TOP 10 bài Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng

412

Tailieumoi.vn xin giới thiệu bài văn mẫu Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng Ngữ văn 11 Kết nối tri thức, gồm 6 bài văn phân tích mẫu hay nhất giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho bài thi sắp tới. 

Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng

Đề bài: Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng của mỗi bài học.

Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng - mẫu 1

Kính chào thầy cô và các bạn học sinh, tôi tên là…, học sinh lớp… trường… Sau đây, tôi sẽ  giới thiệu về bài thơ Vội vàng của tác giả Xuân Diệu.

Có người từng nói, Thơ Mới như một cây nấm lạ trên thân cây là nền văn học hiện đại Việt Nam. Đúng như thế, ra đời trong những năm 1932 – 1945, Thơ Mới thật sự đã đem lại một làn gió mới cho nền văn học, mà nếu như không nhắc tới ông hoàng thơ tình Xuân Diệu lại là một thiếu sót lớn. Xuân Diệu đã khoác lên mình một tấm áo tân kì rồi bước vào thi đàn Việt Nam với tác phẩm "Vội vàng", đem đến cho văn chương một nguồn mĩ cảm dồi dào.

"Vội vàng" được in trong tập "Thơ thơ" (1933 – 1938), xuất bản năm 1938 – thời kì trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, khi nhân dân ta còn chìm trong ách đô hộ của thực dân Pháp. Đó là một hoàn cảnh lịch sử hết sức phức tạp, khi cái tôi cá nhân của những người sáng tác đang trỗi dậy thì lại gặp phải cảnh nước mất nhà tan, họ không có quyền bộc lộ mình, cho nên nền Thơ Mới giai đoạn này tràn ngập nỗi buồn sầu với nhiều cung bậc khác nhau. Ngay đến thi sĩ Xuân Diệu của chúng ta, một người vốn nổi tiếng với những bản tình ca lãng mạn, với niềm say mê và khát khao giao cảm với đời tha thiết, cũng không giấu nổi nỗi buồn vu vơ hay nỗi ám ảnh về thời gian, về tuổi trẻ. "Vội vàng" là bài thơ thể hiện rõ nhất cảm hứng ấy của ông. Bao trùm bài thơ là trạng thái đắm say đến điên cuồng, một khát khao giao cảm với thời da diết, đằng sau đó ẩn chứa những quan niệm nhân sinh hoàn toàn mới mẻ. Cái tôi của nhà thơ đã ẩn mình trong từng câu từng chữ, biến bài thơ thành một trong những áng thi ca hay nhất trong phong trào Thơ Mới. Bài thơ theo thể thơ tự do được tổ chức theo 3 phần: phần một với 11 câu thơ đầu diễn tả tình yêu tha thiết, mãnh liệt của nhà thơ với thiên nhiên và cuộc sống, phần hai với 18 câu thơ tiếp theo lại đưa người đọc trở về với nỗi ám ảnh, những sự băn khoăn về thời gian và tuổi trẻ trôi đi quá nhanh, phần cuối với các câu thơ còn lại lại thể hiện khát vọng sống, khát vọng yêu đương mãnh liệt. Thể thơ tự do giúp tác giả dễ dàng bày tỏ những cảm xúc riêng tư của mình.

Cả bài thơ là tình yêu cuộc sống, tình yêu đời tha thiết và có ý kiến từng cho rằng Xuân Diệu đã xây dựng được cả một lầu thơ trên mặt đất. Những câu thơ đầy ái tình nồng say như đưa tâm hồn người đọc vào thế giới thơ lãng mạn của ông hoàng thơ tình:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si..."

