Sách bài tập Ngữ văn 7 Bài 9 (Cánh diều): Tùy bút và tản văn 

7.2 K

Với giải sách bài tập Ngữ văn 7 Bài 9: Tùy bút và tản văn sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 7. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Ngữ văn lớp 7 Bài 9: Tùy bút và tản văn

Câu 1 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Trong Bài 9, văn bản Cây tre Việt Nam cùng thể loại với văn bản nào?

A. Người ngồi đợi trước hiên nhà

B. Trưa tha hương

C. Tiếng chim trong thành phố

D. Trưa tha hương và Tiếng chim trong thành phố

Trả lời:

Chọn đáp án: B. Trưa tha hương.

Câu 2 trang 30 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Dựa vào phần Kiến thức ngữ văn trong Bài 9 để trả lời câu hỏi: Điểm giống nhau giữa thể loại tùy bút và tản văn là gì?

A. Chi chép lại những cảm xúc của người viết về con người và sự việc cụ thể

B. Là bài văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật.

C. Là các thể loại của kí, đều là văn xuôi đậm chất trữ tình

D. Nêu lên các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội và bộc lộ ý nghĩ của người viết

Trả lời:

Chọn đáp án: C. Là các thể loại của kí, đều là văn xuôi đậm chất trữ tình

Câu 3 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Phương án nào nêu đúng nội dung chất trữ tình của tùy bút và tản văn?

A. Là sự thể hiện trực tiếp những suy nghĩ, tâm hồn, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới.

B. Là việc kể lại trực tiếp câu chuyện về những sự việc và con người mà tác giả đã được chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc sống.

C. Là việc giới thiệu, mô tả trực tiếp những cảnh vật thiên nhiên và con người mà người viết đã được chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc sống.

D. Là việc nêu lên và bàn luận, nhận xét, đánh giá về những sự việc và con người mà người viết đã được chứng kiến, trải nghiệm trong cuộc sống.

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Là sự thể hiện trực tiếp những suy nghĩ, tâm hồn, tình cảm, cảm xúc chủ quan của người viết trước con người và sự việc được nói tới.

Câu 4 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Nhận biết và chỉ ra tác dụng của một biện pháp tu từ nổi bật trong bài tuỳ bút Cây tre Việt Nam.

Trả lời:

- Biên pháp tu từ nhân hóa được sử dụng gần như toàn bài, nhất là doạn: “Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động. Tre, anh dùng chiến đấu!”.

Tác dụng của biện pháp tu từ nhân hóa chủ yếu nhằm biểu đạt sự thân thiết, tre với người như một; tre là người và người như tre, cũng chung những hành động và phẩm chất cao đẹp như nhau.

Câu 5 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Dẫn ra một hoặc hai câu văn mà em cho là đã thể hiện rõ đặc điểm: Ngôn ngữ của tuỳ bút rất giàu hình ảnh và cảm xúc.

Trả lời:

Một hoặc hai câu văn đã thể hiện rõ đặc điểm: Ngôn ngữ của tuỳ bút rất giàu hình ảnh và cảm xúc là:

“Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nia, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi, … Đâu đâu ta cũng có nứa, tre làm bạn. Tre, nứa, trúc, mai, vầu, mấy chục loại khác nhau, nhưng cũng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu, tre cũng sống. Ở đâu, tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, mầm tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre ấy trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.”.

Câu 6 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Hình ảnh cây tre trong bài tuỳ bút tiêu biểu cho những phẩm chất nào của con người Việt Nam? Nội dung của bài tuỳ bút có ý nghĩa sâu sắc như thế nào?

Trả lời:

Tác giả mượn hình ảnh “Cây tre Việt Nam” để nói lên những suy nghĩ, cảm xúc của mình về con người Việt Nam; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp: anh dũng, cần cù, bền bỉ, thủy chung, sống có nghĩa, có tình, …

Như thế có thể thấy, nội dung của bài tùy bút có ý nghĩa rất sâu sắc; vì chỉ qua hình ảnh cây tre mà nói lên được chính xác và sinh động về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Câu 7 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Em hãy dẫn ra một số bằng chứng để thấy tre, nứa vẫn gắn bó thân thiết với đời sống con người Việt Nam.

Trả lời:

- Trong cuộc sống ngày nay tre, nứa vẫn gắn bó thân thiết với đời sống của nhân dân Việt Nam: Tre để làm ra những đồ thủ công mỹ nghệ, để làm những vị thuộc dân gian quý, tạo ra những sản phẩm điêu khắc đẹp,…

Câu 8 trang 31 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2:Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Mùi tuổi thơ

          Sáng sớm, đi bộ trên con đường nhỏ đầy hoa, mùi hương của tuổi thơ bất chợt ùa về. Tuổi thơ trong tôi là cùng lũ bạn gái với những mái tóc cũn cỡn đuôi hà hue vàng khét nắng, ngồi dưới gốc tre với nắm que chuyền và một trái bưởi non. Là bọn con trai với túi quần đầy những viên sỏi, viên bi ve và khẩu súng cao su đeo toòng teng trước ngực. Là những trưa hè trải nắm guột nằm dài dưới bóng mát của rặng bạch đàn, nghêu ngao những baaif đồng dao dài vô tận. Khán giả trung thành là đàn bò thủng thẳng nghe mà chẳng biết tán dương.

          Tuổi thơ của chúng tôi chỉ có những trái sim, trái ổi cùng tiếng sáo diều vi vu trong những ngày gió đẹp; những chiếc ống bơ than quay tít trong những buổi đông lạnh tê người; những cánh đồng hè sau mùa gặt còn trơ gốc rạ, mỗi đứa một cái giỏ buộc ngang hông và một chiếc rổ con, mặt mũi lem nhem bùn đất. Tuổi thơ ấy, là những đụn khói trên đồng và những củ khoai nhọ nhem, gầy guộc. Biết bao buổi trưa hè trốn mẹ ra đồng tát cá, thả diều; tối tối cùng nhau tụ tập chơi đùa cạnh đống rơm. Đêm hè nằm trên triền đe ngắm trăng, ngắm ông Thần Nông câu cá, …

          Ngày ấy, nhắm mắt lại tôi cũng phân biệt được đâu là mùi lúa thì con gái, đâu là mùi lúa chín, đâu là mùi cánh đồng vừa mới gặt xong. Tôi có thể phân biệt được mùi rơm nếp, rơm tẻ, … Người ta thường yêu mùi lúa chín, nhưng tôi lại yêu mùi rơm thơm, yêu cái mùi ngai ngái của chúng trên cánh đồng khi đã được cày lật. Yêu rơm rạ, đơn giản vì trong tôi thường nhật một nỗi lo. Mùa lúa chín thơm, đẹp và đầy hi vọng, nhưng cũng thật chông chênh. Nhỡ chẳng may … mưa bão, lụt lội ấp tới. Mùi rơm thơm chính là mùi báo hiệu mùa vàng đã yên ổn, thóc lúa đã khô nỏ trong thùng của mỗi gia đình. Đó là mùi của sự ấm no.

