TOP 15 Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ lớp 5 SIÊU HAY

4.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 5 bài văn mẫu Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ hay nhất, giúp các em học sinh làm tập làm văn hay hơn.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ

Đề bài: Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ.

Dàn ý Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ

- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ thường có 3 phần:

+ Mở đầu: Giới thiệu tên bài thơ, tên tác giả và ấn tượng của em về bài thơ.

+ Triển khai: Nêu những cái hay, cái đẹp của bài thơ (từ ngữ, hình ảnh, nhân vật, nội dung, ý nghĩa,…) và biểu lộ tình cảm, cảm xúc của em đối với bài thơ.

+ Kết thúc: Nhấn mạnh, khẳng định lại một lần nữa tình cảm, cảm xúc của em đối với bài thơ.

- Những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ:

+ Bố cục của đoạn văn.

+ Những điểm yêu thích ở bài thơ.

- Những cách thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với bài thơ.

· Dùng từ ngữ chỉ tình cảm, cảm xúc.

· Sử dụng câu cảm.

· …

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 1

Đề 1. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Lời của cây” của nhà thơ Trần Hữu Thung

“Lời của cây” là một bài thơ đặc sắc của nhà thơ Trần Hữu Thung. Toàn bài thơ được sử dụng xuyên suốt biện pháp tu từ nhân hóa, để cây xanh được kể về cuộc đời mình, được nói lên ước mơ của mình. Cây thủ thỉ với tất cả mọi người về cách mà mình lớn lên như thế nào? Đặc biệt, tác giả đã khắc họa được những khát khao được cống hiến cho cuộc sống của cây xanh. Với tán lá rộng lớn này, cây sẽ giúp Trái Đất thêm phần xanh mát, giúp ích cho cuộc đời. Chính ý thơ mộc mạc, lời thơ trong sáng ấy của bài thơ Lời của cây đã giúp thông điệp của bài thơ chạm đến trái tim người đọc một cách trực tiếp nhất. Từ bài thơ, em hiểu thêm về ý nghĩa quan trọng của cây xanh trong cuộc sống. Để có những hành động chăm sóc và bảo vệ cây xanh thiết thực hơn. Đồng thời, bài thơ còn đánh thức trong em những ước mơ, khát vọng được cống hiến cho đất nước, được trở thành một công dân có ích, giống như một cây xanh cao lớn vậy.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 2

Đề 2. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Nắng hồng” của nhà thơ Bảo Ngọc

Bài thơ “Nắng hồng” của nhà thơ Bảo Ngọc là một bài thơ không chỉ hay mà còn vô cùng ý nghĩa. Với chủ đề tình mẫu tử thiêng liêng, tác giả đã khéo léo lồng ghép vào các hình ảnh thơ những tình cảm ấm áp, nồng ấm để người đọc tự cảm nhận, chứ không hề trình bày một cách khô cứng, khuôn mẫu. Bài thơ bắt đầu với một ngày mùa đông xám xịt và ảm đạm. Trong khung cảnh đó, thế giới của người con bỗng nhiên le lói một nguồn sáng, rồi ngày càng mạnh mẽ hơn, xua đi lạnh giá, tô điểm thêm sắc màu cho vạn vật. Đó chính là ánh nắng hồng. Ánh nắng hồng đó mang trong mình sức mạnh to lớn, sưởi ấm tâm hồn người con, xua đi mọi lắng lo, phiền não, lạnh lẽo và ủ rũ của mùa đông. Ánh nắng hồng không là ai khác ngoài mẹ cả. Chính bởi có mẹ bước đến, ôm con vào lòng, cho con yêu thương, chở che, quan tâm trìu mến, mà con mới được cảm thấy hạnh phúc, yên bình. Cách ví von ấy đã thể hiện được ý nghĩa, vai trò to lớn của mẹ đối với con, cùng tình yêu sâu đậm của con dành cho mẹ. Khi đọc những hình ảnh thơ này, em cảm thấy bản thân cũng vui vẻ và hạnh phúc lạ thường, như thể mình chính là người con trong bài thơ vậy.

