TOP 10 Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

47

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Đề bài: Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Dàn ý Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

I. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu câu ca dao “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Khái quát nhận định cá nhân về câu nói (đúng, ý nghĩa, sâu sắc,...).

II. Thân bài

Giải thích ý nghĩa câu nói:

"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” có thể hiểu là: khi nói năng, giao tiếp với nhau thì nên thận trọng trong việc sử dụng ngôn ngữ. Lời lẽ trước khi thốt ra cần suy nghĩ kĩ tránh lỡ lời làm xúc phạm hay xấu đi mối quan hệ với mọi người xung quanh. Câu nói mang ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của lời nói đối với con người và khuyên ta nên thận trọng, suy nghĩ kĩ trước khi ăn nói.

Lợi ích của việc nói năng lựa lời, thận trọng:

  • Làm hài hòa mối quan hệ giữa người và người trong giao tiếp.
  • Giảm bớt mâu thuẫn, bất hòa trong xã hội.
  • Người nghe dễ dàng tiếp nhận và đồng tình với vấn đề được nói đến.
  • Thể hiện nét lịch sự, văn hóa trong giao tiếp ứng xử.
  • Hạn chế cảm xúc tiêu cực và tổn thương cho người nghe đồng thời vẫn thực hiện được mục đích giao tiếp.
  • ...

Tác hại của việc nói năng thiếu suy nghĩ:

  • Chạm vào lòng tự ái, xúc phạm đến người nghe khiến họ khó tiếp nhận vấn đề thậm chí khó chịu đồng thời không đạt được hiệu quả giao tiếp.
  • Làm rạn nứt các mối quan hệ với người xung quanh, dễ gây ra tranh chấp, xung đột.
  • Thể hiện sự kém văn minh, kéo thấp vẻ đẹp văn hóa nơi con người.
  • ...

Lời khuyên:

  • Nên suy nghĩ thật kĩ trước khi nói.
  • Học cách lựa chọn ngôn từ phù hợp để vừa thực hiện đúng mục đích giao tiếp vừa thể hiện được sự văn minh và tránh gây ra cảm xúc tiêu cực cho đối phương.
  • Nói năng lựa lời không có nghĩa là thiếu thẳng thắn mà là chọn lời nói khéo léo để truyền đạt sự thật.
  • Không nên nói năng tùy tiện, thiếu suy nghĩ vì mỗi chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình.

III. Kết bài

Khẳng định lại ý kiến cá nhân về câu nói "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” (câu nói đúng, giàu ý nghĩa, lời khuyên chân thành và sâu sắc,...). Đúc kết bài học kinh nghiệm.

TOP 10 Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau (ảnh 1)

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 1

Con người chúng ta mất hai năm đầu đời để tập nói nhưng phải mất cả đời để giữa gìn lời ăn tiếng nói của mình. Quả đúng là như vậy, lời nói có tầm quan trọng và sự ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống con người. Từ xa xưa, cha ông ta đã nhận thức được sâu sắc ý nghĩa giá trị của lời nói cho nên rất nhiều bài học học đạo đức về cách đối nhân xử thế đều có răn dạy về cách sử dụng lời nói. Câu tục ngữ “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” chính là một trong những bài học như thế. Nó dạy ta phải biết nói lời hay ý đẹp sao cho không mất lòng người khác mà vẫn giữa được phẩm giá của chính mình.

   Lời nói là phương tiện giao tiếp quan trọng bậc nhất của con người dùng để diễn đạt thông tin, bày tỏ thái độ, tình cảm. Nó là công cụ tốt nhất để mỗi người thực hiện và đạt được mục đích giao tiếp của mình. Nhờ lời nói mà ta có thể quan tâm, thấu hiểu và cảm thông và chia sẻ cùng nhau, từ đó mối quan hệ giữa người với người trở nên gắn bó, khăng khít hơn. Lời nói là yếu bẩm sinh mà tạo hóa ban tặng cho con người và nó chỉ có ở loài người. Chúng ta không mất tiền để mua nó nhưng đó lại là thứ quý giá mà ta phải trân trọng. Cũng giống như một bát nước đã hất đi là không thể đong đầy, một lời nói thốt ra cũng không thể rút được lại, vì thế mỗi người cần phải nhận thức được giá trị của lời nói. Sống ở đời, con người luôn luôn phải đặt mình trong mối quan hệ xã hội với sự góp mặt của vô số kiểu người, vì thế mỗi chúng ta phải biết lựa lời để giao tiếp thì mới có thể thích nghi được với nhiều mối quan hệ phức tạp ấy. Biết nói ra những lời hay ý đẹp, tế nhị, khéo léo sẽ dễ khiến ta có được cảm tình từ người khác, người nghe sẽ dễ dàng tiếp thu và đồng cảm. Cùng là chỉ ra sai lầm, khiếm khuyết của người khác, thay vì dùng lời lẽ quát nạt, mắng mỏ, mạt sát thì ta nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ ra lỗi sai và đi tìm nguyên nhân để giải quyết như vậy đối với cả hai bên sẽ nhẹ nhàng và thấm thía hơn rất nhiều. Đặc biệt trong cách đối nhân xử thế giữa người với người với, một lời nói hay chân thành có thể giúp người khác vui sống nhưng một lời nói xấu xa, cay nghiệt có thể để lại niềm đau, vết nhơ thậm chí gây ra hận thù suốt đời. Chính vì thế biết “lựa lời” trong cách nói sẽ giúp ta thêm bạn bớt thù.

   Lời nói là thước đo đánh giá cốt cách và nhân phẩm của con người. Biết nói lời hay ý đẹp vừa thể hiện sự tôn trọng người khác vừa thể hiện sự hiểu biết, khôn ngoan, khéo léo của chính mình. Đôi khi người ta đánh giá nhau qua lời nói, một người giỏi giang, khéo léo phải là người biết nói những lời hợp lòng mình, hợp ý người. Biết góp ý chân thành, thẳng thắn mà vẫn khéo léo, tế nhị để không làm mất lòng người khác mới là người có tài. Ai cũng có thể thốt ra được lời nói nhưng làm sao để lời nói ấy có giá trị phải phụ thuộc vào khả năng và bản lĩnh của mỗi người.