          Còn biết bao mùi hương của thuổi thơ vẫn tỏa ngát tỏng tâm trí tôi. Mùi vị chát xít ở đầu lưỡi khi vặt trộm quả khế non chưa rụng cánh tai; mùi thơm nồng của trái thị khi mẹ đi chợ về; … Khứu giác nhạy bén đến nỗi, đứng ở vườn là tôi có thể biết cây ổi nào có trái chín, không cần nhìn cũng biết được đâu là trái ổi đào, đâu là trái ổi mỡ, …

          Rồi mùi tanh của ao làng khi tháo cạn. Bọn trẻ chúng tôi được một bữa thoải mái vầy bùn mà không phải sợ bố mẹ cho ăn roi, thích thú reo hò khi vớ được con cua, con cá.

          Với tôi, mùi tuổi thơ cũng có mùa riêng của nó. Mùa xuân bắt đầu bằng mùi hương thơm của nổi lá mùi già chiều ba mươi Tết. Rồi đến mùi pháo Giao thừa. Mùi hồ trên những bộ quần áo mới tinh. Khi mùi hoa chanh, hoa bưởi tàn, cũng là lúc vội vã chia tay với mùa xuân để đón chờ mùa hạ.

          Những ngày hè của tuổi thơ là cả một thiên đường. Người ta thường nói về mùa hè bằng tiếng ve và những chùm phượng vũ. Nhưng với tôi, mùa hè luôn bắt đầu bằng mùi khét trên túm tóc đuôi gà, mùi của những trái mít chín, mùi chua giòn của những trái sấu non, mùi thanh ngọt của trái sấu chín khi chúng tôi chui lủi vụng trộm trong những vườn cây. Nhưng hấp dẫn nhất, có lẽ là mùi của món cào cào, muồm muỗm béo ngậy nướng vội trong đùm rạ. Mùi mùa hè còn in đậm trên con sông quê ngai ngái bùn và phù sa …

          Hương thu nhẹ nhàng đến khi đầm sen nở rộ. Mùi thơm thị vàng treo lủng lẳng trong chiếc rọ len, những trái hồng, trái bưởi, rồi mùi bánh nướng, bánh dẻo trong tết Trung thu, … Đó là những mùi tuổi thơ thật ngọt ngào. Đáng tiếc là, mùa thu thường là mùa ngắn ngủi nhất trong năm. Chẳng mấy chốc mà lại thấy mùi khoai nướng báo hiệu đông về! Trên đồng khô, lũ trẻ chúng tôi sẽ reo vui ầm lên khi bất chợt bắt gặp một mầm khoai trồi lên. Có khi chẳng kịp nướng, chỉ chùi vội lớp vỏ vào búi cỏ may, thế là no bụng … Rồi từng đợt gió bấc như boét lạnh khi những tấm mía được vùi thơm nức giữa đống lửa gom từ những đụm rạ còn sót trên đồng.

          Những ai đã từng gắn bó với đồng quê, hẳn sẽ không bao giờ quên được những mùi vị ấy của tuổi thơ. Những mùi hương dân đã dưỡng nuôi chúng tôi lớn lên, mộc mạc, bình dị như mảnh đất quê hương.

(Võ Hằng, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, số 17, ra ngày 10-09-2021)

a. Nhan đề bài viết có gì đặc sắc? Em hiểu nghĩa của nhan đề Mùi tuổi thơ là gì?

b. Nội dung chính của văn bản là gì?

c. Chỉ ra các biểu hiện của thể tùy bút trong văn bản Mùi tuổi thơ.

d. Viết một đoạn văn để làm rõ câu chủ đề: Em cũng có mùi tuổi thơ.

Trả lời:

a. Nhan đề “Mùi tuổi thơ” là một cụm danh từ, sử dụng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. “Mùi” là hơi tỏa ra được nhận biết bằng mũi, “tuổi thơ” là lứa tuổi còn nhỏ, còn nôn dại. Nhan đề “Mùi tuổi thơ” đã làm nổi bật chủ đề của tác phẩm, nói về những kỉ niệm ngày thơ ấu của tác giả.

b. Nội dung chính: tác giả kể về, nhớ lại những kỉ niệm tuổi thơ của tác giả thông qua “mùi tuổi thơ”.

c. Những biểu hiện của thể tùy bút trong văn bản Mùi tuổi thơ là: Văn bản là bài ghi chép một cách tự do những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân của tác giả về thời thơ ấu của chính mình. Ngôn ngữ trong văn bản giàu chất thơ, được thể hiện qua một số hình ảnh so sánh như: Những ngày hè của tuổi thơ là cả một thiên đường; Tuổi thơ trong tôi là cùng lũ bạn gái với những mái tóc cũn cỡn đuôi hà hue vàng khét nắng, ngồi dưới gốc tre với nắm que chuyền và một trái bưởi non. Là bọn con trai với túi quần đầy những viên sỏi, viên bi ve và khẩu súng cao su đeo toòng teng trước ngực. Là những trưa hè trải nắm guột nằm dài dưới bóng mát của rặng bạch đàn, nghêu ngao những baaif đồng dao dài vô tận. Khán giả trung thành là đàn bò thủng thẳng nghe mà chẳng biết tán dương;… Từ ngữ giàu nhạc điệu.

d. Em cũng có mùi tuổi thơ. Tuổi thơ của em được nuôi dưỡng bằng những lời ru của bà của mẹ. Lời ra đưa em vào giấc ngủ, hơn thế lời ru ấy còn chắp cánh ước mơ cho em bay cao, bay xa. Tuổi thơ của em còn là những buổi trưa hè trốn đi chơi với những đứa bạn cùng làng. Những đứa trẻ con tìm những bãi đất trống thả diều, chơi ô ăn quan,… Rồi mùi tuổi thơ ấy là những lần được nếm trải trận đòn roi của mẹ bỏi sự ngây dại của trẻ thơ… Tuy giờ đã lớn khôn, nhưng những kỉ kiệm tuổi thơ ấy vẫn luôn in hằn sâu trong tâm trí của em và chẳng thể nào quên được.

