Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Biện pháp tu từ đối là gì? Tác dụng của phép đối giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Biện pháp tu từ đối là gì? Tác dụng của phép đối
I. Biện pháp tu từ là gì?
- Khái niệm: Biện pháp tu từ là một trong những biện pháp nghệ thuật hay được sử dụng trong các tác phẩm văn học. Nhờ việc sử dụng các biện pháp tu từ, tác giả có thể dễ dàng hơn trong việc truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc về mỗi sự vật, sự việc đến bạn đọc một cách dễ dàng và sinh động hơn.
- Tác dụng:
+ Tăng sự gợi hình, gợi cảm cho con người, cảnh vật và thiên nhiên.
+ Nhằm thu hút người đọc, người nghe.
+ Thể hiện sự đa dạng, độc đáo về từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt.
+ Giúp người đọc, người nghe dễ nhớ và tạo ấn tượng độc đáo cho người đọc.
+ Thể hiện trọn vẹn tâm tư, tình cảm, cảm xúc, nguyện vọng của tác giả.
II. Biện pháp tu từ đối là gì?
- Khái niệm: Đối là biện pháp tu từ sử dụng những từ ngữ (cùng từ loại) hoặc câu (cùng cấu trúc) sóng đôi với nhau nhằm nhấn mạnh sự tương đồng hoặc tương phản giữa các nội dung cần biểu đạt, tạo nhịp điệu và làm tăng vẻ đẹp cân xứng cho lời văn.
- Ví dụ về biện pháp đối:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Bà Huyện Thanh Quan, Qua Đèo Ngang)
III. Nhận biết đặc điểm của biện pháp tu từ đối
Đặc điểm của biện pháp tu từ đối
- Số lượng âm tiết của hai vế đối phải bằng nhau.
Ví dụ: Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng (Ca dao)
- Các từ ngữ đối nhau phải cùng từ loại với nhau.
Ví dụ:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
(Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nhàn)
- Các từ đối nhau hoặc phải trái nghĩa với nhau, hoặc phải cùng trường nghĩa với nhau, hoặc phải đồng nghĩa với nhau.
Ví dụ:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
(Hồ Xuân Hương)
IV. Phân loại biện pháp tu từ đối
- Trường đối (bình đối): Biện pháp đối được thực hiện giữa hai dòng thơ hoặc hai câu văn.
Ví dụ:
Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
- Tiểu đối: Biện pháp đốiđược thực hiện giữa các từ ngữ trong một dòng thơ hoặc một câu văn.
Ví dụ:
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề
(Nguyễn Du)
V. Tác dụng của biện pháp tu từ đối
- Gợi sự phong phú về ý nghĩa.
- Tạo ra sự hài hoà, cân xứng về ý nghĩa và nhạc điệu cho lời thơ, câu văn.
- Nhấn mạnh ý.
- Miêu tả sự việc, cảnh vật một cách cô đúc, khái quát.
VI. Bài tập về biện pháp tu từ đối
Bài 1. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong các câu thơ sau trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:
a. Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
b. Duyên này thì giữ vật này của chung”
c. Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
d. Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành
Trả lời:
a. - Cấu trúc đối (tương đồng) trong câu thơ “Đốt lò hương ấy so tơ phím này”
- Tác dụng: thể hiện nỗi xót xa, tiếc nuối và tình yêu thắm thiết, sâu nặng của Thuý Kiều. Với nàng, những kỉ vật kia là duy nhất, thiêng liêng, vô giá.
b. - Cấu trúc đối của câu thơ “Duyên này thì giữ vật này của chung”
- Tác dụng: thể hiện hai trạng thái cảm xúc màu thuẫn trong tâm trạng của Thuý Kiều – nàng vừa thiết tha trao lại mối duyên tình cho Thuý Vân lại vừa như muốn níu giữ kỉ vật tình yêu.
c. Cấu trúc đối của câu thơ “Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”
- Tác dụng: thể hiện Kiều vẫn vướng bận không thôi lời thề nguyền không thể thực hiện với người mình yêu thương mà phải ra đi chóng vánh như vậy. Nàng tự cho rằng khi chết đi, nàng sẽ vương vấn trần gian vì còn chưa thực hiện lời thề nguyện năm xưa. Nàng nguyện dùng cả sinh mạng để đền đáp tình nghĩa sâu đậm năm xưa.
d. - BPTT đối: bể Sở sông Ngô
- Tác dụng: Vừa tạo nên vẻ đẹp hài hoà cho câu thơ, vừa thể hiện được sự xông pha, tung hoành ngang dọc của Từ Hải.
