Chuyên đề Địa Lí 12 Cánh diều Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng chống

145

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Địa Lí lớp 12 Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng chống sách Cánh diều hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề Địa Lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa Lí 12 Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng chống

I. Những vấn đề chung

Mở đầu trang 4 Chuyên đề Địa Lí 12: Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thiên tai và chịu nhiều thiệt hại do thiên tai. Vậy ở nước ta, thiên tai có những đặc điểm và do các nguyên nhân nào? Các loại thiên tai nào thường xảy ra? Hậu quả và biện pháp phòng chống các loại thiên tai đó như thế nào?

Lời giải:

- Đặc điểm và nguyên nhân thiên tai:

+ Đặc điểm: có nhiều loại thiên tai, diễn biến ngày càng phức tạp và có sự khác nhau giữa các vùng, được phân thành các cấp rủi ro khác nhau.

+ Nguyên nhân: tác động của các nhân tố tự nhiên, biến đổi khí hậu và quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Các loại thiên tai thường xảy ra, hậu quả và biện pháp phòng chống:

+ Bão: hậu quả nặng nề hơn so với các loại thiên tai khác cả về người, kinh tế và môi trường.

+ Lũ lụt: gây thiệt hại lớn về người, các ngành kinh tế, môi trường.

+ Hạn hán: ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh tế, đời sống, môi trường sinh thái, sản xuất nông nghiệp.

1. Quan niệm về thiên tai

Câu hỏi trang 5 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày quan niềm về thiên tai. Lấy ví dụ minh họa.

Lời giải:

- Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

- Ví dụ: thiên tai bão là hiện tượng tự nhiên bất thương, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm ô nhiễm môi trường, thay đổi điều kiện sống và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế - xã hội.

2. Đặc điểm của thiên tai

Câu hỏi trang 6 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy trình bày các đặc điểm của thiên tai ở Việt Nam.

Lời giải:

- Có nhiều loại thiên tai: do các đặc điểm về vị trí địa lí, khí hậu, địa hình, sông ngòi,… nên nước ta thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai khác nhau. Mỗi loại thiên tai lại có sự khác nhau về điều kiện hình thành, đặc điểm, quy mô, mức độ nguy hiểm, khả năng gây thiệt hại,… Trong đó, các thiên tai phổ biến nhất và gây nhiều thiệt hại là: bão, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất, lũ quét, nắng nóng, mưa lớn, xâm nhập mặn, rét hại,…

- Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp và có sự khác nhau giữa các vùng:

+ Biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực đã làm cho thiên tai ở nước ta những năm gần đây có xu hướng gia tăng cả về tần suất, quy mô và cường độ. Thời gian xuất hiện ngày càng dị thường, trái quy luật nên rất khó dự báo và phòng chống, đặc biệt là mưa lớn, lũ, ngập lụt, bão, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn,…

+ Thiên nhiên nước ta có sự phân hóa đa dạng theo không gian và thời gian, đặc biệt là sự phân hóa của khí hậu và địa hình. Chính vì thế, mỗi vùng thường có các loại thiên tai khác nhau, tủy thuộc vào vị trí địa lí và những đặc điểm tự nhiên mang tính đặc thủ của từng vùng.

Các thiên tai chủ yếu

Phân bố

Lũ, lũ quét, sạt lở đất, rét hại, sương muối, mưa lớn, lốc, sét, mưa đá, động đất.

Trung du và miền núi Bắc Bộ

Bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại, mưa lớn.

Đồng bằng sông Hồng

Nắng nóng, hạn hán, lũ, lũ quét, sạt lở đất, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt.

Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

Áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, nước dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, mưa lớn, lốc, mưa đá.

Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long

- Thiên tai được phân thành các cấp rủi ro khác nhau:

+ Các cấp rủi ro được xác định dựa vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai. Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai và được phân tối đa thành 5 cấp theo mức độ tăng dần của rủi ro thiên tai.

