Sách bài tập Ngữ Văn 10 Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện | Kết nối tri thức

3.9 K

Tailieumoi sưu tầm và biên soạn giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện

Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 7, 8, 9, 10, 11, 12

Bài tập 1 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Người cầm quyền khôi phục uy quyền trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 39 - 40), đoạn từ “Từ ngày ông Ma-đơ-len gỡ cho Phăng-tin” đến “đến tận xương tuỷ của chị” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích mối quan hệ giữa các nhân vật trong đoạn trích.

Trả lời:

Đoạn trích Người cầm quyền khôi phục uy quyền trong SGK có các nhân vật: Giăng Van-giăng, Gia-ve, Phăng-tin. Ngoài ra, còn có bà xơ Xem-pơ-lít - người chứng kiến mọi chuyện xảy ra trong những giây phút lâm chung của Phăng-tin.

Mối quan hệ giữa các nhân vật này được thể hiện như sau:

- Giăng Van-giăng với Gia-ve: Trước đoạn trích này, Giăng Van-giăng (mang tên Ma-đơ-len) là thị trưởng thành phố, còn Gia-ve chỉ là một viên thanh tra. Trong đoạn trích, không còn ông thị trưởng Ma-đơ-len nữa, mà chỉ là Giăng Van-giăng - người tù khổ sai bỏ trốn, bấy lâu bị truy nã, giờ đây sắp bị Gia-ve bắt để tống vào nhà giam.

- Giăng Van-giăng với Phăng-tin: Phăng-tin từng là công nhân trong nhà máy của ông Ma-đơ-len (Giăng Van-giăng), nhưng đã bị đuổi việc, rơi vào hoàn cảnh hết sức bi đát. Phăng-tin chết, Giăng Van-giăng cảm thấy có bổn phận lương tâm với người đàn bà bất hạnh này.

- Phăng-tin với Gia-ve: Phăng-tin từng bị Gia-ve bắt vào tù. Lần gặp lại này, Phăng-tin vô cùng sợ hãi. Việc Phăng-tin bị ngã đập đầu vào thành giường rồi qua đời có căn nguyên từ thái độ của Gia-ve.

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong đoạn trích, những đặc điểm nào của nhân vật Gia-ve (Javert) được tập trung khắc hoạ? Qua đó, bạn có ấn tượng gì về con người Gia-ve?

Trả lời:

Trong đoạn trích, nhân vật Gia-ve được khắc hoạ khá đậm nét từ bộ mặt, giọng nói, cái nhìn đến hành động. Dù vậy, Gia-ve cũng run sợ trước hành động quyết liệt, dứt khoát của Giăng Van-giăng. Nhân vật Gia-ve là một con người không có nhân tính, thể hiện quyền lực của một kẻ lạnh lùng, vô tình, tàn nhẫn.

Câu 3 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích phản ứng của Phăng-tin (Fantine) trước sự xuất hiện của Gia-ve.

Trả lời:

Sự xuất hiện của Gia-ve khiến Phăng-tin cảm thấy như gặp ác mộng. Cơn xúc động và sợ hãi lên đến tột cùng khi Phăng-tin chứng kiến cảnh Gia-ve thể hiện quyền uy trước ông thị trưởng bằng những hành động rất hung hăng, còn ông thị trưởng thì cúi đầu cam chịu. Cái chết của Phăng-tin như là một kết cục tất yếu của sự giáp mặt giữa chị với Gia-ve.

Câu 4 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những yếu tố nào trong lời người kể chuyện tác động đến thái độ của người đọc đối với nhân vật Gia-ve?

Trả lời:

Trong lời kể, người kể chuyện thể hiện thái độ ác cảm rất rõ với Gia-ve qua cách xưng hô, từ ngữ được dùng để miêu tả, sự hoà nhập điểm nhìn của người kể chuyện với điểm nhìn của Phăng-tin khiến cho Gia-ve hiện ra như một hung thần, một ác quỷ. Điều này sẽ góp phần chỉ phối thái độ của người đọc đối với nhân vật Gia-ve.

Câu 5 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: “Tôi biết là anh muốn gì rồi”- đó là câu Giăng Van-giăng (Jean Valjean) nói với Gia-ve trong cuộc chạm trán hắn lần này. Vậy, Gia-ve muốn điều gì ở Giăng Van-giăng? Những chi tiết nào trong đoạn trích cho thấy Gia-ve đang ráo riết thực hiện điều hắn muốn?

Trả lời:

Trong đoạn trích, ta biết Giăng Van-giăng đã nằm trong tay Gia-ve sau bao nhiêu năm trốn truy nã. Giăng Van-giăng biết rõ rằng, Gia-ve đang nóng lòng bắt ông. Lời cầu khẩn của Giăng Van-giăng liên quan đến việc tìm con cho Phăng-tin bị Gia-ve bác bỏ, giễu cợt. Như vậy, Gia-ve đang ráo riết thực hiện việc bắt Giăng Van-giăng để tống vào nhà tù.

Câu 6 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: “Giăng Van-giăng - từ giờ chúng ta cứ cái tên này mà gọi - đứng dậy”. Trong câu trên, thành phần được đặt giữa hai dấu gạch ngang của câu là thành phần gì? Hãy nêu tác dụng của thành phần đó.

Trả lời:

Trong câu “Giăng Van-giăng - từ giờ chúng ta cứ cái tên này mà gọi - đứng dậy”, thành phần được đặt giữa hai dấu gạch ngang là thành phần chêm xen. Thành phần này xác nhận một thực tế: ông Ma-đơ-len - thị trưởng của thành phố Mông-tơ-rơi - thực chất là Giăng Van-giăng, một người tù khổ sai.

Bài tập 2 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Người cầm quyền khôi phục uy quyền trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 42 - 43), đoạn từ “Giăng Van-giăng tì khuỷu tay lên trụ đầu giường” đến “muốn làm gì thì làm” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích cách ứng xử của Giăng Van-giăng đối với Phăng-tin.

Trả lời:

Có mặt tại bệnh xá nơi Phăng-tin được cứu chữa, Giăng Van-giăng hết lòng cưu mang Phăng-tin. Ông trấn an Phăng-tin vì sự có mặt của Gia-ve, hạ mình xin Gia-ve cho đi tìm con của Phăng-tin. Khi Phăng-tin chết vì hoảng loạn, Giăng Van-giăng trấn áp Gia-ve để thực hiện nghĩa vụ lương tâm đối với Phăng-tin. Ông đã thì thầm bên tai Phăng-tin những lời cuối cùng để người chết thanh thản ra đi.

Câu 2 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong đoạn trích này, bà xơ Xem-pơ-lít (Simplice) có vai trò gì?

Trả lời:

Trong đoạn trích này, bà xơ Xem-pơ-lít chỉ là nhân vật phụ nhưng trở nên rất quan trọng: là người duy nhất chứng kiến cảnh Giăng Van-giăng “ghé vào tai Phăng-tin thì thầm” và chính bà cũng là người duy nhất đã “trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt đờ đẫn, ngạc nhiên của chị” Chỉ qua lời của bà xơ - một người đã hi sinh cả đời mình cho Chúa, người không bao giờ biết dối trá - thì điều lạ lùng như thế mới trở nên đáng tin.

Câu 3 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, trong đoạn trích, những chi tiết nào có vẻ rất lạ lùng? Phân tích ý nghĩa của các chi tiết đó.

Trả lời:

Đọc đoạn trích, hãy chú ý chi tiết: khi Giăng Van-giăng ghé vào tai Phăng-tin thì thầm những lời gì đó, “một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt đờ đẫn, ngạc nhiên” của người đã chết. Đây thực sự là một chi tiết lạ lùng, khó xảy ra trong đời thực. Có lẽ đây cũng là biểu hiện của cảm hứng lãng mạn - yếu tố xuyên suốt tiểu thuyết Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô.

Câu 4 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đoạn trích xuất hiện một số câu hỏi trong lời người kể chuyện. Những câu hỏi đó giúp bạn hiểu gì về vai trò của người kể chuyện?