Câu 1 trang 33 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà viết về vấn đề gì?

A. Phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ trong các cuộc kháng chiến cứu nước.

B. Những giá trị truyền thống quý báu trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc cần được trân trọng, lưu giữ và bảo tồn.

C. Vấn đề đạo lí truyền thống: “uống nước nhớ nguồn”, cần tôn trọng, phát huy và giáo dục thế hệ trẻ ngày nay.

D. Vấn đề giá trị và ý nghĩa của các cuộc kháng chiến vệ quốc cần được ghi nhớ và phát huy.

Trả lời:

Chọn đáp án: A. Phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt là người phụ nữ trong các cuộc kháng chiến cứu nước.

Câu 2 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Nhan đề văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà gợi cho người đọc điều gì?

A. Giúp hình dung ra một người ngồi trước cửa, đợi chủ nhà về

B. Làm người đọc tò mò: Người đợi là ai, đợi ai, đợi cái gì, ..?

C. Gợi lên ấn tượng về một người kiên nhẫn ngồi trước hiên nhà.

D. Gợi lên cảm xúc thương xót đối với một người phải ngồi chờ đợi

Trả lời:

Chọn đáp án: D. Gợi lên cảm xúc thương xót đối với một người phải ngồi chờ đợi.

Câu 3 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Trong bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà, tác giả đã kết hợp phương thức tự sự nào với phương thức nào? Chỉ ra tác dụng của việc kết hợp đó.

Trả lời:

Có thể thấy ở bài tản văn này, tác giả sử dụng phương thức tự sự (kể chuyện) kết hợp với phương thức biểu cảm. Sự biểu cảm thể hiện nhiều ở lời người kể chuyện. Ví dụ: “Không khí làng quê chùng xuống vì tình cảnh kẻ Bắc người Nam. Những người đàn bà tiễn chồng, tiễn con ra đi, mắt đẫm lệ, hẹn hai năm trở về mà lòng còn nghi ngại.”. Hoặc: “Và mỗi buổi chiều muộn, dì lại ra ngồi trước hiên nhà nhìn con đường kéo dài như nỗi chờ mong trong vô vọng. Đêm đêm, ngọn đèn dầu trên gian thờ lập lòe theo tiếng kêu của thạch sùng, có cảm giác như thời gian ngưng đọng đã từ lâu lắm. Mỗi lần về thăm, ngồi bên mâm cơm đạm bạc với dì, tôi chợt nghĩ nếu ngày đó dì đi bước nữa, thì liệu bây giờ dì có được hưởng hạnh phúc hay không.”.

Kể về câu chuyện của dì mình, lời người kể luôn nhỏ nhẹ, như thì thầm với người đọc. Cách kể ấy vừa thể hiện được tình cảm và thái độ quý trọng, kính cẩn, thiêng liêng của người cháu; vừa tái hiện được sự hi sinh thầm lặng, sự chịu đựng bền bỉ, âm thầm, dẻo dai, lặng lẽ, “biết hi sinh nên chẳng nhiều lời” của những người phụ nữ Việt Nam.

Câu 4 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Tìm và phân tích một số câu hoặc đoạn văn trực tiếp bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của tác giả.

Trả lời:

- “Mỗi lần về thăm, ngồi bên mâm cơm đạm bạc với dì, tôi chợt nghĩ nếu ngày đó dì đi bước nữa thì liệu bây giờ dì có được hưởng hạnh phúc không.”

- “Những ngày này, dì tôi, bà Lê Thị Thỏa, một trong bao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.”

→ Câu văn thể hiện sự xót thương vô cùng của nhân vật “tôi” khi chứng kiến cuộc sống cô đơn, lẻ lỏi của dì Bảy, cả cuộc đời của dì là sự chờ đợi trong khắc khoải, hi vọng bồn chồn. 

Câu 5 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 6, SGK) Có người nói: Dì Bảy trong bài tản văn giống như hình tượng hòn Vọng Phu ở các câu chuyện cổ. Ý kiến của em như thế nào?

Trả lời:

- Dì Bảy trong bài tản văn giống hình tượng hòn Vọng Phu vì ở dì là sự hi sinh, chờ đợi, thương yêu người chồng nơi chiến trận của mình. Dù biết chồng đã hi sinh dì vẫn ôm ấp lấy quá khứ ấy. Ở dì là sự hi sinh cao cả thầm lặng, đại diện của những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh

Câu 6 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

           Mùa lụt năm ngoái, sau những trận mưa dữ dội, vùng quê tôi nước tràn trắng trời trắng đất. Nhà ngoại tôi nước ngập ngang cửa sổ, gần bằng trận lụt năm Giáp Thìn (1964). Nhớ hồi đó, tôi còn nhỏ, nhà tôi đông người, thôn xóm cho ghe đến tận nhà chuyển người và gia súc lên vùng đồi cao. Lần này, chỉ có dì Bảy với người cháu gái, nửa đêm nước dâng vào nhà bất thần, may có vài người bà con ở gần đến giúp đỡ kê bàn ghế có chỗ nằm cao hơn mặt nước, chờ đất trời thu nước xuống.

          Mùa lũ dữ rồi cũng qua, vườn rau xanh trở lại. Những ngày này, dì tôi, bà Lê Thị Thỏa, mootjt trong baao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.

a. Trong đoạn trích, tính chân thực (không hư cấu) của tác phẩm kí được thể hiện ở chi tiết, câu, đoạn văn nào?

b. Dẫn ra một số chi tiết (từ ngữ) để thấy dấu ấn ngôn ngữ địa phương được thể hiện ở đoạn trích trên.

