần đến sự khéo tay, làm theo một cái khuôn mẫu. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo ra cái gì chưa có”.
b. Tác phẩm chính
Ông để lại khối lượng tác phẩm lớn với nhiều thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, truyện ký như các tác phẩm: “Sống mòn”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “ Giăng sáng”, “Đôi mắt”, ...
c. Phong cách nghệ thuật
- Đề cao tư tưởng con người : Quan tâm tới đời sống tinh thần của con người, luôn hứng thú khám phá "con người trong con người".
- Đi sâu khám phá nội tâm nhân vật
- Thường viết về những cái nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa triết lý sâu sắc
- Ông có phong cách triết lý trữ tình sắc lạnh.
3. Vị trí và tầm ảnh hưởng
- Là nhà văn lớn, một cây bút xuất sắc của nền văn học hiện đại.
- Là nhà văn hiện thực nhân đạo xuất sắc của thế kỉ XX. Nam Cao đã đưa chủ nghĩa hiện thực lên một bước đột phá: chủ nghĩa hiện thực tâm lí.
- Ông nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.
4. Tổng hợp các tác phẩm của nhà văn Nam Cao
+ Kịch:
+ Tiểu thuyết:
+ Truyện ngắn:
+ Trước cách mạng
+ Sau cách mạng
+ Truyện ký cách mạng
Ngoài ra ông còn làm thơ và biên soạn sách địa lý với Văn Tân Địa dư các nước châu Âu (1948), Địa dư các nước châu Á, châu Phi (1969), Địa dư Việt Nam (1951).
5. Tư liệu tham khảo
“Những người bạn mới gặp Nam Cao thường nói: anh ta lạnh lùng quá. Kéo mép lên mới nẻ được một nụ cười khó nhọc. Chính Nam Cao cũng đã tả mặt mình trong một truyện ngắn Cái mặt không chơi được. Và tự giễu một cách mỉa mai là “chẳng may trời chi phú cho mình cái mặt không chơi được ấy thì mình phải chịu”. Thật ra thì, mặt anh ta lạnh, nhưng lòng anh rất sôi nổi. Sự trái ngược trong con người Nam Cao, thể hiện ở cả những việc nhỏ bé như vậy. Vốn là một người yếu đuối (cả người và tâm tính), sợ thay đổi, sợ cái gì khỏe quá, nhưng chống những cái sợ đó, bao giờ Nam Cao cũng tìm cách tạo cho mình một tính nết ngược lại, một thói quen mới. Trong nền nếp cải tạo tư tưởng, nhân tố cưỡng lại ấy, tôi cho là một quan điểm đặc biệt, đáng chú ý nhất ở cuộc sống tư tưởng và nghệ thuật của Nam Cao.”.
Tô Hoài
(Người và tác phẩm Nam Cao (1956)
Theo Nam Cao, về tác giả và tác phẩm.
Nxb Văn học, Hà Nội, tr.52-53)
… “Chật vật, gian khổ và cố gắng không ngừng, ngòi bút Nam Cao đã đem lại một nét thật đặc sắc. Có lẽ trong văn hóa Việt Nam, với ngòi bút Nam Cao ta bắt đầu được thấy thật có sự sống, thật có con người trong truyện ngắn, cùng với một số tác phẩm chân thực của một số ngòi bút dũng cảm khác. Tuy ta đã được đọc không ít những truyện viết về sự đói khổ, bóc lột, áp bức, về những cảnh thương tâm, đen tối của một xã hội đầy rẫy những bất công, nhưng qua Nam Cao ta được nghe thấy cất lên thật là những tiếng nói, ta được thấy lung linh thấm thía thật là những tâm hồn, ta được chứng kiến thật là những cuộc đời, những tiếng nói, những tâm hồn, ta được chứng kiến thật là những cuộc đời mờ mịt, ngoi ngóp, xơ xác ở nông thôn mà từ trước đến giờ ta rõ ràng đã trông, đã nghĩ mà gần như không hiểu, không thấy gì hết!
