Biện pháp tu từ so sánh là gì? Các phép so sánh thường dùng

298

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Biện pháp tu từ so sánh là gì? Các phép so sánh thường dùng giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Biện pháp tu từ so sánh là gì? Các phép so sánh thường dùng

I. Biện pháp tu từ là gì?

- Khái niệm: Biện pháp tu từ là một trong những biện pháp nghệ thuật hay được sử dụng trong các tác phẩm văn học. Nhờ việc sử dụng các biện pháp tu từ, tác giả có thể dễ dàng hơn trong việc truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc về mỗi sự vật, sự việc đến bạn đọc một cách dễ dàng và sinh động hơn.

- Tác dụng:

+ Tăng sự gợi hình, gợi cảm cho con người, cảnh vật và thiên nhiên.

+ Nhằm thu hút người đọc, người nghe.

+ Thể hiện sự đa dạng, độc đáo về từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt.

+ Giúp người đọc, người nghe dễ nhớ và tạo ấn tượng độc đáo cho người đọc.

+ Thể hiện trọn vẹn tâm tư, tình cảm, cảm xúc, nguyện vọng của tác giả.

II. So sánh là gì?

- So sánh là phép đối chiếu một sự vật hoặc sự việc, hiện tượng này với một sự vật hoặc sự việc, hiện tượng khác có nét tương đồng nhằm mục đích tăng sức gợi hình, gợi cảm cho việc diễn đạt.

- Ví dụ 1:

Cày đồng vào buổi ban trưa

Mồ hôi rơi thánh thót như mưa ruộng cày.

- Ví dụ 2: Bàn tay bé như bông hoa đầu cành

- Ví dụ 3:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan”.

=> Trẻ em được so sánh như búp trên cành vì có nét tương đồng đều non, trẻ.

- Ví dụ 4:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

=> Công cha được so sánh với núi Thái Sơn, nghĩa mẹ được so sánh với nước trong nguồn. Công cha, nghĩa mẹ và núi Thái Sơn, nước trong nguồn có nét tương đồng là: to lớn, nhiều.

III. Cấu tạo của so sánh

Phép so sánh gồm có 2 vế gồm:

Vế A: Sự vật được đem ra so sánh

– Phương tiện dùng so sánh: Là những nét tương đồng giữa 2 vế A và B.

– Từ ngữ dùng để so sánh: Các từ ngữ so sánh phổ biến gồm: hơn, như, là…

Vế B: Sự vật dùng so sánh

– Phương diện so sánh và từ so sánh cũng có thể được lược bỏ bớt.

– Vế B có thể sẽ được đảo lên trước A cùng với từ so sánh.

- Ví dụ:

Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

Núi cao biển rộng mênh mông

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”!

(Ca dao)

Trong đoạn ca dao trên thì vế A là công cha, nghĩa mẹ được so sánh với vế B là núi ngất trời, nước ở ngoài biển Đông bằng từ so sánh như. Công cha nghĩa mẹ đều có sự tương đồng với núi ngất trời và nước ở ngoài biển Đông mênh mông rộng lớn cho thấy ý nghĩa của cha mẹ là to lớn.

IV. So sánh có mấy loại?

Biện pháp tu từ so sánh thường được chia thành 2 loại:

- So sánh ngang bằng

+ Là biện pháp tu từ so sánh có sử dụng các từ so sánh như: như là, là, y như, như, giống như, tựa như, bao nhiêu, bấy nhiêu…

+ Ví dụ 1:

Bao nhiêu tấc đất tấc thì bằng bấy nhiêu

Anh em như thể là tay chân.

Thầy thuốc tựa như mẹ hiền.

+ Ví dụ 2:

“Anh em như thể tay chân”

“Trên trời mây trắng như bông

Ở giữa cánh đồng bông trắng như mây”.

Chậm như rùa.

Trắng như bông.

Ngang như cua.

Đen như mực.

Khỏe như voi.

Nhanh như cắt.

- So sánh không ngang bằng

+ Là biện pháp tu từ so sánh có sử dụng các từ ngữ so sánh gồm: chưa bằng, hơn, hơn là, kém, chẳng bằng…

+ Ví dụ 1:

Một giọt máu đào lớn hơn ao nước lã.

Một trăm gầu tát cũng không bằng một bát nước mưa.

+ Ví dụ 2:

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”.

(Tố Hữu)

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con”.

