TOP 10 bài Nghị luận về tác hại của mạng xã hội 2024 SIÊU HAY

1.1 K

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Nghị luận về tác hại của mạng xã hội Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, gồm 10 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội

Đề bài: Viết bài văn Nghị luận về tác hại của mạng xã hội

Dàn ý chi tiết Nghị luận về tác hại của mạng xã hội

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Khái quát về vấn đề tác hại của mạng xã hội.

2. Thân bài

a) Giải thích:

- Mạng xã hội là gì: là một hệ thống nền tảng trên internet giúp mọi người kết bạn, giao lưu, chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống.

- Mạng xã hội quen thuộc với giới trẻ hiện nay là facebook, instagram, zalo, tiktok, youtube,...

b) Mặt tích cực:

- Giúp chúng ta giao lưu, kết nối với bạn bè, người thân.

- Nơi lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời.

- Cập nhật thông tin nhanh hơn, bắt nhịp kịp với cuộc sống của xã hội và thế giới.

- Giúp các bạn thể hiện bản thân, sáng tạo, phát triển, trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. 

c) Mặt tiêu cực:

- Sử dụng quá nhiều mạng xã hội gây ra nghiện, dẫn theo các hệ lụy là sức khỏe đi xuống: bệnh đến xương khớp, vai gáy, mắt.

- Các thông tin trên mạng xã hội đang được lan truyền quá nhanh, không có sự kiểm duyệt -> Giới trẻ không phân biệt được thật, giả, trở thành đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ dỗ, kích động.

- Các bạn trẻ chưa biết cách bảo mật thông tin cá nhân, các thông tin này có thể bị lộ gây nên nhiều phiền toái, mất mát. 

- Sử dụng mạng xã hội quá nhiều khiến con người sống ảo, chỉ chăm chút cho hình ảnh trên mạng, quên mất bản thân và các mối quan hệ ở ngoài đời thực. 

- Sử dụng nhiều chiêu trò gây sốc, phản cảm để bản thân được nổi tiếng trên mạng xã hội. 

d) Giải pháp:

- Cơ quan chức năng cần có các biện pháp kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội chặt chẽ hơn.

- Mọi người cùng chung tay xây dựng mạng xã hội lành mạnh, có ích. Tẩy chay những người sử dụng chiêu trò để nổi tiếng. 

- Đặt ra quy định về thời gian sử dụng mạng xã hội chỉ khoảng 3-4 tiếng trong một ngày, thời gian khác tập trung vào cuộc sống của bản thân.

e) Bài học nhận thức và hành động:

- Mạng xã hội là công cụ giúp con người phát triển bản thân và kết nối với thế giới.

- Cần phải biết sử dụng mạng xã hội đúng cách, đúng mực.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề cần nghị luận.

TOP 10 bài Nghị luận về tác hại của mạng xã hội 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 1

Ngày nay, khi xã hội con người đang ở trong thời kì 4.0 với sự tối tân của internet thì cuộc sống của chúng ta trở nên tiện ích hơn bao giờ hết. Internet hay Mạng là một hệ thống thông tin toàn cầu được liên kết bởi một loạt các công nghệ mạng điện tử, không dây và mạng quang cho phép hàng ngàn mạng máy tính, thiết bị di động nhỏ hơn của các doanh nghiệp, của các viện nghiên cứu và các trường đại học, của người dùng cá nhân và các chính phủ trên toàn cầu truy cập. Ở đây, con người có thể tra cứu mọi thông tin cũng như kết nối, liên lạc với mọi người. Internet đã mang đến cho con người nhiều lợi ích vô cùng tiện nghi. Chúng ta có thể tra cứu thông tin của mọi lĩnh vực ở bất cứ đâu, bất cứ khoảng thời gian nào, việc học tập, nghiên cứu trở nên thuận tiện, dễ dàng và tiện nghi hơn. Bên cạnh đó, sự ra đời của các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, instagram,… giúp chúng ta kết nối với bạn bè, những người thân ở nơi xa xôi trên cả Trái Đất và kết bạn với những người mới, cùng nhau trao đổi, chia sẻ khoảnh khắc đáng quý hoặc ghi lại những kỉ niệm cho riêng mình. Bên cạnh đó, một vai trò vô cùng hữu hiệu nữa không thể không nhắc đến của internet chính là sự giải trí. Từ khi có internet, chúng ta có nhiều phương thức giải trí hơn bao giờ hết. Từ các trò chơi điện tử, đến các video trên các trang mạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, phim ảnh, âm nhạc,… cũng đều được tích hợp ở internet. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò quan trọng của internet nhưng không vì thế mà ta lạm dụng hoặc quá phụ thuộc vào nó. Mỗi người cần biết cân bằng giữa việc sử dụng internet với việc tham gia các hoạt động bên ngoài để bản thân trở nên năng động hơn. Mỗi chúng ta hãy trở thành một người dùng internet thông minh để chúng vừa mang lại lợi ích tối đa cho bản thân mình vừa có những trải nghiệm tốt đẹp.

