TOP 20 bài Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ

49.2 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo, gồm dàn ý và các bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo từ đó học cách viết văn hay hơn.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ

TOP 20 bài Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ (ảnh 1)

Đề bài: Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ (thơ lục bát, thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt).

Dàn ý Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và nội dung chính của bài viết: Thiên nhiên và con người trong Cảnh khuya (Hồ Chí Minh).

2. Thân bài

Giới thiệu và trích dẫn lần lượt các câu thơ để phân tích, đánh giá.

- Hai câu thơ đầu tiên: miêu tả bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.

+ Hình ảnh “tiếng suối”.

+ Biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa

=> Hình ảnh ánh trăng làm bừng sáng thiên nhiên nơi chiến khi Việt Bắc.

- Câu thơ thứ 3: Khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình.

+ Biện pháp tu từ so sánh à làm nổi bật vẻ đẹp của nhân vật trữ tình.

- Câu thơ thứ 4: Bài thơ kết thúc bằng một lời giải thích ngắn gọn, thẳng thắn nhưng lại rất đáng quý và trân trọng.

3. Kết bài

Khẳng định lại giá trị của chủ đề.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 1

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng thiên tài của dân tộc nhưng đồng thời, Người cũng là một nhà thơ sánh vai cùng những thi nhân của Đông Tây kim cổ. Trong những năm tháng chiến đấu chống Pháp gian khổ của dân tộc, bên cạnh những chủ trương, chiến lược đánh đuổi giặc tài tình, Người còn có những vần thơ khiến lòng người rung động. “Cảnh khuya” là một thi phẩm trong số ấy:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Bài thơ ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đang hồi gay go, quyết liệt: năm 1947. Trên chiến khu Việt Bắc, sau những giờ phút mỏi mệt, trong cảnh đêm của núi rừng, Người bồi hồi xúc động trước cảnh đêm khuya êm ái. Điều đầu tiên Bác cảm nhận được nơi thiên nhiên hoang sơ là tiếng suối róc rách tuôn theo dòng chảy: Tiếng suối trong như tiếng hát xa.

Lối so sánh của Bác thật kì lạ! Tiếng suối vốn được cảm nhận bằng thính giác nhưng nghe tiếng suối Người cảm nhận được độ “trong” của dòng chảy. Dòng suối ấy hẳn rất ngọt lành, trong mát, đó hẳn cũng là thứ quà riêng mà thiên nhiên núi rừng ban tặng riêng cho những người chiến sĩ trên đường hành quân xa xôi mệt mỏi. Chẳng những vậy, tiếng suối trong như là “trong như tiếng hát xa”.

“Tiếng hát xa” là thứ âm thanh rất đặc biệt. Đó phải là tiếng hát rất cao để có sức lan toả mạnh mẽ, để từ xa con người vẫn có thể cảm nhận được. Đó cũng là tiếng hát vang lên trong thời khắc yên lặng bởi nếu không, nó sẽ bị lẫn vào biết bao âm thanh phức tạp của sự sống, liệu từ xa, con người còn có thể cảm nhận được? Điều thú vị trong câu thơ của Bác Hồ là một âm thanh của tự nhiên được so sánh với tiếng hát của con người. Điều đó thể hiện cảm hứng nhân văn sâu sắc trong những vần thơ của Bác.

Cảnh đêm khuya hẳn trong trẻo, tĩnh lặng đến nhường nào Người mới có thể lắng nghe được tiếng suối long lanh ấy. Điều này không khó hiểu bởi không gian núi rừng thường được bao phủ bởi nhiều âm thanh phong phú: tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, tiếng cây rừng xao xác tiếng muông thú gọi bầy... Trong bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc”, Bác đã từng viết:

“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”.

Vậy thì có lẽ, đây là chút yên ả hiếm hoi của thiên nhiên núi rừng vào thời khắc đêm khuya. Thiên nhiên yên tĩnh nhưng cũng là tâm hồn con người yên tĩnh, thanh thản hòa mình vào vẻ đẹp của tự nhiên. Thiên nhiên vào giây phút ấy thật hữu tình biết mấy: Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Hai từ "lồng" cùng nằm trong một câu thơ tạo những ấn tượng rất đặc biệt. "Lồng" là động từ chỉ việc các vật nằm vào trong một cách thật khớp để tạo thành một chỉnh thể. Câu thơ hữu tình như một bức tranh duyên: ánh trăng mênh mông tỏa sáng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ lại dịu dàng phủ mình lên những nhành hoa.

Bác dùng từ "lồng" rất "đắt", nó trở thành "nhãn tự" cho câu thơ. Chỉ với một từ ấy, cảnh vật như đang giao hòa, nương dựa vào nhau một cách duyên dáng, đáng yêu. Đôi mắt người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thật hữu tình, bác ái.

Cảnh khuya sống động, có hồn bao nhiêu càng chứng tỏ một điều: người thưởng cảnh đang xa rời giấc ngủ yên bình thường nhật. Bởi vậy nên: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ.

Cảnh khuya trong trẻo, tĩnh lặng càng làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ thao thức không yên trong đêm vắng. Người hoà mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Câu thơ vang lên như một sự bừng tỉnh cho người đọc. Ta cứ ngỡ Bác đang thảnh thơi thưởng cảnh chơi trăng nhưng kì thực tấm lòng người vẫn đau đáu cho nỗi niềm non nước. Bác "chưa ngủ" vì một lẽ rất Hồ Chí Minh: “vì lo nỗi nước nhà”. Nói vậy bởi Bác đã có nhiều đêm không ngủ, nhiều đêm trở trăn vì cuộc kháng chiến của dân tộc:

“Một canh, hai canh, lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng lành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.

Vậy là, dù có tạm để lòng mình hướng đến cảnh vật xung quanh (một lời hỏi thăm người bạn muôn đời của thi nhân kim cổ) tâm hồn Bác vẫn luôn dành trọn tâm tình cho non sông, dân tộc. Và nói như nhà thơ Minh Huệ:

“Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh”

Bài thơ khép lại với bao dư âm mênh mang lan tỏa. Đã hơn một lần chúng ta xúc động trước tấm lòng cao cả, bác ái của Bác Hồ nhưng mỗi lần đọc lại “Cảnh khuya” ta lại bồi hồi với những tâm tình của một người mà cả cuộc đời chưa bao giờ nghỉ ngơi, chưa bao giờ an mình trong giấc ngủ.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 2

Hồ Chí Minh một vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó với tài năng của mình người đã sáng tác nên những áng thơ văn vô cùng nổi bật. Trong đó bài thơ “Cảnh Khuya” là một tác phẩm thơ văn được viết trong thời kì kháng chiến tiêu biểu. Bài thơ là sự miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng đẹp, qua đó cho ta thấy tâm tư, tình cảm của một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước. 