Bài 2. Phân tích tác dụng của phép đối trong những câu sau :
a.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.
Ngàn dâu xanh ngắt một màu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?
(Chinh phụ ngâm)
b. Quân đội ta trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
(Hồ Chí Minh)
Trả lời:
a. Trong đoạn thơ của Chinh phụ ngâm có dùng phép điệp nhiều lần (cùng, thấy, ngàn dâu,…), đặc biệt là phép điệp liên hoàn (còn gọi là điệp ngữ vòng hay điệp ngữ chuyển tiếp ; từ ngữ cuối của câu trước được lặp lại ở đầu câu sau). Tác dụng : diễn tả sự cách xa đôi ngả, không gian rộng lớn và tâm trạng vô vọng của người ra đi và người trở về.
b. Trong lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh có cả phép điệp từ ngữ (với, nào, cũng,…), cả phép điệp kết cấu ngữ pháp giữa các vế câu. Tác dụng : nhấn mạnh phẩm chất, sức mạnh và nhiệm vụ trọng đại của quân đội, đồng thời khẳng định niềm tin chắc chắn vào khả năng bách chiến bách thắng của quân đội.
Bài 3. Phân tích tác dụng của phép đối trong những câu sau :
a)
Khúc sông bên lở bên bồi
Bên lở thì đục, bên bồi thì trong.
(Ca dao)
b)
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
c)
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung ;
chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm ;
tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
(Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc)
Trả lời:
a) Phép đối diễn tả sự tương phản giữa bên lở và bên bồi của một khúc sông.
b) Phép đối có tác dụng làm tăng mức độ của đêm khuya và trạng thái nhớ thương, buồn bã trong lòng người xa cách.
c) Phép đối có ở từng cặp câu văn tế ; ở mỗi cặp, diễn tả sự đối lập giữa công việc làm ruộng quen thuộc hằng ngày với việc quân cơ chiến trận xa lạ đối với người nông dân Cần Giuộc.
Bài 4. Phân tích hiệu quả của Phép Điệp, Phép đối trong những câu sau :
a. Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai
( Truyện Kiều)
b. Đồng Đăng có phố Kì Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
(Ca dao)
c. “Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà
(Hàn Mặc Tử)
d. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! dân tộc đó phải được độc lập!
(Hồ Chí Minh)
e. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
(Hồ Chí Minh)
Trả lời:
a. Điệp từ nhấn mạnh cảm xúc của Thúy Kiều khi sống trong cảnh lầu xanh: bề ngoài tỏ ra vui vẻ, thoải mái với khách lầu xanh nhưng trong lòng thì gượng gạo, miễn cưỡng, không hề gắn bó mặn mà với họ.
b. Điệp từ có được nhắc lại ba lần liên tiếp (có phố, có nàng, có chùa), kết hợp với nhịp thơ dồn dập thể hiện sự hứng khởi cao độ, niềm tự hào cùng tình cảm gắn bó thiết tha đối với quê hương.
c. Câu thơ có điệp từ “khách đường xa” thể hiện tâm trạng khắc khoải nhớ mong về khoảng cách xa vời của một mối tình đơn phương, vô vọng
d. Đại từ “ai” vừa mang tính cụ thể, vừa phiếm chỉ: xuất hiện hai lần ở câu thơ cuối như khoảng cách đầy thắc mắc, dằn vặt trong tâm hồn con người, nỗi băn khoăn trăn trở của tác giả, không biết cô gái có thực sự yêu mình hay không.
