Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 5 bài văn mẫu Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý hay nhất, giúp các em học sinh làm tập làm văn hay hơn.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý
Đề bài: Viết bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 1
Gia đình em quyết định chuyển về ở chung với ông bà để chăm sóc họ, và trong khoảng thời gian đó, em được biết đến cô Liên - một giáo viên mầm non và cũng là hàng xóm thân thiết.
Cô Liên có hình thể mảnh mai, cao ráo, với khuôn mặt thon tròn, trắng trẻo và đôi gò má ửng hồng. Đôi mắt to tròn của cô sáng bóng và hiền lành, luôn đeo cặp kính cận đen dày. Mái tóc dài óng ả, thường được cô chải gọn và buội lên thành một búi tinh tế. Trang phục của cô thường là áo cổ và quần Âu khi đi làm, còn khi ở nhà, cô thích mặc áo phông kèm quần sooc hoặc váy xòe nhẹ nhàng.
Cô thường xuyên ghé nhà em và luôn mang theo những món quà nhỏ như cặp tóc nơ hồng, bim bim, hoặc truyện tranh thiếu nhi. Cô rất tận tâm và chu đáo, thậm chí trong những ngày ông bà em không khỏe, cô lại hết sức giúp đỡ. Cô quét dọn nhà cửa, nấu cơm, và thậm chí ở lại ăn trưa cùng ông bà em. Gia đình em coi cô như một thành viên thân thiết.
Tháng sau, cô sẽ lên xe hoa và chuyển đến nơi mới sau hôn lễ. Mặc dù em cảm thấy buồn khi phải chia tay cô, nhưng em mong cô sẽ luôn hạnh phúc và thành công trong cuộc sống mới của mình.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 2
Người ta vẫn thường nói: “Bán anh em xa mua láng giềng gần” quả không sai. Ở bên cạnh nhà em có một bác hàng xóm rất dễ gần, là người mà em rất yêu quý.
Bác hàng xóm ấy năm nay đã hơn năm mươi tuổi, bác tên là Hoa. Bác ấy có dáng người gầy với nước da nâu khỏe khoắn cùng nụ cười đầy sức sống. Bác có hai cô con gái nhưng cả hai đều đã lấy chồng và đã ra riêng được ba năm nên hiện tại chỉ có bác và chồng chung sống. Bác Hoa có khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Ở khóe mắt bác đã xuất hiện một vài dấu chân chim, nếp nhăn cũng nhiều hơn ở trên mặt bác. Mái tóc bác Hoa dài lắm, vừa mượt lại vừa có màu đen tuyền dù bác đã không còn trẻ nữa. Bác Hoa có một hàm răng trắng và đều như hạt bắp cùng một nụ cười tươi sáng luôn vẽ trên môi. Em nghe mẹ kể rằng ngày xưa bác Hoa làm công nhân ở nhà máy dệt nên đôi bàn tay của bác giờ đã chai sạn đi nhiều, không còn được mềm mại nữa.
Bác Hoa hiền lành và vô cùng thân thiện. Đối với những người xung quanh bác luôn cởi mở và chan hòa, chính vì vậy mà ai ai trong xóm cũng yêu quý bác. Những buổi sáng bác đều dậy từ sớm để tập thể dục. Ai trong xóm có việc buồn phiền bác đều nhiệt tình thăm hỏi, động viên dù chỉ là cân cam hay chục trứng gà nhưng mọi người đều biết đó chính là tình cảm của bác. Nhà bác trồng rất nhiều loại rau và quả nên mỗi khi đến mùa thu hoạch bác lại mang sang cho gia đình em rất nhiều thứ. Ngoài ra bác cũng rất yêu quý chị em em, lúc nào có thứ gì ngon bác cũng mang sang cho chị em em. Lúc là miếng bánh, lúc là cái kem.
Em rất yêu quý bác hàng xóm. Em chỉ mong bác sẽ luôn mạnh khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 3
Bác Tư là hàng xóm của nhà em. Bác ấy là một giáo viên sắp về hưu, hiện đang dạy Toán ở trường cấp 2 gần nhà.
