Chuyên đề Địa Lí 12 Cánh diều Chuyên đề 3: Phát triển làng nghề

139

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Địa Lí lớp 12 Chuyên đề 3: Phát triển làng nghề sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề Địa Lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa Lí 12 Chuyên đề 3: Phát triển làng nghề

I. Những vấn đề chung

Mở đầu trang 44 Chuyên đề Địa Lí 12: Làng nghề là một trong những nét đặc trưng của quá trình phát triển kinh tế nông thôn nước ta. Vậy làng nghề được hiểu như thế nào? Quá trình hình thành, phát triển của làng nghề ra sao? Làng nghề có đặc điểm, vai trò và tác động như thế nào đối với kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường? Định hướng phát triển làng nghề trong thời gian tới là gì?

Lời giải:

- Khái niệm làng nghề: là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Quá trình hình thành và phát triển làng nghề:

+ Thời kì Tiền sử

+ Thời kì Bắc thuộc

+ Thời kì phong kiến độc lập

+ Thời kì Pháp thuộc (cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX)

+ Thời kì 1945 đến nay

- Đặc điểm của làng nghề: gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp và nông thôn, cơ cấu ngành nghề đa dạng, sản phẩm phong phú, nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, quy mô sản xuất nhỏ, kĩ thuật sản xuất chủ yếu là thủ công với nhiều bí quyết truyền thống.

- Vai trò của làng nghề: góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo ra hàng hóa đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và hạn chế di cư tự do từ nông thôn ra thành thị; góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc; góp phần phát triển xã hội và xây dựng nông thôn mới

- Tác động của làng nghề: thúc đẩy sự phát triển của các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, du lịch và dịch vụ; nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy đô thị hóa nông thôn, hạn chế di dân, thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao ý thức giữ gìn an ninh trật tự, thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; phát huy các thế mạnh tài nguyên thiên nhiên, thay đổi cảnh quan môi trường, gây ô nhiễm môi trường cục bộ.

- Định hướng phát triển làng nghề: phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa; phát huy vai trò của nghệ nhân và thợ giỏi.

1. Khái niệm làng nghề

Câu hỏi trang 45 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày khái niệm làng nghề. Nêu ví dụ cụ thể.

Lời giải:

- Khái niệm: làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc, hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Ví dụ: làng nghề làm trồng Đọi Tam ở Hà Nam.

2. Đặc điểm của làng nghề

Câu hỏi trang 47 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày đặc điểm của làng nghề. Nêu ví dụ.

Lời giải:

- Gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp và nông thôn: Nông nghiệp, nông thôn vừa là nguồn cung cấp nguyên, vật liệu, lao động vừa là thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của làng nghề. Khi đã các nghề đã tách khỏi nông nghiệp những vẫn không rời khỏi nông thôn. Phần lớn các làng nghề vẫn tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn. Ví dụ: các làng nghề nằm trong vùng nông thôn như làng nghề sản xuất trống Đọi Tam ở Hà Nam.

- Cơ cấu ngành nghề đa dạng, sản phẩm phong phú, nhiều sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao:

+ Theo ngành nghề sản xuất và loại hình sản phẩm, làng nghề được phân thành nhiều nhóm, tương ứng với các ngành nghề nông thôn khác nhau. Ví dụ: làng nghề tranh Đông Hồ, làng nghề sản xuất muối,…

+ Sản phẩm của làng nghề phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã và giá cả.

+ Bên cạnh giá trị sử dụng còn có giá trị nghệ thuật cao, mỗi sản phẩm có thể coi là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng đặc sắc về văn hóa, tín người, tôn giáo của từng làng nghề. Nhiều sản phẩm được coi là bảo vật của gia đình, dòng họ.

- Quy mô sản xuất nhỏ:

+ Hộ gia đình là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu ở làng nghề.

+ Khu vực sản xuất thường nằm xen kẽ lẫn với khu dân cư. Diện tích đất bình quân mỗi hộ sản xuất dao động từ 250 – 1200 m2 tùy theo nhóm ngành nghề.

