Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Tìm hiểu về Thơ thất ngôn bát cú Đường luật giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Tìm hiểu về Thơ thất ngôn bát cú Đường luật
1. Thơ Đường luật là gì?
Thơ Đường luật hay thơ luật Đường là một thể thơ Đường với các luật xuất hiện vào thời nhà Đường ở Trung Quốc. Đây là một trong những dạng thơ Đường bên cạnh thơ cổ phong (cổ thể thi), từ, thơ Đường luật đã phát triển mạnh mẽ chính tại quê hương của nó và lan toả ra nhiều quốc gia lân bang với tư cách thể loại tiêu biểu nhất của thơ Đường nói riêng và tinh hoa thi ca Trung Hoa nói chung. Thơ Đường luật còn được gọi với thơ cận thể để đối lập với thơ cổ thể vốn không theo cách luật ấy.
Thơ Đường luật có một hệ thống quy tắc phức tạp được thể hiện ở năm điều sau: Luật, Niêm, Vần, Đối và Bố cục. Về hình thức, thơ Đường luật có các dạng: thất ngôn bát cú - được xem là dạng chuẩn; biến thể có các dạng như thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú cũng như các dạng ít phổ biến.
2. Tìm hiểu thơ thất ngôn bát cú
- Về bố cục: Bài thơ thất ngôn bát cú gồm bốn cặp câu thơ, thường tương ứng với bốn phần: để (triển khai ý ẩn chứa trong nhan đề), thực (nói rõ các khía cạnh chính của đối tượng được bài thơ đề cập), luận (luận giải, mở rộng suy nghĩ về đối tượng), kết (thâu tóm tinh thần của cả bài, có thể kết hợp mở ra những ý tưởng mới). Khi đọc hiểu, cũng có thể vận dụng cách chia bố cục bài thơ thành hai phần: bốn câu đầu, bốn câu cuối hoặc sáu câu đầu, hai câu cuối.
- Về luật bằng trắc và niêm: Bài thơ phải sắp xếp thanh bằng, thanh trắc trong từng câu và cả bài theo quy định chặt chẽ. Quy định này được tính từ chữ thứ 2 của câu thứ nhất: Nếu chữ này là thanh bằng thì bài thơ thuộc luật bằng, là thanh trắc thi bài thơ thuộc luật trắc. Để đảm bảo sự hài hoà, cân bằng, trong mỗi câu, các thanh bằng, trắc đan xen nhau (bắt buộc ở chữ thứ 2, 4, 6) và trong mỗi cặp câu (còn gọi là liên), các thanh bằng, trắc phải ngược nhau. Về niêm, hai liên thơ liền nhau được “dính” theo nguyên tắc: Chữ thứ 2 của câu chắn thuộc liên trên phải cùng thanh với chữ thứ 2 của câu lẻ thuộc liên dưới.
- Về vần và nhịp: Bài thơ thất ngôn bát cú chỉ gieo một vẫn là vần bằng ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8; riêng vẫn của câu thứ nhất có thể linh hoạt. Câu thơ trong bài thất ngôn bát cú thường ngắt theo nhịp 4/3.
- Về đối: Bài thơ thất ngôn bát cú chủ yếu sử dụng phép đối ở hai câu thực và hai câu luận.
Ví dụ minh họa
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san xẻ tí con con.”
(Tự tình II, Hồ Xuân Hương)
3. Luật thơ thất ngôn bát cú Đường luật
Số chữ, số câu hạn định: Một bài thơ thất ngôn bát cú có tổng cộng có 56 chữ , gồm 8 câu mỗi câu 7 chữ.
