TOP 15 Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách lớp 5 SIÊU HAY

337

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 5 bài văn mẫu Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách hay nhất, giúp các em học sinh làm tập làm văn hay hơn.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách

Đề bài: Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách.

Dàn ý Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách

- Đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách thường có 3 phần:

+ Mở đầu: Giới thiệu tên sách, tên tác giả, tên nhân vật và nêu ấn tượng chung về nhân vật.

+ Triển khai: Cung cấp những thông tin về đặc điểm nổi bật của nhân vật (về ngoại hình, hành động, lời nói, suy nghĩ,…) và đưa ra dẫn chứng minh họa.

+ Kết thúc: Nêu nhận xét hoặc cảm nghĩ về nhân vật,…

- Những điểm cần lưu ý khi viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách:

+ Bố cục của đoạn văn (mở đầu, triển khai, kết thúc).

+ Cách lựa chọn đặc điểm của nhân vật để giới thiệu.

+ Cách đưa ra dẫn chứng làm rõ đặc điểm của nhân vật.

+ Tình cảm, cảm xúc của người đọc đối với nhân vật.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 1

Đề 1. Viết đoạn văn giới thiệu nhân vật nàng Lọ Lem trong câu chuyện “Cô bé lọ lem”

Em rất ấn tượng với nhân vật nàng Lọ Lem trong câu chuyện “Cô bé Lọ Lem”. Nàng Lọ Lem trong truyện thật xinh đẹp, dịu hiền và rất nết na. Lọ Lem thật xinh đẹp! Dáng người nàng nhỏ nhắn, dong dỏng cao. Khuôn mặt trái xoan, thanh tú nổi bật, nước da trắng hồng, mịn màng. Đôi mắt đen láy, sáng long lanh ẩn dưới hàng lông mi uốn cong tự nhiên càng làm tăng vẻ quyến rũ của đôi mắt. Lọ Lem rất chăm chỉ làm việc. Chính vì vậy, khuôn mặt xinh đẹp của cô luôn lem luốc bởi cô phải quét dọn nơi xó nhà hay gác xép bẩn thiu. Cuộc đời của Lọ Lem có quãng đường dài thật gian khổ mới tìm được hạnh phúc. Cô được hoàng tử cưới làm vợ. Cuộc sống của họ rất hạnh phúc. Lọ Lem là cô gái nết na, hiền dịu và rất xinh đẹp. Với tâm hồn trong sáng và phẩm chất tốt đẹp, cô đã tìm được hạnh phúc đích thực của cuộc đời mình.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 2

Đề 2. Đoạn văn giới thiệu nhân vật cô bé bán diêm trong cuốn truyện “Cô bé bán diêm” của tác giả An-đéc-xen

Em rất thích nhân vật cô bé bán diêm trong câu chuyện “Cô bé bán diêm” của tác giả An-đéc-xen. Trong truyện, cô bé là một nhân vật đáng thương, luôn khát khao tình yêu thương và mơ ước về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng lại phải vật lộn với cuộc sống khắc nghiệt khi đi bán diêm trên đường phố trong đêm Giao thừa lạnh lẽo. Với vẻ ngoài nhỏ bé, tội nghiệp và đôi mắt trong sáng của cô bé khiến em không khỏi xót xa. Mỗi lần cô châm một que diêm, ánh sáng rực rỡ không chỉ sưởi ấm đôi bàn tay bé nhỏ mà nó còn mang lại cho cô bé những giấc mơ tuyệt đẹp về gia đình và tình yêu thương. Hình ảnh cuối cùng của cô bé mỉm cười khi được đoàn tụ với bà làm lòng em càng thêm đau xót. Cô bé bán diêm là nhân vật khiến em nhớ mãi không thể nào quên. 

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 3

Đề 3. Đoạn văn giới thiệu nhân vật người em trong cuốn truyện đọc dân gian “Cây khế”

Đọc cuốn truyện Cây khế, là truyện dân gian Việt Nam, em không khỏi thán phục trước nhân vật người em. Bản tính hiền lành, chất phác, luôn biết nhường nhịn mà không tranh giành, cãi vã với người anh về tài sản thừa kế cha mẹ để lại. Người em chỉ có một túp lều lụp xụp, trước nhà có một cây khế ngọt. Nhưng không vì thế mà nản chí, người em thật thà cố gắng chăm sóc cây khế để mưu sinh. Quả người tốt không bị phụ lòng, người em đã được chim thần thử lòng, dẫn tới nơi có vàng bạc châu báu, vinh hoa phú quý. Qua nhân vật người em trong câu chuyện, em tin chắc rằng sống tốt thì sẽ gặp được điều thiện.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 4