Năm nay bác Tư đã gần năm mươi tuổi, nhưng trông cũng như chỉ mới bốn mươi mà thôi. Bác ấy không quá cao, chỉ khoảng 1m55 và có dáng người cân đối. Nước da bác Tư trắng hồng, kết hợp với khuôn mặt trái xoan và mái tóc đen dài óng mượt khiến bác ấy đẹp như những cô gái ở trong sách vẫn thường tả. Bác Tư rất để ý đến ngoại hình của mình, nên thường gội đầu nhuộm đen để không thấy tóc bạc. Mỗi khi đi dạy, bác thường trang điểm nhẹ nhàng để tôn lên vẻ đẹp của mình. Với lợi thế là hàng lông mày sắc nét và đôi mắt trong veo như nước mùa thu. Bác ấy chỉ cần dặm một chút son và má hồng là đã rất đẹp rồi. Trang phục của bác Tư cũng rất đơn giản. Lúc ở trường, bác ấy thường mặc các bộ áo dài có họa tiết hoa lá. Khi ở nhà, bác mặc những bộ pijama đơn giản. Mỗi tuần, em thường sang nhà bác Tư chơi nhiều lần lắm. Bác ấy sẽ chỉ cho em các bài toán khó, hay dẫn em ra thăm vườn rau xanh mướt bác tự tay trồng. Em thích nhất là được bác tết tóc cho và nghe những cách chăm sóc tóc, da tay sao cho thật đẹp từ bác.
Bác Tư vừa là người hàng xóm tuyệt vời, vừa là một cô giáo thân thiết của em. Em luôn lấy bác ấy làm mục tiêu để phát triển và rèn luyện bản thân mỗi ngày.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 4
Chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều người trong cuộc sống của mình và một trong số đó chính là người hàng xóm thân thuộc.
Cô Thơ là người hàng xóm mà em vô cùng yêu quý. Cô là một giáo viên dạy Mầm non đã về nghỉ hưu. Năm nay, cô Thơ ngoài 50 tuổi. Cô có dáng người thanh mảnh. Mái tóc cô dài đến quá lưng được cô búi lên gọn gàng, trên tóc đã điểm những sợi bạc. Nước da của cô ngăm ngăm và những nếp nhăn hằn in trên khuôn mặt cô là biểu hiện cho những vất vả cô trải qua trong cuộc đời. Cô có gương mặt phúc hậu giống như bà tiên bước ra từ truyện cổ tích dân gian vậy. Đôi mắt của cô luôn hiền từ và trìu mến. Đôi mắt ấy khiến mọi người nhìn vào đều có cảm giác được yêu thương. Là một cô giáo nên giọng nói của cô Thơ rất ấm áp. Em còn nhớ mỗi khi cô kể chuyện cho cả lớp, chúng em đều giữ trật tự và chăm chú lắng nghe. Giọng kể của cô diễn cảm và trầm bổng rất phù hợp với diễn biến câu chuyện.
Cô Thơ không chỉ là một giáo viên hiền dịu, tâm huyết với nghề mà cô còn là một người hàng xóm dễ mến, tốt bụng. Mỗi khi thấy ai gặp phải hoàn cảnh khó khăn, cô đều giúp đỡ nhiệt tình. Mọi người ở trong xóm rất quý mến và tôn trọng cô. Còn nhớ ngày học lớp mẫu giáo 5 tuổi, em có tranh giành đồ chơi của một bạn cùng lớp khiến bạn ấy òa khóc, cô bảo em đến xin lỗi bạn nhưng em không nghe lời. Cô phạt em mang ghế xuống ngồi phía cuối lớp đến hết giờ học. Điều đó khiến em rất tức giận, cho đến khi lớn hơn một chút em mới nhận ra cô làm như vậy là đúng vì em không nên giành đồ chơi của bạn và khi mình có lỗi thì phải xin lỗi người khác. Thỉnh thoảng sang nhà cô chơi, cô vẫn hay nhắc lại chuyện này để em nhớ mãi về bài học mà cô đã dạy. Khi hoa quả trong vườn chín, cô thường mang cho mọi người xung quanh. Tấm lòng của cô khiến mọi người vô cùng cảm kích.
Em rất yêu mến cô Thơ. Em sẽ học tập thật chăm chỉ để trở thành một giáo viên Mầm non giống như cô.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 5
Bác Kiên là hàng xóm của nhà em. Em thường gặp bác ấy vào mỗi buổi chiều, khi hai bác cháu chạy bộ quanh công viên.
