Câu cảm thán là gì? Đặc điểm, nhận biết câu cảm thán

156

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Câu cảm thán là gì? Đặc điểm, nhận biết câu cảm thán giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Câu cảm thán là gì? Đặc điểm, nhận biết câu cảm thán

1. Câu cảm (câu cảm thán) là gì?

- Khái niệm: Câu cảm thán là câu dùng để miêu tả, biểu lộ cảm xúc của người viết, người nói như đau buồn, giận dữ, vui vẻ, phẫn nộ, phấn khích, ngạc nhiên, chua xót, kích động… Kết thúc một câu cảm thán thường sử dụng dấu chấm than nhằm nhấn mạnh ý kiến đó.

- Ví dụ: Đẹp vô cùng ôi Tổ quốc ta ơi!

- Ví dụ: A, mẹ về!; Ôi, bông hoa đẹp quá!; Ôi giời ơi, thế thì đợi đến sáng!

=> Đây là các câu cảm thán có nòng cốt câu với những cấu trúc khác nhau, nhưng điểm chung là yếu tố cảm thán cùng nằm trong cùng một câu với những yếu tố khác.

Ví dụ: Trong đoạn trích sau: "Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết... Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên luỵ đến hàng xóm, láng giềng... Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư? Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn..."

Các câu cảm thán trong đoạn văn là: 

- Hỡi ơi lão Hạc

- Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều nhưu ai hết

- Một người như thế ấy

- Một người đã khóc vì trót lừa một con chó. 

2. Nhận biết đặc điểm của câu cảm thán

– Trong câu xuất hiện các từ, cụm từ biểu cảm như than ôi, ôi, chao ôi, chao, hỡi ơi, con ơi, ông ơi, bà ơi, quá, lắm…

Ví dụ: Ôi đau quá đi mất!

– Kết thúc câu cảm thán bằng một dấu chấm than. Tuy nhiên không phải câu nào kết thúc bằng dấu chấm than cũng là câu cảm thán mà đó cũng có thể là câu mệnh lệnh.

Ví dụ:

Câu cảm thán: Món này thật sự rất ngon!

Câu mệnh lệnh: Đi nấu cơm đi!

3. Phân loại câu cảm thán

Có thể dễ dàng nhận thấy, câu cảm thán được chia thành 2 loại:

- Thứ nhất, câu cảm thán không có chứa nòng cốt câu như: Than ôi, chao ôi, ôi trời,... Thường những câu bày tỏ cảm xúc không có ý nghĩa trong câu xuất hiện trong các tình huống bất ngờ không đoán trước được. 

Ví dụ: Chao ôi! Thời tiết hôm nay mới đẹp làm sao. Trong ví dụ trên, ta thấy từ "Chao ôi" đứng độc lập và không liên quan đến ý nghĩa chính trong câu. Câu này thể hiện cảm xúc cho câu đằng sau nó.

- Thứ hai, câu cảm thán có nòng cốt câu. Đó là những câu mà các từ dùng để cảm thán không đứng riêng thành 1 câu độc lập.

Ví dụ: A, mẹ về!; Ôi, bông hoa đẹp quá!; Ôi giời ơi, thế thì đợi đến sáng! Đây là các câu cảm thán có nòng cốt câu với những cấu trúc khác nhau, nhưng điểm chung là yếu tố cảm thán cùng nằm trong cùng một câu với những yếu tố khác.

4. Chức năng của câu cảm thán

– Câu cảm thán dùng trong tình huống nói lên ý kiến cá nhân của người viết, người nói mà ý kiến đó mang nghĩa để bộc lộ cảm xúc thật về sự vật, sự việc.

– Câu cảm thán cũng giúp người đọc hiểu được những câu nói và lời văn đó chính là cảm xúc, cao trào của bài văn.

– Câu cảm thán dùng để cảm ơn người khác về sự giúp đỡ lớn lao mà một câu trần thuật thông thường không thể nào diễn tả hết.

– Câu cảm thán có thể bộc lộ nỗi buồn khi thất bại hoặc mất đi một điều quý giá mà ta có.

– Ngoài ra câu cảm thán thường dùng để nói về điều bất ngờ mà mình gặp qua trong cuộc sống.

Ví dụ:

+ Câu cảm thán thể hiện cảm xúc vui tươi: "Ôi, thời tiết hôm nay thật mát mẻ làm sao!". Trong câu văn này, người nói đang thể hiện cảm xúc thoải mái, khoan khoái đến mức phải thốt lên "ôi". Từ "ôi" ở đầu câu có nhiệm vụ bổ nghĩa cho vế sau, và sau câu cảm thán thì luôn có dấu chấm than.