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

     Với giọng thơ bình dị, vẻ đẹp của cảnh vật hiện lên trong thơ Hồ Chí Minh vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Thiên nhiên, cảnh núi rừng Việt Bắc vắng vẻ nhưng vô cùng huyền ảo và thơ mộng. Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của “tiếng suối trong”. Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối. Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng. Chỉ với hai câu thơ mở đầu mà bức tranh phong cảnh hiện lên vô cùng sinh động, với thật nhiều màu sắc.

     Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến câu thơ thứ ba là sự khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình vô cùng tự nhiên: “Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”. Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng:“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

     Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ cuối nêu lên cái thực tế của nhân vật trữ tình và mở sâu và hiện thực tâm trạng của nhà thơ. Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. Nghệ thuật ấy vô cùng chân thực, giản dị, đi thẳng vào lòng người nên cũng là nghệ thuật cao quí, tinh vi nhất.

     Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh miêu tả bức tranh đêm khuya thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng sâu hơn nữa là thể hiện tâm tư, tình cảm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng vì nhân dân, lo cho dân, cho nước.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 3

Người lính nông dân đã đi vào thơ ca bằng những hình ảnh chân thật và đẹp trong “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Cá nước” của Tố Hữu… nhưng tiêu biểu hơn cả là bài “Đồng chí” của Chính Hữu. Bài thơ được sáng tác vào năm 1948 là năm cuộc kháng chiến hết sức gay go, quyết liệt. Trong bài thơ này, tác giả đã tập trung thể hiện mối tình keo sơn gắn bó, ngợi ca tình đồng chí giữa những người lính trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Cảm nhận đầu tiên của chúng ta khi đọc bài thơ là hình ảnh người lính hiện lên rất thực, thực như trong cuộc sống còn nhiều vất vả lo toan của họ. Ngỡ như từ cuộc đời thực họ bước thẳng vào trang thơ, trong cái môi trường quen thuộc bình dị thường thấy ở làng quê ta còn đói nghèo lam lũ:

“Quê hương anh nước mặn đồng chua, 

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”.

Quê hương xa cách nhau, mỗi người mỗi nơi. Người quê ở miền biển “nước mặn đồng chua”, người ở vùng đồi núi “đất cày lên sỏi đá”. Song dù xa cách nhau, dù khác nhau, nhưng đều là quê hương của lam lũ, vất vả, đói nghèo. Chữ nghĩa bình thường mà như đang cựa quậy khi cuộc sống thực đã ùa vào câu thơ đem đến những cảm nhận sâu sắc về quê hương người lính.

Tuy ở những phương trời khác nhau, “chẳng hẹn quen nhau”, nhưng cùng sống và chiến đấu với nhau trong một đội ngũ, những người lính đã tự nguyện gắn bó với nhau:

“Súng bên súng đầu sát bên đầu 

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”

Cái rét ở rừng Việt Bắc đã nhiều lần vào trong thơ bộ đội chống Pháp vì đó là một thực tế ai cũng nếm trải trong những năm chinh chiến ấy. Có điều lạ là câu thơ nói đến cái rét gợi cho người đọc một cảm giác ấm cúng của tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Câu thơ của Chính Hữu đã diễn tả tình đồng chí thật cụ thể và cô đọng, sự gắn bó giữa những người đồng chí cùng chung nhau chiến đấu “súng bên súng”, cùng chung một

lí tưởng “đầu sát bên đầu”. Sự gắn bó mỗi lúc lại càng thêm sâu sắc: Là súng bên súng đến đầu bên đầu, rồi thân thiết hơn nữa là đắp chung chăn, thành tri kỉ.

Đoạn thơ đầu của bài thơ kết thúc bằng hai chữ “Đồng chí” làm sáng tỏ thêm nội dung, ý nghĩa của cả đoạn thơ. Nó giải thích vì sao người lính từ bốn phương trời xa lạ, không hẹn gặp nhau mà bỗng trở thành thân thiết hơn máu thịt. Đó là sự gắn bó giữa những người anh cùng chung một lí tưởng chiến đấu, là sự gắn bó kì diệu, thiêng liêng và mới mẻ của tình đồng chí.

Những người lính, những đồng chí ấy ra đi chiến đấu với tinh thần tự nguyện:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”

Họ vốn gắn bó sâu nặng với ruộng nương, với căn nhà thân thiết, nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ tất cả để ra đi. Nhà thơ đã dùng những hình anh quen thuộc và tiêu biểu của mọi làng quê Việt Nam như biểu tượng của quê hương những người lính nông dân. Giếng nước, gốc đa không chỉ là cảnh vật mà còn là làng quê, là dân làng. Cảnh vật ở đây được nhân cách hoá, như có tâm hồn hướng theo người lính.

Tác giả tả rất thực về cuộc sống của người lính. Nhà thơ không che giấu mà như còn muốn nhấn mạnh để rồi khắc hoạ rõ nét hơn cuộc sống gian lao thiếu thốn của họ. Và phải là người trong cuộc thì mới vẽ lên bức tranh hiện thực sống động về người lính với một sự đồng cảm sâu sắc như vậy:

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh.

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi.

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.”

Thơ ca kháng chiến khi nói tới gian khổ của người lính thường nói rất nhiều tới cái lạnh, cái rét. Đoạn thơ thứ hai này kết thúc bằng câu “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Một sự cảm thông, chia sẻ vừa chân thành, vừa tha thiết làm sao. Người ta bảo bàn tay biết nói là thế. Hình ảnh kết thúc đoạn thứ hai này cắt nghĩa vì sao người lính có thế vượt qua mọi thiếu thốn, gian khổ, xa quê hương, quần áo rách vá, chân không giày, mùa đông lạnh giá với những cơn sốt rét “run người”… Hơi ấm của tình đồng chí truyền cho nhau đã giúp người lính thắng được tất cả. Hình ảnh kết thúc bài thơ chỉ có ba dòng:

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chở giặc tới

Đầu súng trăng treo.”

Sau những câu thơ tự do đang trải dài “Đêm nay rừng hoang sương muối”… câu kết thúc thu vào trong bốn chữ làm nhịp thơ đột ngột thay đổi, dồn nén, chắc gọn, gây sự chú ý cho người đọc. Hình ảnh kết thúc bài thơ đầy thơ mộng, cái thơ mộng của gian khố, hiểm nguy: một cánh rừng, một màn sương, một vầng trăng với hai ngọn súng, hai con người chờ giặc. “Đầu súng trăng treo” cùng là một câu thơ dồn nén và có sức tạo hình, nó đẹp như một biểu tượng chiến đấu của những người lính giàu phẩm chất tâm hồn. Đó cũng là vẻ đẹp trữ tình mới của thơ ca kháng chiến, kết hợp được súng và trăng mà không khiên cưỡng.

Toàn bài “Đồng chí” từ chi tiết cuộc sống đến cảm giác của tác giả đều rất thật, không một chút tô vẽ đắp điểm, không bình luận, thuyết minh. Bài thơ thiên về khai thác đời sống nội tâm, tình cảm người lính, vẻ đẹp của “Đồng chí” là vẻ đẹp của đời sống tâm hồn người lính mà nơi phát ra vầng ánh sáng lung linh nhất là mối tình đồng đội, đồng chí hoà quyện vào tình giai cấp. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” ở cuối bài nâng vẻ đẹp người lính lên đến đỉnh cao khái quát trong đó có sự hài hoà giữa hiện thực và lãng mạn đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.