   Tuy nhiên phải nhấn mạnh, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” ở đây không phải cổ vũ những lời nói sống nịnh bợ, giả dối để lấy lòng người khác. Gió chiều nào theo chiều đấy, tâng bốc người trên, nói xấu người dưới để đạt được mục đích của mình. Thực tế trong cuộc sống, đã có rất nhiều người cố tình hiểu sai ý nghĩa câu nói và vin vào đó để biện minh cho thói sống xấu xa của mình. Cũng có nhiều người coi lời nói tầm thường rẻ mạt bởi họ cho rằng đó là thứ có sẵn nên không cần trân trọng, nói năng bộp chộp không biết suy nghĩ. Họ đâu biết rằng hành động ấy đã vô tình đánh mất đi thứ vô cùng giá trị mà bản thân không hề hay biết. Tiếc thay cho những ai chưa kịp tỉnh ngộ và nhận ra “lời nói là gói vàng”.

   Trong cuộc sống, chúng ta phải biết nói lời hay ý đẹp cho vừa lòng người khác nhưng những lời lẽ đó phải chân thành, thẳn thắn khách quan. Không vì sợ mất lòng mà thờ ơ mặc kệ những sai lầm, nhún nhường trước hành động sai trái không dám nói lên sự thật. Tuy nhiên cùng một mục đích nói nếu biết lựa chọn cách thể hiện khéo léo, tế nhị sẽ đem đến hiệu quả bất ngờ. Người đời đã dạy trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần ngụ ý phải biết suy nghĩ, tính toán trước khi thốt lên lời bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mình mà còn có tác động sâu sắc đến người khác.

   Lời nói không mất tiền mua bởi đó là tài sản tự nhiên của con người nhưng làm thế nào để lời nói có giá trị mới là điều đáng để ta phải quan tâm. Câu tục ngữ là một lời dạy, lời khuyên bổ ích đối với mỗi chúng ta trong việc sử dụng lời nói để đối nhân xử thế. Trong một xã hội nếu như ai cũng biết lựa lời để nói cùng nhau thì cuộc sống sẽ văn minh và tươi đẹp biết bao. Để làm được điều này không phải là không thể, hãy bắt đầu từ từng cá nhân biết cách tu dưỡng, trau dồi bản thân, tập nói những lời hay ý đẹp trước hết với những người xong quanh gần gũi nhất với bản thân mình. Nhiều cá nhân như thế sẽ làm nên một tập thể xã hội tốt đẹp.

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 2

Từ cổ chí kim, giao tiếp là nhu cầu thiết yếu của con người. Thời cổ đại, khi chưa có tiếng nói, con người đã trao đổi với nhau bằng những hành động, kí tự, kí hiệu khắc trên cát, trên đá hoặc trên thanh tre. Sau quá trình tiến hóa và phát triển, loài người cũng đã phát minh ra tiếng nói riêng biệt để giao tiếp với những người xung quanh. Và khi ấy, họ cũng đã tự đúc rút thành kinh nghiệm cho các thế hệ sau:

“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”

Câu thành ngữ của dân gian chia làm hai vế câu. Vế thứ nhất đưa ra nhận thức của con người rằng lời nói- âm thanh phát ra từ miệng dùng để trao đổi, trò chuyện giao tiếp với xung quanh và nó thì không mất tiền để mua bán. Trên cơ sở đó, dân gian đưa ra lời khuyên hãy lựa lời tức là nói chọn lựa lời nói phù hợp, khôn ngoan để nói cho vừa, cho bằng lòng nhau. Đó cũng là một bài học, một kinh nghiệm sống để thật hài hòa với cuộc sống xung quanh.

Lời nói là âm thanh vô hình, không thể cầm, nắm mà chỉ nghe được bằng thính giác. Lời nói mang tính cá thể hóa cao độ, không phải một hàng hóa vật chất như thóc, lúa, gạo... để có thể mua, bán, trao đổi bằng đồng tiền. Hơn nữa, lời nói là kết quả của quá trình suy nghĩ của cá nhân để bật ra nhằm một mục đích nào đó trong cuộc sống. Sống là cho chính mình, để kiến tạo những giá trị tự thân nên không bao giờ và chưa bao giờ con người muốn sống nhờ, sống gửi, sống dựa dẫm vào người khác bằng cách để họ mua chuộc chính mình. Khi ấy, đồng tiền không thể trở thành sức mạnh vạn năng để đi mua lời nói.

Lời nói cất lên chẳng mất tiền mua, chẳng mất đồng tiền nào- thứ mà người ta thường coi trọng trong xã hội nên dân gian khuyên răn: "Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Triết học đã đúc kết "Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội". Khi đã sinh ra trên cõi đời này, mỗi người đều mang trong mình sứ mệnh hòa đồng, sống và tạo dựng những mối quan hệ để sự sống đẹp và ý nghĩa hơn. Và lời nói chính là một trong những phương tiện quan trọng nhất để con người giao tiếp, trao đổi, hòa nhập với cuộc sống xung quanh. Hãy thử tưởng tượng trong thời đại này mà bạn không nói, suốt ngày chỉ câm nín và lặng thinh thì cũng chẳng khác gì các xác vô hồn, sống chỉ như là tồn tại.

Song, những lời nói phát ra không phải vu vơ, bâng quơ mà trước nhất là để vừa lòng người, để đạt được mục đích cao nhất trong cuộc đối thoại. Muốn vậy thì lời nói cần chân thật, xuất phát từ tấm lòng chân thành của người nói. Lời lẽ mộc mạc, không quá phô trương và hoa mĩ. Cái tình đẹp đẽ sẽ đi vào lòng người khiến họ bị thuyết phục như dân gian đã chia sẻ: "nói ngọt lọt đến xương". Hãy đặt mình vào người nghe để hiểu về trái tim và tâm hồn họ, để không cất lên những lời nói vô duyên, làm mất lòng tin yêu ở người khác. Muốn vậy, cần suy nghĩ kĩ trước khi nói rằng mình nói với ai, nói để làm gì và nói như thế nào: "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói".

Bên cạnh đó, lời nói cũng thể hiện trình độ văn hóa xã hội của mỗi người, đó là hệ quả của quá trình học tập, rèn luyện, tích lũy; là sản phẩm của tính cách, môi trường, giáo dục. Hơn nữa, tâm lí mỗi người là thích được nghe những lời hay ý đẹp, đặc biệt là những lời khen về bản thân mình nên hãy khéo léo ăn nói để có được thiên hạ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Có thể những lời nói thẳng nói thật sẽ làm phiền lòng, làm người khác tỏ ý không thích nhưng " mất lòng trước được lòng sau", góp ý một cách nhẹ nhàng và tế nhị để họ biết cách mà khắc phục. Ta cũng cần phê phán những kẻ lợi dụng lời nói ngon ngọt, ba hoa, giả dối vì mục đích vụ lợi, mua chuộc. Không ít người dân vì nghe lời kẻ khác xúi giục mà tự hại bản thân mình.

