Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới: Kiêu binh nổi loạn

5.5 K

Với giải Câu 3 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 10 Cánh diều chi tiết trong Bài 8: Văn bản nghị luận giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 10. Mời các bạn đón xem:

Giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 10 Bài 8: Văn bản nghị luận

Câu 3 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 10 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

Kiêu binh nổi loạn

Hoàng Lê nhất thống chí có nghĩa là ghi chép về sự thống nhất thiên hạ của nhà Lê, song thực chất tác phẩm lại phản ánh hai sự kiện lớn nhất trong lịch sử nước ta cuối thế kỉ XVIII. Đó là sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của nhà nước phong kiến Lê - Trịnh và sức mạnh phi thường, công lao to lớn với đất nước của phong trào Tây Sơn. Đoạn trích Kiêu binh nổi loạn trên đây thuộc về sự kiện thứ nhất. Đúng như đầu đề của đoạn trích, kiêu binh nổi loạn về cuộc nổi dậy của đám thân quân chống lại tập đoàn chúa Trịnh Cán, mà đối tượng chính là Tông, con trưởng Trịnh Sâm. Danh nghĩa cuộc nổi dậy là chính đáng nhằm khôi phục lại kỉ cương, báo vệ nhà chúa nhưng trái lại nó lại là mở đầu cho sự sụp đồ cơ đồ họ Trịnh và kéo theo cả sự sụp đồ của nhà Lê.

Thông thường, các cuộc chính biến bao giờ cũng được chuẩn bị rất chu đáo về các mặt: danh nghĩa, mục đích, lực lượng, kế hoạch, thời gian và nhân sự, mà quan trọng nhất là bộ phận đầu não. Cuộc nổi dậy của kiêu binh lần này không thế, nó được khởi xướng một cách gần như ngẫu nhiên, từ một câu hỏi không có chủ đích của thế tử cũ: “Bên ngoài lòng người ra sao?”. Có thể lời nói đó là một câu hỏi không có chủ đích bởi vì Trịnh Tông lúc đó đang ở trong tình huống bị giam giữ không liên lạc được với bên ngoài, không có phe cánh, chỉ có một ít gia thần, nỗi lo của Tông bấy giờ chỉ là làm sao được bảo toàn tính mạng. Tuy nhiên, câu hỏi tình cờ đó đã nhanh chóng dẫn dắt đến một dự định sau khi Tông được biết một thông tin thuận lợi do Dự Vũ, người đầu bếp cung cấp:

- “Nhà chúa bỏ con cả lập con út, thiên hạ đều căm ghét, nhất là quân lính lại càng bất bình lắm. Hôm nọ trong khi tân chúa lên ngôi, theo lệ có ban tiền bạc cho các quân sĩ, nhưng trong quân nhao nhao, có kẻ không chịu nhận tiền ấy. Sau, Quận Huy phải ra lệnh nghiêm cấm, họ mới miễn cưỡng nghe theo, mà trong lòng vẫn còn hậm hực”.

Từ câu chuyện vu vơ với anh đầu bếp, Tông đã nảy ra một dự định và “đem chuyện ấy bàn với một viên gia thần tên là Gia Thọ”, y cũng khích lệ:

- “Lòng người như thế, nếu lấy nghĩa khí mà khích động, khiến cho họ một

lòng tôn phù, thì việc lớn ắt thành”.

Có thể nói ý kiến của Gia Thọ đã có tác động lớn đến quyết định của Trịnh Tông. Từ “mừng thầm” đến “mừng lắm”, Tông đã bắt tay cho hành động: “mời bọn biện lại trong đám thân quân tới đánh chén” và lấy nghĩa khí khích động họ. Quả thật lời kêu gọi của Trịnh Tông rất có tình có lí: Thế tử (Tông) không có tội, mụ họ Đặng mê hoặc tiên chúa. Hoàng Đình Bảo vốn có chí phản nghịch, vương tử Cán bé dại, yếu ốm; sự câu kết của Đặng Thị Huệ và Quận Huy đã đưa cơ đồ nhà chúa đến chỗ “nguy biến” nay mai. Ba quân đối với nhà chúa vừa có tình quê hương (người ở đất “thang mộc”), vốn sẵn lòng trung nghĩa, là nanh vuốt của nhà nước, lại chịu ơn nhà chúa nuôi nấng trong hai trăm năm, trong tình hình ấy “giúp đỡ nhà chúa” là trách nhiệm, là nghĩa vua tôi, huống nữa lại còn “sách son, khoán sắt lưu truyền muôn đời”.