TOP 20 bài Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ (ảnh 2)

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 4

Giới thiệu tác giả Viễn Phương, bài thơ Viếng lăng Bác và dẫn dắt vào khổ thơ cuối của bài.

“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”: một lời giã biệt của người con khi phải xa cha lần nữa - lời giã biệt nghẹn ngào, sâu lắng. “Trào” diễn tả cảm xúc mãnh liệt, luyến tiếc, bịn rịn không muốn rời xa nơi Bác nghỉ.

Điệp từ “muốn” lặp lại ba lần như khẳng định lại ước muốn của nhà thơ. Đó là một ước muốn mãnh liệt, niềm khao khát cháy bỏng được ở lại bên cạnh Người, Những ước nguyện ấy thật đáng quý! Nhà thơ muốn làm con chim hót để mang âm thanh của thiên nhiên, đẹp đẽ, trong lành đến với nơi Bác nghỉ. Tác giả muốn làm một đóa hoa tỏa hương thơm thanh cao. Muốn làm một cây tre trung hiếu giữa mãi giấc ngủ bình yên cho Người. Hình ảnh cây tre quả thật là một hình ảnh đẹp và được khép lại rất khéo ở cuối bài thơ.

Ở đầu bài thơ, nhà thơ cũng mở đầu bằng hình ảnh hàng tre, đó là hình ảnh khi tác giả nhìn thấy khi vào lăng. Đó cũng là hình ảnh biểu tượng cho con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Nhưng kết thúc bài thơ là hình ảnh cây tre trung hiếu canh giữ cho giấc ngủ bình yên của Bác. Cây tre như người lính trung thành, hàng ngày, ngày đêm vẫn đứng ở đó. Hình ảnh cây tre đã tạo nên kết cấu đầu cuối tương ứng.

Điệp từ “Muốn làm” được nhắc lại ba lần biểu cảm trực tiếp và gián tiếp tâm trạng lưu luyến, ước muốn và sự tự nguyện chân thành của tác giả. Ước nguyện đó được bộc lộ ra từ tận sâu đáy lòng của nhà thơ Viễn Phương.

→ Cả khổ thơ đã thể hiện niềm mong ước cháy bỏng của tác giả, cũng chính là mong ước của mỗi người dân Việt Nam. Đó là luôn luôn được ở cạnh Người, ở cạnh vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc.

Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 5

Đỗ Phủ là nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca Trung Hoa và được người đời sau tôn làm "Thi Thánh". Ông xuất thân từ một gia đình truyền thống nho học và thơ ca lâu đời. Cuộc đời ông gắn với nhiều biến cố lịch sử dữ dội của thời đại với nhiều đau thương, mất mát. Ông phải chịu cảnh tha hương và sống cuộc sống khốn khó, bệnh tật tại Quý Châu. Nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của ông là chùm tám bài thơ thu trong đó có "Thu hứng" (bài 1). Bài thơ bộc lộ nỗi nhớ quê hương sâu sắc của thi nhân khi ông nhìn ngắm khung cảnh thiên nhiên mùa thu tiêu điều, hiu hắt và khung cảnh đời sống rộn ràng, tươi vui của con người tại Quý Châu.

Nhan đề tác phẩm đã gợi cho người đọc tâm trạng của thi nhân trước cảnh thu. Mạch cảm xúc bài thơ đi từ tâm trạng trước bức tranh thiên nhiên đến cảm nhận về cảnh sinh hoạt của con người.

Trong bốn câu thơ đầu, nhà thơ đã đã khắc họa bức tranh mùa thu hiu hắt, man mác buồn. Chỉ với vài nét chấm phá, nhà thơ đã làm nổi bật lên không gian chiều thu ở Quý Châu:
"Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm"

Ta có thể nhận thấy vị trí quan sát của nhà thơ tương đối cao bởi tầm nhìn của ông khá xa và rộng. Sương trắng giăng đầy khắp núi gợi lên không gian tiêu điều, xác xơ của rừng phong. "Sương trắng" và "rừng phong" là những hình ảnh thường được sử dụng trong thơ ca cổ khi viết về mùa thu. Từ "trắng xóa" miêu tả độ dày đặc của màn sương mù, gợi lên sự hoang vu. Nhà thơ nhắc tới hai địa danh núi Vu và kẽm Vu thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Đây là những địa danh có địa hình hiểm trở với những vách núi dựng đứng. Vào mùa thu, nơi đây mịt mù với "hơi thu" lạnh lẽo phủ khắp không gian. Hai câu thơ đầu tuy khung cảnh khác nhau nhưng nhà thơ lại nhìn chúng với tâm trạng trĩu nặng nỗi buồn.

Tầm nhìn của nhà thơ đã chuyển hướng ở hai câu thơ tiếp theo. Sự vận hành của tứ thơ rất logic, từ xa đến gần, từ không gian bên ngoài đến những rung động trong nội tâm, mỗi câu thơ đều bộc lộ nỗi nhớ thương đau đáu. Nếu ở hai câu thơ đầu, nhà thơ phóng tầm mắt lên cao, nhìn đến rừng phong với sương mù mờ ảo thì ở hai câu thơ sau, nhà thơ đã hạ tầm nhìn xuống dòng sông "Giữa lòng sông, sóng tung vọt trùm bầu trời". Động từ "trùm" khiến người đọc hình dung ra một khung cảnh hùng vĩ của dòng sông. Đồng thời, hình ảnh "Từ trên cửa ải, gió mây sà xuống khiến mặt đất âm u" càng khiến cho không gian trở nên tối tăm, lạnh lẽo. Sự kết hợp giữa cảnh rừng phong tiêu điều, sương trắng âm u với vẻ hùng vĩ của sông nước, núi rừng khiến khung cảnh thiên nhiên thêm phần rợn ngợp. Nhịp thơ 2/2/3 kết hợp và cách gieo vần chân "lâm" - "sâm" - "âm" càng khắc họa nỗi buồn của nhân vật trữ tình trước không gian mênh mang của mùa thu.

Bốn câu thơ cuối, thi nhân đã diễn tả những rung động mãnh liệt, sâu sắc trước cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp và khung cảnh sinh hoạt của con người:
"Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm."

Nỗi lòng nhà thơ bộc lộ rõ qua hình ảnh "khóm cúc nở hoa đã hai lần", "con thuyền lẻ loi", "rộn ràng dao thước để may áo rét", "tiếng chày nện vải nghe càng dồn dập". Hình ảnh "khóm cúc nở hoa đã hai lần" dùng để chỉ thời gian xa nhà của tác giả. Nhà thơ không kìm nén nổi cảm xúc mà "tuôn rơi nước mắt". Hình ảnh "Con thuyền lẻ loi" gợi ra sự cô đơn, nổi trôi vô định của Đỗ Phủ nơi đất khách.

