Anh chị em kế, anh em nuôi, anh em họ, anh em cùng cha khác mẹ có được lấy nhau không?

2.6 K

          Xã hội ngày càng phát triển kéo theo những mối quan hệ trong hôn nhân gia đình cũng ngày càng phức tạp. Hiện nay, không hiếm những trường hợp anh chị em kế, anh em nuôi, anh em họ, anh em cùng cha khác mẹ muốn kết hôn với nhau. Vậy những mối quan hệ này có được pháp luật cho phép kết hôn không? Điều kiện kết hôn là gì? Thủ tục kết hôn như thế nào? Hãy tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Anh chị em kế, anh em nuôi, anh em họ, anh em cùng cha khác mẹ có được lấy nhau không?

1. Anh chị em kế có được kết hôn không?

          Anh em kế, chị em kế được hiểu là con riêng của vợ và con riêng của chồng.

Căn cứ theo quy định tại khoản 17 và khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về kết hôn cùng dòng họ cụ thể như sau:

          “17. Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau.

          18. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.”

Ngoài ra, điểm d, khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình cụ thể như sau:

          “2. Cấm các hành vi sau đây:

         

          d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

          …”

Theo những quy định trên thì pháp luật Hôn nhân gia đình Việt Nam cấm việc kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời nhằm đảm bảo khuôn khổ đạo đức thuần phong mỹ tục cũng như sức khỏe của con cái sau khi sinh ra.

Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình hiện nay không có quy định cấm con riêng của vợ thì không được kết hôn với con riêng của chồng. Do đó, nếu sau này mẹ bạn tái hôn và bố dượng có con riêng thì anh em bạn vẫn có thể kết hôn với con riêng của bố dượng nếu vẫn đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

2. Anh em nuôi có được kết hôn không?

          Con nuôi là con được cha mẹ nhận nuôi từ một người khác theo thủ tục nhận con nuôi mà pháp luật quy định. Giữa con nuôi và cha mẹ không có quan hệ huyết thống, không cùng một dòng máu. Theo Luật hôn nhân và gia đình, quan hệ giữa con nuôi với cha, mẹ nuôi được xác lập bởi sự kiện nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Con nuôi là người không phải do cha, mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc sinh ra, giữa hai bên không có quan hệ sinh thành.

Như vậy, có thể hiểu con nuôi là con của người khác nhưng được một người hoặc hai người là vợ chồng nhận làm con và coi như con đẻ của mình.

Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì “cấm kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng”.

          Như vậy, pháp luật chỉ cấm kết hôn giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi. Quan hệ anh em nuôi nên không thuộc trường hợp bị pháp luật cấm kết hôn.

(Anh em nuôi có được kết hôn không?)

3. Anh em họ có được kết hôn không?

          Anh em họ là từ ngữ để chỉ mối quan hệ họ hàng và muốn đề cập đến những người thân thích vời người đó trong gia đình, gia tộc hoặc có tổ tiên chung. Nói một cách khác thì anh em họ tức là người con của cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột đối với đối tượng đang được đề cập.

          Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba. Mà theo điểm d khoản 2 Điều 5 cũng trong quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là hành vi bị cấm.

Như vậy căn cứ vào các quy định trên có thể thấy anh em họ có thứ bậc thấp hơn một bậc so với anh em ruột nhưng vẫn nằm trong mối quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời nên trong trường hợp anh em họ thì không được kết hôn với nhau.

4. Anh em cùng cha khác mẹ có được kết hôn không?

          Pháp luật nghiêm cấm việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Trong đó, những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

          Như vậy, có thể xác định anh em cùng cha khác mẹ thuộc trường hợp là những người có họ trong phạm vi ba đời, trong đó có cha là đời thứ nhất và anh em cùng cha là đời thứ hai. Do đó, trong trường hợp anh em cùng cha khác mẹ thì không được kết hôn với nhau.

5. Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật

Trường hợp anh chị em kế và anh chị em nuôi không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn, chủ thể đăng ký kết hôn vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

          1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

          a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

          b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

          c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

          d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này

          2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Nếu đáp ứng đủ điều kiện trên, hai bạn có thể đến ủy ban nhân dân xã để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

(Điều kiện đăng ký kết hôn)

6. Thủ tục đăng ký kết hôn

Thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện như sau:

Bước 1: Người có yêu cầu đăng ký kết hôn nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.

Bước 2: Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.

Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn ngay để người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì người tiếp nhận phải lập văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.

Bước 3: Ngay sau khi tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn. Khi trả kết quả đăng ký kết hôn, công chức tư pháp – hộ tịch hướng dẫn hai bên nam, nữ kiểm tra nội dung trong Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn.

Đánh giá

0

0 đánh giá