TOP 10 Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt lớp 5 SIÊU HAY

180

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 5 bài văn mẫu Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt hay nhất, giúp các em học sinh làm tập làm văn hay hơn.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt

Đề bài: Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt.

Lý thuyết Đối xứng trục hình học (mới 2024 + bài tập) - Toán 8

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 1

Tranh luận dạy thêm, học thêm: "Con người ta có, chẳng lẽ con mình không?"

(Dân trí) - Trong khi có ý kiến đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý, thì cũng có người mong dẹp sạch nạn dạy thêm, học thêm.

Giáo viên có được dạy thêm, học sinh có nên học thêm là vấn đề nhận được nhiều quan điểm trái chiều (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Học thêm vì nhu cầu hay trào lưu?

Chị Tuyết Mai kể, mỗi chiều, sau khi đón con tan trường, hai mẹ con lại tất bật đến lớp học thêm của giáo viên cách trường hơn 3km. 

Con trai chị đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM và việc học thêm đã diễn ra từ năm lớp 1.

Theo vị phụ huynh, chị không nắm rõ quy định dạy thêm như thế nào, cô giáo thông báo có lớp dạy nên đưa con đến học.

"Tôi không yêu cầu con phải giỏi vượt trội. Ở bậc tiểu học, tôi nghĩ học trên lớp là đủ. Song, cả lớp chỉ có 2-3 bạn không học thêm. Tôi lại nao núng! Thấy con người ta học, chẳng lẽ con mình không? Lo con thua thiệt bạn bè, sợ cô giáo suy nghĩ, tôi lại cho con đến lớp học thêm", phụ huynh cho hay. 

Chị Mai thừa nhận về hiệu quả học thêm lại chưa rõ.

"Nói là học chứ tôi cũng không biết hiệu quả như thế nào khi thời lượng 60 phút đã mất 15-20 phút ổn định lớp. Tôi đưa con đến nơi, quay về nhà chưa kịp cơm nước gì đã đến giờ đón. Việc đưa đón cũng cực dữ lắm", chị Mai nói. 

Anh Phan Hoàng có con học tại Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) lại hối hận khi không cho con đi học thêm. 

"Nhà tôi chủ trương không cho con đi học thêm nên cháu chậm hơn các bạn cùng lớp. Sĩ số lớp quá đông, cô không thể chăm chút cho từng bạn nên cháu nào biết viết, biết đọc trước thì cứ băng băng tiến về phía trước. Còn bạn nào không biết sẽ bị thụt lại", anh Hoàng tâm sự. 

Trong khi đó, con của chị Phạm đã học lớp 5 tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) lại chưa từng đi học thêm các môn chính khóa. 

"Ngoại trừ học thêm ngoại ngữ ở trung tâm, các môn năng khiếu ở trường thì con tôi chứ từng học thêm môn chính nào cả. Tôi cũng không thấy cô giáo lớp con mình thông báo gì. Cháu vẫn học tốt và lên lớp đều đều", chị Phạm nói.

Song, bà mẹ này cũng thẳng thắn nói rằng không học thêm đồng nghĩa với việc không "có cửa" vào trường top. 

"Sang năm, con tôi vào lớp 6. Không học thêm cũng không thể vào được các trường top đầu được. Kể cả có vào cũng không theo được với các bạn đã đi học thêm", chị Phạm nói.  

Do đó, vị phụ huynh này cho rằng các cha mẹ cần tự xác định năng lực và mục tiêu giáo dục cho con mình, không nên chạy theo trào lưu "con nhà người ta" để áp lực cho trẻ.

Cấm hay quản?

Vấn đề "Bác sĩ được mở phòng khám tư, giáo viên dạy thêm là quyền lợi chính đáng" trở nên nóng tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 20/11.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nêu ra những bất cập trong dạy thêm, học thêm hiện nay gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là bậc tiểu học. 

Ông ví việc này đã trở thành vấn nạn gây ra những hệ lụy đáng lo ngại, bào mòn niềm tin của nhân dân về chất lượng bài học, hiệu quả giáo dục, ảnh hưởng đến hình ảnh nhà giáo chân chính.

Một số hiện tượng biến tướng như "găm bài" trên lớp để dạy thêm, dạng bài kiểm tra chỉ được hé lộ ở lớp học thêm, điểm số chênh lệch giữa học thêm và không học thêm, tiền bạc, công sức đưa đón...

Song, nhìn nhận vào thực tế đời sống của đại bộ phận giáo viên hiện nay, dạy thêm là giải pháp chính đáng để cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống.

Bởi vậy, Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng. 

Theo đại biểu, vấn đề cử tri và nhân dân mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc dạy thêm học thêm như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết đã có người dân gửi tới ông ý kiến chất vấn: "Bộ trưởng cho biết đến một ngày nào Bộ trưởng có thể quét sạch được việc dạy thêm, học thêm trên toàn cõi Việt Nam". 