TOP 20 Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 3

Đề 3. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Mặt trời xanh của tôi” của nhà thơ Nguyễn Viết Bình

“Mặt trời xanh của tôi” là một bài thơ ngợi ca vẻ đẹp của rừng cọ vô cùng nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Viết Bình. Xuyên suốt bài thơ là hình ảnh xinh đẹp, bao la và hùng vĩ, tràn ngập sức sống của những đồi cọ nối tiếp nhau trải dài ngút mắt. Con người trong bài thơ xuất hiện nhỏ bé bên cạnh những cây cọ, tán cọ to lớn, nhưng không hề trở nên cô đơn, lạc lõng. Trái lại, con người được thiên nhiên che chở, vỗ về và bảo vệ như một người mẹ thứ hai vậy. Hình ảnh nhân vật trữ tình trong bài thơ nằm gối đầu lên thảm cỏ, ung dung ngắm nhìn bầu trời xanh và tán lá cọ gợi lên cảm giác bình yên, thanh thản. Con người dung hòa làm một với thiên nhiên, chung sống hài hòa. Tình yêu thương ấy của nhân vật trữ tình đã được thể hiện mãnh liệt và thẳng thắn ở khổ thơ cuối, khi âu yếm gọi lá cọ là “mặt trời xanh của tôi”. Có thể nói, Nguyễn Viết Bình đã rất thành công khi tái hiện lại vẻ đẹp sống động, to lớn, hùng vĩ nhưng cũng rất bình yên, thoải mái của rừng cọ trong bài thơ. Từng dòng thơ và hình ảnh thơ đều được ông gửi gắm sâu nặng những yêu thương và tự hào về thiên nhiên quê hương.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 4

Đề 4. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Nhớ đồng” của nhà thơ Tố Hữu

“Nhớ đồng” là một áng thơ hay chứa đựng những cảm xúc chân thật và da diết nhất của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ là những cảm xúc của một người lính cách mạng đang bị giam cầm trong nhà lao. Khi bị nhốt trong không gian bí bách ấy, một âm thanh vang lên từ thế giới bên ngoài đã đánh thức những hồi ức đẹp đẽ nhất của anh. Những hồi ức ấy là một miền quê yên bình, hạnh phúc. Nơi đó có cánh đồng lúa rộng lớn, có những mái nhà tranh. Và hơn cả, có người mẹ già của anh đang ngày ngày chờ đợi con về. Khung cảnh trong quá khứ càng tươi đẹp bao nhiêu, thì thực tại càng bi đát, ngột ngạt bấy nhiêu. Từng suy nghĩ, cung bậc cảm xúc ấy được nhà thơ bộc lộ một cách trực tiếp, không chút hoa mĩ, ẩn dụ. Nhờ vậy đã tạo nên một tác phẩm thơ mang đậm đặc trưng của Tố Hữu.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 5

Đề 5. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Con chim chiền chiện” của nhà thơ Huy Cận

Em rất thích bài thơ “Con chim chiền chiện” của nhà thơ Huy Cận. Đây là một bài thơ hay, lan tỏa đến người đọc niềm vui sướng, yêu đời và niềm hạnh phúc khi cống hiến cho cuộc sống. Bài thơ với các hình ảnh trong sáng, từ ngữ mộc mạc đã xây dựng nên một bầu không khí thoải mái, tươi sáng. Tác giả đã sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, nhân hóa và chuyển đổi cảm giác để khắc họa nên một chú chim nhỏ mang theo đôi cánh của tự do mà chao liệng trên bầu trời rộng lớn. Tác giả đã chú ý miêu tả rất nhiều về âm thanh tiếng hót của chú chim. Đó không chỉ là tiếng hót thánh thót, trong trẻo như chuỗi ngọc của chú chim. Mà còn là tiếng hát ngợi ca tự do của quê hương, ngợi ca vẻ đẹp của đất nước từ chính tác giả. Em rất thích thú với thế giới tươi đẹp trong bài thơ. Niềm vui sướng của tự do trong bài thơ đã lan tỏa vào trái tim em, khiến em yêu đời hơn bao giờ hết.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 6