Hãy cùng hoàn thiện nhân cách để hòa nhập cùng thời đại, hãy không ngừng học tập và trau dồi!

TOP 10 Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau (ảnh 2)

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 3

Một lời nói thiếu suy nghĩ được sánh ví như đổ thêm dầu vào lửa, làm bừng lên sự tức giận, thiêu huỷ hết tình ruột thịt cũng như tình nghĩa anh em. Nói thì dễ nhưng nói như thế nào để không mất lòng người nghe, nói như thế nào để “lọt” đến xương, nói làm sao để “mật ngọt chết ruồi” thì không dễ chút nào. Vì thế cha ông ta có lời khuyên: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”…

Tâm lý chung của con người là thích nghe ngọt. Những lời nói tốt đẹp không làm chúng ta tốn kém tiền bạc hay hao tổn sức lực, nhưng nó đem lại nhiều ích lợi và làm cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà. Dĩ nhiên, chúng ta không nên vì “lựa lời” mà nói với nhau những lời giả dối. Trái lại, chúng ta cần nói thật với nhau bằng tấm lòng yêu thương.

Lại có một câu chuyện kể lại rằng:

Ngày xưa có một ông vua nước Ai-cập gửi cho nhà hiền triết Bias một con vật vừa quý lại vừa hiếm để tế lễ các thần minh. Thế nhưng, ông vua này muốn chơi khăm nhà hiền triết một vố, bèn phán:

- Sau khi cúng kiếng xong, ngươi phải trả lại cho ta cái gì vừa tốt nhất lại vừa xấu nhất nơi con vật quý hiếm ấy.

Nhà hiền triết cũng không phải là tay vừa, bèn xẻo ngay cái lưỡi trao cho ông vua. Cử chỉ đó gián tiếp nói lên rằng:

- Cái lưỡi là phần tốt nhất nếu biết sử dụng, nhưng đồng thời cũng là phần xấu nhất nếu không biết sử dụng.

Đúng thế, cái lưỡi là một bộ phận quan trọng để phát ra tiếng nói. Tiếng nói là một phương tiện hữu hiệu để chuyển đạt cho người khác biết những tư tưởng, những ý nghĩ, những ước muốn thầm kín; nhờ đó bắc lấy một nhịp cầu cảm thông. Lưỡi đóng một vai trò quan trọng như vậy, song cái lưỡi cộng với lời nói lại chính là nguyên cớ làm cho chúng ta dễ vấp phạm hơn cả, bởi vì chúng ta có thể vấp phạm ở bất kỳ đâu, trong bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai.

Tục ngữ cũng đã có câu:

“Không nọc nào độc cho bằng cái lưỡi”.

Hay:

“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

Một lời nói thiếu suy nghĩ được sánh ví như đổ thêm dầu vào lửa, làm bừng lên sự tức giận, thiêu huỷ hết tình ruột thịt cũng như tình nghĩa anh em. Hơn nữa, trong cộng đoàn tu trì gồm những con người từ “khắp tứ phương thiên hạ”, mỗi người mỗi tính, mỗi người một kiểu sống khác nhau, nên không thể tránh được hết những va chạm, những bực bội, những buồn phiền… Nhiều khi chính chúng ta lại là những người gây ra những đau khổ, buồn phiền cho người khác chỉ bằng những lời nói thiếu cân nhắc trước sau.

Cụ thể ngay trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi có thể vô tình thôi, chúng ta chọc ghẹo anh chị em mình bằng những lời nói nghe hơi… “rát tai”, nghe mà “đau nhói cả tim”. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn nói cho sướng cái miệng của mình, nhưng lại không để ý đến nỗi đau của người anh chị em mình khi phải nghe những lời chọc ghẹo đó.

Do vậy, trong cộng đoàn tiếng cười là cần thiết, nó đem lại niềm vui cho cộng đoàn là điều cần làm và nên làm. Nhưng chúng ta cũng cần phải ý tứ hơn nữa trong những lời chọc vui để những lời chọc vui đó không những đem lại niềm vui cho mình mà còn làm cho người bị chọc cũng được vui cười thoải mái. Dựa vào lời nói, người khác có thể biết được phần nào tâm hồn của chúng ta. Được yêu mến và kính trọng hay bị khinh bỉ và ghét bỏ, một phần lớn là do cái lưỡi và lời nói của chúng ta.

Như thế, cái lưỡi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín và thế giá của mỗi người, như một câu danh ngôn đã dạy: “Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự, còn mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”. Bởi đó, ta cần phải biết đắn đo cân nhắc trong cách ăn nói của mình để tránh đi những hiểu lầm, đau khổ cho người khác. Phải sử dụng lời nói như một phương tiện, giúp chúng ta cảm thông và xích lại gần nhau hơn “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” là vậy.

Ý thức được tầm quan trọng của ngôn từ, chúng ta hãy chú ý những ngôn từ chúng ta dùng trong ngày. Phải có trách nhiệm khi sử dụng ngôn từ, bởi vì qua những lời chúng ta nói, chúng ta có thể đem lại niềm vui Phục sinh nhưng cũng có thể đem lại đau khổ thập giá cho những anh em trong cộng đoàn và chúng ta cũng nên lắp đặt một… “Cái thắng” vào miệng, để những lúc ngứa mồm, muốn phát ngôn bừa bãi, thì biết “stop” lại đúng nơi và đúng lúc.

Để kết thúc, xin mượn câu nói của cha ông ta nói về ngôn từ: “Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.