Mà sao heo hút, sao ngột ngạt đời những con người nông dân nghèo túng, trơ trọi kia? Đọc Nam Cao, cười với Nam Cao xong, ta thấy tâm trí nghẹn lại, ngực ta tức tối, ý thức ta có một cái gì nhấp nháy như ánh sáng chỉ chờ bắt cháy, được thêm một sức mạnh gì đấy có thể nổ bùng lên.
A! Cái cười làm thêm cay đắng, xót xa, không có Nam Cao làm sao ta được cười một cái cười đặc biệt như thế! Không có Nam Cao làm sao ta có được những hình ảnh như thị Nở, lão Hạc… cùng với bao nhiêu hình ảnh sáng tạo khác để cho ta thương yêu thêm và hiểu sâu sắc thêm cuộc sống của con người trên mặt đất này? Và cái thế giới của những bá Kiến, đội Tảo, của cái làng Vũ Đại hẻo lánh dưới một quyền hành cho ai sống được sống, bắt ai chết phải chết kia, càng làm ta thêm suy nghĩ và thấy phải có một trách nhiệm gì trước những con người bị đè nén, bóc lột ở trong đó…”.
Nguyên Hồng
(Đọc những truyện ngắn của Nam Cao.
Theo Nam Cao, về tác giả và tác phẩm. Sđd, tr.81-82)
… “Trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao, ngay từ trước cách mạng tháng Tám, phải nói là có những điểm không thể xem thường. Người ta hay nói đến truyện ngắn Trăng sáng. Tôi lại nghĩ nhiều hơn đến cái truyện Đời thừa. Thật ra, cùng một quan điểm thống nhất cả thôi, Đời thừa nói tâm trạng uất ức của một anh văn sĩ nghèo, có thể diễn tả bằng câu thơ Tàn Đà “Tài cao, phận thấp, chí khí uất”. Nhưng tôi cho rằng nỗi đau đớn nhất của anh ta không phải ở đấy. Cái lý do khiến anh ta đã phải đổ ra hàng suối nước mắt hối hận là đã vi phạm vào chính cái lẽ sống thiêng liêng nhất của mình. Tác phẩm đã để lại cho chúng ta một câu nói bất hủ: “Kể mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thảo mãn lòng ích kỷ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác giẫm lên trên đôi vai mình”. Lý tưởng của văn sĩ Hộ là thế: ao ước viết được một tác phẩm lớn mang tính nhân đạo bao la. Vậy mà chỉ vì một chút hơi men và một cơn chếnh choáng bởi toàn những danh vọng hão, anh ta đã hành động như một con người tàn nhẫn, thô lỗ với người vợ hiền lành tội nghiệp của mình. Qua tấn bi hài kịch này, Nam Cao muốn nói một lời nghiêm chỉnh: nhà văn muốn viết cho nhân đạo, trước hết hãy sống cho nhân đạo…”.
Nguyễn Đăng Mạnh
(Nhớ Nam Cao và những bài học của ông.
Sđd, tr.117-178)
… “Văn Nam Cao, ngay trong những tác phẩm đầu, đã thực sắc sảo. Anh nhìn sâu vào sự thật một cách sắc cạnh, nhiều khi mỉa mai. Không ve vuốt ngay bản thân mình và giai cấp mình như mọt vài nhà văn tiểu tư sản tìm an ủi trong một triết lý hàng phục chế độ đương thời, anh tạo được những điển hình giai cấp thật sống và cảm động. Trong lúc văn lãng mạn tư sản đã xa rời lời ăn tiếng nói của nhân dân, viết lai Tây như văn dịch, càng ngày càng trống rỗng, hình thức, anh đã tạo cho mình một lối văn mới, đậm đà bản sắc bình dân, nhưng không rơi vào chỗ thô tục. Và qua những phẫn uất, cũng đồng thời thấy biết bao thương yêu. Nam Cao yêu trìu mến cái làng khổ sở của anh, anh yêu những bến đò hiền lành, những buổi sáng, buổi trưa ở thôn quê Việt Nam. Mỗi khi nói đến những cái ngốc dại quanh quẩn của những người đau khổ quằn quại, biết bao nhiêu xót xa độ lượng trong câu văn anh.
