Biện pháp liệt kê là gì? Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê

164

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Biện pháp liệt kê là gì? Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Biện pháp liệt kê là gì? Tác dụng của biện pháp tu từ liệt kê

I. Biện pháp liệt kê là gì?

- Khái niệm: Liệt kê là biện pháp tu từ mà người nói, người viết sắp xếp nối tiếp các từ, cụm từ cùng loại trong cùng một câu, một đoạn để tạo nên ấn tượng mạnh, hiệu quả cao trong miêu tả, kể chuyện hoặc biểu lộ tình cảm, cảm xúc.

- Ví dụ về biện pháp liệt kê:

Ví dụ 1: Thường là chở chè vối, và thỉnh thoảng củng có những chuyến chở cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sợi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu, xương hổ.

(Nguyễn Tuân)

→ Các cụm danh từ chè vối, cánh kiến trắng, cánh kiến đỏ, sợi móc, da trâu sống, xương và sừng nai hươu, xương gấu, xương hổ cùng làm thành tố phụ cho cụm động từ có động từ trung tâm là chở nhằm gây ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận và sự đa dạng của các sản vật vùng biên.

Ví dụ 2:

Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm,
khoét núi, ngủ hầm,
mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!

(Tố Hữu)

→ Các cụm động từ khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm và các cụm danh từ cơm vắt được sắp xếp đặt cạnh nhau nhằm làm cho sự miêu tả thêm đậm nét về những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ Điện Biên phải trải qua, đồng thời việc sắp đặt này cũng gây ấn tượng mạnh đối với người tiếp nhận.

Ví dụ 3: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông, đất nước ta.

→ Các cụm danh từ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta cùng làm chủ ngữ của câu nhằm biểu hiện cảm xúc và suy nghĩ của người viết về lòng biết ơn vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta với vị cha già của dân tộc.

II. Nhận biết đặc điểm của biện pháp liệt kê

- Đặc điểm:

* Biện pháp liệt kê thể hiện bằng cách kể ra một chuỗi các đối tượng nhằm cung cấp thông tin cụ thể hơn cho câu.

Ví dụ:

+ Con vẫn đinh ninh khắc ghi công ơn sinh thành dưỡng dục của gia tộc, ông bà, cha mẹ, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi nẩy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương.

(Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn)

* Thành phần liệt kê ở cuối câu thường được đặt sau dấu hai chấm. Trường hợp liệt kê chưa hết các đối tượng, người ta dùng dấu ba chấm hoặc kí hiệu,...

Ví dụ:

+ Người Huế có đủ cung bậc ngôn ngữ để diễn tả vị cay, bao gồm hết mọi giác quan, càng nói càng “sướng miệng”: cay phỏng miệng, cay xé lưỡi, cay điếc mũi, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi, cay điếc tai, cay điếc óc,...

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chuyện cơm hến)

* Trong những trường hợp thể hiện cảm xúc của người viết, liệt kê được coi là một biện pháp tu từ.

Ví dụ:

+ Nhưng một điều bố thấy: khi nghe đến chuyện tuổi thơ của bố thì Khánh chớp chớp mắt, rồi mắt đỏ lên, đang nói nhiều, trở thành im lặng; đang nghịch ngợm rong chơi trở nên hiền hậu chuyên cần; bài tập nham nhở trở thành chỉn chu; đang ăn mặt lôi thôi, diêm dúa trở thành gọn gàng, giản dị,...

(Duy Khán, Tuổi thơ im lặng)

* Việc liệt kê nhiều khi không chỉ gói gọn trong một câu mà được triển khai trong nhiều câu của đoạn thơ hoặc đoạn văn.

Ví dụ:

+ Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

(Thép Mới, Cây tre Việt Nam)

III. Phân loại biện pháp liệt kê

Phân loại biện pháp liệt kê

* Xét theo cấu tạo, có 2 kiểu liệt kê:

- Liệt kê theo từng cặp:là kiểu liệt kê với các cặp từ đi liền với nhau.

Ví dụ: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy. (Hồ Chí Minh)

- Liệt kê không theo từng cặp: là kiểu liệt kê hàng loạt các sự vật, hiện tượng có điểm chung tương đồng.

Ví dụ: Một chiếc giường đơn, một ngọn đèn hoa kì trên chiếc chõng tre, bộ ấm tích, điếu bát.(Bảo Ninh)

* Xét về ý nghĩa, có 2 kiểu liệt kê:

- Liệt kê tăng tiến:là kiểu liệt kê theo một trình tự quy luật nhất định.