Hoặc:

“Lựa lời mà nói khó thay
Tiếng chì, tiếng bấc thường hay “chàng ràng”
Khi ai mở miệng nói ngang
Thì ta chắc chẳng ngại “phang”…. “mỹ từ”
Một tia lửa nhỏ sơ sơ
Khu rừng lớn mấy mặc dù, cháy tiêu
Giữa ngàn thế sự đảo điên
Có ai áp dụng lời khuyên bao giờ
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 4

Từ khi còn là đứa trẻ lên ba, ai trong số chúng ta đều được học nói, bởi tiếng nói là cách thức phổ biến nhất, dễ dàng và đơn giản nhất để giao tiếp với mọi người. Chính vì vậy trong những cái quan trọng phải học, chúng ta phải học nói trước tiên, lời nói không chỉ để ta giao tiếp, truyền đạt tư tưởng, nguyện vọng và ý kiến mà còn là công cụ hình thành nên mối quan hệ xã hội. Câu tục ngữ của ông cha ta từ xa xưa về cách sử dụng lời nói vẫn luôn đúng cho đến ngày nay "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta luôn phải trao đổi và giao tiếp với nhau, thường xuyên phải sử dụng đến tiếng nói, lời nói mang nhiều sắc thái và ý nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích của người nói. Vậy làm sao để có thể sử dụng lời nói đạt được hiệu quả cao, đó là lí do ông cha ta để lại câu tục ngữ khuyên răn và nhắc nhở con cháu về cách sử dụng lời nói "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Tiếng nói là bản năng vốn có của con người, những người có khả năng nói được đều có thể tạo ra tiếng nói riêng của mình, "lời nói chẳng mất tiền mua" bởi tiếng nói là của bản thân ta, tự ta tạo ra chứ chẳng phải ai bán mà mua. Lời nói tuy chẳng mất tiền mua nhưng để tạo nên giá trị của lời nói lại phụ thuộc vào cách ăn nói của chúng ta, chính vì vậy mà phải "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

Lời nói được sử dụng một cách khôn khéo, khéo léo, hợp tình hợp lý sẽ không chỉ giúp ta đạt được mục đích giao tiếp mà còn có hiệu quả cao. "Vừa lòng nhau" chính là sự phù hợp với từng hoàn cảnh, từng mối quan hệ và từng đối tượng mà sử dụng lời nói cho chuẩn xác, văn minh và lịch sự. Lời nói phản ánh trình độ văn hóa, nhân cách của con người chính vì vậy ta phải biết cách "lựa lời", lựa chọn ngôn ngữ phù hợp với ngữ cảnh và suy nghĩ trước khi nói sẽ giúp ta luôn giữ được giá trị của lời nói cũng như nhân cách của mình. Có lời nói hay, dễ nghe nhưng cũng có lời nói thô tục, xúc phạm và thiếu văn hóa, khiến cho người nghe cảm thấy khó chịu. Trong một đám hiếu, có những người mang đến những lời động viên, an ủi kịp thời xoa dịu nỗi đau thương mất mát cho những người ở lại, thế nhưng cũng có những người lại mang đến lời nguyền rủa, trách móc, chửi bới. Một lời nói có thể trở thành nguồn cổ vũ, mang đến sức mạnh cho người khác, nhưng cũng chỉ một lời nói lại có thể vùi dập ý chí vươn lên của người khác.

Như vậy có thể thấy, lời nói có mang lại điều tốt đẹp hay không chính là do cách sử dụng của mỗi chúng ta, phải thường xuyên trau dồi vốn từ ngữ, thường xuyên giao tiếp để có kinh nghiệm hơn nữa trong việc sử dụng lời nói. Một mặt luôn hướng đến những lời hay ý đẹp, mặt khác chúng ta phải nhận thức rõ lời hay ý tốt không nhất định phải là những lời hoa mỹ, tâng bốc và nịnh hót, sáo rỗng. Những lời đó tuy đẹp nhưng chỉ đẹp về mặt hình thức còn bản chất thực sự lại là tiêu cực, phản ánh không đúng hiện thực và ý muốn của con người. Ngoài ra, ta phải biết sử dụng những lời phê phán, khiển trách và góp ý đúng lúc, đúng chỗ để tạo nên lời nói có ý nghĩa, giúp người khác nhận ra sai trái, khuyết điểm của mình để thay đổi. Lời nói có thể giúp ta khẳng định bản thân, có cho mình những mối quan hệ tốt đẹp nhưng cũng chính lời nói của ta hủy hoại nhân cách của bản thân ta, làm rạn nứt các mối quan hệ và mất lòng tin của mọi người.

Sống trong thời đại tiến bộ văn minh, để có thể chứng minh và khẳng định những giá trị của bản thân chúng ta phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng lời nói. Chúng ta có quyền quyết định nhân cách và các mối quan hệ của mình, bằng cách sử dụng tiếng nói của mình, hãy thể hiện là một người có văn hóa, có nhân cách và đạo đức.

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 5

Tiếng nói chính là phương tiện thông dụng nhất trao đổi thông tin, giao tiếp giữa con người với con người. Tiếng nói như một sợi dây liên kết các mối quan hệ xã hội, đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Lời nói bản chất là một con dao hai lưỡi, nó có thể giúp ta tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp, nhưng cũng là lời nói nếu không biết cách ăn nói sẽ làm ta mất đi những mối quan hệ đó. Từ kinh nghiệm bao đời, ông cha ta đã đúc kết câu tục ngữ về lời ăn tiếng nói: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

"Lời nói chẳng mất tiền mua", quả thực là như vậy, từ khi chúng ta sinh ra đến khi ba tuổi bắt đầu tập nói, chúng ta có tiếng nói của mình và sử dụng lời nói để giao tiếp với mọi người. Chính vì vậy, lời nói là bản năng bẩm sinh, vốn có của con người, chúng ta không mất tiền để mua lời nói, lời nói là sở hữu cá nhân không ai có thể thay thế được. Lời nói là thứ có sẵn, tuy nhiên để sử dụng lời nói sao cho phù hợp và hiệu quả thì không phải ai cũng nhận thức được, chính vì vậy mới có vế sau "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". "Vừa lòng nhau" ở đây chính là sự phù hợp với đối tượng được giao tiếp, phù hợp với hoàn cảnh, đạt được mục đích giao tiếp mà không gây ảnh hưởng xấu đến người được giao tiếp.

Câu tục ngữ đã mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc về cách sử dụng lời ăn tiếng nói của mình, tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp mà biết lựa chọn lời nói sao cho phù hợp, văn minh, lịch sự. Bên cạnh đó, khi chúng ta giao tiếp, điều quan trọng nhất chính là đạt được mục đích giao tiếp, để có thể đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp chúng ta phải biết cách ăn nói, biết cách giao tiếp, cụ thể là phải biết lựa chọn từ ngữ, giọng điệu bày tỏ ý kiến, cảm xúc và suy nghĩ của mình sao cho phù hợp, khiến cho người được giao tiếp dễ hiểu dễ nghe.