Trong những tâm hồn chất phác, bị nghèo khổ làm cho mụ mị cằn cỗi, ngay trong một con người u mê cục súc như Chí Phèo, Nam Cao tìm ra những rung động trong sáng của tình yêu, của niềm khát khao được sống cho ra người, những rung động ấy đột ngột hé lên từng lúc rồi lại bị đời sống vùi dập. Đó là chất thơ quý báu nhất, cảm động nhất trong các truyện tả thực của anh. Đó cũng là cái làm chúng ta cảm thấy thấm thía sự tàn bạo của chế độ cũ. Nam Cao chưa hiểu, sức mạnh bị cùm trói của những con người cùng khổ, nhưng chính những ánh ý thức đó làm cho truyện của anh không đen tối, tuyệt vọng và vượt qua cả ý định của người viết mà hứa hẹn một sự thay đổi tương lai như một ánh bình minh còn xa mờ. Nhờ biết quý trọng đời sống làm lụng vất vả, nên cac biết nhìn rõ những chuyện nhỏ mọn hàng ngày trong cuộc đời đầu tắt mặt tối của bao nhiêu người chung quanh và làm nổi rõ lên cho ta thấy tất cả những sự vô lý của một chế độ thối nát, trong những truyện tầm thường lặng lẽ nhất…”.
Nguyễn Đình Thi
(Nam Cao, 1952. Theo Nam Cao, về tác giả và tác phẩm. Sđd, tr.108-112)
6. Phân tích một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao
Phân tích tác phẩm Sống mòn
Đa phần những tác phẩm của Nam Cao đều viết về những người nông dân sống ở chế độ cũ. Sống mòn Nam Cao là lần hiếm hoi nhà văn viết về tầng lớp trí thức nghèo trong xã hội. Một con người có đam mê, ước mơ nhưng lại bị vùi dập bởi những mưu sinh, vất vả cơm áo gạo tiền hàng ngày. Tác phẩm được nhà văn Nam Cao sáng tác năm 1944.
Có lẽ đây cũng là thực trạng ngày nay, khi có một bộ phận không nhỏ trí thức không thể sống đầy đủ, đàng hoảng nhờ đồng lương lương thiện mà mình có. Với Sống mòn, độc giả cảm nhận rõ được nỗi khổ đến tận cùng bị dồn nén từ mỗi câu chữ. Để mỗi lần đọc những câu chữ hiện lên dưới ngòi bút Nam Cao, người đọc như nghẹn thắt lại bởi cái nghèo của nhân vật. Tiểu thuyết Sống mòn Nam Cao không có quá nhiều những tình tiết gay cấn, giật gân. Câu chuyện chỉ xoay quanh những công việc thường nhật của những con người trong cái đói khổ. Và chính cái đói, cái nghèo đã vùi dập bản tính tốt của con người. Khiến con người chết dần chết mòn từ trong tâm hồn, họ trở lên cô độc, trở lên “xấu xa” hơn chỉ vì đồng tiền, bát gạo hàng ngày. Trong Sống mòn, ta bắt gặp anh Thứ - một thầy giáo đại diện cho tầng lớp tri thức nghèo thời bấy giờ. Anh Thứ đã bỏ lại quê hương và người vợ trẻ để lên Hà thành dạy học trong chính ngôi trường của người anh họ tên Đích với mong ước, hoài bão một cuộc sống tươi đẹp hơn.Thế nhưng, thực tế lại vô cùng khắc nghiệt, cuộc sống chẳng dễ dàng gì với anh cả. Dù xa quê bỏ xứ nhưng hoài bão của Thứ lại bị vùi dập bởi những mối lo toan nặng trĩu trên vai. Từ những đối xử ích kỷ của người xung quanh cho đến tiền ăn ở, tiền lương khiến cuộc sống của Thứ trở nên khó khăn, ngột ngạt. Những hy vọng trong lòng Thứ như đang chết dần, chết mòn, hoài bão cũng vì thế mà bỏ đi.