Trong đoạn văn của Hồ Chí Minh, các điệp ngữ có tác dụng nhấn mạnh tinh thần đấu tranh của dân tộc và sự xứng đáng được hưởng quyền tự do độc lập của dân tộc ấy.
e. Chữ “chúng” được nhắc lại nhiều lần ,câu văn ngắn, đanh thép, hùng hồn, đầy sức thuyết phục, nhấn mạnh tội ác của thực dân Pháp
Bài 5. Xác định và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đối trong các đoạn thơ dưới đây (trích tác phẩm Truyện Kiều, bản in trong Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Sđd):
a.
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
Người quốc sắc kẻ thiên tài,
Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,
Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
Bóng tà như giục cơn buồn,
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.
Dưới dòng nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.
b.
Một mình nương ngọn đèn khuya,
Áo dầm giọt lệ tóc se mái sầu:
" Phận dầu dầu vậy cũng dầu
Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời!
Công trình kể biết mấy mươi,
Vì ta khăng khít cho người dở dang."
c.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường!
Lời giải:
a. Phép đối được sử dụng:
- Đối trong một cụm từ hoặc một vế câu:
+ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai.
+ Người quốc sắc kẻ thiên tài,/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e.
+ Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
+ Khách đà lên ngựa người còn ghé theo.
- Đối trong một cặp câu:
+ Dưới dòng nước chảy trong veo,/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thiết tha.
b.
Áo dầm giọt lệ tóc se mái sầu: đối giữa "Áo dầm giọt lệ" - "tóc se mái sầu", giống nhau về từ loại (áo dầm - tóc se, giọt lệ - mái sầu).
Vì ta khăng khít cho người dở dang.: đối giữa "ta khăng khít" - "người dở dang", giống nhau về từ loại (ta - người, khăng khít - dở dang).
- Tác dụng: Nhấn mạnh nỗi đau khổ, day dứt, mặc cảm của Thúy Kiều khi nghĩ về Kim Trọng và mối tình dang dở.
c. Phép đối được sử dụng:
- Đối trong cặp câu:
+ Người về chiếc bóng năm canh,/ Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
- Đối trong vế câu:
+ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường!
Tác dụng: Nhấn mạnh sự tương đồng trong tâm trạng cô đơn, lưu luyến, nhớ nhung, khắc khoải của Thúc Sinh và Thúy Kiều khi phải xa cách, chia li.
Bài 6. Chỉ ra các cặp câu hoặc vế câu đối nhau trong những câu thơ dưới đây. Phân tích một cặp đối để thấy các từ ngữ và cấu trúc câu trong cặp ấy đối nhau về những mặt nào.
a.
Khúc sông, bên lở bên bồi
Bên lở thì đục, bên bồi thì trong.
(Ca dao)
b.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
(Bà Huyện Thanh Quan)
c)
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng, trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo.
(Nguyễn Khuyến)
Lời giải:
a) Biện pháp đối được sử dụng trong câu ca dao là đối trong một dòng thơ.
- Các từ ngữ được dùng với ý nghĩa đối lập nhau:
+ bên lở - bên bồi.
+ Bên lở thì đục - bên bồi thì trong.
b) Biện pháp đối được sử dụng trong các câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan là đối trong những dòng thơ khác nhau.
c) Biện pháp tu từ đối được sử dụng trong các dòng thơ của Nguyễn Khuyến là đối trên những dòng thơ khác nhau.
- Các từ ngữ được dùng với ý nghĩa đối lập nhau:
+ sóng biếc - lá vàng
+ lơ lửng - quanh co
+ xanh ngắt - vắng teo
Bài 7. Tìm biện pháp đối trong trong đoạn thơ dưới đây (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du). Biện pháp đối trong đoạn trích giúp người đọc hình dung về hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều như thế nào?
Đầu lòng hai ả tố nga
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiểu càng sắc sảo, mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Lời giải:
Biện pháp đối trong đoạn thơ là:
- Tiểu đối (Đối trên cùng một dòng thơ):
+ chị - em (Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân).
+ cốt cách - tinh thần (Mai cốt cách, tuyết tinh thần)
+ mỗi người - mười phân, một vẻ - vẹn mười (Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.).
+ đầy đặn - nở nang (Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.).
+ cười - thốt (Hoa cười ngọc thốt đoan trang).
+ thua - nhường (Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.).
+ thu thủy - xuân sơn (Làn thu thủy, nét xuân sơn).
+ ghen - hờn (Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.).
- Trường đối (Đối trên những dòng thơ khác nhau):
+ trang trọng khác vời - sắc sảo mặn mà (Vân xem trang trọng khác vời/ Kiều càng sắc sảo, mặn mà.)
- Tác dụng:
+ Bằng biện pháp tu từ đối, Nguyễn Du đã vẽ lên bức chân dung về hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều “đẹp nghiêng nước nghiêng thành”, một chín một mười, mỗi người một vẻ cả về ngoại hình lẫn tính cách. Trong đó, Thúy Kiều luôn được miêu tả “So bề tài sắc lại là phần hơn” so với Thúy Vân.
Bài 8. Biện pháp đối được vận dụng trong các đoạn văn sau như thế nào? Phân tích tác dụng của biện pháp tu từ đó trong các đoạn văn đã dẫn.
a) Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. (Hồ Chí Minh).
b) Với một nếp sống phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần, lịch sử ngàn năm văn vật của Thăng Long – Đông Đô - Hà Nội đã hun đúc cho người Hà Nội một nếp sống thanh lịch: từng trải mà nhẹ nhàng, kiên định mà duyên dáng, hào hoa mà thanh thoát, sang trọng mà không xa hoa, cởi mở mà không lố bịch, nhố nhăng,… từ lời ăn tiếng nói đến phong cách làm ăn, suy nghĩ. (Trần Quốc Vượng)
c) Hội nhập là việc sông kết vào với biển, chứ không phải việc sông tan biến vào trong biển. Chúng ta gắn kết với thế giới, chứ không phải chúng ta tan biến vào thế giới. (Nguyễn Sĩ Dũng)
Lời giải:
a) Biện pháp đối được sử dụng trong đoạn trích: nồng nàn yêu nước - làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn đối lập với: mọi sự hiểm nguy, khó khăn; lũ bán nước - lũ cướp nước.
- Tác dụng: Bằng sự đối xứng tương đồng hoặc tương phản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc họa được truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta. Trải qua mọi biến động của lịch sử, lòng yêu nước ấy vẫn mãi mãi trường tồn.
b) Biện pháp đối được sử dụng trong đoạn trích: từng trải mà nhẹ nhàng, kiên định mà duyên dáng, hào hoa mà thanh thoát, sang trọng mà không xa hoa, cởi mở mà không lố bịch, nhố nhăng.
- Tác dụng: Bằng cách tạo ra những sự đối lập cân xứng, hài hòa, uyển chuyển, tác giả đã vẽ nên một Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội với hàng ngàn năm lịch sử luôn có nếp sống phong lưu về vật chất, phong phú về tinh thần.
c)
- Tác dụng: Bằng cách tạo ra những sự đối lập, tác giả đã nhấn mạnh được vai trò của việc gắn kết chứ không tan biến với toàn cầu hóa khi hội nhập.
Bài 9: Viết một đoạn văn (khoảng 6 - 8 dòng) giới thiệu một câu đối Tết mà em đã sưu tầm. Đoạn văn cần giúp người đọc thấy được cái hay của biện pháp đối trong câu đối ấy.
Bài làm
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh là câu đối mà em rất yêu thích. Không khó để bắt gặp câu đối này trong nhiều gia đình Việt vào ngày Tết. Câu đối nói đến những món ăn đặc trưng và đồ vật đặc trưng của ngày này. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, đó là món ăn truyền thống nhưng cũng rất mộc mạc, bình dị của người Việt. Còn cây nêu, tràng pháo gợi lên sự rộn ràng của ngày Tết. Hình ảnh câu đối đỏ lại là biểu trưng cho văn hóa, cho vẻ đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Phép đối được sử dụng trong câu đã làm hình ảnh thêm hài hòa, cân xứng và giúp người đọc thêm hiểu về văn hóa. Vì vậy mà trong tâm thức người Việt, câu đối Tết trên luôn là biểu trưng cho văn hóa Việt, cho nét đẹp Việt.