Bộ trưởng đánh giá đây là mong muốn hết sức cảm tính. Việc đưa con đi học thêm nhiều cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh. Trong đó, có những người mang con đến gửi cô giáo nài nỉ vừa dạy vừa trông giúp. Trường hợp khác, phụ huynh cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là phải đưa đến ngay, học một tối 3-5 ca.

Bộ đã có nhiều văn bản quy định, đặc biệt là Thông tư 17 để kiểm soát việc dạy thêm, học thêm trong khuôn khổ của nhà trường. Tuy nhiên, ở ngoài nhà trường, Bộ xác định đang thiếu cơ sở pháp lý để có thể quản lý, điều tiết, giám sát, xử lý.

Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, Bộ GD&ĐT đã từng gửi các văn bản tới các đơn vị đề nghị bổ sung đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, việc này không được chấp thuận. 

Qua đây, ông Nguyễn Kim Sơn đồng tình với ý kiến của đại biểu về việc đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

"Trong đó có những người mang con đến gửi cô giáo nài nỉ vừa dạy vừa trông giúp. Có trường hợp cha mẹ thấy con đi học một ca chưa yên tâm, ngoài giờ học còn chở con đi học thêm. Cứ nghe thấy đâu có thầy tốt là phải đưa đến ngay, học một tối 3, 4, 5 ca", Bộ trưởng nêu thực trạng.

Nhấn mạnh đây là những vấn đề đòi hỏi giải pháp tổng thể, Bộ trưởng đề nghị phụ huynh phối hợp với bộ hơn nữa. Khi có trường hợp cụ thể, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng UBND tỉnh xử lý đến nơi đến chốn.

Vấn đề dạy thêm, học thêm đã luôn là vấn đề "nóng" trong suốt thời gian qua với nhiều tranh luận. Bước vào đầu năm học 2023-2024, sở GD&ĐT nhiều địa phương đã có công văn chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm không đúng với quy định.

Các đơn vị yêu cầu không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Đặc biệt, không dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, dạy học theo đề án của từng địa phương.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 2

- Lựa chọn sự việc thảo luận: Học sinh mặc đồng phục khi đi học.

Ý kiến tán thành việc học sinh mặc đồng phục khi đi học

Ý kiến phản đối việc học sinh mặc đồng phục đi học

– Giúp cả lớp và nhà trường có màu sắc đồng bộ.

– Giúp dễ phân biệt học sinh của nhà trường với người ngoài, học sinh trường khác.

– Giúp xoá nhoà khoảng cách và sự khác biệt giữa các học sinh qua cùng một bộ áo.

– Mặc đồng phục gây ép buộc, tù túng việc những quần áo thoải mái và đẹp hơn có thể mặc.

– Đồng phục không có nhiều, phải mặc đi mặc lại cùng một bộ.

– Mặc đồng phục nhiều làm cũ, bẩn áo đồng phục hơn.

TOP 10 Viết báo cáo về vấn đề Sự quan tâm của học sinh đối với thể thao  điện tử

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 3

Tranh luận học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Cơ hội hay nguy cơ?

(Dân trí) - Việc học sinh có thể sử dụng điện thoại trong lớp phục vụ cho việc học kéo theo nhiều tranh cãi. Mở thêm không gian dạy học trong lớp cho thầy trò nhưng không phải là không có nguy cơ.

Thông tư 32/2002 của Bộ GD&ĐT ở phần “các hành vi học sinh (HS) không được làm” ghi rõ: Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép.

Nội dung này được hiểu, HS có thể sử dụng điện thoại di động trên lớp để phục vụ cho việc học khi được GV cho phép. Đây có thể xem là bước tiến nhằm phát huy mặt tích cực của công nghệ, tạo cho thầy trò thêm không gian, hình thức trong dạy học.

Việc HS có thể sử dụng điện thoại trong lớp vừa là cơ hội nhưng không phải là không tiềm ẩn các nguy cơ. Không ít người phản đối, không đồng tình với việc cho HS sử dụng điện thoại trong lớp.

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, Giảng viên Trường Phát triển Tài năng và Tính cách John Robert Powers:  Để làm chủ công nghệ, trước hết trẻ phải có khả năng độc lập, tự điều chỉnh, kỷ luật

Năm 2010, Steve Job tung Ipad ra thị trường với mô tả đây là một sản phẩm công nghệ tuyệt vời.

Nhưng trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi, chắc các con ông phải thích Ipad lắm? Steve Job đã trả lời: Bọn trẻ vẫn chưa sử dụng Ipad. Chúng tôi giới hạn việc bọn trẻ sử dụng công nghệ khi ở nhà!

Waldorf school of the Peninsula gần thung lũng Sillicon, trường liên cấp có học phí từ 22.000 - 44.000 USD/năm không cho phép học sinh sử dụng laptop, ipad, smartphone cho tới lớp 8. 75% HS của trường này có bố mẹ rất am hiểu và đang làm cho các tập đoàn công nghệ cao tại thung lũng Sillicon.