+ Các cấp rủi ro thiên tai được công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai. Đây là cơ sở cho việc cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

3. Nguyên nhân của thiên tai

Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học hãy trình bày các nguyên nhân hình thành thiên tai ở Việt Nam.

Lời giải:

- Tác động của các nhân tố tự nhiên:

+ Vị trí địa lí nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, có lượng mưa lớn và phân mùa sâu sắc nên mùa mưa thường có mưa lớn, lũ lụt, nắng nóng,…; mùa khô thường bị hạn hán, xâm nhập mặn, rét hại,…

+ Vị trí tiếp giáp với Biển Đông – là vùng biển nhiệt đới nên hằng năm nước ta thường chịu ảnh hưởng nhiều của bão, áp thấp nhiệt đới,…

+ Địa hình nhiều đồi núi, chia cắt phức tạp, vỏ phong hóa dày trong điều kiện mưa lớn và phân mùa nên thường xảy ra sạt lở đất, lũ quét,…

- Tác động của biến đổi khí hậu: biến đổi khí hậu trên toàn cầu và khu vực là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện và gia tăng thiên tai ở nước ta trong tất cả các mùa. Xu hướng tăng lên của nhiệt độ Trái Đất, mực nước biển dâng, gia tăng tính thất thường của mưa,… đã làm cho các loại thiên tai phổ biến ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều hơn, với cường độ lớn hơn và diễn biến phức tạp, khó lường.

- Tác động của quá trình phát triển kinh tế - xã hội:

+ Gia tăng dân số cùng với những tác động tiêu cực từ hoạt động kinh tế - xã hội như khai thác rừng, xây dựng hồ chứa, khai thác khoáng sản, khai thác nước ngầm, đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng (công trình giao thông, khu đô thị, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí,…),… là nguyên nhân làm gia tăng tính bất thường của thiên tai ở nước ta cả về cường độ, quy mô và thời gian xuất hiện.

+ Việc gia tăng các hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển thủy điện, phát triển công nghiệp ở thượng lưu, trung lưu các sông lớn như sông Hồng, sông Cửu Long thuộc lãnh thổ các nước trong khu vực cũng là nguyên nhân góp phần làm trầm trọng hơn các loại thiên tai ở vùng hạ lưu thuộc lãnh thổ nước ta như: lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất,…

4. Phân loại thiên tai

Câu hỏi trang 8 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học hãy trình bày các cách phân loại thiên tai ở Việt Nam.

Lời giải:

- Căn cứ vào vùng lãnh thổ chia thành 2 loại: thiên tai diễn ra trên phạm vi hẹp (1 huyện hoặc 1 vài huyện), thiên tai diễn ra trên phạm vi rộng (gồm nhiều tỉnh, thành phố).

- Căn cứ vào thời gian diễn ra chia thành 2 loại: thiên tai xuất hiện trong thời gian ngắn (1 vài phút, 1 vài giờ) như lốc, sét, lũ quét,… và thiên tai xuất hiện trong thời gian dài (1 vài ngày đến hàng tháng) như bão, ngập lụt, hạn hán,…

- Căn cức vào mức độ thiệt hại, chia thành 2 loại:

+ Hiểm họa là những thiên tai có thể gây tổn thất về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và gián đoạn các hoạt động kinh tế, xã hội. Hiểm họa có thế diễn ra đột ngột, tốc độ nhanh (động đất, lũ quét,…) hoặc có thể diễn ra trong thời gian dài (hạn hán).

+ Thảm họa là những thiên tai dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Thảm họa thường có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, làm gián đoạn cuộc sống của cộng đồng và suy thoái môi trường.

- Căn cứ vào nguồn gốc phát sinh chủ yếu, chia thành 3 loại:

+ Thiên tai có nguồn gốc khí tượng (thiên tai khí tượng): bão, sét, mưa đá,…

+ Thiên tai có nguồn gốc thủy văn (thiên tai thủy văn): ngập lụt, lũ, nước dâng,…

+ Thiên tai có nguồn gốc địa chất (tai biến địa chất): động đất, sạt lở đất, sụt lún đất,…

II. Một số thiên tai, nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng chống

1. Bão

Câu hỏi trang 11 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Phân tích nguyên nhân và hậu quả của bão.