Cuộc đời một người tri thức trẻ như anh Thứ lại bị chính cái nghèo đói làm thay đổi. Chính nó là “thủ phạm” khiến Thứ và Liên phải đứt gánh giữa đường. Những hiểu lầm tai hại, uất ức đều là do cái đói khổ gây nên đã phá nát một gia đình, một con người.
Phân tích tác phẩm Lão Hạc
Viết về đề tài nông dân trước cách mạng, "'Lão Hạc" là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của nhà văn Nam Cao. Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.
Lão Hạc, một con người nghèo khổ, bất hạnh. Ba sào vườn, một túp lều, một con chó vàng... đó là tài sản, vốn liếng của lão. Vợ chết đã lâu, cảnh gà trống nuôi con, lão lần hồi làm thuê kiếm sống. Đứa con trai độc nhất không có trăm bạc để cưới vợ, cảm thấy "nhục lắm" đã "phẫn chí" đi phu đồn điền cao su Nam Kỳ, biền biệt năm, sáu năm chưa về. Tuổi già, sống cô quạnh, nỗi bất hạnh ngày thêm chồng chất. Lão Hạc chỉ còn biết làm bạn với con chó vàng. Lão bị ốm một trận kéo dài 2 tháng 18 ngày. Không một người thân bên cạnh đỡ đần, săn sóc cho một bát cháo, một chén thuốc! Tình cảnh ấy thật đáng thương! Tiếp theo một trận bão to, cây trái hoa màu trong vườn bị phá sạch sành sanh. Làng mất nghề sợi. Đàn bà con gái trong làng đi làm thuê rất nhiều, giành hết mọi việc. Sau trận ốm, lão Hạc yếu hẳn đi, chẳng ai thuê lão đi làm nữa. Thất nghiệp! Giá gạo mỗi ngày một cao. Lão và cậu Vàng, mỗi ngày ăn hết ba hào gạo mà vẫn "đói". Bao nhiêu tiền bán hoa lợi trong vườn dành dụm được bấy lâu nay, lão đã chi tiêu gần hết trong trận ốm!
''Nhưng đời người ta không chỉ khổ một lần (...). Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?". Nhân vật ông giáo đã nghĩ như thế khi nghe lão Hạc nói về ý định phải bán con chó. Cậu Vàng "ăn khỏe", mỗi ngày cậu ấy ăn "bỏ rẻ cũng mất hào rưỡi, hai hào". Lão Hạc rất yêu cậu Vàng, nhưng "lấy tiền đâu mà nuôi được?" Lão Hạc phải bán cậu Vàng cho thằng Xiên, thằng Mục. Bán cậu Vàng xong, lão Hạc bị đẩy sâu xuống đáy vực bi thảm. Lão cảm thấy mình là một kẻ "tệ lắm", đã già mà còn "đánh lừa một con chó". Đói khổ, cô đơn ngày một thêm nặng nề lão Hạc chỉ ăn khoai, ăn củ chuối, ăn sung luộc, ăn rau má, thỉnh thoảng một vài củ ráy, hay bữa trai bữa ốc. Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo một cách "gần như là hách dịch". Lão xem ông giáo là chỗ dựa tinh thần của lão bấy lâu nay. Lão Hạc đã ăn bả chó để tự tử. Lão chết đau đớn thê thảm: đầu tóc rũ rượi, mắt long sòng sọc, tru tréo, bọt mép sùi ra vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết! Cái chết thật là dữ dội!
Số phận một con người, một kiếp người như lão Hạc thật đáng thương. Với chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, Nam Cao đã nói lên bao tình thương xót đối với những con người đau khổ, bế tắc phải tìm đến cái chết thê thảm. Chí Phèo tự sát bằng mũi dao, Lang Rận thắt cổ chết... Và lão Hạc đã quyên sinh bằng cái bả chó! Lão Hạc đã từng hỏi ông giáo: ''... nếu kiếp người cũng khổ nốt thì ta nên làm kiếp gì cho thật sướng?". Câu hỏi ấy đã thể hiện nỗi đau khổ tột cùng của một kiếp người.