Trả lời:

a. Tản văn thuộc thể kí. Kí nói chung dựa vào sự thực (người thực, việc thực, …), không hư cấu, tưởng tượng. Đặc điểm chung này được thể hiện khá rõ trong đoạn trích. Cụ thể, tác giả đã dẫn ra các sự kiện như: Trận lụt năm ngoái to “gần bằng trận lụt năm Giáp Thìn” và đặc biệt, phần cuối tác giả nêu rõ tên, tuổi, quê quán thực của dì Bảy: “… bà Lê Thị Thỏa, một trong bao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.”.

b. Có thể thấy, trong đoạn trích có nhiều từ ngữ địa phương Nam Bộ nói chung và nam miền Trung nói riêng. Chẳng hạn: cách gọi tên “dì Bảy”, “ngoại”; từ chỉ phương tiện như “ghe”; …

Câu 7 trang 34 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Kí ức cây hà nội

          […] Người sống ở Hà Nội hơn nửa thế kỉ trước gắn kí ức của mình với những cột đèn sắt tán đinh, những leng keng tàu điện và còi tầm nóc Nhà hát Lớn. Với chợ búa nhộn nhịp Đồng Xuân – Bắc Qua, chợ Hàng Da, chợ Hàng Bè, chợ Hôm – Đức Viên, chợ Bưởi, chợ Mơ. Kí ức gắn liền với dòng sông Hồng và chiếc cầu Long Biên hùng vĩ mà thanh thoát chạy qua bãi giữa ngút ngàn xanh. Gắn với giọng nói trong trẻo, nhã nhặn của thiếu nữ Hà Nội và cách ăn mặc khiêm nhường, không bao giờ phô trương thái quá. Và gắn với những hàng câu làm nên tên tuổi của phố phường cả mới và cũ.

          Cây Hà Nội được thừa hưởng quy hoạch của nền văn minh đô thị châu Âu do người Pháp để lại sau hòa bình. Hẳn là kết quả của rất dày công nghiên cứu và tìm kiếm. Họ đã để lại nhiều giống cây trồng đô thị không có trong hệ thực vật Việt Nam. Cách thức quy hoạch cây trồng trong phố cũng được tính toán tỉ mỉ từ tầm vóc cây, độ tỏa rộng của lá cành cho đến màu hoa và mùi hương. Họ cũng thành lập hẳn một Vườn Bách Thảo bên cạnh Hồ Tây để mang rất nhiều giống cây mới lạ trên thế giới về trồng.

          Hàng cây bàng trên phố Tràng Thi sau hòa bình đã đạt độ lớn cực đại, che phủ suốt chiều dài con phố. Mùa hè đi trên con phố ấy gần như không nhìn thấy ánh Mặt Trời. Tháng Bảy mùa mưa, bàng chín rụng vàng mặt đất. Trẻ con nghỉ hè, đội mưa nhặt những quả bàng ngọt lịm ăn không biết chán. Hột bàng đùm vào vạt áo mang về, dùng búa đập ra lấy nhân béo ngậy. Mùa đông, cả con phố đỏ thẫm sắc lá trên cành và mặt đất. Những cành bàng gầy guộc, dãi dầu in lên nền trời tĩnh lặng, mịt mù sương khói thần tiên. Bước chân của những người gánh hàng rong xạc xào, nhẫn lại gọi mời.

          Mười mấy câu bồ đề trước cửa TRường Tiểu học Tây Sơn đường Trần Nhân Tông mùa thay lá rải vàng mặt đất. Lá mới buông chùm trong veo, tĩnh lặng, từ bi. Lũ trẻ tan trường như những thiên thần nhỏ vui đùa trong lá.

          Hàng cây sao phố Lò Đúc mang đại ngàn vế phố phường chật chội. Những cây sao đen thẳng tắp vươn lên nền trời tỏa bóng. Phố âm âm tối suốt cả ngày. Xao xác tiếng đàn cò tìm về mỗi chiều làm người ta hình dung ra độ cao vượt bậc của cây. Phố Lò Đúc còn có tên gọi dân dã là “Bang cò ỉa”. Qua đấy buổi chiều phải dỏng tai nghe ngóng tiếng cò trên đầu mà đi. Phiền đấy nhưng luôn rộn tiếng cười. Ai đó có chuyện buồn đi qua phố ấy lúc nhập nhoạng hẳn sẽ được những tiếng cười an ủi rất nhiều.

          Hoa sữa trồng thành hàng thẳng tắp bên đường Nguyễn Du. Tháng Chín ngọt ngào thơm đêm thành phố. Gió mùa đông bắc tràn về làm cho những chùm quả khô tách vỏ, hạt bong hoa sữa lang thang bay sang phía hồ Thiền Quang, kết lại thành đám lớn nổi nênh trên mặt nước.

          Hàng cây sấu cổ thụ trên đường Trần Hưng Đạo sần sùi u mấu như những bức điêu khắc hiện tại. Cây Hà Nội mang nhiều vết tích những tháng năm nhọc nhằn chiến tranh đói khổ. Người ta đóng đinh lên cây để treo vài chiếc lốp hỏng như một biển hiệu của cửa hàng sửa chữa xe đạp. Những rễ sấu già mọc chồi lên khỏi mặt đất như chiếc ghế dài lí tưởng cho việc đợi chờ sửa xe. Những năm tháng ấy, không chỉ quả ssaaus mới là thức ăn mùa hè. Lá sấu nhiều khi cũng được người Hà Nội cho vào nồi đánh dấm nước rau luộc. Trẻ con thất học khá nhiều. Hầu hết sung vào đội quân trèo me trèo sấu. Đến mức “trèo me trèo sấu” đã trở nên thành ngữ của người Hà Nội, chỉ đám du thủ thực trong tương lai.

          Phố Lý Thường Kiệt hoa phượng, phố Thợ Nhuộm bằng lăng, phố Hai Bà Trưng cây nhội, phố Quang Trung hai hàng cơm nguội, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu rợp tán xà cừ và rất nhiều con phố Hà Nội gợi nhớ nhung bằng những hàng cây của mình. Kí ức vẫn còn nguyên vẹn nhưng cây cối phố phường đã hư hao thay đổi khá nhiều. Hà Nội không phải là mảnh đất hứng nhiều dông bão, cây cối bị phá hủy phần lớn do con người […]

(Đỗ Phấn, Bâng quơ một thời Hà Nội, NXB Trả, Thành phố Hồ Chí Minh, 2018)

a. Văn bản viết về đề tài gì? Từ “kí ức” trong nhan đề Kí ức cây Hà Nội cho em biết điều gì?

b. Hãy chỉ ra các yếu tố tự sự, trữ tình, nghị luận được sử dụng trong văn bản.

c. Câu văn nào thể hiện trực tiếp tình cảm, ý nghĩ của tác giả trong văn bản Kí ức cây Hà Nội?

d. Nội dung văn bản giúp em hiểu thêm được những gì về thành phố Hà Nội?

Trả lời:

a. Văn bản viết về đề tài: Quê hương đất nước.