Hai câu thơ cuối bài có sự xuất hiện của con người với âm thanh cuộc sống sinh động. Từ láy "rộn ràng", "dồn dập" gợi không khí tươi vui. Ta có thể nhận ra được sự chuyển biến tâm trạng nhân vật trữ tình khi đứng trước khung cảnh sinh hoạt của con người. Giờ đây, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương càng trào dâng trong lòng tác giả. Nằm trong chùm tám bài thơ cùng nhan đề, "Thu hứng" (bài 1) và "Thu hứng" (bài 2) lại có những nét hấp dẫn riêng. Nếu "Thu hứng" (bài 2) thể hiện tình yêu nước một cách thầm kín thì "Thu hứng" (bài 1) lại khiến cho người đọc cảm nhận được nỗi nhớ quê hương da diết của một con người lưu lạc nơi đất khách quê người.

Bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Niêm, luật và cách gieo vần trong bài thơ được tuân thủ chặt chẽ. Tác giả đã khéo léo sử dụng ngôn từ và những hình ảnh đặc sắc nhằm khắc họa khung cảnh thiên nhiên và khung cảnh sinh hoạt của con người. Bút pháp tả cảnh ngụ tình cũng được thi nhân sử dụng nhằm bộc lộ tâm trạng buồn, xót xa của thi nhân khi nghĩ về quê hương.

"Thu hứng" (bài 1) thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của một con người lưu lạc nơi đất khách. Bài thơ mang đậm dấu ấn của một hồn thơ tinh tế. Qua bài thơ, người đọc cũng cảm nhận được tài năng và nhân cách cao đẹp của nhà thơ Đỗ Phủ. Đúng như nhà thơ Nguyên Chẩn đã viết: "Đỗ Tử Mỹ trên làm nhạt Phong Tao, dưới làm mờ Thẩm - Tống; lời vượt cả Tô, Lý; khí thơ nuốt cả Tào, Lư; che khuất Nhan, Tạ đỉnh cao, nhuộm đục Từ, Dữu dòng thắm..., có tất cả thể thế của tổ tiên, lại có được cái độc chuyên của từng thi sĩ. Người làm thơ từ xưa đến nay chưa có ai được như Đỗ Tử Mỹ vậy".

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 6

Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ “Mộ” năm 1942, trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt đó là khi nhà thơ bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến Thiên Bảo. Trong suốt thời gian bị đày ải bởi chính quyền Tưởng Giới Thạch người lính khổ sai Nguyễn Tất Thành thường xuyên bị áp giải từ nhà lao này đến nhà lao khác. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó người bình thường chắc chỉ thấy tiếng kêu rên ai oán số phận, còn với Bác người lính cách mạng có tinh thần thép thì đó chỉ là cái cớ để tâm hồn thi sĩ vút cao lên thành những áng văn thơ trữ tình dạt dào cảm xúc. Chẳng thế mà toàn bài thơ chúng ta không thấy bất kỳ hình ảnh đau khổ của người tù mà chỉ thấy khung cảnh thiên nhiên, con người nơi miền sơn cước vô cùng bình dị, quen thuộc với cuộc sống lao động thường nhật. 

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên đặc trưng của buổi chiều tối:

"Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ

Cô vân mạn mạn độ thiên không"

Ánh mặt trời dần tắt hẳn, màn đêm chuẩn bị bao trùm lấy cảnh vật, đây là thời khắc con người, vạn vật sinh linh trên trái đất đều mệt mỏi và muốn tìm về với chốn bình yên để nghỉ ngơi. Đầu tiên là hình ảnh của chú chim đang mỏi cánh trên bầu trời, cánh chim ấy đã vất vả sau một ngày dài kiếm ăn khắp chốn, giờ là lúc nó tìm về với bóng cây, chốn yên bình để ngủ. Câu thơ thứ hai vẫn là nét chấm phá cảnh vật của thiên nhiên với hình ảnh của “cô vân”. Cô vân là chòm mây cô đơn, kết hợp với từ láy “mạn mạn” tức là trôi nhẹ, lơ lửng, vô định trên bầu trời. Chòm mây cô đơn lạc trôi trên bầu trời khá tương đồng với hoàn cảnh của người tù khổ sai, cô đơn, lạc lõng nơi đất khách quê người. Trong lòng vẫn luôn đau đáu một ngày được trở về với đồng bào, quê hương.

Hai câu thơ sử dụng thủ pháp đối khá quen thuộc trong thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, đối giữa “cô vân” và “quyện điểu” để tạo nên một bức tranh thiên nhiên cân xứng, hài hòa. Một vài nét chấm phá đơn giản nhưng đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên thật hữu tình, nên thơ.

Hai câu thơ sau là hình ảnh của con người, con người của cuộc sống lao động hiện ra thông qua những nét vẽ thật khỏe khoắn, rắn rỏi:

"Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc

Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng"

Hình ảnh cô gái xóm núi đang xay ngô chuẩn bị cho bữa cơm tối xuất hiện trong bài thơ là một nét vẽ bất ngờ nhưng rất hợp lý. Nó được cảm nhận thông qua cái nhìn của người tù khổ sai, nó mang một sức sống thật mạnh mẽ, tiềm tàng. Động tác xay ngô của cô gái nhịp nhàng, khỏe khoắn, từng vòng quay của chiếc cối đều, dứt khoát, “ma bao túc” rồi lại” bao túc ma hoàn”; phép lặp từ trong hai câu thơ nhấn mạnh sự cần mẫn, chăm chỉ của người lao động trong cuộc sống thường nhật, qua đó thể hiện cái nhìn trân trọng của thi sĩ dành cho con người nơi đây. Đặc biệt là hình ảnh “lô dĩ hồng” xuất hiện ở cuối bài thơ, đó là một nhãn tự có sức nặng cân cả bài thơ. Chữ hồng xuất hiện đã xua tan không khí lạnh giá nơi xóm núi hoang sơ, nó như tiếp thêm sức sống và sức mạnh cho người tù khổ sai trên con đường đi tìm lối thoát cho dân tộc. Chữ “hồng” cũng thể hiện chất thép vốn rất đặc trưng trong tập “Nhật ký trong tù”. Nó cũng khẳng định vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại trong thơ của Hồ Chủ Tịch.

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Thông qua bài thơ “Mộ” chúng ta cảm nhận vẻ đẹp của nghị lực phi thường, tinh thần mạnh mẽ không lên gân, không khoa trương mà giản dị, khiêm nhường trong thơ của Hồ Chí Minh. 

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 7

“Cảnh khuya” nằm trong số những bài thơ trữ tình đặc sắc, bài thơ viết vào thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra vô cùng ác liệt, Bác Hồ đã viết bài thơ “Cảnh khuya” trong hoàn cảnh đó.