Khác với các nhà Thơ mới khác, họ không tìm được mối giao cảm với đời nên phải thoát lên tiên, phiêu lưu trong trường tình, đòi "một tinh cầu giá lạnh" hay "một vì sao trơ trọi giữa trời xanh", Xuân Diệu tìm thấy mọi vẻ đẹp ngay trong cuộc sống nơi trần thế để mà giao cảm, để tình tự. Thế nhưng cũng bởi vì quá mê say vẻ đẹp ấy mà ông lại băn khoăn trong nỗi ám ảnh vì thời gian trôi nhanh đến bất ngờ:

"Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Mà tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất những chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời"

Người xưa coi thời gian tuần hoàn còn ở đây Xuân Diệu đã đóng góp một cái nhìn đầy mới mẻ: thời gian một đi không trở lại và vì thế, ông tiếc nuối tuổi trẻ của bản thân, tiếc những vẻ đẹp rồi sẽ bị thời gian cuồn đi mất. Những đóng góp mới mẻ của Xuân Diệu khiến ông có một chỗ đứng vững chắc, xứng đáng là ông hoàng của nền thơ Việt Nam lúc bấy giờ.

Về nghệ thuật, bài thơ cũng đã đạt được một số nghệ thuật đặc sắc. Tiêu biểu nhất có lẽ chính là việc sử dụng ngôn ngữ và sáng tạo hình ảnh thơ. Những từ ngữ tượng hình "xanh rì, cành tơ, ..." làm nổi bật vẻ đẹp trong trẻo, đầy sức sống xuân sắc xuân thì của thiên nhiên đất trời. Những hình ảnh được sử dụng rất đắt, nhất là hình ảnh "ánh sáng chớp hàng mi", ánh sáng được ví nhưng cái chớp mắt đa tình của người thiếu nữ càng tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, đắm say của đất trời vào xuân.

Tóm lại, với một tâm hồn thơ đa cảm, một tài năng nghệ thuật đặc sắc, Xuân Diệu đã góp vào vườn thơ hiện đại Việt Nam một áng thơ được coi là tuyệt mĩ. "Vội vàng" đã trở thành một trong những áng thơ bất hủ, là tượng đài của nền thi ca Việt Nam.

Trên đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp.

TOP 10 bài Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng (ảnh 1)

Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng - mẫu 2

Cuộc tình dang dở của Thúy Kiều – Từ Hải đã phải đứt đoạn khi trước nay chí lớn luôn là khao khát của biết bao chàng trai lúc bấy giờ. Hội ngộ – chia li như tạo thành vòng tròn của quy luật cuộc sống được Nguyễn Du đưa vào đoạn trích “Chí khí anh hùng” một cách khéo léo và đầy tinh tế.

Đoạn thơ là cuộc chia li của Từ Hải với Thuý Kiều để quyết tâm lên đường đi cuộc khởi nghĩa. Mở đầu đoạn thơ:

Nửa năm hương lửa đương nồng,

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong.

Đoạn thơ trên tạo nên một hình ảnh rất đẹp về sự đam mê, tình yêu và sự khát khao phiêu lưu. Cảm giác nồng nàn của hương lửa đã kéo trượng phu vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị. Những chi tiết như “trông vời trời bể mênh mang” và “thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong” đã cực kỳ tinh tế và sống động, giúp đọc giả cảm nhận được sự tràn đầy năng lượng và sự hào hùng của hành trình đó. Tổng thể, đoạn thơ này mang đến cho người đọc một cảm giác rất mạnh mẽ về sự mạo hiểm và khao khát chinh phục, đồng thời cũng khơi gợi sự tò mò và cảm xúc:

Giang hồ quen thói vẫy vùng

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chào”.

Đoạn thơ trên tạo ra một hình ảnh sâu sắc về cuộc sống trên giang hồ, với những khó khăn và sự đổi thay liên tục. “Giang hồ quen thói vẫy vùng” thể hiện sự tàn bạo và khắc nghiệt của một cuộc sống đầy gian truân và đấu tranh. “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chào” gợi lên hình ảnh những người đàn ông giang hồ đi về một hướng duy nhất, chấp nhận những khó khăn của cuộc đời để tiếp tục hành trình. Đoạn thơ này không chỉ tả lên cuộc sống khắc nghiệt mà còn thể hiện sự gan dạ và kiên cường của con người Từ Hải trước những thách thức của cuộc đời.