(Ca dao)

Bóng Bác cao lồng lộng

Ấm hơn ngọn lửa hồng”.

(Minh Huệ)

V. Các phép so sánh thường dùng

1. So sánh sự vật này với sự vật khác.

- Là kiểu so sánh đối chiếu một sự vật này với sự vật khác dựa trên nét tương đồng.

Ví dụ:

– Cây gạo to lớn như một tháp đèn khổng lồ.

2. So sánh sự vật với con người hoặc ngược lại.

- Là cách so sánh dựa trên những nét tương đồng về một đặc điểm của sự vật với một phẩm chất của con người để làm nổi bật lên phẩm chất của con người.

Ví dụ:

– Trẻ em như búp trên cành.

3. So sánh âm thanh với âm thanh

- Là kiểu so sánh dựa trên sự giống nhau về đặc điểm của âm thanh này với đặc điểm của âm thanh kia, có tác dụng làm nổi bật sự vật được so sánh.

Ví dụ:

– Tiếng chim hót líu lo như tiếng sáo du dương.

4. So sánh hoạt động với các hoạt động khác.

- Cách so sánh thường được sử dụng với mục đích cường điệu hóa sự vật, hiện tượng, hay được dùng trong ca dao, tục ngữ.

Ví dụ: Con trâu đen chân đi như đập đất

VI. Dấu hiệu nhận biết phép so sánh trong câu

Ví dụ: Trời xanh biếc như màu nước biển

- Sự vật được so sánh: Trời xanh

- Từ so sánh: như

- Sự vật được dùng để so sánh: nước biển

=> Cấu tạo của một câu có sử dụng biện pháp tu từ so sánh bao gồm: vế được so sánh và vế để so sánh. Giữa hai vế so sánh thường sẽ có từ so sánh. Một số từ so sánh là: tựa như, như, giống như,…

VII. Tác dụng của phép so sánh

– Giúp tạo ra được những hình ảnh cụ thể, sinh động, người nghe sẽ dễ hình dung ra sự vật, sự việc được miêu tả.

– Giúp tạo được lối nói hàm súc, người nghe dễ dàng nắm bắt tư tưởng, tình cảm của người viết.

VIII. Bài tập về biện pháp tu từ so sánh

Bài 1. Chọn các đáp án đúng trong các câu sau:

Câu 1. Dòng nào dưới đây nêu đúng về biện pháp tu từ so sánh?

A. So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét khác biệt

B. So sánh là biện pháp tu từ phổ biến nhất trong tiếng Việt.

C. So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng

D. So sánh là biện pháp tu từ giúp cho câu văn, câu thơ ngắn gọn, có đọng, hàm súc.

Câu 2. Tìm câu văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong đoạn văn sau.

Mặt trời mới sáng đã như quả cầu lửa và hun đốt thành phố suốt ngày dài. Rét cũng khốn khổ. Suốt cả một mùa đông lạnh, Luận chỉ có độc một bộ vét thay đổi và đã phải đem bán đồ rồi. Đôi giày da duy nhất chống chọi với cái buốt tấy sưng ngón chân thì đã há mồm, rách cạnh. Cái lạnh thấu thịt da hành hạ người nghèo. Nhưng, nóng nôi cũng chẳng sung sướng gì. Ngày nóng bức, đêm oi nồng, lại thêm đàn muỗi hút máu người quấy quả dẳng dai. Quạt điện không có, quạt tay chỉ một lúc đã rã rời. Lắm đêm không ngủ được, trằn trọc, oán giận cả ông Trời, sao ông phung phí năng lượng đến như thế? Sao mọi sự lại có thể vô lí đến như thế được?

A. Mặt trời mới sáng đã như quả cầu lửa và hun đốt thành phố suốt ngày dài.

B. Rét cũng khốn khổ.

C. Cái lạnh thấu thịt da hành hạ người nghèo.

D. Lắm đêm không ngủ được, trằn trọc, oán giận cả ông Trời, sao ông phung phí năng lượng đến như thế

Câu

1

2

Đáp án

C

A

Bài 2. Tìm những hình ảnh so sánh trong các khổ thơ sau:

a) Bế cháu ông thủ thỉ:

Cháu khỏe hơn ông nhiều.

Ông là buổi trời chiều

Cháu là ngày rạng sáng.