Ví dụ: Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước. (Hồ Chí Minh)

- Liệt kê không tăng tiến: là việc liệt kê các thành phần có mối quan hệ bình đẳng. Ví dụ: Mặc dù ông xuống “kiềng” cùng với một nhóm khá đông trợ lí và trinh sát, mặc dù ông cũng trang bị và nai nịt như mọi người, tiểu liên AK, dép đúc, mũ cối, áo lính Tô Châu, nhưng trong bóng rừng nhập nhoạng tôi vẫn nhận ra ông ngay. (Bảo Ninh)

IV. Tác dụng của biện pháp liệt kê

- Làm tăng hiệu quả biểu đạt, diễn đạt, ngắn gọn, dễ hiểu.

- Nhấn mạnh ý, chứng minh cho nhận định của tác giả. Trong văn học, liệt kê được sử dụng như một phép tu từ.

Ví dụ: Trong tác phẩm “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta”, Hồ Chí Minh đã sử dụng biện pháp liệt kê để nhấn mạnh tinh thần yêu nước của nhân dân, chứng minh cho lòng yêu nước đó là bất tử “…Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước”.

V. Lưu ý khi sử dụng phép liệt kê

- Tất cả các từ được liệt kê phải có chung một chủ đề hoặc một ý nghĩa chung cụ thể.

- Phương pháp tăng dần yêu cầu xác định đúng thứ tự từ thấp đến cao.

- Các từ phải được phân tách bằng dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc kết hợp từ “như”, “với”, “và”, “cùng”,...

VIBài tập về biện pháp liệt kê

Bài 1. Chỉ ra biện pháp liệt kê trong các trường hợp sau. Xác định xem đây là kiểu liệt kê theo từng cặp hay không theo từng cặp; kiểu liệt kê tăng tiến hay không tăng tiến.

a. Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

Ba làng nhập lại không ra cái làng nào.

b. Tuồng này có một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân.

c. Chú dạy chúng tôi thay nhau đóng vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân.

d. Già trẻ bé lớn ai cũng nôn nao với tiếng trống rao hàng của chiếc xe ngựa chạy qua đường.

e. Thằng Cò đội cái thúng to tướng, trong thúng đựng một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại, trên thúng úp chiếc nón lá rách.

Trả lời:

Câu

Biện pháp liệt kê

Kiểu liệt kê

a

Mỹ Tân, Mỹ Phú, Mỹ Hòa

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

b

một ông vua; hai ông quan – một nịnh, một trung; một anh hề; một ái khanh; một thằng quân.

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

* Lưu ý: Trong ngữ liệu b, có một phép liệt kê (một nịnh, một trung) nằm trong phép liệt kê lớn hơn.

c

vai nịnh, vai trung, vai hề, vai quân.

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

d

Già trẻ bé lớn

Liệt kê không theo từng cặp, tăng tiến.

e

một vò nước, mấy gói cơm nắm và cái áo ướt mồ hôi nó vừa cởi ra cuộn lại

Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

Bài 2: Hãy xác định biện pháp liệt kê và tác dụng của nó:

a,

Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm, cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

b,

Tàu qua những sớm, những chiều

Những sông, những núi, những đèo tàu qua…

c,

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về.

d,

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi…

Gợi ý trả lời

a, Liệt kê những đức tính đáng quý của cây tre cũng chính là đức tính đáng quý của con người.

b, Liệt kê những điểm đến cũng chính là hành trình của con tàu.

c, Liệt kê chiến thắng vẻ vang của quân ta

d. Liệt kê: ong bướm, hoa, lá, yến anh, ánh sáng, tháng giêng

- Tác dụng : Cho thấy bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp có sự hài hòa cả về đường nét, màu sắc và sức sống căng tràn của cảnh vật . Qua đó thể hiện tình yêu mùa xuân , yêu cuộc sống trần thế tha thiết của tác giả .

Bài 3. Tìm và chỉ ra các phép liệt kê có trong các ví dụ sau:

a) Trong miêu tả, người ta thường hay so sánh. So sánh thì vô cùng: Cậu ta mới chừng ấy tuổi mà trông như một cụ già. Đấy là so sánh người với người. Có khi so sánh người với các con vật: Trông anh ta như một con gấu. Có khi so sánh người với cây, với hoa: Cô gái vẻ mảnh mai, yểu điệu như một cây liễu.

b) Trong tiếng gió thổi ta nghe tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve ran và cả tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục từ trên các tầng than, bến cảng vọng lại. Những âm thanh của sự sống trăm ngả tụ về, theo gió ngân lên vang vọng.

c) Lúc ấy

Cả công trường đang ngủ cạnh dòng sông

Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ

Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ

Chỉ có tiếng đàn ngân nga

Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

Trả lời:

a) Liệt kê: mảnh mai, yểu điệu → Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

b) Liệt kê: tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve ran, tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục → Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

c) Liệt kê: xe ủi, xe ben → Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến.

Bài 4. Chỉ ra phép liệt kê trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của phép liệt kê đó.:

Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, đê trong khay khảm, khói bay nghi ngút; tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bac đầy những trầu vàng, cau đâu, rễ tía, hai bên nào ông thuốc bac, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai… ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt.(…) Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch, nghiêm trang lắm (…).