Đề 6. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu

Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Mở đầu, tác giả đã cho người đọc thấy được xuất thân cũng như quá trình hình thành tình đồng chí. Nếu như anh đến từ vùng quê “nước mặn đồng chua”, thì tôi cũng đến từ ngôi làng “đất cày lên sỏi đá”. Đây đều là những hình ảnh khắc họa nên những vùng đất khắc nghiệt, không thể trồng trọt. Những con người đến từ những vùng đất xa lạ đó, tưởng chừng như khó có thể gặp gỡ vậy mà họ “tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”. Vì những con người ấy cùng chung một lí tưởng: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Nhưng không chỉ vậy, những người lính ấy còn chung một tấm lòng sẻ chia khó khăn gian khổ: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Nếu chưa từng trải qua cái lạnh giá của buổi đêm trong rừng sâu, chắc sẽ không thể hiểu được khó khăn của những người lính hiện tại. Nhưng không chỉ thiên nhiên khắc nghiệt, họ còn thiếu thốn về vật chất, đến tấm chăn mỏng manh phải san sẻ cho nhau. Chính vì vậy, chúng ta mới thấy được tình cảm gắn bó “tri kỉ” của những người đồng đội. Họ thấu hiểu và chia sẻ cho nhau từ những điều nhỏ nhất, giống như những người thân trong một gia đình vậy. Hai tiếng: “Đồng chí!” cất lên nghe đầy trân trọng và yêu mến. Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ, cuộc sống của người lính thiếu thốn đủ điều: áo rách, quần vá, chân không giày, những cơn sốt rét rừng, cái lạnh buốt của đêm trong rừng đã hành hạ họ. Nhưng trong khó khăn ấy, vẫn ấm áp tình đồng đội. Có thể khẳng định, “Đồng chí” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Chính Hữu.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 7

Đề 7. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu

“Ta đi tới” là một bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu. Tác giả sáng tác bài thơ vào tháng 8 năm 1954 nhằm ca ngợi chiến thắng lừng lẫy của dân tộc và suy nghĩ, trăn trở về tương lai đất nước trong trang sử mới. Đất nước trong con mắt của mỗi người được cảm nhận bởi nhiều mạch cảm xúc khác nhau. Và với Tố Hữu cũng vậy, tác giả đã lật qua hàng ngàn trang lịch sử của đất nước để ta thấy được đất nước ngày này đẹp đẽ thế nào. Hàng loạt những con đường cách mạng được gọi tên từ phía bắc nơi đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên, Tây Bắc, Điện Biên…, đó là những con đường từng in hằn dấu chân của những người chiến sĩ nay đã “mới tinh khôi màu đất đỏ tươi”. Hay cả một đất nước thời bom rơi đạn nổ cháy cả đồi cây nay đã thành rừng cọ, đồi chè xanh tươi bát ngát khiến người đọc không khỏi đau đớn, xót xa. Tố Hữu ngược dòng cảm xúc bồi hồi nhớ lại kỉ niệm về những ngày tháng chiến đấu quả cảm, oai hùng. Dân tộc ta với lòng kiên trung, bất khuất đã làm tan tác bóng quân thù, đổ bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt để đổi lại nước Việt Nam độc lập. Những câu thơ cuối chứa đựng đầy suy tư của nhà thơ khẳng định lại tinh thần kiên trung, bất diệt của dân tộc ta. Bài thơ “Ta đi tới” quả là một tác phẩm hay, để lại cho người đọc nhiều ấn tượng.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 8

Đề 8. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về bài thơ “Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” của nhà thơ Anh Ngọc

“Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi” của nhà thơ Anh Ngọc là một bài thơ thú vị. Khi đọc bài thơ, người đọc đã cảm nhận được tình cảm yêu mến, trân trọng của nhân vật “tôi” dành cho con mèo của mình. Mở đầu, tác giả đã khắc họa hình ảnh con mèo đang nằm ngủ trên ngực của “tôi” hiện lên đầy sinh động qua các chi tiết: “đôi mắt biếc trong veo, hàm răng nhọn hoắt, móng vuốt khép lại, ngủ như đứa trẻ giữa vòng tay ấp ủ”. Tác giả đã có một so sánh thật độc đáo, hình ảnh con mèo nằm ngủ trên ngực giống như một đứa trẻ, đang nằm ngủ say giấc. Qua đó, người đọc cảm nhận được vẻ đáng yêu, ngộ nghĩnh của con mèo. Và tâm trạng của nhân vật “tôi” trước hình ảnh này là niềm hạnh phúc, tràn ngập tình yêu thương dành cho con mèo của mình: “Trái tim tôi trong một phút bỗng mềm đi/ Một nỗi gì lâng lâng như hạnh phúc”. Đọc bài thơ, chúng ta có những cảm xúc thật đẹp đẽ, cũng như rút ra được bài học cẩn phải sống yêu thương các loài động vật hơn.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 9