Nguy hiểm nhất cho trẻ trong độ tuổi vị thành niên khi sử dụng cellphone là gì? Hãy tưởng tượng, một đưa trẻ với một chiếc điện thoại di động, nó bắt đầu bằng lướt facebook, hết Facebook thì có ngay Instgram, Tiktok, Youtube, tin tức mời gọi. Tắm chìm vào thế giới đủ mọi tin tức thượng vàng hạ cám, tin tức hấp dẫn về Khá Bảnh, hôm nay Ngọc trinh mặc trang phục gì... Trẻ trượt dài trong rừng thông tin, lướt hết trang này đến trang kia, hết sử dụng app này đến app khác . 

Có đôi lúc trẻ bắt đầu bằng một nhiệm vụ rất cụ thể truy tìm thông tin để phục vụ mục đích học tập. Và trong quá trình tìm này, trẻ bắt gặp những thông tin gây tò mò, cuốn hút sự chú ý và trẻ lướt vào trong rừng thông tin đó, dần quên mất mục tiêu ban đầu.

Đó là chưa kể những thông tin kiểu như “không dành cho trẻ con dưới 18 tuổi”, những thông tin gây ức chế, tạo cảm giác bùng nổ, những thông tin tạo hiệu ứng đám đông tiêu cực.

Cellphone cuốn trẻ vào việc sử dụng công nghệ mà dần quên hết mọi thứ xung quanh.

Cellphone không như laptop, gấp máy tính lại là dứt, là ngưng sử dụng; càng không giống như đọc sách, gấp trang sách lại là thôi.

Cellphone không có dấu hiệu ngừng. Cellphone có thể biến trẻ từ người chủ sử dụng công nghệ thành người nô lệ cho công nghệ. Để luôn là người làm chủ công nghệ thông tin, trẻ phải chủ động tạo ra dấu hiệu ngưng .

Để làm được điều này, người sử dụng cellphone phải rất độc lập, phải có khả năng tự điều chỉnh, tự kỷ luật bản thân.

Trong một nền giáo dục một chiều, ít phản biện, ít có những bài học về việc phát triển bản thân, hy vọng trẻ phải độc lập, phải có khả năng tự điều chỉnh, phải tự kỷ luật bản thân để tạo ra dấu hiệu ngừng, để dứt chúng ra khỏi việc sử dụng cellphone là điều không khả thi.

Ta trao trách nhiệm cho thầy cô, thầy cô sẽ là những cá nhân giúp trẻ tạo dấu hiệu ngừng.

Lại một lần nữa, ta làm gánh nặng dạy dỗ nặng nề hơn với thầy cô; bởi chưa kịp hiểu, chưa kịp ngấm, vẫn còn loay hoay với việc chuyển đổi dạy học theo kiểu truyền thống sang “ dạy học theo kiểu phát triển năng lực “ trong một lớp gần 50 học sinh, lại gánh thêm nhiệm vụ canh chừng xem trẻ có xài cellphone đúng chỗ, đúng thời điểm không. Mà khi HS cấp 3 mê cellphone, chúng có hàng trăm hàng ngàn cách để qua mặt thầy cô.

Khi một nền giáo dục còn mang tính một chiều, trao cellphone cho những học sinh dưới 18 tuổi sử dụng ngay trong nhà trường chỉ là tạo thêm nhiều cơ hội để chúng thành nô lệ cho công nghệ.

Tôi phản đối việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong nhà trường!

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM: Chẳng lẽ sắm smartphone con chỉ để gọi điện cho ba má?

Tôi đã cho học sinh sử dụng điện thoại với mục đích học tập từ hai năm trước. Các em sử dụng để thảo luận khi học theo dự án, dùng làm bài tập và kiểm tra khi dùng Google biểu mẫu...

Rõ ràng, Bộ chỉ cho sử dụng điện thoại cho mục đích học tập chứ không phải cho học sinh xài điện thoại để chát chít, chơi game... nên theo tôi, không có gì phải "xoắn".

Cũng như mọi thứ khác, sử dụng điện thoại sẽ có này có kia, có cái được và chưa được. Bộ cho sử dụng điện thoại cho mục đích học tập có nghĩa là muốn hướng HS đến khía cạnh tốt của công nghệ.

Sử dụng IT trong học tập là xu thế tất yếu của giáo dục trong tương lai, bạn không muốn thì con bạn cũng phải dùng. Còn sắm điện thoại cho con xong rồi nói chỉ để con gọi điện cho ba má thôi thì nực cười lắm!

Hơn nữa, chúng ta quên một điều, muốn dùng điện thoại để online thì phải có mạng hoặc 3G. Mạng nhà trường thì GV còn vào không được nói gì đến học sinh. Còn dùng 3G để chơi game online thì chắc phải con nhà đại gia.

ThS Phạm Phúc Thịnh, Tổng hiệu trưởng trường Tuệ Đức, TPHCM: Cần đọc kỹ trước khi tranh luận

Thầy nhiều ý kiến rần rần, xôn xao về việc "Bộ cho phép HS sử dụng điện thoại di động trong lớp học", tôi đã đọc đi đọc lại thông tư 32/2020 của Bộ.

Điều 37.4 nói rõ, HS không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép.

Hãy đọc kỹ văn bản trước khi tranh luận, nếu không cả những ý tưởng hay cũng bị "uýnh" tơi tả thì rất khó phát triển.

Đây là một quy định rất hay của Bộ GD&ĐT khi ghi rõ "khi không được GV cho phép". Điều này giúp GV có quyền cho HS sử dụng các thiết bị công nghệ để thực hiện công việc theo yêu cầu của GV. Sau khi thực hiện xong thì phải nộp lại trên bàn GV mà không hề sai với quy chế.

Về lo lắng tăng độ nghiện game, GV không kiểm soát được, HS sẽ làm việc khác... là lo lắng theo hướng tiêu cực.

Khi sử dụng công nghệ cho việc học, thách thức đủ lớn và hấp dẫn với các nhóm, HS chia nhau sử dụng công nghệ để giải quyết vấn đề thì em nào có thể lên mạng làm việc riêng? Việc thực hiện các thiết bị thông minh thường được thực hiện theo nhóm nên không nhất thiết mỗi em một thiết bị.

Tư tưởng không quản được thì cấm ăn sâu, nên phải chăng, khi được "cởi trói" nhiều người lại lo ngại việc thiếu an toàn.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 4

Bàn luận về các vấn đề xã hội đã trở thành một nhu cầu phổ biến, tất yếu của con người hiện đại. Trong cuộc sống, bạn sẽ gặp rất nhiều những vấn đề mà xung quanh nó có vô vàn hướng suy nghĩ, vô vàn quan điểm. Hôm nay, tôi muốn cùng các bạn thảo luận về một vấn đề cũng gây nhiều phản ứng trái chiều ở phụ huynh và chính trong lứa tuổi học sinh như chúng ta: Tình yêu tuổi học trò, nên hay không nên?

Trước hết, tôi muốn giới thiệu một cách hiểu về tình yêu tuổi học trò. Hiểu đơn giản theo đúng mặt chữ, tình yêu tuổi học trò là những tình cảm gắn bó thân thiết, rung động giữa hai học sinh. Đối với tôi, tình yêu tuổi học trò là khi giữa hai người có một rung động vượt lên trên sự quan hệ bạn bè. Hai người bạn thân thiết hơn mức bạn bè bình thường, học cùng lớp thì thường xuyên nhìn về phía nhau, nói chuyện với nhau, có thể nắm tay nhau trong lớp, tan trường cùng về chung đường, lai nhau trên xe, học khác trường thì chỉ mong tan học để đến cổng trường gặp nhau… 

Tình yêu là một phần của cuộc sống. Tình yêu giúp cho sự sống được nối dài, giúp con người gắn kết với nhau và làm cho cuộc đời trở nên hạnh phúc hơn. Nhưng tình yêu giữa những đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường lại phải đối diện với rất nhiều những ý kiến trái chiều: Nên hay không nên yêu sớm, yêu khi còn đang đi học?

Theo quan điểm của tôi, tất cả mọi sự việc trên đời đều có hai mặt, đồng thời có mặt tốt và mặt xấu, mặt lợi và mặt hại. Có chăng, trong từng trường hợp khác nhau, gắn với từng đối tượng khác nhau, kết quả đưa ra sẽ khác nhau. 

Tình yêu tuổi học trò xuất phát khi những người trong cuộc còn là những người rất trẻ, xét theo tâm sinh lý lứa tuổi thì tình cảm này biểu thị sự phát triển bình thường về mặt cảm xúc mà không ai có thể điều khiển được. Hơn nữa, những cô cậu học sinh vẫn được sống trong tháp ngà của trường học, tình cảm giữa họ vẫn trong sáng, hồn nhiên, chưa hề bị những yếu tố khác như vật chất, danh lợi, quyền lực, thậm chí điều kiện gia đình, “môn đăng hộ đối” chi phối. Vì thế, tình cảm đó còn đơn giản, không mang nặng những tính toán, không phức tạp và cần phải đắn đo nhiều như tình yêu của những người trưởng thành. Với nhiều người, mối tình khi còn ngồi trên ghế nhà trường thường là mối tình đầu, lưu giữ rất nhiều kỷ niệm trong trẻo và đáng nhớ. Đồng thời, với nhiều bạn, tình yêu trở thành một động lực to lớn để các bạn nỗ lực trong học tập, hoặc để được sóng vai cùng “người thường”, hoặc để cùng nhau thi vào một môi trường tốt hơn.