- Trình bày các biện pháp phòng chống bão ở nước ta.

Lời giải:

- Nguyên nhân của bão: bão được hình thành từ một vùng áp thấp trên các bề mặt biển ấm (có nhiệt độ trên 26°C), nơi có quá trình đối lưu, bốc hơi và hội tụ mạnh của không khí. Ở nước ta, bão thường được hình thành và di chuyển vào từ phía tây Thái Bình Dương và Biển Đông.

- Hậu quả: khi di chuyển vào đất liền, bão thường gây gió lớn, mưa to trên diện rộng, nước dâng gây thiệt hại trực tiếp về người, tài sản và kéo theo các loại thiên tai khác. Hậu quả thường nặng nề hơn so với các loại thiên tai khác.

+ Về người và sức khỏe cộng đồng: gây thiệt hại về người (bị thương, chết), làm giảm khả năng lao động, tăng nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.

+ Về kinh tế: thường làm hư hỏng, mất mát nhà cửa, tài sản, phương tiện giao thông, công trình xây dựng; thiệt hại về cây trồng, vật nuôi; gián đoạn sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ;…

+ Về môi trường: bão thường gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân làm xuất hiện các loại thiên tai khác như: lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,…

- Biện pháp phòng chống bão:

NHÓM BIỆN PHÁP LÂU DÀI

- Trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển nhằm làm suy yếu cường độ hoạt động của bão khi đổ bộ vào đất liền.

- Nghiên cứu, tăng cường đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả (tính chính xác, kịp thời) công tác dự bão bão.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng, hiện đại hóa phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm tăng hiệu quả phòng chống bão.

- Giáo dục, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bão và biện pháp phòng chống bão,…

NHÓM BIỆN PHÁP CỤ THỂ

Trước khi có bão

- Chặt, cưa bỏ cây khô, cành to ở vườn nhà, trường học đề phòng bị gãy đổ khi có bão.

- Dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, chất đốt và các vật dụng cần thiết của gia đình.

- Thực hiện các biện pháp phòng chống bão: chằng chống nhà cửa, bảo quản, cất giữ các giấy tờ quan trọng, sách vở, tài sản, công cụ sản xuất,…

- Thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và các chỉ đạo về ứng phó với bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chỉ đạo của địa phương và nhà trường.

- Sơ tán và trú ẩn ở những nơi an toàn, được xây kiên cố như: nhà ở, các công trình công cộng, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế,…

Khi bão đang xảy ra

- Không ra khỏi nơi tránh bão khi bão đang xảy ra.

- Tránh xa các khu vực nguy hiểm như: cửa kính, cột điện, đường dây điện, cây cao,…

- Thực hiện theo hướng dẫn của nhà trường, địa phương, gia đình về các việc nên làm, không nên làm khi đang có bão,…

Sau khi bão tan

- Tiếp tục theo dõi thông tin về bão đề phòng mưa lớn, lũ lụt và các thiên tai khác sau khi bão tan.

- Tham gia cứu giúp người bị nạn theo hướng dấn của người thân, địa phương, nhà trường.

- Kiểm tra nhà ở, tài sản, đồ dùng, công cụ sản xuất, nguồn điện, nguồn nước, lương thực, thực phẩm dự trữ của gia đình,… nhằm phát hiện các thiệt hại cần khắc phục, sửa chữa.

- Dọn dẹp vệ sinh môi trường ở gia đình và nhà trường để phòng dịch bệnh,…

2. Lũ lụt

Câu hỏi trang 13 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Phân tích nguyên nhân và hậu quả của lũ lụt.

- Trình bày các biện pháp phòng chống lũ lụt ở nước ta.

Lời giải:

- Nguyên nhân lũ lụt: thường hình thành do mưa lớn tập trung ở một khu vực trong một thời gian nhất định; do vỡ đập, vỡ đê; nước biển dâng do bão. Trong đó mưa lớn là nguyên nhân gây lũ lụt chủ yếu ở nước ta.