Lão Hạc, một con người chất phác, hiền lành, nhân hậu. Lão rất yêu con. Biết con buồn vì không có tiền để cưới vợ lão thương con lắm.... Lão đau đớn khi con sắp đi làm phu đồn điền cao su. Lão chỉ biết khóc: "Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta đã chụp rồi (...). Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con tôi ?". "Cao su đi dễ khó về" (Ca dao). Con trai lão Hạc đã đi "bằn bặt" năm, sáu năm chưa về. Hoa lợi trong vườn, bán được bao nhiêu lão dành dụm cho con, hi vọng khi con trở về "có chút vốn mà làm ăn". Lão tự bảo: "Mảnh vườn là của con ta. Của mẹ nó tậu thì nó hưởng...". Đói khổ quá, nhưng lão Hạc đã giữ trọn vẹn ba sào vườn cho con. Lão đã tìm đến cái chết, thà chết chứ không chịu bán đi một sào. Tất cả vì con, một sự hi sinh thầm lặng cực kì to lớn!
Lòng nhân hậu của lão Hạc được thể hiện sâu sắc đối với con chó vàng, mà người con trai để lại. Lão quý nó, đặt tên nó là "cận Vàng". Cho nó ăn cơm trong bát sứ như nhà giàu. Bắt rận hoặc đem nó ra cầu ao tắm. Lão ăn gì cũng chia cho cậu Vàng cùng ăn. Lão ngồi uống rượu, cậu Vàng ngồi dưới chân, lão nhắm một miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ. Lão tâm sự với cậu Vàng như tâm sự với một người thân yêu ruột rà: "Cậu Vàng của ỏng ngoan lắm! Ông không cho giết... Ông để cậu Vàng ông nuôi...". Có thể nói, cậu Vàng được lão Hạc chăm sóc, nuôi nấng như con, như cháu; nó là nguồn vui, chỗ dựa tinh thần, nơi san sẻ tình thương, giúp lão Hạc vơi đi ít nhiều nỗi buồn cô đơn, cay đắng. Cậu Vàng là một phần cuộc đời lão Hạc. Nó đã tỏa sáng tâm hồn và làm ánh lên bản tính tốt đẹp của ông lão nông đau khổ, bất hạnh này. Vì thế, sau khi bán cậu Vàng đi, từ túng quẫn, lão Hạc chìm xuống đáy bể bi kịch, dẫn đến cái chết vô cùng thảm thương.
Lão Hạc là một nông dân nghèo khổ mà trong sạch, giàu lòng tự trọng. Trong đói khổ cùng cực phải ăn củ chuối, củ ráy... ông giáo mời lão ăn khoai, uống nước chè, lão cười hồn hậu và khất "ông giáo cho để khi khác". Ông giáo ngấm ngầm giúp đỡ, lão từ chối "một cách gần như hách dịch". Bất đắc đĩ phải bán con chó; bán xong rồi, lão đau đớn, lương tâm dằn vặt: "thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó". Ba sào vườn gửi lại nguyên vẹn cho con trai, như một lời nguyền đinh ninh: "Cái vườn là của con ta (...). của mẹ nó tậu thì nó hưởng". Trước khi chết, lão gửi lại ông giáo mảnh vườn cho con, và gửi lại 30 đồng bạc để "lỡ có chết gọi là của lão có tí chút...", vì lão không muốn làm phiền đến hàng xóm. Nam Cao đã tinh tế đưa nhân vật Binh Tư, một kẻ "làm nghề ăn trộm" ở phần cuối truyện, tạo nên một sự đối sánh đặc sắc, làm nổi bật tấm lòng trong sạch, tự trọng của lão Hạc, một lão nông chân quê đáng trọng.