+ Câu cảm thán thể hiện cảm xúc buồn: "ôi trời ơi! Sao số tôi lại khổ thế này!". Trong câu này, dấu hiệu của câu cảm thán được thể hiện ở: "ôi trời ơi" và "thế này" cùng với dấu chấm than. Câu cảm thán đã thể hiện sự bất lực, hoặc đang trong nỗi bất lực, không thể than vãn với ai. 

+ Câu cảm thán thể hiện sự tức giận: "Điên mất thôi!". Trong câu này, người nói đã thể hiện cảm xúc rất tức giận qua câu cảm thán.

Ví dụ: Trong văn học, câu cảm thán được sử dụng trong bài thơ "Nhớ rừng" của tác giả Thế Lữ như sau: "Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!" Trong câu có từ "Ôi" được kết hợp với "còn đâu" đã thể hiện được sự tiếc nuối khôn nguôi của một vị chúa sơn lâm nhớ lại thời gian còn được tự do, quá khứ vinh quang, oai hùng. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ cảm thán của tác giả có thể nói là đã miêu tả rõ nét sự bất lực của một vị chúa tể vùng sơn cưới cũng như ẩn dụ hình ảnh của tác giả. 

5. Những lưu ý khi sử dụng câu cảm thán

- Sử dụng đúng mục đích: Chỉ sử dụng câu cảm thán để bộc lộ cảm xúc khi nói hoặc viết.

- Sử dụng đúng ngữ cảnh và sử dụng đúng từ ngữ mô tả cảm xúc.

6. Bài tập về câu cảm thán

Bài 1. Phân tích tác dụng của những câu cảm thán trong các câu sau:

a. Thương thay con kiến li ti – Kiếm ăn được mấy phải đi tìm mồi.

b. Ngột làm sao, chết uất thôi…

Trả lời:

a. Từ cảm thán là từ “Thay”, có tác dụng bộc lộ sự thương cảm, xót xa trước những thân phận nhỏ bé, thấp kém trong xã hội phong kiến xưa. Nó còn thể hiện sự đồng cảm với những người nông dân nghèo khổ, luôn bị áp bức, bóc lột.

b. Từ cảm thán là “làm sao”, có tác dụng bộc lộ sự nhức nhói, bức bách trước cảnh ngục tù, cảnh bị giam giữ và không có quyền tự do.

Bài 2. Chuyển các câu cho sẵn sau đây thành câu cảm thán.

a. Em đi làm

b. Ngày thu đã đến

Trả lời:

– Câu cảm thán:

a. Ôi! Em đi làm thật chăm chỉ.

b. Ngày thu mới đẹp biết bao!

Bài 3. Hãy đặt câu với các từ cảm thán sau: ôi, than ôi, hỡi ơi, chao ơi (ôi), trời ơi, thay, biết bao, xiết bao, biết chừng nào…

Hướng dẫn làm bài

Từ cảm thán Câu cảm thán
Ôi Ôi, hôm nay trời thật đẹp!
Than ôi Than ôi, mệt mỏi quá!
Hỡi ơi Hỡi ơi ông trời!
Chao ôi Chao ôi, bạn ấy xinh thật đấy!
Trời ơi Trời ơi, sao số tôi khổ thế!
Thay Thương thay cho những người nghèo khổ!
Biết bao Quê hương em biết bao tươi đẹp!
Xiết bao Nhớ mẹ xiết bao!
Biết chừng nào Biết chừng nào mình mới có tiền!

Bài 4: Tìm câu cảm thán trong các câu sau, chỉ ra đặc điểm hình thức

   a.

Ôi quê hương! Mối tình tha thiết

Cả một đời gắn chặt với quê hương

   b.

Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,

Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,

Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,

Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

( Bếp lửa – Bằng Việt )

   c. Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? ( Nhớ rừng – Thế Lữ )

   d. Phỏng thử có thằng chim cắt nó nhòm thấy, nó tưởng mồi, nó mổ cho một phát, nhất định trúng giữa lưng chú, thì chú có mà đi đời! Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn.

   e. Con này gớm thật!

   g. Khốn nạn! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi.

   h. Ha ha! Một lưỡi gươm!

   i. Đồ ngu! Ngốc sao ngốc thế! Đòi một cái nhà thôi à? Trời! Đi tìm ngay con cá và bảo nó rằng tao không muốn làm một mụ nông dân quèn, tao muốn làm một bà nhất phẩm phu nhân kia.

   j. Cứ nghĩ thầy sắp ra đi và tôi không còn được gặp thầy nữa, là tôi quên cả những lúc thầy phạt, thầy vụt thước kẻ. Tội nghiệp thầy!

Hướng dẫn làm bài

Câu cảm thán Đặc điểm hình thức
Ôi quê hương!