- Hậu quả: thường gây thiệt hại lớn về người, các ngành kinh tế và môi trường

+ Về người: có thể gây đuối nước, bị thương, mất tích, tăng nguy cơ dịch bệnh,…

+ Về kinh tế: hư hỏng tài sản, nhà ở, công trình xây dựng; thiệt hại về cây trồng, vật nuôi; các ngành sản xuất và dịch vụ;…

+ Về môi trường: gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất, gia tăng nhiễm mặn, nhiễm phèn ở vùng ven biển.

- Biện pháp phòng chống lũ lụt:

NHÓM BIỆN PHÁP LÂU DÀI

- Bảo vệ rừng, mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ nhằm điều hòa nguồn nước, hạn chế lũ lụt.

- Hiện đại hóa cơ sở vật chất kĩ thuật nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo sớm lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn khi lũ lụt xảy ra.

- Giáo dục, tuyên tuyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lũ lụt và biện pháp phòng chống lũ lụt,…

NHÓM BIỆN PHÁP CỤ THỂ

Trước khi có lũ lụt

- Theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và các chỉ đạo của địa phương và nhà trường về ứng phó với lũ lụt trên các phương tiện thông tin.

- Trao đổi với gia đình, người thân lập kế hoạch và biện pháp phòng tránh khi lũ lụt xảy ra; thực hiện theo hướng dẫn của địa phương và nhà trường.

- Chuẩn bị các thiết bị liên lạc, phương tiện cứu sinh (nếu có); lưu thông tin và địa chỉ có thể liên hệ khẩn cấp khi cần hỗ trợ (số điện thaofi của người thân, nhà trường, chính quyền địa phương,…).

- Dự trữ và bảo quản lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc và đồ dùng y tế cho gia đình; bảo quản giấy tờ quan trọng, tài sản, đồ dùng học tập, công cụ sản xuất để tránh hư hỏng do ngập nước và cuốn trôi do lũ.

- Sơ tán và trú ấn ở những nơi an toàn, được xây kiên cố như: nhà cao tầng, các công trình công cộng, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế,…

Khi đang có lũ lụt

- Không rời khỏi nơi phòng tránh lũ lụt; tránh xa các dòng thoát lũ, miệng cống thoát nước; cột điện, đường điện, cây nghiêng đổ; gọi người hỗ trợ khi có người bị nạn;…

- Chủ động dừng các hoạt động trên sông, rạch khi có lũ và trên đường giao thông bị ngập nước; không bơi lội, chơi đùa dưới dòng nước lũ.

- Không sử dụng trực tiếp nguồn nước lũ cho sinh hoạt; không sử dụng lương thực, thực phẩm đã bị hư hỏng do ngập nước.

Sau khi có lũ lụt

- Tham gia cứu giúp người bị nạn, giúp đỡ trẻ em, người già, những người có hoàn cảnh khó khăn.

- Tham gia khắc phục hậu quả sau lũ; dọn vệ sinh môi trường ở gia đình, cộng đồng và nhà trường.

- Trồng tre hoặc các loại cây thích hợp quanh nhà để phòng, tránh thiệt hại do lũ lụt,…

3. Hạn hán

Câu hỏi trang 14 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Phân tích nguyên nhân và hậu quả của hạn hán.

- Trình bày các biện pháp phòng chống hạn hán ở nước ta.

Lời giải:

- Nguyên nhân hạn hán: hình do không có mưa hoặc rất ít mưa trong một thời gian dài, đặc biệt là ở những nơi có lớp phủ thực vật bị suy giảm, làm hạ thấp mực nước ngầm, sông ngòi, ao hồ cạn kiệt, độ ẩm của đất giảm mạnh và trở nên khô cằn.

- Hậu quả: thường ít gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh tế, đến đời sống con người và môi trường sinh thái, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.