Trả lời:

Ở đoạn trích, có một số câu hỏi trong lời kể chuyện: “Ông nói gì? Con người khổ sở ấy có thể nói gì với người đã chết? Những lời ấy là lời gì vậy? [...] Kẻ đã chết có nghe thấy không?”. Những điều Giăng Van-giăng thì thầm bên tai Phăng-tin dĩ nhiên không ai nghe thấy, kể cả người kể chuyện ngôi thứ ba vốn là người thường biết hết mọi chuyện. Việc hạn chế quyền năng của người kể chuyện ngôi thứ ba khiến cho những điều Giăng Van-giăng nói với người đã chết mãi mãi là điều bí mật và nụ cười của Phăng-tin gợi nhiều ý nghĩa.

Câu 5 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: “Giờ anh muốn làm gì thì làm” - đó là câu Giăng Van-giăng nói với Gia-ve sau khi ông đã hoàn tất những gì cần làm với Phăng-tin. Phân tích ý nghĩa của câu nói đó.

Trả lời:

“Giờ anh muốn làm gì thì làm” là câu nói thể hiện thái độ chủ động chấp nhận của Giăng Van-giăng trước những gì kinh khủng đang chờ đợi ông. Ông không hề sợ hãi trước uy lực của Gia-ve cũng như cảnh tù đày sắp phải nếm trải. Giăng Van-giăng đang là người thực sự có uy quyền chứ không phải Gia-ve.

Câu 6 trang 7 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích tác dụng của biện pháp chêm xen trong câu sau:

“Điều không ai nghi ngờ là bà xơ Xem-pơ-lít, người độc nhất chứng kiến cảnh ấy, thường kể lại rằng lúc Giăng Van-giăng ghé vào tai Phăng-tin thì thầm như thế, thì bà trông thấy rõ ràng một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt đờ đẫn, ngạc nhiên của chị”

Trả lời:

Trong câu này, cụm từ “người độc nhất chứng kiến cảnh ấy” là thành phần chêm xen. Thành phần này làm rõ vai trò của bà xơ Xem-pơ-lít trong việc nắm giữ những thông tin cuối cùng về Phăng-tin, điều không ai có thể biết được.

Bài tập 3 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Dưới bóng hoàng lan trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 47 - 48), đoạn từ “Tất cả những ngày thuở nhỏ trở lại” đến “Thanh không nhớ được” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đoạn trích, chúng ta đang nghe lời kể của ai? Hãy tóm lược những điều được kể lại trong đoạn trích.

Trả lời:

Qua lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba, ta được biết những điều đang diễn ra: Thanh đi làm trên tỉnh, tranh thủ về thăm bà, gặp lại những đồ vật thân thuộc với cảm giác thư thái, dễ chịu; sự âu yếm, dịu dàng của bà và tình thương mến, ấm áp của cháu; Thanh nhớ về những gì từng gắn bó thân thương, loáng thoáng nghe và đoán có ai đang “làm bếp” cùng bà.

Câu 2 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chỉ ra các câu văn miêu tả những điều Thanh cảm thấy, những điều Thanh tự hỏi lòng mình. Ai là người có khả năng biết được những gì diễn ra trong nội tâm sâu kín của nhân vật như vậy? Điều đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Những điều Thanh cảm thấy và tự hỏi lòng mình, thể hiện qua một số câu: “Thanh vắng nhà đã gần hai năm nay, vậy mà chàng có cảm giác như vẫn ở nhà tự bao giờ”;“Lần nào trở về với bà chàng, Thanh cũng thấy bình yên và thong thả như thế”;“Thanh bỗng thấy mệt mỏi”;“Thanh nhắm mắt ngửi hương thơm và nhớ đến cái cây ấy chàng thường hay chơi dưới gốc nhặt hoa”; “Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa tắm ở suối”;... Chỉ có người kể chuyện ngôi thứ ba mới có thể tường tận tất cả diễn biến trong tâm trạng sâu kín của Thanh.

Câu 3 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Chi tiết nào giúp người đọc suy đoán rằng, sẽ có nhân vật khác xuất hiện trong phần tiếp theo của truyện? Theo dự đoán của bạn, nhân vật đó có liên quan đến diễn biến tiếp theo của câu chuyện không? Vì sao?

Trả lời:

Khi Thanh nằm nghỉ, bỗng nghe loáng thoáng tiếng quen thuộc của một người khác đang làm cơm cùng bà. Nhan đề Dưới bóng hoàng lan dễ khiến người đọc nghĩ tới một câu chuyện tình cảm đôi lứa nhẹ nhàng. Nhân vật xuất hiện ở đầu truyện là một chàng trai thì người có tiếng “quen quá” kia hẳn phải là một cô gái, nhất là gắn với việc “làm bếp” cùng bà.

Câu 4 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những yếu tố nào cho thấy ở đoạn trích này, đời sống tình cảm của nhân vật được tác giả đặc biệt chú ý miêu tả?

Trả lời:

Đời sống tình cảm của nhân vật được nhà văn chú ý miêu tả qua một số yếu tố: cảm xúc của Thanh khi trở về, nhìn lại căn nhà, khu vườn thân quen; sự chăm sóc của bà dành cho Thanh và những tình cảm của Thanh đối với bà; những lời đối thoại thân tình, trìu mến giữa hai bà cháu; hồi ức đẹp đẽ của Thanh về những ngày sống với bà ở căn nhà, khu vườn thân thuộc này.

Câu 5 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bạn có nhận xét gì về giọng văn của đoạn trích? Cơ sở nào giúp bạn rút ra những nhận xét như vậy?

Trả lời:

Giọng văn của đoạn trích nhẹ nhàng, trầm ấm, đầy chất trữ tình, được tạo nên bởi các yếu tố: cảm xúc nâng niu, thương mến đối với sự vật được miêu tả; từ ngữ miêu tả có tính chất thanh nhẹ, tạo cảm giác thân quen, gần gũi; tiết tấu các câu văn chậm rãi, nhịp nhàng, êm dịu,...

Bài tập 4 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Dưới bóng hoàng lan trong SGK Ngữ văn 10, tập hai (tr. 50 - 51), đoạn từ “Bữa ăn xong” đến “tưởng nhớ mùi hương” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Ở đoạn trích, hình ảnh cây hoàng lan, hoa hoàng lan đóng vai trò như thế nào trong việc thể hiện mối quan hệ giữa hai nhân vật Thanh và Nga?

Trả lời:

Ở đoạn trích này, cây hoàng lan xuất hiện nhiều chỗ, đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện mối quan hệ tình cảm giữa hai nhân vật Thanh và Nga: chứng kiến Thanh và Nga bên nhau từ thuở ấu thơ; kết nối tình cảm giữa đôi trai gái; giúp nhân vật bộc lộ tình cảm của mình;...

Câu 2 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: “Bà cụ nhìn cô, âu yếm:

- Hoa hãy còn non lắm, sao hái sớm thế, con?

Nga thưa:

- “Anh con hái đấy ạ” và nàng nhìn Thanh mỉm cười”

Bạn cảm nhận như thế nào về ý nghĩa của những lời đối thoại trên của hai nhân vật?

Trả lời:

Khi bà của Thanh hỏi về chuyện hoa hãy còn non sao lại hái sớm, Nga đã trả lời bà bằng một câu mang hàm ý kín đáo: “Anh con hái đấy ạ” kèm theo cái nhìn hướng vào Thanh và nụ cười đầy ý nhị. Chú ý việc đặt lời của Nga trong ngoặc kép, những từ ngữ có tính ẩn dụ như hoa non, hái,... Câu trả lời của Nga đã hé lộ tình cảm mới chớm nở e ấp giữa nàng và Thanh.

Câu 3 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích cách thể hiện tình cảm của Thanh và Nga trong đoạn trích.

Trả lời:

Thanh và Nga, lòng đã hướng về nhau, bộc lộ tình cảm của mình bằng nhiều cách: bằng sự cảm nhận (“Có lúc gần nhau, Thanh thấy mái tóc Nga thoang thoảng thơm như có giắt hoàng lan”; “Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải”...); bằng lời nói (“Những ngày em đến đây hái hoa, em nhớ anh quá....); bằng cử chỉ (“Thanh dắt nàng đi xem vườn”; “chàng vít một cành lan xuống giữ ở trong tay để Nga tìm hoa';...).

