Bao dung là gì? Ý nghĩa của lòng bao dung

118

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Bao dung là gì? Ý nghĩa của lòng bao dung giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Bao dung là gì? Ý nghĩa của lòng bao dung

1. Bao dung là gì?

Nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu bao dung nghĩa là gì? Nói một cách nôm na bao dung chính là mở rộng tấm lòng, chấp nhận và bỏ qua những thiếu sót, sai lầm của người khác mà không oán trách hay hờn giận. Khái quát hơn, bao dung còn là việc thấu hiểu, cảm thông, đặt mình vào vị trí của người khác để nhìn nhận, là thương yêu mọi người. Đỉnh cao của lòng bao dung chính là biết hi sinh những lợi ích bản thân vì người khác.

Ví dụ về lòng bao dung:

Một ví dụ thực tế về lòng bao dung là khi chúng ta chấp nhận và tôn trọng niềm tin của người khác ngay cả khi họ khác với niềm tin của chúng ta. 

Ví dụ 1: Nếu ai đó theo một tôn giáo hoặc có quan điểm khác, bao dung có nghĩa tôn trọng niềm tin của họ, ngay cả khi chúng ta không đồng ý với họ.

Bên cạnh đó, bao dung còn được thể hiện ở điểm biết tha thứ cho sai sót của người khác. 

Ví dụ 2: Nếu một người do sơ ý đổ nước vào người bạn, thay vì tức giận và mắng lại, bạn không chấp nhặt và bỏ qua nếu họ có thành ý xin lỗi.

Nghị luận xã hội về Lòng bao dung (dàn ý, 30 mẫu)

2. Phân biệt bao dung với vị tha, độ lượng 

Bao dung khác với vị tha, độ lượng như thế nào? Nếu vị tha là đức tính được biểu hiện qua việc đặt lợi ích chung lên lợi ích cá nhân, độ lượng là việc mở rộng tấm lòng, là sự cao thượng thì bao dung là trao đi yêu thương, là rộng lòng với những thiếu sót của mọi người.

Có thể thấy bao dung chính là sự kết hợp hài hòa giữa vị tha và độ lượng. Nếu chúng ta biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, có tấm lòng cao thượng để tha thứ cho sai lầm của người khác thì lúc đó chúng ta sẽ sẵn sàng chấp nhận những khác biệt từ những người xung quanh với thái độ tích cực nhất.

Dù có đôi chút khác biệt nhưng bao dung, vị tha hay độ lượng suy cho cùng cũng xuất phát từ tình yêu thương và sự cảm thông, hy sinh. Hơn hết, chúng chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sử dụng đúng cách, đúng thời điểm và với đúng đối tượng nên chúng ta cần phải sáng suốt.

3. Ý nghĩa của lòng bao dung trong cuộc sống

Lòng bao dung có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống đối với chính bản thân người đó, bạn bè, gia đình và cả xã hội xung quanh, đồng thời giúp tạo ra môi trường sống tích cực và hòa thuận.

Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp: Lòng bao dung giúp duy trì các mối quan hệ cá nhân và xã hội bền vững, giúp các mâu thuẫn và hiểu lầm được giải quyết một cách nhẹ nhàng, tránh xung đột, bạo lực

Giảm căng thẳng và áp lực: Khi thể hiện lòng bao dung, chúng ta sẽ ít bị tổn thương hay bực bội trước những tình huống khó chịu, từ đó giữ được sự bình an và hạnh phúc trong tâm hồn.

Thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội: Bao dung giúp con người cởi mở hơn, sẵn sàng học hỏi từ những khác biệt và tôn trọng sự đa dạng trong xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các mối quan hệ.

Bao duBao dung là gì? Ý nghĩa của lòng bao dungng là gì? (ảnh 1)

4. Vì sao con người cần phải có lòng bao dung?

Lòng bao dung không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của xã hội mà còn mang lại những giá trị tốt đẹp cho chính bản thân những người đó. Bạn có thể tham khảo một số lý do con người cần phải có lòng bao dung, từ đó xây dựng cho mình những suy nghĩ và phong cách sống tích cực nhé.