+ Về người: làm cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt; gia tăng các bệnh truyền nhiễm,…

+ Về kinh tế: gây thiệt hại lớn trong nông nghiệp do thiếu nước cho trồng trọt, chăn nuôi, dẫn đến thiếu lương thực và thực phẩm; giảm công suất hoặc gián đoạn hoạt động của các nhà máy thủy điện, hạn chế hoặc gián đoạn hoạt động giao thông vận tải đường thủy,…

+ Về môi trường: làm biến đổi môi trường sống của các loài sinh vật, tăng nguy cơ và mức độ hoang mạc hóa; cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước (nước mặt, nước ngầm); tăng mức độ và diện tích bị nhiễm mặn, nhiễm phèn ở các vùng ven biển,…

- Biện pháp phòng chống hạn hán:

NHÓM BIỆN PHÁP LÂU DÀI

- Bảo vệ rừng, mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ nhằm tăng khả năng giữ đất, giữ nước, giảm thiểu mức độ hạn hán.

- Đầu tư phát triển các công trình thủy lợi, tăng cường khả năng dự trữ và phân phối nước cho sản xuất; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước.

- Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, áp dụng các mô hình sản xuất, các cây trồng có khả năng chịu hạn trong nông nghiệp.

- Nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ nguồn nước,…

NHÓM BIỆN PHÁP CỤ THỂ

Trước khi có hạn hán

- Theo dõi thông tin dự báo về tình hình hạn hán trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Dự trữ nước sinh hoạt cho gia đình; xây dựng bể chứa hoặc sử dụng các vật dụng có thể chứa nước để thu gom, dự trữ nguồn nước mưa.

- Dự trữ lương thực, thực phẩm cho gia đình; dự trữ và bảo quản nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa khô,…

Khi đang hạn hán

- Thực hiện theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của địa phương về các biện pháp ứng phó với hạn hán.

- Sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, tận dụng nước đã dùng cho sinh hoạt để tưới cây hoặc dọn vệ sinh,…

- Cẩn trọng khi sử dụng lửa, thiết bị điện trong gia đình, đề phòng hỏa hoạn.

Sau khi hạn hán

- Kiểm tra và sửa chữa, củng cố hệ thống bể chứa, vật dụng có thể chứa nước.

- Hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn hán và khôi phục các hoạt động sản xuất sau hạn hán ở gia đình, cộng đồng và nhà trường,…

4. Một số loại thiên tai khác

Câu hỏi trang 16 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả của sạt lở đất và lũ quét.

- Trình bày các biện pháp chủ yếu để phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do sạt lở đất và lũ quét ở nước ta.

Lời giải:

- Sạt lở đất:

+ Nguyên nhân: đất đá trên các sườn dốc bị thấm nước do mưa lớn hoặc nước lũ; mực nước sông, hồ thay đổi đột ngột do tích nước trong hồ chứa; các hoạt động của con người (chặt phá rừng, xẻ sườn núi làm đường, xây nhà ở, khai thác khoáng sản, lấn chiếm dòng chảy,…)

+ Hậu quả: gây thiệt hại lớn, thương vong về người; phá hủy nhà ở, tài sản người dân, các công trình giao thông, thông tin liên lạc; gián đoạn hoạt động giao thông vận tải, du lịch; mất rừng và đất canh tác;…

+ Biện pháp chủ yếu:

• Khi chưa có: cần tìm hiểu các điều kiện tự nhiên của địa phương, khả năng xuất hiện sạt lở đất, các trận sạt lở đất đã từng xảy ra; bảo vệ kết hợp với mở rộng diện tích rừng; lập kế hoạch và biện pháp phòng tránh khi sạt lở đất xảy ra; theo dõi thông tin cảnh báo trên các phương tiện thông tin của địa phương về nguy cơ xảy ra.

• Khi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất: sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm khi có yêu cầu của địa phương và cơ quan chức năng; theo dõi và nhận biết các dấu hiệu bất thường, báo hiệu hiện tượng sạt lở đất; sẵn dàng di chuyển nhanh đến nơi an toàn khi quan sát thấy các dấu hiệu của sạt lở đất.

• Sau khi có sạt lở đất: không lại gần các khu vực bị sạt lở - là những nơi chưa ổn định và có thể tiếp tục sạt lở; hỗ trợ người thân, bạn bè và cộng đồng khắc phục hậu quả của sạt lở đất,…

- Lũ quét:

+ Nguyên nhân: xảy ra do mưa lớn trên các khu vực địa hình dốc, chia cắt mạnh và lớp phủ thực vật bị phá hủy. Xuất hiện do vỡ đập hoặc xả lũ khẩn cấp với lưu lượng lớn.

+ Hậu quả: gây thiệt hại về người (bị thương, chết); phá hủy nhà cửa, các công trình công cộng; xói lở đất hoặc bồi lấp đất, đá vào đồng ruộng,…

+ Biện pháp:

• Trồng rừng và bảo vệ rừng để hạn chế mức độ tập trung nước trên bề mặt; áp dụng các biện pháp canh tác hợp lí trên đất dốc.

• Xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch ứng phó khẩn cấp khi có lũ quét. • Thực hiện sơ tán theo kế hoạch và sự hướng dẫn của địa phương; chủ động sơ tán khẩn cấp khi thấy các dấu hiệu có thể xảy ra lũ quét.

• Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và nâng cao kĩ năng phòng chống lũ quét cho cộng đồng,…

III. Thực hành tìm hiểu về thiên tai và biện pháp phòng chống

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập 1 trang 17 Chuyên đề Địa Lí 12: Vẽ sơ đồ hệ thống hóa các đặc điểm của thiên tai ở Việt Nam.

Lời giải:

Vẽ sơ đồ hệ thống hóa các đặc điểm của thiên tai ở Việt Nam

Luyện tập 2 trang 17 Chuyên đề Địa Lí 12: Hoàn thành các thông tin (nguyên nhân, hậu quả, biện pháp) về một loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta theo mẫu sau vào vở ghi.

Hoàn thành các thông tin (nguyên nhân, hậu quả, biện pháp) về một loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta

Lời giải:

Loại thiên tai

Nguyên nhân

Hậu quả

Biện pháp

Bão

Hình thành từ một vùng áp thấp trên các bề mặt biển ấm (có nhiệt độ trên 26°C), nơi có quá trình đối lưu, bốc hơi và hội tụ mạnh của không khí.

+ Thiệt hại về người (bị thương, chết), làm giảm khả năng lao động, tăng nguy cơ dịch bệnh, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng.

+ Làm hư hỏng, mất mát nhà cửa, tài sản, phương tiện giao thông, công trình xây dựng; thiệt hại về cây trồng, vật nuôi; gián đoạn sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ;…

+ Gây ô nhiễm môi trường và là nguyên nhân làm xuất hiện các loại thiên tai khác như: lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất,…

- Trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển nhằm làm suy yếu cường độ hoạt động của bão khi đổ bộ vào đất liền.

- Nghiên cứu, tăng cường đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả (tính chính xác, kịp thời) công tác dự bão bão.

- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng, hiện đại hóa phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm tăng hiệu quả phòng chống bão.

- Giáo dục, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bão và biện pháp phòng chống bão,…

Vận dụng trang 17 Chuyên đề Địa Lí 12: Ở địa phương em thường có loại thiên tai nào? Em có thể làm gì để phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của loại thiên tai đó?

Lời giải:

Địa phương em thường có thiên tai hạn hán, các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại của hạn hán:

- Tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng

- Dự trữ nước sinh hoạt cho gia đình, sử dụng các vật dụng có thể chứa nước để thu gom, dự trữ nguồn nước mưa.

- Dự trữ lương thực, thực phẩm cho gia đình; dự trữ và bảo quản nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm trong mùa khô.

- Sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, tận dụng nước đã dùng cho sinh hoạt để tưới cây hoặc dọn vệ sinh,…

- Hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn hán và khôi phục các hoạt động sản xuất sau hạn hán ở gia đình, cộng đồng và nhà trường.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng chống

 
Đánh giá

0

0 đánh giá