 “Tiếng suối trong như tiếng hát xa,

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

(1947 – Hồ Chí Minh)

Bài thơ miêu tả cảnh khuya núi rừng một đêm trăng, nói lên những suy tư lo lắng của Bác Hồ đối với vận mệnh của dân tộc. Hai câu đầu làm hiện lên trước mắt người đọc một bức tranh sơn thủy về cảnh suối rừng, trăng ngàn Việt Bắc. Nhà thơ thao thức lắng nghe tiếng suối chảy rì rầm, êm nhẹ và trong trẻo từ rừng sâu vọng đến: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”.

Suối là vẻ đẹp chốn lâm quyền, vẻ đẹp rừng già Việt Bắc. Bác lấy tiếng suối so sánh với tiếng hát, là khúc nhạc rừng ví với tiếng hát xa, êm ái, ngọt ngào của con người, làm cho cảnh khuya chiến khu trở nên gần gũi, mang hơi ấm cuộc đời. Câu thơ làm ta liên tưởng đến tiếng suối trong bài “Côn Sơn ca” của Ức Trai hơn 600 năm về trước:

“Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai…”

Hai hồn thơ trở nên gần gũi, thân thiết. Nguyễn Trãi đã về Côn Sơn “quê cũ” để xa lánh bụi trần, danh lợi, lấy suối đá thông trúc làm bầu bạn. Bác Hồ cũng đến chốn lâm tuyền Việt Bắc, xây dựng chiến khu đánh Pháp. Suối trở thành bài ca câu hát nâng đỡ tâm hồn Bác trong những năm dài kháng chiến gian khổ.

Tả suối, nghệ thuật của Bác thật điêu luyện: Lấy cái động (tiếng suối chảy) để miêu tả cái tĩnh (Cảnh khuya) làm nổi bật sự thanh vắng, tĩnh lặng của chiến khu một đêm trăng. Càng về khuya, núi rừng như chìm trong vắng lặng mênh mông. Bác “chưa ngủ” nên mới nghe rõ âm thanh rì rầm suối chảy. Câu thứ hai tả trăng ngàn: “Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”.

Hai vế tiểu đối gợi lên cảnh đẹp hài hòa của cảnh vật thiên nhiên. Trăng được nhân hóa, rất thơ mộng “lồng” vào cổ thụ, bóng cổ thụ lại “lồng” vào hoa. Cảnh thiên nhiên trở nên hữu tình, huyền ảo. Chữ “lồng” được láy hai lần, chất thơ trữ tình mang hồn người, quyến rũ. Ánh trăng trải khắp núi rừng, dát vàng xuống rừng cây, “lồng” và trùm lên cổ thụ. Cảnh rừng có tầng cao, tầng thấp, có mảnh sáng, mảnh mờ. Nét vẽ tinh tế, gam màu nhẹ và tươi mát, sự phối sắc tài tình, mĩ cảm, hấp dẫn.

Nếu như ở hai câu thơ đầu Bác chỉ miêu tả về thiên nhiên thì đến hai câu thư cuối ta thấy được hình ảnh một vị lãnh tụ đang trằn trọc không ngủ. Hai câu thơ cho chúng ta hiểu rõ thêm được tâm hồn yêu thiên nhiên của Bác nhưng cũng chính thiên nhiên lại khiến cho tâm hồn ấy trằn trọc chẳng thể nào ngủ nổi vì thiên nhiên mà nỗi lo cho đất nước càng dâng cao khiến cho vị lãnh tụ không thể nào chợp mắt. Giữa vầng trăng sáng vằng vặc giữa cảnh khuya trong trẻo có một người đang thao thức không yên .Người hòa mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Chưa ngủ, thao thức, bồi hồi vì “lo nỗi nước nhà”. Nhà nước đang bị giặc Pháp xâm lăng, con thuyền kháng chiến đang băng qua ghềnh thác thì vị “thuyền trưởng” chưa thể ngủ ngon giấc được! Nguyễn Trãi đã từng thao thức vì đại nghĩa:

“Còn một tấc lòng âu việc nước

Đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”

(Quốc âm thi tập)

Bác Hồ cũng thao thức: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Cùng mang trong tâm hồn một tình yêu lớn đối với đất nước và nhân dân, thơ của bác chứa chan tình yêu nước. Có thể nói, câu thơ bình dị, sáng tỏ như một chân lý, để lại ấn tượng sâu sắc.

“Cảnh khuya” bài thơ tứ tuyệt làm đẹp nền thơ ca kháng chiến. Câu thơ giàu hình tượng và truyền cảm. Cảnh và tình hòa hợp, vừa cổ kính, vừa hiện đại. Tình yêu nước thiết tha, tình yêu thiên nhiên trong sáng là cốt cách vẻ đẹp của bài thơ.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 8

Văn chương là một thứ tuyệt diệu mang lại cho con người nhiều cảm xúc. Nó hướng tới nhiều chủ đề khác nhau, phong phú và đặc sắc tùy theo từng phong cách viết của những tác giả. Đặc biệt, nó còn phản ánh nội tâm của người nghệ sĩ, thể hiện được cả những điều giấu kín và thậm chí người viết cũng không biết. Lời má năm xưa được tác giả Trần Bảo Định viết lên và là một tác phẩm tiêu biểu về nội tâm. Bài đọc là những cảm xúc vấn vương, làm lòng người đọc rung động.

Lời má năm xưa là nhan đề, cũng là một hoàn cảnh của câu chuyện. Đó chính là những lời dạy bất chợt của người mẹ trong quá khứ, sau này người con luôn nhớ tới và học theo nó. Cốt truyện của tác phẩm rất đơn giản nhưng lại đủ phản ánh chủ đề. Nó chỉ là những khung cảnh bình thường, nhưng lại tạo nên sự day dứt cho tác giả qua hàng chục năm. Qua sự việc bắn bị thương một chú chim, nhân vật “tôi” trong tác phẩm lại cảm thấy tội lỗi trong hàng chục năm sau đó. Tưởng chừng như đây là một tình huống đơn giản, nhưng nếu phân tích kỹ ta mới thấy nó có ý nghĩa chừng nào.

Ngay trong đoạn đầu, tác giả đã cho người đọc một thông tin: Ở quê tôi, trai gái đều thuộc lòng câu hò :

Chim thằng chài có ngày mắc bẫy
Em cho anh hay anh hãy tránh xa
Mẹ cha không thể chịu hòa
Em đâu dám cãi để mà theo anh

Đây được xem như một đặc sắc của vùng miền, cũng là một câu mở đầu độc đáo. Câu hò trên của quê hương mang trong mình đầy tình yêu thương giữa đôi tình nhân, nhưng đôi bên cha mẹ lại chẳng đồng ý. Người con gái không cãi lời cha mẹ, vậy nên mới lảng tránh người con trai lại gần mình.