Sống bao dung giúp cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn

Trước hết, lòng bao dung giúp cuộc đời trở nên tốt đẹp hơn, giúp xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, giảm mâu thuẫn và tạo ra một môi trường sống hòa thuận, an vui. Khi sống bao dung, ta sẽ học được cách bỏ qua những lỗi lầm nhỏ nhặt, những khác biệt của mọi người, từ đó giảm căng thẳng và sống hạnh phúc hơn. Đồng thời, nó cũng giúp rèn luyện khả năng lắng nghe, thấu hiểu, lòng nhân ái và sự kiên nhẫn giúp đời sống tinh thần trở nên nhẹ nhàng và tràn ngập tình yêu thương. 

Sống bao dung mang lại sự thanh thản cho tâm hồn

Sống bao dung không chỉ là mang lại sự cảm thông, tình yêu thương cho người khác mà còn nhận lại sự thanh thản cho chính bản thân mình. Bằng cách loại bỏ những cảm xúc nặng nề như oán trách, giận dữ, buồn phiền, tâm hồn ta sẽ được thoải mái, tự do và tràn ngập những điều tốt đẹp.

Tuy nhiên, bao dung không có nghĩa là chấp nhận mọi điều kiện, mà là biết giới hạn, biết phân định đúng sai nhưng vẫn luôn có lòng thiện tâm, không để hận thù chi phối. Một cuộc sống bao dung không chỉ tạo ra một môi trường tích cực mà còn giúp tâm hồn trở nên bình thản và an nhiên hơn.

Bao dung để nhận lại sự bao dung từ người khác

Những người có cùng tần số, cùng suy nghĩ sẽ liên kết với nhau, tìm thấy nhau, cho đi và nhận lại những điều tương tự. Do đó, người có lòng bao dung sẽ dễ dàng nhận lại sự bao dung từ người khác, từ đó xây dựng môi trường và các mối quan hệ sống tốt đẹp. Ngoài ra, người có lòng bao dung luôn được mọi người yêu quý, giúp đỡ, sẵn sàng chỉ dạy và ngày càng phát triển, hoàn thiện bản thân.

5. Dẫn chứng về lòng bao dung

Dẫn chứng về sự bao dung - mẫu 1

Mahatma Gandhi là thủ lĩnh tinh thần phong trào đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ, là một vị lãnh tụ đáng kính được cả dân tộc tôn kính. Nhưng đáng tiếc thay, ông lại bị sát hại bởi chính người Ấn. Trước lúc ngã xuống, Gandhi đã để tay lên trán mình. Sau khi tìm hiểu tôi mới hiểu rằng hành động này trong Ấn Độ giáo có nghĩa là "Tôi tha thứ cho bạn". Gandhi không hề nói ra thành lời nhưng ông đã thể hiện lòng bao dung bằng tất cả chút sức lực mà ông còn lại. Còn chuyện gì khó hơn là tha lỗi cho chính kẻ đã tước đoạt mạng sống của mình? Gandhi có thể lựa chọn cách ứng xử khác là thù hận và kêu gọi trả thù người đã bắn mình. Nhưng làm vậy thì ông liệu có thanh thản ra đi? Có lẽ chính vì muốn tâm hồn được an nhiên, nhẹ nhõm, không còn bận tâm chuyện gì trong phút cuối cùng nên ông đã làm như thế. Chính lòng vị tha đã càng tô đậm thêm vẻ đẹp phẩm chất của người thủ lĩnh, khắc tạc lên sức sống bất diệt của ông, là tấm gương để thế hệ sau noi theo và chính là đỉnh cao của sự trả thù. Người đã ra tay với Gandhi chắc hẳn rất bất ngờ về hành động của ông và trong giây phút đó, có lẽ hắn nhận ra lỗi lầm to lớn của mình. Nhưng rồi vị tha cũng đã cho con người ta cơ hội sám hối và kéo chúng ta bên bờ vực của sự sa ngã, ranh giới giữa người và quỷ. Vị tha là một phương thuốc chữa lành kỳ diệu.

