Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Đề bài: Khát vọng dâng hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
Dàn ý Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ
1. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
- Khái quát khổ 4 5: Hai khổ thơ thể hiện ước vọng được hòa nhập vào cộng đồng, được hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc.
2. Thân bài
* Khái quát bài thơ
* Phân tích khổ 4
- Nội dung chính của khổ 4: khát vọng được hòa nhập, được mang đến niềm vui cho đời:
Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến
- Khổ thơ sử dụng phép điệp từ với từ “ta làm” cùng nhịp thơ nhanh, dồn dập => Thể hiện khát vọng mãnh liệt được cống hiến của thi nhân.
=> Đó là những ước mơ vô cùng nhỏ bé, đơn sơ, tô điểm cho mùa xuân của đất nước.
+ Một nốt trầm: một âm trầm, không ồn ào, không nổi bật, không cao điệu, chỉ âm thầm lặng lẽ nhập vào khúc ca đón mừng xuân về của nhân dân.
- Tác giả sử dụng đại từ “ta” chính là muốn nói đây không phải chỉ là tâm niệm riêng của ông, mà nó còn là khát vọng chung của một dân tộc.
=> Kết luận: Khổ thơ 4 đã thể hiện rõ nét khát vọng được nhập vào cuộc đời, được cống hiến một phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, nguyện vì sự phồn vinh của dân tộc mà hi sinh mình. Đây chính là tâm niệm cao đẹp, đáng quý của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã sống trọn nhịp thở với đất nước, với quê hương.
* Phân tích khổ 5
- Nội dung chính của khổ 5: ước nguyện được cống hiến chân thành, tha thiết, không kể tuổi tác:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
=> Tác giả có một cách sống thật đẹp, đó là một lẽ sống cống hiến khiêm tốn, lặng lẽ, âm thầm, không mong cầu được tôn vinh.
=> Đây chính là lợi tự nhủ bản thân phải kiên trì, phải quật cường dẫu cho thời gian có thể cướp đi sức trẻ của con người, để có thể mãi là một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn của quê hương.
=> Tác giả đã vượt lên cả bệnh tật, tuổi già bằng một niềm yêu đời tha thiết, mãnh liệt để luôn hướng mình đến lối sống có ích cho đời. Đó là một ý thức cao đẹp, ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước, là một khát vọng sống mãnh liệt để mãi được cống hiến, là một ý thức bất diệt trong tâm hồn của tác giả.
3. Kết bài
Sơ đồ tư duy
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 1
Thanh Hải là một nhà cách mạng, một nhà thơ đã dành cả cuộc đời của mình cho cuộc chiến tranh giành lại độc lập của dân tộc. Ngay cả những ngày tháng cuối cùng của đời mình, ông vẫn nuôi một khát khao mãnh liệt được hòa mình vào cuộc đời, được trở thành một mùa xuân nhỏ điểm tô sắc màu vào mùa xuân vĩ đại của đất nước. Tâm niệm cao đẹp ấy của ông được thể hiện rõ nét qua khổ 4, 5 của tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” - tác phẩm như một khúc ca rộn rã cuối cùng mà Thanh Hải để lại cho cuộc đời.
Nếu như ở những khổ thơ trước đó, Thanh Hải đã dùng tất cả tình cảm yêu mến của mình để dệt nên những hình ảnh thơ dạt dào cảm xúc về mùa xuân, thì đến khổ thứ 4, tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên để bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm rất riêng về lẽ sống, về giá trị cuộc đời mỗi người:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
Đoạn thơ như một khúc ca mang giai điệu ngọt ngào đến cho người đọc. Điệp từ “ta làm” được sử dụng như một cách bày tỏ ước nguyện chân thành của thi nhân. Nhà thơ muốn trở thành một con chim nhỏ để cất tiếng hót mua vui cho đời, muốn làm một cành hoa để điểm tô sắc thắm cho mùa xuân của đất mẹ. Những hình ảnh trên đều là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống.
Nếu như ở những đoạn thơ trước, hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã hiện hữu trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, thì giờ đây, nó được sử dụng để thể hiện lẽ sống cao đẹp của một con người nhỏ bé. Mong muốn sống có ích, mong muốn được góp một phần tinh túy của mình vào mùa xuân của đất nước chính là tâm niệm lớn nhất của nhà thơ, nhà cách mạng này!
Cái “tôi” của thi nhân trong những phần đầu của bài thơ đã chuyển thành cái “ta” chung. Đây chính là cách nhà thơ khẳng định không chỉ riêng mình, mà còn rất nhiều những con người đang thầm lặng cống hiến sức mình cho mùa xuân chung đều có những lẽ sống cao đẹp như thế.
Với hình ảnh “nốt trầm” và cách lặp từ “một”, ta có thể thấy những ước nguyện của tác giả thật chân thành và tha thiết. Không ồn ào, không cao giọng, cũng chẳng nổi bật, ông chỉ muốn làm một nốt trầm xao xuyến để góp vào cùng bản hòa ca chung của nhân dân. Đó chính là tâm niệm được đem một phần nhỏ bé của mình để góp vào công cuộc đổi mới của đất nước. Thật cao đẹp và khiêm tốn cho một tâm hồn mang lẽ sống đáng quý!
Đoạn thơ cuối cùng chính là ước nguyện được cống hiến không kể tuổi tác hay bệnh tật:
“Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo thể hiện cho một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người, mỗi sự cống hiến đều được ví như một mùa xuân nho nhỏ hòa mình vào mùa xuân chung của đất trời, của Tổ Quốc. Chỉ một màu sắc đẹp, chỉ một vẻ tinh túy riêng của mỗi người đã có thể giúp cho mùa xuân của đất nước thêm phần sắc thắm và rạng rỡ.
Đó cũng chính là ước nguyện nhỏ bé của nhà thơ, ước nguyện được làm việc, được hi sinh và cống hiến một cách thầm lặng cho quê hương đất nước bất chấp cả thử thách của thời gian, tuổi tác:
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Hai câu cuối của khổ 5 mang một âm điệu rắn rỏi cùng điệp từ “dù là” đã góp phần khẳng định sự tự tin trước mọi khó khăn, trở ngại của đời người. Tuổi trẻ cống hiến hy sinh, về già cũng có thể tiếp tục âm thầm góp sức nhỏ vào công cuộc chung. Ý thức trách nhiệm đối với cuộc đời, với quê hương đất nước, khát vọng được cống hiến dường như đã trở thành một lẽ sống đi theo tác giả cả một đời thầm lặng.
Đây nào phải ước nguyện của riêng nhà thơ, mà nó còn là một lời kêu gọi mọi người cùng nhau chung tay xây dựng một cuộc sống mới tốt đẹp hơn trên một đất nước yên bình trong tương lai. Cái tâm nguyện cao đẹp này, dường như ta cũng đã từng bắt gặp nó trong những vần thơ của Tố Hữu:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Nào chỉ có Tố Hữu, ta cũng có thể tìm thấy sự hi sinh thầm lặng, cống hiến tài năng, sức trẻ cho cuộc đời trong nhiều tác phẩm văn học khác. Đó là nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, đó là những ý thơ đẹp của của Nguyễn Sĩ Đại trong thi phẩm Lá xanh, đó là những người không tên không tuổi đang ngày đêm làm việc vì trách nhiệm với Tổ quốc mà ta chẳng thể nào biết. Họ chính là những “mùa xuân nho nhỏ” đang góp sức mình vào công cuộc chung, vào mùa xuân vĩ đại của dân tộc.
Khổ thơ 4 và 5 của bài Mùa xuân nho nhỏ đã làm xôn xao tâm hồn người đọc bởi nguyện ước chân thành mà khiêm tốn của nhà thơ. Đẹp hơn cả là đó nào phải nguyện ước của riêng Thanh Hải, mà nó còn là nguyện ước của rất nhiều người đang âm thầm lặng lẽ hi sinh cho đời. Đọc những vần thơ trên, ta tự nhủ phải làm gì mới không hổ thẹn với những người đã đi trước, hổ thẹn vì đã chối bỏ trách nhiệm với Tổ quốc thiêng liêng? Điều đó nằm ở những suy nghĩ và hành động ngày hôm nay của bạn!
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 2
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được Thanh Hải viết trên giường bệnh trước khi tác giả mất không lâu sau đó. Bài thơ là tiếng lòng thiết tha, niềm yêu mến vô hạn của nhà thơ đối với cuộc sống đẹp tươi, với đất nước đang từng ngày đổi mới và ước nguyện được gắn kết cuộc đời mình với cuộc đời chung của dân tộc.
Sáu câu thơ đầu như tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Trên dòng sông xanh của quê hương mọc lên “một bông hoa tím biếc”. Động từ “mọc” nằm ở vị trí đầu câu thơ gợi tả sự ngạc nhiên vui thú, một niềm vui hân hoan đón chào tín hiệu mùa xuân:
“Mọc giữa dòng sông xanh,
Một bông hoa tím biếc.”
“Bông hoa tím biếc” ấy chỉ có thể là hoa lục bình, hoặc hoa súng mà ta thường gặp trên ao hồ, sông nước làng quê:
“Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông…”
(Trở về quê nội – Lê Anh Xuân)
Màu xanh của nước hòa hợp với màu “tím biếc”của hoa đã tạo nên bức tranh xuân chấm phá mà đằm thắm. Ngẩng nhìn bầu trời, nhà thơ vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót Chim chiền chiện còn gọi là chim sơn ca, bạn thân của nhà nông. Từ “ơi” cảm thán biểu lộ niềm vui ngây ngất khi nghe chim hót:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.”
Hai tiếng “hót chi” là giọng điệu thân thương của người dân Huế được tác giả đưa vào diễn tả cảm xúc thiết tha giữa người với tạo vật. Chim chiền chiện hót gọi xuân về. Tiếng chim ngân vang, rung động đất trời đem đến bao niềm vui. Ngắm dòng sông, nhìn bông hoa đẹp, nghe chim hót, nhà thơ bồi hồi sung sướng:
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
“Đưa tay… hứng” là một cử chỉ bình dị trân trọng, thể hiện sự xúc động sâu xa. “Giọt long lanh” là sự liên tưởng đầy chất thơ. Là giọt sương mai, hay giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện? Sự chuyển đổi cảm giác (thính giác – thị giác) đã tạo nên hình khối thẩm mĩ của âm thanh.
Chỉ bằng ba nét vẽ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót…, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân đẹp tươi và đáng yêu vô cùng. Đó là vẻ đẹp và sức sống mặn mà của đất nước vào xuân.
Bốn câu thơ tiếp theo nói về mùa xuân sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. Cấu trúc thơ song hành để chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược ấy:
“Mùa xuân người cầm súng,
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ.”
“Lộc” là chồi non, cành biếc mơn mởn. Khi mùa xuân về cây cối đâm chồi nảy lộc. “Lộc”trong vãn cảnh này tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc, mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân đem mồ hôi và sức lao động cần cù làm nên màu xanh cho ruộng đồng, “trải dài nương mạ ” bát ngát quê hương. Ý thơ vô cùng sâu sắc: máu và mồ hôi của nhân dân đã góp phần tô điểm mùa xuân và để giữ lấy mùa xuân mãi mãi.
Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao.”
“Hối hả” nghĩa là vội vã, gấp gáp, khẩn trương. “Xôn xao” nghĩa có nhiều âm thanh xen lẫn vào nhau, làm cho náo động; ở trong câu thơ, “xôn xao “cùng với điệp ngữ “tất cả như… ” làm cho câu thơ vang lên nhịp điệu vui tươi, mạnh mẽ khác thường. Đó là hành khúc Mùa Xuân của thời đại Hồ Chí Minh.
Đoạn thơ tiếp theo nói lên những suy tư của nhà thơ về đất nước và nhân dân:
“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”.
Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách “vất vả và gian lao”. Thời gian đằng đẵng ấy, nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đem xương máu và mồ hôi, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm để xây dựng và bảo vệ đất nước. Dân ta tài trí và nhân nghĩa. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt đã khẳng định sức mạnh Việt Nam. Câu thơ “Đất nước như vì sao” là một hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời, vĩnh hằng trong không gian, và thời gian.
So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp. Hành trang đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn cản được: “Cứ đi lên phía trước”. Ba tiếng “cứ đi lên” thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh”. Sau lời suy tư là điều tâm niệm của Thanh Hải. Trước hết là lời nguyện cầu được hóa thân:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”
“Con chim hót” để gọi xuân về, đem đến niềm vui cho con người. “Một cành hoa” để tô điểm cuộc sống, làm đẹp thiên nhiên sông núi. “Một nốt trầm” của bản “hòa ca” êm ái để làm xao xuyến lòng người, cổ vũ nhân dân. “Con chim hót”, “một cành hoa “, “một nốt trầm…” là ba hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui, cho tài trí của đất nước và con người Việt Nam.
Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Lời thơ tâm tình thiết tha. Mỗi con người hãy trở thành “một mùa xuân nho nhỏ” để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Ai cũng phải có ích cho đời. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng: “Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta” (Nguyễn Khoa Điềm). “Nho nhỏ” và “lặng lẽ” là cách nói khiêm tốn, chân thành. “Dâng cho đời” là lẽ sống đẹp, cao cả. Bởi lẽ “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình ” (Tố Hữu). Sống hết mình thủy chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ đất nước, cả từ lúc “tuổi hai mươi” trai tráng cho đến khi về già “tóc bạc”. Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời gan ruột của mình. Ông đã sống như lời thơ ông tâm tình. Cảm động hơn nữa là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết ra trên giường bệnh, một tháng trước lúc ông qua đời.
Thanh Hải sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ rất tài tình: “Ta làm… ta làm… ta nhập…”, “dù là tuổi… dù là khi… “đã làm cho âm điệu thơ, giọng thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được khắc sâu và nhấn mạnh. Người đọc xúc động biết bao trước một giọng điệu thơ trữ tình, ấm áp tình đời như vậy. Có thể xem đoạn thơ này là những lời trăng trối của ông.
Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương:
“Mùa xuân ta xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế.”
Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ “Mùa xuân ta xin hát” diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương. Đó là “ngàn dặm mình”, “ngàn dặm tình” đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là “dịu ngọt”.
Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Qua khổ thơ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ, tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Đó cũng là lời nhắn nhủ của nhà thơ đến người đọc muốn thế hệ rằng mỗi một cuộc đời hãy là một mùa xuân của đất nước. Đất nước ta mãi mãi sẽ là những mùa xuân tươi đẹp.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 3
Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" được Thanh Hải viết vào tháng 11 năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh và một tháng trước lúc qua đời. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp và khí thế của đất nước vào xuân, thể hiện khát vọng và tình yêu thiết tha được trọn đời hiến dâng cho quê hương đất nước vô cùng nhân văn của tác giả.
Trong đó, khổ thơ 4 và khổ thơ 5 trong bài đã thể hiện được ước nguyện khát vọng cống hiến của nhà thơ. Trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ", nhà thơ Thanh Hải đã bộc lộ những khát vọng sống cống hiến của mình một cách sâu sắc và nhân văn qua khổ thơ thứ 4. Ở khổ thơ thứ 4, cấu trúc điệp từ "Ta làm" đã cho thấy khát vọng được cống hiến cho đời của nhà thơ. Cách dùng đại từ xưng hô "ta" cho thấy một sự khát vọng cá nhân nằm trong sâu thẳm trong tâm trí nhà thơ Thanh Hải. Có lẽ, từ tận sâu trong trái tim của mình, nhà thơ thực sự mong ước bản thân được cống hiến và đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước, làm đẹp cho cuộc đời. Những hình ảnh "con chim hót, một cành hoa, một nốt trầm" là những hình ảnh ẩn dụ cho những điều đóng góp làm đẹp cho đời của tác giả. Trong sâu thẳm tâm hồn của mình, Thanh Hải mong mình có thể đóng góp cho cuộc đời chung, dù chỉ là một con chim hót đóng góp tiếng hót cho đời, một cành hoa cho hương sắc hay một nốt trầm xao xuyến vào bản hòa ca chung của đất nước. Những dòng thơ cho thấy khát vọng cống hiến của nhà thơ, dù chỉ là những đóng góp nhỏ bé nhưng sâu thẳm trong nhà thơ, những sự cống hiến ấy là đóng góp vào cuộc đời chung. Đối với cuộc sống chung, đây là quan điểm sống vô cùng nhân văn và giàu ý nghĩa. Mỗi cá nhân đóng góp vào cuộc đời chung để làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp và hạnh phúc, tạo nền tảng hạnh phúc bền lâu cho cuộc đời và con người.
Tiếp theo, ở khổ thơ thứ 5, hình ảnh mùa xuân nho nhỏ ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho những khát vọng, việc làm cống hiến cho cuộc sống, cho đất nước. Theo em, đây là hình tượng nghệ thuật độc đáo và mang đầy giá trị nhân văn. Mùa xuân nho nhỏ chính là những khát vọng được cống hiến, làm đẹp cho đời của mỗi cá nhân. Tư tưởng ấy thực sự là tư tưởng cao đẹp và mang đầy tính nhân văn của con người. Con người sống trên đời đều cần một lý tưởng sống cho mình. Và lý tưởng sống cao đẹp nhất đó là lý tưởng sống cống hiến, sống cho đi mà không cần báo đáp, sống để tô điểm cho đời, sống để cống hiến và xây dựng cộng đồng ngày một tốt đẹp hơn. Nếu mỗi người đều có thái độ sống đẹp và giàu triết lý như vậy thì cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Từ "lặng lẽ" trong bài thơ là thái độ cống hiến và xây dựng cuộc sống một cách âm thầm, lặng lẽ, không cần ai biết đến. Tư tưởng sống cống hiến của nhà thơ Thanh Hải còn được thể hiện qua việc bất chấp tuổi tác "Dù là tuổi hai mươi/Dù là khi tóc bạc". Dù ở độ tuổi nào thì con người sống trên đời cũng cần cống hiến vào cuộc sống chung, góp mình vào công cuộc chuyển mình và dựng xây đất nước.
Đây là khổ thơ mà em thích nhất bởi vì nó thể hiện tư tưởng sống cao đẹp và đầy tính nhân văn, mỗi người, mỗi cá nhân đều có thể tạo nên 1 mùa xuân nho nhỏ để góp phần xây dựng nên mùa xuân trường tồn mãi mãi của đất nước giàu đẹp và xã hội phồn vinh. Tóm lại, hai khổ thơ 4 và 5 trong bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của nhà thơ Thanh Hải đã thể hiện được khát vọng sống cống hiến của nhà thơ. Đó là khát vọng được cống hiến dù chỉ 1 chút nhỏ bé vào công cuộc chuyển mình và sự tươi đẹp, phát triển của đất nước.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 4
Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Ông nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm mang lời tâm tình tha thiết. Trong đó, Mùa Xuân Nho Nhỏ là tác phẩm nổi bật được nhiều người đọc yêu thích. Bài thơ không chỉ là bức tranh mùa xuân tươi đẹp mà còn là khát vọng cống hiến cho đời một cách chân thành. Khổ thứ thứ 4 và thứ 5 chính là đoạn thể hiện rõ ràng nhất ước vọng của nhà thơ. Ông muốn hiến dâng cuộc đời cho mùa xuân chung của đất nước, dân tộc.
Những lời thơ bình dị trong khổ 4, 5 chính là lời tâm tình của tác giả muốn gửi gắm. Đi sâu vào từng đoạn qua những luận điểm sẽ giúp mỗi người cảm nhận được sâu sắc hơn.
Nội dung chính của khổ thơ thứ 4 chính là khát vọng được hòa nhập và mang niềm vui đến cho đời.
Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến
Trong 4 câu thơ này, ta giả đã sử dụng 3 điệp từ “ta” nghe rất bình dị và thân thuộc. Đi kèm là nhịp thơ dồn dập thể hiện khát vọng một cách rõ nét. Nhân vật trữ tình ở đây “muốn làm con chim hót” để góp tiếng hót cho đời; “muốn làm một cành hoa” để hương sắc cuộc sống thêm rực rỡ; Những ước mong ấy thật ra vô cùng giản dị và bình thường. Ông chỉ mong cho mùa xuân của đất nước lúc nào cũng ngập tràn hương sắc và tươi mới.
“Ta nhập vào hòa ca” chỉ mong là “một nốt trầm” không hề ồn ào mà lặng lẽ để cho âm thanh của mùa xuân vui tươi hơn.
Sở dĩ tác giả sử dụng từ “Ta” để nói lên ước nguyện vì ông biết đó là khát vọng chung của nhiều con người, không riêng gì ông. Bất kỳ ai với tấm lòng yêu nước và tâm hồn nghệ sĩ đều mong muốn hòa nhập vào cuộc sống, cống hiến cho đất nước. Đặc biệt là những con người có lòng dũng cảm luôn nguyện hi sinh vì sự phồn vinh cho đất nước.
Khổ thơ thứ 5 chính là ước nguyện cống hiến một cách chân thành chẳng màng tuổi tác. Hình ảnh mùa xuân nho nhỏ lúc này được nhắc đến như cuộc đời của mỗi người. Để có được mùa xuân lớn cho đất nước, mỗi người nên góp mùa xuân nhỏ bé của mình vào đó. Như vậy, mùa xuân lớn ấy mới thật sự rực rỡ. Trong hai câu thơ này, tác giả đã sử dụng từ láy như “lặng lẽ”, “nho nhỏ” để chúng ta thấy được nhân cách sống cao đẹp của con người. Mọi điều trong cuộc đời đều hướng đến lợi ích chung của dân tộc. Đồng thời, tác giả cũng cho thấy sự đối lập giữa cái nhỏ bé của con người với không gian rộng lớn của đất nước ta.
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Nhà thơ chỉ âm thầm lặng lẽ muốn cống hiến cho đời chẳng cần ai biết hay phô trương tiếng tăm. Cho dù khi trẻ hay đến “khi tóc bạc”, nhà thơ vẫn nguyện âm thầm cống hiến. Tuổi tác thay đổi nhưng khao khát hiến dâng cuộc đời chẳng thể nào đổi thay.
Đồng thời, hai câu thơ còn cho chúng ta thấy được thái độ quyết tâm dù có trở ngại thì vẫn luôn quyết tâm thực hiện lời hứa đó. Lương tâm của nhân vật luôn kiên trì vượt qua thử thách của cuộc đời để mãi là mùa xuân nho nhỏ cho đời.
Thông qua việc phân tích khổ 4 5, chúng ta đã phần nào thấy được những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc của tác giả. Ông không chỉ sử dụng từ láy mà còn rất nhiều điệp từ độc đáo để diễn tả ước nguyện. Thêm vào đó là những hình ảnh đẹp vô cùng quen thuộc và giải dị. Đi kèm là những ngôn từ tinh tế gợi lên cảm xúc một cách nhẹ nhàng.
Và đặc biệt hơn cả chính là phép so sánh và ẩn dụ sáng tạo. Tất cả những yếu tố này đã phần nào tạo nên sự đặc sắc trong thơ ca của Thanh Hải. Chính yếu tố đó đã góp phần làm cho bài thơ trở nên giá trị hơn về mặt nội dung, ý nghĩa.
Như vậy, khi phân tích khổ 4 5 bài Mùa Xuân Nho Nhỏ, chúng ta đã thấy được ý thức, trách nhiệm với quê hương đất nước của tác giả. Thêm vào đó là khao khát được cống hiến cả mùa xuân cho đời, chỉ mong đất nước mãi rực rỡ.
Ngoài ra, tác giả còn muốn gửi gắm thông điệp cho tất cả mọi người. Để mùa xuân đất nước mãi tươi đẹp thì mỗi cá nhân đừng quên đóng góp mùa xuân nho nhỏ của đời mình.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 5
Xúc động trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và cách mạng, Thanh Hải muốn làm một mùa xuân nho nhỏ góp phần vào mùa xuân rộng lớn của thiên nhiên, của đất nước:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoa ca
Một nốt trầm xao xuyến."
Với nghệ thuật điệp ngữ "Ta làm" nhằm nhấn mạnh ước nguyện của nhà thơ thật khiêm nhường và chân thành, tha thiết. Thanh Hải chỉ xin làm con chim nhỏ dâng tiếng hót cho đời, một cành hoa để tô thêm sắc thắm của mùa xuân đất nước. trong bản hòa ca rộn ràng tưng bừng muôn nốt nhạc tươi vui, nhà thơ xin được làm một nốt trầm nhưng đủ xao xuyến lòng người. Ở đây có sự chuyển đổi đại từ "tôi - ta". "Tôi" chỉ riêng cá nhân nhà thơ. "Ta" vừa diễn tả cái riêng của nhà thơ vừa nói đến mọi người. Từ ước nguyện của bản thân, Thanh Hải muốn gửi đến mọi người một thông điệp: sống phải có ích, sống phải cống hiến dù ít và sống phải hòa nhập.
Khát vọng cống hiến còn được thể hiện ở khổ thơ tiếp theo như một triết lí:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc."
Hình ảnh ẩn dụ "Mùa xuân nho nhỏ", hoán dụ "tuổi hai mươi, khi tóc bạc"; điệp ngữ "Dù là" như nhấn mạnh điều tác giả muốn nói với mỗi người hãy là một mùa xuân, một mùa xuân đẹp dâng tặng cho đất nước. Con người phải luôn cố gắng hoàn thiện mình và làm đẹp cho mọi người bằng sức lực của chính mình. Chỉ cần một mùa xuân thôi xin hãy là mùa xuân đẹp nhất. Thanh Hải như muốn nói lên ước nguyện cống hiến trọn vẹn, trọn đời. Từ khi mái đầu xanh cho đến khi tóc bạc. Mỗi người hãy mang đến cho cuộc đời những nét riêng tinh túy nhất dù nhỏ bé trong mùa xuân đất nước.
Phải chăng cuộc đời của Thanh Hải cũng như thế. Vì vậy ngay cả khi nằm trên giường bệnh đau đáu từng phút giây, gần đất xa trời nhưng ông vẫn luôn nhớ tới đất nước, vẫn muốn cống hiến cho đời một bản tình ca tha thiết.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 6
Thanh Hải là nhà thơ đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông dành cả cuộc đời cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Ngay đến cả những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải vẫn khát khao được gắn kết với mạch nguồn cuộc sống, với trái tim lớn dân tộc, cống hiến sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc dựng xây đất nước. Ý nguyện cao đẹp ấy được trình bày trong khổ thơ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, tác phẩm cuối cùng mà nhà thơ gửi lại cho đời.
“Mùa xuân nho nhỏ” là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Thanh hải. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ, mong ước được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
Trước mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, sự đi lên của cuộc sống, tác giả khát khao được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước. Chưa bao giờ đất nước đẹp tươi hơn thế. Chặng đường lịch sử đã qua với bao gian lao, vất vả. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt, sức mạnh dân tộc được khẳng định, đất nước vẫn trường tồn và đi lên. Đất nước như vì sao là sự so sánh đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng vô tận, là vẻ đẹp của vũ trụ, vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Đây là niềm tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, bất diệt.
Đất nước ấy luôn lớn mạnh, đi lên từng ngày. Hành trình đi tới tương lai của đất nước vẫn không ngừng, cứ đi lên là sự thể hiện chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Hân hoan, tự hào và trách nhiệm, nhà thơ muốn hóa thành một phần vẻ đẹp ấy:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.
Điều tâm niệm của nhà thơ là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Con chim hót, một cành hoa là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Một nốt trầm trong dàn hợp xưởng là âm thanh mà mọi người đều thích nghe. Tác giả muốn làm việc, muốn cống hiến cho cuộc đời, cống hiến cho đất nước. Điệp từ một trong đoạn thơ diễn tả sự ít ỏi, khiêm tốn nhưng hình ảnh con chim, cành hoa, nốt trầm cuối cùng dã dồn vào hình ảnh thật đặc sắc:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Bao trùm tất cả, ông ước nguyện hoá thành “một mùa xuân nho nhỏ”, lặng lẽ, âm thầm dâng hiến toàn bộ tâm hồn, trí tuệ, sức lực và cả sự sống của mình góp cùng mọi người. Khát vọng của tác giả tuy ẩn chứa sự khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ nhưng thể hiện một tiếng lòng cao cả, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé, và phải không ngừng cống hiến cho cuộc đời. Mỗi con người hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Một xã hội tốt đẹp thì mỗi con người phải tốt đẹp. Đây là điều tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa vĩnh biệt cuộc đời.
“Dù là tuổi hai mươi.
Dù là khi tóc bạc”
Những hình ảnh bông hoa, tiếng chim hót được tác giả phác hoạ ở phần đầu bài thơ giờ đây lại trở lại trong khổ thơ này trong giọng thơ êm ái, ngọt ngào. Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và mang một ý nghĩa mới: Niềm mong muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời. Trong bài “một khúc ca xuân” Tố Hữu cũng có những suy ngẫm tương tự:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?”
Điều tâm niệm ấy thật cao đẹp, chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Và cái “ta” vốn chỉ để nói về mình bỗng như trở thành cái “ta” chung của nhiều người, khát vọng của nhiều người. Điệp ngữ “dù là” như một lời tự khẳng định, tự nhủ với lương tâm -> sự kiên trì, thử thách với thời gian, tuổi già, bệnh tật để mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước. Giọng thơ nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn.
“Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là một bài thơ đặc sắc. Với thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang, âm hưởng nhẹ nhàng xuyên khổ thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn được dâng hiến cho cuộc đời trước lúc đi xa. Ước nguyện của nhà thơ cho ta hiểu mỗi người phải biết sống, cống hiến cho cuộc đời. Thế nhưng dâng hiến, hoà nhập mà vẫn giữ được nét riêng mỗi người. Khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là kết tinh rực rỡ của sức sống mãnh liệt và tình yêu thiết tha của người nghệ sĩ một lòng sống vì nhân dân, vì đất nước.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 7
Trong thời kì chống Mĩ cứu nước, một trong những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam từ những ngày đầu không thể không kể đến nhà thơ Thanh Hải. Nhà thơ Thanh Hải sinh năm một ngàn chín trăm ba mươi và mất năm một ngàn chín trăm tám mươi, tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở Thừa Thiên – Huế. Ông bắt đầu hoạt động văn nghệ từ cuối những năm kháng chiến chống Pháp. Và vào tháng mười một năm một ngàn chín trăm tám mươi, trong những ngày cuối đời của mình ông đã sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” khi bản thân đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng, những tâm sự, suy ngẫm. Đặc biệt hơn nữa, nhà thơ bày tỏ ước vọng được hòa nhập hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc. Tình cảm ấy được thể hiện chân thành và cảm động qua khổ bốn và năm của bài thơ.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” gồm có sáu khổ thơ, được viết theo thể thơ năm tiếng. Không ai là không biết dân tộc Đại Việt ta đã đi qua một chặng đường lịch sử dài bốn nghìn năm với bao vất vả và gian lao. Đến nay đất nước đã giành được độc lập và tự do, chưa bao giờ đất nước tươi đẹp đến vậy. Vì thế trước mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, Thanh Hải khát khao được hòa nhập vào cuộc sống của quê hương hơn bao giờ hết khiến từng câu từ trong bài thơ dường như có sức sống khi mang trong mình giai điệu trong sáng và tha thiết khi mùa xuân đến. Và nếu khổ một, hai và ba là cảm xúc của nhà thơ về mùa xuân của đất nước, của thiên nhiên thì khổ thơ bốn và năm là ước nguyện cống hiến chân thành tha thiết của nhà thơ.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Nhà thơ ước mơ được hi sinh, được cống hiến. Ước mơ cháy bỏng của Thanh Hải sôi tràn nhiệt huyết, căng tràn nhựa hi sinh, thổi phồng lên một niềm tin bất diệt. Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu mạnh mẽ bằng cách sử dụng điệp ngữ “ta làm” để thể hiện một ước nguyện chân thành, một ước nguyện cống hiến cho quê hương đất nước. Nhà thơ ước mong muốn “làm con chim hót” để cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời, muốn “làm một cành hoa” để đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ. Và nhà thơ muốn làm “một nốt trầm”, một hình ảnh ẩn dụ tuyệt đẹp cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của Thanh Hải. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là“một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước.
Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện của bản thân. Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của Thanh Hải về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Ta có thể cảm nhận được ước nguyện của nhà thơ sao mà đáng yêu, gần gũi lạ kỳ. Và nhà thơ sử dụng đại từ “ta” dường như nói lên được đây chẳng phải là lý lẽ sống của riêng bản thân mà còn là khát vọng chung, ước nguyện cống hiến của nhiều người con trên mảnh đất Việt cùng bao người con đang xa quê hương. Đọc từng câu thơ, ta thấy nhịp thơ hối hả, gấp rút như nhịp sống quê hương, như ước mong cháy bỏng mà khiêm tốn của nhà thơ được dâng hiến cho đời.
Lẽ sống của Thanh Hải còn được thể hiện trong những vần thơ sâu lắng, tâm hồn của nhà thơ dường như hòa vào mùa xuân đất nước, thôi thúc từng hồi, mạnh mẽ nhưng âm thầm và lặng lẽ.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm. Nhà thơ đã thành công khi sử dụng phép ẩn dụ đặc sắc qua câu thơ “một mùa xuân nho nhỏ” - một ẩn dụ đầy sáng tạo, cho ta thấy được cuộc đời mỗi con người, mỗi sự cống hiến và mỗi một khát vọng sống cao đẹp. Từ láy “lặng lẽ”, “nho nhỏ” là cách nói khiêm tốn, chân thành của nhân cách sống cao đẹp khi hướng tới việc góp vào lợi ích chung của dân tộc. Qua hai câu thơ đầu ta có thể thấy khát vọng của nhà thơ tuy ẩn chứa sự khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ nhưng thể hiện một tiếng lòng cao cả, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp và sự chân thành tha thiết của Thanh Hải phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé nhưng không ngừng cống hiến cho cuộc đời.
Nhà thơ lại tiếp tục dùng điệp từ “dù là” để nhấn mạnh thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người. Câu từ “tuổi hai mươi” hay “khi tóc bạc” đã thể hiện rõ ràng sự âm thầm cống hiến bất kể khi tuổi trẻ hay lúc về già. Ý thức về trách nhiệm đối với quê hương đất nước, khát vọng được sống được cống hiến trở thành ý thức bất diệt trong tâm hồn nhà thơ Thanh Hải. Lời thơ cũng là lời hứa, lời tự nhủ của nhà thơ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước.
Qua đó ta cũng thấy được, tuy bài thơ được viết vào thời gian cuối đời của nhà thơ, nhưng trong bài thơ không hề gợi chút băn khoăn về bệnh tật, về những suy nghĩ riêng tư cho bản thân. Chỉ “lặng lẽ” mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho đất nước. Minh chứng cho điều đó là Thanh Hải đã sử dụng từ láy, điệp từ một cách hiệu quả, dùng những hình ảnh thiên nhiên đẹp mà giản dị, ngôn từ tinh tế và gợi cảm cùng những hình ảnh ẩn dụ và so sánh sáng tạo.
Tóm lại khổ thơ bốn và năm của bài “Mùa xuân nho nhỏ” đã thành công khi thể hiện được ước nguyện chân thành, là tiếng lòng của nhà thơ Thanh Hải muốn cống hiến cho quê hương đất nước. Khổ bốn và năm của bài thơ là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cách mạng. Điều đó càng làm tăng thêm giá trị tư tưởng của bài thơ. Tấm lòng và ước nguyện của nhà thơ Thanh Hải thật đáng quý và đáng trân trọng. Từ đó em cảm thấy bản thân phải học tập thật tốt để cống hiến cho quê hương đất nước ngày càng lớn mạnh dù là một việc nhỏ.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 8
Trong bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông thì có lẽ ai cũng thích mùa xuân của đất trời. Mùa xuân là mùa của những loài hoa nở rộ, là mùa của những chú chim hót trên những cành cây xanh. Tác giả Thanh Hải đã cho ra một bài thơ khi ông đang nằm trên giường bệnh. Một bài thơ nói về mùa xuân thơ mộng, trữ tình đó là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Thanh Hải đã thể hiện tâm nguyện thiết tha, cảm động trong hai khổ thơ bốn và năm:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào ca một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Những dòng thơ dâng tràn tình yêu thiên nhiên lòng tự hào, lạc quan, tình yêu đối với đất nước, dân tộc của Thanh Hải.
Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khao khát và hi vọng. Với Thanh Hải cũng thế. Đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và tâm niệm của một nhà cách mạng, ông là một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa .
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.
Điệp ngữ “ta làm” diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Là khát vọng sống hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, dù có nhỏ bé nhưng Thanh Hải vẫn muốn dâng hiến cuộc đời của mình cho quê hương đất nước. Ước nguyện được làm một tiếng chim, làm một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim, đem lại hương sắc, tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp. Nhà thơ nguyện cầu được làm “nốt trầm xao xuyến” không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm lặng lẽ “nhập” vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về. Được tô điểm cho mùa xuân là tác giả đã nguyện hy sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước.
Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, chân thành, giọng thơ nhẹ nhàng, êm ái, ngọt ngào.
Điệp từ “ta” như là một lời khẳng định, vừa như một tiếng lòng, như một lời tâm sự nhỏ nhẹ, chân tình. Ước nguyện đó như là lẽ sống cao đẹp. Đó là lẽ sống không kể gì đến tuổi tác.
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.””
Thái độ “lặng lẽ dâng cho đời” nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Thật cảm động trước ao ước của tác giả dẫu đã qua tuổi xuân của cuộc đời, vẫn được muốn làm “một mùa xuân nho nhỏ” trong cái mùa xuân lớn lao ấy. Điệp ngữ “dù là” ở đây như một lời khẳng định để nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước. Giọng thơ vẫn nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn. Chính vì vậy, hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” ở cuối câu như ánh lên, tỏa sức xuân tâm hồn trong bài thơ.
Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết cuộc đời. “Dù là tuổi hai mươi” khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng dâng hiến cho đời và những câu thơ này là một trong những câu thơ cuối cùng.
“Một mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế mới, chuẩn bị ra đi mãi mãi.
Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất… Và bài thơ này cũng chính điều cả cuộc đời ông. Ông đã giãi bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, và chính lúc đó Thanh Hải đã thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ để ông và thơ luôn được ở cùng nhau, hiểu nhau và giải bày cho nhau.
Tóm lại, những ước nguyện thật khiêm tốn giản đơn nhưng lại đầy ý nghĩa, tác giả thật là một người đáng kính nể. Luôn muốn dâng hết tất cả cuộc đời mình cho đất nước.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 9
Như chúng ta đã biết, mùa xuân là mùa hội tụ của các thi sĩ, là một mùa mang đậm chất thơ, cũng giống như các nhà thơ khác, nhà thơ Thanh Hải cũng đã cảm nhận được mùa xuân để sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” để thể hiện ước nguyện nhỏ nhoi, cuối cùng trong đời của ông trước khi từ trần. Ông đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam một bài thơ rất đặc sắc, đơn giản mà ấn đậm những dòng cảm xúc, ước nguyện của ông, điển hình qua hai khổ thơ trong bài:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Ôi, chỉ vẻn vẹn hai khổ thơ thôi mà ta thấm nhuần được biết bao nhiêu cảm xúc. Tác giả muốn hóa thân vào những cảnh vật mà mình đang thấy, đang nghe trước mắt. Từ “ta” của tác giả không chỉ là cảm xúc chung của mọi người mà là chỉ riêng tác giả thôi, tác giả chỉ muốn một mình dâng hiến cho cuộc đời, cho đất nước. “Ta làm con chim hót”, ôi…câu thơ nghe êm ái làm sao, ước nguyện của tác giả thật khiêm tốn, chỉ muốn làm một con chim trong muôn vàn loài chim trên đất nước, chỉ muốn cất một tiếng hót trong bao nhiêu rung động của đất trời góp thêm một sắc xuân nhỏ nhoi cho đất nước.
Kế nữa, tác giả lại muốn làm một cành hoa, có lẽ chỉ là một cành hoa dại ven đường thôi, cành hoa mang một màu sắc nhẹ nhàng và quyến rũ, một cành hoa của “mùa xuân nho nhỏ” chen chút với bao cành hoa đẹp đẽ, quí hiếm khác để đi vào cái “mùa xuân của đất nước” một niềm khao khát nhưng đáng quý biết bao! Đẹp đẽ biết bao! Sau đó tác giả lại muốn nhập vào một bài ca chỉ bởi “một nốt trầm xao xuyến”, chỉ một nốt trầm trong một bài ca thôi, một nốt trầm mà khi nghe xong ta lại còn vương vấn. Tác giả muốn cất lên một âm vọng bình thường mà lặng lẽ, muốn góp thêm cho cuộc đời một nốt nhạc trong những âm vang hấp dẫn hơn khi đất nước đang bước vào một mùa xuân rực rỡ.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời.
Đến đây, có lẽ giọng thơ đã trầm lại. Bây giờ, tác giả đã muốn dâng cả cuộc đời mình cho đất nước, nhưng thực chất lại là dâng một cái rất nhỏ “một mùa xuân nho nhỏ”, tuy mùa xuân của tác giả nhỏ nhưng nó là cả hàng triệu trái tim của những con người Việt Nam dâng cho đất nước một mùa xuân, một mùa xuân trong một mùa xuân rộng lớn của đất nước. Thanh Hải âm thầm, “lặng lẽ dâng cho đời” một món quà rất đặc biệt, đó là “mùa xuân nho nhỏ”, một mùa xuân mà chưa ai nghĩ đến. Thơ rất độc đáo, rất hay và rất tình cảm. Tác giả luôn muốn cống hiến tất cả cuộc đời mình vào đất nước dù ở bất cứ thời điểm nào của cuộc đời:
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Điệp từ “dù” nó như là một lời hứa, một sự khẳng định là mãi mãi, là vĩnh viễn sẽ không bao giờ phai theo thời gian. Dù khi còn trẻ hay khi đã già thì tác giả vẫn cống hiến. tác giả thật là một người đáng khâm phục, một người rất thơ, rất tình cảm! Với những âm điệu rộn ràng, rồi lại trầm lặng, từ ngữ sâu sắc, luyến láy rất vần tác giả đã đưa ta một “Mùa xuân nho nhỏ” của riêng mình để rồi ước nguyện cùng tác giả. Chỉ những hình ảnh ước muốn: con chim, cành hoa, một nốt trầm trong một bản hòa ca,… mà tác giả khiến ta thấu được biết bao nhiêu là tình cảm. Những ước nguyện thật khiêm tốn giản đơn mà lại đầy ý nghĩa, tác giả thật là một người đáng kính nể! Luôn muốn dâng hết tất cả cuộc đời mình cho đất nước.
Gấp trang sách lại, em lại cảm thấy một cái gì đó bồi hồi, xao xuyến muốn đọc lại lần nữa. Những ước nguyện nhỏ nhoi, khiêm tốn của tác giả lại khiến cho người đọc động lòng. Thật độc đáo!
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 10
"Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi, để sóng cuốn trôi…"
Những câu thơ, lời hát đầy ý nghĩa ấy ca ngợi tấm lòng của con người trong cuộc sống. Con người sống trên cuộc đời, ai ai cũng nên có một tấm lòng, một lẽ sống, một khát vọng sống đúng đắn. Và Thanh Hải đã có một khát vọng, một ước nguyện sống đẹp. "Mùa xuân nho nhỏ" là thi phẩm nói lên điều ấy. Đặc biệt, hai khổ thơ 4, 5 của tác phẩm đã thể hiện vẻ đẹp của một cuộc đời với những khát khao dâng hiến mãnh liệt.
Nếu khổ thơ 1, 2, 3, tác giả Thanh Hải khắc họa vẻ đẹp của thiên nhiên, cúa đất trời xứ Huế thì đến khổ 4, 5 dòng cảm xúc đã chuyển sang sự suy tư, mạch lạc với những suy ngẫm triết lí về cuộc đời. Mùa xuân của quê hương đất nước được hiện lên với những niềm khát khao hi vọng cháy bỏng:
"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến".
Những bài Khát vọng dâng hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải trong khổ thơ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ hay nhất
Điệp từ "ta" được lặp lại tới ba lần, "ta làm" được lặp lại như một khát khao cống hiến mãnh liệt. Tác giả muốn hóa thân thành "con chim" để góp tiếng ca cho đời, để đem lại niềm vui cho mọi người, muốn hóa thân thành "cành hoa" để tô điểm, tô sắc thêm cho cuộc đời và muốn "nhập vào hòa ca" để góp một tiếng nhạc hay cho mai sau. Sau cùng, tác giả mong muốn trở thành "Một nốt trầm xao xuyến" trong bản nhạc đầy thanh âm của cuộc sống. Sự cống hiến ấy lặng lẽ, âm thầm, không phô trương, xa hoa, không câu lệ. Tất cả đều bình dị, nhẹ nhàng. Một ước mơ nhỏ nhoi, giản dị đến vô cùng. Ước nguyện sống ấy vô cùng cao đẹp. Không chỉ cho riêng nhà thơ, mà còn cho mọi người, cho dân tộc, cho đất nước. Khát vọng ấy vượt qua tất cả mọi khuôn khổ, giới hạn. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, cái khát vọng cao quý ấy cũng không bị dập tắt. Tác giả vẫn tràn đầy niềm tin, hi vọng và động lực vào cuộc sống, vào khát vọng cống hiến của bản thân.:
"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"
Mùa xuân nho nhỏ ấy là mùa xuân của tác giả, mùa xuân trong lòng của một thi sĩ đang chống chọi với bệnh tật nhưng có khát vọng lớn lao, cao cả. Mùa xuân nho nhỏ ấy nguyện góp chung vào mùa xuân lớn của toàn dân tộc. Và mùa xuân ấy chỉ "lặng lẽ dâng cho đời" mà thôi, không quá phô trương, xa hoa, một mùa xuân lặng lẽ nhưng lớn lao. Dù tuổi tác có hai mươi hay là khi tóc đã điểm bạc, dù già hay trẻ, ở bất kì độ tuổi nào, đều có mong muốn hiến dâng cho Tổ quốc những gì tươi đẹp nhất của cuộc đời.
Đọc cả bài thơ nói chung và đặc biệt là khổ thơ 4,5 nói riêng của thi phẩm Mùa xuân nho nhỏ, người đọc càng thêm trân quý những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Một nhà thơ yêu đất nước, yêu tổ quốc đến da diết, mong muốn trở thành một phần nhỏ của mùa xuân dân tộc. Đọc xong thi phẩm, những khát khao cháy bỏng của con người như được tiếp thêm động lực, những ước nguyện thanh xuân của các bạn trẻ như có thêm niềm tin mãnh liệt. Mỗi người hãy tạo ra mùa xuân riêng trong lòng mình, mùa xuân chung của tất cả mọi người. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả Thanh Hải muốn gửi gắm qua tác phẩm này.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 11
Thanh Hải là nhà thơ gắn bó cả cuộc đời mình với cách mạng. Ông trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp. Nhà thơ xứ Huế luôn lạc quan, yêu đời và giữ trong mình tinh thần được cống hiến và góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ tiêu biểu nhất của ông, là tiếng lòng của nhà thơ trong những ngày cuối đời trên giường bệnh, khát khao được hòa mình vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới của cả nước sau thống nhất. Khổ thơ 4, 5 thể hiện rõ tinh thần ấy của tác giả.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Đất nước đang bước sang một trang sử mới, rạo rực và hân hoan. Không khí mùa xuân ngập tràn: mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước. Tuy vậy, chặng đường đi lên sự đổi mới đó còn cần sự đồng lòng, cố gắng của cả dân tộc. Bởi vậy mà nhà thơ khao khát được cống hiến, được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước. Dường như chưa đất nước mình lại đẹp tươi hơn thế. Thời khắc đau thương, chìm trong bùn lầy của đau thương, nghèo khó và dày xéo dưới gót quân thù đã lùi vào quá vãng.
Đất nước ấy luôn lớn mạnh, đi lên từng ngày. Hành trình đi tới tương lai của đất nước vẫn không ngừng, cứ đi lên là sự thể hiện chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Hân hoan, tự hào và trách nhiệm, nhà thơ muốn hóa thành một phần vẻ đẹp ấy.
Điều tâm niệm của nhà thơ là khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp
Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Con chim hót, một cành hoa là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Một nốt trầm trong dàn hợp xướng là âm thanh mà mọi người đều thích nghe.
Khát vọng của tác giả tuy ẩn chứa sự khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ nhưng thể hiện một tiếng lòng cao cả, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé, và phải không ngừng cống hiến cho cuộc đời.
Mỗi con người hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Một xã hội tốt đẹp thì mỗi con người phải tốt đẹp. Đây là điều tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa vĩnh biệt cuộc đời.
Lẽ sống của Thanh Hải còn được thể hiện trong những vần thơ sâu lắng:
Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm. Làm cành hoa, làm con chim, làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời.
“Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân,hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.
Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
Là một trong người nghệ sĩ với lòng yêu nước trào dâng, giọng văn của Thanh Hải chan chứa khát vọng được cống hiến, được hòa mình vào công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Hai khổ thơ 4, 5 bài “Mùa xuân nho nhỏ” đã khắc họa một cách chân thực nỗi niềm đó của nhà thơ, đơn sơ, giản dị mà cũng vô cùng mạnh mẽ.
Tuổi trẻ hừng hực khí thế và khát khao làm nên những hoài bão lớn. Người trẻ muốn được cống hiến, góp sức vào công cuộc xây dựng chung của đất nước. Cảm nhận khổ 4 5 bài “Mùa xuân nho nhỏ”, chúng ta không chỉ cảm phục trước tinh thần trách nhiệm và ý thức bất diệt đang rực cháy trong trái tim nhà thơ mà còn là bài học sâu sắc cho giới trẻ ngày nay. Chúng ta phải luôn học tập, rèn luyện, góp sức mình vì sự nghiệp chung để không phí hoài tuổi trẻ, cũng bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 12
Những khát khao, lý tưởng sống đẹp đẽ luôn là thứ cần thiết trong cuộc đời của mỗi con người. Nhà thơ Thanh Hải cũng vậy, cũng có những ước nguyện được cống hiến một phần nhỏ bé cho đất nước được thể hiện qua tác phẩm "Mùa xuân nho nhỏ" được ông sáng tác vào cuối đời của mình. Khổ thơ 4 và khổ 5 của bài thơ đã thể hiện rõ nét nhất về tinh thần cao cả ấy.