Đoạn sau, tác giả lại miêu tả về những chú chim bói cá về một số đặc điểm và cách sống của chúng. Những chú chim con không được bảo vệ dưới đôi cánh mẹ mà phải tự lập, tự kiếm ăn để sống sót. Chúng cũng có lòng thương người, thương vật, một thứ tình cảm mà chúng ta chẳng hề nghĩ tới. Chúng bảo vệ lẫn nhau, chúng nhường cá tôm đầy đặn cho kẻ chài già yếu trong đàn.

Trong truyện, nhân vật chính đại diện cho tác giả thường đi chơi với lũ bạn. Những lúc đó, bọn trẻ nghịch ngợm thường lấy ná thun bắn vào những con chim bói cá. Những chú chim ấy cũng thường được gọi là thằng chài. Những con chim tội nghiệp đó con bị thương, con thì chết, những đứa trẻ ngây ngô cứ lấy đó làm trò tiêu khiển. Chẳng ai trong số chúng nghĩ rằng, những chú chim đó sẽ đau khổ như thế nào, sinh mạng của chúng sẽ mất đi vì những trò đùa của bọn nhỏ. Có lẽ lúc đó, chúng chưa hiểu được, cũng không muốn hiểu vì đang độ tuổi ham chơi, nghịch ngợm. Vậy là, chúng vô tình làm tổn thương những loại động vật nhỏ bé, hiền lành.

Câu nói của nhân vật người mẹ đã thức tỉnh nhân vật tôi là “Sao con cướp đi sự sống của nó? Rồi, ai cướp sự sống của con?”. Chỉ một câu hỏi đơn giản, nhưng người mẹ đã làm cho con bỗng hiểu được hành động của mình là sai trái. Mẹ bắt ông đi ra sông, vớt thằng chài vừa bị bắn lên bờ, chăm sóc nó, nhưng chú chim nhỏ lại như giận dỗi mà không thèm ăn những miếng mồi nhân vật tôi đút. Đây cũng là một hành động thể hiện cho sự “quay đầu” của một đứa nhóc nghịch ngợm. Hình ảnh người mẹ trong chi tiết này thật nổi bật. Mẹ là người đỡ đầu, dạy con những điều đúng sai, nên và không ở đời. Chính nhờ sự dạy dỗ của người mẹ, một sinh mệnh nhỏ được cứu, và sau này cũng có thể là nhiều sinh mệnh khác.

Trở về thực tại, sau rất nhiều năm, khi nhắc về câu chuyện đó vẫn khiến cho tác giả, lúc này đã trưởng thành hối hận và day dứt rất nhiều năm. Đặc biệt, câu nói của má “Sao con cướp đi sự sống của nó? Rồi, ai cướp sự sống của con?” xuất hiện lặp đi lặp lại và xuyên suốt cả câu chuyện như một lời dạy, lời nhắc nhở thấm đẫm tình người làm ta không thể nào quên. Lời nói đó làm nổi bật lên chủ đề và nhan đề của tác phẩm, cũng khiến người đọc cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng.

Tác giả sử dụng phép điệp lặp lại câu hỏi tu từ nhiều lần làm nổi bật lên nội dung truyện. Bên cạnh đó, ông cũng sử dụng một loạt các biện pháp tu từ khác như liệt kê, nhân hoá đã khiến cho những hình ảnh trong truyện trở nên chân thực. Bằng việc xây dựng cốt truyện cảm động và dòng thời gian hợp lý, những cảm xúc của nhân vật được thể hiện rất rõ.

Thứ mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc qua bài viết này cũng là bài học mà người mẹ đã dạy con mình: phải biết yêu thương các loài vật, coi chúng như con người. Tác phẩm Lời má năm xưa để lại nhiều loại cảm xúc trong lòng người đọc, qua đó cũng làm bật lên nội dung và chủ đề của truyện.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 9

Hồ Chí Minh một vị lãnh tụ tài hoa của dân tộc Việt Nam, bên cạnh đó với tài năng của mình người đã sáng tác nên những áng thơ văn vô cùng nổi bật. Trong đó bài thơ “Cảnh Khuya” là một tác phẩm thơ văn được viết trong thời kì kháng chiến tiêu biểu. Bài thơ là sự miêu tả bức tranh thiên nhiên vào đêm trăng đẹp, qua đó cho ta thấy tâm tư, tình cảm của một chiến sĩ cộng sản luôn hết mình vì nhân dân, vì đất nước.

Mở đầu bài thơ miêu tả bức tranh thiên nhiên thật đẹp:

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”

Với giọng thơ bình dị, vẻ đẹp của cảnh vật hiện lên trong thơ Hồ Chí Minh vừa có ánh sáng vừa có âm thanh. Thiên nhiên, cảnh núi rừng Việt Bắc vắng vẻ nhưng vô cùng huyền ảo và thơ mộng. Với việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa, nhà thơ đã miêu tả vẻ đẹp của “tiếng suối trong”. Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối. Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng.

Chỉ với hai câu thơ mở đầu mà bức tranh phong cảnh hiện lên vô cùng sinh động, với thật nhiều màu sắc.

Sau hai câu thơ tả cảnh, tiếp đến câu thơ thứ ba là sự khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình vô cùng tự nhiên.

“Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,”

Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng.

“Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”. Câu thơ cuối nêu lên cái thực tế của nhân vật trữ tình và mở sâu và hiện thực tâm trạng của nhà thơ. Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. Nghệ thuật ấy vô cùng chân thực, giản dị, đi thẳng vào lòng người nên cũng là nghệ thuật cao quí, tinh vi nhất.

Bài thơ khép lại một cách bất ngờ nhưng hết sức tự nhiên, trọn vẹn. Bài thơ Cảnh Khuya của Hồ Chí Minh miêu tả bức tranh đêm khuya thật đẹp, thật thơ mộng. Nhưng sâu hơn nữa là thể hiện tâm tư, tình cảm của một người chiến sĩ cách mạng luôn hết lòng vì nhân dân, lo cho dân, cho nước.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 10

Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận định "Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới". Bằng hồn thơ trong trẻo, tâm hồn tràn đầy tình yêu cùng khát khao giao cảm với đời mãnh liệt, Xuân Diệu đã để lại vô vàn tác phẩm giá trị. Trong số đó phải kể đến bài thơ "Thơ duyên". "Thơ duyên" đã mang đến cho người đọc khung cảnh tuyệt sắc của thiên nhiên mùa thu và sự giao duyên, kết nối giữa "anh" và "em".

Có thể nói, "Thơ duyên" đã khơi gợi sự hòa hợp, gắn bó đầy chất thơ giữa vạn vật trong thiên nhiên. Trước hết, điều này được thể hiện rõ nét thông qua nhan đề. "Duyên" mà thi sĩ muốn nhắc tới ở đây là sự gặp gỡ, giao hòa giữa thiên nhiên với thiên nhiên, thiên nhiên với con người và con người với con người. Từ đó, Xuân Diệu không chỉ miêu tả vẻ đẹp trời thu mà còn khắc họa những mối duyên tình hài hòa.

Ở khổ thơ đầu, khung cảnh chiều thu được tái hiện thật êm ả, nên thơ:

"Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,
Thu đến - nơi nơi động tiếng huyền."