+ Phần lớn các cơ sở cản xuất ở làng nghề có doanh thu không lớn, tương ứng với quy mô lao động và mặt bằng sản xuất nhỏ.

- Kĩ thuật sản xuất chủ yếu là thủ công với nhiều bí quyết truyền thống: kĩ thuật sản xuất chính vẫn dựa chủ yếu vào đôi tay khéo léo của người thợ với những bí quyết truyền thống độc đáo. Dù sản xuất một loại sản phẩm nhưng quy trình sản xuất ở mỗi làng nghề cũng không giống nhau.

3. Quá trình hình thành và phát triển làng nghề

Câu hỏi trang 49 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển của làng nghề.

Lời giải:

- Thời kì Tiền sử: nghề thủ công xuất hiện từ rất sớm. Từ thời kì đầu công nguyên đã xuất hiện nhiều nghề thủ công như: chế tác đá, làm đồ gốm bằng bàn xoay, mộc và sơn, dệt vải, đan lát,…nghề đúc đồng phát triển nhất. Thời kì đồ đồng (Đông Sơn) người Việt cổ đã phát minh ra công thức hợp kim đồng thau, đồng thanh, tạo nên trống đồng tinh xảo. Đây là cơ sở hình thành ban đầu của làng nghề ở nước ta.

- Thời kì Bắc thuộc: các làng nghề vẫn được duy trì mặc dù bị kìm hãm, có những bước phát triển nhất định. Quá trình giao lưu kinh tế - văn hóa với các nước xung quanh đã thúc đẩy các nghề cũ phát triển theo hướng ngày càng tinh xảo. Nhiều ngành nghề mới xuất hiện: nghề làm giấy, nghề xây dựng,…

- Thời kì phong kiến độc lập:

+ Thời kì Lý – Trần (thế kỉ XI – XIV): thời kì phát triển mạnh mẽ nhất của các làng nghề, nổi bật là nghề dệt. Nhu cầu phát triển chùa chiền, xây dựng cung điện làm cho các nghề nề, mộc, rèn, đúc phát triển ở nhiều nơi. Thời kì này, cả nước có khoảng 64 làng nghề, phân bố hầu khắp lãnh thổ; Kinh Bắc là khu vực nhiều nhất, tiếp đến là Thăng Long.

+ Thời kì Lê – Nguyễn (thế kỉ XV – XIX), các nghề dệt, nề, mộc, gốm, rèn, đúc đồng,… duy trì và phồn vinh hơn trước. Thời kì nhà Nguyễn các làng nghề phát triển đa dạng, phong phú. Các trung tâm phát triển làng nghề: Thăng Long, Kinh Bắc, Hà Tây, Nam Định. Khu vực miền Trung, các làng nghề phát triển mạnh tại Thừa Thiên Huế, Hội An. Ở Nam Bộ, các làng nghề thủ công phát triển gắn liền với công cuộc khai hoang, mở đất và sản xuất nông nghiệp như: dệt, gốm, mộc, rèn, đan lát, đóng ghe xuồng,… Những người thợ giỏi di cư từ Bắc vào Nam vừa hành nghề vừa truyền nghề và lập ra nhiều phường thợ nổi tiếng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu,Thủ Dầu Một. Sản phẩm của làng nghề đã được tiêu thụ ở Nhật Bản, Trung cận đông và nhiều nước phương tây khác. Giai đoạn này, các làng nghề, phố nghề đã dần phát triển theo hướng tách khỏi sản xuất nông nghiệp.

- Thời kì Pháp thuộc (cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX):

+ Chính quyền thực dân Pháp xây dựng nhiều cơ sở công nghiệp và đưa vào hàng hóa ngoại nhập nên sản phẩm của làng nghề bị cạnh tranh gay gắt. Một số làng nghề không còn phù hợp cới nhu cầu thị trường nên biến mất. Một số làng nghề tận dụng chính sách thực dân, thay đổi mẫu mã, tính chất sản phẩm nên tồn tại và phát triển mạnh. Chính quyền thực dân thực hiện nhiều chính sách khuyến khích các ngành nghề nông thôn phát triển như mở một số trường dạy nghề, phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân và đưa sản phẩm thủ công tham gia hội chợ, triển làm tại Hà Nội và Pháp.