Luật bằng trắc: làm thơ thất ngôn bát cú phải theo quy luật bằng trắc rất chặt chẽ. Bài thơ sẽ theo luật thanh trắc, nếu chữ thứ 2 của câu đầu tiên trong bài thơ là thanh trắc. Tương tự, nếu là thanh bằng thì bài thơ theo luật bằng. Nếu bài thơ không tuân theo luật bằng trắc thì sẽ gọi là thất luật
Luật thơ thất ngôn bát cú Đường luật
Niêm: Chữ thứ 2 của câu thứ 2 trong bài thơ phải cùng nhóm thanh (bằng hoặc trắc) với chữ thứ 2 của câu thứ 3 và khác nhóm thanh với chữ thứ 2 của câu thứ 4. Niêm này cứ tiếp tục như vậy cho đến hết bài thơ. Và nếu trái luật sẽ được gọi là thất niêm.
Đối: Khi làm thơ thất ngôn bát cú phải nhớ rằng, các câu 3 – 4 và 5 – 6 đối với nhau từ ý đến từ và thanh theo từng cặp một. Đối phải bao gồm cả đối ý, đối từ và đối thanh.
Vần: Vần được gieo ở cuối các câu chẵn của bài thơ thất ngôn bát cú Đường Luật. Vần có 2 loại là chính vận (gồm những chữ có âm giống hệt nhau, chỉ khác phụ âm đầu và dấu giọng) và thông vận (gồm những chữ có âm tương tự nhau)
Nhịp điệu: Khi làm thơ thất ngôn bát cú bạn được ngắt nhịp ở chữ thứ 2 hoặc thứ 4 của câu.
4. Bố cục một bài thơ thất ngôn bát cú
Một bài thơ thất ngôn bát cú có 4 cặp câu tạo thành 4 phần: đề – thực – luận – kết:
Đề: gồm 2 câu đầu. Câu 1 mở bài được gọi là phá đề, còn câu 2 là thừa đề, bổ sung cho câu 1 để cùng nói lên đầu đề của bài .
Thực hay còn được gọi Trạng: 2 câu 3 và câu 4 dùng giải thích cho đầu bài
Luận: 2 câu 5 và câu 6 nói lên cảm xúc, ý kiến khen chê hay so sánh…
Kết: 2 câu cuối tóm ý nghĩa cả bài.
5. Một số bài thơ thất ngôn bát cú hay
Thơ thất ngôn bát cú về mưa: MƯA CHIỀU KỶ NIỆM
Thương người giã biệt một chiều mưa
Lệ đẫm khăn thêu lúc cuối mùa
Kỷ niệm mong hoài còn thổn thức
Duyên tình nhớ mãi vẫn đong đưa
Sương mờ lạnh lẽo chờ mây gọi
Khói nhạt hanh hao đợi gió lùa
Nỗi cảm cô đơn buồn lặng lẽ
Mơ hồ tưởng lại chuyện ngày xưa…
Thơ thất ngôn bát cú về mùa thu: THU XƯA
Lá úa trên cây nhuộm sắc màu
Đôi ta rẽ hướng biết tìm đâu
Đìu hiu lối cũ câu duyên nợ
Khắc khoải đường xưa chữ mộng sầu
Tiếng hẹn ghi lòng sao vẫn tủi
Lời yêu tạc dạ mãi còn đau
Gom từng kỷ niệm vào hư ảo
Lặng ngắm thu về giọt lệ ngâu…
Thơ thất ngôn bát cú về hoa: HOA MẮC CƠ
Hoa nở bên lề hứng giọt sương
Tên em Mắc Cỡ mọc trên đường
Nhẹ nhàng cánh mỏng ong không thích
Dịu ngọt đài mềm bướm chẳng thương
Tháng lạnh mưa rơi lòng trộm nhớ
Đêm dài gió thổi dạ hoài vương
Đem thân hiến trọn cho đời sống
Chữa bệnh yên lành khắp mọi phương…
Thơ thất ngôn bát cú về hoàng hôn: CHIỀU MƠ
Hoàng hôn tắt nắng phủ sương mờ
Dõi mắt trông về dạ ngẩn ngơ
Rặng liễu bên hồ đang ủ rũ
Lục bình dưới nước bỗng chơ vơ
Muôn điều hạnh ngộ như dòng chảy
Một khúc rời xa tận bến bờ
Chữ mộng chung vai sầu quạnh quẽ
Hương lòng vẫn đọng tại chiều mơ.