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 2

Mỗi thời đại sẽ có những cách khác nhau để liên lạc, trao đổi thông tin. Ngày xưa, con người thường viết thư và chờ đợi những bức thư phản hồi, thời gian rất rất là lâu vì khoảng cách xa xôi, vì phương tiện vận chuyển. Nhưng ngày nay với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 thì những bức thư đó được thay thế bằng những cú click, những dòng enter của các trang mạng xã hội.

Mạng xã hội đã kết nối con người khắp nơi trên thế giới, xóa nhòa khoảng cách về không gian, thời gian nhờ tốc độ nhanh chóng đó, sự tiện lợi. Nhưng cũng vì quá lạm dụng mạng xã hội mà các bạn trẻ hiện nay tự tập cho mình một lối sống không lành mạnh - sống ảo. Chúng ta hãy tự đặt câu hỏi, Sống ảo là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cứ chìm đắm, đêm mê vào lối sống không hiện thực này?

Sống ảo là một cách sống không thực tế, hoang tưởng, mơ hồ, không tồn tại trong cuộc sống. Sống ảo khiến cho các bạn trẻ đánh mất đi quyền giao lưu, quyền được vui chơi tham gia vào những chương trình, vào những hoạt động ngoại khóa mà ở đó các bạn có thể trực tiếp kết bạn, trực tiếp trò chuyện với những con người thật. Và bạn ngồi đó và chỉ cần gõ, một cú click chuột là có thể kết bạn giao lưu với mọi người trên khắp thế giới.

Đây cũng chính là lẽ mà rất nhiều bạn đam mê nó. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Twitter,…và vô số trang mạng xã hội khác nữa, việc giao tiếp trở nên quá dễ dàng, khoảng cách như được thu hẹp lại, vì thế làm sao mà chúng ta không đam mê, không yêu thích. Nhưng nếu nó trở nên quá mức, hàng giờ, hàng ngày bạn ngồi trước màn hình máy tính, nhắn tin trò chuyện với những người mới quen, những người xa lạ thì những người bạn ngoài đời, những người thân quen của bạn thì dường như bạn đang quên mất họ, bỏ qua sự tồn tại của họ.

Một thế giới ảo, tạo cho bạn một viễn tưởng về cuộc sống vô cùng tươi đẹp và hấp dẫn. Trên đó, mỗi người có thể xây dựng cho mình một hình tượng trong mơ, những ngôi nhà, những hình ảnh tuyệt đẹp, và có vô số vô số những người bạn nhưng chưa bao giờ gặp mặt ở ngoài cuộc sống. Và vì thế, nhiều hệ lụy đã xảy ra, vì muốn được tung hô, nổi tiếng, nhiều bạn trẻ đã biến mạng xã hội là một bước đã tiến thân, đăng những hình ảnh không lành mạnh để mong nhận được sự chú ý của mọi người, hay sử dụng những lời nói không văn mình nhằm thể hiện bản lĩnh của mình.

Những anh hùng bàn phím được ra đời từ đây. Những người đó đã gây ra không ít những mâu thuẫn, những thông tin sai lệch cho mọi người, Hệ lụy cao hơn, đó chính là làm ảnh hưởng xấu đến người khác, mang một lối sống lệch lạc, tinh thần không ổn định, khiến không ít người đi theo vết xe đổ này. Việc giao lưu, kết bạn trên mạng đã xuất hiện nhiều tình yêu online. Đây không hẳn là tình trạng xấu, điều sai, nhưng nó cũng gây ra nhiều trường hợp không tốt, như dễ bị lợi dụng, lừa lọc, và trở thành mục tiêu của rất nhiều kẻ xấu.

Kết quả của việc đó để lại là sự hối hận, mất mát cả về vật chất lẫn tinh thần. Thật sự đây là điều nguy hiểm mà các bạn khó có thể lường trước được. Khi các bạn dành thời gian lên mạng, chìm đắm vào một thế giới ảo không hiện thực thì đến lúc bước ra thế giới thật, các bạn sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi, cảm thấy lạ lẫm, không thể nào xác định cho mình được một hướng đi đúng đắn. Đôi khi trầm trọng hơn, là lúc bạn nhận ra, tình cảm của mình và bố mẹ ngày càng bị rạn nứt, bạn bè của bạn sẽ xa lánh bạn.

Xã hội phát triển là điều tốt, một thế giới mà sự kết bạn và giao lưu được nhanh chóng và xích lại gần nhau hơn nhưng hãy cho nó đi vào một hướng đúng và hợp lý. Đừng sống ảo! Sống ảo chính là một căn bệnh khó có thể chữa được. Nó như con sâu đang ăn dần sức khỏe và tinh thần của các bạn trẻ. Vì vậy, hãy sống lành mạnh, sử dụng mạng xã hội hợp lý, hãy để nó là một phương tiện giúp bạn phát triển và tốt hơn. Đừng để nó giết chết đi tâm hồn của bạn.

TOP 10 bài Nghị luận về tác hại của mạng xã hội 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 3

Mạng xã hội– nơi hội tụ các nguồn thông tin trở thành thế giới thu nhỏ được mọi người đặc biệt quan tâm, nhất là các bạn học sinh, thanh niên. Trên Internet có rất nhiều thể loại giải trí khác nhau làm cho nhiều bạn trẻ lạm dụng dẫn đến tình trạng nghiện ngập và trở thành vấn đề nóng mà mọi người vô cùng bức xúc.

Nghiện mạng xã hội là lạm dụng quá mức, sử dụng vô tổ chức ở mọi lúc mọi nơi, không làm chủ bản thân, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi, học hành mà sa đọa trong thế giới hư ảo.

Trong xã hội đang phát triển và hội nhập, chúng ta không thể phủ nhận tiện ích mà mạng xã hội mang lại, mạng xã hội bao gồm: Facebook, zalo, instagram,.... Nhờ mạng xã hội con người có thể cập nhật thông tin hàng ngày, hàng giờ mà không mất thời gian, công sức; là công cụ làm việc đối với một số ngành công nghệ thông tin; cung cấp các thể loại giải trí như phim, âm nhạc, trò chơi. Nhưng bên cạnh đó có không ít tác hại do việc quá lạm dụng của các bạn học sinh, thanh niên. Ngoài những thông tin hữu ích, mạng xã hội còn chứa rất nhiều những thông tin mang tính chất đồi trụy; các trò chơi giải trí bạo lực khiến nhiều bạn trẻ nghiện bỏ rơi cuộc sống thực tại. Từ đó tệ nạn xã hội cũng xảy ra nhiều hơn như giết người, trộm cắp để thỏa cơn nghiện. Rất nhiều bạn mắc bệnh hoang tưởng từ những trò chơi khiến gia đình vô cùng lo lắng, xã hội vô cùng bức xúc. Có thể nói Internet cũng là nguyên nhân dẫn đến suy thoái đạo đức con người.

Bởi vậy, mỗi chúng ta hãy biết tự trang bị kiến thức về mạng xã hội cho bản thân để tránh tình trạng nghiện ngập. Các bậc phụ huynh, nhà nước, chính quyền, đặc biệt là trường học phải quan tâm, quản lí, giáo dục các bạn trẻ tránh xa những tư tưởng không lành mạnh, giúp đỡ người nghiện ngập quay về thế giới thực, không để họ mãi chìm đắm trong cái thế giới hư vô có thể giết người này.

Trong mỗi chúng ta, ai cũng xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp của cuộc sống, ai cũng có quyền thả mình vào Internet nhưng đừng lạm dụng nó, phải biết chắt lọc, biết dừng lại đúng lúc trước khi biến thành con nghiện.

“Hãy để chúng ta làm chủ mạng xã hội và đừng bao giờ để mạng xã hội điều khiển chúng ta”.

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 4

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có thể nói rằng: Con người, đặc biệt là giới trẻ không thể sống mà thiếu mạng xã hội đặc biệt là Facebook”. Việc sử dụng mạng xã hội tuy có nhiều mặt tích cực phục vụ cho cuộc sống nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội cũng tác động tiêu cực không nhỏ đến cuộc sống giới trẻ.

Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook là trang mạng thu hút nhiều bạn trẻ sử dụng. Đó là nơi giao lưu, kết bạn, nói chuyện, cập nhật tin tức của rất nhiều người. Facebook trước hết là một trang mạng mang tính giải trí hấp dẫn, nơi giao lưu, chia sẻ của bạn bè, người thân. Facebook là nơi có thể đăng tải những clip, chia sẻ những tâm tư, tâm trạng, hỏi thăm bạn bè.

Facebook như một cuốn nhật ký ghi lại những ngày tháng kỉ niệm của chúng ta và bạn bè. Đó cũng là trang mạng truyền tải những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống đến với mọi người. Thông qua facebook, mọi người biết được người thân, bạn bè đang gặp khó khăn gì để hỏi thăm, giúp đỡ. Facebook còn là trang mạng nơi chúng ta học tập và tìm tòi những kiến thức mới.

Bên cạnh những lợi ích mà Facebook đem lại, việc dành thời gian quá nhiều cho Facebook có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và việc học hành của các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ dùng facebook như một nơi để trút giận, bất cứ chuyện gì bực mình ở đâu cũng đem lên Facebook cho mọi người bàn luận hay dùng Facebook để chửi người khác một cách công khai.

Facebook kết nối trên thế giới ảo nhưng lại làm xói mòn và ảnh hưởng đến cách con người giao tiếp, thể hiện tình cảm. Nhiều bạn trẻ mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, chỉ đắm chìm trong thế giới ảo mà thờ ơ, dửng dưng với mọi người, không muốn và không biết cách giao tiếp, chia sẻ với mọi người xung quanh, thậm chí mất niềm tin nơi cuộc đời thực, có khi dẫn đến mặc cảm trong cô đơn, trầm cảm, thu mình lại.

Nhiều ông bà, cha mẹ thấy cô đơn khi con cháu họ chỉ “ôm” điện thoại, laptop. Nhiều bạn sao nhãng việc học hành chỉ vì dành thời gian lướt Facebook, nhiều bạn quên cả việc đọc sách, bỏ bê bài vở, kết quả học tập sa sút. Nguyên nhân của việc giới trẻ sử dụng Facebook một cách rộng rãi có lẽ chính là do sự hấp dẫn, mới lạ, tính giải trí cao trong việc sử dụng facebook.

Việc đăng lên một tấm ảnh hay một status rồi nhận được các lượt like và bình luận, hay việc chém gió với nhau hàng giờ trên facebook khiến nhiều bạn trẻ mất quá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Facebook dễ dàng gây nghiện đặc biệt với giới trẻ. Từ năm 2010 đến nay, Facebook tăng vọt về số người sử dụng và con số ấy không ngừng tăng lên. Ngày nay, bất cứ ở đâu và bất cứ thời gian nào, ta cũng có thể bắt gặp các bạn trẻ cắm đầu vào Facebook, trong giờ học, trong giờ ăn, trước khi đi ngủ và ngay cả khi đang đi vệ sinh.

Họ bỏ cả nửa thời gian mỗi ngày để làm những công việc vô ích như lướt Facebook xem bạn bè có đăng ảnh mới không, xem ai có status gì không hay xem các chuyện trong showbiz,…Và có những người nghiện facebook đến nỗi mà làm bất cứ việc gì họ cũng đăng lên Facebook, đến mức ăn gì, uống gì, nghĩ gì, làm gì cũng đưa nó lên, thậm chí mua cái áo mới cũng đưa lên để mọi người chém gió, đi ngoài đường gió lạnh quá cũng dừng xe lại post cái status “lạnh quá”, thậm chí đang chạy thoát hiểm cũng vào facebook post cái status đã.

Là những con người của thế giới hiện đại, chúng ta phải làm thế nào để công nghệ phục vụ chúng ta chứ đừng để công nghệ chi phối cuộc sống chúng ta. Phải biết phân bố thời gian hợp lý trong việc sử dụng facebook. Làm thế nào để phân bố thời gian hợp lí giữa công việc, gia đình, bạn bè, giải trí,…và facebook? Không nên quá lệ thuộc vào mạng xã hội, thế giới ảo.

Cần xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực tại, không nên quá sa đà, mất thời gian quá nhiều vào đó. Bạn nên dành thời gian vào những việc có ích hơn. Làm thế nào để Facebook không trở thành ông chủ, và chúng ta không trở thành những nô lệ của mạng xã hội? Tuổi trẻ chúng ta nhạy bén tiếp thu những cái đó nhưng hãy là người thông minh để dùng những cái đó một cách hiệu quả chứ không là nạn nhân của mạng xã hội.

Thời gian của đời người thật ngắn ngủi, không nên tiêu phí thời gian vào những điều vô bổ, thậm chí có hại. Làm sao tìm lại được thời gian đã mất ? Phải biết quý trọng thời gian, phải biết sống sao cho thật ý nghĩa. Cuộc sống thực vô cùng rộng lớn và hấp dẫn với bao điều bí ẩn, diệu kì sao ta lại chỉ đắm chìm trong thế giới ảo? Thời gian của đời người thật ngắn ngủi sao ta lại tiêu phí thời gian vào những điều vô bổ, thậm chí có hại?

Bạn có bao giờ tự hỏi mình: làm sao tìm lại được thời gian đã mất? Hãy biết quý cuộc sống này trong từng phút giây, sống sao cho thật ý nghĩa vì chúng ta còn trẻ còn rất nhiều việc phải học, phải làm chứ không phải dành thời gian trên những trang mạng vô bổ.

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 5

Xã hội phát triển, những đồ dùng công nghệ ngày càng nhiều. Thế giới mọi người có nhiều cách tiếp cận với nhau. Xã hội có nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc hiện nay còn có hiện tượng nghiện mạng xã hội của giới trẻ hiện nay.

Mạng xã hội là nền tảng trực tuyến giúp mọi người chia sẻ, cập nhật tin tức, dễ dàng kết nối với nhau. Giới trẻ sử dụng mạng xã hội như một thói quen, như một việc bắt buộc trong ngày như ăn uống, ngủ nghỉ vậy. Đây là một thói quen không kiểm soát được, mà quên đi những cuộc sống hàng ngày. Nghiện Internet – một hành vi gây căng thẳng cho cuộc sống của chính nạn nhân và cho cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp – là một căn bệnh tâm lí đang lan tràn trên toàn thế giới.

Mặt tích cực của mạng xã hội, đó là nơi mà người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề đời sống, xã hội. Trên mạng xã hội có tính giải trí cao với nhiều lĩnh vực giải trí khác nhau được cập nhật liên tục. Và chúng ta có thể được tiếp cận được nhiều điều thú vị.

Nhưng mà sử dụng mạng xã hội quá nhiều, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, công việc. Thiếu sự kết nối với những người xung quanh, vô cảm thờ ơ với xã hội. Trên mạng xã hội còn có những thông tin không lành mạnh, tiêu cực.

Nghiện mạng xã hội sẽ khiến cho tâm lý và thể xác với các mối quan hệ xung quanh. Chúng ta cần có những biện pháp hoặc hạn chế những mặt tiêu cực của mạng xã hội. Cần ý thức được mặt lợi, mặt hại của mạng xã hội để không mất thời gian vào những vấn đề vô bổ trên mạng xã hội.

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 6

Hiện nay, mạng xã hội ngày càng phát triển, hàng loạt các trang mạng với hàng trăm triệu người dùng như Facebook, Wechat, Weibo, Instagram,... đã cho thấy sự thu hút cực kì mạnh của loại công cụ này. Đặc biệt, với giới trẻ, những thế hệ nắm bắt tốt xu hướng, tinh nhạy trước những đổi mới của internet thì việc ham mê và sử dụng mạng xã hội là một điều tất yếu. Đa số các bạn trẻ hiện nay, hầu hết đều có cho mình một tài khoản Facebook, Weibo, Zalo,... chúng ta có thể được tự do bày tỏ những cảm xúc, suy nghĩ của mình, được thể hiện bản thân mình.

Mạng xã hội giúp chúng ta cập nhật được những tin tức hàng ngày, lưu giữ những kỉ niệm đẹp mà được ghi lại bằng những bức ảnh hay video thú vị. Nó cũng là nơi giao lưu kết bạn, trò chuyện học hỏi vô cùng hiệu quả, kết nối những con người chưa từng quen biết nhưng vì cùng chung sở thích, cùng nhau một đam mê nào đó mà rút khoảng cách, mang con người lại gần nhau hơn. Facebook được nhiều bạn trẻ sử dụng để tìm kiếm thông tin học tập với những bài chia sẻ hay, bổ ích, những trích dẫn, kinh nghiệm học tập vô cùng lý thú. Nhiều bạn còn tận dụng tài khoản của mình để tập tành kinh doanh, vừa mang lại nguồn thu nhập khá khá vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm kinh doanh qua mạng. Mạng xã hội với tốc độ truyền tin nhanh chóng, giúp ta nắm bắt được những thông tin nóng đang diễn ra mỗi ngày, giúp ta biết nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ để chia sẻ và đồng cảm với họ thông qua các hoạt động từ thiện qua mạng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ta cũng không thể phủ nhận rằng giới trẻ hiện nay đang nghiện mạng xã hội trầm trọng. Mạng xã hội trở thành một chất gây nghiện lớn mà người tiêu thụ nó lớn nhất phải kể đến nó là những học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều người xem đó là nguồn sống, dành quá nhiều thời gian vào các trang mạng chỉ để lướt dạo như một thói quen. Đến giảng đường không học bài, hoặc ngủ hoặc chơi Facebook, hoặc chụp ảnh đăng. Đi ăn, đi làm, ngủ, nghỉ thậm chí là đi vệ sinh cũng mang theo chiếc điện thoại của mình mà không biết chán. Mạng xã hội đang từng ngày ăn sâu và làm xói mòn đi sức khỏe, tiền bạc, tình cảm của con người mà ta vô tình không để ý tới. Nhiều người trẻ còn coi đó là nơi để trút những bực tức, giận hờn, ghen tuông, xỉa xói, chửi rủa nhau thậm tệ. Đáng nói hơn, một số còn lan truyền những thông tin không lành mạnh, những tin rác chưa được kiểm chứng gây bức xúc trong dư luận, đồng thời hạ uy tín và danh dự của người khác. Vì thế mà nhiều khi chỉ một vài lời nói thiếu thiện ý, hoặc gây hiểu nhầm nhau trên mạng xã hội mà gây nên những hậu quả nghiêm trọng như đánh nhau. Nhiều học sinh chỉ lao vào thế giới ảo mà trở nên trầm cảm, tự ti, không tham gia giao tiếp với mọi người, mất dần khả năng hợp tác, hòa nhập với đời sống thực tại.

Vậy nguyên nhân nào thu hút các bạn trẻ sử dụng nhiều các trang mạng xã hội như vậy? Đó là do sự mới lạ, hấp dẫn của Facebook, Zalo,... Người trẻ được tự do bày tỏ quan điểm, cách đánh giá, nhìn nhận của mình về một vấn đề nào đó được chia sẻ; được đăng những hình ảnh xinh đẹp của bản thân với hàng ngàn lượt like cùng những bình luận chém gió mang tính giải trí cao. Là những hội nhóm thần tượng được lập, những trang Fanpage thu hút hàng triệu lượt like với những câu chuyện hấp dẫn, những bình luận bá đạo, những video đánh thẳng vào tâm lý hài hước, tò mò của giới trẻ khiến các bạn hào hứng và thấy thoải mái khi dùng chúng. Không phải ngẫu nhiên mà các trang mạng được nhiều người quan tâm, bởi bên trong nó chứa đựng những sự lý thú, bổ ích riêng mà cái khác không có. Bởi vậy, việc dùng mạng xã hội phần nào cũng cho thấy được giới trả khá nhanh nhẹn trong việc nắm bắt các trào lưu, xu hướng của thế giới.

