TOP 20 bài Phân tích bài thơ Không có gì tự đến đâu con 2024 SIÊU HAY

1.3 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Phân tích bài thơ Không có gì tự đến đâu con hay nhất, giúp các em có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức cho bài thi sắp tới. Mời các bạn đón xem:

Phân tích bài thơ Không có gì tự đến đâu con

Đề bài: Phân tích bài thơ Không có gì tự đến đâu con của Nguyễn Đăng Tấn

Dàn ý viết Phân tích bài thơ Không có gì tự đến đâu con

Mở bài

- Nguyễn Đăng Tấn là một nhà báo, một nhà thơ với phong cách thơ bình dị nhưng giàu chất triết lí, thể hiện những suy ngẫm, trăn trở về tình yêu thương, về lẽ sống của con người.

- Bài thơ “Không có gì tự đến đâu con”, được nhà thơ Nguyễn Đăng Tấn viết tặng con là Nguyễn Đăng Tiến vào khoảng năm 1995, khi Tiến đang học lớp 3. Bài thơ được in trong tập thơ “Lời ru vầng trăng”, xuất bản năm 2000. Bài thơ là lời tâm tình, nhắn nhủ của người cha dạy con phải biết tự mình nỗ lực vươn lên, dũng cảm đối diện với khó khăn, thử thách để đạt được mục tiêu của mình.

Thân bài

Tập trung phân tích nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Nội dung:

Luận điểm 1: Bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” là lời tâm tình, nhắn nhủ của người cha với đứa con yêu thương của mình.

- Cha nói với con về quy luật của tự nhiên và quy luật khách quan của cuộc sống: Mọi thành quả không tự nhiên mà có, các sự vật trong tự nhiên phải trải qua thử thách khắc nghiệt cũng như con người phải có ý chí nghị lực, sự kiên trì mới dành được những điều tốt đẹp.

 

+ Điệp ngữ “Không có gì tự đến” xuất hiện nhiều lần ở đầu các khổ thơ, nhấn mạnh và khắc sâu tư tưởng xuyên suốt toàn bài. Mọi việc trên đời đều có nhân quả, lý do riêng của nó.

+ Tác giả dùng lối điệp cấu trúc câu, mỗi câu thơ đậm tính triết lý gồm hai vế: Vế trước là kết quả, mục đích, vế sau là nguyên nhân. Để có mùa màng bội thu “quả muốn ngọt”, “hoa sẽ thơm”, “mùa bội thu” … con người phải trải qua bao vất vả, một nắng hai sương. Điệp từ “trải”, hình ảnh biểu tượng “nắng lửa” nhấn mạnh những khó khăn, khắc nghiệt mà thế giới tự nhiên hay con người phải trải qua. (HS lấy dẫn chứng).

+ Để thành công, dẫu chỉ là công việc bình thường, con người cũng phải đánh đổi bằng sức lao động và nỗ lực của bản thân. Phép so sánh giàu sức gợi hình, gợi cảm “Như con chim suốt ngày chọn hạt” cụ thể hóa sự cần mẫn, tỉ mỉ của loài chim. Từ đó, người cha khuyên con cũng phải có sự chăm chỉ, kiên trì như vậy mới đạt thành quả. Với nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ thể hiện cách nhìn đa chiều “Năm tháng bao dung nhưng khắc nghiệt lạ kỳ”, cuộc sống vốn bao dung nhưng cũng chứa đầy thử thách (HS lấy dẫn chứng).

- Cha nói với con về tình cảm gia đình, mong con hiểu được tâm tình của cha mẹ.

+ Độ tuổi của con còn thơ trẻ, hồn nhiên, có lúc còn ham chơi “hư và dối”, chưa hiểu hết được những qui luật của cuộc sống. Vì thế, bổn phận người làm cha mẹ phải biết linh hoạt, cương nhu trong uốn nắn, dạy bảo con:

“nặng nhẹ”, “yêu thương”, “roi vọt” …

+ Cha mẹ tin rằng con sẽ hiểu được tấm lòng và tình yêu thương của cha mẹ. Cha yêu thương con, là chỗ dựa vững chắc cho con nhưng không nuông chiều. (HS lấy dẫn chứng).

- Cha nhắn nhủ: con hãy giữ vững tinh thần, ý chí và nghị lực, hãy luôn tin vào bản thân mình và không ngừng nỗ lực vươn lên.

+ Cha vạch rõ con đường phía trước của con “dài rộng rất nhiều” nhưng điều quan trọng là con phải biết “giữ cây vươn thẳng”, tự giác và nghiêm khắc với bản thân. Các hình ảnh ẩn dụ “Đường con đi dài rộng”, “năm tháng nụ xanh giữ cây vươn thẳng”, ‘Trời xanh chẳng bao giờ lặng” nhằm khẳng định đường đời lắm gian nan, con phải có ý chí, bản lĩnh, không được cúi đầu trước khó khăn, cám dỗ của cuộc đời. Ý thơ là lời răn dạy: Không ai có thể sống thay con, chỉ có con mới quyết định được tương lai cuộc đời của mình.