Đề 4. Đoạn văn giới thiệu nhân vật Dế Mèn trong cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài

Em rất thích cuốn sách “Dế Mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài. Trong truyện, em cảm thấy ấn tượng với nhân vật Dế Mèn. Tác giả đã miêu tả Dế Mèn thật sinh động. Một chàng dế cường tráng với thân hình khỏe mạnh. Nhưng Dế Mèn lại có tính kiêu ngạo. Vì vậy, Dế đã phải nhận một bài học thích đáng. Sau này, Dế Mèn đã thay đổi, cùng với Dế Trũi có một chuyến phiêu lưu kì thú. Em đã học được nhiều bài học từ nhân vật này. Em rất yêu mến nhân vật Dế Mèn.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 5

Đề 5. Đoạn văn giới thiệu nhân vật cô Tấm trong cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam hay nhất “Tấm cám”

Em rất thích đọc cuốn truyện tranh cổ tích Việt Nam hay nhất “Tấm Cám” và cô Tấm chính là nhân vật em yêu thích nhất. Tấm là một cô gái hiền lành, đảm đang và cam chịu. Hằng ngày, Tấm sẽ làm hết mọi việc trong nhà. Khi đi bắt tép tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ nhưng bị cám lừa lấy hết. Khi đi chăn trâu, Tấm bị mẹ con Cám lừa đi chăn trâu ở đồng xa, ở nhà làm thịt cá Bống ăn. Khi đi xem hội Tấm bị mẹ con Cám bắt ở nhà nhặt thóc gạo ra riêng và không có quần áo mới để đi dự hội. Nhưng chính vì vậy, Tấm đã vùng lên trở thành một cô gái mạnh mẽ đứng lên giành lấy hạnh phúc của mình. Tấm ra tay trừng trị cái ác, Cho Cám xuống hố dội nước sôi rồi làm mắm cho dì ghẻ ăn thịt con gái. Nhân vật Tấm cho chúng ta thấy cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 6

Đề 6. Đoạn văn giới thiệu về nhân vật Lão Hạc trong cuốn sách “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao

Trong cuốn sách “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao, nhân vật Lão Hạc đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng em. Lão Hạc là một người nhân hậu, giàu tình yêu thương. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của lão khi phải bán đi cậu Vàng. Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu con hết mực, luôn suy nghĩ và dành dụm cho con. Không chỉ vậy, Lão cũng là một người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh hưởng, phiền hà đến bất cứ ai. Lão Hạc là một nhân vật mang tính biểu tượng, gửi gắm thông điệp nhân văn của Nam Cao. Em rất yêu thích nhân vật này.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 7

Đề 7. Viết đoạn văn giới thiệu Nguyễn Sinh Côn trong cuốn sách “Búp sen xanh” của tác giả Sơn Tùng

“Búp sen xanh” của Sơn Tùng là cuốn tiểu thuyết mà em đã đọc đi, đọc lại rất nhiều lần. Cuốn sách kể về cuộc đời của Nguyễn Sinh Côn thời niên thiếu. Tuổi trẻ, Nguyễn Sinh Côn đã trải qua những tháng năm đầy hiếu động bên lứa bạn cùng làng, với tính cách ham học hỏi cùng tư chất thông minh bẩm sinh vượt thời gian, nhưng không kém phần ngoan hiền, lễ nghĩa. Hoàn cảnh gia đình đã tác động đến tuổi thơ phải bôn ba theo cha vào kinh thành Huế, để rồi cũng chính cậu bé ấy phải kiên cường chống chọi với số phận nghiệt ngã, nhưng không kém phần đau xót. Mẹ qua đời khi cha vắng nhà, đứa em còn trong nôi. Ngày tiễn mẹ về với tổ tiên, đứa em đói sữa khóc nhòe trên tay và rồi em cũng đi theo mẹ sau vài tháng. Ở cái tuổi mười một, nhưng cậu bé Nguyễn Sinh Côn không quỵ ngã trước nghịch cảnh, vẫn đợi ngày cha về sẽ cùng hồi hương. Em rất xúc động, thương cảm khi nghĩ về những mất mát và đau thương mà Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành đã phải trải qua trong thời niên thiếu.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 8