Câu 4 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Bạn hiểu như thế nào về ý nghĩa của câu “Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải”?

Trả lời:

“Có cái gì dịu ngọt chăng tơ ở đâu đây, khiến chàng vương phải” là câu văn miêu tả trạng thái tình cảm của Thanh. Đó là một trạng thái mơ hồ, không rõ hình rõ nét, nhân vật cũng chưa thể ý thức đầy đủ. Nó vấn vương, thoang thoảng như mùi hương, dịu dàng nhưng ngọt ngào, trở nên ám ảnh trong tâm hồn nhân vật.

Câu 5 trang 8 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong những câu sau đây, người kể chuyện đã thể hiện khả năng thấu tỏ như thế nào về nhân vật?

“Rồi chàng bước ra đi nửa buồn mà lại nửa vui. Thanh nghĩ đến căn nhà như một nơi mát mẻ và sung sướng để chàng thường về nghỉ sau việc làm. Và Thanh biết rằng Nga sẽ vẫn đợi chàng, vẫn nhớ mong chàng như ngày trước. Mỗi mùa cô lại giắt hoàng lan trong mái tóc để tưởng nhớ mùi hương”

Trả lời:

Những câu văn này tập trung miêu tả tâm trạng của nhân vật Thanh. Thường, những gì diễn ra trong nội tâm của con người, người ngoài không thể biết được. Nhưng ở lời kể của người kể chuyện ngôi thứ ba, những vui buồn, nhớ mong,... của nhân vật vẫn được nói ra tường tận. Đó chính là biểu hiện “quyền năng” có vẻ như không giới hạn của người kể chuyện ngôi thứ ba.

Bài tập 5 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ trong SGK Ngữ văn 10, tập hai, (tr. 53 - 54), đoạn từ “Ta trượt đi cô!” đến “lao dốc lần nữa đi” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Vì sao Na-đi-a chấp nhận cùng “tôi” ngồi xe trượt tuyết lao dốc lần thứ nhất? Na-đi-a đã phản ứng như thế nào sau khi trải qua cảm giác đáng sợ khủng khiếp ở lần trượt tuyết đầu tiên?

Trả lời:

Việc Na-đi-a chấp nhận trượt tuyết lao dốc cùng nhân vật “tôi” lần đầu tiên là do “tôi” cố nài nỉ, rồi tôi lại nói khích, chạm lòng tự ái của nàng. Nhưng nét mặt tái nhợt “sợ tưởng chết đi được”, “thở không ra hơi” cam đoan là có “các vàng tôi cũng không trượt lần nữa đâu” đã thể hiện rõ những phản ứng của Na-đi-a trước lần trượt tuyết đầu tiên.

Câu 2 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong đoạn trích có nhiều câu thể hiện tâm trạng của Na-đi-a. Theo bạn, người kể chuyện biết chắc chắn hay chỉ suy đoán về tâm trạng được thể hiện qua những câu đó?

Trả lời:

Trong đoạn trích, có một số câu nói về tâm trạng của Na-đi-a: “Na-đi-a sợ tưởng chết đi được? “cặp mắt buồn rầu nôn nóng bồn chồn” “nàng cảm thấy rụt rè kinh sợ, một niềm vui nào đang ngăn trở nàng nói.."; những câu tự hỏi: “Có phải anh nói ra những lời đó không? Có những lời đó hay không? Có hay không?“. “Hình như” là một từ quan trọng, nó cho ta biết tất cả những gì diễn ra trong lòng Na-đi-a đều là suy đoán của “tôi” - người kể chuyện ngôi thứ nhất.

Câu 3 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Khi nói câu “Na-đi-a, anh yêu em! nhân vật “tôi” có biết tính chất hệ trọng của câu đó không? Từ đó, bạn đánh giá như thế nào về nhân vật “tôi”?

Trả lời:

Khi nói câu “Na-đi-a, anh yêu em!” nhân vật “tôi” biết rất rõ tính chất nghiêm trọng của câu nói đó. Ý nghĩ này càng được củng cố khi anh ta quan sát thấy trạng thái day dứt, bồn chồn của Na-đi-a. Giả sử, Na-đi-a vốn đã cảm mến chàng trai này, thì câu nói đó sẽ là sự khởi đầu của một mỗi tình. Thế nhưng, sự thật là nhân vật “tôi” đùa. Anh ta cố tình nói câu đó khi xe vun vút lao dốc, làm cho Na-đi-a nghe không rõ, nửa tin nửa ngờ. Rõ ràng, nhân vật “tôi” đã không thể hiện thái độ nghiêm túc về một vấn đề rất hệ trọng của con người.

Câu 4 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Vì sao Na-đi-a đã bất chấp cả sợ hãi để đề nghị nhân vật “tôi” tiếp tục lao dốc? Hành động đó thể hiện điều gì ở con người Na-đi-a?

Trả lời:

Mặc dù vô cùng sợ hãi, nhưng Na-đi-a vẫn đề nghị tiếp tục lao dốc, chính vì nàng đã nghe loáng thoáng câu “Na-đi-a, anh yêu em!” trong khi xe đang lao vun vút. Nàng phải xác nhận có phải chàng trai ngồi cùng xe đã nói câu đó không. Điều này cho thấy, Na-đi-a nghiêm túc trong tình yêu, có ý thức về danh dự của mình và tôn trọng người khác.

Câu 5 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Ở vị trí là một phần của tác phẩm truyện, đoạn trích có những đặc điểm nổi bật nào?

Trả lời:

Đoạn trích có một số đặc điểm nổi bật: chuyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi”- ngôi thứ nhất, người tham gia vào diễn biến của câu chuyện; lời kể vừa có tính hạn tri (biết hạn chế), vừa có màu sắc của kiểu lời kể toàn tri (biết tất cả); câu chuyện có những tình tiết bất ngờ nhưng hợp lí; cảm giác của con người ở ngưỡng cuối cùng của khả năng chịu đựng, đặc biệt, những mâu thuẫn bên trong của nhân vật được miêu tả sinh động, tinh tế, gây ấn tượng mạnh.

Bài tập 6 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ trong SGK Ngữ văn 10, tập hai, (tr. 55 - 56), đoạn từ “Từ hôm đó, ngày nào tôi và Na-đi-a” đến “không còn khả năng hiểu nữa.” và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Ngày nào cũng trượt tuyết lao dốc cùng Na-đi-a, và mỗi lần lao xe từ trên đổi xuống, nhân vật “tôi” lại thì thào nhắc câu “Na-đi-a, anh yêu em! Bạn nghĩ gì về hành động đó của nhân vật “tôi”?

Trả lời:

Ban đầu, câu nói của “tôi” có thể xuất phát từ một cảm xúc mơ hồ nào đó, nhưng những lần tiếp theo, sự bông đùa đã trở nên rõ ràng. Thậm chí, nhân vật “tôi” còn đùa dai, dù thấy những băn khoăn, day dứt, khổ sở của người con gái. Có thể anh ta nghĩ câu nói của mình không gây tai hại gì cho Na-đi-a. Tuy nhiên, từ câu chuyện này, ta có thể rút ra một điều: không nên bông đùa với tình yêu.

Câu 2 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Trong suy đoán của nhân vật “tôi Na-đi-a đã có trạng thái tâm lí như thế nào khi thường xuyên nghe câu “Na-đi-a, anh yêu em!” lúc xe lao dốc, dù không biết đó là tiếng của người con trai cùng ngồi xe trượt tuyết với mình hay là tiếng gió?

Trả lời:

Lần lao dốc nào cũng nghe loáng thoáng lời tỏ tình khiến Na-đi-a có tâm trạng rất đặc biệt. Người kể chuyện cho rằng, việc nghe những lời yêu đương ngọt ngào đã trở thành một nhu cầu của nàng, vì thế, nàng chỉ cần được nghe lời thổ lộ tình yêu như thế là đủ, việc xác định người con trai hay gió đã nói câu đó không quan trọng. Đây chỉ là suy nghĩ chủ quan của người kể chuyện, có thể không hẳn đúng với những gì đang diễn ra trong tâm trạng Na-đi-a.