Lựa lời để nói chính là việc chúng ta suy nghĩ trước khi nói, lời nói có suy nghĩ chắc chắn là lời nói có giá trị và ý nghĩa, mang lại hiệu quả giao tiếp. Ngược lại, lời nói thiếu suy nghĩ là lời nói vô giá trị, đôi khi còn mang lại những hậu quả cho bản thân người nói. Những lời nói thiếu văn minh, thiếu tôn trọng còn khiến cho người nghe bị xúc phạm, làm mất lòng người khác. Một lời nói có thể trở thành động lực, điểm tựa, nguồn động viên an ủi để giúp người khác vượt lên nghịch cảnh, có thêm niềm tin vào cuộc sống, nhưng cũng chỉ một câu nói có thể đưa người ta đến bờ vực của sự tuyệt vọng, sa ngã và mất niềm tin vào cuộc sống. Ngoài sự tổn thương, lời nói còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và vật chất, lời nói không hay có thể làm rạn nứt các mối quan hệ, lời nói kích động bạo lực có thể dẫn đến gây gổ, xô xát, đánh người thậm chí chỉ vì một câu nói mà đánh đổi cả mạng sống.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên phải giao tiếp, thường xuyên sử dụng lời nói, biết cách sử dụng lời nói sẽ giúp cho chúng ta có được những mối quan hệ tốt đẹp, mang lại lợi ích cho bản thân, góp phần xây dựng xã hội văn minh. Tuy nhiên lời nói "vừa lòng" không có nghĩa là lời nói tâng bốc, nịnh nọt và sáo rỗng, bất chấp cả những lời thiếu thực tế và giả dối để có thể đạt được mục đích. Việc sử dụng lời nói theo mục đích đó là hoàn toàn tiêu cực, không thật với lòng mình và không có được các mối quan hệ lâu dài. Lời nói tốt đẹp không hẳn phải là lời nói dễ nghe, đôi khi những lời khiển trách, phê phán và góp ý lại chính là lời nói tốt giúp con người ta nhìn nhận ra sai lầm, thiếu sót để sửa đổi và hoàn thiện.

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 6

Có ai đó đã từng nói:

“Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột.
Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời.
Một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng.
Nhưng một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc.”

Ngôn ngữ có thể coi là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Ngôn ngữ không mất tiền mua bởi nó là của bản thân mỗi người, nhưng nó có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn. Bởi vậy, cha ông ta từ xưa vẫn luôn răn dạy con cháu qua những câu tục ngữ đầy thấm thía: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Câu tục ngữ đã mang đến cho chúng ta một bài học ý nghĩa về việc sử dụng lời ăn tiếng nói hằng ngày: Hãy biết chắt lọc, lựa chọn ngôn ngữ phù hợp, văn minh.

Ngôn ngữ không mất tiền mua bởi đó là thứ có sẵn trong mỗi con người, chúng ta được phép tự do sử dụng vốn ngôn ngữ của mình để bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ. Vậy tại sao chúng ta lại phải “lựa lời mà nói”. Bởi ngôn ngữ không mất tiền mua, nhưng nó là vô giá, những ảnh hưởng có thể rất lâu dài. Muốn đạt được mục đích gia tiếp, chúng ta cần phải có cách nói phù hợp. Khi biết nói sao “cho vừa lòng nhau”, chúng ta mới có thể hiểu được và cảm thông, chia sẻ với nhau. Một lời tốt đẹp bạn nói ra có thể làm cho lòng người nở hoa, khi thì nó giúp ta đạt được các thỏa thuận, khi nó lại có thể giúp người khác có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Một lúc nào đó, lời ta nói còn có thể cứu rỗi cuộc đời một con người, như Mẹ Têrêsa đã nói: “Những lời tử tế có thể ngắn và dễ nói, nhưng tiếng vọng của chúng thực sự vĩnh cửu”. Trái lại, khi chúng ta nói ra những lời không hay, ta sẽ làm mất lòng người khác, gây ấn tượng không tốt với người đối thoại. Có những lúc, những lời nói thiếu suy nghĩ có thể gây ra những tổn thương to lớn về mặt tinh thần cho người nghe, làm rạn nứt các mối quan hệ: “Đao đâm có lúc lành thương tích; lời nói đâm nhau hận suốt đời” (Khuyết danh). Như vậy, có thể nói, khi ta biết cách giao tiếp đúng mực, ngôn ngữ sẽ phát huy được hết khả năng, sự hữu dụng và sự đẹp đẽ của nó, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân, thể hiện được học thức, sự văn minh, tế nhị của mình, chinh phục trái tim mọi người, mà còn giúp người khác vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Ấy vậy mà trong cuộc sống vẫn tồn tại những con người luôn nói năng thiếu thận trọng, suy nghĩ, thường xuyên thốt lên những lời nói thô lỗ, bất lịch sự, vô tâm làm tổn thương người khác rồi cho rằng như vậy là thẳng thắn. Những con người ấy cần có sự thay đổi bản thân để hoàn thiện vốn ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, ứng xử của mình; nếu không, chính họ rồi sẽ là người ân hận và chịu hậu quả: “Tôi thường hối tiếc vì những gì mình nói, chứ không bao giờ vì sự im lặng của mình”.

Đương nhiên, cũng cần hiểu rằng lời nói “cho vừa lòng nhau” không có nghĩa là những lời tâng bốc, nịnh hót sáo rỗng, giả dối chỉ nhằm đạt được mục đích của mình, cũng không phải là sống trái với suy nghĩ, cảm nhận của mình. Không ai có thể làm vừa lòng cả thiên hạ. Một lời nói đẹp là khi có sự hài hòa giữa sự tôn trọng người đối diện và sự chân thật của trái tim. Một lời góp ý chân thành có thể không gây được cảm tình ngay từ đầu, khiến người nghe phật lòng, nhưng nó sẽ có giá trị lâu dài sau này: “Mất lòng trước, được lòng sau”. Và trước cái ác, cái xấu, chúng ta cũng cần mạnh mẽ, thẳng thắn phê phán, tố cáo để góp phần thay đổi, cải tạo. Lời hay ý đẹp không phải lúc nào cũng là những tiếng êm dịu, ngọt ngào.

Ngạn ngữ Anh cũng có câu: “Lời nói đẹp - đó là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất”. Đúng vậy, ngôn ngữ là do chúng ta làm chủ, hãy để những lời nói hay, ý nghĩa đẹp được sử dụng và phát huy giá trị của mình. Câu tục ngữ đã ra đời từ lâu, nhưng bài học quý giá mà nó mang lại vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau.

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 7

Trong cuộc sống, con người phải biết chọn lựa lời nói sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong giao tiếp và ứng xử. Chính vì vậy, mọi người thường khuyên bảo nhau:

Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời nói là một công cụ dùng để giao tiếp và ứng xử trong mối quan hệ giữa con người với con người. Do đó, khi nói ta cần phải biết “lựa lời mà nói” sao cho hay, cho đẹp.