Đề 8. Viết đoạn văn giới thiệu nhân vật Võ Thị Sáu trong cuốn truyện tranh lịch sử “Võ Thị Sáu – Nữ anh hùng đất đỏ”

Mỗi lần đọc cuốn truyện tranh lịch sử “Võ Thị Sáu – Nữ anh hùng đất đỏ” lòng em lại không khỏi bồi hồi, xúc động khi nghĩ về nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Chị được biết đến là nữ chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, không sợ bất cứ kẻ thù nào, lòng dũng cảm của chị khiến người đời sau phải nể phục. Trong cuộc mít tinh do địch tổ chức tại chợ Đất Đỏ, chị đã dũng cảm dùng lựu đạn tấn công bọn chúng. Chị được tuyên dương trước toàn đồng đội. Thật không may, trong một trận tập kích ném lựu đạn diệt các tên Cả Suốt, Cả Đay và không may chị bị sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đưa chị ra nhà tù Côn Đảo để dùng cực hình tra khảo. Đến ngày 27 tháng Chạp năm Tân Mão chị đã hi sinh tại vùng đất này. Chị đã ra đi mãi mãi nhưng những gì chị cống hiến cho cách mạng, cho đất nước vẫn sẽ còn lưu lai trong sử sách và trong trái tim hàng triệu con người Việt Nam.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 9

Đề 9. Đoạn văn giới thiệu nhân vật Alice trong cuốn tiểu thuyết “Alice ở xứ sở diệu kì”

Em rất thích cuốn tiểu thuyết “Alice ở xứ sở diệu kì” của tác giả người Anh Lewis Carroll. Trong đó, Alice là nhân vật để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất. Alice là một cô bé thông minh, tò mò, dũng cảm và luôn tìm kiếm sự phiêu lưu và hiểu biết về thế giới xung quanh mình. Trong thế giới mới mà Alice lạc vào, cô bé phải đối mặt với nhiều thách thức khi liên tục thay đổi kích thước cơ thể mình, từ quá lớn đến quá nhỏ, chỉ bằng cách ăn một miếng bánh hoặc uống nước từ một lọ dịch lạ. Sự thay đổi này không chỉ gây ra bối rối ngỡ ngàng cho Alice mà còn đặt cô vào nhiều tình huống khó xử và thử thách khôn lường. Song, với trí thông minhvà lòng hào hiệp, Alice đã vượt qua những thử thách gian nan để khám phá xứ sở diệu kì và cuối cùng trở về với thực tại của chính mình. Em rất khâm phục và ngưỡng mộ Alice.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 10

Đề 10. Đoạn văn giới thiệu nhân vật Totto-chan trong cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” của nhà văn Kuroyanagi Tetsuko

Cuốn sách “Totto-chan bên cửa sổ” của nhà văn Kuroyanagi Tetsuko là cuốn sách thú vị kể về cô bé Totto-chan. Totto-chan là một cô bé hiếu động và nghịch ngợm nhưng rất thông minh, tốt bụng và dũng cảm. Ở tuổi đó, cô bé rất tò mò về thế giới bên ngoài và cũng có cách cư xử thật kì lạ, chính vì thế cô bé phải chuyển hết từ trường này sang trường khác và mẹ cô bé lo là sẽ không ai nhận cô bé vào lớp học nữa. Nhưng thật may mắn, Tomoe là một ngôi trường kì lạ, với một thầy hiệu trưởng có cách giáo dục kì lạ. Nhưng nhờ đó mà Totto-chan có một tuổi thơ đẹp, đáng nhớ và được hưởng một nền giáo dục tuyệt vời. Nhân vật Totto-chan khiến em đắm chìm trong những tiếng cười thích thú, đồng thời giúp em hiểu được ý nghĩa của phương pháp dạy học xuất phát từ lòng chân thành.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 11

Trong câu chuyện “Ông Yết Kiêu”, nhân vật Yết Kiêu để lại trong lòng em ấn tượng sâu sắc nhất. Yết Kiêu nổi tiếng với biệt tài bơi lội, không ai sánh bằng. Ông lặn xuống biển, người ta cứ tưởng như đi trên đất liền. Nhiều khi ông sống ở dưới nước sáu, bảy ngày mới lên. Chỉ với một cái dùi sắt và một chiếc búa, Yết Kiêu đã hạ gục được hết chiến thuyền của địch, khiến chúng phải khiếp sợ. Ông còn là biểu tượng của lòng dũng cảm, gan dạ và thông minh. Một lần nọ, khi bị giặc bắt, chúng đe dọa nhưng ông không hề hoảng sợ. Ông giả vờ quy thuận, nhân lúc chúng không để ý, nhảy xuống nước và bơi đi mất. Em rất ngưỡng mộ tài năng và trí thông minh của ông.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 12