Nghĩa của từ “kí ức” là: hình ảnh, sự việc đã qua, được trí nhớ ghi lại và gợi lên (Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển tiếng Việt, 2017). Từ nghĩa của từ “kí ức”, suy ra nội dung hàm chứa tỏng nhan đề Kí ức cây Hà Nội.

b. Các yếu tố tự sự, trữ tình, nghị luận được sử dụng trong văn bản là:

- Tự sự: “Trẻ con nghỉ hè đội mưa nhặt những quả bàng ngọt lịm ăn không biết chán. Hột bàng đùm vào vạt áo mang về dùng búa đập ra lấy nhân béo ngậy.”.

- Miêu tả: “Hoa sữa trồng thành hàng thẳng tắp bên đường Nguyễn Du. Tháng Chín ngọt ngào thơm đêm thành phố. Gió mùa đông bắc tràn về làm cho những chùm quả khô tách vỏ, hạt bông hoa sữa lang thang bay sang phía hồ Thiền Quang kết lại thành đám lớn nổi nênh trên mặt nước.”.

- Trữ tình: “Qua đấy buổi chiều phải dỏng tai nghe ngóng tiếng cò trên đầu mà đi. Phiền đấy nhưng luôn rộn tiếng cười. Ai đó có chuyện buồn đi qua phố ấy lúc nhập nhoạng hẳn là sẽ được những tiếng cười an ủi rất nhiều.”.

- Nghị luận: “Kí ức vẫn còn nguyên vẹn nhưng cây cối phố phường đã hư hao thay đổi khá nhiều. Hà Nội không phải là mảnh đất hứng nhiều dông bão, cây cối bị phá hủy phần lớn do con người.”.

c. Câu văn thể hiện trực tiếp tình cảm, ý nghĩ của tác giả trong văn bản Kí ức cây Hà Nội:

- Người sống ở Hà Nội hơn nửa thế kỉ trước gắn kí ức của mình với những cột đèn sắt tán đinh, những leng keng tàu điện và còi tầm nóc Nhà hát Lớn.

- Kí ức gắn liền với dòng sông Hồng và chiếc cầu Long Biên hùng vĩ mà thanh thoát chạy qua bãi giữa ngút ngàn xanh. Gắn với giọng nói trong trẻo, nhã nhặn của thiếu nữ Hà Nội và cách ăn mặc khiêm nhường, không bao giờ phô trương thái quá.

d. Thông qua văn bản giúp em thêm hiểu biết mới về Hà Nội: như hàng cây sao ở phố Lò Đúc, hoa sữa được trồng thành hàng bên đường Nguyễn Du, hàng cây bàng trên phố Tràng Thi sau hòa bình đã đạt độ lớn cực đại… Những hình ảnh đó càng làm cho em thêm yêu và tự hào về Hà Nội.

Câu 1 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Hãy nêu lên một số bằng chứng trong bài Trưa tha hương (Trần Cư) để làm rõ đặc điểm của thể loại tùy bút.

Trả lời:

Một số bằng chứng trong bài “Trưa tha hương” làm rõ đặc điểm của thể loại tùy bút là:

- Bài tùy bút Trưa tha hương viết về cảm xúc, tâm trạng nhớ nhà của nhân vật “tôi” khi nghe thấy âm thanh tiếng ru của người xứ Bắc. Nhận ra những hạnh phúc giản dị nơi quê nhà mà bấy lâu nay đã quên mất.

- Thể hiện rõ tình cảm xúc động và những suy nghĩ sâu lắng của tác giả khi nghe tiếng hát ru “Tôi bỗng nhớ nhà như một đứa trẻ. Và ngạc nhiên sao lại nằm ở đây, ở chốn rừng rú này. Thì ra tôi phải đi mất hàng ngàn cây số mới nhận thấy ở giữa gia đình người cái hạnh phúc hằng ngày vẫn có ở chính trong gia đình tôi.”

- Ngôn ngữ rất giàu hình ảnh và cảm xúc “Những làng tre xanh trên ruộng lúa, với các cô thôn nữ khăn mỏ quạ, những đêm trăng trai gái hát trống quân, những đêm trèo ngày vào đám, tất cả cuộc sống nhịp nhàng, đơn sơ, đầy thi vị ngoài đồng ruộng, trong thôn xóm, tất cả những cái gì rất đẹp của quê hương đều lần lượt hiện về trong lòng tôi vì câu hát”

Câu 2 trang 36 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Các yếu tố về bối cảnh như địa điểm, không gian, thời gian, tình huống xảy ra câu chuyện nêu trong bài có liên quan như thế nào với sự kiện nghe tiếng hát ru xứ Bắc?

Trả lời:

Các yếu tố về bối cảnh nêu trong bài tập có liên quan rất nhiều đến sự kiện nghe tiếng hát ru: Vào một buổi trưa nắng đẹp, không gian tĩnh lặng; ở một nơi xa quê hương, bên kia bờ Cửu Long Giang (Cam-pu-chia), trong một “căn phòng tối mát”, “Một con chim nào hót lảnh lót trong rừng cao su xa xa … rồi lại im lặng. Mọi vật, dưới nắng, thiu thiu sắp chìm trong một giấc ngủ nặng nề. Thỉnh thoảng có hơi gió nhẹ lay động tàu chuối ngoài cửa sổ làm biến đổi, chập chờn cái màu xanh dịu trên rèm cửa.”, … Toàn bộ bối cảnh ấy tạo nền cho sự xuất hiện của tiếng ru, rất phù hợp cho tiếng ru cất lên từ một người đang tha hương và gợi cho người ta nhớ về quê hương,...

Câu 3 trang 37 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Dẫn ra một số câu văn, đoạn văn thể hiện rõ tình cảm xúc động và những suy nghĩ sâu lắng của tác giả khi nghe hát ru.

Trả lời:

Một số câu văn, đoạn văn thể hiện rõ tình cảm xúc động và những suy nghĩ sâu lắng của tác giả khi nghe hát ru.: “Tiếng ru đều đều hòa với tiếng võng kẽo kẹt có một cái gì đặc biệt Việt Nam – nhất là một buổi trưa ở chốn xa xôi, nghe một câu hát ru của quê hương mình, thấm thía và buồn mang mang quá! Qua bao thế kỉ, tâm hồn người nhà quê Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn trong câu hát ru em.”. Hoặc: “Rồi một lúc lâu, lại tiếp giọng thiết tha, man mác một niềm nhớ tiếc: Khi đi trúc mới mọc măng/ Khi về trúc đã cao bằng ngọn tre… Tôi bỗng thấy tâm hồn boét cô đơn hơn một chút. Bởi vì ở chốn xa lạ này, bên vách kia còn có một linh hồn cô đơn hơn, lạnh lùng hơn, nhưng âm thầm, tăm tối hơn, cho nên tha hương hơn nữa …”.