Trước quyết tâm muốn ra đi vì nghĩa lớn của người làm trai, Thúy Kiều cũng thể hiện thái độ mong muốn được tuân theo phận làm giáo của Nho giáo:

Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

” Phận gái chữ tòng” thể hiện rằng khi sống người phụ nữ phải theo chồng, vì vậy ” chàng đi thiếp cung một lòng xin đi” thể hiện quyết tâm muốn theo Từ Hải cùng nhau làm nên chí lớn. Sau đó Từ Hài động viên nàng ở nhà yên tâm đợi tin vui:

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chuông dậy đất bóng tinh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường

Bây giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Trước lời bộc bạch của Thúy Kiều, Từ Hải cho rằng bản thân mình đi vi vu giữa trời đất bao la bốn bể không nhà, vô định, Thúy Kiều mà đi theo chỉ làm bận tâm thêm, chính chàng cũng chưa biết mình sẽ đi đâu về đâu. Vì vậy, Từ Hải khuyên bảo Thúy Kiều hãy ở nhà khi nào yên ổn chàng sẽ ” rước nàng nghi gia”. Thế rồi:

Quyết lời dứt áo ra đi,

Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi.

Hai câu thơ tuy ngắn gọn nhưng vô cùng sâu sắc, gợi lên hình ảnh của một người đang đưa ra quyết định để rời đi và bắt đầu một cuộc hành trình mới. “Quyết lời dứt áo ra đi” thể hiện sự quyết tâm của người đó trong việc chấm dứt một chặng đường và bắt đầu một chặng đường mới. Câu “Gió đưa bằng tiện đã lìa dặm khơi” càng tôn lên sự đầy nghĩa trọng của quyết định đó, cho thấy rằng người đó đã chuẩn bị và sẵn sàng cho những thử thách mới. Đồng thời còn thể hiện sự tạm biệt, đôi khi là khó khăn và đau buồn, nhưng cũng là một cơ hội để bắt đầu lại và đạt được những điều tốt đẹp hơn.

Cuộc sống của một con người luôn khao khát không trung, tự do thoả chí vẫy vùng, không bao giờ chịu sống trong cảnh tù túng, gò bó một không gian nhỏ bé thường ngày của người bình thường. Khi miêu tả người anh hùng Từ Hải, Nguyễn Du đi vào miêu tả hành động và cử chỉ ngôn ngữ mang ý nghĩa mạnh mẽ, đứt khoát ngoài ra thêm các từ chữ Hán để bộc lộ tư tưởng tình cảm của tác giả, rồi dùng điển cố, điển tích… và cả xây dựng thời gian, không gian mở: nửa năm, bốn phương, trời bể mênh mang, bằng tiện…

Tóm lại, thông qua đoạn thơ ngắn, hình tượng nhân vật Từ Hải được xây dựng dưới ngòi bút của Nguyễn Du thật chí khí, anh dũng mang khát khao và hoài bão nam nhi muốn lập nên chí lớn.

Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng - mẫu 3

Nam Cao được biết đến như một nhà văn hiện thực xuất sắc giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những tác phẩm của ông phản ánh vô cùng chân thực, sinh động về cuộc sống lúc bấy giờ của con người. Nam Cao gắn liền tên tuổi của mình với những tác phẩm ghi dấu ấn đậm nét trong tâm hồn người đọc như Chí Phèo, Đời thừa, Sống mòn... Và không thể không nhắc đến lão Hạc, một trong những tác phẩm hay viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám.

Truyện ngắn lão Hạc được đăng báo vào năm 1943, là nội dung một bài học trong chương trình Ngữ Văn 8. Truyện ngắn kể về câu chuyện một nhân vật có tên lão Hạc, có hoàn cảnh rất đáng thương: Vợ lão mất sớm, lão phải sống một mình trong cảnh gà trống nuôi con.

Thế nhưng vì mưu sinh, vì cái đói nghèo bủa vây mà con trai cũng bỏ lão mà đi kiếm sống ở đồn điền cao su. Lão Hạc lại sống cuộc sống buồn tủi, cô đơn và chỉ biết làm bạn với cậu Vàng. Niềm vui duy nhất ấy của lão cũng không được trọn vẹn khi lão phải bán đi người bạn thân thiết nhất vì hoàn cảnh. Lão đau đớn, ân hận và vô cùng day dứt vì điều này.