Câu 3 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, Na-đi-a đã thật sự có tình cảm với nhân vật “tôi” hay chỉ muốn xác định có phải “tôi” là người đã nói câu mà nàng thường xuyên được nghe khi xe lao dốc? Dựa vào đâu mà bạn khẳng định như vậy?

Trả lời:

Đoạn trích này (cũng như trong toàn bộ tác phẩm) không có câu nào miêu tả tình cảm giữa Na-đi-a với nhân vật “tôi” ngoài lời tỏ tình đùa cợt của “tôi” và thái độ, tâm trạng của Na-đi-a. Tuy nhiên, việc Na-đi-a nhiều lần vượt qua nỗi sợ hãi để trượt tuyết có thể còn bởi người ấy đã tạo cho cô một mối cảm tình, dù chưa thật rõ ràng, sâu sắc.

Câu 4 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nhân vật “tôi” đã nghĩ như thế nào về việc Na-đi-a quyết định trượt tuyết một mình? Vì sao “tôi” phải dùng cụm từ “chắc là” khi diễn đạt những điều mình phân tích chứ không khẳng định dứt khoát?

Trả lời:

Đối với Na-đi-a, trượt tuyết một thử thách quá sức. Nhưng một lần, nàng đã quyết trượt tuyết một mình, dù vẫn vô cùng sợ hãi. Nhân vật “tôi” cho rằng: chắc là nàng muốn thử xem có còn nghe thấy cái câu từng nhiều lần nghe loáng thoáng khi trượt tuyết cùng một người con trai. Cụm từ “chắc là” được dùng rất phù hợp, vì người kể chuyện xưng “tôi” dù sao cũng là người quan sát, chứ không phải chính Na-đi-a.

Câu 5 trang 9 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tâm trạng của Na-đi-a trong lần trượt tuyết một mình được miêu tả qua điểm nhìn nào?

Trả lời:

Tâm trạng của Na-đi-a khi trượt tuyết một mình chỉ có nàng biết. Nhưng nhân vật “tôi” đoán rằng “chính nàng cũng không biết nàng có nghe được những lời đó hay không” Người kể chuyện ngôi thứ nhất (hạn tri) lại thấu suốt mọi biểu hiện phức tạp của tâm trạng Na-đi-a. Điểm nhìn bên ngoài (từ người kể) đã chuyển dịch vào điểm nhìn bên trong (từ chính Na-đi-a) là một nét đặc sắc của nghệ thuật kể chuyện.

Bài tập 7 trang 10, 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Ngước mái đầu hói, riêm tóc lơ thơ đã bạc hết, ông Bằng chắp hai tay trước ngực. Khói hương và khung cảnh trầm tĩnh đưa hiện tại về quá khứ. Thoáng cái, ông Bằng như quên hết xung quanh và bản thể. Dâng lên trong ông cái cảm xúc thiêng liêng rất đỗi quen thân và tâm trí ông bỗng mờ nhoà, phiêu diêu lãng đãng gần xa, ẩn hiện tầng tầng lớp lớp những ảnh hình khi tỏ khi mờ, chập chờn như trong chiêm bao.

Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn văng vẳng nghe đâu đây lời giáo huấn của ông cha, tiên tổ. Con vẫn đinh ninh ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của gia tộc, ông bà, cha mẹ, tổ tiên, con như thấy từ trong tâm linh, huyết mạch sự sinh sôi nảy nở, phúc thọ an khang của cháu con đời đời nối tiếp trong cộng đồng dân tộc yêu thương. Và em, cùng con trai cả của ba mẹ. Em cùng con đã mất và vẫn hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng, dắt dìu tôi cùng các cháu, các con, các em,...

Trong giây lát, nhập vào dòng xúc động tri ân tiên tổ và những người đã khuất, ông Bằng lâng lâng trong những hoài niệm hư ảo, thoát trân. Nhưng ông chỉ ở trong dòng tình cảm trôi lững lờ đó trong giây phút. Quá khứ không cắt rời với hiện tại. Tổ tiên không tách rời với con cháu. Tất cả liên kết một mạch bên chặt thuỷ chung. Bởi vậy, ông lại trở về với những ngày đang sống, với những người đang sống. Mắt ông bỗng cay sè. Lòng ông bồn ngộn. Và ông vội cúi xuống, bật trên môi những lời cầu khấn thành kính và run rẩy:

- Hôm nay ngày ba mươi tháng Chạp năm Bính Tuất, buổi tất niên, con cùng các nam tử, nữ tử, tôn tử,...

Rõi theo lời cha, Luận bỗng bấm tay Đông. Mặt Luận biến sắc. Rõ ràng là khi kể tên các con trai, ông cụ đã gạt tên thằng Cừ. Lý ngọ nguậy không yên, lát sau, ghé tai chị Hoài, hí hửng: “Chị ơi, em biết khấn đúng bài kinh nhà Phật cơ:

Mắt chị Hoài đăm đắm ngước lên bàn thờ. Và khi ông Bằng vừa buông tay chắp, rút mùi soa lau mắt, lui ra, chị liền thế chân ông cụ, hai tay nâng lên trước ngực.

(Theo Ma Văn Kháng, Mùa lá rụng trong vườn, NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1987, tr. 68 - 69)

Câu 1 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: “Dâng lên trong ông cái cảm xúc thiêng liêng rất đỗi quen thân và tâm trí ông bỗng mờ nhoà, phiêu diêu lãng đãng gần xa, ẩn hiện tầng tầng lớp lớp những ảnh hình khi tỏ khi mờ, chập chờn như trong chiêm bao. Thưa thầy mẹ đã cách trở ngàn trùng mà vẫn hằng sống cùng con cháu. Con vẫn văng vẳng nghe đâu đây lời giáo huấn của ông cha, tiên tổ”.

Ba câu trên liền nhau nhưng lại có sự thay đổi đột ngột về điểm nhìn trần thuật. Sự thay đổi thể hiện như thế nào? Nêu tác dụng của việc thay đổi đó.

Trả lời:

Đọc liền mạch, dễ nhận thấy ba câu này không phải do một người nói ra. Câu trước là lời người kể chuyện. Hai câu sau là lời của ông Bằng. Đây là dấu hiệu cho thấy điểm nhìn của người kể chuyện ngôi thứ ba đã hoà nhập vào điểm nhìn của nhân vật, tạo nên sự đồng điệu về tình cảm, cảm xúc, và do vậy, mạch kể cũng trở nên linh hoạt hơn.

Câu 2 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Cúng gia tiên là một sinh hoạt văn hoá tâm linh trong gia đình người Việt Nam. Tính chất thiêng liêng của hoạt động đó được thể hiện như thế nào ở đoạn trích này?

Trả lời:

Tác giả đã làm nổi bật tính chất trang trọng, thiêng liêng của buổi lễ cúng gia tiên ngày tất niên ở gia đình ông Bằng, thể hiện: “ông Bằng chắp hai tay trước ngực”; “mắt chị Hoài đăm đắm ngước lên bàn thờ”; khi ông Bằng khấn xong, rút khăn mùi soa lau mắt; chị Hoài thế chân ông cụ; lời tâm sự, lời khấn chân thành, xúc động trước bàn thờ cho thấy sợi dây kết nối tinh thần bền chặt, dù âm dương đôi ngả.

Câu 3 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích ý nghĩa những lời tâm sự của ông Bằng trước bàn thờ gia tiên.

Trả lời:

Trước bàn thờ gia tiên, lời khấn của ông Bằng thực chất là những lời tâm sự chân thành. Ông cảm thấy không bao giờ được quên những lời giáo huấn của tổ tiên, công ơn sinh thành, dưỡng dục và những kì vọng của bố mẹ về sự tiếp nối đời đời các thế hệ trong gia tộc trong quan hệ với cộng đồng dân tộc. Ông cũng cảm nhận được rằng, vợ và con trai vẫn như đang có mặt, chia sẻ, nâng đỡ, dìu dắt từng thành viên trong gia đình.