Trong cuộc sống ngày nay, công nghệ ngày càng phát triển, các bạn trẻ nên nhìn nhận đúng về vai trò của nó trong cuộc sống mỗi người. Tức là phải hiểu rằng nó là công cụ phục vụ cho cuộc sống chúng ta, đừng biến nó thành kẻ điều khiển vô hình và để nó chi phối đời sống của mình. Thay vì lên các trang mạng quá nhiều, các bạn hãy dành thời gian cho gia đình, gặp gỡ bạn bè, đọc sách giao lưu hay làm nhiều việc khác. Hãy dành những lúc rảnh rỗi cho các hoạt động xã hội, từ thiện hay tình nguyện hơn là việc nằm nhà đắm mình vào một thế giới ảo không có thực.

Đừng để mạng xã hội biến mình thành một nạn nhân, hãy nhiệt huyết với công việc, cống hiến sức trẻ và thành xuân của mình cho hoạt động cộng đồng, đừng phung phí thời gian cho lướt web, cho việc like hay bình luận dạo mỗi ngày. Đó là những điều vô bổ đang dần giết mòn cuộc sống chúng ta. Cần phân bố thời gian cho công việc, cuộc sống và mạng xã hội hợp lý, đừng để phụ thuộc vào mạng xã hội, biết chắt lọc những thông tin hữu ích trong thế giới ảo phục vụ cho cuộc sống của mình.

Mỗi chúng ta, hãy tự nhìn nhận lại mình, xem thời gian qua mình đã làm được những gì, đã sử dụng mạng xã hội như thế nào? Có quá phung phí nhiều thời gian cho chúng hay không? Hãy đặt chiếc điện thoại xuống, bước ra thế giới thực tại với vô vàn điều lý thú, hấp dẫn đang chờ đón bạn. 

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 7

Trong thời kỳ hiện đại, mạng xã hội đang trở nên ngày càng phổ biến và mạnh mẽ với hàng loạt các nền tảng như Facebook, WeChat, Weibo, Instagram, và nhiều hơn nữa, thu hút hàng trăm triệu người sử dụng. Đặc biệt, đối với giới trẻ, nhóm nắm bắt xu hướng và linh hoạt với những tiến bộ của internet, việc sử dụng và đam mê mạng xã hội trở thành không thể tránh khỏi. Hầu hết các bạn trẻ ngày nay đều sở hữu ít nhất một tài khoản trên các nền tảng như Facebook, Weibo, Zalo, và có thể thoải mái thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Mạng xã hội không chỉ giúp chúng ta cập nhật tin tức hàng ngày mà còn là nơi lưu giữ những kí ức đẹp thông qua hình ảnh và video. Đây cũng là nơi để giao lưu, kết bạn, trò chuyện, học hỏi một cách hiệu quả, kết nối những con người có cùng sở thích và đam mê, vượt qua khoảng cách về không gian và thời gian. Facebook, ví dụ, không chỉ là nơi để tìm kiếm thông tin học tập mà còn là nguồn cảm hứng từ các bài chia sẻ, trích dẫn và kinh nghiệm học tập. Một số bạn trẻ còn sử dụng tài khoản của mình để thử nghiệm kinh doanh, kiếm thu nhập và học hỏi từ những trải nghiệm kinh doanh trực tuyến. Mạng xã hội cung cấp thông tin nhanh chóng, giúp chúng ta nắm bắt những sự kiện đang diễn ra, chia sẻ khó khăn và kêu gọi giúp đỡ thông qua các hoạt động từ thiện trực tuyến.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nhiều bạn trẻ ngày nay đang phải đối mặt với vấn đề nghiện mạng xã hội. Mạng xã hội đã trở thành một chất gây nghiện lớn, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên đang học tập. Nhiều người coi mạng xã hội như một nguồn sống, dành quá nhiều thời gian chỉ để lướt web như một thói quen. Thậm chí, trong khi ở trường, họ không tập trung học bài mà chỉ chơi Facebook, chụp ảnh và đăng lên. Mạng xã hội ngày càng xâm phạm sức khỏe, tài chính và mối quan hệ của con người mà chúng ta thường không để ý tới. Nhiều người trẻ thậm chí sử dụng mạng xã hội để thể hiện cảm xúc tiêu cực, gây chia rẽ, và lan truyền thông tin không chính xác, ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người khác.

Mặc dù mạng xã hội có sức hấp dẫn bởi tính mới lạ và độ giải trí cao, nó cũng mang theo những hậu quả tiêu cực. Đối với giới trẻ, sự tự do trong việc thể hiện quan điểm và nhận được sự chú ý thông qua các hoạt động như nhấn like, bình luận, chia sẻ là lý do chính khiến họ mê mệt. Các nhóm thần tượng, fanpage và nội dung giải trí độc đáo cũng là nguồn cảm hứng lớn, khiến họ cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với chúng. Tất cả những điều này đều tạo ra sự hào hứng và sự kết nối với xu hướng thế giới.

Trong thực tế, công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và đối với giới trẻ, đây là một phần quan trọng của cuộc sống. Tuy nhiên, quan trọng nhất là nhìn nhận đúng về vai trò của mạng xã hội trong cuộc sống cá nhân mỗi người. Đây chỉ là một công cụ phục vụ cho cuộc sống, và không nên để nó trở thành người kiểm soát vô hình, chi phối đời sống hàng ngày. Thay vào đó, chúng ta cần phải cân bằng thời gian giữa mạng xã hội và các hoạt động xã hội thực tế, gia đình, bạn bè, đọc sách, hoặc tham gia các hoạt động từ thiện và tình nguyện.