Bác Kiên là thầy giáo dạy Toán ở trường cấp ba của xã em. Năm nay bác khoảng gần 40 tuổi, nhưng nhờ thường xuyên rèn luyện nên trông vẫn trẻ trung lắm. Bác không quá cao, chỉ khoảng 1m6, với vóc dáng cân đối, rắn rỏi. Bác có mái tóc đen, hơi bông xù, trông từ xa cứ như một cục bông vậy. Điều đặc biệt ở bác Kiên là khuôn mặt rất hiền lành và thân thiện. Bác có vầng trán cao, rộng, biểu hiện của một người rất thông minh. Năm nào bác cũng ôn luyện cho đội thi học sinh giỏi toán của xã và đi thi đạt giải cả. Đôi mắt của bác rất sáng, lúc nào cũng nhìn mọi người bằng ánh mắt quan tâm, thân thiết. Đặc biệt, em thích nhất là nụ cười của bác. Bác Kiên rất hay cười. Lúc nào bác cũng chào mọi người bằng nụ cười rạng ngời, truyền thêm biết bao năng lượng tích cực. Mỗi lần em gặp bác lúc chạy bộ, bác luôn vẫy tay, cười thật tươi và gọi tên của em. Bác ấy luôn khiến em cảm thấy mình được yêu quý và trân trọng. Ngoài những hôm cùng chạy bộ trong công viên. Em cũng thường sang nhà bác Kiên chơi vào cuối tuần. Bác ấy sẽ chỉ cho em những bài Toán khó. Rồi lắng nghe những tâm sự, ước mơ của em. Bác còn dẫn em ra vườn ngắm dàn hoa do chính tay bác trồng và chăm sóc.
Đối với em, bác Kiên vừa là một người hàng xóm tốt bụng, vừa là một người bạn tâm giao tuyệt vời. Em quý bác ấy lắm, lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ và phấn khởi khi được gặp và nói chuyện cùng bác.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 6
Trong kí ức tuổi thơ, bác Liên - người hàng xóm đáng yêu của em luôn là một hình bóng rất đặc biệt và gần gũi. Bác Liên, giáo viên Tiểu học, không chỉ là người hướng dẫn kiến thức mà còn là người mẹ thứ hai của em.
Bác Liên, ngoài bốn mươi, với dáng vóc cao ráo, mái tóc dài đen óng ả và nụ cười hiền lành, luôn tạo nên một hình ảnh trấn an và gần gũi. Bác dành thời gian quan tâm đến mọi người xung quanh, không chỉ là hàng xóm mà còn là những người già trong xóm.
Bác Liên không chỉ là một giáo viên tận tâm mà còn là người hướng dẫn đạo đức và lối sống cho em. Bác không chỉ dạy bảo trong trường mà còn mở lớp học miễn phí giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Những đêm khuya, bác vẫn cố gắng soạn giáo án để chắc chắn rằng mọi em đều có cơ hội học tập tốt nhất.
Bác Liên cũng là người đầy tâm huyết trong việc rèn giũa đạo đức cho con cháu. Bác không chỉ là giáo viên mẫu mực mà còn là người bạn, người anh dạy cho em những bài học quý báu về cuộc sống.
Em luôn nhớ những chiều em sang nhà bác, nghe bác kể chuyện và nhận được những bài học sâu sắc về lòng nhân ái, lòng trung hiếu. Bác Liên là nguồn động viên lớn cho em, luôn khuyến khích em vượt qua khó khăn và không bao giờ nản chí.
Dù gia đình bác đã chuyển đến nơi mới, nhưng những kí ức và lời dạy của bác Liên sẽ mãi là nguồn động viên và bài học quý giá trong cuộc sống của em.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 7
Bác Tư gần nhà em là một người bán cà rem dạo. Bác là người hàng xóm mà em yêu quý nhất.
Khuôn mặt bác nhăn nheo, như đọng lại biết bao chông gai của một cuộc đời lam lũ. Mái tóc bác đã điểm hoa râm. Đôi mắt bác hiền từ, hiện rõ sự khắc khổ và lắm lo toan. Môi bác nứt nẻ, sầm sậm màu tím. Thân hình bác lộ một vẻ gì đó dày dạn phong trần. Những lúc đi bán hàng, bao giờ bác cũng chỉ mặc một chiếc áo cũ đã sờn bạc. Đôi giày rách cũ kỹ của bác “đôi hia bảy dặm” đã giúp bác bước trên bao nhiêu quãng đường dài. Rồi cứ thế, bác mang thùng cà rem đi ra đường. Bước những bước chân vô định, thỉnh thoảng, bác dừng lại trước bao cặp mắt thèm thuồng của mọi người và dõng dạc hô to câu nói muôn thuở: “Cà rem đây! Cà rem năm trăm một cây đây!”. Tiếng rao của bác vang xa, vọng mãi trên bầu trời xanh thẳm không cùng. “Cà rem” – những đứa trẻ thường nói lại lời ra của bác. Những lúc rảnh rỗi, bác thường trò chuyện với em và dặn: - Cháu cố gắng học lên, được đi học là một niềm hạnh phúc. Không có học thức, cháu sẽ phải làm lao động chân tay nặng nhọc, sẽ khổ như bác đấy!
Mà bác khổ thật, bán cà muối về, bác còn phải làm biết bao nhiêu công việc không lúc nào nghỉ ngơi. Bác thức khuya dậy sớm, không sợ khó, không sợ khổ. Ấy vậy mà bác luôn hòa nhã, hiền từ, dễ mến đối với mọi người. Sự khổ cực không thể đánh phá được những cái tốt, cái đẹp trong con người hiền hòa như bác.
Bác Tư ơi! Bác mãi là người hàng xóm mà em yêu quý nhất.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 8
Xung quanh chúng ta bên cạnh người thân trong gia đình thì vẫn luôn tồn tại những người hàng xóm tốt bụng. Bác Hoàng, hàng xóm bên cạnh nhà em chính là một người như vậy.
Bác Hoàng là một người đàn ông hòa đồng, vui vẻ, thân thiện và tốt bụng. Hiện tại bác đang là một bác sĩ mở phòng khám tư tại nhà. Năm nay bác đã tròn năm mươi tuổi, bác sống một mình cùng bác gái còn con cái của bác thì đi làm ở xa, lâu ngày mới về. Chính vì thế lúc nào bác cũng cưng chiều em, yêu quý em, coi em như người thân trong gia đình vậy. Mái tóc bác dày và đen, trên mái tóc điểm những sợi tóc bạc trắng như cước do dấu hiệu của tuổi tác. Dáng người bác cao, hơi gầy với một làn da ngăm màu bánh mật. Khuôn mặt bác vuông chữ điền, hiền từ và phúc hậu. Bác có đôi mắt nhỏ, đen láy, nơi khóe mắt đã xuất hiện những nếp nhăn xô lại với nhau. Đặc biệt, bác thường hay đeo kính, mỗi khi đeo thêm chiếc kính vào, trông bác càng thêm trí thức. Bác Hoàng có đôi bàn tay to, nổi lên những chấm đồi mồi và những vết chai sạm của một đời lao động cần cù,vất vả. Bác hoàng rất hay cười, khuôn mặt bác lúc nào cũng tươi vui khiến mọi người xung quanh ai cũng yêu quý bác. Trong ấn tượng của em, bác Hoàng lúc nào cũng là một người vô cùng lịch sự và đứng đắn. Bác thường mặc áo sơ mi và quần âu trắng thơm khi đi ra ngoài, còn khi ở trong phòng khám, bác lại khoác trên mình bộ áo blouse trắng đặc trưng của người bác sĩ.
Bao nhiêu năm qua, bác đã giúp cứu sống, chữa trị cho biết bao người, thỉnh thoảng, có một vài người là bệnh nhân cũ của bác thường mang quà đến cảm ơn. Bác đã không quản nắng mưa vất vả, chăm lo cho những người xung quanh. Bác cũng giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Mỗi khi nhà em có việc gì quan trọng, bác đều tham gia lo toan, đóng góp công sức của mình. Có gì ngon bác cũng đều mang biếu nhà em để cùng chia sẻ, đặc biệt là hay cho em những gói bánh, gói kẹo, mong em hay ăn chóng lớn. Em rất yêu quý bác Hoàng và biết ơn bác.
Bác Hoàng đôi khi giống như một người ông, người cha, người bạn của em vậy. Trong công việc, bác là một người nghiêm túc, hết mình, tận lực tận tâm, còn trong cuộc sống hàng ngày, bác lại là một người hòa đồng, gần gũi với mọi người xung quanh. Dù có đi đâu xa, em cũng sẽ không bao giờ quên người hàng xóm tốt bụng của em.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 9
Nhà em sống ở một khu phố nhỏ, tuy không lớn nhưng khá vui vẻ và sầm uất bởi những căn nhà san sát nhau, nhà này có nhà kia. Nhưng trong số những nhà hàng xóm thân thiết với nhà em, em thích nhất là bác Hùng sống ngay cạnh nhà.
Nhà bác Hùng có vẻ như được xây khá lâu rồi vì trông nó khá cổ kính. Bác sống cùng vợ, thi thoảng hai đứa con trai lớn mà bác vô cùng tự hào mới về thăm nhà vì học ở thành phố lớn. Bởi vậy nên khi nhà em chuyển tới sống bên cạnh, bác và bác gái đã dặn em thường xuyên sang nhà họ chơi đấy. Mẹ em nói về già sống như vậy nên hai bác cô đơn lắm, vậy nên mỗi khi rảnh rỗi em đều mang ít hoa quả sang nhà bác chơi. Sau một thời gian, em biết được bác Hùng là một người rất yêu thích văn thơ và cây trồng.
Mỗi khi rảnh, thú vui của bác là ngồi đọc sách hoặc tưới cây, chăm sóc khu vườn nhỏ của mình. Lúc ấy bác vui lắm, khuôn mặt hiền hậu của bác như trẻ ra thêm mấy tuổi, ánh mắt luôn tràn ngập ý cười.
Đôi tay của bác Hùng chai đi nhiều lắm, còn có rất nhiều vết sẹo nữa. Bác kể đó là dấu vết bom đạn chiến tranh để lại vì ngày xưa bác từng đi kháng chiến đánh giặc mà. Em rất hay nghe bác kể về những câu chuyện ngày xưa, những khung cảnh mà em – một thế hệ sinh sau không bao giờ được chứng kiến như hiển hiện sống động trong tâm trí. Thật tuyệt vời làm sao! Mỗi sáng, bác đều đi bộ một vòng ra công viên gần nhà rồi mới bắt đầu công việc chăm sóc cây trồng của mình. Thi thoảng cây ra hoa, bác đều cắt một ít rồi mang sang cho em. Em thích lắm.
Em rất yêu quý bác Hùng. Bác giống như là ông em vậy, gần gũi và dễ mến. Em sẽ thường xuyên sang chơi cùng bác nhiều hơn.
Bài văn tả một người hàng xóm mà em yêu quý - Mẫu 10
Cạnh nhà em là gia đình một bác hàng xóm đã nghỉ hưu. Bác tên là Hậu, bác tuy năm nay đã gần 60 tuổi nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn và tinh tường mọi thứ.
Sáng nào em đi học cũng thấy bác đã dậy sớm đi chợ về trên tay bác là cái làn với đầy đủ thức ăn hoa quả cho một ngày. Hôm nào em chào bác bác cũng cười thật tươi với mẹ con em. Nụ cười ấy thật hiền từ và phúc hậu. Bác có mái tóc dài nhưng đã điểm những sợi tóc bạc lốm đốm, bác thường búi tóc đằng sau rất gọn gàng. Người bác hơi đậm và cao, bác bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn. Da bác đã điểm những nốt đồi mồi màu nâu nhưng vẫn để lộ ra đôi mắt hiền từ. Mỗi khi bác cười là đôi mắt ấy lại nheo lại và hiền từ phúc hậu làm sao.
Điều em yêu quý nhất ở bác là bác rất hiền lành và không bao giờ quát mắng trẻ con. Bác rất quý chúng em, lần nào bác đi chợ hay đi lễ về bác đều gọi chúng em lại cho quà cho lộc. Cầm như cái kẹo những gói bánh bác cho em cảm thấy rất vui và cảm động vì bác đã già rồi nhưng vẫn rất quan tâm đến chúng em. Bác rất thích trồng cây cảnh, sáng nào em cũng thấy tưới nước trên mỗi chậu cây hay dùng kéo để tỉa cành lá rụng. Nhìn những chậu cây cảnh xanh tốt của bác em biết bác là người rất yêu cây và rất cẩn thận chu đáo. Có lần chúng em đá bóng chẳng may vào chậu cây cảnh của bác làm một cành cây bị gãy và hoa rụng xuống đất khi đó chúng em nghĩ bác sẽ giận và mắng chúng em tuy nhiên khi chúng em lí nhí xin lỗi bác chỉ mỉm cười nhẹ nhàng và bảo “không sao các cháu lần sau chú ý hơn nhá”.
Có một lần em bị điểm kém, trên đường về nhà em vừa đi vừa khóc vì sợ buổi tối về nhà mẹ sẽ mắng quát em, vậy là em ngồi ngoài công viên gần nhà không dám về nhà. Khi đó bác Hậu đi đâu về và nhìn thấy em, sau khi hỏi rõ đầu đuôi và bác bảo em về nhà bác đã. Em ngoan ngoãn đi theo bác, rồi bác nhẹ nhàng ân cần vỗ về em và phân tích cho em hiểu rằng đó không phải là điều xấu rằng ai cũng có những lỗi lầm và động viên em về nhận lỗi với bố mẹ và hứa sẽ ngoan hơn sẽ học chăm hơn để không bị điểm kém. Hôm đó em nghe lời bác em về nhà làm theo lời bác dặn, hôm đó bố mẹ em cũng không quát mắng em như mọi lần nữa.
Em rất yêu quý bác hàng xóm bởi vì bác rất tốt bụng không chỉ với em mà còn với mọi người xung quanh. Bố mẹ em dặn em luôn phải ngoan ngoãn với bác Hậu để không phụ lòng tốt của bác.