Tóm lại, cuộc đời của lão Hạc đầy nước mắt, nhiều đau khổ và bất hạnh. Sống thì âm thầm, nghèo đói, cô đơn; chết thì quằn quại, đau đớn. Tuy thế, lão Hạc lại có bao phẩm chất tốt đẹp như hiền lành, chất phác, vị tha, nhân hậu, trong sạch và tự trọng... Lão Hạc là một điển hình về người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ được Nam Cao miêu tả chân thực, với bao trân trọng xót thương, thấm đượm một tinh thần nhân đạo thống thiết.
Phân tích tác phẩm Chí Phèo
Khi nhận định về các tác phẩm của Nam Cao, Nguyễn Hoành Khung cho rằng: “Trong mảnh sáng tác về nông dân của Nam Cao, người đọc thường gặp những nhân vật xấu xí, thô lỗ cục cằn và những chuyện nhục nhã của họ. Chính vì thế mà một số người tỏ ra hoài nghi giá trị hiện thực và nhân đạo của ngòi bút Nam Cao, có biết đâu rằng, chính với đám nhân vật “có vấn để” đó mà cái nhìn hiện thực và quan điểm nhân đạo của nhà văn mới thể hiện rõ, đầy đủ nhất”.
Và nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao là một nhân vật “có vấn đề” như thế, nhưng chính những lời văn mà tác giả viết về nhân vật này và những bi kịch mà y phải chịu đựng đã thể hiện được giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc của tác phẩm mà Nam Cao muốn gửi gắm qua nhân vật này.
Chí Phèo có một tuổi thơ thật bất hạnh: Ngay từ khi chào đời, Chí Phèo đã là một đứa con hoang, bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ và không biết cha mẹ mình là ai. Chí lớn lên nhờ sự đùm bọc, cưu mang của dân làng. Lớn lên Chí đi ở hết nhà này đến nhà nọ. Cứ như thế, Chí lớn lên bình yên giữa những người dân nghèo khổ nhưng hiền lành. Chí cũng có ước mơ riêng của mình, đó là có một gia đình nho nhỏ “chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải”.
Đến năm hai mươi tuổi, Chí trở thành một chàng trai có vẻ đẹp toàn vẹn từ ngoại hình mạnh khỏe cho đến nội tâm hiền lành. Nhưng rồi Chí đi làm cho nhà Bá Kiến và cũng chỉ vì chuyện ghen tuông vớ vẩn Chí bị đẩy vào tù, sau bảy, tám năm biệt tích trở về làng giờ đây Chí Phèo đã hoàn toàn thay đổi từ ngoại hình cho đến tính cách.
Ngoại hình của Chí thật đáng sợ: cái đầu cạo trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất cơng cơng, hai mắt gờm gờm trông gớm chết. Ngoại hình ấy ẩn chứa một tính cách đã hoàn toàn thay đổi, không còn tính cách “lành như đất” nữa mà giờ đây hắn chuyên đi đập đầu, rạch mặt ăn vạ, hắn lấy rượu để bầu bạn với mình và rồi trong cơn say hắn đến nhà Bá Kiến để trả thù nhưng kết quả của cả hai lần là hắn đã bị Bá Kiến “ru ngủ” bằng rượu, thịt và tiền.
Và rồi từ đó, Chí rơi vào trạng thái mất phương hướng, không biết ai là kẻ thù của cuộc đời mình và lại tiếp tiếp tục rơi vào cái bẫy mà Bá Kiến đã giăng sẵn, hắn vào tù vì Bá Kiến và rồi khi ra tù lại tiếp tục biến mình thành tay sai cho chính kẻ thù của mình, còn gì nhục nhã hơn là điều đó.
Cứ thế, cuộc đời hắn trượt dài trong những bi kịch, hắn không làm gì ngoài việc rạch mặt, ăn vạ để đòi tiền, để đâm chém những ai không cùng phe cánh với cụ Bá. Cuộc đời hắn chìm trong cơn say, hắn ăn trong lúc say, ngủ trong lúc say và đánh nhau trong cơn say, “hắn đã phá tan bao nhiêu gia đình, đập vỡ bao nhiêu hạnh phúc, làm chảy máu và nước mắt bao nhiêu người lương thiện”.