Câu 4 trang 10 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tác giả thể hiện thái độ như thế nào khi miêu tả không khí lễ cúng gia tiên của gia đình ông Bằng? Điều đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Lễ cúng gia tiên của gia đình ông Bằng được thuật lại bằng lời của người kể chuyện ngôi thứ ba, và dĩ nhiên đó không phải là tác giả. Thế nhưng, qua đó, ta vẫn nhận thấy tác giả rất trân trọng những gì thuộc về giá trị tinh thần thiêng liêng, những nét đẹp văn hoá truyền thống của cộng đồng, dân tộc thông qua sinh hoạt gia đình.

Câu 5 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được tác giả sử dụng ở câu: “Em cùng con đã mất và vẫn hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng, dắt dìu tôi cùng các cháu, các con, các em,...”.

Trả lời:

Câu “Em cùng con đã mất và vẫn hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng, dắt dìu tôi cùng các cháu, các con, các em,..” có hai chuỗi liệt kê. Chuỗi thứ nhất: “hằng sống, hằng vui buồn, chia sẻ, đỡ nâng, dắt dìu” cho thấy trong tâm thức của ông Bằng, vợ và con ông vẫn như đang hiển hiện và hết lòng độ trì cho những người thân còn sống; chuỗi thứ hai: “các cháu, các con, các em,…” nói đến các thành viên trong gia đình.

Bài tập 8 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Tôi là Nhâm. Tôi sinh ở làng quê, lớn lên ở làng quê. Đi trên đường Năm nhìn về làng tôi chỉ thấy một vệt xanh nhô trên đồng vàng. Xa mờ là vòng cung Đông Sơn, trông thì gần, nhưng từ làng tôi đến đấy phải năm mười cây số. Làng tôi gần biển, mùa hè vẫn có gió biển thổi về.

Tháng Năm âm lịch là mùa gặt. Mẹ tôi, chị Ngữ, chú Phụng với tôi ra đồng từ mờ sáng. Ba người gặt, còn tôi gánh lúa.

Tôi gánh lúa về nhà, đi men theo đường mương. Nắng gắt lắm, ngoài trời có lẽ phải bốn mươi độ. Bùn non bên vệ mương nứt nẻ, bong cong lên như bánh đa.

Tôi mơ mộng lắm, hay nghĩ. Bố tôi là thiếu tá, cán bộ trung cấp kĩ thuật hải quân, vẫn đi ra các đảo lắp ra-đa với máy thông tin, mỗi năm về phép một lần. Bố tôi thuộc hết tên các đảo. Mẹ tôi chẳng bao giờ đi xa khỏi làng. Mẹ tôi bảo: “Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người” Chú Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: “Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái” Nhà chú Phụng toàn phụ nữ: mẹ vợ, vợ, bốn đứa con gái. Chú Phụng đùa: “Chú đẹp giai nhất nhà”

(Nguyễn Huy Thiệp, Như những ngọn gió, NXB Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 423 - 424)

Câu 1 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Phân tích điểm nhìn được thể hiện trong đoạn trích trên.

Trả lời:

Điểm nhìn được thể hiện trong đoạn trích là điểm nhìn từ người kể chuyện ngôi thứ nhất, nhân vật xưng “tôi” Nhân vật này tham gia vào câu chuyện, có quan hệ với các nhân vật khác được nói tới. Hình ảnh làng quê, không khí lao động, đặc điểm của các nhân vật, kể cả tính cách của bản thân đều hiện ra qua cái nhìn của người kể chuyện xưng “tôi”.

Câu 2 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Những dấu hiệu nào giúp bạn phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật?

Trả lời:

Trong đoạn trích, lời nhân vật và lời kể liền mạch với nhau. Tuy nhiên, lời nhân vật chỉ xuất hiện sau từng lời dẫn thoại và được để trong ngoặc kép. Như vậy, các câu được đặt trong ngoặc kép là lời nhân vật, còn lại là lời người kể chuyện.

Câu 3 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Lời của người kể chuyện trong đoạn trích đã cung cấp cho người đọc những thông tin gì?

Trả lời:

Ở đoạn trích này, lời của người kể chuyện cung cấp cho người đọc những thông tin: tên tuổi, xuất thân của chính người kể chuyện; vị trí của làng; thời gian diễn ra các sự kiện; một nét tính cách của “tôi” - người kể chuyện; nghề nghiệp và địa bàn làm việc của bố; một đặc điểm của mẹ. Những thông tin này giúp hình dung cụ thể hơn về các nhân vật và không khí lao động, sinh hoạt ở làng quê.

Câu 4 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đoạn trích này là một phần trong truyện ngắn Thương nhớ đồng quê của Nguyễn Huy Thiệp. Theo bạn, những chi tiết nào ở đoạn trích có mối liên hệ với nhan đề của truyện?

Trả lời:

Trong đoạn trích, có một số chi tiết liên quan đến nhan đề của truyện (Thương nhớ đồng quê), chẳng hạn, tôi và một số thành viên trong gia đình gắn bó với đồng quê; việc gặt lúa cũng như bao công việc nhà nông ở thời điểm khác diễn ra trên cánh đồng quê,... Như vậy, hình ảnh đồng quê hiện lên khá đậm, thể hiện một cảm xúc bình dị mà sâu sắc.

Câu 5 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: “Mẹ tôi bảo: “Ở đâu chẳng thế, chỗ nào cũng toàn là người” Chú Phụng thì khác, chú Phụng đã đi nhiều nơi, chú Phụng bảo tôi khi chỉ có hai chú cháu với nhau: “Trong thiên hạ không phải chỉ có người đâu, có các thánh nhân, có yêu quái”.

So sánh quan niệm của “mẹ tôi” và “chú Phụng” qua lời nói của từng nhân vật. Người kể chuyện thể hiện sự tán thành quan điểm của nhân vật nào?

Trả lời:

Nhân vật mẹ trong đoạn trích có cái nhìn chất phác, cả tin của một người chưa bao giờ bước chân khỏi làng. Chú Phụng vốn từng trải, đi đây đi đó, tiếp xúc nhiều nên thấy đời phức tạp hơn: Có lẽ quan niệm của chú Phụng đã được nhân vật người kể chuyện ngầm tán thành, mặc dù thái độ đó không được biểu hiện rõ.

Câu 6 trang 11 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, đoạn trích này nằm ở phần nào của tác phẩm? Dựa vào đâu mà bạn có suy đoán như vậy?

Trả lời:

Cần chú ý, đoạn trích chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức giới thiệu: giới thiệu về vị trí, cảnh quan của làng, giới thiệu về từng nhân vật, đặc biệt là tự giới thiệu về “tôi”- người kể chuyện ngôi thứ nhất. Những nội dung như thế có vẻ không phù hợp với phần giữa hoặc phần kết, mà chỉ có thể là phần đầu của truyện.

Bài tập 9 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc lại văn bản Con khướu sổ lồng trong SGK Ngữ văn 10, tập hai {tr. 70 - 72) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Hãy sơ đồ hoá câu chuyện bằng cách dùng mũi tên đánh dấu sự tiến triển của các sự việc diễn ra trong truyện ngắn Con khướu sổ lồng.

Trả lời:

Có thể sơ đồ hoá diễn biến câu chuyện trong truyện ngắn Con khướu sổ lồng như sau:

Con khướu được chăm sóc rất chu đáo, ở trong một cái lồng tuyệt đẹp ⇒ Một lần, cậu bé sơ ý mở cửa, để khướu vụt bay mất ⇒ Khi cả nhà cứ tưởng sẽ mất con khướu, thì nó trở về và chui vào cái lồng đã mở cửa sẵn ⇒ Lần thứ hai sổ lồng, nó bay đi rồi lại trở về, và khi sắp lao xuống lồng, thì bỗng có con khướu khác từ đâu bay đến cất tiếng hót, khiến nó bay vụt theo, cả hai nương nhau vừa bay vừa hót ⇒ Hôm sau, cậu con trai lại tiếp tục đưa lồng ra, mở cửa đón chim như lần trước, nhưng ông bố (nhân vật “tôi”) khẳng định: “Nó không về nữa đâu”.

