Hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ được sinh ra do mang thai hộ

1.5 K

Trẻ em được sinh ra bằng phương pháp mang thai hộ hoàn toàn được đăng ký khai sinh theo quy định pháp luật. Vậy hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ được sinh ra do mang thai hộ được thực hiện như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chính xác về vấn đề này!

Hồ sơ, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ được sinh ra do mang thai hộ

1. Hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra do mang thai hộ gồm có những thành phần gì?

Khoản 1 Điều 16 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ như sau:

“Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ

1. Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch và văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ. Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ”.

Trong đó, khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:

“Thủ tục đăng ký khai sinh

1. Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật”.

Như vậy, hồ sơ đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ sẽ gồm những thành phần, giấy tờ như sau:

Thành phần hồ sơ

Ghi chú

1. Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu)

Bản chính

2. Giấy chứng sinh

Bản chính

3. Văn bản chứng minh việc mang thai hộ

Bản chính

4. Văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ

Bản chính

5. Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Xuất trình

6. Giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú trong trường hợp cơ quan đăng ký hộ tịch không thể khai thác được thông tin về nơi cư trú của công dân

Xuất trình

Lưu ý: Đối với tờ khai đăng ký khai sinh thì phần thông tin về cha, mẹ của trẻ em được sinh ra do mang thai hộ sẽ điền thông tin của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ.

2. Thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em được sinh ra do mang thai hộ được thực hiện như thế nào?

Khoản 2 Điều 16 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ như sau:

“Đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ

2. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này”.

Trong đó, khoản 2 Điều 16 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:

“Thủ tục đăng ký khai sinh

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh”.

Như vậy, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ gồm:

Bước 1: Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp hồ sơ tại UBND xã có thẩm quyền.

Bước 2: Ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch; cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Bước 3: Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho trẻ em được sinh ra do mang thai hộ.

3. Nội dung đăng ký khai sinh của trẻ em được sinh ra do mang thai hộ gồm các thông tin nào?

Điều 14 Luật Hộ tịch 2014 quy định nội dung đăng ký khai sinh như sau:

“Nội dung đăng ký khai sinh

1. Nội dung đăng ký khai sinh gồm:

a) Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

b) Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

2. Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ của người được khai sinh được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.

3. Nội dung đăng ký khai sinh quy định tại khoản 1 Điều này là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào Sổ hộ tịch, Giấy khai sinh, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.

Chính phủ quy định việc cấp số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh”.

Như vậy, nội dung đăng ký khai sinh của trẻ em được sinh ra do mang thai hộ sẽ gồm có những nội dung như sau:

- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch;

- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Nội dung đăng ký khai sinh được hướng dẫn cụ thể theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

- Quốc tịch của trẻ em được xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;

- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịchNghị định 123/2015/NĐ-CP;

- Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch.

- Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

- Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch.

4. Thủ tục cấp lại Giấy chứng sinh thực hiện ra sao?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BYT thủ tục cấp lại Giấy chứng sinh thực hiện như sau:

(1) Trường hợp đã cấp Giấy chứng sinh mà phát hiện có nhầm lẫn khi ghi chép Giấy chứng sinh: bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này, kèm theo giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được các giấy tờ hợp lệ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng sinh có nhầm lẫn để hủy, đơn và giấy tờ chứng minh được lưu cùng với bản lưu cũ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Giấy chứng sinh được cấp lại phải ghi rõ số, quyển số của Giấy chứng sinh cũ và đóng dấu “Cấp lại”. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không quá 03 ngày làm việc.

Giấy tờ chứng minh nội dung nhầm lẫn: đối với trường hợp nhầm lẫn về họ tên mẹ hoặc người nuôi dưỡng, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, số chứng minh nhân dân, dân tộc thì gửi kèm bản phô tô Giấy chứng minh nhân dân (mang theo bản chính để đối chiếu); đối với trường hợp nhầm lẫn về nơi đăng ký tạm trú thì kèm theo xác nhận của Công an khu vực về nơi đăng ký tạm trú.

(2) Trường hợp mất, rách, nát Giấy chứng sinh: bố, mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 03 ban hành kèm theo Thông tư này có xác nhận của Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng sinh mới như trường hợp cấp Giấy chứng sinh có nhầm lẫn. Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn xác minh không được quá 03 ngày làm việc.

Đánh giá

0

0 đánh giá