+ Khổ thơ cuối đặc biệt bởi chỉ có một dòng thơ ngắn kết hợp dấu gạch ngang gợi suy ngẫm về những điều cha dạy mà con cần khắc cốt ghi tâm. Từ láy “đinh ninh” như một lời trao gửi thiêng liêng của thế hệ cha anh, nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc, thấm thía. (HS lấy dẫn chứng).

=> Qua bài thơ người đọc cảm nhận được tình yêu thương con sâu nặng của người cha, sự trân trọng, tin yêu của nhà thơ vào tình cảm gia đình- một tình cảm thiêng liêng, cao đẹp.

* Luận điểm 2: Bài thơ “Không có gì tự đến đâu con” của Nguyễn Đăng Tấn còn được thể hiện qua hình thức nghệ thuật đặc sắc.

+ Sử dụng thể thơ tự do phù hợp với việc diễn tả những lời thủ thỉ, tâm tình và dặn dò thiết tha, sâu lắng của người cha dành cho con.

+Hình ảnh bình dị, gần gũi nhưng giàu ý nghĩa biểu tượng, mang tính khái quát cao, phù hợp những suy tư, cách nhìn có chiều sâu về cuộc sống của người cha.

+ Ngôn ngữ trong sáng, biểu cảm, giọng điệu tha thiết, sâu lắng nhưng trang nghiêm, tự hào ...

+ Các phép tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa, điệp ngữ… được sử dụng khéo léo, phát huy hiệu quả trong diễn đạt.

Kết bài

- Khẳng định lại giá trị của đoạn thơ.

- Cảm xúc hoặc lời nhắn gửi tới mọi người.

Phân tích bài thơ Không có gì tự đến đâu con - mẫu 1

“Khi giọt mưa mùa xuân rơi ở đâu đó
Thì trên đồng xào xạc cỏ và hoa
Khi nước mắt rơi từ thi sĩ
Thì những lời chân chính được sinh ra”.

Nhà thơ Raxun Gamzatop bằng trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật đã đúc kết nên những vần thơ ấy. Quả thật, mỗi tác phẩm nghệ thuật muốn có “những lời chân chính” thì nhà văn, nhà thơ phải “Xin dâng máu này đang tươi/Này đây tiếng nói giọng cười thiết tha”. “Không có gì tự đến đâu con” của Nguyễn Đăng Tấn được viết ra từ tình cảm như thế. Bởi vậy mà bài thơ chứa đầy những lời lắng đọng, tha thiết. 

Nguyễn Đăng Tấn là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Thơ ông thường là những dòng cảm xúc chân thành về những gì diễn ra trong đời sống thường ngày. Bài thơ xuất phát từ sâu thẳm trái tim nhà thơ viết năm 1995 dành tặng cho cậu con trai khi ấy đang học lớp 3. Bài thơ rút ra từ tập “Lời ru Vầng trăng”, chứa đựng những lời thơ thắm đượm tình phụ tử sâu nặng.

Gia đình là nền tảng, là cái nôi nuôi dưỡng con người lớn lên. Bởi vậy, bảo ban con trai, ông như người đồng hành, người đi trước truyền lại những bài học trên con đường vốn ghập ghềnh chông gai. Bài thơ bắt đầu bằng những lời thơ nhẹ nhàng mà sâu lắng:

“Không có gì tự đến đâu con.
Quả muốn ngọt phải tháng ngày tích nhựa
Hoa sẽ thơm khi trải qua nắng lửa.
Mùa bội thu phải một nắng hai sương.”

Câu thơ đầu tiên điệp ngữ lại nhan đề của toàn bài, hơn thế, “không có gì tự đến đâu con” còn xuất hiện ở đầu các khổ thơ nhằm nhấn mạnh và khắc sâu tư tưởng xuyên suốt toàn bài. Không có gì là tự nhiên xảy ra, mọi việc trên đời đều có nhân- quả của riêng nó. Dù là thiên nhiên hay con người, muốn hướng đến thành công đều phải trải qua vô bàn khó khăn, thử thách. Cây có tích đủ nhựa mới tạo nên quả ngọt. Hoa có thơm ngát cũng phải trải qua “nắng lửa”. Cả con người cũng vậy, muốn mùa màng bội thu phải “một nắng hai sương”, vất vả, lam lũ mới gặt được trái ngọt. Tác giả sử dụng biện pháp điệp cấu trúc, mỗi một câu thơ đều có hai vế. Vế trước là kết quả, mục đích con người hướng tới, vế sau là nguyên nhân, là điều kiện cần có để đạt được.

