Nguyễn Quang Sáng (1932 - 2014) là một nhà văn và nhà biên kịch nổi tiếng của nền văn học hiện đại Việt Nam, đặc biệt là những tác phẩm viết về người lính và chiến tranh. Văn chương của ông mang một chất giọng nhẹ nhàng, chân thành, trong sáng và đầy cảm động, khiến ông được mệnh danh là "một trong những con khủng long quý hiếm của nền văn học thời chiến trận mà tác phẩm không có hận thù". Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là truyện ngắn "Chiếc lược ngà". Trong tác phẩm này, Nguyễn Quang Sáng không cố khơi gợi lên mối thù hận chiến tranh, mà thay vào đó, ông tập trung khắc họa tình cảm gia đình, tình cha con và những nỗi đau trong cảnh ngộ đầy éo le của những ngày đất nước đau thương.

Trước tiên, chúng ta phải nói đến nỗi đau và sự bất hạnh của người lính chiến - anh Sáu. Là một người đàn ông đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, anh đã cầm súng chiến đấu suốt hàng chục năm trời, từ khi đứa con gái của anh chưa tròn một tuổi. Anh Sáu đã hy sinh rất nhiều, chấp nhận rời bỏ quê hương, xa vợ con để theo tiếng gọi của Tổ quốc, hy sinh cả sức khỏe và xương máu tại chiến trường. Sau nhiều năm chiến đấu, anh nhận lại được gì? Một tấm thân đầy sương gió, một vết sẹo dữ tợn trên mặt và sự xa lánh, kinh sợ của đứa con gái mà anh chưa từng được ôm bồng. Đứa trẻ ấy chỉ yêu thương người cha trong bức ảnh của mẹ, chứ không phải người đàn ông trung niên có vết sẹo xấu xí. Trong suốt những ngày nghỉ phép, anh Sáu đã phải đối diện với nỗi đau ghê gớm, sự buồn rầu và nuối tiếc khi đã bỏ lỡ những khoảnh khắc bên con. Những cử chỉ ghét bỏ, lạnh lùng của bé Thu như từng nhát dao cứa vào trái tim anh, mang đến nỗi đớn đau day dứt trong tâm hồn. Khi phải đánh con vì sự hỗn láo mà anh chưa dạy dỗ ngày nào, nỗi đau của bé Thu một thì nỗi đau của anh Sáu lại là mười. Bé Thu không có lỗi, anh Sáu càng không có lỗi, lỗi là do hoàn cảnh trái ngang đã đẩy mối quan hệ cha con vào tình thế căng thẳng. Khi cha con nhận ra nhau trong một khung cảnh đầy cảm động, anh Sáu lại phải quay trở lại chiến trường và cuối cùng hy sinh tại đó. Anh ra đi khi chưa kịp trao cho đứa con gái yêu chiếc lược ngà mà anh đã hứa tặng, ra đi trong nỗi đau và nuối tiếc dồn nén. Nhân vật anh Sáu trong "Chiếc lược ngà" chính là một minh chứng rõ nét cho câu nói: "Không có hạnh phúc nào cho người lính". Điều này khiến chúng ta thêm trân trọng những hy sinh của cha ông, yêu thương và kính trọng những người đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc và thân nhân của họ.

Nhân vật thứ hai trong truyện ngắn này là bé Thu, cũng là một nạn nhân gián tiếp của chiến tranh. Bé Thu có hoàn cảnh tội nghiệp, cha ra đi vào chiến trường khi bé còn nhỏ, lớn lên trong vòng tay của mẹ và bà trong những năm tháng đất nước đau thương. Thu là một cô bé biết suy nghĩ, thấu hiểu hành động đi chiến đấu của cha và trong trái tim nhỏ bé của bé là tình cảm yêu thương phụ tử cùng lòng ngưỡng mộ người lính cách mạng anh hùng. Tuy nhiên, sự xa cách và suy nghĩ non nớt đã dẫn đến bi kịch gia đình. Bé Thu chỉ yêu thương người cha trong tấm ảnh, không thể hiểu rằng bom đạn có thể lấy đi mọi thứ và để lại trên thân thể những vết sẹo không bao giờ lành. Khi nhìn thấy người cha với vết sẹo dữ tợn, phong trần già nua, bé Thu thất vọng và sợ hãi, không chịu nhận anh Sáu là cha, không gọi một tiếng "cha" nào và còn có những hành động hỗn hào, lạnh lùng với anh Sáu. Điều này thể hiện bi kịch gia đình của người lính khi xa nhà quá lâu, đến nỗi con gái không nhận ra cha. Khi bé Thu nhận ra cha, cuộc hội ngộ chỉ kéo dài vài phút ngắn ngủi trước khi anh Sáu phải quay lại chiến trường và hy sinh. Bé Thu trở thành một nạn nhân của sự nuối tiếc muộn màng. Khi hiểu ra mọi chuyện và quyết định nhận cha, thì cha lại phải ra đi. Ngày bé nhận cha cũng là lần cuối cô bé còn được nhìn thấy cha bằng xương bằng thịt, để lại nỗi niềm hối hận âm ỉ trong trái tim bé Thu mãi mãi.

Dù gần gũi ít, xa cách nhiều, tình cảm cha con giữa anh Sáu và bé Thu vẫn rất thắm thiết và sâu nặng. Anh Sáu cố gắng bù đắp, chăm sóc bé Thu những ngày nghỉ phép, nén nhịn nỗi đau và tức giận trước sự lạnh nhạt của con chỉ mong được con bé thừa nhận. Khi ra chiến trường, anh vẫn nhớ những lời dặn dò của bé Thu, tỉ mẩn làm cho bé một chiếc lược ngà, làm xong rồi luôn đặt trong túi trước ngực, thỉnh thoảng lại lấy ra chải tóc cho chiếc lược thêm bóng bẩy, đẹp đẽ, dồn hết yêu thương vào đó. Bé Thu là một đứa trẻ hiểu chuyện, tuy cứng đầu nhưng sẵn sàng sửa sai khi nhận ra lỗi lầm của mình.

Chiến tranh dù đã qua đi hơn nửa thế kỷ nhưng những câu chuyện như "Chiếc lược ngà" vẫn khiến nhiều độc giả xúc động và đau đớn cho cuộc đời của những người lính chiến và gia đình của họ. Tình cảm cha con giữa anh Sáu và bé Thu vừa cảm động lại vừa là một bi kịch đầy xót xa, khiến chúng ta không thể không trăn trở và suy nghĩ.