Trước hết, “lựa lời mà nói” có tác dụng lôi cuốn, cảm hóa được người nghe, làm cho người nghe biết rung động và kính nể người nói. Bác Hồ là người luôn đạt được những thành công lớn trong vấn đề này. Ngày 02-9-1945, lúc đang đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình, Bác có nói một câu thế hiện sự quan tâm sâu sắc: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã làm cho hàng triệu trái tim xúc động mãnh liệt. Rõ ràng tình cảm của Người trong lời nói ấy quá da diết; không gì có thể so sánh được. Còn khi nhắc đến miền Nam ruột thịt, Bác nói trong nỗi xúc động nghẹn ngào: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Những câu nói của người cho đến tận bây giờ, nhân dân Việt Nam không thể nào quên. Đối với thanh niên, học sinh, Bác nói nhiều câu như lời dạy của một nhà giáo dục yêu trẻ, yêu nghề:

Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bển.

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.

hay: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.”

Đối với giới tri thức nghiên cứu khoa học, nhiều người phải xa quê hương sinh sống và làm việc tại nước ngoài, bằng lời nói của mình, Bác đã cảm hóa được tâm hồn họ, khiến họ nghe theo Bác về quê hương Việt Nam thân yêu để phục vụ. Tiến sĩ Nông học Lương Định Của hay Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là những điển hình. Nói chung, dù ở bất kì thời điểm nào, lời nói của Bác Hồ cũng luôn làm “vừa lòng” người nghe.

Ngược lại, trong xã hội, có không ít con người không biết liệu lời mà nói dẫn đến nhiều tác hại cho bản thân và mọi người. Đó là những lời nói thô tục, thiếu văn hóa, thiếu thiện chí nhằm thỏa mãn ý thích cá nhân hoặc nói mà thiếu suy nghĩ.

Ngoài ra còn có những lời phát ngôn không phù hợp với đôi tượng tiếp nhận như: ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, trẻ em và những đối tượng khác. Chẳng hạn như đối với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người nói cần phải tỏ thái độ kính trọng, nể nang, lễ phép, khiêm tốn.

Những lời nói không đẹp bao giờ cũng mang lại những hậu quả nặng nề. Chỉ vì một lời nói mà người đang giữ chức vụ quan trọng có thể cho bị thôi việc sớm. Chỉ vì một lời nói mà dẫn đến tan nhà, nát cửa, con xa cha, vợ xa chồng. Chỉ vì một lời nói mà người này trở thành kẻ thù của người kia.

Lời nói phản ánh trình độ văn hóa cũng như thước đc nhân phẩm, danh dự con người. Người càng có tài và đức, có uy tín lớn thì lời nói của người ấy càng có giá trị, càng được mọi người học hỏi, phát huy. Tuy nhiên, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoàn toàn khác biệt với thái độ a dua, nịnh hót, nể nang một cách vô lí trong quan hệ bạn bè, đồng chí. Vì vậy trong quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè, chúng ta cần thẳng thắn góp ý những khuyết điểm của bạn, để họ tích cực sửa chữa. Ngược lại, chúng ta vui vẻ và sẵn sàng nghe lời phê bình của bạn bè. Nếu được như thế thì chẳng những tình bạn được duy trì bền bỉ, thâm sâu, mà còn làm cho cuộc đời tươi đẹp hơn, có ý nghĩa hơn.

Câu ca dao trên đây đã đặt một nền tảng vững chắc cho việc thực hiện mục đích giao tiếp và ứng xử trong một xã hội văn minh. Do đó, chúng ta phải học tập thật giỏi, tăng cường rèn luyện đạo đức thật tốt đế trở thành một con người vừa có trình độ văn hóa cao, vừa có một phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự.

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 8

Trong cuộc sống, lời nói rất quan trọng, diễn tả tình cảm và quan hệ con người với con người. Trong dân gian có câu nói: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Đây là lời dạy của ông cha cho con cháu sau này giữ gìn lời ăn tiếng nói để giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp và hòa thuận đoàn kết. 

Lời nói là âm thanh, ngôn ngữ được phát ra từ miệng của mỗi con người, Nó dùng để giao tiếp với mọi người trong cuộc sống. Lời nói thể hiện sự lịch sự, thanh lịch của con người. Theo như lời ông chả nói xưa thì "Lời nói gói vàng" Ông cha ta xưa đã từng so sánh lời nói như gói vàng, lời nói được ví trân quý như vàng bạc, khẳng định ý nghĩa và giá trị của cuộc sống đối với con người. Vậy "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" ý muốn nhấn mạnh đến phép lịch sự, giữ gìn lời ăn tiếng nói giúp tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người đối với con người. Con người sử dụng từ ngữ sao cho lời hay ý đẹp, mang ý tích cực đến với mọi người, từ đó bản thân cũng tạo niềm vui, sự tích cực trong cuộc sống. 

Biểu hiện của người biết lựa lời ăn tiếng nói được thể hiện qua bốn biểu hiện cụ thể dưới đây. Một là, người lựa chọn từ ngữ thích hợp, tích cực làn tỏa đến mọi người. Mối quan hệ được dựa trên cơ sở sử dụng từ ngữ tích cực, khích lệ và truyền đạt sự hỗ trợ, động viên đến người khác. Ví dụ như trong những mùa bóng đá, Đội tuyển U22 Việt Nam đã được tiếp thêm động lực thi đấu bằng những sự cổ vũ của cổ động viên và hàng loạt các cổ động viên qua màn ảnh. Hai là, Người biết sử dụng lời ăn tiếng nói là người cực kỳ khéo léo trong việc lắng nghe và đồng cảm với hoàn cảnh của người khác. Người lắng nghe đặt ban thân mình vào vị trí của người khác và từ đó hiểu chi tiết và có tính cảm thông cho các vấn đề của người khác. Họ sẽ có thêm sự trân trọng, cảm thông cảm xúc mà từ đó lựa lời hay ý đẹp để sử dụng trong quá trình giao tiếp. Ba là, bản chất của người biết sử dụng từ ngữ là người có tinh thần tôn trọng, lịch sự lắng nghe người khác. Lời nói xuất phát từ trái tim đến trái tim, thể hiện sự chân thành của người nói đối với người nghe và những người khác. Mà họ sẽ không buông lời lẽ cay độc, làm tổn thương đến người khác. Bốn là, sự chân thành, sự chân thành và thẳng thắn nhưng trên cơ sở vẫn giữ được sự tôn trọng và tình cảm. Họ sẽ tránh sự giả dối hay chỉ làm vừa lòng người khác mà không thật lòng. 