Cứ như thế đời hắn trượt dài, nhìn vào mặt hắn người ta không biết hắn bao nhiêu tuổi. Cuộc đời hắn đã xem như là bỏ đi, nhân hình bị hủy hoại, nhân tính bị xói mòn. Cả làng Vũ Đại đều tránh mặt hắn mỗi lần hắn đi qua. Ngay cả bản thân hắn cũng quên sự có mặt của hắn ở trên đời.
Nhưng rồi người nông dân bị lưu manh hóa ấy cuối cùng cũng đã thức tỉnh. Trong tâm hồn tưởng chừng như chai đá ấy của Chí vẫn còn le lói một ánh sáng của lương tâm, lương thiện chỉ cần có cơ hội thôi là sẽ bừng sáng. Và Nam Cao đã cho Chí một cơ hội để ánh sáng ấy có dịp bừng lên, đó là cho Chí được gặp gỡ với Thị Nở. Chính cuộc gặp gỡ ấy, sự chăm sóc ân cần của Thị cùng bát cháo hành nóng hổi nghi ngút khói đã làm sống dậy bản chất lương thiện của Chí.
Được Thị Nở chăm sóc, Chí Phèo rất ngạc nhiên vì xưa nay nào hắn có thấy ai tự cho ai cái gì, hắn phải dọa nạt hay cướp giật mới có. Lần đầu tiên khi tỉnh giấc, hắn bâng khuâng nghe tiếng chim hót, tiếng cười nói của những người đi chợ và cùng với đó là khát vọng được sống một cuộc sống khác, được hòa nhập cùng mọi người, họ sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Hắn tự đặt ra câu hỏi cho mình: hắn có thể làm bạn được sao lại chỉ gây thù? Thị Nở chính là người mà Chí đặt niềm tin vào, Chí tin Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối giúp Chí trở về với cuộc sống đó.
Nhưng rồi, khát khao sống một cuộc sống lương thiện của hắn vừa mới được nhen nhóm thì đã bị dập tắt. Chiếc cầu nối ấy đã bỏ hắn mà đi chỉ vì lời nói của bà cô: “đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao mà lại phải lấy một thằng không cha, không mẹ chỉ biết rạch mặt ăn vạ”, bỏ lại Chí với nỗi đau khổ đến tột cùng, hắn đau xót nhận ra rằng sẽ chẳng còn chiếc cầu nào mang hắn về với cuộc sống của những người lương thiện nữa.
Những lời lẽ cuối cùng đã bộc lộ tất cả bi kịch nội tâm của Chí: “Tao muốn làm người lương thiện (…). Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không!”.
Và cuối cùng, bi kịch đã biến thành thảm kịch. Tột đỉnh của sự khổ đau đã biến thành tột đỉnh của sự căm thù, uất hận. Chí thấy kẻ thù trước mắt cướp đi tình yêu của hắn chính là bà cô Thị Nở nhưng trong sâu thẳm tâm hồn có lẽ hắn vẫn ý thức được ai mới chính là kẻ thù gây nên một chuỗi dài bi kịch của cuộc đời mình.
Hắn xách dao đến nhà bà cô Thị Nở nhưng lại đi thẳng đến nhà Bá Kiến, Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến rồi tự kết liễu cuộc đời mình. Trong sự bế tắc đến tột cùng, Chí đã tự tìm ra lối thoát cho riêng mình, đó là cái chết, chết để kết thúc tất cả bi kịch của cuộc đời Chí.
Nhân vật Chí Phèo là nhân vật tiêu biểu cho số phận của người nông dân trong xã hội nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Nam Cao đã thể hiện tấm lòng yêu thương, trân trọng của mình đối với những người có số phận bất hạnh. Ở sâu thẳm trong tâm hồn họ chính là sự khát khao hạnh phúc, được yêu thương và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.