Câu hỏi tu từ là gì? Tác dụng của câu hỏi tu từ

11

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Câu hỏi tu từ là gì? Tác dụng của câu hỏi tu từ giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Câu hỏi tu từ là gì? Tác dụng của câu hỏi tu từ

I. Câu hỏi tu từ là gì?

- Khái niệm: Câu hỏi tu từ là câu hỏi được con người đặt ra nhưng lại không hướng tới việc tìm kiếm câu trả lời, hoặc nội dung câu trả lời đã có sẵn trong câu hỏi đó.Tùy vào mục đích giao tiếp của người hỏi, hoặc dụng ý nghệ thuật trong văn học mà câu hỏi tu từ có thể biểu đạt, hay tượng trưng cho một ý nghĩa nhất định nào đó.

- Ví dụ 1:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

(Hàn Mặc Tử)

- Ví dụ 2:

Các câu hỏi sau là những câu biểu cảm:

“Đưa người, ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm, không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong”

(Thâm Tâm)

II. Nhận biết đặc điểm của câu hỏi tu từ

- Có đầy đủ hình thức của một câu nghi vấn và luôn có dấu chấm hỏi để kết thúc một câu.

- Câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm khẳng định, hoặc nhấn mạnh nội dung, ý nghĩa nào đó mà người nói hoặc người viết muốn biểu đạt đến người khác.

- Thông tin được truyền đạt phải dễ hiểu, dễ tiếp thu đối với người đọc, người nghe.

- Thông tin luôn mang ý nghĩa tượng trưng cho một vấn đề nào đó.

- Được dùng theo cách nói ẩn dụ, nhằm thể hiện sắc thái biểu đạt.

- Có thể mang hàm ý phủ định với nội dung được người nói, người viết nhắc đến trong câu.

- Ví dụ:

“- Cậu có đi xem phim với tớ không?

- Cậu không thấy tớ còn nhiều bài tập thế này à?”

=> Câu thứ nhất là câu có mục đích hỏi. Câu thứ hai có hình thức là câu hỏi nhưng lại biểu thị sự từ chối (không đi xem phim được) => Câu thứ hai là câu hỏi tu từ

III. Tác dụng của câu hỏi tu từ

- Nhấn mạnh nội dung, thông tin mà người nói hoặc người viết muốn biểu đạt.

- Giúp cho câu văn trở nên sinh động, hấp dẫn và trực quan hơn. Giúp tăng hiệu quả diễn đạt nội dung, làm cho sắc thái ý nghĩa trong câu trở nên đa dạng và phong phú hơn.

- Thu hút sự chú ý và tập trung của người nghe, người đọc vào cuộc đối thoại, hoặc câu văn.

Ví dụ 1: “Tớ không đi xem phim được, cậu không thấy tớ còn nhiều bài tập thế này à?” => cho thấy người nói đang đưa ra lí do để từ chối đi xem phim

Ví dụ 2: “Mẹ mình đang đợi ở nhà” – con bảo “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?” (Ta-go, Mây và sóng) => khẳng định tình cảm gắn bó, không thể tách rời của con với mẹ

IV. Phân loại câu hỏi tu từ

Câu hỏi tu từ gồm 2 dạng:

- Câu hỏi tu từ mang nghĩa khẳng định: Được sử dụng để khẳng định lại mệnh đề đã được nhắc đến trước đó, đồng thời nhấn mạnh lại nội dung, ý nghĩa mà người viết muốn truyền đạt.

- Câu hỏi tu từ mang nghĩa phủ định: Có thể không chứa những từ phủ định như: không, chưa… Nhưng chúng vẫn mang ý nghĩa tương phản, đối lập, phủ định mệnh đề được nhắc đến trong câu/đoạn.

V. Phân biệt câu hỏi tu từ và câu nghi vấn

Câu hỏi tu từ

Câu nghi vấn

- Loại câu hỏi được dùng nhiều trong văn học - nghệ thuật nhằm mục đích khẳng định lại, nhấn mạnh hơn nội dung mà tác giả muốn gửi gắm qua câu hỏi ấy.

- Về chủ thể, người nêu câu hỏi có thể xác định được, nhưng không xác định rõ ràng người được hỏi là ai.

 

- Câu hỏi nhằm mục đích làm sáng tỏ một nội dung nào đó, người hỏi mong muốn nhận được câu trả lời từ người được hỏi.

- Về chủ thể, có ít nhất hai chủ thể - người hỏi và người được hỏi - thường là trực tiếp (người hỏi nêu câu hỏi, người được hỏi nghe câu hỏi và trả lời), hoặc gián tiếp qua công cụ nào đó (qua thư, qua tin nhắn,...) Câu nghi vấn thường được dùng trong thực tiễn cuộc sống hàng ngày.

VI. Phân biệt câu hỏi tu từ với câu hỏi thường

So với câu hỏi tu từ, câu hỏi thường là câu dùng để hỏi thông tin nhằm mục đích làm sáng tỏ một nội dung nào đó mà người hỏi chờ đợi câu trả lời từ người được hỏi. Do đó, trong câu nghi vấn sẽ gồm ít nhất 2 chủ thể là người hỏi và người được hỏi. Đó là câu hỏi trực tiếp, trong đó người hỏi nêu câu hỏi còn người được hỏi nghe câu hỏi và trả lời. Hoặc là câu hỏi gián tiếp qua một công cụ nào đó như nêu câu hỏi qua thư và câu trả lời qua thư từ người được hỏi. Câu nghi vấn thường được dùng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.