Người biết sử dụng lời hay ý đẹp giúp cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Thứ nhất là, người biết lựa lời ăn tiếng đẹp giúp họ được yêu mến và tin tưởng hơn. Người biết sử dụng lời hay ý đẹp trong giao tiếp sẽ được mọi người yêu mến hơn, sử dụng lời lẽ để tạo nên sự tin tưởng và được mọi người yêu quý hơn. Thứ hai là, việc lựa chọn lời hay ý đẹp sẽ tiếp nối truyền thống đạo đức, văn hóa của người Việt. Giúp phát huy tình thần đoàn kết, yêu thương và văn hóa của người Việt trong tầm quốc tế. Và từ đó có thể nâng tầm giá trị của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế. Tiếp đó là, người biết sử dụng lời hay ý đẹp có thể đạt hiệu quả hơn và đạt mục đích cao hơn trong công việc. Từ đó họ có mối quan hệ tốt đẹp hơn, và ngày càng đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công việc. 

Người nói lời hay ý đẹp là người phải biết cân nhắc trước khi suy nghĩ, biết được đối tượng giao tiếp để xưng hô phù hợp ngôn ngữ. Đối với những người lớn tuổi hơn, lời nói mang tính chất trân trọng, lễ phép và thưa gửi đàng hoàng và lời nói đi đôi với hành động chân thành. Đối với bạn bè, lời nói mang tính đoàn kết, chân tình phù hợp với bạn bè, tôn trọng đối phương và không có thái độ dọa nạt hay hách dịch bề trên. Tuy vậy nhưng nhìn chung với tất cả mọi người, để được hiệu quả cáo trong giao tiếp cần ăn nói có chủ ngữ vị ngữ, trân thành, có giọng điệu và ngữ điệu đúng mực; không được nói có từ đệm và nói trống không hách dịch mang tính không tôn trọng người nghe và những người xung quanh. 

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều lớp người vẫn sử dụng những ngôn từ không hay để giao tiếp với nhau hay kể cả sử dụng những từ ngữ tục tĩu để phỉ báng hay trêu chọc nhau trong rất nhiều bộ phận lớp trẻ hiện nay. Vì sự xâm nhập của mạng xã hội và các yếu tố môi trường xung quanh đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển và lối sống lời ăn tiếng nói và sự giao tiếp của mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ gen Z. Vì vậy, mọi người hiện nay cần biết sử dụng đúng cách các trang mạng xã hội và điều tiết trong giao tiếp với nhau trong mạng xã hội và cuộc sống ngoài đời.

Nhận thức được tầm quan trọng của lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người cần sử dụng từ ngữ một cách phù hợp để giữ gìn được mối quan hệ tốt đẹp và trau dồi phát triển bản thân qua ngôn ngữ và lời nói. Càng khẳng định câu tục ngữ: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau." thể hiện sự đúng đắn và dạy con người về cách đối nhân xử thế ngay cả trong cuộc sống hiện đại ngày nay. 

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 9

Tiếng nói chính là phương tiện thông dụng nhất trao đổi thông tin, giao tiếp giữa con người với con người. Tiếng nói như một sợi dây liên kết các mối quan hệ xã hội, đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Lời nói bản chất là một con dao hai lưỡi, nó có thể giúp ta tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp, nhưng cũng là lời nói nếu không biết cách ăn nói sẽ làm ta mất đi những mối quan hệ đó. Từ kinh nghiệm bao đời, ông cha ta đã đúc kết câu tục ngữ về lời ăn tiếng nói: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".

"Lời nói chẳng mất tiền mua", quả thực là như vậy, từ khi chúng ta sinh ra đến khi ba tuổi bắt đầu tập nói, chúng ta có tiếng nói của mình và sử dụng lời nói để giao tiếp với mọi người. Chính vì vậy, lời nói là bản năng bẩm sinh, vốn có của con người, chúng ta không mất tiền để mua lời nói, lời nói là sở hữu cá nhân không ai có thể thay thế được. Lời nói là thứ có sẵn, tuy nhiên để sử dụng lời nói sao cho phù hợp và hiệu quả thì không phải ai cũng nhận thức được, chính vì vậy mới có vế sau "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". "Vừa lòng nhau" ở đây chính là sự phù hợp với đối tượng được giao tiếp, phù hợp với hoàn cảnh, đạt được mục đích giao tiếp mà không gây ảnh hưởng xấu đến người được giao tiếp.

 

Câu tục ngữ đã mang đến cho chúng ta một bài học sâu sắc về cách sử dụng lời ăn tiếng nói của mình, tùy thuộc vào hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp mà biết lựa chọn lời nói sao cho phù hợp, văn minh, lịch sự. Bên cạnh đó, khi chúng ta giao tiếp, điều quan trọng nhất chính là đạt được mục đích giao tiếp, để có thể đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp chúng ta phải biết cách ăn nói, biết cách giao tiếp, cụ thể là phải biết lựa chọn từ ngữ, giọng điệu bày tỏ ý kiến, cảm xúc và suy nghĩ của mình sao cho phù hợp, khiến cho người được giao tiếp dễ hiểu dễ nghe.

Lựa lời để nói chính là việc chúng ta suy nghĩ trước khi nói, lời nói có suy nghĩ chắc chắn là lời nói có giá trị và ý nghĩa, mang lại hiệu quả giao tiếp. Ngược lại, lời nói thiếu suy nghĩ là lời nói vô giá trị, đôi khi còn mang lại những hậu quả cho bản thân người nói. Những lời nói thiếu văn minh, thiếu tôn trọng còn khiến cho người nghe bị xúc phạm, làm mất lòng người khác. Một lời nói có thể trở thành động lực, điểm tựa, nguồn động viên an ủi để giúp người khác vượt lên nghịch cảnh, có thêm niềm tin vào cuộc sống, nhưng cũng chỉ một câu nói có thể đưa người ta đến bờ vực của sự tuyệt vọng, sa ngã và mất niềm tin vào cuộc sống. Ngoài sự tổn thương, lời nói còn có thể gây hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và vật chất, lời nói không hay có thể làm rạn nứt các mối quan hệ, lời nói kích động bạo lực có thể dẫn đến gây gổ, xô xát, đánh người thậm chí chỉ vì một câu nói mà đánh đổi cả mạng sống.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên phải giao tiếp, thường xuyên sử dụng lời nói, biết cách sử dụng lời nói sẽ giúp cho chúng ta có được những mối quan hệ tốt đẹp, mang lại lợi ích cho bản thân, góp phần xây dựng xã hội văn minh. Tuy nhiên lời nói "vừa lòng" không có nghĩa là lời nói tâng bốc, nịnh nọt và sáo rỗng, bất chấp cả những lời thiếu thực tế và giả dối để có thể đạt được mục đích. Việc sử dụng lời nói theo mục đích đó là hoàn toàn tiêu cực, không thật với lòng mình và không có được các mối quan hệ lâu dài. Lời nói tốt đẹp không hẳn phải là lời nói dễ nghe, đôi khi những lời khiển trách, phê phán và góp ý lại chính là lời nói tốt giúp con người ta nhìn nhận ra sai lầm, thiếu sót để sửa đổi và hoàn thiện.