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Cảnh sắc mùa xuân có bông hoa tím, dòng sông xanh biếc, tiếng chim chiền chiện vang vọng khắp mọi nẻo đường khiến nhà thơ thổn thức trong tình yêu thương. Mùa xuân đã về với đất nước tràn đầy sức sống, rực rỡ sắc màu, rộn rã thanh âm như vậy nên lòng người khó có thể thờ ơ, ở đâu đó trong ngõ ngách của tâm trạng mùa xuân được đánh thức, trỗi dậy mạnh mẽ mọc những mầm xanh của niềm tin, của ước nguyện muốn được góp sức xuân của mình cho đất nước, cho đời sống nhân dân. Điệp ngữ "ta làm" nhấn mạnh sự chủ động của con người đồng thời cho thấy được khát khao mãnh liệt được cống hiến niềm vui cho cuộc đời. Ngay chính lúc này, không còn là cái "tôi" riêng tư nữa mà cái "tôi" đó đã hòa với cái "ta" làm một, của cả một cộng đồng, là ước muốn của hàng triệu con người sinh sống trên mảnh đất chữ S.
Những ước muốn bình dị, những giấc mơ giản đơn "con chim hót", "một nhành hoa" thật là cao cả và đáng trân quý biết bao. Người ta thường nói về những giấc mơ to lớn, vĩ đại nhưng có mấy ai trong số chúng ta nhận ra được rằng thứ vĩ đại ấy phải được vun đắp lên từ những điều nhỏ bé. Là một chú chim nhỏ được tự do bay trên bầu trời bình yên, góp vui cho đời bằng tiếng hót, là bông hoa dại để tỏa sắc hương tô điểm cho những cung đường đất nước mình, là một nốt nhạc "trầm" góp vào bản nhạc hòa ca của cuộc đời. Và dù có là gì đi chăng nữa, nơi sâu thẳm tâm hồn vẫn muốn làm chủ cuộc đời, góp sức mình vào tô điểm mùa xuân lớn của cả dân tộc. Giọng thơ lúc này đây như đang hối thúc, giục giã hành động, hãy làm luôn đi, hãy nguyện đóng góp chút sức lực của mình vào xây dựng đời, xây dựng quê hương đất nước.
Trái tim người thi sĩ luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân với cuộc đời. Và có những điều không cần thiết phải phô trương, không cần những mỹ từ bay bổng ca ngợi, tác giả chỉ muốn mọi điều đều diễn ra nhẹ nhàng, âm thầm:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Lẽ sống của nhà thơ thật giản dị biết bao, mỗi cuộc đời là mỗi mùa xuân, nhà thơ cũng muốn cống hiến mùa xuân của mình vào sự rộng lớn của giang sơn. Dù là nhỏ bé thôi nhưng là duy nhất, là những gì đẹp đẽ nhất của nhà thơ ưu ái dành riêng để góp vào xây dựng mùa xuân đất nước rực rỡ nhất, sống động nhất. Tác giả chọn cho mình cách cống hiến thầm lặng "lặng lẽ dâng cho đời", chỉ lặng lẽ thôi nhưng nó sẽ tô điểm thêm rất nhiều cho cuộc đời, cho người, vượt lên trên tất cả, những sự hy sinh cao cả, thầm lặng đó thật đáng để ca ngợi biết bao.
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Điệp từ "dù là" đặt ở đầu hai câu thơ như một lời khẳng định, một lời tự nhủ đầy tâm huyết rằng khát khao dâng hiến cho đất nước dù là khi còn sức trẻ của tuổi hai mươi, hay là những năm tháng nhọc nhằn, vất vả của tuổi già thì vẫn phải giúp ích cho cuộc đời. Khát vọng cống hiến trở thành một lẽ sống bất diệt trong cuộc đời.
Xuân Diệu vũng viết về mùa xuân với sự say đắm trước những chặng đường tươi đẹp của thiên nhiên, với khát khao sống vội vàng bởi thời gian có hạn:
Ta muốn ôm....
.....
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi
Dù là không quá vội vàng, vồ vập như Xuân Diệu, ta đến với mùa xuân của Thanh hải bằng sự trong trẻo, vô cùng nhẹ nhàng nhưng có phần thư thái, ung dung, sâu bên trong là một phong cách sống vội, sống để cống hiến những gì là tinh túy, đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho cộng đồng.
Chỉ với hai khổ thơ thôi nhưng đã đem đến cho quý bạn đọc rất nhiều những suy ngẫm. Có lẽ thời gian qua đã bỏ lỡ nhiều điều, hứa với bản thân rằng, từ nay em sẽ cố gắng học hành, lao động, trưởng thành hơn, góp chút sức lực bé nhỏ của mình để giúp đỡ mọi người, xây dựng đất nước.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 13
Thanh Hải là nhà thơ đi qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Ông dành cả cuộc đời cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Ngay đến cả những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời, Thanh Hải vẫn khát khao được gắn kết với mạch nguồn cuộc sống, với trái tim lớn dân tộc, cống hiến sức lực nhỏ bé của mình trong công cuộc dựng xây đất nước. Ý nguyện cao đẹp ấy được trình bày trong khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, tác phẩm cuối cùng mà nhà thơ gửi lại cho đời.
“Mùa xuân nho nhỏ” là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Thanh hải. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời; thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ, mong ước được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.
Trước mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước, sự đi lên của cuộc sống, tác giả khát khao được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước. Chưa bao giờ đất nước đẹp tươi hơn thế. Chặng đường lịch sử đã qua với bao gian lao, vất vả. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt, sức mạnh dân tộc được khẳng định, đất nước vẫn trường tồn và đi lên. Đất nước như vì sao là sự so sánh đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng vô tận, là vẻ đẹp của vũ trụ, vẻ đẹp vĩnh hằng trong không gian và thời gian. Đây là niềm tự hào về đất nước Việt Nam anh hùng, bất diệt.
Đất nước ấy luôn lớn mạnh, đi lên từng ngày. Hành trình đi tới tương lai của đất nước vẫn không ngừng, cứ đi lên là sự thể hiện chí khí, quyết tâm của dân tộc Việt Nam. Hân hoan, tự hào và trách nhiệm, nhà thơ muốn hóa thành một phần vẻ đẹp ấy:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa .
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”.
Điều tâm niệm của nhà thơ là khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Đẹp và tự nhiên vì nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình. Con chim hót, một cành hoa là những hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Một nốt trầm trong dàn hợp xướng là âm thanh mà mọi người đều thích nghe. Tác giả muốn làm việc, muốn cống hiến cho cuộc đời, cống hiến cho đất nước. Điệp từ một trong đoạn thơ diễn tả sự ít ỏi, khiêm tốn nhưng hình ảnh con chim, cành hoa, nốt trầm cuối cùng dã dồn vào hình ảnh thật đặc sắc:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Bao trùm tất cả, ông ước nguyện hoá thành “một mùa xuân nho nhỏ”, lặng lẽ, âm thầm dâng hiến toàn bộ tâm hồn, trí tuệ, sức lực và cả sự sống của mình góp cùng mọi người. Khát vọng của tác giả tuy ẩn chứa sự khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ nhưng thể hiện một tiếng lòng cao cả, thể hiện một nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé, và phải không ngừng cống hiến cho cuộc đời. Mỗi con người hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Một xã hội tốt đẹp thì mỗi con người phải tốt đẹp. Đây là điều tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước lúc đi xa vĩnh biệt cuộc đời.
“Dù là tuổi hai mươi.
Dù là khi tóc bạc”
Những hình ảnh bông hoa, tiếng chim hót được tác giả phác hoạ ở phần đầu bài thơ giờ đây lại trở lại trong khổ thơ này trong giọng thơ êm ái, ngọt ngào. Cách cấu tứ lặp lại như vậy tạo ra sự đối ứng chặt chẽ và mang một ý nghĩa mới: Niềm mong muốn được sống có ích,cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, bông hoa toả hương sắc cho đời. Trong bài “một khúc ca xuân” Tố Hữu cũng có những suy ngẫm tương tự:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình?”
Điều tâm niệm ấy thật cao đẹp, chân thành, là sự phát triển tự nhiên trong mạch cảm xúc của bài thơ. Điệp từ “ta” như một lời khẳng định. Và cái “ta” vốn chỉ để nói về mình bỗng như trở thành cái “ta” chung của nhiều người, khát vọng của nhiều người. Điệp ngữ “dù là” như một lời tự khẳng định, tự nhủ với lương tâm -> sự kiên trì, thử thách với thời gian, tuổi già, bệnh tật để mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước. Giọng thơ nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn.
“Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải là một bài thơ đặc sắc. Với thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang, âm hưởng nhẹ nhàng xuyên khổ thơ, tác giả đã bộc lộ cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất nước và khát vọng đẹp đẽ muốn được dâng hiến cho cuộc đời trước lúc đi xa. Ước nguyện của nhà thơ cho ta hiểu mỗi người phải biết sống, cống hiến cho cuộc đời. Thế nhưng dâng hiến, hoà nhập mà vẫn giữ được nét riêng mỗi người. Khổ 4 và 5 bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là kết tinh rực rỡ của sức sống mãnh liệt và tình yêu thiết tha của người nghệ sĩ một lòng sống vì nhân dân, vì đất nước.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 14
Ở thời Lý, người ta còn nhớ Thiền sư Mãn Giác đến lúc bệnh nặng sắp qua đời vẫn có những vần thơ tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, vui sống: “Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân trước một nhành mai”. Thời nay, có Thanh Hải, khi từng giờ từng phút chống chọi với bệnh tật, ông vẫn có những vần thơ như thế! Đó chính là bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Thi phẩm thể hiện tiếng lòng của tác giả về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước và ước nguyện được sống có ích. Đặc biệt, ước nguyện ấy, lẽ sống ấy được thể hiện chân thành, sâu sắc qua những dòng thơ:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Đọc bài thơ, ta cảm nhận được những cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo của thi nhân trước vẻ đẹp và sức sống của mùa xuân thiên nhiên để rồi từ đó, cảm xúc được mở rộng ra với hình ảnh mùa xuân đất nước, mùa xuân cách mạng cùng những suy ngẫm, tâm niệm về lẽ sống, về ý nghĩa giá trị của cuộc đời mỗi con người. Đó là ước nguyện, là khát vọng cống hiến cho cuộc đời, cho Tổ quốc, quê hương.
Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu của đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp “ta”-“hoa”-“ca”.
Điệp từ “ta” được điệp lại 3 lần thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Động từ “làm”-“nhập” ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kỳ - hoá thân để sống đẹp, sống có ích. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: “con chim”, “một cành hoa”, ”một nốt trầm”. Còn gì đẹp hơn khi làm một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ! Còn gì vui hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời! Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Một ý nghĩa mới đã mở ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình. Hình ảnh “nốt trầm” và lặp lại số từ “một” tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là “một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước. Sự chuyển đổi đại từ nhân xưng “tôi” sang “ta” cũng có ý nghĩa sâu sắc. Đó là sự chuyển đổi từ cái “tôi” tác giả ở khổ thơ đầu mang sắc thái nhỏ nhẹ, riêng tư sang đại từ nhân xưng “ta” mang sắc thái trang trọng. Ở đây, cái “tôi” tác giả không chỉ cất tiếng nói của cá nhân mình mà còn nói lên tiếng lòng của mỗi người trong một mùa xuân mới, thể hiện sự hòa quyện, thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và cộng đồng. Nhạc điệu thơ chậm rãi, đi vào chiều sâu trầm lắng, thiết tha. Đọc đoạn thơ, ta xúc động trước ước nguyện của nhà thơ xứ Huế và cũng là ước nguyện của nhiều người.
Lẽ sống của Thanh Hải còn được thể hiện trong những vần thơ sâu lắng:
Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm. Làm cành hoa, làm con chim, làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân, hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước. Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường. Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Ý thơ thể hiện một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống. Biết lặng lẽ dâng đời, biết sống vì mọi người cũng là cách sống mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh,
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Nhớ khi xưa, Ức Trai tiên sinh đã từng tâm niệm:
“Bui một tấc lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”.
Còn bây giờ, Thanh Hải – nhà thơ xứ Huế trước khi về với thế giới “người hiền” cũng đã ước nguyện:
“Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Lời ước nguyện thật thuỷ chung, son sắt. Sử dụng điệp ngữ “dù là” nhắc lại hai lần như tiếng lòng tự dặn mình đinh ninh: dẫu có ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già, bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước. Đây là một vấn đề nhân sinh quan nhưng đã được chuyển tải bằng những hình ảnh thơ sáng đẹp, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ,thiết tha. Vì vậy, mà sức lan tỏa của nó thật lớn!