Em rất ngưỡng mộ và khâm phục nhân vật em bé trong câu chuyện “Cậu bé thông minh”. Em bé khoảng chừng bảy tám tuổi, con của một nhà nông dân bình thường nhưng rất mạnh dạn và thông minh. Em không hề rụt rè, nhút nhát như những đứa bé khác cùng tuổi mà dám đối thoại với viên quan và cả nhà vua. Em bé đã giải được những câu đố oái oăm, hóc búa đầy bất ngờ của viên quan, khiến nhà vua và cả sứ thần nước láng giềng phải ngỡ ngàng. Câu đố xâu sợi chỉ qua ruột con ốc vặn dài của sứ thần nước láng giềng làm cho các ông trạng, đại thần, nhà thông thái đều lắc đầu bó tay nhưng em bé thì vừa chơi vừa hát câu giải đố một cánh dễ dàng. Em quả là một cậu bé thông minh và tài trí hơn người.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 13

Trong câu chuyện “Những hạt thóc giống”, cậu bé Chôm là nhân vật em vô cùng yêu thích. Chôm là một cậu bé trung thực. Khi người khác làm mọi cách để đạt kết quả tốt trong cuộc thi với mong muốn được truyền ngôi vua. Thì cậu bé Chôm rất thật thà và trung thực thú nhận trước vua rằng mình không làm sao cho những hạt giống nảy mầm được. Nhờ đức tính trung thực và lòng dũng cảm mà Chôm đã được truyền ngôi vua. Từ đó, Chôm trở thành một vị vua tốt. Em rất quý trọng đức tính này của cậu bé Chôm.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 14

Sọ Dừa là nhân vật nổi bật và quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích nước ta. Sọ Dừa xuất hiện trong câu chuyện cổ tích cùng tên mang đầy giá trị nhân văn và những phẩm chất cao đẹp. Sọ Dừa là chàng trai rất tốt bụng và nhân hậu thể hiện qua việc anh đã tha thứ những lỗi lầm của các cô chị độc ác trong truyện. Sọ Dừa còn là một người tài trí và thông minh. Anh dùi mài kinh sử và thi đỗ trạng nguyên. Không chỉ vậy, anh cũng rất siêng năng, chăm chỉ làm việc. Anh đi làm giúp việc cho nhà phú ông và hoàn thành xuất sắc các công việc được giao. Sọ Dừa chính là tấm gương sáng cho chúng ta học tập và noi theo.

Cách viết đoạn văn giới thiệu nhân vật trong một cuốn sách - Mẫu 15

Em rất yêu thích nhân vật Kiều Phương trong truyện ngắn “Bức tranh của em gái tôi” của nhà văn Tạ Duy Anh. Kiểu Phương là một thiên tài hội họa. Sáu bức tranh do Mèo vẽ khiến người anh ngạc nhiên, những bức tranh này có thể treo trong bất cứ phòng nào. Tài năng đó còn được thể hiện rõ qua bức tranh đạt giải Nhất tại một trại thi vẽ quốc tế, mang lại niềm vui “như ngày Tết” cho cả nhà. Đáng yêu hơn cả, Kiều Phương là một cô bé rất hồn nhiên, hiếu động, có tình cảm trong sáng và lòng nhân hậu. Dù bị anh đặt tên là Mèo cô bé không những không giận mà còn hồn nhiên chấp nhận và dùng biệt danh ấy để xưng hô với bạn bè. Bị anh la mắng thì Mèo vênh mặt lên. Khi đi dự thi trở về, trước thái độ lạnh nhạt của anh trai, Mèo vẫn hồn nhiên kêu anh cùng nhận giải. Với tính cách hồn nhiên, bình dị và sâu sắc, Kiều Phương như một vẻ đẹp tiềm ẩn trong những bức tranh mà cô vẽ. Em rất ngưỡng mộ những phẩm chất tốt đẹp của Kiều Phương. 

 
 
 
Đánh giá

0

0 đánh giá