Thơ thất ngôn bát cú về hoa: LỤC BÌNH TRÔI
Thân em tắm gội giữa dòng sông
Một thuở lênh đênh đượm ngát nồng
Hoa tím bồng bềnh mùa nước nổi
Bèo xanh nghiêng ngã dưới cơn giông
Nghĩ thương buổi sớm còn chờ đón
Tủi kiếp ban chiều hết ngóng trông
Nắng táp mưa sa đời phận bạc
Lục Bình trôi mãi vẫn long đong
6. Phân tích bài thơ thất ngôn bát cú đường luật
Phân tích Câu cá mùa thu
Nguyễn Khuyến là người có cốt cách thanh cao và giàu lòng yêu nước, ông một lòng không hợp tác với kẻ thù. Ông được mệnh danh là “nhà thơ của dân tình, làng cảnh Việt Nam”. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ hay và đặc biệt là chùm ba bài thơ thu điển hình cho làng quê, phong cảnh Việt Nam. Trong đó nổi bật hơn cả là bài Câu cá mùa thu.
Nếu như ở bài Thu vịnh cảnh thu được đón nhận từ cao xa rồi mới đến gần thì bài Câu cá mùa thu khung cảnh thiên nhiên mùa thu lại được đón nhận ở một chiều kích khác: từ gần rồi tiến ra cao xa và từ cao xa trở về gần. Khung cảnh được mở ra với nhiều chiều hướng vô cùng sinh động.
Cảnh thu được mở ra với hình ảnh không gian hết sức trong trẻo:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Không khí mùa thu được gợi nên từ sự dịu nhẹ, nguyên sơ nhất của cảnh vật với làn nước trong veo, không một gợn đục. Mùa hè đã đi qua, những cơn mưa lớn với dòng nước đỏ đục đã không còn thay vào đó là cái thanh tĩnh, trong trẻo của làn nước, của cảnh vật. Trong không gian nhỏ hẹp ấy là hình ảnh của chiếc thuyền câu nhưng nó không hề lọt thỏm giữa không gian thiên nhiên mà lại rất hài hòa, cân xứng. Tác giả vẽ ra khung cảnh tưởng như đối lập ao thu – thuyền câu, nhưng kì thực chúng lại hòa quyện với nhau đến kì lạ. Bởi vật tác giả chọn là ao thu chứ không phải hồ thu – gợi cảm giác rộng lớn, choáng ngợp. Ao thu ấy khi có thuyền câu bên cạnh trở nên hài hòa, cân xứng và đậm chất khung cảnh làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Hai câu thơ đầu gieo vần eo nhưng không hề gợi lên cảm giác eo hẹp, nhỏ bé, tù túng mà ngược lại gợi nên cái nhỏ nhắn, thanh thoát của cảnh vật.
Bức tranh thu tiếp tục được Nguyễn Khuyến phác họa ở cặp câu thơ tiếp theo:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Những đường nét của khung cảnh cũng hết sức mảnh mai với sóng hơi gợn tí, lá khẽ đưa vèo, dường như mọi chuyển động đều vô cùng nhẹ nhàng, thanh thoát. Vận dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh Nguyễn Khuyến đã làm nổi bật sự tĩnh lặng tuyệt đối của không gian, của cảnh vật. Phải là không gian vô cùng yên tĩnh thì thi nhân mới có thể cảm nhận tiếng động thật khẽ, thật êm của cảnh vật, dù là sóng có gợn hay chiếc lá khẽ đưa, bằng giác quan tinh tế, nhạy cảm Nguyễn Khuyến đã nắm trọn từng khoảnh khắc của thiên nhiên. Sắc vàng nếu như ở những bài thơ khác chính là sắc màu chủ đạo, là điểm nhấn để gợi nhắc mùa thu thì trong câu thơ của Nguyễn Khuyến sắc vàng ấy cũng như bao sắc màu khác trong bức tranh: xanh của trời, trong veo của nước,… nó chỉ góp phần tạo nên đường nét hài hòa cho bức tranh, tuyệt nhiên không gợi cảm giác buồn bã của tâm trạng, hay héo úa của cảnh vật.
Không chỉ vậy, cái hồn dân dã, vẻ đẹp mùa thu của làng quê Bắc Bộ còn được gợi lên từ những ngõ trúc quanh co:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Không gian được mở rộng ở chiều cao, tác giả hướng ánh mắt lên bầu trời để cảm nhận được cái “xanh ngắt” của bầu trời, và rất tự nhiên thu tầm nhìn về với ngõ trúc quanh co. Không gian mùa thu vô cùng tĩnh lặng. Mọi chuyển động đều quá nhẹ nhàng, êm ái không đủ để gợi nên âm thanh, duy chỉ có tiếng động của tiếng cá đớp mồi: “Cá đâu khẽ động dưới chân bèo”. Nhưng cái động đó kết hợp với từ “khẽ” lại chỉ càng nhấn mạnh, tô đậm hơn cái yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật. Với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, Nguyễn Khuyến đã cho thấy cái thanh tĩnh tuyệt đối của làng quê Việt Nam trong cảnh thu thanh bình, dịu nhẹ.
Bài thơ có nhan đề là Câu cá mùa thu, nói về chuyện câu cá mà thực lại không phải vậy. Mượn chuyện câu cá để cảm nhận hết trời thu, cảnh thu vào cõi lòng mình. Hẳn Nguyễn Khuyến phải có tâm hồn thanh tĩnh đến tuyệt đối mới có thể có nhận đầy đủ vẻ đẹp của mùa thu: trong veo, cái hơi gợn tí của nước, độ rơi khẽ khàng của lá. Đặc biệt sự tĩnh lặng trong tâm hồn thi nhân được gợi lên một cách sâu sắc từ tiếng động duy nhất trong bài thơ là tiếng cá đớp mồi dưới chân bèo. Sự tĩnh lặng trong cảnh vật gợi cho người đọc cảm nhận về sự cô đơn, uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Trong bài các gam màu lạnh xuất hiện nhiều: trong veo, xanh ngắt,… dường như cái lạnh của thu thấm vào tâm hồn nhà thơ hay chính tâm hồn cô đơn của tác giả lan tỏa sang cảnh vật. Đặt trong bối cảnh đất nước đầy biến thiên lúc bấy giờ, có thể thấy bài thơ thể hiện tâm trạng đau buồn của Nguyễn Khuyến trước hiện tình đất nước đầy đau thương.
Bài thơ thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy của Nguyễn Khuyến. Tiếng Việt trong sáng, giản dị nhưng lại diễn tả được tất cả những gì tinh tế, đẹp đẽ nhất của cảnh vật, diễn tả được tâm trạng và tấm lòng của nhà thơ. Gieo vần “eo” – từ vận tài tình góp phần miêu tả không gian nhỏ hẹp và tâm trạng đầy uẩn khúc của tác giả. Nghệ thuật lấy động tả tĩnh gợi lên cái tĩnh lặng tuyệt đối của thiên nhiên.
Bài thơ Câu cá mùa thu với ngôn ngữ bậc thầy không chỉ cho người đọc thấy tài năng của Nguyễn Khuyến trong việc dùng từ. Mà đằng sau đó ta còn cảm nhận được một tâm hồn gắn bó tha thiết với thiên nhiên, đất nước, tấm lòng yêu nước thầm lặng nhưng không kém phần sâu nặng.
Xem thêm các nội dung khác: