Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 5 bài văn mẫu Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện hay nhất, giúp các em học sinh làm tập làm văn hay hơn.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện
Đề bài: Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện.
Dàn ý Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện
- Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện thường có 3 phần:
+ Mở đầu: Giới thiệu tên câu chuyện, tên tác giả và nêu ấn tượng chung về câu chuyện.
+ Triển khai: Kể tóm tắt nội dung câu chuyện, nêu những điểm yêu thích ở câu chuyện (nhân vật, sự việc, ý nghĩa của câu chuyện,…) và thể hiện tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
+ Kết thúc: Khẳng định một lần nữa giá trị, ý nghĩa của câu chuyện hoặc nhấn mạnh tình cảm, cảm xúc đối với câu chuyện.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 1
Đề 1. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện cổ tích “Cây tre trăm đốt”
“Cây tre trăm đốt” là một truyện cổ tích rất quen thuộc, gần gũi. Truyện kể về cuộc đời anh chàng Khoai gắn với hình ảnh cây tre có trăm đốt - một hình ảnh mang tính biểu tượng cao. Đọc truyện, em ấn tượng nhất với câu thần chú “khắc nhập - khắc xuất” và hình ảnh cây tre trăm đốt. Qua câu chuyện, tác giả muốn gửi gắm bài học về thiện, ác. Anh chàng Khoai tốt bụng, chăm chỉ đã được ông Bụt giúp đỡ khi bị phú ông làm khó. Còn lão phú ông tham lam, độc ác thì nhận phải quả báo. Truyện đã để lại bài học cho chúng ta rằng phải biết phân biệt đúng sai, cũng như thiện ác. Con người cần sống có lí tưởng cho riêng mình, phải biết đấu tranh cho sự công bằng, phải bênh vực kẻ yếu. Sống lương thiện thì sẽ nhận được điều tốt.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 2
Đề 2. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên”
“Con Rồng cháu Tiên” là câu chuyện hay khắc sâu trong tâm trí em. Câu chuyện giải thích về nguồn gốc của người Việt Nam. Tất cả các dân tộc trên đất nước ta đều cùng một mẹ sinh ra với nguồn gốc cao quý là con Rồng, cháu Tiên. Mỗi trang sách như mở ra một cánh cửa kì diệu, dẫn em vào một thế giới huyền bí, nơi nguồn gốc thiêng liêng của cộng đồng người Việt được tôn vinh. Từ bọc trăm trứng, một trăm người con ra đời, nửa theo cha lên rừng, nửa theo mẹ xuống biển, khiến em cảm thấy rưng rưng xúc động. Dù cách xa muôn trùng, từ những cánh đồng xanh mướt đến những ngọn núi hùng vĩ, từ miền ngược đến miền xuôi, tất cả chúng ta vẫn hòa chung một dòng máu, từ một cội nguồn, như những nhánh cây vươn xa từ cùng một gốc rễ. Câu chuyện không chỉ mang lại cho em những suy nghĩ sâu sắc về nguồn gốc thiêng liêng của cộng đồng người Việt, mà còn khiến em cảm nhận được niềm tự hào và lòng yêu nước mãnh liệt.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 3
Đề 3. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Về thăm bà” của nhà văn Thanh Tịnh
Câu chuyện về tình cảm bà cháu mà em yêu thích nhất gần đây, chính là “Về thăm bà” của nhà văn Thanh Tịnh. Cả câu chuyện kể về một chuyến về thăm bà của một người cháu xa nhà đã lâu. Theo chân nhân vật Thanh bước vào nhà bà, em như cảm nhận được tâm hồn bình yên đến lạ kì của người cháu ấy. Chẳng có những bữa cỗ linh đình hay những cuộc gặp mặt náo nhiệt. Về với bà, Thanh được đến với miền không gian bình yên, mát mẻ, dịu dàng của bà. Biết bao khó nhọc, vất vả đều dừng lại bên ngoài cánh cửa. Mọi thứ ở trong nhà bà đều thật đẹp, thật yên bình, thật trong lành và bình dị. Ở đây, Thanh lại được là người cháu nhỏ để bà yêu thương, chiều chuộng. Chính vì tại ngôi nhà này có bà của Thanh, nên anh mới có những cung bậc cảm xúc ấy. Những tình cảm giản dị, mộc mạc mà đáng trân quý đó giữa hai bà cháu, đã thu hút em vào từng dòng của câu chuyện.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 4
Đề 4. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Sự tích hoa cúc trắng”
Câu chuyện “Sự tích hoa cúc trắng” đã để lại trong em những cảm xúc sâu sắc và ấm áp về tình cảm gia đình. Dù khép lại trang sách nhưng bài học về lòng hiếu thảo vẫn chiếm lấy tâm trí em. Em cảm thấy rằng không phải nhờ bông hoa thần mà chính tấm lòng hiếu thảo của người con đã tạo ra kì tích cứu sống mẹ của bạn ấy. Nếu không có sự hiếu thảo thì đã không thể cảm động trời xanh và được thần linh ra tay cứu giúp. Đây quả thật là một câu chuyện tình cảm gia đình thiêng liêng, quý giá và vô cùng ý nghĩa.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 5
Đề 5. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của nhà văn Tô Hoài
Đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” của nhà văn Tô Hoài đã chạm đến trái tim em, khiến em không thể ngừng suy nghĩ về những bài học quý giá mà nó mang lại. Em cảm thấy xót xa cho số phận của Dế Choắt, yếu đuối nhưng lại đầy tình cảm. Sự kiêu ngạo, hống hách và tự cho mình là kẻ mạnh nhất của Dế Mèn khiến em không khỏi cảm thấy tức giận và đau lòng. Chính sự ích kỉ, không quan tâm đến người khác của Dế Mèn đã khiến Dế Choắt một mình đối mặt với chị Cốc. Kết quả, Dế Choắt đã chết vì kiệt sức. Sau khi chôn cất Dế Choắt, Dế Mèn nhận ra những tội lỗi của mình và cảm thấy ân hận. Chắc hẳn, Dế Mèn đã cảm nhận được sức nặng của mất mát và đau thương. Qua đoạn trích, em học được rằng, trong cuộc sống, cần có sự chia sẻ và từ bỏ những thói quen xấu để sống một cuộc sống ý nghĩa.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 6
Đề 6. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Bánh chưng, bánh dày”
Em rất thích câu chuyện “Bánh chưng, bánh dày”. Nó giải thích rõ nguồn gốc của hai loại bánh chưng và bánh dày, đồng thời thể hiện lòng kính trọng đối với Trời, Đất và tổ tiên. Câu chuyện có lời kể sinh động. Người kể chuyện đã tận dụng các từ gợi tả âm thanh, màu sắc, hình ảnh,... để tạo nên một bức tranh hết sức sống động và sinh động trong đầu người đọc hoặc nghe. Nội dung câu chuyện hấp dẫn và có yếu tố kì ảo nhưng lại nói về ước mơ của con người. Câu chuyện không chỉ đơn thuần là một kì quan cổ tích mà còn rút ra được những bài học ý nghĩa về sự kiên trì, dũng cảm và lòng hiếu thảo. Bên cạnh đó, đây còn là truyền thống, phong tục của người dân Việt Nam. “Bánh chưng, bánh dày” là một câu chuyện nổi tiếng về sự hiếu thảo, mang giá trị tinh thần cao.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 7
Đề 7. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện cổ tích “Cây khế”
“Cây khế” là câu chuyện cổ tích hay và ý nghĩa khiến em vô cùng yêu thích ngay từ lần đọc đầu tiên. Câu chuyện kể về hai anh em có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau. Người em hiền lành, chăm chỉ, còn người anh tham lam, lười biếng. Sau khi chiếm hết gia sản, người anh tiếp tục sống thảnh thơi. Còn người em phải làm việc vất vả, chăm sóc cây khế - tài sản duy nhất của anh – khiến em rất cảm phục. Khi cây khế ra quả chín vàng, đại bàng đến ăn khế và mang đến cho người em cơ hội đổi đời. Ngược lại, sự tham lam của người anh, khi thấy em giàu có, đã dẫn đến kết cục bi thảm, thật xót xa. Câu chuyện là bài học đạo đức sâu sắc cho mỗi con người, nhằm khuyên răn chúng ta sống đẹp hơn từng ngày.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 8
Đề 8. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng
“Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng là một tác phẩm tự truyện đã để lại trong em những ấn tượng sâu sắc và những cảm xúc khó phai. Tác phẩm vẽ nên bức tranh chân thực về cuộc sống của cậu bé Hồng, hay chính là tác giả Nguyên Hồng, trong những năm tháng tuổi thơ đầy gian khổ, thiếu thốn nhưng cũng đầy ắp những tình cảm yêu thương và những kỉ niệm đẹp đẽ. Câu chuyện quả thật đã khơi gợi trong em nhiều cảm xúc. Em xót xa cho số phận của cậu bé Hồng, cho những tháng ngày tuổi thơ đầy gian khổ, thiếu thốn. Em cảm động trước tình yêu thương tha thiết của Hồng dành cho mẹ, cho những kỉ niệm đẹp đẽ bên mẹ. Em cũng trân trọng sự lạc quan, kiên cường của Hồng trước những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Có thể nói, “Những ngày thơ ấu” là một tác phẩm hay, ý nghĩa, đáng để đọc và suy ngẫm. Nó là một lời nhắc nhở chúng ta về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng nhân ái.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 9
Đề 9. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca”
Mẩu chuyện “Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca” của nhà văn Xu-Khôm-Lin-Xki luôn khiến em xúc động mỗi khi đọc. Câu chuyện xoay quanh cậu bé An-đrây-ca, vì mải chơi bóng đá mà quên mua thuốc cho ông ngoại đang ốm nặng. Khi trở về nhà, cậu bé phát hiện ông đã qua đời nên rất ân hận, dằn vặt bản thân suốt quãng đời còn lại. Qua câu chuyện, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh cậu bé An-đrây-ca với những nét tính cách hồn nhiên, ham chơi, nhưng cũng rất hiếu thảo và biết hối lỗi. Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca là một bài học quý giá cho tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Câu chuyện nhắc nhở chúng ta cần phải biết trân trọng những người thân yêu xung quanh, luôn ghi nhớ lời hứa và hoàn thành trách nhiệm của bản thân. Đây quả thật là một câu chuyện khiến em day dứt mãi không nguôi.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 10
Đề 10. Đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về câu chuyện “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên”
“Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” của Laura Ingalls Wilder là một tác phẩm đã gieo vào lòng em những ấn tượng sâu sắc từ thuở ấu thơ. Qua từng trang sách, em được đồng hành cùng cô bé Laura trong hành trình trưởng thành, trải nghiệm những khó khăn, thử thách và niềm vui bình dị của cuộc sống nơi thảo nguyên hoang dã. Câu chuyện đã mang đến cho em những bài học quý giá về cuộc sống. Dù phải đối mặt với bất kì khó khăn nào, chúng ta cũng cần phải luôn giữ cho mình thái độ lạc quan, yêu đời. Hãy trân trọng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và luôn yêu thương gia đình, những người xung quanh. “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên” sẽ mãi là một tác phẩm tuyệt vời trong lòng em.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 11
Câu chuyện “Cô Vịt tốt bụng” là câu chuyện em đã được nghe kể. Trong câu chuyện, em thích nhân vật cô Vịt nhất. Bởi vì khi Gà mẹ và gà con muốn sang bờ sông bên kia để kiếm ăn, cô Vịt đã đưa ra lời đề nghị đưa đàn gà sang sông. Cô Vịt cõng gà mẹ, còn các chú vịt con cõng gà con, giúp đàn gà sang bờ bên kia an toàn. Em cảm thấy cô Vịt rất tốt bụng khi đã giúp đỡ Gà mẹ và đàn gà con.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 12
Câu chuyện “Cánh đồng hoa” đã mang đến cho em những cảm xúc thật sâu sắc. Câu chuyện kể về quá trình các bạn nhỏ Ja Ka, Mư Hoa, Ja Prok và Mư Nhơ cải tạo cánh đồng cỏ thành một cánh đồng hoa xinh đẹp. Em rất cảm động trước hình ảnh Mư Hoa rơi nước mắt khi chứng kiến đồng cỏ bỗng xuất hiện một bãi rác lớn, bốc mùi. Nhưng cũng chính từ đó một ý tưởng tuyệt vời đã ra đời, đó là biến cánh đồng cỏ thành một cánh đồng hoa rực rỡ. Sau những ngày tháng vun trồng và chăm sóc, những bông hoa ấy đã đua nhau khoe sắc và quả nhiên không thấy ai đến đây đổ rác nữa. Câu chuyện là một bài học quý giá về tình yêu thiên nhiên và trách nhiệm của mỗi người đối với môi trường. Em cảm thấy rất xúc động trước sự đoàn kết vào lòng quyết tâm của các bạn nhỏ, khi đã biến nỗi buồn thành niềm vui, mang lại sắc màu rực rỡ cho cuộc sống của cả làng. Gấp trang sách lại, hình ảnh nhóm bạn vui mừng nhảy múa, ca hát giữa muộn hoa rực rỡ, trong tiếng trống rộn ràng vẫn in đậm trong tâm trí em.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 13
Đọc xong câu chuyện Tấm Cám, em yêu mến và ngưỡng mộ cô Tấm thật nhiều! Không hiểu sao, cô Tấm lại có thể hiền lành, nhẫn nại và nhường nhịn chị Cám, mẹ dì ghẻ đến vậy. Cùng là chị em, không hiểu sao Cám lại ác độc, so đo với Tấm như vậy. Cám đều muốn tranh những phần tốt về mình: bắt được nhiều cá hơn, được đi dự hội, được đi kén vợ, cướp công Tấm trước mặt nhà vua… Ấy vậy, Tấm vẫn đến được bờ thiện lương, tìm được hạnh phúc cuối cùng bên nhà vua. Thật vậy, cuộc sống tốt đẹp sẽ do chính bản thân ta gây dựng nên – làm những điều thiện, việc thiện, ắt sẽ có những người muốn yêu thương, giúp đỡ lại ta (như ông bụt, như nhà vua, như cụ bà nuôi Thị…). Em sẽ nỗ lực để rèn cho mình những đức tính tốt đẹp như cô Tấm và giới thiệu câu chuyện tới nhiều người bạn đọc hơn nữa.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 14
Em rất yêu thích câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng” của A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Puskin. Đây là một câu chuyện hay ca ngợi lòng biết ơn đối với những người có tấm lòng nhân hậu. Câu chuyện xoay quanh nhân vật ông lão đánh cá. Trong một lần đi đánh cá, ông lão đã bắt được con cá vàng, nhưng nhận được lời cầu xin tha mạng từ nó nên ông lão đã thả nó đi. Hành động này cho thấy ông lão là một người hiền lành, nhân hậu. Ông cứu cá vàng mà không cần đến sự trả ơn. Vì tôn trọng ý muốn của vợ nên ông đã cầu xin cá vàng nổi lên đáp ứng nguyện vọng của mụ. Nhưng càng lúc, lòng tham của mụ vợ càng trở nên quá quắt, luôn đặt vật chất lên trên cả tình cảm vợ chồng. Điều này làm cho cá vàng tức giận, quẫy đuôi lặn xuống biển cả. Hai vợ chồng ông lão trở về với cuộc sống nghèo khó trước đây. Đây chính là sự trừng trị đối với những kẻ tham lam. Câu chuyện giúp em hiểu ra rằng cần biết ơn những người đã giúp đỡ mình khi hoạn nạn, khó khăn. Không nên tham lam, bội bạc, đừng vì vật chất và danh vọng mà đánh mất tình người. Câu chuyện là bài học sâu sắc về lòng tham. Nó khiến em cảm thấy trăn trở và cũng tự nhắc nhở bản thân về việc tìm kiếm hạnh phúc trong những điều giản dị. Đối với em, đây là một câu chuyện rất hay và ý nghĩa.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 15
Em thích nhân vật cậu bé đánh giày trong câu chuyện Cậu bé đánh giày. Em thấy cậu bé này là một người rất biết giữ lời hứa, khi vay tiền của ông Oan-tơ Sác-lét và cậu bé đã chờ rất lâu để trả lại tiền cho ông. Ngoài ra, cậu bé còn là một người rất lương thiện, biết chia sẻ niềm vui đến với các bạn nhỏ cũng có hoàn cảnh khó khăn như mình. Em cảm thấy rất yêu mến cậu bé đánh giày.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 16
Câu chuyện “Hoa cúc áo” trong xóm Bờ Giậu của nhà văn Trần Đức Tiến khiến em cảm nhận được vẻ đẹp giản dị và sự tươi mới của cuộc sống. Sự xuất hiện bất ngờ của cô cúc áo như một làn gió mới, đánh thức cả xóm làng đang chìm trong sự yên ả. Những bông hoa rực rỡ không chỉ mang lại hương sắc cho không gian mà còn thổi bùng lên những cảm xúc trong lòng dế còm, biến anh thành một nhà thơ đầy sáng tạo. Tình bạn giữa các nhân vật cụ giáo cóc, bác giun đất cũng khiến em cảm thấy ấm áp, nó thể hiện sự gắn bó trong một cộng đồng. Câu chuyện giúp em hiểu ra rằng vẻ đẹp của thiên nhiên thật kì diệu, nó khiến con người cảm nhận được niềm vui từ những điều giản dị xung quanh ta và trân trọng những khoảnh khắc bình dị ấy. Đây quả thật là một câu chuyện hay, mỗi lần đọc truyện em thấy mình yêu đời hơn biết bao!
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 17
Em rất thích nghe các câu chuyện cổ tích. Tuy được nghe rất nhiều, nhưng em vẫn luôn đặc biệt ấn tượng với câu chuyện Thạch Sanh. Đó thực sự là một câu chuyện rất hay và hấp dẫn. Chàng Thạch Sanh tuy sớm mồ côi cha mẹ, phải sống cuộc sống nghèo khổ, cô đơn dưới gốc đa, nhưng chưa bao giờ có lòng tham, hay suy nghĩ xấu xa cả. Khi học được một thân bản lĩnh tài giỏi, chàng đã dùng nó để diệt ác, giúp dân, chứ không dùng nó để mưu hại người khác. Tấm lòng nhân hậu, đức độ của chàng khiến em nể phục vô cùng. Hình ảnh chàng Thạch Sanh quên mình chiến đấu với chằn tinh, đại bàng tinh để cứu người, không mong chờ hồi đáp gì luôn là bức tượng vàng chói lọi. Chàng ấy thực sự là một người anh hùng vĩ đại. Dù sau này, được biết đến thêm nhiều người anh hùng khác, vẫn không có ai thay thế được Thạch Sanh trong lòng em.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 18
Câu chuyện “Ông bụt đã đến” của Võ Thu Hương đã để lại trong em nhiều ấn tượng sâu sắc về tấm lòng nhân hậu, vị tha và cao thượng. Câu chuyện xoay quanh cô bé Mai, người đã vô tình làm gãy một cành hoa lan yêu quý của ông nhạc sĩ. Mai cảm thấy rất có lỗi, lo lắng và khiến cô bé không thể ngừng khóc. Trong suy nghĩ non nớt của mình cô bé ước gì Ông Bụt hiện ra dùng phép thuật làm cho cành hoa liền lại. Điều kì diệu đã xảy ra, một nhành hoa tím biếc bung nở tuyệt đẹp vào sáng hôm sau. Ông nhạc sĩ chính là người đã thực hiện ước nguyện đó cho cô bé. Khi biết Mai làm gãy nhành hoa, ông không hề trách mắng mà âm thầm lắng nghe nguyện vọng của Mai, mua chậu lan mới thay thế mà không cần ai biết đến. Ông nhạc sĩ quả thật là người rất ấm áp, vị tha và cao thượng. Câu chuyện truyền tải thông điệp về tình yêu thương, sự tha thứ, luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác để mọi khoảnh khắc trong cuộc sống đều trở nên tươi đẹp hơn. Em rất yêu thích câu chuyện này. Nó khiến em cảm nhận được sự bình yên, ấm áp và niềm vui từ những điều giản dị.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 19
“Điều ước của vua Mi-Đát” là một câu chuyện cổ mà em rất yêu thích. Câu chuyện kể về vị vua Mi-Đát, ông là một vị vua giàu có nhất trên thế giới, cai trị vương quốc mà bất kì ai cũng thèm khát có một lần trong đời. Vị vua này tuy có tấm lòng nhân từ nhưng lại có ước mơ trở nên giàu có, ông muốn mọi thứ mình chạm vào đều biến thành vàng. Đến khi chạm vào công chúa, người mà ông yêu quý, lại biến thành vàng, ông mới thực sự hiểu được sự tồi tệ của lời ước tham lam. Niềm vui ban đầu nhanh chóng trở thành bi kịch khi ông nhận ra rằng sự giàu có này không mang lại hạnh phúc. Sự tham lam, ích kỉ sẽ chỉ đem đến những khổ đau và bất hạnh mà thôi. Chúng ta nên biết hài lòng với những gì mà mình đang có ở hiện tại và những gì mà mình làm ra bằng chính khả năng của bản thân. Em cảm thấy rất xót xa cho số phận của vua Mi-đát khi ông nhận ra sự thật. Câu chuyện đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc, em rất trân trọng những thông điệp, ý nghĩa mà nó mang lại.
Cách viết đoạn văn thể hiện tình cảm, cảm xúc về một câu chuyện - Mẫu 20
Em được nghe kể truyện Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam. Em rất ấn tượng với nhân vật cô bé Hiên. Hiên là một cô bé nhà nghèo, thiếu thốn đủ đường. Mẹ của em làm nghề mò cua bắt ốc, nên chẳng đủ tiền may áo mới cho em. Vậy nên, dù trời đông rét buốt, em vẫn chỉ mặc có một manh áo tả tơi, hở cả lưng và tay. Tuy vậy, nhờ tình thương, và sự quan tâm ấm áp của chị em Sơn cùng mẹ của Sơn, cuối cùng, Hiên đã có được chiếc áo ấm của mình. Qua nhân vật Hiên, tác giả giúp em cảm nhận được tình ấm áp của con người với nhau trong xã hội. Chỉ cần chúng ta cho đi, yêu thương, đùm bọc, san sẻ cho nhau, thì mùa đông sẽ không còn lạnh lẽo nữa.