Tôi đã thực sự xúc động khi đọc bài thơ "Ngưỡng cửa". Lời thơ giản dị nhưng thật sâu sắc. Nhà thơ Vũ Quần Phương đã giúp tôi hiểu ý nghĩa của tình cảm gia đình. Bước qua ngưỡng cửa là được về với nơi đầy ắp tình yêu thương của người thân. Hình ảnh ngưỡng cửa đã tượng trưng cho căn nhà gần gũi, thân thiết với mỗi người qua bao tháng năm. Ấm áp và bình yên biết mấy!

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 10

Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều

Vẻ đẹp của Việt Nam qua bài thơ thật sự làm cho em xúc động, mê mẩn bởi vẻ đẹp của Việt Nam, đất trời Việt Nam dâng lên ngập lòng. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã rất yêu quê hương Việt Nam, rất mặn mà với cuộc sống cấy cày, đồng ruộng, những ngọn núi ngọn đồi trải khắp Việt Nam. Không cảnh gì đẹp bằng những cánh đồng lúa rộng mênh mông xa tít tới đường chân trời, hương lúa thơm đưa khắp một miền quê; những cánh cò bay vỗ cánh chao liệng trên những cánh đồng, những khoảng trời trong xanh; quanh những ngọn núi Trường Sơn, mây mờ giăng phủ lấy cả lúc bình minh sương sớm, cả lúc hoàng hôn chiều tà. Cảnh đẹp Việt Nam ta đẹp và bình yên đến vậy, yêu và thương biết bao quê hương Việt Nam ta!

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 11

Bài thơ “Con là…” của Y Phương đã giúp người đọc cảm nhận được tình cảm sâu sắc của người cha dành cho đứa con của mình. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ “Con là” để nhấn mạnh vai trò của con đối với cha trong cuộc sống. Khi con là “nỗi buồn”, dù có to lớn bằng “trời” thì nhờ có con thì mọi nỗi buồn cũng sẽ được lấp đầy. Khi con là niềm vui, dù chỉ nhỏ bé như “hạt vừng” thì niềm vui ấy lúc nào cũng hiện hữu trong ngôi nhà ấm áp. Đó là những niềm vui bất tận và vĩnh cửu của cha. Đặc biệt nhất, con chính là “sợi dây hạnh phúc” gắn kết cha và mẹ. Trong cuộc sống có nhiều sóng gió, nhưng nhờ có con mà cha và mẹ sẽ luôn ở bên nhau, cùng nhau bảo vệ và che chở con. Có thể thấy rằng, đối với người cha, con là những điều vừa to lớn, vừa nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa thật lớn lao. Với giọng thơ chân thành và tha thiết, chúng ta phần nào hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những tình cảm của người cha dành cho con. Lời nhắn nhủ yêu thương cũng chính là bài học đầu đời để con khắc ghi, trân trọng tình cảm gia đình.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 12

“Những cánh buồm” là bài thơ mà tôi cảm thấy yêu thích nhất. Trong những câu thơ mở đầu, Hoàng Trung Thông đã khắc họa một không gian khoáng đãng của biển cả, với ánh mắt trời rực rỡ. Hình ảnh người cha và đứa con bước đi trên cát cho thấy sự gắn bó, gần gũi. Cha bỗng trở nên già dặn hơn, tuổi đời như trải dài trong chiếc bóng dài lênh khênh. Còn đứa con thì lại trở nên thật bé bỏng, đáng yêu trong chiếc bóng tròn chắc nịch. Hình ảnh đối lập của bóng cha và bóng con thật ngộ nghĩnh, dễ thương càng khắc sâu thêm sự khác biệt của hai thế hệ cha - con. Khi nhìn về phía chân trời, đứa trẻ đã hỏi cha răng ở đó có những gì. Câu trả lời của người cha đã khơi gợi trí tò mò của đứa trẻ về một thế giới mà ngay cả người lớn như cha của mình vẫn chưa hề đi đến. Điều đó làm con khao khát được khám phá, vì vậy mà con đã mong muốn cha mượn một cánh buồm “trắng” để con đi. Người con muốn đi khắp nơi, muốn chinh phục thế giới rộng lớn ngoài kia. Và cha đã bắt gặp chính mình trong ước muốn của con. Vậy là, giờ đây, ước mơ chưa thể thực hiện của cha sẽ được gửi gắm nơi con. Bài thơ “Những cánh buồm” được đánh giá là một trong những tác phẩm hay về ngôn từ, âm hưởng và có sức gợi cảm.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 13

