Sang tên sổ đỏ, lâu nay đã là việc làm phổ biến và quen thuộc với nhiều người. Tuy vậy, không phải ai cũng nắm rõ quy trình thực hiện loại thủ tục hành chính này theo đúng quy định pháp luật. Trong bài viết dưới đây, Tailieumoi.vn sẽ gửi tới bạn đọc các thông tin về thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con cái.
Thủ tục sang tên nhà đất cho con cái được thực hiện như thế nào ?
Sang tên sổ đỏ thực chất là tên gọi thông dụng trong giao tiếp hằng ngày của thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Chuyển quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 là thủ tục chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang cho người khác thông qua các cách thức như chuyển đổi (áp dụng với đất nông nghiệp trong phạm vi cùng địa phương); chuyển nhượng (hay còn gọi là mua - bán); tặng cho quyền sử dụng đất; nhận thừa kế hoặc góp vồn bằng quyền sử dụng đất.
Kể từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về sử dụng chung một mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (ngày 10/12/2009) theo thông tư số 17/2009/TT-BTNMT với màu hồng cánh sen và hình nền là hoa văn trống đồng thì trước thời điểm ngày 10/12/2009, vẫn tồn tại song song cả hai loại giấy chứng nhận đó là:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở - bìa màu hồng - cấp theo nghị định số 60-CP ngày 05/07/1994 cho các đối tượng gồm nhà ở và đất ở tại nội thành, nội thị xã, thị trấn.
Và:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - bìa màu đỏ - được cấp theo Nghị định 64-CP và thông tư số 346/1998/TT-TCĐC - cho các đối tượng gồm: đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối, đất ở thuộc khu vực nông thôn,...
Do năm 1998, cả nước thống nhất dùng một mẫu giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận có bìa màu đỏ nên khi thực hiện các thủ tục chuyển đổi hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất, người dân đều cần nộp lại Giấy chứng nhận màu đỏ để làm thủ tục chuyển nhượng. Nhưng thay vì nói "mang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất" khá dài dòng, mọi người sẽ nói ngắn gọn là "làm thủ tục sang tên sổ đỏ", và lâu dần cụm từ "sang tên sổ đỏ" trở thành câu nói quen thuộc, cửa miệng với nhiều người.
Việc sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con cái có thể hiểu đây chính là thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất từ bố mẹ sang con. Như vậy, để chuyển quyền sử dụng đất từ bố mẹ sang con, theo giải nghĩa tại khoản 10 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013, có các hình thức sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con như sau:
Một là,chuyển đổi quyền sử dụng đất.
Hai là, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất - gọi nôm na là "bán nhà và đất" cho con.
Ba là, tặng cho con quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất
Việc cha mẹ chuyển đổi - đổi quyền sử dụng đất với con hoặc bán đất bán nhà cho con tuy có xảy ra nhưng không phổ biến bằng việc cha mẹ tặng cho con nhà và đất.
Trước khi thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ cho con, bố mẹ và con phải đáp ứng một số các điều kiện dưới đây để được thực hiện quyền tặng cho và nhận tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
· Điều kiện đối với bố mẹ - bên tặng cho:
Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, cụ thể là tại Điều 188, bố mẹ phải đáp ứng các điều kiện gồm:
- Mảnh đất hoặc căn nhà được tặng cho phải có Giấy chứng nhận đúng quy định pháp luật và thuộc quyền sử dụng, hoặc quyền sở hữu hợp pháp của bố mẹ;
- Quyền sử dụng đất hoặc nhà là đối tượng tặng cho không thuộc diện đang có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất được tặng cho không thuộc diện bị kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án.
* Điều kiện đối với con - bên nhận tặng cho:
Các trường hợp bị hạn chế việc nhận tặng cho quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 như:
- Các trường hợp con là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Các trường hợp nhận tặng cho là quyền sử dụng đất thuộc diện bị hạn chế chuyển nhượng hoặc không được chuyển nhượng như: đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng,...
Để thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ, thông thường phải trải qua các bước sau:
Bước 1: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, tặng cho nhà ở,... có thể được công chứng tại phòng công chứng, văn phòng công chứng hoặc Chứng thực tại Uỷ ban nhân dân cấp xã (UBND xã hoặc UBND phường) nơi có đất.
Để công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho, bạn cần chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ sau:
- Hợp đồng tặng cho đã soạn sẵn (nhưng chưa ký - phải ký trước mặt công chứng viên hoặc cán bộ chứng thực) hoặc có thể yêu cầu dịch vụ soạn thảo hợp đồng tặng cho từ phòng/văn phòng công chứng.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất (Sổ đỏ hoặc sổ hồng).
- Giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bố, mẹ. con.
- Giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ - chứng minh tài sản chung.
- Giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của con (nếu có - một số văn phòng công chứng sẽ yêu cầu giấy tờ này nếu con đã đăng ký kết hôn).
- Phiếu yêu cầu công chứng.
Bước 2: Kê khai thuế, lệ phí trước bạ
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007, sửa đổi bổ sung năm 2012 và Nghị định 10/2022/NĐ-CP thì tặng cho quyền sử dụng đất, nhà giữa cha mẹ đẻ - con đẻ hoặc cha mẹ nuôi với con nuôi là trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân và miễn lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, bạn vẫn phải làm thủ tục kê khai thuế, lệ phí và ghi đầy đủ thông tin về lý do được miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn lệ phí trước bạ trong tờ khai thuế, lệ phí.
Bước 3: Đăng ký biến động đất đai (đăng ký biến động đất đai trong trường hợp tặng cho này có nghĩa là đăng ký việc thay đổi người sử dụng đất, sở hữu nhà từ bố mẹ sang con).
Lưu ý: Thông thường, việc kê khai nộp thuế, lệ phí sẽ diễn ra đồng thời với việc đăng ký biến động và được thực hiện tại bộ phận 1 cửa UBND cấp xã( UBND cấp xã, phường, thị trấn) hoặc tại Văn phòng đăng ký đất đai. |
Sau khi hợp đồng tặng cho được công chứng (hoặc chứng thực), cần chuẩn bị một bộ hồ sơ sau để làm thủ tục đăng ký biến động:
- Đơn đăng ký biến động (theo mẫu);
- Hợp đồng tặng cho nhà, đất đã được công chứng, chứng thực (bản gốc);
- Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở,...
- Tờ khai thuế thuế thu nhập cá nhân và Tờ khai lệ phí trước ban (mẫu tờ khai này bạn có thể tải sẵn trên mạng hoặc cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ đưa cho bạn để bạn kê khai thông tin).
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhập sẽ trả bạn phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Thời gian giải quyết thông thường không quá 10 ngày làm việc (hoặc 20 ngày tại nơi như các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn) kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (ngày làm việc không bao gồm ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần).
Khi nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đứng tên con (trường hợp được cấp mới) hoặc thông tin về người sử dụng đất, người sở hữu nhà ở hiện tại là con được ghi nhận ở trạng 3, trang 4 của Giấy chứng nhận điều đó đồng nghĩa với việc thủ tục sang tên sổ đỏ từ bố mẹ sang con đã hoàn tất. 3. Bố mẹ sang tên sổ đỏ cho con trai, con dâu cần lưu ý những gì ?
3.1 Điều kiện bố mẹ chồng sang tên sổ đỏ cho con trai, con dâu
Việc sang tên, chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ, sổ hồng) giữa bố mẹ và con cái được tiến hành theo quy định của pháp luật.
Người cho tặng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Đất có giấy chứng nhận.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
- Trong thời gian sử dụng đất.
- Ngoài ra, người nhận chuyển nhượng không thuộc đối tượng cấm chuyển nhượng, tặng cho theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai 2013.
3.2 Đất bố mẹ cho con trai, con dâu là tài sản chung hay riêng?
Tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được chia làm 2 loại, gồm: tài sản chung và tài sản riêng.
Trường hợp bố mẹ chồng cho đất cho con trai, con dâu, nhưng trong văn bản cho tặng công chứng, chứng thực chỉ thể hiện nội dung là cho con trai. Thì tài sản nhà đất đó chỉ thuộc quyền sở hữu của con trai.
Ngược lại, nếu bố mẹ cho tặng nhà đất mà trong văn bản đã công chứng, chứng thực ghi tên người thừa hưởng là con trai, con dâu thì đó là tài sản chung của hai vợ chồng.
Khi quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khắc gắn liền với đất là tài sản chung thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ các trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.
3.3 Những lưu ý khi sang tên sổ đỏ nhà đất cho con trai, con dâu
Khi thực hiện việc tặng cho quyền sử dụng đất, bên tặng nên làm rõ các vấn đề sau:
- Xác định rõ đối tượng tặng đất. Bố mẹ tặng riêng cho con trai, hay cả hai vợ chồng con trai con dâu.
- Xác định hình thức tặng cho. Khi tặng cho quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản và nhà ở gắn liền với đất phải lập hợp đồng tặng cho tài sản và được công chức rõ ràng.
Trường hợp tặng cho nhà đất bằng miệng không có căn cứ pháp luật để xác nhận quyền sở hữu đối với nhà đất, và quyền lợi của người được cho tặng.
Khi bố mẹ chẳng may qua đời và không để lại di chúc hợp pháp, những rủi ro về pháp lý có thể xảy ra.