Lời nói chính là lăng kính phản chiếu trình độ văn hóa xã hội của mỗi người, nó đại diện cho những thành quả mà con người học tập, tiếp thu và đúc rút từ quá trình giao tiếp xã hội. Lời nói cũng là một tiêu chí đánh giá nhân cách con người, phản ánh môi trường sống, môi trường giáo dục của con người. Chính vì vậy, chúng ta phải biết sử dụng tiếng nói của mình sao cho đúng với một người văn minh, học thức và có văn hóa, đạo đức.

Nghị luận Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau - mẫu 10

Từ xưa, để giáo dục con cháu những điều hay, lẽ phải, những đạo lí, chuẩn mực, ông cha ta đã đúc kết ra rất nhiều những câu ca dao, tục ngữ. Một phần là để dễ nhớ, dễ dạy, một phần là để tăng tính biểu đạt và làm cho nội dung trở nên ý nhị hơn. Trong đó, em tâm đắc nhất là câu tục ngữ:

Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Đối tượng chính mà câu tục ngữ muốn bàn đến ở đây là lời nói, hay rộng hơn chính là cách nói năng, giao tiếp ở trong đời sống. Lời nói là một thứ tưởng chừng như ai cũng có, chẳng ai cần phải bỏ ra thứ gì để được “nói” cả. Thế nhưng, nó lại đem đến những giá trị, ý nghĩa to lớn. Vì vậy, ông cha vẫn thường răn dạy phải chọn lựa, phải suy nghĩ kĩ càng trước khi nói ra, để tránh làm mất lòng người khác.

Đối với bản thân mỗi người và cộng đồng, những lời nói luôn mang những vai trò và tầm ảnh hưởng to lớn. Lời nói trước hết giúp trao đổi thông tin, bộc lộ cảm xúc, sau nó còn có thể dẫn dắt tư duy, suy nghĩ, phán đoán của người khác. Một lời nói có thể dẫn con người đến niềm vui, nhưng cũng có thể đem đến sự đau khổ. Nó có thể cứu giúp một cuộc đời, nhưng cũng có thể kết thúc một sự sống. Thật kì lạ phải không, một thứ như là miễn phí, chẳng phải bỏ tiền ra mua, được sử dụng thoải mái lại có sức mạnh to lớn đến thế. Thực ra, sức mạnh của lời nói, không đến từ lớp vỏ bọc âm thanh, mà đến từ nội dung, cảm xúc được truyền đạt bên trong nó.

Nội dung của mỗi lời nói đều chịu sự điều khiển của người nói. Mỗi câu nói phát ra, sẽ tác động trực tiếp đến người nghe, mối quan hệ của hai bên. Nếu đó là những lời nói xấu, mang sự tổn thương và những cảm xúc tiêu cực, thì rất dễ làm rạn nứt tình cảm đôi bên. Chẳng hạn như những lời nói dối, bịa đặt, những câu đùa quá trớn… Chúng sẽ khiến người đối diện khó chịu, phật ý ngay lúc ấy, hoặc về sau này. Khiến cho mối quan hệ trở nên tệ đi.

Chính vì thế, để không làm phật lòng người khác, mất đi những người bạn thân thiết, chúng ta cần có sự chọn lọc trước khi nói. Chúng ta cần phải hiểu được điều gì nên nói, điều gì không nên nói, đặc biệt là cả về cách xưng hô và diễn đạt nội dung. Tránh trường hợp lợi dụng sự “miễn phí” của lời nói, để nói năng thiếu cẩn trọng, thích gì nói nấy, chẳng quan tâm đến cảm nhận của người khác. Đơn cử như, những trường hợp là bạn bè thân thiết, thích trêu đùa nhau, nhưng lại hay đem những nhược điểm của đối phương ra để nói, khiến người khác khó chịu. Hay như trong những cuộc trao đổi, nhẫn xét, việc chỉ ra quá trực diện, vồ vập sai làm của người khác với những từ ngữ nhiếc móc, nặng nề rồi cho rằng mình là người thẳng tính. Đó là những suy nghĩ hết sức sai lầm. Trong những lời nói, chúng ta nên cân nhắc kĩ, tránh những nội dung có thể khiến người khác khó chịu, khổ sở. Để làm điều này, ông cha ta thường vận dụng vào lời nói những câu từ “nói giảm nói tránh”. Đây là một biện pháp hết sức ý nhị và phù hợp.

Tuy nhiên, để thực sự giúp cho việc giao tiếp đạt hiệu quả cao, cũng như phát huy hết giá trị của lời nói, chúng ta còn cần kết hợp thêm những yếu tố như cảm xúc, nét mặt, cử chỉ phù hợp. Vì dù nội dung lời nói có hay, có chân thực, có chứa chan tình cảm đến đâu, mà người nói đứng yên, vẻ mặt vô cảm hay thiếu nghiêm túc thì sức mạnh lời nói cũng phải giảm đi nhiều phần.

Từ bé, em đã được răn dạy rất nhiều về cách nói năng. Bản thân em, hiểu được ý nghĩa của lời nói, nên vẫn luôn cẩn trọng trong từng câu chữ của mình. Khi giao tiếp với người lớn, bạn bè, em nhỏ… em chú ý cách xưng hô, những từ lóng để đảm bảo sự thân thiết nhưng cũng không mất lịch sự. Tuy vẫn chưa thể hoàn toàn đảm bảo phát huy hết sức mạnh của lời nói, nhưng em vẫn đang cố gắng hoàn thiện từng ngày.

Như vậy, câu tục ngữ Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau đã đem đến một bài học nhỏ về ý nghĩa và cách sử dụng lời nói. Em sẽ luôn ghi nhớ và vận dụng bài học này vào cuộc sống thực tiễn của mình.

Đánh giá

0

0 đánh giá