Dẫn chứng về sự bao dung - mẫu 2

“Nhân bất thập toàn” - ý chỉ đã là con người thì chẳng ai có thể hoàn hảo hay tốt đẹp đến mức tuyệt đối. Ai trong mỗi người chúng ta cũng từng hơn một lần mắc lỗi với những người xung quanh hay với chính mình. Sai lầm đó có thể đến từ những suy nghĩ, hành động bồng bột, nông nổi hoặc do hoàn cảnh khách quan tác động,... Nhưng nếu ta cứ luôn trách móc, chê bai, chế giễu lỗi lầm của người khác thì sẽ ra sao? Không chỉ không cảm thấy bình yên nơi tâm hồn, mà chính cá nhân ta sẽ ngày một tiêu cực đi bởi hành động soi mói, trì triết sai phạm của người khác. Vì vậy hãy rộng lượng bỏ qua sai lầm và trao cho họ cơ hội để sửa đổi bởi lẽ ẩn sâu bên trong mỗi con người đều có những đức tính tốt đẹp, đáng được trân trọng và nâng niu.

Dẫn chứng về sự bao dung - mẫu 3

Sự khoan dung thể hiện trong lý tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời, Người chỉ mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Những phẩm chất cao quý ấy được hội tụ và tỏa sáng trong tư tưởng, cử chỉ, lời nói và việc làm của Người, mà bất cứ ai, bất cứ người nào, khi gặp, tiếp xúc với Người đều yêu mến, ngưỡng mộ. Nhà báo Xô viết Ôxíp Manđenxtam đã viết: “Dân tộc An Nam đáng yêu, một dân tộc rất lịch thiệp và độ lượng, rất ghét những gì thái quá. Dáng dấp của con người đang ngồi trước mặt tôi đây, Nguyễn Ái Quốc cũng đang tỏa ra một cái gì thật lịch thiệp và tế nhị… Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai.”

Bao duBao dung là gì? Ý nghĩa của lòng bao dungng là gì? (ảnh 2)

6. Nghị luận xã hội về lòng bao dung

Dàn ý nghị luận xã hội về Lòng bao dung

I. Mở bài

Dẫn dắt vấn đề: Tạo hóa luôn ban tặng cho con người biết bao đức tính tốt đẹp

Nêu vấn đề nghị luận: Lòng bao dung là một đức tính quý giá mà mỗi người cần có để hoàn thiện nhân cách bản thân

II. Thân bài

1. Giải thích thế nào là bao dung?

Bao dung là có tấm lòng rộng mở, đại lượng, luôn tha thứ cho lỗi lầm của người khác

Lòng bao dung là một đức tính tốt đẹp và quý bàu để con người trở nên “người” hơn

2. Tại sao phải có lòng bao dung

Mỗi người ai cũng từng mắc sai lầm và chính vì lẽ đó chúng ta mới phải học cách bao dung

Bao dung khiến chúng ta sống đẹp hơn sống nhẹ nhàng, chân thành, cởi mở

Bao dung khiến cho mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp

Bao dung còn là cách để an ủi động viên người khác và bản thân sau mỗi lần vấp ngã

Bao dung khiến chúng ta nhận được sự kính trọng từ người khác

Bao dung khơi gợi bao phẩm chất tốt đẹp khác

3. Biểu hiện của bao dung

Cha mẹ luôn tha thứ cho con cái sau mỗi lần chúng mắc sai lầm, luôn bên cạnh động viên, khích lệ và ủng hộ

Pháp luật luôn có sự khoan hồng đối với phạm nhân khi họ cải thiện tốt và nhận ra sai lầm để sửa chữa

Bạn bè luôn tha thứ cho nhau khi giận hờn

Thầy cô bao dung tha thứ cho những lỗi lầm của học trò nếu như học trò có thiện chí sửa chữa sai lầm đó

Hằng năm nhà nước luôn có chính sách khoan hồng, ân xá cho những tù nhân tuy phạm sai lầm nhưng luôn có ý thức cải tạo, nỗ lực trở lại thành một con người lương thiện của đất nước

4. Làm gì để có lòng bao dung

Mỗi người hãy luôn học cách tha thứ và mỉm cười trước khó khăn, bỏ qua mọi chuyện

Suy nghĩ mọi thứ theo hướng tích cực,nhìn cuộc đời một cách lạc quan

Luôn lắng nghe người khác, thấu hiểu và cảm thông với họ

Liên hệ bản thân : Chúng ta là học sinh cần bao dung với bạn bè , tha thứ nếu có thể để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp

III. Kết bài

Khẳng định lại vấn đề: bao dung là một đức tính cao thượng là cách mỗi người nâng tâm hồn mình cao đẹp hơn