Tôi rất thích bài thơ Đánh thức trầu của Trần Đăng Khoa. Tác phẩm bao gồm lời hát của bà và lời hát của cháu. Mở đầu lời của bà là câu “Mày làm chúa tao/Tao làm chúa mày” như lời nhắc nhở rằng con người cần biết tôn trọng tự nhiên, không nên coi mình là chúa tể có thể thống trị, điều khiển thiên nhiên. Câu thơ tiếp “Tao không hái ngày/ Thì tao hái đêm” nhắc đến một quan niệm trong dân gian. Khi muốn hái trầu vào ban đêm, phải gọi cho trầu tỉnh ngủ rồi mới xin “hái vài lá”. Quan niệm trên tuy chưa có căn cứ về tính xác thực nhưng tôi đã cảm nhận được sự trân trọng, nâng niu của con người trong cách đối xử với cây cối. Tiếp đến là những câu hát của cháu, với cách xưng hô “mày - tao” tạo cảm giác gần gũi thân thiết giữa con người và cây trầu. Những lời hỏi han, động viên trầu “Đã ngủ rồi hả trầu?, “Trầu ơi, hãy tỉnh lại/Mở mắt xanh ra nào”, “Đừng lụi đi trầu ơi”. Lời thơ gợi ra tình cảm yêu mến, gắn bó và coi trọng như một người bạn. Đánh thức trầu là bài thơ tuy đơn giản nhưng sâu sắc, ý nghĩa.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 14

“Mây và sóng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Ta-go. Bài thơ đã gợi ra cho người đọc cảm nhận sâu sắc về tình mẫu tử thiêng liêng. Em bé trong bài thơ được mời gọi đến thế giới kỳ diệu ở “trên mây” và “trong sóng”. Với sự hiếu kỳ của một đứa trẻ, em đã cất tiếng hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”, “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”. Nhưng khi em bé nhớ đến mẹ vẫn luôn chờ đợi mình ở nhà, em đã từng chối đầy kiên quyết: “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”, “Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”. Chẳng có niềm hạnh phúc nào bằng được ở bên cạnh mẹ mặc dù thế giới ngoài kia nhiều hấp dẫn. Để rồi, em bé đã sáng tạo ra những trò chơi còn thú vị hơn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Trong trò chơi đó, em sẽ là mây, là sóng tinh nghịch nô đùa; còn mẹ sẽ là vầng trăng, là bờ biển dịu hiền, ôm ấp và che chở con. Những câu thơ giàu tính tự sự và miêu tả nhưng lại góp phần bộc lộ cảm xúc của nhân vật trong bài thơ. Ta-go đã sử dụng trong bài thơ những lời thoại, chi tiết được kể tuần tự, vừa lặp lại vừa biến hóa kết hợp với hình ảnh giàu tính biểu tượng. Bài thơ chính là một câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.

Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một bài thơ - Mẫu 15

Bài thơ “Chuyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ đưa người đọc bước vào thế giới của những câu chuyện cổ. Từ đó, mỗi người sẽ thêm yêu mến hơn kho tàng văn học quý giá của nước mình. Những câu chuyện đó đem đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa thủy chung son sắc và ở hiền gặp lành. Tất cả chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời để thế hệ sau giữ gìn và học tập theo. Từ đó, nhà thơ khẳng định “chuyện cổ” đã trở thành hành trang quan trọng trong cuộc sống. Và những câu chuyện cổ gửi gắm bài học nhân văn sâu sắc chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian. Chuyện cổ nước mình giúp người đọc nhận ra những bài học ý nghĩa. Với lời thơ giản dị, giọng điệu sâu lắng - bài thơ quả là một tác phẩm ý nghĩa.

 
 
Đánh giá

0

0 đánh giá