Quy luật tất yếu ấy không phải ai cũng hiểu. Cũng như:

“Không có gì tự đến dẫu bình thường
Phải bằng cả bàn tay và nghị lực”

Dù cho là những công việc bình thường nhất, muốn thành công, con người ta cũng phải trải qua vô vàn những khó khăn, phải đánh đổi bằng sức lao động và nỗ lực của bản thân. Khi nhìn những người xung quanh và ao ước có một cuộc sống dễ dàng giống họ, nhưng cuộc sống thuận lợi như thế không phải dùng phương thức nhẹ nhàng mà có được. Bởi mới nói “Trên con đường bước tới thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”, chăm chỉ cần cù như kiến tha mồi lâu ngày mới dần dần xây được tổ. Hay:

“Như con chim suốt ngày chọn hạt
Năm tháng bao dung khắc nghiệt lạ kỳ.”

Nhà thơ đã ví von so sánh với hình ảnh những chú chim cần mẫn, tỉ mỉ chọn hạt. Từ đó, dành lời khuyên đến người con trai cũng phải chăm chỉ và kiên trì như vậy mới đạt được thành quả. Phép tu từ so sánh giàu gợi hình, gợi cảm mà ý nghĩa biết bao nhiêu! Bên cạnh đó, nghệ thuật nhân hoá cũng cho thấy cái nhìn đa chiều của Nguyễn Đăng Tấn: ’Năm tháng bao dung khắc nghiệt lạ kỳ’. Cuộc sống vốn bao dung, vị tha nhưng cũng đầy những khó khăn, thử thách, không có con đường đi lên nào là dễ dàng cả, máy bay chỉ có thể cất cánh khi chống lại gió, không phải thuận theo nó.

Rồi với những đứa con thơ, còn hồn nhiên, tinh nghịch, ham chơi, cha mẹ luôn nhẫn nại, linh hoạt cương nhu trong uốn nắn, dạy bảo con:

“Dẫu bây giờ cha mẹ đôi khi
Có nặng nhẹ yêu thương và giận dỗi
Có roi vọt khi con hư và có lỗi
Thương yêu con đâu có nghĩa là nuông chiều”

Quả thật, đúng như nhà thơ Pháp Andre Chanier khẳng định: “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ.” Chính từ tình yêu thương dành cho người con trai của mình mà tác giả mới viết lên được những vần thơ rung động lòng người đến thế. Sự nghiêm khắc và mềm mỏng trong dạy dỗ của cha mẹ khiến những người con dần lớn khôn. Ông cha ta có câu:

“Thương cho roi cho vọt
Ghét cho ngọt cho bùi”

Vì muốn con lên người nên cha mẹ mới nghiêm khắc dạy bảo, chứ ai mà chẳng muốn nói những lời dịu ngọt với người thân yêu. Tấm lòng của cha mẹ bao la biết bao nhiêu, phận làm con sao hiểu hết được!

“Đường con đi dài rộng biết bao nhiêu…
Năm tháng nụ xanh giữ cây vươn thẳng,
Trời cao đó nhưng chẳng bao giờ lặng,
Chỉ có con mới nâng nổi chính mình “

Bằng tất cả tình yêu thương, người cha nhắn nhủ đến đứa con thân yêu của mình: Khi con khôn lớn đủ lông đủ cánh, con đường phía trước của con ”dài rộng biết bao nhiêu”, điều quan trọng là phải biết “giữ cây vươn thẳng”, luôn hướng đến tương lai phía trước, tự giác, nghiêm khắc với bản thân để không đầu hàng trước khó khăn. Hai câu thơ vừa là lời răn dạy, vừa là trách nhiệm người cha giao cho con: Cuộc sống vốn không dễ dàng, không ai có thể sống thay cuộc đời con, chỉ có con mới quyết định được tương lai của mình.

Quả thật rằng: “Thơ ca là tiếng hát của trái tim, là nơi dừng chân của tâm hồn, do đó không giản đơn mà cũng không thần bí, thiêng liêng…” Khổ thơ cuối có cấu trúc đặc biệt, cô đọng chỉ với hai câu thơ ngắn, thật đặc biệt:

“Chẳng có gì tự đến... Hãy đinh ninh"

Lời răn dạy nhẹ nhàng mà sâu sắc làm sao! “Có làm thì mới có ăn/Không dưng ai dễ mang phần đến cho”. Vì vậy, hãy tự thân hành động để đạt được mong muốn, trải qua bao cay đắng ắt sẽ có ngày thành công. Đây cũng chính là bài học và ý nghĩa Nguyễn Đăng Tấn gửi đến độc giả.

“Thơ ca là âm nhạc tâm hồn nhất là những tâm hồn cao cả” . Thơ bật ra khi trong tim người nghệ sĩ rung lên những nhịp đập thổn thức, ngân lên những điệu ngân trong tâm hồn. Chính vì vậy những vần thơ tuy vô cùng ngắn ngủi nhưng lại có sức lan tỏa lớn đến với người đọc. Có  những bài thơ ra đời cách đây hàng chục, hàng trăm năm nhưng vẫn còn làm thổn thức trái tim bạn đọc bao thế hệ và tôi tin “Không có gì tự đến đâu con” là một bài thơ như thế!

 

Đánh giá

0

0 đánh giá