Trong khi đó, câu hỏi tu từ được dùng nhiều trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật, được người hỏi đưa ra không nhằm mục đích tìm hiểu, muốn làm rõ vấn đề cũng như không cần câu trả lời mà chỉ nhằm mục đích khẳng định, nhấn mạnh nội dung nào đó mà tác giả muốn gửi gắm qua câu hỏi ấy. Đối với câu hỏi tu từ, có thể xác định người đặt câu hỏi nhưng không xác định rõ người được hỏi là ai.

Câu nghi vấn có nhiều dạng câu hỏi khác nhau, được tác giả Cao Xuân Hạo (2004) chia thành các loại câu hỏi của tiếng Việt như sau:

* Câu hỏi chính danh bao gồm:

+ Câu hỏi có/không

+ Câu hỏi chuyên biệt giống một câu trần thuật có yếu tố nghi vấn.

+ Câu hỏi hạn định

+ Câu hỏi siêu ngôn ngữ mở đầu là “có phải” và cuối câu có từ “không”

+ Câu hỏi phái sinh có cuối câu là từ “đúng không”/(có) phải không/chứ/phỏng/sao/hả?

+ Câu hỏi có từ cuối là nhỉ và nhé

- Câu hỏi có tính chất cầu khiến không mong đợi thông tin mà muốn yêu cầu người khác theo cách phi ngôn ngữ.

- Câu hỏi có giá trị khẳng định với những từ ngữ đặt ở cuối câu như chứ sao? Chứ ai? Chứ còn gì nữa?...

- Câu nghi vấn có tính chất phủ định

- Câu nghi vấn có tính chất ngờ vực, phỏng đoán hay ngần ngại với những từ ngữ như không biết, phải chăng, biết, liệu, hay là,…

- Câu nghi vấn có tính chất cảm thán với những từ ngữ nghi vấn như bao nhiêu, biết mấy, sao … thế,…

VII. Bài tập về câu hỏi tu từ

Bài 1: Hãy đặt câu hỏi tu từ cho các tình huống dưới đây:

a. Thể hiện cảm xúc khi được nhận một món quà từ người thân.

b. Bày tỏ suy nghĩ về một nhân vật mà bản thân yêu thích nhất trong các tác phẩm văn học

Trả lời:

a. Món quà thật đẹp, chắc mẹ phải mất nhiều thời gian để chọn lắm phải không?

b. Phải chăng Thị Nở đồng ý cưới Chí Phèo thì hắn sẽ không rơi vào kết cục bi thảm đến vậy?

Bài 2: Câu hỏi tu từ là câu hỏi không dùng để hỏi mà để làm gì?

A. Khẳng định

B. Phủ định

C. Bộc lộ cảm xúc

D. Tất cả đáp án trên

Câu hỏi tu từ là câu hỏi không dùng để hỏi mà để khẳng định, phủ định, bộc lộ cảm xúc,…

Đáp án cần chọn là: D

Bài 3: Khác với câu hỏi thông thường, câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm mục đích gì?

A. Nhằm đạt một số hiệu quả giao tiếp

B. Tăng sắc thái biểu cảm

C. Biểu đạt ý nghĩa một cách tế nhị, uyển chuyển

D. Tất cả đáp án trên

Khác với câu hỏi thông thường, câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm đạt một số hiệu quả giao tiếp như tăng sắc thái biểu cảm, biểu đạt ý nghĩa một cách tế nhị, uyển chuyển

Đáp án cần chọn là: D

Bài 4: Trong giao tiếp, câu hỏi tu từ có tác dụng gì?

A. Thu hút sự quan tâm của người đọc, người nghe

B. Để hỏi

C. Để sai khiến

D. Tất cả đáp án trên

Trong giao tiếp, câu hỏi tu từ nhằm thu hút sự quan tâm của người đọc, người nghe, làm cho lời nói thêm uyển chuyển, giàu sắc thái biểu cảm

Đáp án cần chọn là: A

Bài 5: Câu hỏi tu từ được dùng trong văn học có tác dụng gì?

A. Tăng sắc thái biểu cảm

B. Gợi ra nhiều ý nghĩa

C. Tạo hiệu quả thẩm mĩ cho tác phẩm

D. Tất cả đáp án trên

Câu hỏi tu từ được dùng trong văn học nhằm làm tăng sắc thái biểu cảm, gợi ra nhiều ý nghĩa, tạo hiệu quả thẩm mĩ cho tác phẩm

Đáp án cần chọn là: D

Bài 6: Câu hỏi tu từ gồm có mấy dạng?

A. Bốn dạng

B. Ba dạng

C. Hai dạng

D. Một dạng

Câu hỏi tu từ gồm có hai dạng: khẳng định và phủ định

Đáp án cần chọn là: C

Bài 7: Trong các câu thơ dưới đây, đâu là câu hỏi tu từ?

A. Ngày mai người ra biển lớn, liệu người còn nhớ đến em?

B. Thuyền đợi bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?

C. Chẳng biết mai về sau, anh có quay lại đây?

D. Tất cả đáp án trên

Câu B là câu hỏi tu từ

Đáp án cần chọn là: B

 

Đánh giá

0

0 đánh giá