Bài thơ được viết vào thời gian cuối đời, trước khi nhà thơ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng trong bài thơ, cũng như đoạn thơ không hề có chút băn khoăn về bệnh tật, về những suy nghĩ riêng tư cho bản thân. Chỉ “lặng lẽ” mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho đất nước. Đây không phải là câu khẩu hiệu của một thanh niên vào đời, mà là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho Cách mạng.
Đoạn thơ, bài thơ với những hình ảnh đơn sơ, gần gũi mà chứa đựng nhiều cảm xúc, nhiều nghĩ suy. Bằng thể thơ năm chữ, giọng điệu chân thành, tha thiết phù hợp với tâm trạng cảm xúc, cùng với hình ảnh ẩn dụ… Thanh Hải đã gửi đến cho chúng ta một thông điệp đáng quý: mỗi người hãy sống có khát vọng, sống có cống hiến, dù chỉ là phần nhỏ bé của mình vào công cuộc bảo vệ, giữ gìn và dựng xây đất nước. Đọc đoạn thơ, bài thơ ta càng yêu hơn, trân trọng hơn lẽ sống mà Thanh Hải để lại, ta càng phải tự nhủ: Hãy sống đẹp – sống như Thanh Hải đã sống.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 15
Thanh Hải là nhà thơ xứ Huế. Vùng đất hữu tình với con sông Hương thơ mộng và núi Ngự Bình trang nghiêm vun đắp cho hồn thơ Thanh Hải bay cao. Vốn trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, Thanh Hải là người có công đầu trong việc xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời chống Mỹ. Những tác phẩm của ông được bao thế hệ bạn đọc nhắc mãi như “ Mồ anh hoa nở”, “Những đồng chí trung kiên”.
Nhưng nhắc đến thơ Thanh Hải, người ta thường nghĩ ngay đến bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Tác phẩm được nhà thơ sáng tác trong khi nằm trên giường bệnh, trước khi mất ít lâu. Đó là tiếng lòng của nhà thơ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, nhịp sống của đất nước vào xuân. Đặc biệt hơn nữa, nhà thơ bày tỏ ước vọng được hòa nhập hiến dâng cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của dân tộc. Khát vọng ấy được Thanh Hải thể hiện rõ qua hai khổ bốn và năm của bài thơ:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc…”
Trong khí thế bừng bừng của đất nước vào xuân, tác giả đã cảm nhận được một mùa xuân trỗi dậy từ tâm hồn mình. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của cống hiến và hoà nhập.
Tác giả không mơ một giấc mơ vĩ đại, không ước vọng lớn lao, chỉ là những mong muốn đơn sơ bình dị:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.”
Xin làm một tiếng chim hót hoà trong muôn vạn tiếng chim cất cao tiếng hót chào mừng xuân mới, xin làm một cành hoa trong muôn vạn cánh hoa âm thầm khoe sắc tỏa hương thơm cho cuộc đời chung, xin làm một nốt nhạc trầm trong bản đồng ca của dân tộc ca ngợi non sông đất nước đang đổi mới. Ước nguyện của nhà thơ sao mà đáng yêu, gần gũi lạ kì. Đó chính là sự chiếu ứng của hình ảnh “bông hoa tím biếc” và âm thanh tiếng chim chiền chiện ở khổ thơ thứ nhất. Đọc từng câu thơ, ta thấy nhịp thơ hối hả, gấp rút như nhịp sống quê hương, như ước mong cháy bỏng mà khiêm tốn của nhà thơ được dâng hiến cho đời.
Tâm hồn của tác giả hoà vào mùa xuân đất nước, thôi thúc mạnh mẽ nhưng cũng rất âm thầm:
“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời”
Lời thơ như tâm tình thiết tha. Một sự sáng tạo độc đáo của nhà thơ khi phát hiện ra được hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”. Mỗi con người, mỗi sự cống hiến được ví như một mùa xuân nhỏ hoà vào mùa xuân chung của đất trời, của Tổ quốc. Đó cũng là nguyện ước nhỏ bé của nhà thơ, muốn được mãi mãi làm việc, hi sinh, cống hiến một cách âm thầm lặng lẽ cho quê hương đất nước bất chấp sự thử thách của thời gian, tuổi tác
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”
Lời thơ rắn rỏi, điệp ngữ "dù là" khẳng định thái độ tự tin trước những khó khăn trở ngại của đời người. Tuổi trẻ cống hiến hi sinh, tuổi già cũng tiếp tục âm thầm cống hiến. Ý thức về trách nhiệm đối với quê hương đất nước, khát vọng được sống được cống hiến trở thành lẽ sống trong cuộc đời tác giả. Lời thơ không chỉ là ước nguyện của riêng một nhà thơ mà còn là lời kêu gọi mọi người hãy chung vai gắng sức xây dựng một cuộc đời tươi đẹp trong tương lai. Tâm nguyện này, ta bắt gặp đâu đó trong những vần thơ của Tố Hữu:
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”
Sự hi sinh âm thầm, lặng lẽ hiến dâng tài năng, sức lực, tuổi trẻ cho cuộc đời nào phải chỉ có trong thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Thành Long trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa ” cũng đã khắc họa nên bức chân dung nhân vật anh thanh niên cùng nhiều nhân vật khác. Họ chính là minh chứng sinh động nhất của hình ảnh mùa xuân nho nhỏ ” mà Thanh Hải gửi gắm đến chúng ta qua bài thơ cuối đời của ông.
Tóm lại, hai khổ thơ bốn và năm trong bài “Mùa xuân nho nhỏ ” đã làm lay động tâm hồn người đọc, không chỉ bởi chất nhạc vấn vương, không chỉ bởi giai điệu vừa thiết tha vừa hào hùng thôi thúc mà còn bởi nguyện ước chân thành và khiêm tốn của nhà thơ. Nguyện ước ấy đâu còn của riêng Thanh Hải. Đọc những vần thơ của ông, ta tự nhủ phải làm gì để không hổ thẹn với những người đi trước, hổ thẹn vì đã chối bỏ trách nhiệm đối với đất nước quê hương? Tất cả được thể hiện bằng những việc làm cụ thể ở hôm nay.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 16
"Nếu là con chim, chiếc lá,
Con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả,
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình."
(Tố Hữu)
Tố Hữu - nhà thơ cùng quê hương xứ Huế với Thanh Hải - đã viết trong bài "Một khúc ca xuân" những lời tâm niệm thật chân thành, giản dị và tha thiết. Còn Thanh Hải khi viết bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" trước lúc ra đi, không những đã giãi bày những suy ngẫm mà còn mong ước được dâng hiến một mùa xuân nho nhỏ của mình cho mùa xuân vĩ đại của đất nước Việt Nam. Thanh Hải đã thể hiện "tâm nguyện thật thiết tha, cảm động của nhà thơ Thanh Hải với đất nước, với cuộc đời rõ nhất trong hai khổ thơ 4, 5:
Sau những dòng thơ dâng tràn tình yêu thiên nhiên, lòng tự hào, lạc quan, tin yêu đối với đất nước, dân tộc Thanh Hải chuyển sang giọng thơ ấy rất giàu sức suy tưởng và làm say đắm lòng người. Từ cảm xúc của thiên nhiên, đất nước, mạch thơ đã chuyển một cách tự nhiên sang bày tỏ suy ngẫm và tâm niệm của nhà thơ trước mùa xuân của đất nước.
Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước thường gợi lên ở mỗi con người niềm khát khao và hi vọng. Với Thanh Hải cũng thế, đây chính là thời điểm mà ông nhìn lại cuộc đời và bộc bạch tâm niệm thiết tha của một nhà cách mạng, một nhà thơ đã gắn bó trọn đời với đất nước, quê hương với một khát vọng chân thành và tha thiết:
"Ta làm con chim hót,
Ta làm một cành hoa.
Ta nhập vào hoà ca,
Một nốt trầm xao xuyến"
Nhịp thơ dồn dập và điệp từ "ta làm" diễn tả rõ nét khát vọng cống hiến của nhà thơ. Đó là khát vọng sống hoà nhập vào cuộc sống của đất nước, cống hiến phần tốt đẹp, dù nhỏ bé, của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước. Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên giàu sức gợi tả, gây xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Ước nguyện được làm một tiếng chim, một cành hoa để góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim, để đem lại hương sắc, tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp. Nhà thơ nguyện cầu được làm một "nốt trầm xao xuyến" không ồn ào, không cao điệu mà chỉ âm thầm, lặng lẽ để "nhập"vào khúc ca, tiếng hát của nhân dân vui mừng đón xuân về. Được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình, không cao siêu vĩ đại mà gần gũi quá, khiêm tốn và đáng yêu quá! Hình ảnh nhuần nhị, tự nhiên, chân thành, giọng thơ nhè nhẹ, êm ái, ngọt ngào của những thanh bằng liên tiếp kết hợp với cách cấu tứ lặp lại như vậy đã mang một ý nghĩa mới nhấn mạnh thêm mong ước được sống có ích cho đời, cống hiến cho đất nước như một lẽ tự nhiên. Điệp từ "ta" như một lời khẳng định, vừa như một tiếng lòng, như một lời tâm sự nhỏ nhẹ, chân tình. Ước nguyện đó đã được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp, không chỉ cho riêng nhà thơ mà cho tất cả mọi người, cho thời đại của chúng ta. Đó là lẽ sống cống hiến cho đời lặng lẽ, khiếm tốn, không kể gì đến tuổi tác:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Thái độ 'lặng lẽ dâng cho đời" nói lên ý nguyện thật khiêm nhường nhưng hết sức bền bỉ và vô cùng đáng quý vì đó là những gì tốt đẹp nhất trong cuộc đời. Thật cảm động làm sao trước ao ước của nhà thơ dẫu đã qua tuổi xuân của cuộc đời, vẫn được làm một mùa xuân nhỏ trong cái mùa xuân lớn lao ấy. Điệp ngữ "dù là" ở đây như một lời tự khẳng định để nhủ với lương tâm sẽ phải kiên trì, thử thách với thời gian tuổi già, bệnh tật để mãi mãi làm một mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương đất nước. Giọng thơ vẫn nhỏ nhẹ, chân tình nhưng mang sức khái quát lớn. Chính vì vậy, hình ảnh "mùa xuân nho nhỏ" ở cuối bài như ánh lên, toả sức xuân tâm hồn trong toàn bài thơ.
Thật cảm động và kính phục biết bao khi đọc những vần thơ như lời tổng kết của cuộc đời. "Dù là tuổi hai mươi" khi mới tham gia kháng chiến cho đến khi tóc bạc là thời điểm hiện thời vẫn lặng lẽ dâng hiến cho đời và những câu thơ này là một trong những câu thơ cuối cùng. "Một mùa xuân nho nhỏ" cuối cùng của Thanh Hải dâng tặng cho đời trước lúc ông bước vào thế giới cực lạc, chuẩn bị ra đi mãi mãi.
Những lời tâm sự cuối cùng của người sắp mất luôn là những lời thực, luôn chứa chan tình cảm, ước nguyện sâu lắng nhất... Và bài thơ này cũng chính là những điều đúc kết cả cuộc đời của ông. Ông đã giãi bày, tâm tình những điều sâu kín nhất trong lòng, và chính lúc đó Thanh Hải đã thả hồn vào thơ, cùng chung một nhịp đập với thơ để ông và thơ luôn được cùng nhau, hiểu nhau và giãi bày cho nhau.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 17
Sống trong đời sống
Cần có một tấm lòng
Để làm gì, em biết không?
Để gió cuốn đi, để sóng cuốn trôi,...
Những câu thơ, lời hát đầy sức sống và ý nghĩa ấy ca ngợi tấm lòng cao cả của con người trong cuộc sống. Sống trên đời, ai ai cũng nên có một tấm lòng, một lẽ sống, một mục đích và khát vọng sống đúng đắn. Và Thanh Hải đã có một khát vọng, một ước nguyện sống đẹp. "Mùa xuân nho nhỏ" là thi phẩm nói lên điều ấy. Đặc biệt, hai khổ 4,5 của tác phẩm đã thể hiện được hết vả đẹp của một cuộc đời với những khát khao hiến dâng mãnh liệt.
Nếu khổ thơ 1, 2, 3 tác giả Thanh Hải đã khắc họa lên vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời xứ Huế thì đến khỏ 4, 5, dòng cảm xúc đã chuyển sang sự suy tư, trầm lắng, mạch lạch với những suy ngẫm triết lý về cuộc đời. Mùa xuân của quê hương đất nước được phác họa lên với những niềm khát khao cháy bỏng:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Điệp từ "ta" được lặp lại tới ba lần, "ta làm" được lặp lại như một khát khao cống hiến mãnh liệt. Tác giả muốn hóa thân thành "con chim" để được cống hiến cho cuộc đời, để được đem lại niềm vui, nhí nhảnh cho mọi người, muốn hóa thành "cành hoa" để tô điểm, tô sắc lên cho cuộc đời và muốn "nhập vào hòa ca" để góp một tiếng nhạc hay cho mai sau. Sau cùng, tác giả mong muốn trở thành "Một nốt trầm xao xuyến" trong bản nhạc đầy thanh âm của cuộc sống. Sự cống hiến ấy lặng lẽ, âm thầm, không hề phô trương như lớn lao, xo hoa, không câu lệ. Tất cả đều bình dị, nhẹ nhàng. Một ước mơ nhỏ nhoi, giản dị nhưng vô cùng cao cả. Ưóc nguyện ấy sống vô cùng cao đẹp. Không chỉ dành riêng cho nhà thơ mà còn cho toàn thể người dân, cho dân tộc và cho đất nước. Khát vọng ấy vượt qua tất cả mọi khuôn khổ, giới hạn. Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, cái khát khao cao quý ấy cũng không thể vùi chôn. Tác giả vẫn tràn đầy niềm tin, hy vọng và động lực vào cuộc sống, vào khát vọng cống hiến của bản thân.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Mùa xuân nho nhỏ ấy là mùa xuân của tác giả, mùa xuân trong lòng của một thi sĩ đang chống chọi với bệnh tật nhưng có khát vọng lớn lao, cao cả. Mùa xuân nho nhỏ ấy nguyện đóng góp một phần vào mùa xuân lớn lao của toàn dân tộc. Và mùa xuân ấy chỉ "lặng lẽ" dâng cho đời mà thôi, không quá phô trương, xa hoa, một mùa xuân lặng lẽ nhưng lớn lao. Dù tuổi tác có hai mươi hay là khi tóc đã điểm bạc, dù già hay trẻ, ở bất kì độ tuổi nào cũng đều mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc những gì là tươi đẹp nhất của cuộc đời.
Đọc cả bài thơ nói chung và đặc biệt là khổ thơ 4,5 nói riêng của thi phẩm Mùa xuân nho nhỏ, quý bạn đọc càng thêm trân trọng những giá trị tốt đẹp mà cuộc sống mang lại. Một nhà thơ yêu nước, Tổ quốc và đồng bào da diết, mong muốn trở thành một phần nho nhỏ của mùa xuân dân tộc. Đọc xong tác phẩm, những khát khao chát bỏng của con người đó như tiếp thêm động lực, những ước nguyện thanh xuân của các bạn trẻ như có thêm niềm tin mãnh liệt. Mỗi người hãy tạo ra mùa xuân riêng trong lòng mình, mùa xuân chung của tất cả mọi người. Đó cũng chính là thông điệp mà tác giả Thanh Hải muốn gửi gắm qua tác phẩm này.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 18
Tình cảm mến yêu, tự hào về quê hương đất nước bao giờ cũng là nguồn cảm hứng dạt dào cho mỗi nhà thơ. Với Huy Cận, đó là sự ngưỡng mộ dành cho những người lao động trong “Đoàn thuyền đánh cá”. Với Hữu Thỉnh, đó lại là tình yêu thiên nhiên và những suy ngẫm sâu sắc trong “Sang thu”. Đến với Thanh Hải, ta sẽ bắt gặp tình yêu quê hương được thể hiện qua khát vọng sống, cống hiến không ngừng trong hai khổ thơ bốn và năm.
Trong cảm hứng say sưa khi lắng nghe khúc xuân của thiên nhiên và đất nước, nhà thơ Thanh Hải đã nảy sinh khát vọng được hòa nhập và cống hiến hết mình cho mùa xuân chung:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Đoạn thơ tựa như một bản nhạc rộn rã về con người, lẽ sống. Điệp ngữ “Ta làm” được lặp lại ba lần, đặt ở đầu mỗi dòng thơ tựa như điệp khúc của bản hòa tấu. Niềm mong mỏi được cống hiến như lớp lớp sóng trào dâng trong lòng nhà thơ. Tác giả sử dụng một loạt các hình ảnh thiên nhiên gần gũi, bình dị như “con chim”, “cành hoa”, “chiếc lá” để thể hiện nỗi ao ước, gợi lên một lẽ sống khiêm nhường mà đầy ý nghĩa. Thanh Hải mong muốn hóa thành con chim để cất tiếng hót thánh thót cho đời, khát khao được làm cành hoa để tô đời thêm sắc thắm. Và hơn hết, ông muốn trở thành một nốt trầm dù nhỏ bé nhưng vẫn đủ để gieo vào lòng người sự xuyến xao.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Khổ thơ là lời bộc bạch chân thành, tha thiết niềm mong mỏi được góp sức mình cho sự phát triển của Tổ quốc. Đây là một quan niệm sống cao đẹp, đầy tính nhân văn, thể hiện tình yêu quê hương, sự gắn bó với cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của nhà thơ. Ông khiêm tốn tự nhận mình chỉ là một phần “nho nhỏ” giữa mùa xuân lớn của đất nước. Mùa xuân của Thanh Hải lặng lẽ, âm thầm gom góp sắc hương làm nên những dải màu rực rỡ cho Tổ quốc. Điệp ngữ “Dù là” kết hợp cùng cặp hình ảnh đối lập “tuổi hai mươi” và “khi tóc bạc” càng nhấn mạnh, khẳng định lí tưởng sống ý nghĩa. Đây không phải là mục đích sống của cá nhân nhà thơ mà đã trở thành tiếng lòng đồng vọng của triệu triệu con người khắp mọi miền đất nước. Dù ta là ai, ta bao nhiêu tuổi, ta vẫn sẽ hiến dâng những gì tươi đẹp nhất cho quê hương. Cái “ta” và cái “tôi” được hòa quyện, đan cài, tạo nên mùa xuân trường tồn. Từ khúc ca lòng, khổ thơ trở thành lời kêu gọi, thúc giục chúng ta “lên đường” xây dựng Tổ quốc. Khát vọng nhân văn ấy đã từng được nhà thơ Tố Hữu nhắc đến:
Nếu là con chim, là chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
Như vậy, hai khổ thơ bốn và năm đã thể hiện khát vọng sống, cống hiến đầy cao đẹp của nhà thơ Thanh Hải, làm nổi bật ý nghĩa của toàn bộ thi phẩm. Thanh Hải viết bài thơ trong những ngày cuối đời trên giường bệnh nhưng niềm tin yêu cuộc sống, hi vọng vào tương lai của ông vẫn khiến ta cảm phục. Chắc chắn, “Những vần thơ tươi xanh” ấy sẽ sống mãi trong trái tim người đọc.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 19
Cứ mỗi độ xuân về, lòng người lại rạo rực những nỗi vui khó tả. Bởi vậy, mùa xuân luôn khiến người ta thổn thức, mong chờ và háo hức vô kể. Xuân cũng làm cho biết bao thi sĩ phải xao lòng mà viết nên những vần thơ tuyệt diệu, bởi đâu chỉ có xuân đất trời thôi đâu, lòng người cũng đang "xuân", đang khát khao cống hiến những đẹp đẽ nhất cho Tổ quốc ,cho quê hương mình. Nhà thơ Thanh Hải đã viết nên những vần thơ đẹp đến nao lòng như thế qua bài “Mùa xuân nho nhỏ”, đặc biệt, thi phẩm đã nói lên ước nguyện quá đỗi chân thành của nhà thơ gửi gắm vào lẽ sống, vào cuộc đời. Và mong muốn ấy được thể hiện rất cảm xúc, mãnh liệt qua những lời thơ:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Trước sức xuân trong sáng, tinh khôi đang tràn trề khắp mọi nẻo, tâm hồn con người cũng yêu xuân, yêu đất nước, yêu cuộc đời và mong muốn được cống hiến cho đời những điều đẹp đẽ. Ta muốn làm một con chim nhỏ cất tiếng hát líu lo mang âm thanh trong trẻo đến mọi người. Đó là cánh chim tự do giữa bầu trời thanh bình hót tiếng ca hy vọng vào tương lai tươi đẹp. Ta muốn làm một bông hoa thôi, một bông hoa nhẹ nhàng, khoe sắc, điểm hương cho cuộc đời. Bông hoa của vẻ đẹp, của tình yêu, của sức sống. Tất cả những hình ảnh thiên nhiên quá đỗi bình dị ấy nhưng được tác giả khát khao hoà nhập vào chính mình để điểm tô cuộc đời. Đó là lẽ sống của thương yêu, của khát khao sống và hiến dâng những tinh túy nhất cho cộng đồng, đất nước, dù đó là điều giản dị thôi nhưng chân thành là đủ. Và hoà trong cảm xúc ấy, Thanh Hải lại mong mình là một nốt trầm xao xuyến giữa bản nhạc cuộc đời. Không phải là những âm thanh cao vút, xa xôi, cũng không phải là thứ âm thanh ồn ào, náo nhiệt mà là một nốt trầm dịu nhẹ, an nhiên, âm thầm lặng lẽ hoà trong khúc ca giữa đời sống. Đó là sự cống hiến âm thầm, mong muốn góp phần nhỏ bé của cuộc đời mình vào chỗ công cuộc xây dựng quê hương. Tác giả hoà cái tôi riêng vào cái ta chung như nói lên nỗi lòng của bao người, bao thế hệ đất nước vẫn tình nguyện hiến dâng những vẻ đẹp của tâm hồn và tài năng của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Ta chỉ là một mùa xuân nho nhỏ thôi, một cuộc đời nồng nhiệt và những cống hiến của ta cũng nhỏ bé so với biết bao điều đẹp đẽ của thế giới ngoài kia. Nhưng nếu được là một phần nhỏ ấy thôi, ta vẫn muốn dành trọn cho đất nước thương yêu. Dù là trong những ngày bom đạn chiến tranh, ta anh dũng chiến đấu với súng đạn của kẻ thù thì đến hôm nay, khi đất nước thanh bình, hạnh phúc, khi tuổi đã xế chiều ta vẫn luôn giữ khát khao, tình yêu dành trọn tâm hồn mình cho đất nước. Đó là một tấm lòng mãi mãi trường tồn theo thời gian, dù thanh xuân hay khi đã về già, vẫn mong muốn góp sức mình làm đẹp cho cuộc đời.
Bằng tình cảm chân thành, ngôn ngữ giản dị dễ đi vào lòng người, giọng thơ thủ thỉ nhẹ nhàng như nhắc nhở mỗi chúng ta về niềm yêu cuộc sống. Thanh Hải đã gửi gắm vào thế hệ hệ tương lai một mục đích sống, một lẽ sống cao đẹp nơi tâm hồn - “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Hãy sống và cống hiến hết mình cho đời, dâng những bông hoa đẹp nhất của cuộc đời mình dựng xây cho đời sống một cách trọn vẹn nhất.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 20
Khi đất nước đang trên đà đi lên chủ nghĩa xã hội, hòa nhập với cộng đồng khi cần những con người biết hi sinh, biết cống hiến. Thanh Hải là một trong những nhà thơ tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, dù sức khỏe không tốt. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” đã phần nào nêu lên ước nguyện nhỏ nhoi nhưng có ý nghĩa lớn đối với đất nước. Đặc biệt trong hai khổ thơ:
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập cùng hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi đôi mươi
Dù là khi tóc bạc
Thật vậy, xuyên suốt bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là niềm vui phơi phới của tác giả trước sự đổi thay mạnh mẽ của đất nước. Một con người đầy nhiệt huyết và khao khát được cống hiến cho đất nước như Thanh Hải thật đáng ngưỡng mộ, trân trọng.
Thanh Hải ước nguyện thật đơn giản, mộc mạc nhưng có ý nghĩa khái quát lớn đối với mỗi người, đặc biệt là người trẻ:
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Không mơ ước cao xa, vĩ đại, “ta” chỉ ước những điều nhỏ nhoi, bình dị nhưng không phải người nào cũng có thể làm được. “Con chim hót”, “một nhành hoa”... tưởng chừng là những điều bình dị, đơn giản với vẻ đẹp âm thầm và lặng lẽ nhưng lại có ý nghĩa lớn đối với mạch thơ. Tác giả chỉ nguyện hóa thân thành con chim có thể cất vang tiếng hót làm vui vẻ cuộc sống này, được tự do tung bay đến những chân trời mới phục vụ cho nhân dân. Ước làm một nhành hoa để tỏa hương và khoe sắc làm giàu đẹp và phong phú hơn cho quê hương, đất nước. Mặc dù nguyện ước này có phần lạ kì nhưng nó chân chất và gần gũi với đời sống hằng ngày.
Và Thanh Hải còn hi vọng rằng chút cống hiến bé nhỏ của mình sẽ hòa vào biển người rộng lớn, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến
Chỉ là “một nốt trầm” rất nhỏ nhập vào bản hòa ca nhiều thanh sắc cũng đã khiến cho tác giả quá mãn nguyện, quá hài lòng. Chính tấm chân tình của tác giả khiến người đọc không thể kìm được dòng cảm xúc. Và rồi tự Thanh Hải nhận mình là “một mùa xuân nho nhỏ” giữa mùa xuân lớn của đất nước. Dù mùa xuân ấy lặng lẽ và âm thầm hi sinh, cống hiến nhưng đó là nguyện ước của một con người khát sống, khát yêu thương.
Mùa xuân nho nhỏ nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Một mùa xuân nhỏ, góp thành mùa xuân lớn, tích tiểu thành đại là việc mà mỗi người chúng ta cần phải làm, cần phải cố gắng để cống hiến. Và những nguyện ước bình dị nhưng lớn lao đó đã thôi thúc tác giả cống hiến mà không đòi hỏi, chỉ lặng lẽ âm thầm như vậy:
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Một ý niệm về thời gian giàu triết lí nhân sinh. Thời gian là tuổi trẻ hay là tuổi già thì cống hiến vẫn luôn là điều cần thiết, không cần phải có suy nghĩ trẻ mới nên cống hiến. Đó là một tấm lòng rất mực cao cả của Thanh hải.
Những lời thơ nhẹ nhàng, chân tình của Thanh Hải cùng với nguyện ước bình dị đã lắng lại trong lòng người đọc nhiều dư âm nhất.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 21
“Mùa xuân nhỏ nhỏ” là khúc ca cuối cùng của nhà thơ Thanh Hải để lại cho cuộc đời. Từ cảm hứng về vẻ đẹp và thiên nhiên của xứ huế, nhà thơ liên tưởng đến mùa xuân vĩnh hằng của đất nước, đồng thời thể hiện khát vọng dân hiến mùa xuân cuộc đời cho mùa xuân lớn của đất nước. Tình cảm ấy được thể hiện chân thành và cảm động qua khổ 4 và 5 của bài thơ.
Xứ Huế mộng mơ dệt nên những tình cảm mến yêu tha thiết trong lòng nhà thơ. Từ những cảm xúc về mùa xuân trong suy tưởng, tác giả đã chuyển mạch thơ một cách tự nhiên sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm của mình về lẽ sống, về ý nghĩa giá trị của cuộc đời mỗi con người:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến”.
Để bày tỏ lẽ sống của mình, ngay từ những câu thơ mở đầu đoạn, Thanh Hải đã đem đến cho người đọc cái giai điệu ngọt ngào, êm ái của những thanh bằng liên tiếp “ta”-“hoa”-“ca”. Điệp từ “ta” được lặp đi lặp lại thể hiện một ước nguyện chân thành, thiết tha. Động từ “làm”-“nhập” ở vai trò vị ngữ biểu lộ sự hoá thân đến diệu kỳ – hoá thân để sống đẹp, sống có ích. Nhà thơ đã lựa chọn những hình ảnh đẹp của thiên nhiên,của cuộc sống để bày tỏ ước nguyện: “con chim”, “một cành hoa”, “một nốt trầm”. Còn gì đẹp hơn khi làm một cành hoa đem sắc hương tô điểm cho mùa xuân đất mẹ! Còn gì vui hơn khi được làm con chim nhỏ cất tiếng hót rộn rã làm vui cho đời!
Các hình ảnh bông hoa, tiếng chim đã xuất hiện trong cảm xúc của thi nhân về mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp, giờ lại được sử dụng để thể hiện lẽ sống của mình. Một ý nghĩa mới đã mở ra, đó là mong muốn được sống có ích, sống làm đẹp cho đời là lẽ thường tình. Cái “tôi”của thi nhân trong phần đầu bài thơ giờ chuyển hoá thành cái “ta”. Có cả cái riêng và chung trong cái “ta” ấy. Với cách sử dụng đại từ này, nhà thơ đã khẳng định giữa cá nhân và cộng đồng, giữa cái riêng và cái chung.
Hình ảnh “nốt trầm”và lặp lại số từ “một” tác giả cho thấy ước muốn tha thiết, chân thành của mình. Không ồn ào, cao giọng, nhà thơ chỉ muốn làm “một nốt trầm” nhưng phải là“một nốt trầm xao xuyến” để góp vào bản hoà ca chung. Nghĩa là nhà thơ muốn đem phần nhỏ bé của riêng mình để góp vào công cuộc đổi mới và đi lên của đất nước. Đọc đoạn thơ, ta xúc động trước ước nguyện của nhà thơ xứ Huế và cũng là ước nguyện của nhiều người. Lẽ sống của Thanh Hải còn được thể hiện trong những vần thơ sâu lắng:
“Một mùa xuân nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Cách sử dụng ngôn từ của nhà thơ Thanh Hải rất chính xác, tinh tế và gợi cảm. Làm cành hoa, làm con chim, làm nốt trầm và làm một mùa xuân nho nhỏ để lặng lẽ dâng hiến cho cuộc đời. “Mùa xuân nho nhỏ” là một ẩn dụ đầy sáng tạo, biểu lộ một cuộc đời đáng yêu, một khát vọng sống cao đẹp. Mỗi người hãy làm một mùa xuân,hãy đem tất cả những gì tốt đẹp, tinh tuý của mình, dẫu có nhỏ bé để góp vào làm đẹp cho mùa xuân đất nước.
Cặp từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” cho thấy một thái độ chân thành, khiêm nhường, lấy tình thương làm chuẩn mực cho lẽ sống đẹp, sống để cống hiến đem tài năng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Không khoe khoang, cao điệu mà chỉ lặng lẽ âm thầm dâng hiến. Ý thơ thể hiện một ước nguyện, một khát vọng, một mục đích sống.Biết lặng lẽ dâng đời, biết sống vì mọi người cũng là cách sống mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh,
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Nguyễn Sĩ Đại trong bài thơ Lá xanh, cũng đã bày tỏ:
“Người vá trời lấp bể
Kẻ đắp luỹ xây thành
Ta chỉ là chiếc lá
Việc của mình là xanh”
Thanh Hải trước khi về với thế giới “người hiền” cũng đã ước nguyện:
“Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”.
Lời ước nguyện thật thuỷ chung, son sắt. Sử dụng điệp ngữ “dù là” nhắc lại hai lần như tiếng lòng tự dặn mình đinh ninh: dẫu có ở giai đoạn nào của cuộc đời, tuổi hai mươi tràn đầy sức trẻ, hay khi đã già,bệnh tật thì vẫn phải sống có ích cho đời, sống làm đẹp cho đất nước. Đây là một vấn đề nhân sinh quan nhưng đã được chuyển tải bằng những hình ảnh thơ sáng đẹp, bằng giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, thiết tha. Vì vậy, mà sức lan tỏa của nó thật lớn.
Bài thơ được viết vào thời gian cuối đời,trước khi nhà thơ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng trong bài thơ không hề gợi chút băn khoăn về bệnh tật, về những suy nghĩ riêng tư cho bản thân. Chỉ “lặng lẽ” mà cháy bỏng một nỗi khát khao được dâng những gì đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình cho đất nước. Khổ 4 và 5 của bài thơ là lời tâm niệm của một con người đã từng trải qua hai cuộc chiến tranh, đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời và sự nghiệp của mình cho cách mạng. Điều đó càng làm tăng thêm giá trị tư tưởng của bài thơ.
Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Thanh Hải, bên cạnh bài làm văn Khát vọng dâng hiến cho đời của nhà thơ Thanh Hải trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, các bạn học sinh và thầy cô có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu khác như, Phân tích khổ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, Cảm nhận khổ đầu bài Mùa xuân nho nhỏ hay cả các phần Soạn văn lớp 9 - Mùa xuân nho nhỏ.
Phân tích Khát vọng dâng hiến cho đời trong khổ 4, 5 bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - mẫu 22
Công cuộc xây dựng xã hội mới đòi hỏi những con người mới biết cống hiến, biết hi sinh. Nhà thơ Thanh Hải, một nhà thơ cách mạng đã thấm nhuần quan điểm trên. Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" đã thay ông nói lên niềm tâm sự, khát vọng được cống hiến cho mùa xuân của đất nước. Chỉ với hai đoạn thơ, tác giả đã nêu bật được niềm khát vọng thiết tha, cháy bỏng của mình:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nổi trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Trong sức xuân mạnh mẽ của đất trời, trong khí thế bừng bừng sức sống của đất nước vào xuân, tác giả đã cảm nhận được mùa xuân trỗi dậy tự đáy tâm hồn mình. Đó là mùa xuân của lòng người, mùa xuân của sức sống tươi trẻ, mùa xuân của cống hiến và hi sinh.
Tác giả không mơ giấc mơ vĩ đại, chẳng tưởng một viễn cảnh lạ kì, mà tâm hồn tác giả nguyện những ước mơ đơn sơ, bình dị:
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Tác giả ước mơ được hi sinh, được cống hiến. Ước mơ cháy bỏng của tác giả sôi tràn nhiệt huyết, căng tràn nhựa hi sinh, thổi phồng lên một niềm tin bất diệt. Tác giả mơ ước nhưng chỉ nguyện "làm" một cành hoa, một con chim hót. Tác giả như nguyện rằng mình sẽ làm, vâng sẽ làm một tiếng chim, một cành hoa đế góp vào vườn hoa muôn hương muôn sắc, rộn rã tiếng chim. Một cành hoa, một tiếng chim để tô điểm cho phong cảnh mùa xuân tươi đẹp. Đó là ước nguyện lạ thường, không phải nó cao siêu vĩ đại mà tại nó gần gũi. Quá, đáng yêu quá. Ước được tô điểm cho mùa xuân, được góp phần tạo dựng mùa xuân là tác giả đã nguyện hi sinh, nguyện cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước.
Tác giả nguyện sẽ cống hiến, cống hiến những gì đơn sơ, giản dị, nhưng lại có ích cho đời:
Ta nhập vào hòa ca
Mội nốt trầm xao xuyến
Tác giá không mơ được làm một cánh đại bàng lướt gió giữa trời xuân, không mơ được làm nốt nhạc vút cao trong dàn hòa ca bay bổng. Tác giả chỉ nguyện làm một tiếng chim hót, một nốt trầm nhưng xao xuyến lòng người. Một ước mơ nho nhỏ, chân tình.
Tâm hồn của tác giả hòa vào mùa xuân đất nước, thôi thúc từng hồi, mạnh mẽ nhưng âm thầm, lặng lẽ:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc
Đầu đề của bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" là như vậy. Mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân lớn lao của đất nước. Đó là ước nguyện của tác giả, nguyện sẽ mãi mãi được làm việc, được hi sinh, cống hiến. Tác giả muốn góp vào mùa xuân chút công sức nhỏ bé của mình. Đó là ý thích, là niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp, cũng là tấm lòng chân tình của tác giả. Tác giả không mơ ước xa xôi: Một mùa xuân nho nhỏ
Vâng! Mùa xuân nho nhỏ, rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn lao. Bởi tấm lòng của tác giả luôn hướng tới sự cống hiến tốt đẹp, bởi một mùa xuân nho nhỏ sẽ vẽ lên mùa xuân đất trời rộng lớn. Mùa xuân của tác giả chẳng ồn ào náo nhiệt mà âm thầm lặng lẽ hiến dâng, chẳng phô trương, không cần ai biết đến: Lặng lẽ dâng cho đời
Ý thức của tác giả từ một ước nguyện hi sinh, thể hiện sâu hơn là lòng nhân hậu, muốn giúp đời trong âm thầm lặng lẽ:
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khỉ tóc bạc
Tuổi trẻ cống hiến hi sinh, tuổi già cũng ầm thầm cống hiến. Ý thức về trách nhiệm với quê hương, đất nước, khát vọng được sống, được cống hiến trở thành một ý thức bất diệt trong tâm hồn tác giả. Tác giả sẽ sống và cống hiến. Còn sống là còn cống hiến. Lời thơ nhỏ nhẹ, chân tình quá! Tuổi hai mươi căng tràn nhựa sống hay tuổi già tóc bạc ý thức trách nhiệm với đất nước vẫn không thay đổi. Điệp từ "dù là" như là một lời hứa, cũng là một lời tự nhủ với lương tâm sẽ mãi mãi là mùa xuân nho nhỏ trong mùa xuân rộng lớn của quê hương, đất nước.
Thấm nhuần tâm tư, ước nguyện của tác giả, được sống trong một xã hội hòa bình thống nhất, ta phải làm sao để với lương tâm ta, ta không hổ thẹn là người đã chối bỏ trách nhiệm với đất nước, với quê hương. Như Thanh Hải, ta cũng nguyện được là một "mùa xuân nho nhỏ".