(Phạm Duy Tốn)

Trả lời:

- Phép liệt kê: Bát yến hấp đường phèn, tráp đồi mồi chữ nhật đè mở, trầu vắng, cau đậu, rễ tía, ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, dao chuôi ngà, ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông

→ Liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

→ Tác dụng:  làm cho sự miêu tả thêm đậm nét nhằm giúp người tiếp nhận thấy được sự giàu sang vô lối của tên quan phụ mẫu.

Bài 5. Đặt câu có sử dụng phép liệt kê.

Trả lời:

- Giờ ra chơi trên sân trường tôi thật náo nhiệt: các bạn nữ chơi nhảy dây, các bạn nam đá bóng, một vài tốp học sinh ngồi ghế đá nói chuyện tíu tít với nhau.

- Bằng tinh thần sục sôi, ý chí chiến đấu và lòng yêu nước nồng nàn, các chiến sĩ đã chiến đấu vì nền độc lập của nước nhà.

- Đồng chí của Chính Hữu là bài ca về tình đồng chí, đồng đội với tinh thần cùng cảnh ngộ, ý chí, lý tưởng chiến đấu đấu.

Bài 6. Viết đoạn văn có sử dụng phép liệt kê, chỉ rõ các phép liệt kê đó?

Đoạn văn mẫu

Chúng tôi thích nhất là giờ dạy văn của cô Hà. Cô Hà là người giáo viên dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh. Mỗi bài giảng của cô đều đem lại kiến thức bổ ích cho mỗi thế hệ học trò. Các bạn trong lớp ai cũng yêu mến cô qua những bài giảng văn trên lớp. Mỗi giờ lên lớp, giọng cô truyền cảm, đôi mắt trìu mến nhìn học sinh, thả hồn vào từng bài giảng. Không chỉ dạy trên lớp truyền thụ kiến thức mà ngoài đời cô còn rất quan tâm đến học trò của mình. Cô hay trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ để thấu hiểu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp. Ngoài ra cô còn rất quan tâm đến các bạn có học lực kém để tìm các phương pháp giảng dạy hiệu quả, giúp các em hiểu bài hơn. Nhờ đó mà chúng tôi luôn đạt điểm cao trong học tập.

- Các câu văn có sử dụng phép liệt kê là: 

Cô Hà là người giáo viên dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh.

Cô hay trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ để thấu hiểu cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong lớp.

- Phép liệt kê được sử dụng là: 

"dạy giỏi, có nhiệt huyết, lòng đam mê và rất yêu thương học sinh" - liệt kê các phẩm chất của cô Hà - liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

"trò chuyện, tìm hiểu, chia sẻ" - liệt kê các hoạt động của cô Hà - liệt kê không theo từng cặp, không tăng tiến

Bài 7. Tìm phép liệt kê trong các đoạn trích sau:

- " Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước."- Hồ Chí Minh

- " Và đó cũng là lần đầu tiên trong đời mình, hai con mắt của ông Va- ren được thấy hiển hiện cái huyền diệu của một thành phố Phương Đông, dưới lòng đường, trên vỉa hè, trong cửa tiệm. Những cu li xe kéo tay phóng cật lực, đôi bàn chân trần giẫm lạch bạch trên mặt đường nóng bỏng; những quả dưa hấu bổ phanh đỏ lòm; những xâu lạp xưởng lủng lẳng dưới mái hiên các hiệu cơm; cái rốn một chú khách trưng ra giữa trời; một viên quan uể oải bước qua, tay phe phẩy cái quạt, ngực đeo tấm Bắc Đẩu bội tinh hình thập. Thật là lộn xộn! Thật là nhốn nháo!"- Nguyễn Ái

-" Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng

Em đã sống lại rồi, em đã sống!

Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng" - Tố Hữu

Bài 8. Hãy đặt câu có sử dụng biện pháp liệt kê để:

a) Tả một số hoạt động trên sân trường em trong giờ ra chơi.

b) Trình bày nội dung truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu mà em đã học.

c) Nói lên những cảm xúc của em về hình tượng người cách mạng Phan Bội Châu trong truyện ngắn Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu.

d) Đồng chí Chính Hữu là bài ca về tình đồng chí, đồng đội với tinh thần cùng cảnh ngộ, ý chí, lý tưởng chiến đấu.

e) Bằng tinh thần sục sôi, ý chí chiến đấu và lòng yêu nước nồng nàn, các chiến sĩ đã chiến đấu vì nền độc lập nước nhà.

Bài 9. Xét về cấu tạo, các phép liệt kê dưới đây có gì khác nhau?

a) Toàn thể dân tộc VIệt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập.

b) Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vừng quyền tự do, độc lập ấy.(Hồ Chí Minh)

Đánh giá

0

0 đánh giá