Lời nhắn: Hãy luôn sống giàu lòng bao dung và vị tha, hiểu nhau hơn . Nếu con người biết đặt mình vào vị trí của nhau thì xã hội sẽ đẹp tươi biết mấy

Nghị luận về lòng bao dung

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Ông cha ta đâu chỉ đang nhắc chuyện bầu, chuyện bí. Câu ca dao còn mang thông điệp nhân văn về lòng thương người, nhân ái, bao dung. Vậy thế hệ tiếp nhận bài học đó có còn hiểu và thực thi lòng bao dung trong cuộc sống đúng cách? Ba chữ “lòng bao dung” rất dễ hiểu. bao dung là sự rộng lòng tha thứ cho người có lỗi lầm. Tuy nhiên, nếu nói “lòng bao dung” thì bạn nên hiểu rộng hơn đó là bao dung, vị tha, biết đùm bọc, che chở, thậm chí hi sinh lợi ích cá nhân cho một điều gì đó xứng đáng. Đây là một đức tính tốt đẹp của con người.

Đúng như nghĩa chính nhất của nó, bao dung biểu hiện ở cách bạn biết tha thứ lỗi lầm. Không ai sinh ra mà hoàn hảo cả. Trong cuộc sống, ít nhiều sẽ mắc lỗi, bản thân mỗi chúng ta đều hiểu điều đó. Khi bản thân bạn mắc lỗi, bạn cũng cần được tha thứ. Do vậy, hãy tha thứ cho một ai đó khi họ mắc phải lỗi lầm. Lấy ví dụ trong lớp học, môi trường gần gũi với chúng ta nhất. Giả sử trong lớp có bạn bị phát hiện trộm cắp một món đồ của một học sinh khác. Bạn đó biết lỗi và đã trả lại món đồ. Cô giáo và các bạn khác đã tha thứ, bỏ qua và lại quan hệ hòa đồng với nhau trở lại. Biết tha thứ và từ bỏ ý niệm xấu xa trong mình, điều đó không gì khác ngoài lòng bao dung.

Bao dung biểu hiện cao cả hơn trong những vấn đề tế nhị hơn. Hãy nghĩ tới những ngày kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bão lửa. Khi giặc thua, đầu hàng, quân dân ta đã tha tội, thậm chí lo toan đủ miếng ăn, áo mặc và trả lính về với quê hương họ. Việc làm ấy khiến không ít bạn bè quốc tế ngưỡng mộ. Bản thân quân lính thua trận cũng tôn trọng quân và dân ta hơn.

Tôi khá tâm đắc một câu nói của Nam Cao: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thoả mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Có thể coi đây là một định nghĩa khác cụ thể hơn về bao dung. bao dung biểu hiện trong cách bạn đối xử với người khác, đặc biệt là người yếu thế. Bạn sinh ra có một hình hài hoàn thiện, bạn đã là “kẻ mạnh” so với những người khiếm khuyết cơ thể. Hãy thương yêu, bao bọc lấy họ giống như cách mà Thị Nở đã đến và yêu thương mảnh hồn tàn tạ, méo mó Chí Phèo. Đôi khi, một vài yêu thương nhỏ bé lại có khả năng cứu rỗi một đời người.

Như vậy, lòng bao dung đem lại cho chúng ta nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nó giúp ta sống hòa đồng, thiện chí với mọi người hơn. bao dung sẽ tiếp thêm sức mạnh cho người khác, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy vậy, bao dung không đồng nghĩa với sự tha thứ mù quáng. Hãy đặt lòng bao dung đúng lúc, đúng chỗ. Bạn chỉ nên tha thứ cho những người thực sự muốn được tha thứ. Đối với những kẻ cố tình mắc sai lầm và không có ý định sửa chữa, bạn không nên đặt sự tha thứ nơi họ. Làm như vậy trái lại chỉ để cho lòng tốt của chúng ta bị lợi dụng mà thôi.

Có câu “Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, hãy bao dung nếu có thể. Điều đó tốt cho bạn và tốt cho mọi người. Khi bạn sống bao dung, bạn sẽ nhận được nhiều thứ hơn so với những gì bạn nghĩ. Với tôi, sống bao dung giúp tôi thanh thản hơn.

Đánh giá

0

0 đánh giá