Lão cố gắng dành dụm tiền bán mảnh vườn để dành cho con trai và lo chu toàn cho mình sau khi chết vì không muốn làm phiền, liên lụy đến mọi người xung quanh. Lão tìm đến cái chết như một sự giải thoát cho bản thân mình, cho số phận nghiệt ngã của mình. Cả cuộc đời lão Hạc là một chuỗi những bi kịch. Và đến cuối cùng, lão vẫn phải chịu bi kịch là cái chết đau thương, cay đắng.

Với câu chuyện thấm đượm tinh thần nhân đạo, Nam Cao đã vô cùng thành công khi khắc họa chân dung nhân vật lão Hạc, một người nông dân giàu tình cảm. Điều này được thể hiện rõ qua sự gắn bó, đau xót, tiếc thương của lão khi phải bán đi cậu Vàng.

Bên cạnh đó, lão còn là một người cha yêu thương con hết mực, luôn nghĩ cho con và dành dụm cho con. Lão cũng là người có lòng tự trọng. Dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn nhưng không có những suy nghĩ, việc làm trái với lương tâm và cũng không muốn ảnh hưởng, phiền hà đến bất cứ ai.

Bên cạnh thành công về nội dung, truyện ngắn còn gây ấn tượng với người đọc bởi nghệ thuật tác giả sử dụng vô cùng đặc sắc. Đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng và khắc họa nhân vật vô cùng tiêu biểu, đậm nét. Lấy hình ảnh một con người để nói đến một bộ phận người.

Ngôi kể của câu chuyện cũng vô cùng khách quan, tạo nên sự hấp dẫn của câu chuyện. Đó còn là nghệ thuật miêu tả chân dung đặc sắc qua những điểm nhấn chi tiết tạo nên giá trị của chi tiết nghệ thuật. Sự kết hợp giữa phương thức tự sự và trữ tình cũng tạo nên sự đa chiều của câu chuyện. Lúc là giọng văn tự sự mẫu mực, lúc lại khiến người đọc rưng rưng xúc động với những xúc cảm do tác giả thể hiện.

Truyện ngắn lão Hạc xứng đáng là một tác phẩm hay, một tác phẩm đẹp cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Đây xứng đáng là một tác phẩm xuất hiện trong tủ sách của mỗi người, bởi nó chứa đựng những giá trị vĩnh viễn, luôn đúng với thời gian. Lão Hạc cùng với nhà văn Nam Cao vẫn luôn in đậm trong tâm trí của người đọc mọi thế hệ.

Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng - mẫu 4

Trong dòng văn học yêu nước của dân tộc, có biết bao kiệt tác văn học đáng ngưỡng mộ và tự hào. Ta thêm tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết qua những trang sử vẻ vang viết về cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc. Đó là Nam Quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt, là Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh,... Đặc biệt, một trong số đó phải kể đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, một tác phẩm bất hủ được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc.

Vào năm 1427, quân Minh do Mộc Thạnh và Liễu Thăng cầm đầu bị nghĩa quân Lam Sơn đánh bại và thu phục. Tháng 12 năm 1427, Vương Thông đêm quân theo sông Nhị Hà về nước theo lời ước giao hòa, được nghĩa quân Lam Sơn cấp lương thực và vật dụng để trở về. Đến năm 1428, quân giặc dẹp yên, đất nước không còn bóng quân Minh, Lê Lợi đã giao cho Nguyễn Trãi làm bài cáo để tổng kết cuộc đấu tranh, tuyên bố thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống quân Minh.

Tác phẩm được Nguyễn Trãi viết theo thể cáo. Khác với các thể loại khác, thể cáo thường được sử dụng nhiều trong các sự kiện trọng đại để thông báo cho quốc gia, dân tộc những nội dung quan trọng. Đây là loại văn hùng biện, chính luận nên ngôn từ thường sâu sắc, lý lẽ sắc bén và lập luận logic, chắc chắn. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán và lấy nhan đề là "Bình Ngô đại cáo" với ý nghĩa tuyên bố đến toàn dân về việc giặc Ngô đã được dẹp yên, đồng thời cũng thể hiện thái độ khinh bỉ trước tội ác quân giặc, những kẻ nhởn nhơ làm điều phi nghĩa cuối cùng cũng bị đánh bại.

Bình Ngô Đại cáo được chia làm 4 phần với những nội dung lớn. Phần thứ nhất từ đầu đến "Chứng cớ còn ghi", trong phần này, tác giả đã nêu lên luận đề chính nghĩa, cốt lõi của cuộc chiến đấu là vì nhân dân, tư tưởng nhân dân chính là "việc nhân nghĩa" khi bước vào cuộc chiến. Đây là một luận đề phù hợp để mở đầu cho tác phẩm, bởi một cuộc chiến xuất phát từ lợi ích của nhân dân, vì nhân dân và dân tộc thì luôn luôn là cuộc chiến chính nghĩa, trong đó "trừ bạo", diệt giặc là công việc tiên quyết hàng đầu lúc bấy giờ. Mặt khác, cũng trong đoạn này Nguyễn Trãi đặt đất nước ta sánh ngang với các triều đại phương Bắc để khẳng định nền độc lập, sự bình đẳng của Đại Việt với các triều đại phương Bắc. Chứng minh và khẳng định hùng hồn Đại Việt gắn với nền văn hiến lâu đời, có lãnh thổ riêng, phong tục tập quán riêng, có lịch sử vẻ vang, hào hùng và những nhân tài, anh kiệt ngàn đời. Các yếu tố ấy là làm nên một Đại Việt vẻ vang, độc lập và hiên ngang trước thế giới, trước các triều đại phương Bắc.

Sau khi nêu luận đề chính nghĩa, Nguyễn Trãi khéo léo vạch trần việc làm "phi nghĩa" của bè lũ giặc Minh cướp nước. Bằng giọng điệu gay gắt, ngôn ngữ đanh thép, tội ác giặc Minh được phơi bày như một bản kết tội sự tàn nhẫn dành cho chúng:

"Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời."

Sự tàn độc của chúng đạt đến tột đỉnh khi âm mưu giả dối, hành động phi nhân, vô đạo đức. Chúng giết người tàn bạo, không nương tay cho kẻ nghèo hèn, khốn khó, chúng thi hành bao chính sách tàn ác, dã man, khiến nhân dân phải chịu nỗi đau tinh thần lần nỗi đau thể xác:

"Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"

Càng vạch trần sự bạo tàn của quân thù, tác giả càng bày tỏ xót xa, đau đớn đến nghẹn ngào trước những nỗi khổ đau, nhọc nhằn mà nhân dân phải chịu đựng. Tiếng thơ vừa căm phẫn, vừa xót xa.

Đoạn thứ ba chiếm số lượng câu từ lớn nhất, từ "Ta đây núi Lam Sơn dấy nghĩa" đến "Cũng chưa thấy xưa nay", Nguyễn Trãi đã dùng trang dài nhất để tổng kết lại cuộc chiến đấu vẻ vang của nghĩa quân Lam Sơn vừa qua. Một lần nữa khẳng định sức mạnh dân tộc, ý chí chiến đấu mãnh liệt của dân tộc và kết quả tất yếu mà Đại Việt xứng đáng nhận được. Cuộc chiến đấu nào lúc bắt đầu cũng gặp nhiều khó khăn, nghĩa quân Lam Sơn cũng không nằm ngoài việc ấy. Ban đầu, quân ta phải đối mặt với vấn đề lương thực, vũ khí thiếu thốn, đội quân còn ít ỏi, thưa thớt, người tài, tuấn kiệt thì hiếm hoi. Nhưng "trong cái khó ló cái khôn", khó khăn ấy không làm nghĩa quân nhụt chí mà trái lại họ dùng trí tuệ để tìm ra những chiến thuật hay trong đánh trận.

"Lấy yếu thắng mạnh

Lấy ít địch nhiều"

Cùng với người lãnh đạo anh minh, sáng suốt, nghĩa quân ngày một lớn mạnh, sức chiến đấu hăng say. Thắng lợi liên tiếp, càng đánh càng hăng, thu về bao chiến công giòn giã. Quân Minh thất bại trong nhục nhã ê chề, kẻ phi nghĩa làm sao có thể tránh khỏi hai từ "thất bại". Đoạn cuối bài cáo, Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi tuyên bố hùng hồn về việc kết thúc chiến tranh và khẳng định nền độc lập, thái bình vững bền của dân tộc.