Câu 2 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Con khướu đã được “ưu ái” như thế nào? Điều này có liên quan gì đến việc con khướu số lồng bay đi rồi lại trở về?

Trả lời:

Con khướu được nuôi dưỡng rất chu đáo: nơi ở của nó là cái lồng tuyệt đẹp; trong lồng có ba cái lọ sứ Tàu để đựng thức ăn thức uống; quanh lồng có cây cảnh với phong lan, tuy không mưa nắng, nhưng vẫn nhìn thấy khoảng trời mênh mông,... Có lẽ sự “ưu ái”, điều kiện sống “thần tiên” chính là nguyên nhân để con khướu sau khi sổ lồng bay đi vẫn tìm đường trở về.

Câu 3 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Có những cách lí giải nào về nguyên nhân con khướu sổ lồng đã trở lại nơi nó được nuôi dưỡng, chăm sóc? Cách lí giải nào đề cập đến “yếu tố tinh thần” của con khướu, góp phần thể hiện chủ đề của truyện?

Trả lời:

Khi con khướu trở về, mọi người trong nhà vui mừng và bàn cãi nhau về nguyên nhân. Có người bảo căn cứ vào “nhu cầu vật chất” của con khướu (quen với việc được uống nước đường); lại có người chú ý “nhu cầu tinh thần” (nó đã bị giam hãm quá lâu, bây giờ thấy cô đơn, quá nhỏ bé trước bầu trời). Cho rằng việc con khướu trở về do “yếu tố tinh thần” là cách lí giải có ý nghĩa góp phần thể hiện chủ đề của truyện.

Câu 4 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Con khướu trở về rồi lại bay đi và có khả năng sẽ bay đi mất. Điều đó đã được người kể chuyện xưng “tôi” lí giải như thế nào?

Trả lời:

Con khướu đã bay theo tiếng gọi của giống loài, thoát khỏi cảnh bị giam hãm trong lồng để trở lại nguyên vẹn một con chim tự do tung cánh giữa bầu trời bao la.

Câu 5 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tiếng hót của con khướu khi ở trong lồng và khi tung cánh bay lượn giữa không gian bao la khác nhau như thế nào? Điều đó có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Ở trong lồng, tiếng hót của con khướu “vừa vui vừa xao xuyến”. Còn đây là tiếng hót của nó khi bay lượn giữa trời: “Rồi xoè cánh, cánh kề cánh nương nhau bay lượn, vừa bay vừa hót. Tiếng hót của đôi chim rộn rã quấn quýt như tiếng cười tiếng khóc trong giọng rối rít của đôi tình nhân hàng thế kỉ mới tìm gặp nhau, vừa xôn xao vừa vang động cả trời chiều”. Như vậy, sống trong lồng, tiếng hót của con khướu có vẻ cô độc; khi sổ lồng bay đi, tiếng hót của con khướu không còn là tiếng hót cô độc của mình nó nữa, mà là bản hoà ca của đôi chim tự do bay lượn giữa bầu trời mênh mông. Sự khác nhau giữa hai kiểu hót cho thấy, chỉ khi tự do, con khướu mới thực sự là nó, nghĩa là mới thể hiện tất cả những tố chất đặc biệt của nó, qua tiếng hót.

Câu 6 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” nhiều lần bộc lộ ý nghĩ riêng của mình về con khướu. Những ý nghĩ đó giúp người đọc hiểu gì thêm về ý nghĩa của tác phẩm?

Trả lời:

Nhân vật kể chuyện xưng “tôi” vừa hiện diện trong câu chuyện, vừa là người quan sát, bộc lộ những nhận xét từ cách cảm nhận, suy nghĩ, dự đoán riêng của mình. Chẳng hạn: “Tạo hoá cho loài chim đôi cánh là để bay, nhưng trong trời đất này có biết bao nhiêu con chim không được bay”; “Tôi nghĩ mà không nói. Lần này, nó có đôi cánh của tình yêu, đôi cánh tình yêu đã đưa nó về với cảnh thênh thang của đất trời. Và nó là chim - chim thì phải bay. Chim bay…” Mặc dù rất quý con khướu và muốn tận hưởng cảm giác thanh thản mỗi khi nghe nó hót trong lồng, nhưng qua những ý nghĩ đó, dường như nhân vật “tôi” lại thể hiện sự “đồng tình” với việc sổ lồng của con khướu. Thái độ của nhân vật “tôi” có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện chủ đề của truyện.

Câu 7 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Theo bạn, tên truyện có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

Tên truyện gắn rất chặt với sự việc được kể: Có một con khướu được nuôi, nhưng vì sự sơ hở của chủ, đã vụt bay đi. Đó là lớp nghĩa thứ nhất, nghĩa thực. Nhưng ẩn sau đó còn có nghĩa bóng. Con khướu muốn sổ lồng để thoát khỏi sự giam hãm, chật chội, để được tự do, được thể hiện những gì vốn có của mình. Xét ở lớp nghĩa này, tác phẩm không chỉ bó hẹp ở chuyện về một con chim khướu, mà suy rộng ra, đó còn là câu chuyện về nhu cầu tự do của con người.

Viết trang 12

Bài tập 1 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Tìm ý và lập dàn ý cho đề bài: Vai trò của nhân vật Giăng Van-giăng (Người cầm quyền khôi phục uy quyền, trích Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô) trong việc thể hiện chủ đề của đoạn trích.

Trả lời:

Mở bài:

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm “Những người khốn khổ”.

- Đoạn trích “Người cầm quyền khôi phục uy quyền” là đoạn trích tiêu biểu khắc họa hình tượng nhân vật Giăng Van – giăng giàu tình yêu thương và kiên cường, dũng cảm, đấu tranh cho cái thiện.

Thân bài:

a. Cuộc đời, số phận của Giăng Van – giăng

– Giăng Van – giăng gặp nhiều biến cố trong cuộc đời, kém may mắn

– Vì ăn cắp mẩu bánh mì cho cháu đói mà vào tù 19 năm

– Sau khi ra tù bị mọi người xa lánh, nhưng gặp được giám mục Mi-ri-en, tìm thấy tình thương là lẽ sống

– Trở thành thị trưởng và chủ nhà máy nhưng vẫn sống lương thiện, giúp đỡ mọi người

– Ông gặp và giúp đỡ chị Phăng-tin, dưới sự truy đuổi của thanh tra Gia-ve.

→ Giăng Van – giăng có một cuộc đời không may mắn, song trải qua nhiều biến cố vẫn giữ tình yêu thương làm lẽ sống tốt đẹp

- Vai trò của nhân vật Giăng Van-giăng trong việc thể hiện chủ đề. (Chú ý sự đối lập giữa Giăng Van-giăng và Gia-ve, mối quan hệ giữa Giăng Van-giăng với Phăng-tin, nhan để của đoạn trích,...).

b. Phẩm chất tốt đẹp

* Tình yêu thương, tấm lòng lương thiện

– Hành động ăn trộm bánh mì khi xưa cũng xuất phát từ tình yêu thương cháu

– Luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người, giúp đỡ chị Phăng-tin

– Ngay cả khi đứng trước nguy cơ phải trở lại ngục giam, sống cuộc sống tù nhân, ông vẫn quan tâm lo lắng chị Phăng-tin.

– Nhẹ nhàng trấn an chị Phăng-tin, sợ bệnh tình của chị chuyển biến xấu

– Nhún nhường, xin Gia-ve hoãn lại 3 ngày để tìm con gái cho chị chứ không hề lo nghĩ cho tình cảnh của bản thân.

– Khi chị Phăng-tin chết, hôn tay và vuốt mắt cho chị, thì thầm vào tai chị, xót xa, đau đớn.