Sự kết hợp giữa đường nét "nhánh duyên", âm thanh "ríu rít", màu sắc "xanh ngọc", hình ảnh "cặp chim chuyền" đã cho thấy đôi mắt tinh tế cùng nét bút tài tình của Xuân Diệu. Bằng tất cả các giác quan, "ông hoàng thơ tình" vẽ nên bức tranh mùa thu tươi mát, dịu êm. Từng chi tiết, từng sự vật hoạt động tách rời nhưng lại có sự hài hòa, gắn kết với nhau. Tất cả cùng tạo nên một buổi chiều mộng ảo, đồng thời báo hiệu khoảnh khắc thu tới "nơi nơi động tiếng huyền.". Âm thanh mùa thu như tiếng đàn tiếng ca, vang vọng khắp nơi, làm lòng người thêm chộn rộn, bâng khuâng hơn bao giờ hết.

Cảnh thu tiếp tục được gợi tả qua:

"Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều;
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu."

Hàng loạt các từ láy "nhỏ nhỏ", "xiêu xiêu", "lả lả" vừa phác họa đường nét mềm mại của cảnh vật, vừa gợi nỗi xao xuyến của lòng người. Dường như mọi thứ đều song hành, song đôi cùng nhau. Cảnh thu, tình thu đã khéo léo đưa chủ thể trữ tình ngược về "buổi ấy lòng ta nghe ý bạn". Đi giữa trời thu, lắng nghe âm hưởng xa xưa vọng lại, lòng người bồi hồi nhớ đến "Lần đầu rung động nỗi thương yêu". Khoảnh khắc trái tim đập rộn ràng, chủ thể trữ tình đã biết đây chính là cảm giác rung động trong tình yêu:

"Em bước điềm nhiên không vướng chân,
Anh đi lững đững chẳng theo gần
Vô tâm - nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần."

Giây phút "anh" và "em" đi trên con đường nhỏ trông thật xa cách. Nếu như "em" điềm nhiên bước đi chẳng chút vướng bận thì "anh" lại lững đững, thong dong theo sau. Nhìn bên ngoài, hai ta có vẻ cách xa nhưng bên trong đã có sự kết nối như "một cặp vần". Đôi ta tưởng xa hóa lại gần, gắn bó, giao hòa mật thiết, không thể tách rời. Khung cảnh trở nên đẹp đẽ nhờ sự giao duyên của con người. Bức tranh mùa thu huyền diệu càng thêm tươi tắn, nhẹ nhàng tình thu, tình người. Bức tranh ấy đã ẩn chứa một trái tim rung động cùng tình yêu rạo rực ở "anh".

Ta còn cảm nhận được nỗi ám ảnh về sự chảy trôi của thời gian trong thơ Xuân Diệu được thể hiện ở "Thơ duyên":

"Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần."

Phía cao xa, từng đám mây màu biếc đã bắt đầu "gấp gấp" bay đi. Dưới ruộng đồng, mấy con cò cũng chuyển sang trạng thái "phân vân", không biết nên đi hay ở. Trên khoảng trời rộng lớn, đàn chim nghe lời nhắc nhở mà giang rộng đôi cánh tìm về nơi trú. Chiều thu buông xuống, cảm giác lạnh lẽo như vấn vương đâu đây "hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần". Sự hối hả, giục giã của cảnh vật như lan tỏa tới lòng người. Và rồi, nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến càng làm "anh" khao khát được giao cảm, hòa hợp.

Chẳng thể níu giữ bước đi của thời gian nhưng "anh" đã:

"Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy,
Lòng anh thôi đã cưới lòng em."

Chiều thu đến thật êm ả, bình yên nhưng ra đi lại sôi nổi, hối hả. Nhưng nhờ đó, duyên "anh" và duyên "em" mới có thể tìm đến nhau. Đôi ta từ người xa lạ mà trở nên đồng điệu về tâm hồn, biết rung động, thổn thức trước tình yêu. Sự kết nối của "anh" và "em" thật diệu kì làm sao. Trước mối giao hòa của thiên nhiên đất trời, hai ta cũng xích lại gần nhau mà chẳng cần "băng nhân gạ tỏ niềm". Từ đây, chủ thể trữ tình bày tỏ tấm chân tình "Lòng anh thôi đã cưới lòng em". "Anh" coi "em" như mảnh ghép còn thiếu của đời mình. Như vậy, duyên tình đôi ta thêm bền chặt nhờ "cưới". Khổ thơ đã cho ta thấy khát khao giao hòa tuyệt đối trong tâm hồn con người.

Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, sâu lắng, thi sĩ Xuân Diệu đã mang đến cho người đọc những hồn thơ trong trẻo, căng tràn nhựa sống. Các biện pháp tu từ như đảo ngữ "Cành me ríu rít cặp chim chuyền", so sánh "Anh với em như một cặp vần" kết hợp với rất nhiều hình ảnh độc đáo "Lả lả cành hoang nắng trở chiều", "Hoa lạnh chiều thưa" không chỉ làm nổi bật vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên mùa thu mà còn gợi sự giao hòa, gặp gỡ và gắn kết của vạn vật.

"Thơ duyên" đã thể hiện sâu sắc khát khao giao cảm với cuộc đời ở Xuân Diệu. Qua bài thơ, ta lại càng khâm phục khả năng cảm nhận tinh tế cùng ngòi bút tài hoa của thi sĩ. Mong rằng, bài thơ sẽ mãi in lại dấu ấn trong lòng bạn đọc.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 11

Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng thiên tài của dân tộc nhưng đồng thời, Người cũng là một nhà thơ sánh vai cùng những thi nhân của Đông Tây kim cổ. Trong những năm tháng chiến đấu chống Pháp gian khổ của dân tộc, bên cạnh những chủ trương, chiến lược đánh đuổi giặc tài tình, Người còn có những vần thơ khiến lòng người rung động. “Cảnh khuya” là một thi phẩm trong số ấy:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Bài thơ ra đời giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đang hồi gay go, quyết liệt: năm 1947. Trên chiến khu Việt Bắc, sau những giờ phút mỏi mệt, trong cảnh đêm của núi rừng, Người bồi hồi xúc động trước cảnh đêm khuya êm ái. Điều đầu tiên Bác cảm nhận được nơi thiên nhiên hoang sơ là tiếng suối róc rách tuôn theo dòng chảy: Tiếng suối trong như tiếng hát xa.

Lối so sánh của Bác thật kì lạ! Tiếng suối vốn được cảm nhận bằng thính giác nhưng nghe tiếng suối Người cảm nhận được độ “trong” của dòng chảy. Dòng suối ấy hẳn rất ngọt lành, trong mát, đó hẳn cũng là thứ quà riêng mà thiên nhiên núi rừng ban tặng riêng cho những người chiến sĩ trên đường hành quân xa xôi mệt mỏi. Chẳng những vậy, tiếng suối trong như là “trong như tiếng hát xa”.