Bình Ngô đại cáo chiếm trọn tình cảm của nhân dân và của người đọc qua bao thế hệ không chỉ bởi nội dung sâu sắc mà còn tài năng nghệ thuật tài tình của tác giả Nguyễn Trãi. Bài cáo giàu sức thuyết phục bởi ngôn từ sắc bén, lí lẽ chính xác, lập luận đúng đắn. Các hình ảnh, hình tượng nghệ thuật giàu sức gợi, lối viết giàu cảm xúc. Các thủ pháp liệt kê, so sánh, đối lập,... được vận dụng linh hoạt, phù hợp. Giọng điệu thơ thay đổi linh hoạt, khi căm phẫn trước sự man rợ của quân thù, khi xót xa, đồng cảm trước khổ đau của nhân dân, khi mãnh liệt sục sôi trong tái hiện cuộc chiến đấu, khi lại hùng hồn, trịnh trọng để tuyên bố hòa bình, dẹp yên bóng giặc.

Tác phẩm Đại cáo bình Ngô là áng văn giàu giá trị và chứa chan lòng yêu nước của nền văn học Việt Nam. Đọc bài cáo, em hiểu thêm về những nỗi đau của nhân dân, hiểu thêm về lịch sử huy hoàng của dân tộc. Và qua đó, em ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân mình khi sống trong thời đại hôm nay, phải biết yêu quê hương đất nước, biết sống hết mình để dựng xây và phát triển quê hương, xứng đáng với bao hy sinh của cha anh đi trước.

TOP 10 bài Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng (ảnh 2)

Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng - mẫu 5

Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước Nam Bộ. Ông sống trong thời kì loạn lạc, xã hội rối ren, chế độ phong kiến Việt Nam suy tàn, bọn vua quan nhà Nguyễn thối nát. Xã hội đen tối, đau thương. Ngoài những thơ văn yêu nước. Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng với Truyện Lục Vân Tiên dài 2082 câu thơ lục bát.

Truyện thơ đề cao trung, hiếu, tiết, hạnh quan niệm đạo lí của nhân dân ta. Đạo làm tôi. đạo làm con, tình bằng hữu, nghĩa vợ chồng được nhà thơ hết lời ca ngợi:

"Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”

Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là hai nhân vật trung tâm của truyện như sáng ngời trung hiếu, tiết hạnh.

Đoạn trích "Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga" là một trong những đoạn thơ hay nhất của tác phẩm, tiêu biểu cho bút pháp tự sự của Nguyền Đình Chiểu. Nhân vật Lục Vân Tiên được khắc họa thành mẫu người anh hùng lí tưởng tuyệt đẹp: giàu lòng thương người, dũng cảm và vị nghĩa cao cả.

Lòng thương người là đức hạnh tốt đẹp nhất của Lục Vân Tiên. Từ giã thầy, chàng xuống núi, hăm hở về kinh đô ứng thí. Lộ trình đầy gian nan. Giữa đường, Lục Vân Tiên bất ngờ gặp nhân dân dắt díu nhau chạy trốn, tiếng kêu khóc vang lên thảm thiết. Chàng đã ân cần hỏi han sự tình đầu đuôi và quyết ra tay đánh cướp để cứu dân lành thoát khỏi cảnh đau thương, nước sôi lửa bỏng:

"Tôi xin ra sức anh hào,

Cứu người cho khỏi lao đao buổi này!"

Căm giận lũ bất lương, Lục Vân Tiên sôi sục lên án hành động dã man của chúng. Chàng đã đứng về phía nhân dân, quyết bảo vệ dân:

"Kêu rằng: bớ đảng hung đồ,

Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân".

Đạo lí của nhân dân ta rất đẹp "Thương ngườn như thể thương than”. Lục Vân Tiên đã hành động vì tình thương bao la ấy.