Hãy tránh để mạng xã hội trở thành "kẻ giết thời gian" vô bổ, và hãy tận dụng thời gian để xây dựng cộng đồng thực sự và đóng góp cho xã hội. Đừng để mình trở thành nạn nhân của sự nghiện mạng, hãy tận hưởng cuộc sống thực tại với mọi điều lý thú và hấp dẫn mà nó mang lại. Hãy ngừng sống ảo và bước ra thế giới thực tại, nơi có vô vàn trải nghiệm đang chờ đón bạn.

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 8

Hiện tượng nghiện mạng xã hội của giới trẻ hiện nay là một vấn đề đang ngày càng trở nên phổ biến và đáng lo ngại. Theo suy nghĩ của em, nghiện mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của các bạn trẻ mà còn gây ra những hệ lụy xã hội đáng tiếc.

Trước tiên, việc dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội khiến các bạn trẻ thiếu thời gian cho các hoạt động thực tế và giao tiếp trực tiếp với bạn bè và gia đình. Thay vì đi chơi, tham gia các hoạt động ngoài trời, các bạn trẻ thường dành thời gian ngồi trước màn hình điện thoại hay máy tính để lướt Facebook, Instagram hay TikTok. Điều này không chỉ làm mất cân bằng giữa cuộc sống online và offline mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và kỹ năng giao tiếp của các bạn trẻ.

Thứ hai, nghiện mạng xã hội cũng gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm lý của giới trẻ. Việc dựa vào mạng xã hội để tìm kiếm sự chú ý và thừa nhận từ người khác có thể tạo ra áp lực và căng thẳng tâm lý. Các bạn trẻ thường so sánh bản thân với những người khác trên mạng xã hội, gây ra cảm giác tự ti và không hài lòng với bản thân. Điều này có thể dẫn đến những vấn đề về tâm lý như lo âu, trầm cảm và tự tử.

Ngoài ra, nghiện mạng xã hội còn gây ra những hệ lụy xã hội đáng tiếc như việc lan truyền tin đồn, thông tin sai lệch và vi phạm quyền riêng tư. Các bạn trẻ thường dễ bị lôi kéo vào các trò chơi online, nhóm chat độc hại và các hoạt động trái pháp luật trên mạng xã hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của các bạn trẻ mà còn gây ra những vấn đề an ninh và xã hội nghiêm trọng.

Tuy nhiên, không phải tất cả các hoạt động trên mạng xã hội đều có hại. Mạng xã hội cũng mang lại nhiều lợi ích như giúp kết nối bạn bè xa cách, chia sẻ kiến thức và thông tin hữu ích. Vì vậy, để giải quyết vấn đề nghiện mạng xã hội, chúng ta cần có sự cân nhắc và sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm và tỉnh táo.

Trên đây là suy nghĩ của em về hiện tượng nghiện mạng xã hội của giới trẻ hiện nay. Em hy vọng rằng chúng ta có thể tìm ra những giải pháp hợp lý để giúp các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh và có ích cho cuộc sống của mình.

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 9

Trong từng thời kỳ, phương thức liên lạc và trao đổi thông tin của con người luôn chịu sự biến đổi. Trong quá khứ, việc viết thư và đợi đến khi thư được trả lời đã là một quá trình kéo dài, đặc biệt là khi khoảng cách và phương tiện vận chuyển tạo ra những trở ngại không nhỏ. Ngày nay, với sự tiến bộ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, những bức thư ấy đã chuyển hóa thành những cú click và dòng enter trên các trang mạng xã hội.

Mạng xã hội đã tạo nên một liên kết toàn cầu, làm mờ đi khoảng cách về không gian và thời gian, nhờ vào tốc độ nhanh chóng và tiện ích của nó. Tuy nhiên, việc lạm dụng mạng xã hội đang dẫn đến một lối sống không lành mạnh, được gọi là "sống ảo". Điều này đặt ra câu hỏi: Sống ảo là gì? Và nếu bạn chìm đắm quá sâu vào cuộc sống không thực tế này, điều gì sẽ xảy ra?

"Sống ảo" đơn giản là một cách sống không thực tế, nơi mà hiện thực và tưởng tượng lẫn lộn. Đối với giới trẻ, điều này có thể làm mất đi quyền giao lưu và tham gia vào các hoạt động ngoại khóa thực tế, nơi mà họ có thể tận hưởng sự giao tiếp trực tiếp và kết bạn với những người thực sự. Việc chỉ cần một cú click là có thể kết nối với mọi người trên khắp thế giới, dường như trở nên quá dễ dàng và hấp dẫn.

Rất nhiều người trẻ đam mê việc này, khi mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, Twitter, cung cấp một cơ hội giao tiếp dễ dàng, thu hẹp khoảng cách và tạo ra sự gần gũi. Tuy nhiên, nếu sử dụng quá mức, việc ngồi trước màn hình máy tính hàng giờ, hàng ngày để giao tiếp với những người xa lạ có thể khiến họ quên mất sự tồn tại của những người xung quanh họ.

Thế giới ảo tạo ra một bức tranh cuộc sống đẹp đẽ và hấp dẫn, nơi mà mỗi người có thể xây dựng một hình tượng lý tưởng cho bản thân, nhưng đồng thời, đó cũng là nơi xuất hiện nhiều hệ lụy. Việc muốn nổi tiếng trên mạng xã hội đã dẫn đến việc đăng những hình ảnh không lành mạnh để thu hút sự chú ý, hoặc sử dụng lời nói không văn minh để thể hiện bản lĩnh.

Từ đây, xuất hiện những "anh hùng bàn phím" – những người tạo ra mâu thuẫn và thông tin sai lệch, ảnh hưởng xấu đến người khác và gây nên những hệ lụy nghiêm trọng. Giao lưu và kết bạn trực tuyến cũng mở ra khả năng tình yêu online, không hẳn là xấu, nhưng cũng mang theo những rủi ro như lừa dối và trở thành mục tiêu của những kẻ xấu.

Kết quả là những hối hận và mất mát, không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. Điều này là nguy hiểm và khó lường trước. Khi dành quá nhiều thời gian trong thế giới ảo, khi bước ra thực tế, người ta có thể cảm thấy bị bỏ rơi, xa lạ và không biết hướng đi đúng đắn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, mối quan hệ với gia đình và bạn bè có thể chấm dứt.

Sự phát triển của xã hội là điều tốt, nhưng cần hướng dẫn đúng đắn và sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý. Hãy tránh "sống ảo"! Đây là một căn bệnh khó chữa, đang xâm phạm sức khỏe và tinh thần của giới trẻ. Hãy sống lành mạnh, sử dụng mạng xã hội một cách tỉnh thức để phát triển bản thân và không để nó phá hủy tâm hồn của bạn.

Nghị luận về tác hại của mạng xã hội - Mẫu 10

Cuộc sống ngày càng phát triển với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chúng ta đang chìm đắm trong vận động nhanh chóng của thời đại công nghệ 4.0, thế giới mà mọi thứ đều được kết nối không dây. Thành công của Internet không thể phủ nhận, đồng thời, nó cũng đặt ra vấn đề lớn về nghiện Internet đối với giới trẻ.

Mặc dù Internet mang lại nhiều tiện ích không thể phủ nhận trong cuộc sống hiện đại, từ việc truy cập thông tin một cách nhanh chóng chỉ bằng một chiếc smartphone hay laptop, đến việc có Wifi lan tỏa ở khắp mọi nơi như ga tàu, trường học, trung tâm thương mại. Từ nông thôn đến thành phố, các cửa hàng Internet và tiệm game mọc lên ngày càng phổ biến, phục vụ 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Tình trạng ngồi lì trong quán Net suốt ngày đêm trở nên phổ biến, khiến giới trẻ quên cả việc ăn, ngủ, thậm chí là học. Không chỉ là game, mạng xã hội như Facebook, Zalo cũng là nguồn nghiện cho nhiều người, với việc truy cập như một thói quen không thể bỏ.

Nguồn cảm hứng lớn nhất đằng sau thực trạng nghiện Internet này chính là sức hấp dẫn khó cưỡng của mạng. Internet là kho thông tin phong phú về tri thức, thời sự, kinh tế, giải trí như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử và khả năng liên lạc nhanh chóng qua chat, email. Tuy nhiên, những lợi ích này đồng thời cũng có thể làm mất kiểm soát tâm lý người dùng, khiến họ trở nên phụ thuộc vào Internet. Sự kiểm soát lỏng lẻo của phụ huynh hay sự nuông chiều là một phần nguyên nhân sâu xa, khi nhiều thanh thiếu niên sở hữu smartphone xa xỉ từ khi còn học sinh.

Nghiện Internet mang theo nhiều hậu quả tiêu cực, từ lãng phí thời gian, tiền bạc, đến sức lực của giới trẻ. Bỏ học, lấy cắp tiền để tiêu xài vào mạng Internet là thực tế không hiếm. Cuộc sống liên tục trong thế giới ảo còn dẫn đến lệch lạc trong nhân cách, khả năng nhận thức, và giới trẻ dường như mất khả năng phản ứng và hòa nhập với thế giới thực. Hậu quả nghiêm trọng hơn là những vụ án bắt cóc, thậm chí giết người đã xảy ra từ những mối quan hệ ảo qua mạng Internet.

Để giải quyết vấn đề nghiện Internet, mỗi cá nhân cần nhận thức bản thân, xác định mục tiêu dài hạn và biết kiểm soát hành động cá nhân. Gia đình và nhà trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, điều chỉnh, và giáo dục thế hệ trẻ. Sự hỗ trợ từ phía nhà nước là quan trọng để kiểm soát cửa hàng kinh doanh dịch vụ Internet, giữ gìn an ninh mạng và kiểm soát nội dung không lành mạnh. Hợp tác từ cộng đồng xã hội là chìa khóa để đẩy lùi tình trạng nghiện mạng, giúp cuộc sống trở nên văn minh và phát triển hơn.

Đánh giá

0

0 đánh giá