Tuy nhiên, không phải vô lý khi người lớn lo lắng cho các con nếu các con khoác trên vai áo trắng đồng phục, trở về nhà và khoe rằng “bố ơi, mẹ ơi, hôm nay con và bạn ấy tỏ tình rồi”. Với những học sinh đã bước vào ngôi trường trung học phổ thông, các phụ huynh có điều kiện để tin rằng các con đã có được nhận thức nhất định về cuộc đời, biết suy nghĩ trước khi hành động. Nhưng với nhiều bạn, tình yêu khi còn học trung học cơ sở, thậm chí học tiểu học dễ khiến người lớn lo lắng. Bởi nếu còn quá nhỏ, tình yêu - một trải nghiệm mới mẻ về mặt tình cảm, cảm xúc dễ khiến chúng ta quên đi nhiệm vụ học hành vốn nhiều gian khổ. Hơn thế nữa, khi xã hội ngày càng cởi mở, nhiều luồng văn hóa của người ngoài tự do du nhập vào Việt Nam, tình trạng các bạn trẻ yêu sớm, sinh hoạt tình dục không an toàn, gây ra hậu quả đáng tiếc đã không còn quá xa lạ trên các phương tiện truyền thông. 

Nói tóm lại, đối với tình yêu tuổi học trò, tôi quan niệm rằng đây không phải một hiện tượng quá xấu, đáng phải lên án, chỉ trích. Thiết nghĩ trong cuộc sống bất cứ một việc gì cũng có hai mặt của nó. Chúng ta chẳng nên vội phán xét rằng nên hay không nên, mà cần xem xét từng hoàn cảnh. Tình yêu tuổi học trò đem lại những điều tiêu cực hay tích cực, phụ thuộc rất nhiều vào những người trong cuộc. Bản thân chúng ta đang ở lứa tuổi học sinh, cũng cần tự vạch rõ giới hạn cho bản thân, suy nghĩ thật kỹ trước khi hành động, để dù trải nghiệm một thứ quả ngọt như tình yêu cũng sẽ không phải nếm hạt đắng về sau.

Trên đây là những suy nghĩ của cá nhân tôi đối với hiện tượng tình yêu tuổi học trò. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Tôi rất vinh hạnh nếu được nghe thêm chia sẻ của thầy cô và các bạn xung quanh vấn đề này. 

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 5

Bạn đã từng bị ảnh hưởng từ việc đi trễ của mình hay của ai đó chưa? Chắc có lẽ ai trong cuộc sống cũng sẽ có lần đi học muộn, trễ hẹn hay muộn giờ làm, nhưng nếu đi muộn hi hữu bất đắc dĩ một hai lần thì mọi chuyện rất đơn giản. Chỉ tiếc là giờ đây, đi muộn đã và đang trở thành những vấn nạn gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cá nhân và đặc biệt là tập thể.

Lớp em, có một bạn học sinh thường xuyên đi muộn, nhiều đến nỗi tên ghi kín sổ đầu bài chỉ vì lỗi “đi muộn”. Một lần, hai lần còn có sự đồng cảm, lâu dần lớp em cảm thấy thật chán ghét bởi vì lỗi của bạn gây ảnh hưởng rất lớn tới tập thể. Việc bạn thường xuyên đi muộn khiến lớp em thường xuyên đứng bét, không được xếp hạng thi đua và luôn luôn bị phê bình trước cờ. Tìm hiểu nguyên nhân thì là do bạn đi xe bus lỡ chuyến, nhưng lại không có ý định dậy sớm hơn hay khắc phục bằng phương tiện di chuyển khác như xe đạp chẳng hạn.

Câu chuyện riêng và lí do biện minh cho việc đi trễ thì có lẽ ai cũng có nhưng mỗi chúng ta nên ý thức hơn trong môi trường tập thể. Chỉ vì bản thân khiến bao cố gắng nỗ lực của cả tập thể đổ bể thì thật đáng phê phán. Hơn nữa, đi muộn là một thói quen xấu, hình thành trong con người sự trì trệ, ỉ lại, thụ động và vô ý thức sẽ khiến bản thân trở thành một con người vô tổ chức và rất khó thay đổi trong tương lai. Với môi trường học đường, thầy cô có thể châm chước, bỏ qua nhưng tương lai khi đi làm sẽ chẳng có chỗ cho bạn nếu cứ vi phạm liên tục.

Bởi vậy, mỗi chúng ta cần tự ý thức và rèn giũa bản thân, loại bỏ ngay thói quen xấu này để tránh ảnh hưởng tới tập thể và gây hại cho chính mình.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 6

Xin chào cô và các bạn. Trong buổi thảo luận hôm nay, em sẽ đưa ra những ý kiến, quan điểm của bản thân xoay quan vấn đề "Xây dựng văn hóa đọc". Kính mời cô cùng các bạn theo dõi, lắng nghe.

Trước khi đi sâu vào vấn đề, mình có một câu hỏi nhỏ cho mọi người như sau: Các bạn có thường đọc sách hay không? Mỗi tháng bạn đọc bao nhiêu cuốn sách? Như các bạn có thể thấy, ngày nay, thiết bị công nghệ điện tử phát triển và bùng nổ đã mang đến rất nhiều hứng thú cho con người. Chúng ta có thể dành hàng giờ chỉ để lướt Tiktok, Facebook nhưng lại keo kiệt thì giờ cho việc đọc sách. Như vậy, xây dựng văn hóa đọc là vấn đề ý nghĩa và cần thiết, phục vụ cuộc sống của con người. Mình biết có một số bạn cho rằng phát triển văn hóa đọc là không cần thiết, đọc sách không tích lũy nhiều kinh nghiệm bằng việc trải nghiệm thực tế.

Dưới góc nhìn của mình, xây dựng văn hóa đọc không phải là kiểu chạy theo số lượng, theo "trend" hay nhiệm vụ. Đọc ở đây là để hiểu, để tích lũy tri thức và kinh nghiệm. Thay vì tiếp cận những thông tin thật giả lẫn lộn, chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, bạn có thể tìm hiểu chúng trong sách báo. Mở một trang sách, bạn sẽ biết vô vàn điều mới mà không phải ai cũng dạy cho chúng ta.

Từ đây, để việc xây dựng văn hóa đọc thêm phát triển và mở rộng, các cơ quan có liên quan cần đưa ra chương trình cụ thể. Ngoài ra, phải không ngừng nâng cao và đổi mới, cập nhật đầu sách. Những thư viện quản lí cần cải thiện cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu của người đọc.

Trên đây là một số ý kiến của em về vấn đề xây dựng văn hóa đọc. Cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 7

Thuốc kháng sinh là cái tên không còn quá xa lạ với tất cả mọi người. Loại thuốc quen mặt này xuất hiện trong điều trị nhiều bệnh lý, từ đơn giản đến phức tạp và có thể mua ở hầu hết mọi nhà thuốc. Tuy nhiên nhiều người lại lạm dụng chúng quá mức và còn nêu ra quan niệm: Khi ốm đau, tốt nhất là dùng kháng sinh cho nhanh khỏi bệnh.

     Vậy có thực là thuốc kháng sinh sẽ giúp nhanh khỏi bệnh hay không? Mặc dù kháng sinh có tác dụng tích cực là điều trị bệnh, diệt vi khuẩn gây bệnh, không cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở tiết ra các độc chất gây hại cho cơ thể, nhưng nó còn có tác dụng phụ như phản ứng phụ hoặc dị ứng. Mặt khác, việc lạm dụng thuốc kháng sinh khiến sự xuất hiện của các vi khuẩn kháng thuốc đang ngày càng phổ biến như: tụ cầu kháng methicilline; phế cầu kháng penicilline; khuẩn salmonela đa kháng với choramphenicol, ampicillin, cotrimoxazole... Sự xuất hiện của các vi khuẩn này gây nguy hiểm nghiêm trọng đến tính mạng của con người. Thực trạng dễ thấy hiện nay là nhiều người khi bị ốm, thậm chí bị cảm cúm do virus nhưng do ngại đến cơ sở y tế khám nên tự tìm mua kháng sinh để uống với mong muốn nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng thuốc… sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, khiến cho thuốc kém hiệu quả và mất dần tác dụng. Đặc biệt là các bậc phụ huynh thấy trẻ bị ho, sốt, viêm họng nhẹ, mặc dù chưa cần dùng đến thuốc kháng sinh cũng tự ý kê đơn kháng sinh hoặc mua thuốc theo đơn cũ cho trẻ uống. Những bệnh nhẹ này của trẻ thay vì sử dụng thuốc kháng sinh có thể dùng những biện pháp vừa an toàn vừa hiệu quả như rửa mũi, súc họng bằng nước muối, sử dụng thuốc ho... Nếu bệnh tình tái phát hoặc không thuyên giảm thì đưa trẻ đến các trung tâm y tế điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khiến cho thuốc không những không trị được bệnh, mà còn làm cơ thể sản sinh ra các vi khuẩn kháng thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh. Lạm dụng kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng: Tác dụng chính của kháng sinh là diệt khuẩn và nấm chính vì thế nếu lạm dụng sử dụng kháng sinh không đúng cách, liều lượng, tự ý dùng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Kháng sinh không chỉ diệt các vi khuẩn có hại mà chúng còn có thể ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn có lợi trong khu vực niêm mạc, lợi, hầu, trong cơ quan tiêu hóa,…  Vì vậy, sử dụng kháng sinh quá nhiều lần gây nên hiện tượng loạn khuẩn, khiến cho các vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đối với người cao tuổi sử dụng kháng sinh không đúng cách, sai nguyên tắc còn có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như sốc phản vệ, có thể tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời. Trẻ nhỏ cũng là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nếu dùng kháng sinh sai cách, khiến cho bé dễ bị hen suyễn, sức đề kháng yếu đi,… nên bé khó có thể phát triển khỏe mạnh. Để hạn chế lạm dụng thuốc kháng sinh cần nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu bằng thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị. Khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình.Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn, góp phần giảm bớt nguy cơ phải dùng đến thuốc kháng sinh. Mỗi cán bộ y tế cần sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, chỉ định sử dụng kháng sinh đúng các hướng dẫn chuyên môn và kê đơn khi cần thiết.  Đối với các cơ quan chức năng, trực tiếp là ngành y tế, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kê đơn và bán thuốc theo đơn tại các bệnh viện, nhà thuốc, tăng cường kiểm soát, quản lý sử dụng kháng sinh. Đồng thời, có chế tài xử lý thích đáng đối với các hành vi vi phạm.

     Có thể thấy không phải cứ ốm mà mình sử dụng thuốc kháng sinh, thay vào việc tự tiện sử dụng hay lạm dụng nó thì chúng ta phải đến bác sĩ để khám bệnh và uống theo đúng liều lượng được kê đơn.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 8

Mình là Ngọc Khánh. Trong tiết học ngày hôm nay, mình sẽ đưa ra những ý kiến, quan điểm về vấn đề "Tham gia hoạt động thiện nguyện".

Như mọi người đã biết, cha ông ta từ xưa đến này luôn đề cao truyền thống tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách". Giữ gìn và phát huy truyền thống cao đẹp ấy, ngày nay, có rất nhiều cá nhân và tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Hoạt động này đã đem đến giá trị tốt đẹp về vật chất và tinh thần cho những người khó khăn trong cuộc sống. Đó là những chương trình ý nghĩa như: "Đông ấm cho em", "Hướng về miền Trung ruột thịt",... Có thể nói, tất cả mọi người đều cho rằng hoạt động thiện nguyện là cần thiết, ý nghĩa. Tuy nhiên, một số vấn đề nổi cộm gần đây đã làm chúng ta có cái nhìn khác đi về thiện nguyện. Như việc vài cá nhân, tổ chức lợi dụng từ thiện để kiếm lợi cho bản thân. Ngoài ra, vài kẻ xấu còn chăn dắt trẻ em, người già yếu nhằm trục lợi.

Theo quan điểm của cá nhân mình, những hiện tượng trên chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh". Vẫn còn nhiều mạnh thường quân sẵn sàng bỏ túi tiền cá nhân để làm từ thiện. Họ cho đi mà không đòi hỏi được nhận lại. Các chuyến đi tình nghĩa tìm đến vùng khó khăn luôn được tổ chức đều đặn. Trường lớp hay một vài nhà xuất bản cũng thường xuyên tổ chức quyên góp sách vở... Từ đây, hoạt động thiện nguyện vẫn tồn tại trong xã hội bằng nhiều phương thức khác nhau, đúng không các bạn?

(Mọi người nêu ý kiến của bản thân và đưa ra ý kiến thống nhất)

Mình cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi mọi người đều ủng hộ hoạt động từ thiện. Kết thúc bài thảo luận, mình sẽ đưa ra những kết luận sau: hoạt động thiện nguyện là hành động cao đẹp cần được giữ gìn và tiếp tục phát triển. Chúng ta hãy biết mở rộng tấm lòng, quan tâm tới những người có số phận đau khổ, bất hạnh.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 9

Chào cô và các bạn. Em là Hà Linh. Trong tiết Nói và nghe ngày hôm nay, em sẽ trình bày những ý kiến của mình về vấn đề "Tôn trọng sự khác biệt".

Các bạn hiểu như nào là "tôn trọng sự khác biệt"? Theo mình, tôn trọng sự khác biệt là có cái nhìn đúng đắn và toàn diện về mọi người xung quanh, không tỏ ra kì thị hay chê bai, ghét bỏ những thứ đi ngược lại với số đông. Tuy nhiên, ngày nay, vài cá nhân thường phán xét và cho rằng khác biệt là "chơi trội", không đúng với thuần phong mỹ tục của người Việt. Nhưng bạn ơi, chớ vội đưa những đánh giá phiến diện như vậy. Thế giới rộng lớn có 7 tỉ người, tương đương với vô vàn tính cách, quan điểm sống khác nhau. Cớ sao chúng ta lại bắt ép người khác đi theo một khuôn khổ nhất định, đúng không nào?

Như vậy, mỗi người hãy học cách nhìn nhận và tôn trọng sự khác biệt. Để làm được điều đó, từng cá nhân phải biết đặt vị trí của mình vào người khác để thấu hiểu, đồng cảm. Thay vì soi mói và bới móc, chúng ta nên tôn trọng quyền riêng tư ở mỗi cá nhân.

Sau khi lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi người, mình đưa ra kết luận như sau: Tôn trọng sự khác biệt là một việc làm ý nghĩa, thể hiện sự tôn trọng người khác. Mỗi người hãy có cái nhìn cởi mở hơn nữa với mọi người xung quanh. Khi góp ý, chúng ta cần đóng góp bằng thái độ tích cực, hài hòa, không nên "bới lông tìm vết". Mong rằng, các bạn sẽ luôn nhớ tới câu nói của chú mèo Zorba trong tác phẩm "Chuyện con mèo dạy hải âu bay": "Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó".

Cảm ơn cô và các bạn đã theo dõi, lắng nghe bài trình bày của em.

Thảo luận về một sự việc có nhiều ý kiến khác biệt - Mẫu 10

Khái niệm “cuộc đời đơn giản” nghe có vẻ… giản đơn nhưng thật sự, đó là mơ ước của rất nhiều người. Xã hội ngày nay luôn vội vã tấp nập đã cuốn con người ta vào dòng xoáy công việc, học tập, vào những mối quan hệ không thể nào thoát ra. Vậy, chúng ta cần phải làm gì để sống một cuộc đời đơn giản?

     Sống đơn giản là nhận thức được mục đích của cuộc sống. Đó là sự tập trung có chủ đích trong tất cả các khía cạnh cuộc sống của chúng ta từ đồ dùng, hành động, thói quen và các mối quan hệ mang lại cho chúng ta giá trị và niềm vui nhất. Cuộc sống đơn giản là hình ảnh về một cuộc sống khi mà những tiện nghi được sử dụng ở mức thấp nhất, đúng hơn là chúng ta sẽ cắt giảm những điều không cần thiết để đổi lấy hạnh phúc về sau. Cuộc sống tối giản chỉ đơn thuần là việc bạn nhận ra được rằng giá trị của bản thân luôn phải đứng trên những giá trị vật chất.

     Có rất nhiều lợi ích được tạo ra khi bạn chọn cho mình một cuộc sống nhẹ nhàng, đơn giản, không chỉ được nhìn thấy ở không gian sống xung quanh mà đồng thời bạn cũng có thể cảm nhận nó qua sự thay đổi tích cực của những suy nghĩ. Vì vậy bạn cần phải tách mình ra khỏi chuỗi thay đổi liên tục và bắt đầu sống một cuộc sống chậm hơn và đơn giản hơn, giúp bạn thực sự sống và mãn nguyện hơn. Một cuộc sống đơn giản là nơi hạnh phúc thực sự tồn tại.

     Thay đổi không phải là một sớm một chiều. Đó là cả một quá trình đòi hỏi bạn phải cố gắng và nỗ lực thay đổi chính bản thân bạn. Bước đầu tiên để hướng tới một cuộc sống đơn giản hơn là nhận ra rằng có thể chọn những cách thay thế tốt hơn lựa chọn theo số đông ở xã hội hiện đại. Trước tiên hãy loại những bộ quần áo không mặc ra khỏi tủ quần áo của bạn để có một không gian rộng rãi hơn cho những món đồ mới nếu như bạn có nhu cầu. Tiếp đến là cải thiện lại bữa ăn của mình, ăn uống lành mạnh là một điều ai cũng mong muốn nhưng đôi khi chúng ta cần phải chi tiêu quá nhiều cho những bữa ăn như vậy.

     Chúng ta liên tục gắn mình với Internet kết nối trên toàn thế giới, một hệ sinh thái không bao giờ ngủ. Hãy luôn tự hỏi bản thân mình rằng tại sao mình lại làm như vậy, tại sao lại dành thời gian cho việc lướt web hàng ngày mà thay vào đó không làm những việc có ích hơn và để cho cơ thể được nghỉ ngơi thay vì dán mắt vào màn hình máy tính hay điện thoại. Vì vậy hãy đăng xuất thường xuyên hơn và xây dựng thói quen chỉ kiểm tra thiết bị của bạn khi cần, đặt ranh giới và giới hạn thời gian trực tuyến.

     Có nhiều người rất chú trọng việc bài trí không gian sống vật chất. Tuy nhiên, đôi khi, việc sử dụng quá nhiều những vật dụng trang trí cũng khiến cho không gian xung quanh bạn trở nên chật chội. Vậy nên hãy làm cho nơi ở, lịch làm việc và cuộc sống của bạn thông thoáng, gọn gàng! Sự lộn xộn, dù là vật chất hay tinh thần đều làm xáo trộn cuộc sống của bạn. Bạn cần học cách tối giản và loại bỏ những thứ vô dụng và thừa thãi của mình, cũng như hiểu được thế nào là đủ từ nhu cầu tình cảm và vật chất.

     Sống một cuộc đời đơn giản không có nghĩa là bạn phải thu xếp mọi thứ để “về quê nuôi cá và trồng thêm rau”. Chắc chắn phải có cách để chúng ta tránh xa những rắc rối do xã hội mang lại mà không cần thay đổi quá nhiều. Đó có thể là những hành động như thu hẹp kích thước căn nhà, tối giản không gian hay xây dựng tủ đồ con nhộng. Hãy bắt tay vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống để bản thân mình cảm thấy thoải mái hơn, giảm bớt sự căng thẳng, mệt mỏi mà áp lực cuộc sống gây ra.

 
 
 
Đánh giá

0

0 đánh giá