Sau lời “phát động” của Trịnh Tông, cuộc biến thực sự bắt đầu. Vương tử Tông đã nhận được một lời đáp mà những người chủ xướng các việc lớn phải thèm muốn:

- “Chúng tôi vẫn có bụng đó, nhưng chưa biết ý vương tử ra sao? Sợ đến lúc ấy nhỡ có điều gì kinh động, người lại quở trách chúng tôi gây việc. Nay vương tử đã ngỏ ý cho biết như thế, thì việc này chắc không khó gì”.

Với sự dắt dẫn các tình tiết như trên, các tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã cho người đọc thấy cuộc nổi loạn của kiêu binh vào thời gian ấy quả là vừa mang tính ngẫu nhiên lại cũng vừa mang tính tất yếu.

Có thể nói Kiêu binh nổi loạn là một cuộc chính biến kì lạ, có lẽ đúng với nghĩa của chữ “loạn”. Nó diễn biến, phát triển rất nhanh chóng. Kể từ cuộc nói chuyện giữa Trịnh Tông và Dự Vũ cho đến khi khởi sự chính thức chỉ có năm cuộc họp bàn cả lớn lẫn nhỏ (Trịnh Tông nói chuyện với Dự Võ; Trịnh Tông bàn với Gia Thọ; bữa cơm thiết biện lại ở nhà Trịnh Tông; cuộc uống máu ăn thề của chúa Khán Sơn và bọn Bằng Vũ bàn quyết định ngày khởi sự). Ngoài ra cũng còn vài cuộc thương lượng giữa đại diện của thân quân với Quận Viêm, Nguyễn Kiêm và mấy người vận động hộ họ với thánh mẫu, Quận Hoàn. Nói chung đó là những cuộc họp đầy tính chất tự phát và không hề hoạch định được một kế hoạch hành động nghiêm chỉnh. Trong cuộc họp mặt ào ào sôi động như thế, ai đề xướng được điều gì họ nghe theo ngay: Bằng Vũ bảo dùng trống làm hiệu lệnh họ cũng đồng ý và giao luôn việc ấy cho Vũ; Bất Trực bảo nên xin ý chỉ thánh mẫu họ cũng chấp thuận cùng đi với Trực; đến nhà quận Viêm, Viêm đẩy sang Nguyễn Kiêm thì họ sang nhà Nguyễn Kiêm... Một công việc tày đình như thế nhưng hầu như họ không có người đứng đầu, cũng không có kỉ luật nghiêm mật, đến nỗi trong cuộc họp mặt ăn thề, người nhà của quốc cữu chẳng hiểu vì sao cũng biết mà đến được; thậm chí ngày khởi sự còn chưa định mà dân ngoài phố đã xôn xao khiến cho kẻ “hiếu sự” soạn hộ ngay một bài kịch Ba quân phò chính ngầm đem dán khắp nơi! Không thấy bộ phận đầu não của cuộc chính biến có những hoạt động gì để phòng bị và đối phó với những tình huống xấu xảy ra ngoài một quyết định táo bạo nhưng cũng có phần phó mặc cho may rủi: “Thấy chuyện đã vỡ lở như vậy, bọn Bằng Vũ cho là thế không thể đừng được, bèn quyết định ngay ngày hôm sau khởi sự, không cần phải tâu với thánh mẫu nữa”.

Và đúng như lệnh, sáng hôm sau, sau lễ cúng cơm, hiệu binh nổi trống khởi sự, cuộc bạo động diễn ra ngay trong sân phủ chúa trước mặt các quan đậm màu sắc trung cổ, và vô chính phủ. Khi đánh nhau thì họ “đâm chém túi bụi”, “lấy gạch đá ném tới tấp”; riêng Quận Huy thì họ lôi từ trên mình voi xuống “đánh đấm túi bụi giết chết ngay tại chỗ, ...”; em Quận Huy cũng bị đập chết bằng gạch đá rồi vứt xác xuống hồ Thuỷ Quân; nhà cửa dinh thự Quận Huy và tất cả các quan văn võ thuộc phe cánh Đặng Thị Huệ hoặc thường ngày bị họ ghét cũng bị đập phá tan tành, bị lùng bắt giết chết,... Họ làm náo động kinh thành đến mấy ngày mà Trịnh Tông hạ chỉ ngăn cấm cũng không được. Qua ngòi bút của tác giả, ta có thể hình dung được các thế lực chính trị đương thời: Quận Huy đã bị cô lập, đến mức không một ai cùng chiến đấu với ông, trừ người em ruột Lý Vũ hầu; các quan trong triều giữ thái độ trung lập cốt bảo mạng, còn thân quân thì rất mạnh. Họ tự phát, không người chỉ huy, nhưng cậy số đông họ cứ sấn tới và sự kích động đã làm cho họ can đảm, hăng hái, đó cũng là một nguyên nhân chính đem đến thành công cho cuộc biến.

Cuộc biến đạt được thắng lợi nhanh chóng, giết được Hoàng Đình Bảo, hạ bệ được phe cánh Đặng Thị Huệ và lấy được ngôi chúa cho Trịnh Tông, dân kinh thành có được một chuyện vui là kéo đi xem chúa “đông như họp chợ”, còn binh lính thì hả hê, reo mừng, người đi đường đều hí hửng nói ““chúa ta lập rồi”, kinh kì phải nghỉ phiên chợ!

Tuy nhiên, đối với gia đình họ Trịnh, sự kiện này là bằng chứng của sự sụp đổ hoàn toàn của uy quyền phủ chúa. Hai anh em Trịnh Tông, kẻ thì sợ quá mà chết, kẻ thì trở thành đồ chơi, con rối trong tay quân lính. Cuộc rước Trịnh Tông từ nhà Tả Xuyên sang phủ chúa chẳng có lấy một chút uy nghiêm mà nói như GS. Hoàng Hữu Yên: “Đúng là một trò đùa giỡn!”. Họ “dùng tạm chiếc mâm vẫn bày cỗ lộc làm ghế đặt thế tử ngồi lên, rồi tám người kề vai vào khiêng. Chốc chốc, họ lại nâng bổng chiếc mâm lên trên đầu mà đội, đầu mỏi lại hạ xuống vai, rồi vai mỏi lại nâng lên đầu. Cứ thế lên lên xuống xuống y như người ta giỡn quả cầu hoặc rước pho tượng Phật. Mỗi lần, thế tử được nhô cao lên, quân lính lại vỗ tay reo hò vang lên một chặp. Những kẻ buôn bán ở các phố phường, chợ búa đều tranh nhau kéo đến xem chúa, sân phủ đông như họp chợ!”.

Quả thật cuộc đăng quang của một vị chúa chính thống như Trịnh Tông ngày 24 tháng 10 năm Nhâm Dân (1782) chỉ là một màn bi hài kịch mà với những nhà nho tâm huyết có thể cười ra nước mắt.

Khác với bút pháp truyện cổ tích, truyện Nôm,..., nhân vật và hoàn cảnh được lí tưởng hoá, phân tuyến rạch ròi, Kiêu binh nổi loạn không thế, đã được ghi chép gần gũi với hiện thực. Điều đó được thể hiện trong việc xây dựng các nhân vật. Kiêu binh nổi loạn có hai phe: Trịnh Tông và Trịnh Cán; phe Trịnh Tông có thể xem là chính thống, phe Hoàng Đình Bảo và Đặng Thị Huệ là phản nghịch nhưng cả hai đều không có những nhân vật cực đoan, hoặc quá hoàn hảo, hoặc quá xấu xa, mà nói chung đều đa dạng, đều thực. Lấy nhân vật Hoàng Đình Bảo làm ví dụ. Hoàng là nhân vật phản diện, thao túng cả triều đình, nhiều tham vọng, quyền mưu nhưng y vẫn còn chút ánh sáng trong lương tâm, thể hiện ở việc đối xử với Trịnh Tông, người đã từ chối sự cộng tác và đe doạ sẽ giết Hoàng, đối thủ chính có thể đem đến sự nguy hiểm cho sự nghiệp của Hoàng. Hoàng còn có thể khóc khi người ta đặt vấn đề tính mạng của Tông với y:

“Quận Huy vừa khóc vừa trả lời:

- Tôi thờ tiên chúa, được chịu ơn huệ đã nhiều, nghĩa tuy là vua tôi, nhưng tình là cha con. Thế tử cũng là con của chúa tôi, tôi có lòng nào, thì xin trời đất tru diệt. Phu nhân trở về, cho tôi gửi lời trình trước màn tang của vương tử và quý cung tần rằng, xin cứ yên lòng, tôi sẽ hết sức giúp đỡ, không có điều gì phải lo ngại.”.

Đó là điều khả thủ trong nhân cách Quận Huy. Thêm nữa, ngay đến lúc bại trận, Huy vẫn chọn được cái chết xứng đáng, và trong toàn bộ màn kịch này chỉ có

Huy là người còn có một lúc có thể đem cái uy của mình áp đảo quân lính:

“Quân lính vốn sợ Huy, thấy hắn cưỡi voi lại càng khiếp đảm, đều ngồi sụp xuống nghe lệnh, không dám lên tiếng, cũng không dám xông tới”.

Màn ra trận của Quận Huy cũng hào hùng và Huy đã chết một cách đàng hoàng, đáng để cho người đời phải nể.

Bên phe Trịnh Tông thì trái lại, không tìm được một nhân vật nào sáng giá. Dự Vũ chỉ là anh đầu bếp, được một ưu điểm “cơ trí, nói năng rành mạch”, Gia Thọ thì có chút “tinh khôn”, Bằng Vũ có vai trò nổi nhất nhưng chỉ là anh biện lại biết “dăm ba chữ”, thường làm mướn đơn kiện cho người ta và “vẫn lừng danh là tay điêu toa trong việc xui nguyên giục bị”; Bùi Bật Trực là anh chàng viên ngoại lang đã mắt việc muốn “nhập bọn đề hớt lấy công”. Quốc cữu, Nguyễn Kiêm, Quận Hoàn, những vị tai mắt mà thân binh muốn nhờ đều là những kẻ nhút nhát, chỉ muốn giữ sự giàu sang của gia đình mình nên nghe đến chuyện ấy thì đều hoặc là “sợ lắm” hoặc là “chối đây đẩy”. Trịnh Tông đương nhiên là một kẻ bất tài nhưng lại tham quyền bính, không từ cả việc tranh giành với em, tuy nhiên y lại không hẳn là con người “cạn tàu ráo máng”. Chiếm được ngôi chúa rồi, Tông đã treo giải một trăm lạng vàng và tước hầu cho thầy thuốc nào chữa khỏi bệnh cho chúa em. Và đến một lúc nào đó Tông cũng nhận thức ra rằng việc điều hành đất nước mà phải chịu sức ép của đám “lính tráng thô lỗ” là một sai lầm.

Cuối cùng, nhân vật chính trong cuộc chiến này là đám kiêu binh. Họ có công đem lại ngôi chúa cho con trưởng, theo nho gia đó là “phò chính”, song đối với lịch sử, họ lại có công ở chỗ đẩy nhanh sự sụp đỗ của một thể chế đã hết sức mục ruỗng. Họ là những nạn nhân của sự đè nén, của thân nô lệ, “tức nước vỡ bờ”, họ cũng mong tìm một vị chúa, một vị chính thể dễ thở hơn và họ có sức mạnh, khi đã đồng lòng họ làm được tất cá. Nhưng dưới ngòi bút của tác giả, họ dẫu sao vẫn là một đám đông ít học, tự phát và vô chính phủ. Họ lại nặng về trả thù cá nhân, dễ bị kích động và thích đập phá hơn là biết quý trọng những giá trị văn hoá, tinh thần. Có nhà nghiên cứu cho rằng tác giả Hoàng Lê nhất thông chỉ đã đánh giá thấp hoặc quá khắt khe với kiêu binh, song có lẽ đó chính là giá trị hiện thực của ngòi bút tác giả. Như một danh nhân đã nói “đám đông dốt nát và manh động” thế tất không thể làm được việc lớn.

Trái với chương Quang Trung đại phá quân Thanh là một bản anh hùng ca, Kiêu binh nổi loạn là một màn bi hài kịch. Đoạn rước Trịnh Tông về phủ chúa quả thật không thể tả hay hơn. Ngòi bút lạnh lùng của tác giả đã đạt đến trình độ sắc sảo tuyệt vời của văn châm biếm.

Ngoài ra, sự đối lập giữa danh nghĩa cao cả như “phò chính”, vì “cơ nghiệp của tiên vương”, vì “xã tắc là trọng”,... với những toan tính nhỏ nhoi: “cái chân quốc cữu tiền triều”, “hớt công”, “sợ vạ lây”, “trả thù những quan hầu nghiệt ngã mà hằng ngày quân lính vẫn ghét”, niềm vui mừng vì một vị chúa chân chính đăng quang mà chỉ đáng để dân kinh kì nghỉ một phiên chợ..., đã vạch ra sự vô nghĩa và tính chất trò hề của tất cả mọi việc quốc gia đại sự, từ những phạm trù lí tưởng đến sự tuế toái(1) đối với nhân vật đám đông, ngòi bút tác giả Hoàng Lê nhất thống chí cũng có cách xây dựng riêng. Bên cạnh những vẻ đẹp truyền thống, họ cũng bộc lộ những mặt yếu mà tác giả không tha châm biếm. Cảnh quân sĩ đánh giết Quận Huy có chất hào hùng của một sự “tức nước vỡ bờ”, nhưng cảnh rước Trịnh Tông với những trạng thái tình cảm: “đứng xúm chung quanh, gào lên vui sướng”, “vỗ tay reo hò vang lên một chặp”, hành động kéo nhau đi xem chúa và thái độ “hí hửng” bảo nhau: “Chúa ta lập rồi!”  cho phép người đọc nghi ngờ sự hiểu biết thật sự của họ. Đó chẳng qua chỉ là sự “a dua”, sự trống rỗng về trí tuệ của đám đông mà đã từ lâu lắm bị đè nén, bị nô dịch. Màn kịch này của Hoàng Lê nhất thống chí có thể gợi liên tưởng đến xã hội làng Mùi và chú AQ trong “cách mạng” dưới ngòi bút của Lỗ Tấn sau này.

Đánh giá Hoàng Lê nhất thống chí là việc của một công trình khoa học khác,tuy nhiên, riêng với đoạn trích này ngòi bút tả thực và trào phúng của các tác giả đã là một giá trị xuất sắc, góp phần làm nên giá trị vĩnh cửu của tác phẩm.”.

(Trần Thị Băng Thanh, Giảng văn văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2005, tr.262-267)

(1) Tuế toái: qua loa, sơ sải.

a) Xác định phần mở bài, thân bài và kết bài của văn bản trên.

b) Trong phần thân bài, hãy tìm các luận điểm mà tác giá muốn trình bày.

c) Chọn một đoạn và chỉ ra các câu / đoạn văn thể hiện sự phân tích và ý kiến nhận xét, đánh giá của tác giả bài viết.

Trả lời:

a) Mở bài: “Hoàng Lê nhất thống chí có nghĩa là ghi chép... sự sụp đổ cơ đồ họ Trịnh và kéo theo cả sự sụp đổ của nhà Lê.”.

Thân bài: “Thông thường các cuộc chính biến... dưới ngòi bút của Lổ Tấn sau này.”.

Kết bài: “Đánh giá Hoàng Lê nhất thống chí là việc của một công trình khoa học khác, tuy nhiên riêng với đoạn trích này ngòi bút tả thực và trào phúng của các tác giả đã là một giá trị xuất sắc, góp phần làm nên giá trị vĩnh cửu của tác phẩm.”.

b) Luận điểm 1: Cuộc nổi loạn của kiêu binh vừa mang tính ngẫu nhiên lại cũng vừa mang tính tất yếu.

Luận điểm 2: Kiêu binh nổi loạn là một cuộc chính biến kì lạ, đúng với nghĩa của chữ “loạn”.

Luận điểm 3: Khác với bút pháp truyện cổ tích, truyện Nôm,..., nhân vật và hoàn cảnh được lí tưởng hoá, phân tuyến rạch ròi, Kiêu binh nổi loạn đã được ghi chép gần gũi với hiện thực.

Luận điểm 4: Kiêu binh nổi loạn là một màn bi hài kịch.

c) Có thể chọn đoạn: “Khác với bút pháp truyện cổ tích, truyện Nôm.... thế tất không thể làm được việc lớn.”. Ở đoạn này, sau khi đưa ra nhận định và cũng là luận điểm (“Khác với bút pháp truyện cổ tích, truyện Nôm,..., nhân vật và hoàn cảnh được lí tưởng hoá, phân tuyến rạch ròi, Kiêu binh nổi loạn không thế, đã được ghi chép gần gũi với hiện thực.”), tác giả đã tiến hành việc phân tích nhân vật để làm sáng tỏ (“Điều đó được thể hiện trong việc xây dựng các nhân vật...”). Từ phân tích nhân vật tiêu biểu của phe Trịnh Tông (Hoàng Đình Bảo) đến các nhân vật phe Trịnh Cán (“Kiêu binh nổi loạn có hai phe: Trịnh Tông và Trịnh Cán; phe Trịnh Tông có thể xem là chính thống, phe Hoàng Đình Báo và Đặng Thị Huệ là phản nghịch nhưng cả hai đều không có những nhân vật cực đoan, hoặc quá hoàn hảo, hoặc quá xấu xa, mà nói chung đều đa đạng, đều thực. Lấy nhân vật Hoàng Đình Bảo làm ví dụ... Bên phe Trịnh Tông thì trái lại, không tìm được một nhân vật nào sáng giá. Dự Vũ chỉ là anh đầu bếp, được một ưu điểm “cơ trí, nói năng rành mạch”, Gia Thọ thì có chút “tính khôn”, Bằng Vũ có vai trò nổi nhất nhưng chỉ là anh biện lại biết “dăm ba chữ” thường làm mướn đơn kiện cho người ta và “vẫn lừng danh là tay điêu toa trong việc xui nguyên giục bị”;..); rồi sau đó là nhân vật đám đông - kiêu binh (“Cuối cùng nhân vật chính trong cuộc chiến này là đám kiêu binh. Họ có công đem lại ngôi chúa cho con trưởng, theo nho gia đó là “phò chính”, song đối với lịch sử họ lại có công ở chỗ đây nhanh sự sụp đồ của một thể chế đã hết sức mục ruỗng.”).

Những nhận xét, bình luận của người viết cũng được thể hiện trước, trong và sau khi phân tích. Chẳng hạn, trước khi phân tích: “Khác với bút pháp truyện cổ tích, truyện Nôm,..., nhân vật và hoàn cảnh được lí tưởng hoá, phân tuyến rạch ròi, Kiêu binh nổi loạn không thế, đã được ghi chép gần gũi với hiện thực”; trong khi phân tích: “Hoàng là nhân vật phản diện, thao túng cả triển đình, nhiều tham vọng, quyền mưu nhưng y vẫn còn chút ánh sáng trong lương tâm” hay “Đó là điều khả thủ trong nhân cách Quận Huy” hoặc “Màn ra trận của Quận Huy cũng hào hùng và Huy đã chết một cách đàng hoàng đáng để cho người đời phải nể”; sau khi phân tích: “Có nhà nghiên cứu cho rằng tác giá Hoàng Lê nhất thông chí đã đánh giá thấp hoặc quá khắt khe với kiêu binh song có lẽ đó chính là giá trị hiện thực của ngòi bút tác giả. Như một danh nhân đã nói: “đám đông dốt nát và manh động” thế tất không thể làm được việc lớn.”.

Đánh giá

0

0 đánh giá