Câu 4 trang 37 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Câu hỏi 3, SGK) Qua một số câu văn cụ thể trong văn bản, phân tích đặc điểm của tùy bút: ngôn ngữ rất giàu hình ảnh và cảm xúc.

Trả lời:

Một số câu văn cụ thể trong văn bản cho thấY: ngôn ngữ rất giàu hình ảnh và cảm xúc:

“Rồi xứ Bắc, với những làng tre xanh trên ruộng lúa, với các cô thôn nữ khăn mỏ quạ, những đêm trăng trai gái hát trống quân, những đêm chèo ngày vào đám, tất cả cuộc sống nhịp nhàng, đơn sơ, đầy thi vị ngoài đồng ruộng, trong thôn xóm, tất cả những cái gì rất đẹp của quê hương đều lần lượt hiện về lòng tôi vì câu hát …”. Hoặc: “Ngoài vườn, nắng đẹp vô ngần. Khung cửa sổ đen xanh cắt lên vườn chuối một bức tranh màu hạ nên thơ. Nắng sưởi trên tàu chuối xanh non, chỗ xanh trong, chỗ láng bóng như mạ bạc, phản chiếu lên trần bếp một thứ ánh sáng rất dịu, xanh mướt và thái bình. Một con chim nào hót lảnh lót trong rừng cao su xa xa … rồi lại im lặng. Mọi vật, dưới nắng, thiu thiu sắp chìm trong một giấc ngủ nặng nề. Thỉnh thoảng có hơi gió nhẹ lay động tàu chuối ngoài cửa sổ làm biến đổi, chập chờn cái màu xanh dịu trên rèm cửa.”.

Hai đoạn văn trên, tác giả rất chú trọng tái hiện nội tâm, cảm xúc và miêu tả thiên nhiên thơ mộng; sử dụng nhiều biện pháp tu từ, từ ngữ giàu hình ảnh và nhịp điệu, … nên ngôn ngữ giàu chất thơ, chất trữ tình.

Câu 5 trang 37 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Thì ra cô thôn nữ vui vẻ, nhí nhảnh, ưu hát ví vẫn còn sống trong lòng người đánh võng.

          Rồi xứ Bắc, với những làng tre xanh trên ruộng lúa, với các cô thôn nữ khăn mỏ quạ, những đêm trăng trai gái hát trống quân, những đêm chèo ngày vào đám, tất cả cuộc sống nhịp nhàng, đơn sơ, đầy thi vị ngoài đồng ruộng, trong thôn xóm, tất cả những cái gì rất đẹp của quê hương đều lần lượt hiện về trong lòng tôi vì câu hát …

Thì ra, cho dù đi quanh thế giới này đi nữa, trong khi Trái Đất mang ta, ta cũng mang trong lòng cả một thế giới.

Dù qua không gian, qua thời gian, ta vẫn còn một chút gì riêng biệt của ta. Tiếng nói có trọ trẹ, giọng có pha, nhưng tâm hồn vẫn vậy.

a. Câu hát ru gợi lên trong lòng tác giả những gì?

b. Đoạn trích này nằm cuối văn bản Trưa tha hương, điều đó có ý nghĩa và tác dụng như thế nào với chủ đề của văn bản?

c. Qua đoạn trích trên, tác giả muons khẳng định điều gì?

Trả lời:

a. Câu hát ru gợi lên tỏng lòng tác giả về quang cảnh quê hương và sinh hoạt của con người xứ Bắc “với những làng tre xanh trên ruộng lúa, với các cô thôn nữ khăn mỏ quạ, những đêm trăng trai gái hát trống quân, những đêm chèo ngày vào đám, tất cả cuộc sống nhịp nhàng đơn sơ đầy thi vị ngoài đồng ruộng, trong thôn xóm, tất cả những cái gì rất đẹp của quê hương đều lần lượt hiện về …”.

b. Đoạn trích này nằm cuối văn bản Trưa tha hương, như là phần kết lại, qua đó, tác giả nêu lên những suy nghĩ, phát biểu khái quát về giá trị và ý nghĩa của điệu hát ru; thể hiện rõ chủ đề của văn bản.

c. Qua đoạn trích trên, tác giả muốn khẳng định: Con người dù có đi đâu, ở đâu và trải qua những đổi thay đi nữa, trong tâm hồn vẫn đọng lại tình cảm quê hương; vẫn in đậm dấu ấn các kí ức tuổi thơ; tâm hồn và tính cách khó mà thay đổi. Hai câu kết của đoạn trích thể hiện rõ điều đó: “Dù qua không gian, qua thời gian, ta vẫn còn một chút gì riêng biệt của ta. Tiếng nói có trọ trẹ, giọng có pha, nhưng tâm hồn vẫn vậy.”.

Câu 6 trang 37 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, em hãy nêu lên một số hiểu biết của mình về điệu hát ru của miền Bắc.

Trả lời:

Một số hiểu biết của em về điệu hát ru ở miền Bắc là:

1. Nguồn gốc hình thành hát ru

Hát ru của người Việt ở Bắc Bộ có nguồn gốc lịch sử lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ăn sâu vào tâm hồn người Việt. Giữa trưa hè oi ả hay những đêm đông lạnh giá, lời ru của bà, của mẹ cất lên lúc thì như một làn gió mát, khi lại như ngọn lửa ấm nồng đưa bé chìm sâu vào giấc ngủ. Trong lời ru có cánh cò bay, có cái bống chịu thương chịu khó giúp mẹ việc nhà, có con cún hay nô đùa với bé, … Tất cả cuộc sống thường nhật đều được tái hiện trong từng câu hát ru.

Môi trường của hát ru trước hết và chủ yếu là ở gia đình, mẹ hát ru con, bà hát ru cháu, chị ru em là để dỗ dành trẻ nhỏ vào giấc ngủ. Mẹ ru con ngủ để có thời gian làm việc nhà, việc nước. Bà ru cháu ngủ để đỡ đần mẹ nó những khi bận bịu bịu vắng nhà, chị ru em cho mẹ đi làm đồng áng, … Buổi ban đầu, tiếng hát ru có tính chất phản xạ, bản năng của người mẹ dùng để ức chế giấc ngủ và thể hiện tình cảm mẹ con thiêng liêng. Nhưng về sau, tiếng hát ru hình thành và trở thành một loại dân ca trữ tình nằm trong sinh hoạt văn hóa gia đình với chức năng giáo dục và thẩm mĩ sâu sắc. Hát ru đã vượt khỏi phạm vi gia đình và trở thành một loại dân ca nằm trong hình thức thanh nhạc. Hát ru người Việt ở Bắc Bộ ra đời là kết quả của sự sáng tạo cùng với tình yêu thương vô bờ bến của những người mẹ, người bà, người chị.

2. Lời ca trong hát ru của người Việt ở Bắc Bộ

Hát ru của người Việt ở Bắc Bộ có nguồn gốc xã hội gắn liền với hoạt động lao động, với đời sống sinh hoạt gia đình. Không giống các thể loại dân ca khác chỉ bó hẹp trong bối cảnh của hội hè, những bài hát ru ở Bắc Bộ thường mang tính chất ngụ ngôn, nội dung lời ca khá phong phú, mang nhiều hình ảnh, nỗi niềm khác nhau.

Từ hình ảnh những con vật thân thuộc, gần với cuộc sống của người nông dân như con cò, con vạc, con tôm, con mèo, con chuột, cái bống, … đến công việc làm ăn, đi chợ; từ các mối quan hệ giữa con người với con người đến lẽ sống ở đời, các hiện tượng thiên nhiên, chất phác, phù hợp với tính hình ảnh, tính cụ thể trong việc lĩnh hội hình tượng nghệ thuật của trẻ thơ.

Lời ca trong hát ru của người Việt ở Bắc Bộ thường sử dụng ca dao với những thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể, lời ca thường mang hình ảnh cụ thể, có tính văn học, nhưng không phải bất kì một câu lục bát nào cũng có thể đưa vào hát ru. Ca dao chính là phần lời mang đầy ý nghĩa nhân văn, khi đưa vào hát ru, người hát và trẻ thường dễ nhớ. Lời hay, ý đẹp của thơ ca làm ta dễ hiểu, dễ đi vào tâm tư, tình cảm và trái tim bao thế hệ. Ví dụ:

Yêu con biết lấy gì đong

Gan bào ruột thắt ước mong trăm đường

Con có bé nhỏ mẹ lo,

Cho ăn tắm mát thơm tho bế bồng

Trong lời ca của hát ru luôn luôn có sự liên kết giữa hai thành tố: câu ru và tiếng đưa hơi. Hát ru thường được mở đầu bằng những tiếng: à ơi, ru hời, … thường gọi đấy là tiếng “đưa hơi”. Bên cạnh đó, trong lời ca của hát ru thường được sử dụng những tiếng đệm lót như: í a, ư ừ, hỡi hời, … để tăng thêm khả năng biểu cảm của người ru, thể hiện tình cảm âu yếm, vỗ về, nựng nịu. Ví dụ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Lời ca: “À a a a ơi, à a a a ời. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước i i trong nguồn chảy i i ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu i i a mới là i i i đạo con. À a a a ơi, à a a a ời.”.

3. Âm nhạc trong hát ru của người Việt ở Bắc Bộ

Hát ru Bắc Bộ là thể loại hát ru mang phong cách ngâm ngợi, thường phổ nhạc dựa vào những câu thơ lục bát (6/8) hoặc lục bát biến thể. Âm nhạc trong hát ru là phương tiện giúp người ru giao tiếp được với trẻ một cách thuận lợi cho dù trẻ đã đủ lớn để hiểu hay chưa hiểu được khả năng giao tiếp bằng ngôn từ. Giai điệu hát ru lôi cuốn trẻ vào tiếng ru và dễ dàng lĩnh hội những tín hiệu do ngôn ngữ âm nhạc hát ru mang lại.

Âm nhạc và lời ca là hai yếu tố luôn gắn bó mật thiết với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau trong quá trình định hình và phát triển của cấu trúc. Qua việc tìm hiểu các bài hát ru ở nông thôn Bắc Bộ ngày nay, hầu hết các bài hát ru đều thuộc loại cấu trúc ba phần riêng biệt, gồm: phần mở, thân, đóng.

Phần mở: Là một nét đưa hơi ngắn, tính chất dịu dàng, đường nét giai điệu thoáng đạt, tự do gắn với những hư từ như à … ơi, à … ời. Tuy không bao hàm nội dung câu hát nhưng phần mở có tác dụng chuẩn bị cho sự xuất hiện của thang âm và điệu, cách ngân nga, luyến láy, … ở phần tiếp diễn. Đặc biệt, nó còn khắc họa tính thể loại cho các làn điệu này. Điển hình của câu ru Bắc Bộ là tiếng à ơi … với hai nét nhạc mở. […].

Câu 1 trang 37 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Bài tập 1, SGK) Tìm từ Hán Việt trong những câu dưới đây (trích tuỳ bút Cây tre Việt Nam của Thép Mới). Xác định nghĩa của các từ Hán Việt đã tìm được và nghĩa của mỗi yếu tố cấu tạo nên các từ đó.

a) Tre ấy trông thanh cao, giản dị... như người.

b) Dưới bóng tre xanh,... người dân cày ... dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang.

c) Tre là cánh tay của người nông dân.

d) Tre là thẳng thắn, bất khuất.

Trả lời:

Các từ Hán Việt trong các câu sau và nghĩa của các từ Hán Việt, nghĩa của mỗi yếu tố tạo nên các từ đó là:

a. Tre ấy trong thanh caogiản dị…như người (Thép Mới)

→ Thanh: trong sạch, cao: vươn lên, thanh cao: trong sạch vượt trộigian

→ Giản dị: Đơn giản, dễ dàng

b. Dưới bóng tre xanh, ta gần gũi một nền văn hóa lâu đời, người dân cày…dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. (Thép Mới)

→ Văn hóa: Phát triển, đẹp đẽ hơn

c. Tre là cánh tay của người nông dân (Thép Mới)

→ Nông: ruông, dân: người làm, nông dân: người làm ruộng.

d. Tre là thẳng thắn, bất khuất (Thép Mới) 

→ Bất: không, khuất: khuất phục, bất khuất: không chịu khuất phục

Câu 2 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Tìm ba từ ghép Hán Việt có yếu tố cấu tạo là bất (như bất trong bất khuất) và ba từ từ ghép Hán Việt có yếu tố cấu tạo là nông (như nông trong nông dân). Xác định nghĩa của các từ tìm được.

Trả lời:

- Ba từ ghép Hán Việt có yếu tố cấu tạo là bất (như bất trong bất khuất):

+ Bất an: không yên ổn

+ Bất khả: không thể

+ Bất đồng: không cùng quan điềm

- Ba từ từ ghép Hán Việt có yếu tố cấu tạo là nông (như nông trong nông dân):

+ Nông viên: đồn điền trang trại

+ Nông sản: sản phẩm nông nghiệp

+ Nông binh: lính là nông dân.

Câu 3 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: (Bài tập 3, SGK) Chọn các từ trong ngoặc đơn phù hợp với ô trống:

SBT Ngữ văn 7 Bài tập tiếng Việt trang 37, 38 - Cánh diều

Trả lời:

- Tham dự buổi chiêu đãi có ngại đại sứ và phu nhân

- Về nhà ông lão đem chuyển kể cho vợ nghe

- Phụ nữ Việt Nam, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang

- Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh 

- Ngoài sân, trẻ em đang vui đùa

- Các tiết mục của đội văn nghệ nhi đồng thành phố được cổ vũ nhiệt tình 

Câu 4 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu dưới đây. Nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

a. Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất phục. (Thép Mới)

b. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. (Thép Mới)

Trả lời:

a. Biện pháp so sánh: con người không chịu khuất phục – tre mọc thẳng.

Tác dụng: Nhấn mạnh sự mạnh mẽ ngay thẳng của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến, đó là phẩm chất cương trực, kiên cường, bất khuất.

b. Biện pháp nhân hóa: Tre xung phong, giữ làng, giữ nước,.. tre hi sinh bảo vệ con người.

Biệp pháp điệp từ: tre.

Tác dụng: Nhấn mạnh cây tre mang tầm vóc dũng sĩ, xả thân bảo vệ quê hương đất nước. Tre là biểu tượng tuyệt đẹp về đất nước và con người Việt Nam anh hùng, về người nông dân cần cù, dũng cảm, giàu tình yêu quê hương đất nước.

Câu 1 trang 38 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc thực chất là trả lời câu hỏi gì?

A. Con người hoặc sự việc ấy được miêu tả và thể hiện như thế nào?

B. Tình cảm và thái độ của em như thế nào trước con người hoặc sự việc ấy?

C. Con người hoặc sự việc ấy có ý nghĩa và giá trị như thế nào?

D. Miêu tả con người và kể lại sự việc ấy như thế nào?

Trả lời:

Chọn đáp án: B. Tình cảm và thái độ của em như thế nào trước con người hoặc sự việc ấy?

Câu 2 trang 39 SBT Ngữ Văn lớp 7 Tập 2: Trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà, em có ấn tượng nhất về nhân vật hoặc sự việc nào? Nếu viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc đó, em sẽ nêu những ý gì?

Trả lời:

Trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà, em có ấn tượng nhất về nhân vật dì Bảy.

* Dàn ý:

Mở bài:

Nêu ấn tượng chung về hình ảnh người phụ nữ trong tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương

Thân bài:

Lần lượt trình bày nội dung bài viết theo một trật tự nhất định

. Tóm tắt câu chuyện về người phụ nữ chờ chồng hai chục năm trong văn bản 

. Phát biểu cảm xúc, tình cảm, thái độ của em trước tính cách và phẩm chất của người phụ nữ ấy.

. Phát biểu suy nghĩ về sự hi sinh thầm lặng, cao cả của những người phụ nữ trong các cuộc chiến tranh và trách nhiệm của xã hội trong việc ứng xử với những người như dì Bảy.

Kết bài:

. Nêu lên suy nghĩ và bài học của cá nhân em về hình ảnh người phụ nữ trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà

Bài làm tham khảo

      Chiến tranh đã qua đi những những hậu quả mà chiến tranh để lại thì vẫn còn mãi. Một trong những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại có là sự cô đơn, bơ vơ, chờ đợi trong mòn mỏi đến vô vọng của những người phụ nữ có chồng đi chiến trận và ở lại vĩnh viễn nơi chiến trường xa xôi kia.

      Dì Bảy trong bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà của nhà văn Huỳnh Như Phương chính là người phụ nữ như thế. Dì Bảy và dượng Bảy lấy nhau được chừng một tháng thì dượng phải ra miền Bắc tập kết. Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang thì đôi người đôi ngả. Dì ở nhà mong ngóng chờ đợi tin tức của chồng mình qua những dòng thư ngắn, những lời hỏi thăm, những món quà nhỏ nhờ người quen gửi hộ. Mặc dù đang ở độ tuổi xuân sắc có biết bao người hỏi tới dì, muốn mang đến cho dì một mái ấm hạnh phúc, nhưng dì nhất quyết không chấp nhận, không bao giờ lung lạc. Dì luôn chờ đợi một ngày dượng sẽ chờ về. Ngay cả khi biết rằng dượng đã không còn nữa, dì vẫn không mở lòng, dì vẫn ôm vào lòng hình bóng dượng.

      Không chỉ có dì Bảy còn rất nhiều người phụ nữ họ phải chịu những nỗi tổn thương sâu sắc về tinh thần, cả đời họ là sự chờ đợi, ngóng chông để rồi thất vọng và cô đơn cứ bấu víu lấy mình. Họ hi sinh tuổi thanh xuân, hạnh phúc cá nhân của mình để góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ chính là những người anh hùng thầm lặng, không cần cầm súng, cầm gươm, giáo chiến đấu với kẻ thù. Họ âm thầm, lặng lẽ là hậu phương vững chắc, là điểm tựa tinh thần cho những chiến sĩ ngoài chiến trường xa xôi kia. 

      Một lần nữa, xin hãy biết ơn những người mẹ, người vợ Việt Nam anh hùng. Họ đã dành cả tuổi xuân ngắn ngủi, ít ỏi của mình để đổi lấy bình yên, độc lập cho cả dân tộc Việt Nam ta.

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ văn lớp 7 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 7 : Thơ

Bài 8 : Nghị luận xã hội

Bài 9 : Tùy bút và tản văn 

Bài 10 : Văn bản thông tin

Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 2

Đánh giá

0

0 đánh giá