PHẠM CÚC

b) Ông trăng tròn sáng tỏ

Soi rõ sân nhà em

Trăng khuya sáng hơn đèn

Ơi ông trăng sáng tỏ.

TRẦN ĐĂNG KHOA

Trả lời:

a) Các hình ảnh so sánh:

- Sức cháu được so sánh với sức ông: Cháu khỏe hơn ông nhiều.

- Ông được so sánh với buổi trời chiều vì ông đã già.

- Cháu được so sánh với ngày rạng sáng vì cháu ngày càng lớn và khỏe mạnh.

b) Hình ảnh so sánh:

- Trăng được so sánh với đèn: Trăng khuya sáng hơn đèn.

Bài 3. Biện pháp tu từ so sánh là gì?

A. Là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật… bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người

B. Là sắp xếp nối tiếp hàng loạt từ hay cụm từ cùng loại để diễn tả được đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những khía cạnh khác nhau của thực tế hay tư tưởng, tình cảm

C. Là đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng này với sự vật, sự việc, hiện tượng khác có nét tương đồng để tăng sức gợi hình, gợi cảm…

D. Là dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ, nặng nề, tránh thô tục, thiếu lịch sự

Đáp án : C

So sánh là đối chiếu sự vật, sự việc, hiện tượng này với sự vật, sự việc, hiện tượng khác có nét tương đồng để tăng sức gợi hình, gợi cảm…

Bài 4. Thông thường mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm có:

A. Vế A (Nêu tên sự vật, sự việc được so sánh)

B. Vế B (Nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc được so sánh ở vế A)

C. Đáp án A và B sai

D. Đáp án A và B đúng

Đáp án : D

Thông thường mô hình cấu tạo đầy đủ của một phép so sánh gồm có:

- Vế A (nêu tên sự vật, sự việc được so sánh)

- Vế B (nêu tên sự vật, sự việc dùng để so sánh với sự vật, sự việc được so sánh ở vế A)

Bài 5. Có mấy kiểu so sánh?

A. 2 kiểu

B. 3 kiểu

C. 4 kiểu

D. 5 kiểu

Đáp án : A

Biện pháp tu từ so sánh có hai kiểu: so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng

Bài 6. So sánh ngang bằng là gì?

A. Là kiểu so sánh đối chiếu sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ hơn kém để làm nổi bật cái còn lại

B. Là sử dụng các từ ngữ thường gọi con người dùng để gọi vật

C.Là sử dụng các từ ngữ chỉ tính chất, hoạt động của con người để chỉ hoạt động, tính chất của vật

D. Là kiểu so sánh các sự vật, sự việc, hiện tượng có sự tương đồng với nhau

Đáp án : D

So sánh ngang bằng là kiểu so sánh các sự vật, sự việc, hiện tượng có sự tương đồng với nhau

Bài 7. So sánh không ngang bằng là gì?

A. Là kiểu so sánh đối chiếu sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ hơn kém để làm nổi bật cái còn lại

B. Là sử dụng các từ ngữ thường gọi con người dùng để gọi vật

C. Là sử dụng các từ ngữ chỉ tính chất, hoạt động của con người để chỉ hoạt động, tính chất của vật

D. Là kiểu so sánh các sự vật, sự việc, hiện tượng có sự tương đồng với nhau

Đáp án : A

So sánh không ngang bằng là kiểu so sánh đối chiếu sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ hơn kém để làm nổi bật cái còn lại.

Bài 8. Chỉ ra câu có sử dụng kiểu so sánh ngang bằng

Anh em như thể tay chân

Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đã thức vì chúng con

Nhanh như cắt

Ngang như cua

Bóng Bác cao lồng lộng

Ấm hơn ngọn lửa hồng

Chậm như rùa

Đáp án

Anh em như thể tay chân

Nhanh như cắt

Ngang như cua

Chậm như rùa

Bài 9. Chỉ ra câu có sử dụng kiểu so sánh không ngang bằng

Trắng như tuyết

Đen như mực

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Khỏe như voi

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi

Đáp án

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi

Bài 10. Em hãy cho biết tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong các câu thơ sau:

a.“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

b. “Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Lời giải:

a. Tác dụng: giúp nhấn mạnh sự vất vả của người nông dân khi làm nông

b. Tác dụng: giúp nhấn mạnh công lao sinh thành, nuôi dạy, giáo dục và chăm lo của cha mẹ lớn lao như thế nào.

 

Đánh giá

0

0 đánh giá