+ Nhiều nghề mới được du nhập từ Pháp và các nước khác: đồ đan mây, tráng gương bằng bạc, dệt vải màu, đăng ten, hương thắp, chỉ thêu, mành mành, đồ sừng, chế biến trà tàu hay làm đá trải đường. Ngoài Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, xuất hiện nhiều địa phương có làng nghề phát triển khác ở miền Trung là Thanh Hóa, Nghệ An; ở miền Nam là Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Gia Định (nay là Tp Hồ Chí Minh).

- Thời kì 1945 đến nay:

+ Trước năm 1986: cơ sở sản xuất của làng nghề tập trung trong các hợp tác xã. Vì coi là nghề phụ nên sản xuất ít chú ý đến chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế, không đề cao sức sáng tạo của nghệ nhân. Sản phẩm làm ra chủ yếu xuất sang thị trường Đông Âu và Liên Xô. Quá trình phát triển gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất giảm sút.

+ Từ năm 1986 đến nay: tác động của công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, làng nghề được chú trọng và phát triển mạnh mẽ. Lần đầu tiên các tiêu chí công nhận làng nghề được xác định rõ. Danh mục làng nghề được mở rộng.

+ Việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới từ 2010 đến nay, đã tạo điều kiện phát triển làng nghề với nhiều chính sách hỗ trợ. Làng nghề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kĩ thuật trong quá trình sản xuất. Các làng nghề bị mai một được bảo tồn, phục hồi. Nhiều làng nghề mới ra đời, đặc biệt là các nghề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn như: chế biến nông sản, cơ khí nhỏ. Ngoài sản xuất, các làng nghề còn phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Cảnh quan, môi trường làng nghề; công tác đào tạo nghề được chú trọng. Làng nghề phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững.

II. Phát triển làng nghề và các tác động

1. Vai trò

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học hãy phân tích các vai trò của làng nghề. Nêu ví dụ cụ thể.

Lời giải:

- Làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

+ Thúc đẩy các ngành nghề nông thôn phát triển thông qua nhu cầu mở rộng quy mô, địa bàn sản xuất và tăng thêm lao động. Cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn chuyển biến tích vực theo hướng tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Ví dụ: làng nghề phát triển tạo điều kiện phát triển du lịch, dịch vụ ở địa phương.

+ Kinh tế ở các làng nghề thay đổi về số lượng và tư duy sản xuất kinh doanh. Tập quán sản xuất ở vùng nông thôn chuyển dần từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. Đây là yếu tố cơ bản giúp các địa phương có làng nghề chuyển từ nông thôn thuần nông, nhỏ lẻ, phân tán lên công nghiệp lớn, hiện đại và đô thị hóa.

- Làng nghề tạo ra hàng hóa đa dạng, phong phú phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu: làng nghề sản xuất ra hàng trăm, nghìn mặt hàng khác nhau. Sản xuất được đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp hóa, đẩy mạnh ứng dụng máy móc và công nghệ mới nên khối lượng sản phẩm ngày càng lớn. Sản phẩm phục vụ nhu cầu gia đình, địa phương, là hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Ví dụ: năm 2020, chỉ tính riêng nhóm hàng thủ công mĩ nghệ, kim ngạch xuất khẩu đã đạt trên 2,4 tỉ USD. Nhiều mặt hàng xuất khẩu độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam như: gốm, sứ, mây, tre, cói, thảm; thêu, dệt thủ công,…

- Làng nghề góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo và hạn chế di cư tự do từ nông thôn ra thành thị:

+ Làng nghề tạo việc làm, thu nhập và sinh kế cho người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Bình quân mỗi hộ chuyên làm nghề tạo việc làm cho 2 – 3 lao động thường xuyên (2020). Lao động thời vụ, nông dân mất ruộng, người về hưu, người tàn tật,… cũng được huy động vào những công đoạn thích hợp trong các cơ sở sản xuất làng nghề. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong các làng nghề thường cao gấp 2 lần thu nhập của lao động thuần nông trên địa bàn.

+ Giải quyết việc làm cho cả dân cư các vùng lân cận. Sự phát triển làng nghề kéo theo sự phát triển của nhiều ngành, nghề dịch vụ khác, qua đó tạo thu nhập và giảm nghèo cho người dân nông thôn.

+ Mở rộng phạm vi, phát triển các làng nghề, thông qua giải quyết việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo còn góp phần giải quyết tình trạng di dân tự do từ nông thôn vào các thành phố lớn.

- Làng nghề truyền thống góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc:

+ Giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống được thể hiện trong các sản phẩm đặc trưng, không gian kiến trúc, lịch sử hình thành, phong tục, tập quán, luật lễ, lễ hội đặc sắc của làng.

+ Sản phẩm của làng nghề độc đáo, mang tính nghệ thuật cao vì chúng phản ánh rõ nét cuộc sống hàng ngày ở làng quê, phản ánh quan điểm nhân sinh và sự tài hoa của mỗi người thợ. Nhiều sản phẩm làng nghề có thẻ trở thành bảo vật, được coi là biểu tượng của truyền thống văn hóa dân tộc. Thông qua các sản phẩm đặc sắc của làng nghề, văn hóa các dân tộc Việt Nam được lưu giữ một cách cụ thể, bền vững và được quảng bá rộng rãi đến nhiều nước trên thế giới.

+ Mỗi làng nghề đều thờ cúng một tổ nghề hoặc một thành hoàng làng với lịch sử hình thành và phát triển riêng. Ngày hội làng trở thành dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của địa phương, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Ví dụ: lễ hội làng nghề Bát Tràng.

+ Làng nghề không chỉ là môi trường kinh tế, xã hội mà còn là môi trường văn hóa độc đáo. Bảo tồn và phát triển các làng nghề góp phần quan trọng trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa của dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

- Làng nghề góp phần phát triển xã hội và xây dựng nông thôn mới.

+ Mỗi làng nghề là một cộng đồng gắn kết mật thiết qua nhiều đời bởi những mối liên hệ khăng khít, nhiều mặt về lãnh thổ, dòng họ, phường, hội nghề nghiệp và nhiều yếu tố tâm linh khác. Sự liên kết cộng đồng bền chặt giúp nâng cao ý thức tự quản và giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở các vùng nông thôn.

+ Việc phát triển các ngành nghề nông thôn trong các làng nghề còn góp phần nâng cao thu nhập và tích lũy cho người dân, thông qua đó thực hiện thành công nhiều tiêu chí nông thôn mới, góp phần xây dựng không gian nông thôn văn minh, giàu bản sắc

2. Thực trạng phát triển làng nghề

Câu hỏi trang 55 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích tình hình phát triển chung của các làng nghề hiện nay.

Lời giải:

- Số lượng làng nghề:

+ Tính đến 2020, cả nước có 2655 làng nghề, nghề và làng nghề truyền thống trong đó 1293 làng nghề, 168 nghề truyền thống và 635 làng nghề truyền thống đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công nhận. So với 2011, số lượng làng nghề tăng cao do sự phát triển của các làng nghề mới và danh mục làng nghề thay đổi.

+ Số lượng làng nghề truyền thống giảm do bị sa sút, tan rã. Số lượng làng nghề của mỗi nhóm ngành sản xuất không giống nhau, nhóm có số lượng làng nghề nhiều nhất là: sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản.

- Lao động:

+ Năm 2020, cả nước có 672,1 nghìn lao động làm việc tại các làng nghề, tăng 13,5% so với 2011. Lao động thường xuyên chiếm tỉ lệ cao 66,8%, lao động thường vụ chiếm 33,2%. Chủ yếu làm trong các nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ.

+ Lực lượng lao động tinh hoa của làng nghề là nghệ nhân và thợ giỏi. Năm 2020, cả nước có 1178 nghệ nhân gồm: 185 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cấp Nhà nước, 572 nghệ nhân cấp tỉnh, 421 nghệ nhân do các hội, hiệp hội phong tặng.

- Thị trường tiêu thụ:

+ Tiêu thụ chủ yếu trong nước, để tăng sức cạnh tranh, các làng nghề tích cực đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, phát triển theo chường trình OCOP.

+ Đến nay có 11,8% số làng nghề có sản phẩm đăng kí nhãn hiệu, 130 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

+ Một số sản phẩm đã được tiêu thụ ở nước ngoài. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu thuộc 2 nhóm: sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ và sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Sản phẩm làng nghề hiện có mặt trên 163 nước.

- Địa bàn và hình thức tổ chức sản xuất:

+ Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh của các làng nghề năm 2020 là 211 nghìn cơ sở, tăng 44,9% so với 2011.

+ Hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra trong các khu dân cư. Sự xuất hiện của các cụm công nghiệp làng nghề giúp làng nghề mở rộng mặt bằng sản xuất, tiếp cận tốt hơn với kĩ thuật, công nghệ hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,…

+ Hộ gia đình chiếm khoảng 98,7% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Các hình thức sản xuất tiên tiến khác (doanh nghiệp, hợp tác xã) chiếm tỉ lệ nhỏ nhưng phát triển khá mạnh. Các phường nghề, hiệp hội nghề nghiệp đang được phục hồi, vai trò quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tư vấn, đào tạo nhân lực và xây dựng, bảo vệ thương hiệu làng nghề. Sự đa dạng của các hình thức này là điều kiện để tổ chức sản xuất ở làng nghề theo hướng hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ vùng nguyên liệu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

- Kết quả sản xuất kinh doanh:

+ Tổng doanh thu của các làng nghề năm 2020 đạt trên 58,2 nghìn tỉ đồng (tăng 81% so với năm 2011), trong đó nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ có doanh thu lớn nhất, đạt 25,7 nghìn tỉ đồng (chiếm 44,1%); tiếp đến là nhóm chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản đạt 15,2 nghìn tỉ đồng (chiếm 26,1%).

+ Thu nhập bình quân đầu người tăng cao, năm 2020 đạt trung bình khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Các nhóm làng nghề có mức thu nhập bình quân cao là: nhóm dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ. Nhóm làng nghề sản xuất muối có mức thu nhập bình quân thấp nhất.

- Phân bố: phát triển rộng khắp trên cả nước. Ở những vùng đông dân, phong tục tập quán phong phú, giao thông thuận lợi, gần nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm, làng nghề hình thành sớm và phát triển mạnh. Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là những nơi tập trung nhiều làng nghề của cả nước.

Câu hỏi trang 59 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích tình hình phát triển chung của các làng nghề hiện nay.

Lời giải:

- Nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản:

+ Gồm các làng nghề: làm bánh, kẹo; làm bún, miến, bánh đa; làm nem, gò, chả; chế biến chè, thuốc nam; làm tương, nước mắm,… Số lượng làng nghề nhiều, gắn liền với các đặc sản. Phân bố rộng khắp các vùng trên cả nước, tập trung nhiều nhất ở Trung du và miền núi Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng.

+ Quá trình sản xuất đã áp dụng nhiều máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nguyên liệu chính là các loại nông, lâm, thủy sản sẵn có tại địa phương. Sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước là chủ yếu (chiếm 95%), nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

- Nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ:

+ Gồm: làng nghề chạm khắc, chế tác đá; kim hoàn; sơn mài; làm giấy; tranh dân gian,…

+ Số lượng làng nghề còn lại không nghiều, nhưng có truyền thống lâu đời. Đồng bằng sông Hồng là vùng có nhiều làng nghề sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ nhất cả nước, tiếp đến là Trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Khoảng 15% sản phẩm đã có mặt ở nước ngoài, ưa chuộng ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu vì sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương và dân tộc.

+ Quá trình sản xuất đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị nhưng những khâu cơ bản gần như không thay đổi để giữ lại đặc trưng riêng của sản phẩm. Lao động thủ công là chính với những đòi hỏi cao về tay nghề, sự tỉ mỉ, sáng tạo và chuyên môn hóa sâu.

+ Cần chú trọng công tác bảo tồn các bí quyết truyền thống, truyền nghề và đào tạo nghề cho người lao động.