“Tiếng hát xa” là thứ âm thanh rất đặc biệt. Đó phải là tiếng hát rất cao để có sức lan toả mạnh mẽ, để từ xa con người vẫn có thể cảm nhận được. Đó cũng là tiếng hát vang lên trong thời khắc yên lặng bởi nếu không, nó sẽ bị lẫn vào biết bao âm thanh phức tạp của sự sống, liệu từ xa, con người còn có thể cảm nhận được? Điều thú vị trong câu thơ của Bác Hồ là một âm thanh của tự nhiên được so sánh với tiếng hát của con người. Điều đó thể hiện cảm hứng nhân văn sâu sắc trong những vần thơ của Bác.

Cảnh đêm khuya hẳn trong trẻo, tĩnh lặng đến nhường nào Người mới có thể lắng nghe được tiếng suối long lanh ấy. Điều này không khó hiểu bởi không gian núi rừng thường được bao phủ bởi nhiều âm thanh phong phú: tiếng chim kêu, tiếng gió thổi, tiếng cây rừng xao xác tiếng muông thú gọi bầy... Trong bài thơ “Cảnh rừng Việt Bắc”, Bác đã từng viết:

“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày”.

Vậy thì có lẽ, đây là chút yên ả hiếm hoi của thiên nhiên núi rừng vào thời khắc đêm khuya. Thiên nhiên yên tĩnh nhưng cũng là tâm hồn con người yên tĩnh, thanh thản hòa mình vào vẻ đẹp của tự nhiên. Thiên nhiên vào giây phút ấy thật hữu tình biết mấy: Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.

Hai từ "lồng" cùng nằm trong một câu thơ tạo những ấn tượng rất đặc biệt. "Lồng" là động từ chỉ việc các vật nằm vào trong một cách thật khớp để tạo thành một chỉnh thể. Câu thơ hữu tình như một bức tranh duyên: ánh trăng mênh mông tỏa sáng bao trùm lên cây cổ thụ, bóng cây cổ thụ lại dịu dàng phủ mình lên những nhành hoa.

Bác dùng từ "lồng" rất "đắt", nó trở thành "nhãn tự" cho câu thơ. Chỉ với một từ ấy, cảnh vật như đang giao hòa, nương dựa vào nhau một cách duyên dáng, đáng yêu. Đôi mắt người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh thật hữu tình, bác ái.

Cảnh khuya sống động, có hồn bao nhiêu càng chứng tỏ một điều: người thưởng cảnh đang xa rời giấc ngủ yên bình thường nhật. Bởi vậy nên: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ.

Cảnh khuya trong trẻo, tĩnh lặng càng làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ thao thức không yên trong đêm vắng. Người hoà mình vào thiên nhiên để cất tiếng thơ ngợi ca thiên nhiên núi rừng song đó chỉ là giây phút phiêu du vào mây gió còn tâm hồn người thực sự đang gửi gắm ở một chân trời khác: Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Câu thơ vang lên như một sự bừng tỉnh cho người đọc. Ta cứ ngỡ Bác đang thảnh thơi thưởng cảnh chơi trăng nhưng kì thực tấm lòng người vẫn đau đáu cho nỗi niềm non nước. Bác "chưa ngủ" vì một lẽ rất Hồ Chí Minh: “vì lo nỗi nước nhà”. Nói vậy bởi Bác đã có nhiều đêm không ngủ, nhiều đêm trở trăn vì cuộc kháng chiến của dân tộc:

“Một canh, hai canh, lại ba canh

Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng lành

Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”.

Vậy là, dù có tạm để lòng mình hướng đến cảnh vật xung quanh (một lời hỏi thăm người bạn muôn đời của thi nhân kim cổ) tâm hồn Bác vẫn luôn dành trọn tâm tình cho non sông, dân tộc. Và nói như nhà thơ Minh Huệ:

“Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh”

Bài thơ khép lại với bao dư âm mênh mang lan tỏa. Đã hơn một lần chúng ta xúc động trước tấm lòng cao cả, bác ái của Bác Hồ nhưng mỗi lần đọc lại “Cảnh khuya” ta lại bồi hồi với những tâm tình của một người mà cả cuộc đời chưa bao giờ nghỉ ngơi, chưa bao giờ an mình trong giấc ngủ.

Nghị luận phân tích, đánh giá về chủ đề và một số nét đặc sắc về nghệ thuật của một bài thơ - Mẫu 12

Khi nói đến tình mẫu tử trong thơ, tôi nghĩ ngay đến bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư. Nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình trong bài thơ không phải là sự đau đớn, buồn thương da diết, nhưng lại cho thấy được tâm trạng hồi tưởng rất thật về hình ảnh người mẹ.

Chủ đề trong bài thơ Nắng mới là nỗi nhớ mẹ của chủ thể trữ tình. Người mẹ được hiện lên trong nỗi nhớ với những hình ảnh gần gũi, giản dị mà lại đẹp đẽ có phần lấp lánh: Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội/ Áo đỏ người đưa trước giậu phơi; Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa. Tôi đã bắt gặp nhiều hình ảnh người mẹ trong thơ văn. Nhưng đây là lần đầu tiên, tôi thấy hình ảnh người mẹ hiện lên một cách nhẹ nhàng, không khắc khổ, lam lũ. Không phải vì chủ thể trữ tình trong bài thơ này không nhớ mẹ, không yêu thương mẹ. Tình cảm ấy được thể hiện qua những từ ngữ như: não nùng, chập chờn, nhớ, chửa xóa mờ. Mới chỉ là những hình ảnh đẹp đẽ nhưng giản thị thôi đã khiến con người ta phải não nùng, chập chờn thì những hình ảnh khắc khổ, lam lũ sẽ khiến con người ta phải cảm thương đến nhường nào!

Sự chập chờn trong nỗi nhớ cho thấy đây là một nỗi nhớ thường trực, rất khó nguôi ngoai, hết kỉ niệm này, lại đến kỉ niệm khác hiện về. Không chỉ thể hiện nỗi nhớ của người con qua từ ngữ, nhà thơ Lưu Trọng Lư còn thể hiện nỗi nhớ ấy qua cách ngắt nhịp ở khổ thơ đầu. Cách ngắt nhịp chủ yếu của cả khổ thơ là 2/2/3 hoặc 2/5 thì lại xuất hiện một câu thơ được ngắt theo nhịp 3/4 như sự xen vào, như một sự chập chờn. Ở đây, ta thấy được hình thức nghệ thuật trong bài thơ đã góp phần thể hiện chủ đề của nó.

Như vậy, có thể thấy bài thơ Nắng trưa là một bài thơ hay, hay cả về nội dung lẫn hình thức. Đọc xong bài thơ, tôi cũng bỗng nghĩ đến mẹ mình, muốn đỡ đần mẹ để hình ảnh của mẹ luôn là sự vui tươi, nhẹ nhàng, đẹp đẽ, thanh thoát

Xem thêm lời giải soạn văn lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá