Sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian | Kết nối tri thức

3.7 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian

Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 25, 26, 27, 28

Bài tập 1 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Xuý Vân giả đại trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 127 - 130) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nhận xét khái quát về tính cách của nhân vật Xuý Vân được thể hiện qua lớp chèo Xuý Vân giả dại.

Trả lời:

Qua lớp chèo Xuý Vân giả dại, Xuý Vân thể hiện là một phụ nữ có khát vọng hạnh phúc cháy bỏng, không cam chịu sự an bài của số phận, phần nào dám sống là mình, vượt lên phản ứng trái chiều của dư luận.

Câu 2 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Liệt kê những từ, cụm từ chỉ trạng thái nội tâm của Xuý Vân được bộc lộ qua lời thoại. Trên cơ sở đó, hãy phân tích nguyên nhân sâu xa thúc đẩy Xuý Vân bày ra cảnh giả dại của mình.

Trả lời:

Những từ, cụm từ chỉ trạng thái nội tâm của Xuý Vân được bộc lộ qua lời thoại: đau, chờ, đợi, chả nên gia thất thì về, mặc, điên cuồng, rồ dại, đắng cay, ức, thương, nhớ. Qua những từ, cụm từ ấy, có thể thấy Xuý Vân bày ra cảnh giả dại vì mang nỗi bất bình lớn với tình trạng cuộc sống hiện tại, muốn được thực sự sống theo đòi hỏi của trái tim đầy thương yêu, khao khát.

Câu 3 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Giữa giả dại và điên thật nhiều khi không có ranh giới rõ ràng. Hãy chọn phân tích một đoạn lời thoại có thể làm minh chứng cho điều này.

Trả lời:

Nói đến trạng thái điên của một con người, ta thường nghĩ đến sự mâu thuẫn của mọi lời nói, việc làm, do lí trí đã buông mặc vai trò kiểm soát. Xuý Vân chắc sẽ không giả dại nổi nếu bên trong nàng không dậy lên những cơn “điên thật”. Do vậy, mọi động thái biểu lộ bên ngoài đều là kết quả song trùng của ý đồ giả điên và sự bộc phát của những cơn điên thật ấy. Nhiều đoạn lời thoại có thể minh chứng cho điều này. Ví dụ đoạn được hát theo điệu “quá giang”: tâm trạng diễn biến theo chu kì, từ nhẫn nhịn, chấp thuận hoàn cảnh (“luỵ đò”, “luỵ cô bán hàng”) đến dứt khoát từ bỏ việc đã an bài (“Chả nên gia thất thì về”) rồi quay lại với sự van vỉ, tự nhủ lòng đừng làm gì vượt quá ranh giới (“chắp tay lạy bạn đừng cười”, “giữ lấy đạo hằng chớ quên”). Rõ ràng, tâm trạng và hành xử của Xuý Vân đầy mâu thuẫn. Người xem chèo hay đọc kịch bản chèo một mặt có thể nói Xuý Vân đã dựng lên màn giả dại rất đạt, mặt khác lại thấy rõ những mâu thuẫn này là tồn tại thực, thể hiện con người thực của Xuý Vân - một người không thể tự chủ trước bao lời réo gọi từ nhiều phía khác nhau.

Câu 4 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nêu những đoạn lời thoại có hình thức của thể thơ lục bát. So với cấu trúc lục bát “khuôn mẫu” thể lục bát xuất hiện ở đây có điểm gì khác biệt? Bạn đánh giá thế nào về tác dụng của điểm khác biệt đó trong việc thể hiện tâm trạng nhân vật và miêu tả tình huống của lớp chèo?

Trả lời:

Những đoạn lời thoại có hình thức của thể thơ lục bát:

- Tôi kêu đò, đò nọ không thưa,

Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò.

- Cách con sông nên tôi phải luỵ đò,

[..]

Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên.

- Chờ cho bông lúa chín vàng,

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.

- Rủ nhau lên núi Thiên Thai,

Thấy hai con quạ đang ăn xoài trên cây.

Ba cô bán mắm trong làng,

Mắm không bán hết, còn quang với thùng...

- Con cá rô nằm vũng chân trâu,

Để cho năm bảy cần câu châu vào!

- Chiếc trống cơm, ai khéo vỗ nên bông,

Một đàn các cô con gái lội sông té bèo.

- Ông Bụt kia bẻ cổ con nai,

Cái trứng gà mà tha con quạ lên ngồi trên cây.

[...]

So với cấu trúc lục bát “khuôn mẫu” thể lục bát xuất hiện ở đây có một số nét khác biệt: số tiếng trong dòng thơ có khi nhiều hơn 6 (với dòng trên) và nhiều hơn 8 (với dòng dưới); bên cạnh nhịp chẵn, nhiều dòng có nhịp lẻ (“Tôi kêu đò/ đò nọ không thưa, Tôi càng chờ/ càng đợi, /càng trưa chuyến đò”; “Cách con sông/ nên tôi phải luỵ đò”;...). Đây chính là hình thức lục bát biến thể. Việc chêm vào nhiều tiếng và biến đổi cách ngắt nhịp như nói trên có tác dụng làm cho lời thơ gần với lời nói hằng ngày, một mặt diễn tả được tâm trạng bấn loạn, rối bời của nhân vật, mặt khác thể hiện được tính bất thường của hoàn cảnh mà nhân vật đang lâm vào. Thêm nữa, việc kéo dài câu thơ còn có tác dụng tạo đủ thời gian cho diễn viên thực hiện các động tác múa kèm theo lời hát.

Câu 5 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích hiện tượng chuyển nghĩa của từ “đò” trong hai dòng thơ sau:

Tôi kêu đò, đò nọ không thưa,

Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò.

Trả lời:

Tôi kêu đò, đò nọ không thưa,

Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò.

Từ “đò” nguyên nghĩa chỉ một phương tiện chuyên chở trên sông nước nhưng ở dòng thơ thứ nhất, nó đã được dùng theo nghĩa hoán dụ, chỉ “người lái đò” (vì đò là vật vô tri, không thể nghe được tiếng gọi và cũng không thể cất lời “thưa”). Còn ở dòng thơ thứ hai, “đò” trong cụm từ “càng trưa chuyến đò” đã mang nghĩa ẩn dụ, chỉ tình trạng trễ tràng, lỡ làng hoặc ế ẩm, đáng than thở.

Câu 6 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Xác định nghĩa của các từ “trăng gió”, “gió trăng” trong lời thoại sau của Xuý Vân:

Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng.

Gió trăng thời mặc gió trăng,

Trả lời:

Hai từ “trăng gió”, “gió trăng” trong lời thoại của Xuý Vân (“Tôi không trăng gió lại gặp người gió trăng. Gió trăng thời mặc gió trăng,) không chỉ các hiện tượng tự nhiên mà chỉ phẩm chất, tính cách của con người. Người “trăng gió” hoặc người “gió trăng” là người đa tình, dễ yêu, hồi đáp nhạy bén với tiếng gọi của tình yêu, phần nào coi nhẹ những nguyên tắc giao tiếp giữa nam và nữ mà xã hội phong kiến đã quy định.

Câu 7 trang 25 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Xuý Vân có đáng được thông cảm hay không? Nêu ý kiến của bạn về vấn đề này.

Trả lời:

Khi bày tỏ ý kiến về việc Xuý Vân có đáng được thông cảm hay không, cần chú ý triển khai lập luận theo một quan điểm nhân văn hoặc đạo đức rõ ràng, trên cơ sở thấu hiểu cảnh ngộ của nhân vật, thấu hiểu lí do thúc đẩy nhân vật có những hành động mà lớp chèo đã thể hiện. Có thể bày tỏ thái độ vừa tán đồng, vừa không tán đồng đối với nhân vật bằng những lí lẽ rành mạch.

Bài tập 2 trang 25, 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại đoạn văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Con gà rừng ăn lẫn với công,

Đắng cay chẳng có chịu được, ức!

Mà để láng giềng ai hay?

Bông bông dắt, bông bông díu,

Xa xa lắc, xa xa líu,

Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên.

Chờ cho bông lúa chín vàng,

Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.

Bông bông dắt, bông bông díu,

Xa xa lắc, xa xa líu,

Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên.

(Xuý Vân giả dại, trích Kim Nham, Ngữ văn 10, tập một, tr. 129)

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Xác định dòng tâm trạng của nhân vật được thể hiện trong lời thoại. Dòng tâm trạng này có thuần nhất không? Dựa vào đâu để nhận xét như vậy?

Trả lời:

Dòng tâm trạng của Xuý Vân được thể hiện qua lời thoại là: ấm ức => bất bình => nôn nao với ước mơ hạnh phúc => bất bình. Rõ ràng, đây không phải là dòng tâm trạng thuần nhất vì có sự đan xen, pha trộn, thiếu rành mạch của nhiều cảm giác, cảm xúc khác nhau. Trong ba dòng đầu, cảm giác ấm ức được thể hiện rõ, nhưng sang dòng thứ tư, lời hát trở nên nhẹ nhõm, bộc lộ niềm mơ ước sum vầy. Bỗng chốc, cảm giác nhẹ nhõm ấy bị cắt ngang với “Láng giềng ai hay, ức bởi xuân huyên”. Nhưng ngay lập tức, kí ức về một thời nhân vật còn nuôi hi vọng về cuộc sống vợ chồng hạnh phúc lại kéo đến, khiến lời hát vang lên âm điệu rộn ràng. Cuối đoạn lời thoại, sự bất bình quay trở lại, như một ám ảnh không thôi của thực tại não nề.

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Trong lời thoại, nỗi niềm nào của nhân vật được láy đi láy lại qua cách biểu đạt trực tiếp? Nỗi niềm ấy đã góp phần lí giải chuyện giả dại của Xuý Vân như thế nào?

Trả lời:

- Trong lời thoại, nỗi ấm ức, bất bình của nhân vật được láy đi láy lại qua cách biểu đạt trực tiếp. “Ức” rất có thể chỉ là một tiếng đệm, tạo tiết tấu cho lời hát, nhưng nhờ hoạt động liên tưởng của người đọc, nó còn có thể được hiểu như một tiếng (từ) thể hiện nỗi bực giận và sự đay nghiến của nhân vật đối với cảnh ngộ riêng.

- Nói chung, từ nỗi niềm đã phân tích trên của nhân vật, có thể thấy chuyện giả dại của Xuý Vân xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa, rất đáng cảm thông, đó là sự mâu thuẫn giữa mong ước và thực tế. Chính thực tế cuộc sống tẻ nhạt đã khiến Xuý Vân nổi loạn. Rõ ràng, Xuý Vân không hoàn toàn là kẻ “gió trăng”, chỉ biết chạy theo ảo ảnh của tình yêu nhất thời.

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích ý nghĩa ẩn dụ của câu: “Con gà rừng ăn lẫn với công”

Trả lời:

Câu “Con gà rừng ăn lẫn với công” mang ý nghĩa ẩn dụ, chỉ tình trạng lạc lõng, khó dung hoà với xung quanh của nhân vật, tương tự sự lạc lõng của một con công (đẹp) đơn lẻ giữa bầy gà rừng (tầm thường) hoặc ngược lại, như một con gà rừng giữa bầy công. (Ở đây, điều quan trọng mà tác giả dân gian muốn nhấn mạnh là tương quan khập khiễng giữa các đối tượng chứ không phải ví Xuý Vân xinh đẹp, lộng lẫy như con chim công.).

Câu 4 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích khả năng gợi tả, gợi cảm của câu “Bông bông dắt, bông bông díu” được nhắc đến hai lần trong lời thoại.

Trả lời:

Câu “Bông bông dắt, bông bông díu” được nhắc đến hai lần trong lời thoại của Xuý Vân. Xét câu này trong trình trạng cô lập, dễ cho rằng nó vô nghĩa. Nhưng đặt nó vào mạch lời thoại - lời hát, dễ thấy những từ ngữ trong đó có liên hệ với cụm từ “bông lúa chín vàng”. Theo đó, cả câu có thể gợi lên hình ảnh những bông lúa vàng hay những cánh hoa, bông hoa đồng nội vương trên tóc hoặc được cài lên tóc nhân vật. Do việc lặp từ, câu “Bông bông dắt, bông bông díu” còn gợi lên cảm xúc náo nức, tươi vui, phù hợp với thoáng chốc mơ tưởng của Xuý Vân về cảnh “Chờ cho bông lúa chín vàng, Để anh đi gặt, để nàng mang cơm” (Nếu được xem các diễn viên sắm vai Xuý Vân hát những lời này trên sân khấu, có thể thấy điều đã phân tích ở trên là có cơ sở.).

Câu 5 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Vì sao đoạn lời thoại này trong lớp chèo Xuý Vân giả dại được nhìn nhận như một điệu hát chèo có thể đưa ra trình diễn độc lập?

Trả lời:

Đoạn lời thoại này trong lớp chèo Xuý Vân giả dại vẫn được nhìn nhận như một điệu hát chèo có thể đưa ra trình diễn độc lập, gọi là điệu con gà rừng. Cơ sở của việc nhìn nhận này là đoạn lời thoại đã thâu tóm được tinh thần, đặc điểm của những cảm xúc ấm ức, bất bình có tính phổ biến, không chỉ phù hợp với riêng cảnh ngộ của Xuý Vân mà còn với nhiều người khác (nhất là những người phụ nữ trong xã hội xưa). Trong lớp chèo Xuý Vân giả dại, đoạn lời thoại từ “Tôi kêu đò, đò nọ không thưa” đến “Ai ơi giữ lấy đạo hằng chớ quên” cũng được nhìn nhận tương tự khiến nó trở thành điệu quá giang trong chèo cổ.

Bài tập 3 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Huyện đường trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 132- 135) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Lập bảng so sánh hai nhân vật tri huyện và đề lại theo các tiêu chí: chức phận, tính cách, hành động. Những điều gì rút ra từ bảng so sánh trên có thể giúp bạn hiểu sâu thêm nội dung của cảnh tuồng Huyện đường?

Trả lời:

Có thể lập bảng theo gợi ý sau:

 

Tri huyện

Đề lại

Chức phận

Cai quản 1 huyện ở Việt Nam thời phong kiến và được duy trì trong thời thuộc Pháp; vị trí, uy thế lớn. 

Viên thư kí ở huyện đường

Tính cách

1 kẻ ăn trên ngồi trốc, quen sống phóng đãng. Tự tung tực tác, bất chấp công lí, đạo lí, miễn sao vơ vét được nhiều của. 

Nịnh hót, tính toán, vơ vét

Hành động

- Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể “ấy” được

- Phải nắm đứa có tóc ai nắm kẻ troc đầu. (cười khoái trá). Xử Ốc năm năm tù, Nghêu phạt đòn năm chục trượng, lí trưởng đòi ăn lót cần phạt trừn giới năm mươi quan tiền.

- Ăn thua là những chỗ khó đấy đấy, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, nói thế nào lại chả được. Thị Hến thì cũng có thể cho về nhưng chưa nên xử vội, vì xử Hến thì phải xử Sò.

- Ta cứ để tra cứu đã. Thưa còn thằng Ốc, thằng Nghêu, lí trưởng, thị Hến thì liệu xử cho xong, bọn này toàn đầu trọc cả.

- Bẩm quan xử thật sâu sắc, nhưng đã xử Nghêu và Ốc rồi thì lấy gì mà không xử Sò với Hến được.

Điều có thể rút ra từ bảng so sánh: Cả hai nhân vật tuy có chức phận, tính cách và hành động khác nhau nhưng hoàn toàn “gặp gỡ nhau ở bản chất tham lam và mánh khoé đục khoét người dân “thấp cổ bé họng” Sự “phối hợp hoạt động” của cả hai có thể làm bộ máy chính quyền trở nên thối nát, gây ra nhiều tai hoạ cho xã hội.

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Tri huyện tự nhận mình là kẻ “Sự lí thường phân ẩu/ Được thua tự đồng tiền”. Việc làm nào của y (thể hiện qua lời thoại) cho thấy lời tự nhận đã nêu là hoàn toàn chính xác?

Trả lời:

Tri huyện tự nhận mình là kẻ “Sự lí thường phân ẩu/ Được thua tự đồng tiền”. Toàn bộ hành động sau đó của y đã chứng thực điều này:

- Dây dưa chưa xử kiện ngay để nghĩ kế moi tiền của trùm Sò (“Tôi thì tôi nghĩ cứ để đu đưa như vậy đã. Thằng Sò này giàu lắm, chúng mình có thể “ấy” được.”).

- Thực thi nguyên tắc “nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu” khi tiến hành xử kiện - kẻ có tội bị phạt nặng đã đành (một phần do không có tiền đút lót) nhưng nguyên cáo cũng không tránh khỏi việc bị phiền nhiễu.

- Dung túng cho thuộc hạ (lính lệ) giở trò đòi những người thưa kiện phải hối lộ.

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Phân tích ý vị châm biếm toát ra từ lời thoại: “Quan chức nghĩ nên thú vị/ Vào ra cũng phải chuyên cần”

Trả lời:

Lời thoại: “Quan chức nghĩ nên thú vị/ Vào ra cũng phải chuyên cần” toát ra ý vị châm biếm rất rõ:

- Tri huyện tỏ ra rất hài lòng với vị thế của mình. Y thấy “thú vị” với những việc làm có thể khiến người dân phải lo lắng, sợ hãi. Như vậy, cái có thể đưa đến cảm giác “thú vị” cho quan hoàn toàn khác cái đưa đến cảm giác thú vị cho những người bình thường. Quan đã trở thành một phần tất yếu của bộ máy cai trị thối nát.

- Từ “chuyên cần” được tri huyện nói ra không chút ngượng mồm. Hoá ra, “chuyên cần” ở đây chỉ là “chuyên cần” vơ vét, miễn sao “đầy túi tham” của mình là được. Theo đó, quan càng “mẫn cán” thì tai hoạ đối với tầng lớp bị trị càng lớn.

Câu 4 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Giải thích nghĩa của câu: “Nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu” Theo bạn, triết lí sống chứa đựng trong câu này cho thấy điều gì về mối quan hệ quan - dân trong xã hội xưa?

Trả lời:

“Nắm đứa có tóc ai nắm kẻ trọc đầu” là câu vừa mang tính chất của tục ngữ, vừa mang tính chất của thành ngữ. Nghĩa của câu này là: Chỉ nên “hành” (hay lợi dụng) kẻ có của, có máu mặt (có tóc) để khai thác, trục lợi chứ “hành” (hay lợi dụng) kẻ tay không, nghèo xơ nghèo xác (trọc đầu) thì chẳng được cái gì. Rất có thể câu này đúc kết triết lí hành xử của một bộ phận biến chất thuộc tầng lớp cai trị trong xã hội cũ, cho thấy mối quan hệ giữa quan và dân ở đó nhiều khi chẳng khác mối quan hệ giữa kẻ tìm mồi và con mổi.

Câu 5 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Những thể thơ nào đã được tác giả sử dụng để xây dựng hệ thống lời thoại trong cảnh tuồng này? Ý nghĩa của sự lựa chọn đó là gì?

Trả lời:

Trong cảnh tuồng Huyện đường, để xây dựng hệ thống lời thoại của nhân vật, các thể thơ năm chữ, sáu chữ đã được vận dụng linh hoạt.

+ Thể năm chữ: “Quyền trọng trấn nha môn/ Bản chức xưng tri huyện/ Đỉnh chung đà đủ miếng/ Hoa nguyệt cũng quen mùi/ Lấy của cậy ngọn roi/ Làm quan nhờ lỗ khẩu/ Sự lí thường phân ẩu/ Được thua tự đồng tiền/ Dân xã nếu không kiêng/ Bỏ xuống lao giam kĩ”; “Nha lại vắng bẩm thân/ Dân xã không đấu cáo”

+ Thể sáu chữ: “Quan chức nghĩ nên thú vị/ Vào ra cũng phải chuyên cần”

→ Thơ năm chữ hoặc sáu chữ đều là những thể thơ mà số tiếng trong từng dòng khá ít (năm hoặc sáu), vần điệu nhịp nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc, rất thích hợp cho việc thể hiện triết lí hay phát biểu những nhận định khái quát. Khi muốn nói đến triết lí cai trị của tri huyện, việc lựa chọn các thể thơ này tỏ ra rất hiệu quả. Đây cũng là một cách mà tác giả dân gian muốn “đóng đinh” vào trí nhớ của độc giả những phát ngôn đầy đê tiện của một viên quan tham nhũng.

Câu 6 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nêu đặc điểm lời thoại của nhân vật trên sân khấu qua toàn bộ những câu đối đáp trong cảnh tuồng. Theo bạn, vì sao lời thoại trên sân khấu lại có đặc điểm như vậy?

Trả lời:

Theo dõi toàn bộ những câu đối đáp trong cảnh tuồng, có thể nhận ra đặc điểm của lời thoại không chỉ trong nghệ thuật tuồng mà còn trong cả nghệ thuật sân khấu nói chung. Đó là:

- Lời thoại phải phản ánh rõ nét tính cách nhân vật (thậm chí, trong tuồng, chèo, lời xưng danh của nhân vật còn mang tính chất đúc kết về bản chất của chính người nói, chẳng khác gì một lời nhận xét khách quan của người đứng bên ngoài).

- Lời thoại phải thể hiện được hành động và thúc đẩy hành động (trong cảnh tuồng Huyện đường, lời thoại nào cũng tiết lộ cho biết việc nhân vật đang làm hoặc sắp làm).

- Lời thoại hàm chứa những thông tin về bối cảnh của sự việc đang xảy ra (khi tri huyện phàn nàn: “A, thầy Đề này, hôm nay sao mà [...] Nha lại vắng bẩm thân/ Dân xã không đấu cáo”, lập tức người đọc hình dung ra cảnh vắng vẻ nơi huyện đường - một tình trạng mà cả tri huyện lẫn đề lại đều không mong muốn, vì như vậy là cả hai mất cơ hội kiếm chác).

- Lời thoại vừa hướng về nhân vật cùng đối thoại trong câu chuyện, vừa hướng đến khán giả, giúp khán giả nhanh chóng nhận ra thực chất của con người, sự việc đang hiện diện hay đang diễn ra trên sân khấu (lời xưng danh của tri huyện thể hiện rất rõ tính chất này).

Bài tập 4 trang 26, 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Múa rối nước - hiện đại soi bóng tiền nhân trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 137 - 139) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nhan đề văn bản đã tạo nên sự hấp dẫn như thế nào với người đọc?

Trả lời:

Nhan đề văn bản Múa rối nước - hiện đại soi bóng tiền nhân gợi lên sự chờ đợi xem tác giả sẽ trình bày như thế nào về sự phản chiếu của đời sống hiện đại trên nền nghệ thuật múa rối nước cổ truyền đang được làm hồi sinh.

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nội dung hai câu đầu của phần sa-pô tập trung nhấn mạnh điều gì? Tại sao người viết lại quan tâm đến điều đó?

Trả lời:

Nội dung hai câu đầu của phần sa-pô tập trung nhấn mạnh cái lạ, cái độc đáo của nghệ thuật rối nước: khác biệt với nhiều nghệ thuật sân khấu khác ở “sàn diễn”, “diễn viên? ở sự hoán chuyển vị trí, chức năng giữa con người với đạo cụ. Đây là một sự nhấn mạnh đầy dụng ý, kích thích trí tò mò của người đọc, nhất là người đọc nước ngoài đến Việt Nam và đang muốn tìm hiểu bản sắc văn hoá của dân tộc ta.

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Từ những thông tin được trình bày trong văn bản, hãy lập một bảng tra cứu về nghệ thuật múa rối nước với sự chú thích ngắn gọn về các từ, cụm từ như: nhà rối (thuỷ đình), buồng trò, con rối, sào, dây, âm nhạc,... (Lưu ý: có thể tìm đọc thêm các tài liệu liên quan để có được bảng tra cứu đầy đủ theo cách nhìn nhận của mỗi cá nhân).

Trả lời:

Tuy văn bản Múa rối nước - hiện đại soi bóng tiền nhân mới chỉ bước đầu giới thiệu về nghệ thuật rối nước Việt Nam nhưng cũng đã đưa đến được cho độc giả những thông tin rất cơ bản. Hãy ghi chép các thông tin đó để lưu lại và bổ sung dần vào vốn hiểu biết về di sản nghệ thuật quý báu này của cha ông.

Câu 4 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Theo bạn, ý tưởng “hiện đại soi bóng tiền nhân” đã được tác giả triển khai qua những thông tin cụ thể nào? Hãy nêu nhận xét về cách triển khai đó.

Trả lời:

Ý tưởng “hiện đại soi bóng tiền nhân” đã được tác giả triển khai qua các thông tin cụ thể sau:

- “Thời nay, thuý đình được dựng ngay trong các nhà hát và trong các khu du lịch sinh thái,... với sân khấu là hồ nhân tạo. Khán giả làng đứng ngồi xúm xít quanh ao xem rối. [...] giữa hây hây gió trời còn khán giả phố lại xem rối giữa mát mẻ điều hoà”

- “Bên cạnh những sinh hoạt biểu diễn hội hè đã thành thông lệ ở nhiều làng xã, trên khắp cả nước có rất nhiều địa điểm tổ chức biểu diễn múa rối nước hấp dẫn khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi và người nước ngoài”.

Trong các thông tin nêu trên, người đọc đều nhận ra sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong các nỗ lực làm sống lại những giá trị tinh thần từng nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Việt. Tác giả dường như cho thấy một vấn đề: nghệ thuật cổ truyền như rối nước muốn có chỗ đứng trong đời sống hôm nay thì bắt buộc phải thích ứng với các điều kiện mới. Tất nhiên, thích ứng thế nào để cho bản sắc không bị phai nhạt lại là câu hỏi còn để ngỏ.

Câu 5 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Bạn hiểu như thế nào về sự trăn trở của những người yêu nghệ thuật múa rối nước được đề cập ở cuối văn bản? Bạn có thể góp thêm ý kiến gì về vấn đề này?

Trả lời:

Sự trăn trở của những người yêu nghệ thuật rối nước được đề cập ở cuối văn bản xoay quanh các từ “duy trì “bảo tồn” và “phát triển”. Duy trì và bảo tồn quả không dễ vì lớp người thực sự yêu và hiểu hồn của rối nước còn không nhiều, trong khi con người thời nay bị cuốn theo rất nhiều hình thức giải trí mới, hấp dẫn và phù hợp hơn. Hơn nữa, bảo tổn nghệ thuật múa rối nước luôn gắn liền với việc tổ chức biểu diễn chứ không đơn thuần là việc tàng trữ một cái gì mang tính vật thể. Muốn biểu diễn thành công phải cần rất nhiều điều kiện, trong đó có việc phục dựng lại bối cảnh phù hợp, giống bối cảnh của đồng quê xưa. Giữ nguyên vẹn những gì đã có thì sớm muộn múa rối nước cũng sẽ trở nên xa lạ với hậu duệ của những bậc tiền nhân đã sáng tạo ra múa rối nước. Nhưng phát triển thế nào để phần tinh hoa của múa rối nước không bị biến dạng, đó là cả một vấn đề lớn chưa thể có câu trả lời dứt khoát.

Bài tập 5 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Đọc lại văn bản Hồn thiêng đưa đường trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 152 - 155) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Tóm tắt tình huống được tái hiện trong cảnh tuồng Hồn thiêng đưa đường và nêu ấn tượng chung về tình huống đó.

Trả lời:

Tóm tắt tình huống được tái hiện trong cảnh tuồng Hồn thiêng đưa đường: Kim Lân đưa hoàng tử con vua Tề vượt vòng vây của bọn gian thần, đương lúc quẫn bách, bỗng gặp hồn Linh Tá hiển linh thành ngọn lửa hồng soi tỏ đường đi. Nhờ đó, Kim Lân thoát và đến được thành Sơn Hậu.

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Tìm trong văn bản (phần lời thoại) những câu cho biết về không gian, thời gian, tình thế diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Kim Lân và hồn Linh Tá.

Trả lời:

Những lời thoại cho biết về không gian, thời gian, tình thế diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Kim Lân và hồn Linh Tá:

- Phá muôn vòng quân sĩ

Thẳng trăm trận pháo tên,

Kiếm Thứ phi kiếm chẳng thấy tin,

Tìm mẫu hậu tìm không ra tích

Thương tử hoàng còn nhỏ

Khát sữa lại đói cơm.

Cắn máu tay thấm giọt nhi long

Nhất thời trợ miễn ư cơ khát

(Này)

Sau lưng không tiếng nhạc

Trước mắt thấy đâu non

Lạc vào chốn sơn trung

Đã không đời nước bước (rồi đây!)

- Nay ta giúp vận Tề quân

Sao lại tuyệt kì đăng hoả

- Đoán bên non thấy ngọn hoả hào

Giục tuấn mã vội vàng theo dõi.

Như vậy, chỉ qua lời thoại, người đọc, người xem có thể hình dung được rất rõ toàn bộ bối cảnh diễn ra sự việc. Điều này càng cho thấy nét đặc trưng của lời thoại trên sân khấu. Ở trong văn bản truyện, thường bối cảnh (không gian, thời gian, tình huống) được người đọc nhận biết nhờ lời của người kể chuyện.

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nghĩa vua tôi và tình huynh đệ đã được thể hiện như thế nào qua đoạn trích? Theo bạn, những tình nghĩa được thể hiện đó có thể đưa lại bài học tích cực gì cho cuộc sống của con người hôm nay?

Trả lời:

Đoạn trích đã đưa lại cho người đọc, người xem ấn tượng sâu sắc về nghĩa vua tôi và tình huynh đệ:

- Kim Lân không quản ngại hiểm nguy để cứu vãn triều Tề trong cơn biến loạn.

- Kim Lân sẵn sàng lấy máu mình mớm cho hoàng tử đang đói khát (“Cắn máu tay thấm giọt nhi long/ Nhất thời trợ miễn ư cơ khát”).

- Linh Tá dù đã bị chém rơi đầu vẫn không quên lời “đoan thệ” quyết giúp Kim Lân phò vua cứu nạn.

- Kim Lân thương xót người bạn đã bỏ mình vì nghĩa (“Thống thiết các can tràng đoạn đoạn/ Sâu đê mê ngọc lệ sái uông uông”) hẹn gặp nhau ở thành Sơn Hậu (“Nơi Sơn Hậu em tìm qua đó “).