Tình thương người đã nâng cao chí khí và lỏng dũng cảm cho người thư sinh họ Lục. Lũ cướp rất đông và đáng sợ gươm giáo sáng ngời. Tướng cướp Phong Lai "mặt đỏ phừng phừng" đầy sát khí. Hắn dữ tợn và có sức khỏe muôn người khôn địch! Giữa vòng vây của 10 cướp, không một tấc sắt trong tay, một mình với cành cây làm gậy. Lục Vân Tiên đã dũng cảm đánh cướp. Đột kích bên tả, xung phong bên hữu, chàng tung hoành giữa bọn cướp. Chúng bị đánh tơi bời. Bọn lâu la đã khiếp đảm quăng gươm giáo bỏ chạy tan tác. Tướng cứơp Phong Lai bị tiêu diệt. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã so sánh Lục Vân Tiên đánh cướp với chiến công của hổ tướng Triệu Tử Long phá vòng vây Đương Dang thời Tam quốc để ca ngợi tinh thần quả cảm của người anh hùng vị nghĩa:

"Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Lâu la bốn phía vỡ tan,

Đều quăng gựơm giáo tìm dàng chạy ngay.

Phong Lai trở chẳng kịp tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong".

Giọng thơ hùng tráng vang lên diễn tả trận đánh cướp đầy kịch tính hấp dẫn.

Lục Vân Tiên là một anh hùng vị nghĩa cao đẹp.

Đánh tan lũ cướp sơn dài, Lục Vân Tiên đã giải thoát cho Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Cuộc kì ngộ giữa người dẹp và trang anh hùng diễn ra cảm động và đầy tình người. Kiều Nguyệt Nga muốn mời chàng hiệp sĩ qua miền Hà Khẽ, để cha nàng "báo đức thù công":

"Gẫm câu báo đức thù công,

Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng ngươi".

Nhưng Vân Tiên "nghe nói liền cười". Một nụ cười rất tươi, biểu lộ một tâm hồn cao cả: vô tư, hào hiệp, khẳng khái. Chàng xem việc đánh cướp của mình là một hành động nhân nghĩa. Người tráng sĩ phải ra tay cứu nhân độ thế, diệt trừ cái ác, chở che bênh vực người lầm than, bị áp bức. Nếu thấy việc nghĩa mà không làm thì còn đâu đáng mặt anh hùng nữa?

"Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,

Làm người thế ấy cũng phi anh hùng".

Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa nhân vật Lục Vân Tiên mang cốt cách tráng sĩ thời loạn, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, trọng nghĩa khinh tài, sống và hành động theo phương châm: "Lộ kiến bặt bình, bạt đao tương trợ . Vân Tiên cũng như người anh hùng Từ Hải trong 'Truyện Kiều".

"Anh hùng tiếng đã gọi rằng

Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!".

Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc họa thần tình. Cử chi, hành động, ngôn ngữ và cách ứng xử của chàng rất đẹp, mang phong thái người anh hùng, người tráng sĩ ngày xưa. Hình tượng này rất chân thật vì lòng thương người, chí quả cảm, tinh thần vị nghĩa của Vân Tiên đậm đà màu sắc đạo lí nhân dân ta. Trên một trăm năm mươi năm qua , nhân vật Lục Vân Tiên được nhân dân ta yêu mến, hâm mộ. Tinh thần chiến đấu kiên cường của đồng bào miền Nam trong cuộc đấu tranh chống phong kiến và đế quốc trong hơn thế kỉ qua đã làm cho ta cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp lí tưởng của người anh hùng Lục Vân Tiên. Tấm gương sáng chói ấy mãi mãi là một minh chứng hùng hồn về sức mạnh thẩm mĩ của thi ca, của Truyện Lục Vân Tiên mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại cho đời.

Thuyết trình về một tác phẩm văn học được khuyến nghị đọc ở phần Củng cố, mở rộng - mẫu 6

Xin chào thầy cô và các bạn, em là ... học sinh lớp ... tại trường ...

Chắc chắn mỗi người trong chúng ta đều đã từng đọc truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Truyện Lục Vân Tiên là một tác phẩm về luân lý, về việc làm người theo đạo đức với quan niệm rằng văn hóa mang trách nhiệm đạo đức. Tác giả muốn truyền đạt bài học từ người xưa về lòng nhân từ và tinh thần đạo đức.

Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) sinh ra tại làng Tân Khánh, phú Tân Bình, tỉnh Gia Định, trong một gia đình quan lại nhỏ. Ông là người học giỏi, có lòng hiếu thảo, và cả cuộc đời ông gắn liền với tinh thần nhân ái và tình yêu đất nước.

Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu đầy bi kịch: ông bị mù và gặp nhiều thăng trầm trong sự nghiệp. Tình yêu quê hương đối mặt với nỗi đau: Việt Nam bị Pháp xâm lược, miền Nam dần mất vào tay kẻ thù. Nguyễn Đình Chiểu được biết đến như một nhà thơ vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong những năm đau thương của thế kỷ XIX.

Tác phẩm của ông bao gồm các truyện thơ: “Truyện Lục Vân Tiên', “Dương Từ Hà Mậu', 'Ngư tiều y thuật vấn đáp”. Ngoài ra còn nhiều bài thơ, văn tế nổi tiếng như: “Chạy giặc', “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc', 'Văn tế Trương Định', 'Văn tế những anh hùng trong trận vong của Lục tỉnh”, và nhiều tác phẩm khác. Tất cả những tác phẩm văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu đều được viết bằng chữ Nôm, mang trong mình tinh thần nhân ái, lòng yêu nước và sự căm thù đối với kẻ thù.

Lục Vân Tiên là một tác phẩm độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu, bao gồm 2082 câu thơ lục bát (có phiên bản dài hơn với 2246 câu thơ lục bát).

Thông qua hành trình của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga, tác giả đã tôn vinh tư tưởng nhân nghĩa, chỉ trích những kẻ phản bội bạn bè, những kẻ vô lương, đồng thời khẳng định trung, hiếu, tiết, hạnh là những giá trị cao quý nhất.

'Người trai đẹp tạo dựng thời trung,
Người phụ nữ hiền lành, hiếu thảo là đem lại hạnh phúc cho gia đình'.

Về nội dung, Truyện thơ Lục Vân Tiên sáng tác khoảng thế kỷ XIX, gồm 2082 câu thơ lục bát. Tác phẩm nhấn mạnh vào việc chỉ trích sự bất công trong xã hội và truyền bá tinh thần làm người.

Về giá trị thực tiễn, tác phẩm đã chỉ trích mạnh mẽ cái ác, sự bất công trong xã hội. Nó phê phán những hành vi gian ác, không công bằng, và chỉ trích những kẻ lừa đảo, phản bội, cũng như những kẻ tham lam và bất nhân nhưng không quên vẫn nuôi hy vọng vào lòng tốt của con người.

Ngoài ra truyện còn đề cao giá trị nhân đạo, tôn vinh những giá trị đạo đức cao quý. Không chỉ đề cao tình thân nghĩa trong xã hội: tình cha mẹ, tình anh em, tình bạn, tình yêu thương giúp đỡ những người gặp khó khăn mà còn tôn vinh lòng hiệp sĩ, sẵn sàng giúp đỡ người gặp hoạn nạn. Từ đó phản ánh mong muốn của nhân dân về công bằng và những giá trị đẹp trong cuộc sống (kết cục hạnh phúc của truyện; thiện thắng ác, đạo đức chiến thắng tà).

Giá trị về mặt nghệ thuật của truyện nằm ở cách xây dựng nhân vật qua hành động, lời nói, không chú trọng vào mô tả bề ngoại mà tập trung vào tâm hồn. Tác phẩm thành công trong việc phác họa tính cách của Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga. Bằng ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi với ngôn từ hàng ngày và mang đậm bản sắc vùng Nam bộ, tác giả đa làm cho câu chuyện trở nên dễ hiểu, gần gũi với đông đảo độc giả.

Trên đây là sự giới thiệu về truyện thơ Lục Vân Tiên. Xin cảm ơn mọi người đã dành thời gian lắng nghe. Mong nhận được sự đóng góp từ mọi người.

Đánh giá

0

0 đánh giá