→ Giăng Van – giăng là người có tấm lòng lương thiện, giàu tình yêu thương, mọi hành động cử chỉ đều đáng ngợi ca, trân trọng

* Kiên cường, dũng cảm, không sợ quyền uy

– Bình tĩnh đón nhận sự thật, lúc đầu nhún nhường vì chị Phăng-tin nhưng sau khi chị Phăng-tin chết, mạnh mẽ chỉ ra Gia-ve là kẻ gián tiếp gây ra cái chết của chị

– Hành động quyết liệt, bẻ thanh sắt và tiến về phía Gia-ve khiến hắn khiếp sợ lùi bước 3

→ Hoàn toàn không sợ hãi uy quyền, sự thay đổi thái độ của Giăng Van – giăng thể hiện tình yêu thương, tôn trọng với người đã khuất đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh của ông trước cái ác

Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị của nhân vật, là kết tinh của lý tưởng nhân đạo và sự thấu hiểu, cảm thông, thể hiện ước mơ và niềm tin về chân lý cái thiện thắng cái ác.

- Nhân vật Giăng Van – giăng đã thể hiện thành công tư tưởng nhân vật.

Bài tập 2 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Cho đề bài: Phân tích phản ứng của Na-đi-a trước câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!” và thái độ của nhân vật “tôi” trước phản ứng của Na-đi-a để làm nổi bật chủ đề truyện ngắn Một chuyện đùa nho nhỏ của An-tôn Sê-khốp.

a. Hãy lập dàn ý cho đề bài trên.

b. Chọn hai ý kế nhau trong dàn ý để viết thành hai đoạn văn.

Trả lời:

a. Trước hết, đọc lại văn bản Một chuyện đùa nho nhỏ để nắm được những phản ứng cụ thể của Na-đi-a trước câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!“ Chú ý: phản ứng của nhân vật thể hiện qua hành động, tâm trạng. Ghi các ý nảy sinh trong quá trình đọc. Sắp xếp các ý tìm được theo trật tự hợp lí để lập dàn ý.

Mở bài: Giới thiệu tác phẩm, nhân vật, vấn đề nghị luận.

Thân bài: Phân tích những phản ứng của Na-đi-a trước câu nói “Na-đi-a, anh yêu em!” để làm nổi bật chủ đề của truyện.

- Bớt sợ sau chuyến trượt dốc lần thứ nhất, Na-đi-a bắt đầu có những băn khoăn vì không biết ai đã nói câu “Na-đi-a, anh yêu em!”

- Khi khoác tay nhân vật “tôi” đi dạo trên đồi tuyết, sự băn khoăn càng tăng lên.

- Na-đi-a cố ý chờ đợi nhân vật “tôi” nói ra câu ấy, khi đi bên nàng. Nàng không muốn tin rằng gió đã nói những lời ấy.

- Mặc dù chưa hết sợ hãi, nhưng Na-đi-a vẫn đề nghị nhân vật “tôi” tiếp tục trượt dốc thêm nhiều lần, thậm chí, nàng đã dám trượt dốc một mình, nhưng vẫn không thể xác định ai đã nói lời tỏ tình đó.

- Sau này, không còn trượt tuyết lao dốc nữa, khi nhân vật “tôi” đến bên hàng rào, đứng từ xa, lợi dụng lúc có làn gió, nói câu “Na-đi-a, anh yêu em! nàng đã đón nhận bằng tâm trạng vui vẻ, gương mặt toát lên vẻ rạng rỡ, xinh đẹp và hạnh phúc.

- Phản ứng của Na-đi-a trước câu nói của nhân vật “tôi” đã góp phần thể hiện chủ đề của truyện: Tình yêu là chuyện thiêng liêng, hệ trọng và là nhu cầu không thể thiếu đối với con người.

Kết bài: Ý nghĩa của vấn đề bàn luận.

b. Chọn hai ý kề nhau để viết thành hai đoạn văn, bạn cần đáp ứng các yêu cầu sau:

- Mỗi đoạn văn phải triển khai đầy đủ ý đã nêu. Đoạn văn có thể được viết theo nhiều lối khác nhau như diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp; tất cả các câu trong đoạn phải đảm bảo đúng ngữ pháp và liên kết với nhau để tạo nên sự mạch lạc.

- Hai đoạn kể nhau trong bài cũng phải có sự liên kết với nhau.

* Đoạn văn mẫu tham khảo:

Câu chuyện được kể bằng ngôi thứ nhất, kể về một câu chuyện đùa nho nhỏ của nhân vật “tôi” với cô nàng Na-đi-a. Nhân vật tôi trong một buổi trưa mùa đông đã rủ Na-đi-a chơi trượt tuyết và khi trượt xuống dốc, anh đã nói đùa “Na-đi-a, anh yêu em”. Na-đi-a băn khoăn không biết ai đã nói câu nói ấy và nàng đã cố gom góp tất cả sự can đảm để trượt tuyết từ trên đỉnh dốc, hết lần này đến lần khác, một việc mà lúc bình thường có các vàng cô cũng chẳng làm, chỉ để được nghe câu: “Na-đi-a, anh yêu em”. Nàng không biết câu nói ấy là gió nói hay nhân vật tôi nói, sự nữ tính đã khiến nàng ngại ngùng không dám hỏi và rồi nàng đắm chìm trong sự ngọt ngào của câu nói ấy, nàng sống mà không thể thiếu nó. Cuối cùng, nàng vẫn không biết ai là người nói và cũng không còn được nghe câu nói ấy sau khi nhân vật tôi đi Petersburg nhưng điều ấy đã trở thành kỷ niệm hạnh phúc nhất, xúc động nhất, đẹp đẽ nhất trong đời nàng.

Nói và Nghe trang 12

Bài tập 1 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc Người cầm quyền khôi phục uy quyền (trích Những người khốn khổ của Vích-to Huy-gô), có người cho rằng, cuối cùng thì Gia-ve đã giành lại được uy quyền của mình, lại có ý kiến khẳng định: người khôi phục uy quyền chính là Giăng Van-giăng. Bạn hãy nêu ý kiến của mình về vấn đề trên.

Trả lời:

- Thực tế đã tồn tại hai cách lí giải như để tài đã nêu. Trong đoạn trích, Gia-ve có uy quyền trước Giăng Van-giăng cũng như Giăng Van-giăng có uy quyền trước Gia-ve. Uy quyền đó của từng người đã mất và giờ đây đang được khôi phục, theo cách riêng của mình. Như vậy, vấn đề quan trọng chưa phải ở chỗ xác định ai là người thực sự có uy quyền, mà là ở khả năng lập luận để cho thấy cách hiểu của mình là có cơ sở.

- Nhân vật Gia-ve: Trước sau, Gia-ve vẫn là một viên thanh tra, đại diện cho luật pháp. Với những người phạm pháp (trong đó có Giăng Van-giăng), Gia-ve dường như có quyền uy tối thượng. Quyền uy của Gia-ve đối với Giăng Van-giăng đã bị vô hiệu khi người tù khổ sai trước kia trở thành ông Ma-đơ-len - thị trưởng của thị trấn Mông-tơ-rơi. Nhưng lúc này, tại bệnh xá - nơi Phăng-tin đang được chăm sóc - không còn ông thị trưởng nào cả, mà chỉ có “một thằng ăn cắp” như cách nói đầy đắc thắng của Gia-ve. Vậy chẳng phải Gia-ve đã lấy lại được uy quyền của mình trước Giăng Van-giăng hay sao?

- Nhân vật Giăng Van-giăng: Khi đang là thị trưởng, ông Ma-đơ-len là cấp trên của Gia-ve. Ông có quyền uy lớn trước viên thanh tra Gia-ve (bằng chứng là ông đã can thiệp buộc Gia-ve phải thả Phăng-tin). Nhưng khi Giăng Van-giăng quyết định đầu thú để cứu một người bị oan, thì ông đã chấp nhận trở lại với thân phận người tù vượt ngục, cũng coi như hết mọi uy quyền. Tuy nhiên, trong tình thế bị o ép, có nguy cơ không được thực hiện nghĩa vụ lương tâm trước Phăng-tin, Giăng Van-giăng đã có một hành động bất ngờ: giật thanh sắt cầm trong tay và nói một câu khiến Gia-ve phải run sợ. Vậy, phải chăng, Giăng Van-giăng cũng đã khôi phục uy quyền của mình trước Gia-ve?

* Bài nói mẫu tham khảo:

Xét nhan đề với nội dung của tác phẩm thì chúng ta không thể hiểu một cách bình thường qua câu chữ và nội dung nổi của tác phẩm được. Mà cái ý nghĩa nhan đề nó nầm ở phần chìm của đoạn trích ấy, nó buộc chúng ta phải suy nghĩ. Người cầm quyền và người khôi phục uy quyền ở đây có thể là giăng văn giăng nhưng lại cũng có thể là Gia ve.

Ta có thể nghĩ rằng giăng văn giăng là người cầm quyền và cuối cùng đã khôi phục được uy quyền của mình. Ông với vai thị trưởng Man đơ len và đúng là ông nắm trong tay rất nhiều quyền hành của mình. ông cao hơn hẳn so với Gia ve thế nhưng khi tên mật thám ấy phát hiện ông là một người tù khổ sai mạo danh của thị trưởng thì Giang văn giăng lại trở thành một cấp dưới thuộc quyền của Gia ve. Khi ấy giăng văn giăng đã không còn quyền hành gì cả.

Trong lúc Phăng tin nguy kịch giăng văn giăng đã mất hết quyền và chỉ mong rằng có thể giúp con người khốn khổ kia cho nên cái mà ông khôi phục uy quyền đó chính là hành động cầm thanh sắt và nói nhỏ vào tai Gia ve như muốn xin hắn để cho bà Phăng tin ra đi thanh thản. Hãy để cho con người ấy chết đi mà yên tâm rằng đứa con gái của bà sẽ được cứu thoát. Thế nhưng uy quyền ấy cũng chỉ được có trong chốc lát sau đó cũng đành nói “bây giờ tôi thuộc về anh” với Gia ve. Nói như thế chúng ta thấy được rằng giăng văn giăng lại mất quyền, và lần này là mất thật sự. Vậy là quyền lực ở đây là cái để định đoạn người khác theo pháp luật. Và xét theo pháp luật thì giăng văn giăng – một người tù khổ sai thì chẳng có tí quyền hành nào cả.

Còn Gia ve thì sao? Hắn cũng đại diện cho quyền lực, cũng mất quyền và khôi phục quyền của mình. Hắn biết thị trưởng người trên hắn giống như người tù khổ sai giăng văn giăng nhưng hắn vẫn phải dè chừng. Khi phát hiện ra sự thật thì hắn không phục tùng lễ phép nữa hắn xông đến bệnh viện như một con thú dữ, cười tiếng cười gầm rú và làm cho bà Phăng tin khốn khổ chết đi. Thế nhưng hắn vẫn không mảy may ân hận hay cảm thấy tội lỗi mà vẫn sắc lạnh vói cái ánh mắt như móc câu. Và đến đây thì hắn lấy lại được uy quyền của mình đó là bắt giăng văn giăng đi.

Tuy nhiên ở đây khi nói về giăng văn giăng nhà văn lại dùng những câu văn, những tù ngữ rất hay rất đẹp. thể hiện con người ấy không giống với danh là người tù khổ sai mà là một người rất giàu tình thương và tình nhân ái. Còn nhắc đến con người đại diện cho pháp luật Gia ve kia thì tác giả lại miêu tả hắn giống như một con thú dữ với cái điệu cười như thú gầm ánh mắt thì như móc câu cứ như muốn ăn tươi nuốt sống con mồi. Vậy thì tại sao lại thế? Rõ ràng một người đại diện cho pháp luật thì hẳn phải tốt đẹp, người tù hẳn phải xấu xa chứ thế mà ở đây lại bị đảo ngược như vậy. Và qua nội dung đoạn trích thì ta thấy được nhân vật giăng văn giăng là nhân vật chính. Ở đây ta còn thấy một ý nghĩa sâu xa khác mà chúng ta phải suy nghĩ. Đó chính là cái thiện và cái ác. Đối với Giăng Van giăng thì anh đại diện cho cái thiện, anh là một người tù nhưng là do xã hội bất công gây nên. Anh luôn thương yêu những người trong xã hội. Anh sẵn sàng ăn trộm bánh ngọt cho em bé đói nghèo, anh đóng giả thị trưởng để đem đến niềm tin cho Phăng Tin. Còn Gia ve kia chính là cái ác. Hắn đai diện cho pháp luật nhưng tâm địa thì quả thật không khác nào một con thú.

Bài tập 2 trang 12 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Có người cho rằng, trò đùa của nhân vật “tôi” trong Một chuyện đùa nho nhỏ (An-tôn Sê-khốp) chỉ là sự nông nổi, vô tâm của tuổi trẻ, đáng cảm thông; có người lại xem đó là trò tai ác, gây tổn thương cho Na-đi-a. Bạn suy nghĩ như thế nào về điều đó?

Trả lời:

Gợi ý:

- Đọc lại truyện, ghi nhanh những câu nhân vật “tôi” tự nói về trò đùa của mình, cũng như những tác động mà trò đùa đó gây ra đối với Na-đi-a để có hướng lựa chọn cách hiểu, từ đó lập đề cương cho bài nói.

- Cần nêu một số câu hỏi để trả lời, chẳng hạn: Trước, trong và sau khi “tôi” nói câu bông đùa, quan hệ giữa nhân vật “tôi” và Na-đi-a là thế nào? Động cơ gì khiến “tôi” nói rất nhiều lần câu: “Na-đi-a, anh yêu em!” mà thực sự anh ta không hề yêu? Mỗi lần trượt tuyết, Na-đi-a có trạng thái như thế nào khi nghe loáng thoáng bên tai mình câu nói đó mà không xác định được người nói? Trò đùa của nhân vật “tôi” có gây ra những hậu quả tiêu cực về tâm lí, ảnh hưởng đến cuộc sống của Na-đi-a hay không? Nhân vật tôi có ý thức như thế nào về trò đùa của mình?

- Trả lời thoả đáng các câu hỏi trên, HS sẽ hiểu sâu hơn về nhân vật “tôi” và trò đùa của anh ta, cũng như mức độ tác động của trò đùa đó đối với Na-đi-a. Từ đó, bạn lựa chọn một trong hai cách hiểu trên hoặc đưa ra cách hiểu riêng của mình để lập đề cương cho bài nói, miễn là các dữ kiện đưa ra từ tác phẩm phải phù hợp với lập luận.

* Bài nói mẫu tham khảo:

Trò đùa của nhân vật “tôi” trong Một chuyện đùa nho nhỏ (An-tôn Sê-khốp) chỉ là sự nông nổi, vô tâm của tuổi trẻ, đáng cảm thông hay có người lại xem đó là trò tai ác, gây tổn thương cho Na-đi-a. Đây là hai ý kiến trái ngược về trò đùa của nhân vật “tôi”, nhìn vào diễn biến của câu chuyện và tâm lí của nhân vật Na – đi – a đáng thương, nàng đã luôn băn khoăn và thắc mắc câu “Na – đi – a, anh yêu em” là từ gió hay từ đâu những nàng đã không nhận được câu trả lời tuy nhiên nàng cũng không quá tổn thương hay đau đớn. Cảnh chia tay gợi liên tưởng về một tương lai tươi sáng của các nhân vật. Hai nhân vật không hề gặp nhau trong lần sau cuối đó, nhưng một người đã được lắng nghe điều mình mong muốn, một người đã hoàn thành trọn vẹn câu chuyện đùa của mình để thành toàn mong muốn của người khác. Có lẽ, cả hai sẽ bước tiếp trong cuộc đời với niềm vui, cùng một ký ức đẹp được lưu lại.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 10 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 5: Tích trò sân khấu dân gian

Bài 6: Nguyễn Trãi – Dành còn để trợ dân này

Bài 7: Quyền năng của người kể chuyện

Bài 8: Thế giới đa dạng của thông tin

Bài 9: Hành trang cuộc sống

Đánh giá

0

0 đánh giá