Theo quan điểm đạo đức phong kiến, các nhân vật rất đáng ngợi ca vì đã sống theo những chuẩn mực ứng xử của người quân tử. Với người đọc, người xem ngày nay, tuy các chuẩn mực ứng xử này đã trở nên xa lạ nhưng phẩm chất trung thành, tận tuy ở một con người sống có niềm tin thì vẫn có thể gây được niềm xúc động lớn.

Câu 4 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nhận xét sự khác biệt về ngôn ngữ giữa đoạn trích Hồn thiêng đưa đường và đoạn trích Huyện đường. Theo bạn, những nguyên nhân nào đã đưa đến sự khác biệt đó?

Trả lời:

Ngôn ngữ giữa đoạn trích Hồn thiêng đưa đường và đoạn trích Huyện đường có sự khác biệt lớn:

- Ở Huyện đường, đó là thứ ngôn ngữ gần với ngôn ngữ giao tiếp đời thường, mang tính chất bình dân, ít từ Hán Việt, không có điển cố, dễ hiểu.

- Ở Hồn thiêng đưa đường, đó là thứ ngôn ngữ đầy tính ước lệ, kiểu cách, sang trọng, dày đặc từ Hán Việt và nhiều điển cố, người đọc phải có kiến thức sâu mới tiếp nhận được đầy đủ những tầng nghĩa hàm chứa trong đó.

Sự khác biệt về ngôn ngữ này cho thấy những đặc điểm riêng của tuồng dân gian (tuồng hài) và tuồng cung đình (tuồng thầy, tuồng bác học), vốn là hai loại tuồng diễn những tích khác nhau, nhằm đến những mục đích khác nhau, thậm chí được viết bởi những người có học vấn và quan niệm ngôn ngữ khác nhau.

Câu 5 trang 27 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nêu suy nghĩ về những khó khăn mà người đọc, người xem ngày nay có thể gặp phải khi tiếp cận với nghệ thuật tuồng truyền thống.

Trả lời:

Người đọc, người xem ngày nay có thể gặp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận với nghệ thuật tuồng truyền thống. Chẳng hạn:

- Tuồng nảy sinh và phát triển trong một môi trường văn hoá - xã hội đặc thù, kể những câu chuyện của một thời xa xưa, không dễ tìm được sự đồng điệu ở người đọc, người xem thời hiện đại.

- Tính ước lệ của sân khấu tuồng rất cao, phải hiểu đầy đủ những quy tắc, quan niệm chi phối nó thì mới có thể thưởng thức được cái hay của tuồng một cách trọn vẹn.

- Ngôn ngữ của tuồng (nhất là tuồng cung đình) xa lạ với ngôn ngữ giao tiếp của đời sống thực, vì vậy, thường gây cảm giác rắc rối, khó hiểu.

Như vậy, để hiểu tuồng, yêu tuồng, cần phải trang bị rất nhiều hiểu biết về lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ và đặc biệt phải có một thái độ trân trọng thực sự đối với những di sản tinh thần quý báu mà ông cha đã để lại.

Viết trang 28

Bài tập 1 trang 28 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Lập đề cương cho báo cáo nghiên cứu về đề tài sau: Khả năng biểu hiện tính cách và hành động nhân vật của lời thoại trong lớp chèo “Xuý Vân giả dại”

Trả lời:

Đề cương cho báo cáo nghiên cứu về đề tài Khả năng biểu hiện tính cách và hành động nhân vật của lời thoại trong lớp chèo “Xuý Vân giả dại” cần có đủ các phần: Đặt vấn đề, Giải quyết vấn đề, Kết luận, Tài liệu tham khảo. Cần ôn lại kiến thức về kịch đã học ở lớp 8 và đọc lần nữa bài viết tham khảo Ngôn ngữ đối thoại trong chèo của Hà Văn Cầu trong SGK Ngữ văn 10, tập một (tr. 140 - 145) để nhận được những gợi ý cần thiết cho việc xây dựng bản đề cương.

- Trong Đặt vấn đề, ngoài việc nêu tên đề tài và nêu câu hỏi lớn cần giải đáp, phải xác định rõ lí do chọn đề tài nghiên cứu này (Lí do có thể là: để hiểu sâu hơn về lớp chèo Xuý Vân giả dại, để nắm vững hơn những yêu cầu đối với việc tổ chức lời thoại trong một kịch bản sân khấu nói chung,...).

- Phần Giải quyết vấn đề có thể lần lượt làm sáng tỏ hai vấn đề chính: khả năng biểu hiện tính cách nhân vật của lời thoại và khả năng biểu hiện hành động của lời thoại. Với mỗi vấn đề như thế, cần nêu được nhận định khái quát và các bằng chứng lấy từ lớp chèo Xuý Vân giả dại (có thể liên hệ, so sánh với những lớp chèo khác mà bạn đã đọc, tìm hiểu).

- Phần Kết luận cần khái quát lại các luận điểm đã triển khai, khẳng định ý nghĩa của đề tài, vấn đề nghiên cứu đối với việc tìm hiểu lớp chèo Xuý Vân giả dại nói riêng, toàn bộ vở chèo Kim Nham nói chung, và rộng ra là đối với nghệ thuật xây dựng kịch bản chèo.

- Phần Tài liệu tham khảo cần nêu được các đơn vị tài liệu đã tìm đọc để xây dựng đề cương hay để viết báo cáo nghiên cứu về đề tài đã cho (thông tin về đơn vị tài liệu tham khảo và cách sắp xếp thứ tự tài liệu tham khảo phải được thực hiện theo đúng quy chuẩn).

Bài tập 2 trang 28 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Việc vận dụng các thể thơ dân tộc trên sân khấu chèo hoặc tuồng (thể hiện qua một trích đoạn đã học hoặc đã đọc). Bạn cần phải chuẩn bị những gì và trả lời những câu hỏi cơ bản nào khi thực hiện đề tài nói trên?

Trả lời:

Việc vận dụng các thể thơ dân tộc trên sân khấu chèo hoặc tuồng (thể hiện

qua một trích đoạn đã học hoặc đã đọc).

Để thực hiện đề tài nói trên, những việc cần chuẩn bị có thể là:

- Ôn lại kiến thức về một số thể thơ dân tộc đã học.

- Đọc kĩ văn bản đã chọn để khảo sát về vấn đề.

- Tìm đọc các tài liệu có liên quan về vấn đề.

Những câu hỏi cơ bản cần trả lời có thể là:

- Thể thơ nào đã được sử dụng?

- Số lượng các dòng biểu hiện lời thoại có sử dụng từng thể thơ đó là bao nhiêu? Tương quan tỉ lệ giữa chúng như thế nào?

- Việc tuân thủ những quy định của thể thơ được thể hiện ra sao? Đâu là những điểm thể hiện sự “phá cách của tác giả? Tác dụng của những điểm “phá cách” đó là gì?

- Qua việc tác giả vận dụng các thể thơ dân tộc, có thể nói gì về mối quan hệ giữa các loại hình nghệ thuật?

Nói và Nghe trang 28

Bài tập 1 trang 28 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Nêu những gì bạn phải chuẩn bị để nghe và phản hồi bản thuyết trình về kết quả nghiên cứu theo đề tài được nêu trong bài tập 1 ở phần Viết.

Trả lời:

Những điều có thể phải chuẩn bị để nghe và phản hồi bản thuyết trình về kết quả nghiên cứu theo đề tài được nêu trong bài tập 1 của phần Viết:

- Ôn lại những kiến thức đã học về cấu trúc của một bài báo cáo kết quả nghiên cứu (thuyết trình về kết quả nghiên cứu) và cách thể hiện bài báo cáo (thuyết trình) đó.

- Đọc kĩ lớp chèo Xuý Vân giả đại và các tài liệu nghiên cứu liên quan đến vấn đề lời thoại trong kịch bản chèo.

- Hình thành những nhận định khái quát về tính cách và hành động của Xuý Vân.

- Đánh dấu (chép vào giấy hoặc ghi nhớ trong đầu) những lời thoại của Xuý Vân mà theo bạn cần đặc biệt chú ý.

- Hình thành trước một số câu hỏi có thể đặt ra cho người báo cáo (thuyết trình): Các luận điểm cốt lõi của bài nghiên cứu là gì? Sự thống nhất giữa chức năng biểu hiện tính cách và biểu hiện hành động của lời thoại trong chèo đã được bạn chú ý như thế nào? Bạn đã quan tâm lí giải nguyên nhân tạo nên các đặc điểm của lời thoại trong chèo như thế nào?...

Bài tập 2 trang 28 SBT Ngữ văn lớp 10 Tập 1: Lập một phiếu đánh giá với các tiêu chí và nội dung cụ thể để đánh giá bản thuyết trình về kết quả nghiên cứu theo đề tài được nêu trong bàic tập 2 ở phần Viết.

Trả lời:

Phiếu đánh giá bản thuyết trình về kết quả nghiên cứu theo đề tài được nêu trong bài tập 2 của phần Viết cần có các tiêu chí và nội dung cụ thể như sau:

- Tiêu chí: nội dung thuyết trình, cách thuyết trình, sự tương tác (dựa vào bảng trong SGK Ngữ văn 10, tập một, tr. 150).

- Nội dung cụ thể của từng tiêu chí:

Tiêu chí 1:

+ Bám sát vấn đề nghiên cứu chứa đựng trong đề tài (Việc vận dụng các thể thơ dân tộc trên sân khấu chèo hoặc tuồng).

+ Nói được cách thức thực hiện báo cáo nghiên cứu.

+ Chọn được đoạn trích chèo hoặc tuồng phù hợp mà ở đó tác giả kịch bản có sử dụng các thể thơ dân tộc.

+ Nêu được các luận điểm rõ ràng kèm theo những bằng chứng xác đáng.

+ Bài thuyết trình có đủ các phần: Mở đầu, Triển khai, Kết luận.

Tiêu chí 2, 3: Nội dung cụ thể nên viết theo gợi ý trong SGK Ngữ văn 10, tập một

(tr. 150).

- Hình thức của phiếu đánh giá có thể được trình bày tuỳ ý, miễn sao thể hiện rõ ràng các tiêu chí và nội dung cụ thể đã được nêu trên cùng với thang đo (có thể theo hệ thống đạt, chưa đạt hoặc tốt, khá, trung bình).

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 4: Sức sống của sử thi

Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian

Bài 6: Nguyễn Trãi – Dành còn để trợ dân này

Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện

Bài 8: Thế giới đa dạng của thông tin

Đánh giá

0

0 đánh giá