- Có dấu (!) cuối câu

- Có từ cảm thán: Ôi

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

- Có dấu (!) cuối câu

- Có từ cảm thán: Ôi

Than ôi!

- Có dấu (!) cuối câu

- Có từ cảm thán: Than ôi

Ôi thôi, chú mày ơi! Chú mày có lớn mà chẳng có khôn.

- Có dấu (!) , (.) cuối câu

- Có từ cảm thán: ôi (Thái độ khinh thường Dế Choắt)

Con này gớm thật!

- Có dấu (!) cuối câu

- Có từ cảm thán: Thật

Khốn nạn!

- Có dấu (!) cuối câu

- Bộc lộ cảm xúc: Uất ức

Ha ha! Một lưỡi gươm!

- Có dấu (!) cuối câu

- Bộc lộ cảm xúc: sung sướng

Đồ ngu! Ngốc sao ngốc thế!

- Có dấu (!) cuối câu

- Bộc lộ cảm xúc: Mắng chửi

Tội nghiệp thầy!

- Có dấu (!) cuối câu

- Bộc lộ cảm xúc: Lòng thương

Bài 5: Chỉ ra các cảm xúc mà mỗi câu cảm thán dưới đây biểu thị.

   a- Than ôi cũng một kiếp người

   Sống nhờ hàng xứ, thác vùi đường quan.

(Văn chiêu hồn, Nguyễn Du)

   b- Thương thay thân phận con rùa

   Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia.

   c, Tình yêu quê hương của Tế Hanh thật đằm thắm biết bao!

   d- Hỡi ơi, súng giặc đất rền lòng dân trời tỏ.

(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiều)

   e - Thiêng liêng thay tiếng gọi của Bác Hồ ! ( Tố Hữu )

   f - Ôi , quê mẹ nơi nào cũng đẹp , nơi nào cũng rực rỡ chiến tích kì công !

   g- Ôi , buổi trưa nay tuyệt trần nắng đẹp ! ( Tố Hữu )

   h - Mệt ơi là mệt !

Hướng dẫn làm bài

   a. Thương cảm cho những kiếp người khổ sở

   b. Thương cảm cho thân phận con rùa (ý nói về những con người khổ sở ngày xưa)

   c. Ca ngợi tình yêu quê hương của Tế Hanh

   d. Thái độ uất ức về các cuộc khởi nghĩa

   e. Ca ngợi Bác

   f. Ca ngợi quê mẹ

   g. Bộc lộ cảm xúc ngợi ca thời tiết buổi trưa

   h. Bộc lộ cảm xúc mệt mỏi

Bài 6: Viết 5 câu cảm thán cho 5 chủ đề sau:

   - Cảm xúc trước nội dung một bộ phim hay.

   - Nhìn thấy một cảnh tượng thương tâm.

   - Được điểm mười

   - Bị điểm kém

   - Nhìn thấy con vật lạ

Hướng dẫn làm bài

Yêu cầu Câu cảm thán
Cảm xúc trước nội dung một bộ phim hay Ôi, bộ phim này hay thật đấy!
Nhìn thấy một cảnh tượng thương tâm Khổ thân họ!
Được điểm mười Thật tuyệt vời! Hôm nay, em được điểm 10 môn Toán.
Bị điểm kém Buồn ghê gớm! Sao mình lại bị điểm kém thế này?
Nhìn thấy con vật lạ Trời ơi! Con gì đây?

Bài 7. Phân tích tình cảm, cảm xúc được thể hiện trong những câu sau đây. Có thể xếp những câu này vào kiểu câu cảm thán được không? Vì sao?

a. Ai làm cho bể kia đầy

Cho ao kia cạn cho gầy cò con?

b. Xanh kia thăm thẳm từng trên

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

c. Tôi có chờ đâu, có đợi đâu;

Đem chi xuân lại gợi thêm sầu.

d. Anh mà chết là chỉ tại cái tội ngông cuồng dại dột của tôi. Tôi biết làm thế nào đây giờ.

Trả lời: 

a. Câu ca dao bộc lộ sự thương xót, đồng cảm với thân phận của những con người nhỏ bé trong xã hội.

b. Sự than thân, trách phận đã đẩy người chinh phụ tới cảnh chăn đơi gối chiếc.

c. Nỗi buồn đau, sự cô đơn, chán trường vẫn ngự trị thường trực trong lòng tác giả khi mọi người đang mong chờ xuân tới.

d. Sự hối hận muộn màng của Dế Mèn trước cái chết của Dế Choắt.

Tất cả các câu đều bộc lộ cảm xúc, tuy nhiên không có câu nào là câu cảm thán vì không có chứa từ ngữ cảm thán và không có dấu chấm than kết thúc cuối câu.

Đánh giá

0

0 đánh giá