- Nhóm làng nghề xử lí, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn:

+ Gồm: ươm tơ, chế biến sợi từ bông, vải vụn, xơ dừa, cói, sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế nhựa,… Có số lượng ít. Phần lớn làng nghề tập trung ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Sản phẩm chủ yếu được dùng làm nguyên, vật liệu cho các ngành nghề sản xuất khác trong nước (93%) và xuất khẩu (7%). Lao động thủ công là chính. Máy móc thiết bị đã được ứng dụng phổ biến trong quá trình khai thác, sơ chế nguyên liệu và chế biến sản phẩm. Cần chú ý đổi mới công nghệ để tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Nhóm làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ:

+ Có số lượng nhiều nhất, nhiều ngành nghề khác nhau. Đồng bằng sông Hồng có nhiều làng nghề thuộc nhóm này nhất cả nước, tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

+ Sản phẩm chủ yếu là các vật dụng tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày, 22,5% được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Tỉ lệ nguyên, vật liệu ngoại nhập khá cao (trên 12%). Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến phát triển với số lượng doanh nghiệp nhiều nhất trong các nhóm làng nghề.

- Nhóm làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh:

+ Là nghề truyền thống ở nước ta. Nhiều làng nghề đã phát triển và nổi danh khắp cả nước. Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là những vùng có nhiều làng nghề nhất.

+ Các loại sinh vật tự nhiên được gây trồng phục vụ cho việc trang trí nhà cửa, công sở và các công trình dân sinh khác. Nhiều dản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu và sáng tạo. Sản phẩm được tiêu thụ trong nước là chủ yếu (99%). Nhóm làng nghề duy nhất đáp ứng tốt các tiêu chí về bảo vệ môi trường.

- Nhóm làng nghề sản xuất muối:

+ Phát triển từ lâu đời trên cơ sở tận dụng lợi thế khí hậu vùng nông thôn ven biển. Số lượng hiện nay còn lại không nhiều. Tập trung chủ yếu ở Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với nhiều làng nghề lâu đời.

+ Phương pháp phơi cát truyền thống độc đáo cho chất lượng muối tốt. Cần chú trọng các biện pháp nâng cao năng suất và sức cạnh tranh với muối công nghiệp và muối nhập khẩu.

- Nhóm làng nghề kinh doanh các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn:

+ Gồm: xây dựng, dịch vụ vận tải, sửa chữa ngư cụ, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi,… Phần lớn là các làng nghề mới, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi Bắc Bộ. Để tăng cường các mối liên kết sản xuất ở khu vực nông thôn, các làng nghề còn có rất nhiều tiềm năng phát triển.

3. Tác động của làng nghề đến kinh tế, xã hội và tài nguyên môi trường

Câu hỏi trang 60 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích tác động của làng nghề đến kinh tế, xã hội, môi trường. Cho ví dụ.

Lời giải:

- Kinh tế:

+ Thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển thông qua việc chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và cung cấp máy móc, dụng cụ sản xuất.

+ Thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển thông qua việc gia công nguyên liệu, bán thành phẩm.

+ Thúc đẩy phát triển du lịch dựa trên khai thác tính độc đáo của nghề, sản phẩm làng nghề, cảnh quan sinh thái, không gian kiến trúc và các di sản văn hóa truyền thống của làng nghề.

+ Thúc đẩy sự phát triển các ngành dịch vụ khác (thương mại, giao thông vận tải) thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động cung ứng nguyên, vật liệu và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

Ví dụ: sự phát triển của làng nghề chế biến nước mắm sẽ thúc đẩy việc khai thác thủy sản của địa phương.

- Xã hội:

+ Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thông qua việc tăng thu nhập; giảm tỉ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp, hộ nghèo; tăng tỉ lệ lao động phi nông nghiệp.

+ Thúc đẩy quá trình đô thị hóa nông thôn.

+ Hạn chế di dân tự do từ nông thôn ra thành thị nhờ giải quyết tốt việc làm và nâng cao mức sống ở khu vực nông thôn.

+ Thay đổi tập quán sản xuất từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung (trong các cụm công nghiệp làng nghề), tăng cường liên kết sản xuất thông qua các Hiệp hội làng nghề.

+ Nâng cao ý thức tự quản, giữ gìn an ninh trật tự thông qua các mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng làng nghề.

+ Góp phần thực hiện thành công các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ví dụ: sự phát triển của làng nghề giúp tạo việc làm, thu nhập cho người dân, hạn chế người dân bỏ quê ra phố tìm kiếm việc làm.

- Tài nguyên, môi trường:

+ Tận dụng, phát huy các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên.

+ Thay đổi cảnh quan môi trường ở làng nghề thông qua việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa của làng nghề, đầu tư xây dựng hệ thống xử lí rác, nước và khí thải, phát triển mạng lưới thu gom phế liệu,…

+ Gây ô nhiễm môi trường cục bộ.

Ví dụ: làng nghề sản xuất muối tận dụng và phát huy thế mạnh về vị trí địa lí, điều kiện khí hậu và tài nguyến muối của địa phương.

4. Định hướng phát triển

Câu hỏi trang 60 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy phân tích định hướng phát triển làng nghề trong thời gian tới.

Lời giải:

- Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới:

+ Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian,…).

+ Tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển các làng nghề có tiềm năng gắn kết với phát triển du lịch, dịch vụ.

- Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống:

+ Thống kê, phân loại và đẩy mạnh hoạt động xét công nhận làng nghề.

+ Xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một.

+ Hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng.

- Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa:

+ Du nhập, gây dựng, phát triển các nghề mới.

+ Lan tỏa, nhân cấy nghề truyền thống ra các làng nghề mới.

- Phát huy vai trò của nghệ nhân và thợ giỏi:

+ Tổ chức phong tặng, tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi.

+ Đẩy mạnh hỗ trợ công tác đào tạo nghề, truyền nghề của các nghệ nhân, thợ giỏi,…

+ Sưu tầm, lưu giữ, trưng bày các sản phẩm làng nghề tiêu biểu, đặc sắc; sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị.

III. Thực hành tìm hiểu về làng nghề ở địa phương

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập 1 trang 61 Chuyên đề Địa Lí 12: Lập bảng tóm tắt đặc điểm phát triển (về lao động, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, kĩ thuật sản xuất,…) của một số nhóm làng nghề theo mẫu dưới đây vào vở ghi.

Lập bảng tóm tắt đặc điểm phát triển về lao động, nguyên liệu, thị trường tiêu thụ

Lời giải:

STT

Nhóm

Đặc điểm phát triển

Tên làng nghề

1

Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản

- Số lượng làng nghề nhiều, gắn liền với các đặc sản.

- Phân bố rộng khắp các vùng trên cả nước.

- Quá trình sản xuất đã áp dụng nhiều máy móc hiện đại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nguyên liệu chính là các loại nông, lâm, thủy sản sẵn có tại địa phương. Sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước là chủ yếu (chiếm 95%), nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Cốm Vòng, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, đường thốt nốt Châu Lăng, nước mắm Phú Quốc.

2

Sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ

- Số lượng làng nghề còn lại không nghiều, nhưng có truyền thống lâu đời.

- Khoảng 15% sản phẩm đã có mặt ở nước ngoài, ưa chuộng ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu vì sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương và dân tộc.

- Quá trình sản xuất đã ứng dụng nhiều máy móc, thiết bị nhưng những khâu cơ bản gần như không thay đổi để giữ lại đặc trưng riêng của sản phẩm. Lao động thủ công là chính với những đòi hỏi cao về tay nghề, sự tỉ mỉ, sáng tạo và chuyên môn hóa sâu.

Chạm bạc Đồng Xâm, đá mĩ nghệ Non nước, sơn mài Tương Bình Hiệp,…

3

Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.

- Có số lượng nhiều nhất, nhiều ngành nghề khác nhau.

- Sản phẩm chủ yếu là các vật dụng tiêu dùng phục vụ đời sống hàng ngày, 22,5% được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài. Tỉ lệ nguyên, vật liệu ngoại nhập khá cao (trên 12%). Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến phát triển với số lượng doanh nghiệp nhiều nhất trong các nhóm làng nghề.

Lụa Vạn Phúc, gốm Phù Lãng, nón lá Vân Thê, gốm Bàu Trúc, gốm Bát Tràng,…

Luyện tập 2 trang 61 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào hình 3.6, hãy nhận xét sự phân bố làng nghề phân theo vùng ở nước ta năm 2020.

Dựa vào hình 3.6, hãy nhận xét sự phân bố làng nghề phân theo vùng ở nước ta năm 2020

Lời giải:

Nhìn chung, đến năm 2020 các làng nghề được phân bố rộng khắp trên cả nước, tuy nhiên sự phân bố có sự khác nhau giữa các vùng, cụ thể:

- Số lượng làng nghề tập trung nhiều nhất ở các vùng: Đồng bằng sông Hồng với 877 làng nghề, Trung du và miền núi Bắc Bộ với 717 làng nghề, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 609 làng nghề. Cùng với đó 3 vùng này cũng là những vùng có nhiều làng nghề truyền thống nhất cả nước, lần lượt là Trung du và miền núi Bắc Bộ với 252 làng nghề, Đồng bằng sông Hồng có 196 làng nghề và Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 160 làng nghề.

- Các vùng còn lại tập trung số lượng ít làng nghề:

+ Đồng bằng sông Cửu Long với 312 làng nghề và 87 làng nghề truyền thống.

+ Tây Nguyên có 93 làng nghề và 27 làng nghề truyền thống.

+ Đông Nam Bộ thấp nhất, chỉ có 47 làng nghề và 9 làng nghề truyền thống.

Vận dụng trang 61 Chuyên đề Địa Lí 12: Thu thập tài liệu và giới thiệu về một địa điểm du lịch làng nghề ở nước ta.

Lời giải:

Làng lụa Vạn Phúc

Làng lụa Vạn Phúc nằm ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội 10 km. Làng lụa Vạn Phúc Vạn Phúc Hà Đông Hà Nội là một trong hơn 1.000 làng nghề truyền thống đang tồn tại ở Việt Nam, nơi đây cũng được xem là cái nôi của nghề dệt lụa, với lịch sử tồn tại hàng ngàn năm, được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao tặng danh hiệu “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay”. Ở làng lụa Vạn Phúc có gần 800 hộ gia đình sinh sống bằng nghề dệt lụa truyền thống. Đến với làng lụa, du khách có thể tham quan các khu vực gồm: Chùa Vạn Phúc; Đền thờ tổ nghề; Miếu Vạn Phúc; Trung tâm bảo tồn lụa Vạn Phúc; Trung tâm sinh vật cảnh, phố đồ cổ - đồ xưa; Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh hay con đường bích họa đầy màu sắc phía trước sân đình làng... Đặc biệt tại đây du khách có thể tìm hiểu về nghề dệt truyền thống của làng. Nghề dệt lụa ở Vạn Phúc từ lâu đã nổi tiếng bởi nét tài hoa của những nghệ nhân làng nghề. Với những ai yêu lụa Vạn Phúc khi về nơi đây như được trở lại cội nguồn với nhiều nét xưa cũ. Đặc biệt để khẳng định bản sắc riêng, phát triển du lịch bền vững, phường Vạn Phúc đã xây dựng các tuyến phố Lụa kết hợp với các ngành nghề phụ trợ để phục vụ khách du lịch như: khu phố ẩm thực, phố sinh vật cảnh, trung tâm giao lưu văn hóa đồ cổ, phát triển loại hình lưu trú, mua sắm. Ngoài ra, nơi đây đã thành lập Hợp tác xã Vụn Art, mang lại thu nhập cho người khuyết tật bằng việc sử dụng các vải lụa vụn để ghép tranh lụa xuất khẩu ra nước ngoài. Hiệp hội làng nghề và chính quyền phường đã có các chương trình quảng bá sản phẩm cho làng nghề, các cửa hàng cũng bố trí, sắp xếp sản phẩm ngăn nắp, đẹp mắt hơn, tạo dấu ấn đối với mỗi du khách.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá