Chuyên đề Địa Lí 12 Kết nối tri thức Chuyên đề 12.3: Phát triển làng nghề

1.1 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Địa Lí lớp 12 Chuyên đề 12.3: Phát triển làng nghề sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề Địa Lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa Lí 12 Chuyên đề 12.3: Phát triển làng nghề

I. Những vấn đề chung

Mở đầu trang 41 Chuyên đề Địa Lí 12: Làng nghề ở nước ta có lịch sử phát triển lâu đời và phân bố rộng khắp đất nước. Phát triển làng nghề là giải pháp kinh tế quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương. Các làng nghề nước ta có đặc điểm và vai trò như thế nào? Hình thành và phát triển ra sao? Những tác động của làng nghề đối với kinh tế, xã hội và môi trường là gì?

Lời giải:

- Đặc điểm và vai trò của các làng nghề nước ta:

+ Đặc điểm: là một bộ phận của kinh tế nông thôn và gắn bó với sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng và nguồn nguyên liệu thường là tại chỗ, đặc biệt là các làng nghề truyền thống; có sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ mới trong sản xuất; hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phong phú; thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng.

- Sự hình thành và phát triển làng nghề:

+ Sự hình thành: hộ nông nghiệp => hộ nông nghiệp + nghề phụ => hộ chuyên nghề => phường nghề = > làng nghề, xã nghề.

+ Sự phát triển: gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa và kinh tế, từ thời kì Phùng Nguyên đến thời Lý – Trần, thời nhà Lê, Mạc, thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, thời Pháp Thuộc và từ 1945 đến nay.

- Những tác động của làng nghề đối với kinh tế, xã hội và môi trường:

+ Đối với kinh tế: tích cực: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nguồn thu ngoại tệ; tạo ra nhiều việc làm; thúc đẩy hiện đại hóa, đô thị hóa khu vực nông thôn; văn hóa – xã hội ở nông thôn được nâng cao, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo; bảo tồn văn hóa dân tộc. Tiêu cực: sự cạnh tranh không lành mạnh; chênh lệch trong thu nhập giữ người thợ làm thuê và người chủ hoặc thương nhân; tạo ra áp lực xã hội đối với những người làm việc trong làng.

+ Đối với tài nguyên, môi trường: tích cực: tận dụng tài nguyên, giảm thiểu chi phí vận chuyển và nhập khẩu; giữ cho các nguồn tài nguyên tự nhiên của địa phương không bị khai thác quá mức, lãng phí; bảo tồn tài nguyên, giảm áp lực lên môi trường tự nhiên. Tiêu cực: gây cạn kiệt tài nguyên; ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng sức khỏe, đời sống cộng đồng, gây tổn thất kinh tế, mất an ninh, trật tự.

1. Khái niệm

Câu hỏi trang 42 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục I.1, hãy trình bày khái niệm làng nghề và tiêu chí xác định làng nghề.

Lời giải:

- Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân tư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Tiêu chí xác định làng nghề:

+ Có tối thiểu 20% số hộ trên địa bàn tham gia.

+ Có tối thiểu 2 năm liên tục sản xuất kinh doanh ổn định.

+ Đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định hiện hành.

2. Đặc điểm làng nghề

Câu hỏi trang 44 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục I.2, hãy trình bày các đặc điểm của làng nghề Việt Nam.

Lời giải:

- Là một bộ phận của kinh tế nông thôn và gắn bó với sản xuất nông nghiệp:

+ Nghề thủ công bắt đầu từ nông nghiệp gắn với phân công lao động ở nông thôn. Lao động trong các làng nghề chủ yếu là lao động trong gia đình. Các gia đình tự quản lí, phân công lao động, thời gian phù hợp giữa sản xuất nông nghiệp lúc mùa vụ với nghề thủ công lúc nhàn rỗi.

+ Hoạt động của làng nghề vừa mang tính chất ngành nghề vừa có tính lãnh thổ.

- Cơ sở hạ tầng và nguồn nguyên liệu thường là tại chỗ, đặc biệt là các làng nghề truyền thống:

+ Do quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn hạn chế nên nơi ở của các hộ gia đình cũng thường là nơi sản xuất của làng nghề, không gian chung của làng cũng chính là nơi sản xuất, trưng bày và buôn bán sản phẩm làng nghề.

+ Hầu hết các làng nghề truyền thống được hình thành xuất phát từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Một số nguyên liệu phải nhập từ vùng khác nhưng không nhiều.

- Có sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ mới trong sản xuất:

+ Công nghệ truyền thống là những kĩ thuật sản xuất do chính người lao động trong làng nghề tạo ra. Đó là những bí quyết, kinh nghiệm của người thợ được tích lũy qua nhiều thế hệ. Sản phẩm của làng nghề thường mang những đặc trưng riêng biệt, được tạo ra bởi bàn tay khéo léo và kĩ thuật sản xuất tinh tế.

+ Sự kết hợp giữa công nghệ truyền thống và công nghệ mới đang trở thành một xu hướng phát triển trong sản xuất của làng nghề Việt Nam. Các làng nghề đã tìm cách kết hợp những kĩ thuật sản xuất truyền thống với các công nghệ tiên tiến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu thị trường.

- Hình thức tổ chức sản xuất ngày càng phong phú:

+ Đa số cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề là hộ gia đình, sản xuất trên diện tích nhỏ. Ưu điểm là tự chủ, tận dụng được lao động, thời gian nhàn rỗi và cơ sở vật chất sẵn có tại gia đình. Tuy nhiên, bị hạn chế về năng lực quản lí, năng lực tài chính, khó khăn khi đổi mới công nghệ, khó tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn.

+ Tại một số làng nghề lớn đã xuất hiện các mô hình sản xuất khác như tổ hợp tác, hợp tác xã,… Giúp mở rộng quy mô sản xuất, tăng nguồn vốn, tăng cường quản lí và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

+ Các công ty, các doanh nghiệp công nghiệp ở nông thôn được phát triển ở những làng nghề có khả năng đổi mới công nghệ để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.

+ Cụm công nghiệp làng nghề là một mô hình sản xuất mới tại các làng nghề ở nước ta. Không chỉ sản xuất những sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới mà còn sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao xuất khẩu ra nước ngoài.

- Thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng được mở rộng:

+ Các làng nghề khi mới hình thành, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương. Khi đó, thị trường tiêu thụ có tính đặc thù, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ở vùng nông thôn.

+ Khi nền kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, hội nhập nền kinh tế thế giới đã mở rộng thị trường tiêu thụ cho các làng nghề, bao gồm cả thị trường trong và ngoài nước.

+ Thị trường tiêu thụ các sản phẩm làng nghề đang được mở rộng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, sàn thương mại điện tử.

+ Sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề. Khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm các điểm du lịch Việt Nam có thể mua các sản phẩm làng nghề làm quà lưu niệm.

3. Quá trình hình thành và phát triển làng nghề Việt Nam

Câu hỏi trang 45 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục I.3, hãy trình bày quá trình hình thành và phát triển làng nghề ở nước ta

Lời giải:

- Quá trình hình thành: các làng nghề truyền thống nước ta đều ra đời ở nông thôn và tách dần từ nông nghiệp. Ban đầu, việc sản xuất các sản phẩm phi nông nghiệp là một bộ phận trong toàn bộ hoạt động của người nông dân. Sau đó, những ngành nghề phụ dần trở thành ngành sản xuất chính ở một số làng. Song, để đảm bảo cuộc sống ổn định, người dân làng nghề vẫn duy trì nghề nông và đi buôn bán hoặc làm thêm nghề khác. Sự hình thành: hộ nông nghiệp => hộ nông nghiệp + nghề phụ => hộ chuyên nghề => phường nghề = > làng nghề, xã nghề.

- Lịch sử phát triển:

+ Thời kì Phùng Nguyên (3000 TCN), người Việt đã sáng chế ra kĩ thuật chế tác đá và sản xuất gốm. Đến thời kì Đông Sơn, phát minh ra công thức hợp kim đồng thau, đồng thanh và phát triển 7 nhóm nghề thủ công lớn( luyện kim, chế tạo đồ gốm, chế tạo thủy tinh, mộc và sơn, dệt vải, đan lát, chế tác đá).

+ Thời Lý – Trần (thế kỉ XI – XIV): một trong những giai đoạn phát triển mạnh mẽ ngành nghề thủ công. Các ngành nghề phát triển mạnh là nghề gốm, kiến trúc xây dựng, chạm khắc gỗ và đá, sơn, giấy dó, dệt tơ lụa, đúc đồng, kim hòa, đóng thuyền,…

+ Thời nhà Lê, nhà Mạc (thế kỉ XV – XVII): làng nghề thủ công tiếp tục ra đời và phát triển. Hình thành 36 phố phường của Kinh thành Thăng Long với các phường nghề: làm giấy dó Yên Thái, dệt vải lụa Nghi Tàm, đúc đồng Ngũ Xá, phường Hàng Bạc, phường Hàng Trống,…

+ Thời kì Trịnh – Nguyễn phân tranh (thế kỉ XVI – XVII) thủ công nghiệp mang tính chất nghề phụ tiếp tục phát triển ở cả Đàng Trong, Đàng Ngoài. Chính sách mở cửa, khuyến khích và bảo trợ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thu hút được một số lượng lớn lao động thủ công lành nghề miền Bắc vào sinh sống và lập nghiệp. Thời kì xuất hiện nhiều làng nghề thủ công có nguồn gốc từ miền Bắc như: đúc đồng Phước Kiều, mộc Kim Bồng, đá mĩ nghệ Non Nước, sơn mài Tân Bình Hiệp,…

+ Thời Pháp thuộc (1858 – 1945), chính quyền thực dân Pháp có một số hoạt động khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công. Một số trung tâm sản xuất thủ công mĩ nghệ đã hình thành ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quy Nhơn, Phan Thiết, Sài Gòn, Biên Hòa,…

+ Từ năm 1945 đến nay: làng nghề Việt Nam đã trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm khác nhau, gắn liền với sự biến động của thị trường trong và ngoài nước, sự chuyển đổi trong cơ chế quản lí cùng với chính sách phát triển các thành phần kinh tế của Nhà nước.

II. Phát triển làng nghề và các tác động

1. Vai trò của làng nghề

Câu hỏi trang 46 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục II.1, hãy phân tích vai trò của các làng nghề ở nước ta.

Lời giải:

- Góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn:

+ Mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình nông thôn, giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế của cộng đồng.

+ Giúp các địa phương thực hiện các tiêu chí của nông thôn mới (phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động,…).

- Tạo ra khối lượng hàng hóa đa dạng, phong phú phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu:

+ Các làng nghề sản xuất ra các sản phẩm thủ công độc đáo và chất lượng cao. Các sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn dược xuất khẩu ra nhiều quốc gia khác.

+ Các sản phẩm làng nghề đem lại một nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước thông qua việc xuất khẩu các mặt hàng này. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mĩ nghệ tăng từ 274 triệu USD năm 2000 lên khoảng 1,7 tỉ USD năm 2021.

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa:

+ Các làng nghề ở vùng nông thôn góp phần phá vỡ cấu trúc thuần nông, mở ra khả năng phát triển công nghiệp nông thôn một cách hợp lí.

+ Tạo cơ hội cho hoạt động dịch vụ ở nông thôn mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, đó là các dịch vụ cung ứng vật liệu, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm và các dịch vụ khác ở các làng nghề gắn với du lịch.

+ Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GRDP của các làng nghề tăng lên, chiếm từ 60 – 80%. Nhiều làng nghề phát triển trở thành trung tâm kinh tế của địa phương, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

- Góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc:

+ Các sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh, giao lưu và phát triển các giá trị văn hóa, văn minh lâu đời của dân tộc. Những sản phẩm này luôn mang dấu ấn tâm hồn và bản sắc của dân tộc, là dấu ấn di sản văn hóa vô giá mà ông cha ta để lại cho thế hệ sau.

+ Các làng nghề truyền thống là một dạng tài nguyên du lịch văn hóa. Nhiều làng nghề là nơi thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa, sản phẩm và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bảo tồn và phát triển làng nghề cũng sẽ góp phần hiệu quả vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế.

2. Thực trạng và định hướng phát triển làng nghề

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục II.2, hãy trình bày thực trạng và định hướng phát triển làng nghề nước ta.

Lời giải:

- Thực trạng:

+ Nước ta có số lượng làng nghề lớn, cơ cấu làng nghề đa dạng. Năm 2021, cả nước có 5411 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1951 làng được công nhận là làng nghề. Trong cơ cấu làng nghề, nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chiếm tỉ trọng cao nhất. Tiếp theo là nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản. Hai nhóm làng nghề này chiếm trên 80% số lượng các làng nghề nước ta.

+ Đa số các làng nghề nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình (98%), trình độ sản xuất thấp, nằm xen kẽ tại các khu dân cư (trên 70%).

+ Nguyên, vật liệu cho các làng nghề chủ yếu được khai thác ở các địa phương trong nước.

+ Các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất.

+ Cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh tại các làng nghề khá đa dạng nhưng phần lớn các cơ sở sản xuất làng nghề vừa sản suất vừa tự tiêu thụ (khoảng 82%), gia công cho các hộ sản xuất khác (15%). Tại các làng nghề gắn với du lịch còn có các hộ thực hiện các dịch vụ khác cho làng nghề.

+ Số hộ và cơ sở ngành nghề ở nông thôn tăng lên với tốc độ bình quân khoảng 8,8 – 9,8%/năm. Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 khoảng 213 000 cơ sở, tạo việc làm cho hơn 672 000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng doanh thu từ các hoạt động của làng nghề năm 2021 đạt gần 60 000 tỉ đồng. Nhóm các làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chiếm 42% tổng doanh thu. Tiếp theo là nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; nhóm làng nghề sản xuất hàng thủ công mĩ nghệ. Một số sản phẩm làng nghề đạt được kết quả xuất khẩu cao như: mây, tre, cói, thảm,…

+ Làng nghề phân bố không đều theo lãnh thổ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Bắc. Tại miền Trung, Quảng Nam là tỉnh có nhiều làng nghề. Ở miền Nam, các tỉnh Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Dương, Bến Tre, Tiền Giang,… phát triển các làng nghề gốm sứ và hàng thủ công mĩ nghệ khác,…

- Định hướng phát triển:

+ Xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nghận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng.

+ Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống; khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch.

+ Việc phát triển làng nghề cần gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững; phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín, tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lí, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề.

+ Đối với các làng đã có nghề, Chương trình khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề.

+ Đối với các làng chưa có nghề thì thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả,…

+ Huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề, đa dạng hóa hình thức sản xuất, kết hợp công nghệ hiện đại và truyền thống nhằm phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

3. Tác động của làng nghề đến kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường

Câu hỏi trang 51 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin mục II.3, hãy phân tích tác động của làng nghề đến kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường ở nước ta.

Lời giải:

- Tác động đến phát triển kinh tế - xã hội:

+ Tích cực:

• Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Các sản phẩm làng nghề có giá trị thương mại cao là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn.

• Một số làng nghề sản xuất ra các sản phẩm được xuất khẩu và nổi tiếng trên thị trường quốc tế, là nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước.

• Làng nghề thường tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng địa phương. Với khoảng 50 nhóm nghề, các làng nghề trên cả nước đã thu hút khoảng 11 triệu lao động (2021), giải quyết được tình trạng thất nghiệp tạm thời của người dân trong thời gian nông nhàn.

• Sự phát triển của làng nghề thúc đẩy hiện đại hóa, đô thị hóa khu vực nông thôn.

• Nhờ phát triển làng nghề, văn hóa – xã hội ở nông thôn được nâng cao, tình hình an ninh chính trị được đảm bảo. Đặc biệt, tại các xã có nghề, do có thu nhập cao, người dân có nhiều điều kiện tích lũy nên việc huy động vốn cho xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn so với các xã thuần nông.

 Phát triển làng nghề góp phần quan trọng trong bảo tồn văn hóa dân tộc.

+ Tác động tiêu cực:

• Một số trường hợp, các làng nghề sản xuất cùng một loại sản phẩm, dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến việc giảm giá sản phẩm và thu nhập cho người thợ.

• Có thể tạo ra sự chênh lệch trong thu nhập giữa người thợ làm thuê và người chủ hoặc thương nhân. Người thợ có thể chỉ nhận được thu nhập thấp hơn so với giá trị sản phẩm mà họ tạo ra.

• Có thể tạo ra áp lực xã hội đối với những người làm việc trong làng do phải tuân theo các quy tắc và truyền thống cụ thể. Sự thay đổi trong cuộc sống cá nhân người thợ có thể bị hạn chế bởi những quy định riêng của làng nghề.

- Tác động đến tài nguyên, môi trường:

+ Tác động tích cực:

• Các sản phẩm của làng nghề thường được sản xuất từ các nguyên liệu và tài nguyên có sẵn trong vùng, từ đó giúp tận dụng tài nguyên tại chỗ và giảm thiểu chi phí vận chuyển và nhập khẩu.

• Các làng nghề thường có các quy trình sản xuất và công nghệ sản xuất được truyền lại qua nhiều thế hệ, tận dụng tài nguyên một cách hiệu quả và bền vững. Giúp giữ cho các tài nguyên tự nhiên tại địa phương không bị khai thác quá mức hoặc bị lãng phí.

• Một số làng nghề thúc đẩy các hình thức sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tài nguyên tái sử dụng hoặc tái chế. Điều này giúp bảo tồn tài nguyên và giảm áp lực lên môi trường tự nhiên.

+ Tác động tiêu cực:

• Khai thác, sử dụng các tài nguyên tự nhiên như gỗ, đất sét, đá, nước và nhiên liệu để sản xuất các sản phẩm thủ công quá mức có thể gây cạn kiệt tài nguyên.

• Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề lớn nhất cần giải quyết của các làng nghề. Tình trạng ô nhiễm môi trường tập trung vào các loại hình làng nghề đặc trưng như chế biến lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dệt nhuộm, tái chế giấy, tái chế nhựa, tái chế kim loại, thủ công mĩ nghệ,…

• Ô nhiễm môi trường làng nghề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của cộng đồng, gây ra những tổn thất kinh tế, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, trật tự ngay tại các làng nghề.

III. Thực hành: Tìm hiểu làng nghề ở địa phương

Thực hành trang 53 Chuyên đề Địa Lí 12: Thực hành: Tìm hiểu làng nghề ở địa phương

Lời giải:

Làng nghề làm tranh Đông Hồ

Làng nghề nằm tại làng Đông Hồ, nay thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Làng nghề truyền thống tranh dân gian Đông Hồ với sản phẩm là những bức tranh mộc mạc, vui tươi, hồn nhiên, nội dung gần gũi với đời sống thường ngày của con người. Phản ánh sâu đậm những nguyện vọng, ước mơ của người dân lao động. Miêu tả những phong tục tập quán lễ thức làng quê cổ xưa. Có thể nói giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ XIX đến năm 1944 là thời cực thịnh của làng tranh, với 17 dòng họ trong làng đều tham gia làm tranh. Qua những năm kháng chiến chống Pháp, do chiến tranh tàn phá khốc liệt nên nghề làm tranh cũng tạm bị gián đoạn. Đến khi hòa bình lập lại ở miền Bắc nhất là khi đất nước thống nhất thì làng tranh mới được khôi phục.

Tranh Đông Hồ gồm nhiều thể loại, đề tài khác nhau: Tranh thơ, tranh sinh hoạt thường nhật, tranh lịch sử, tranh vẽ theo những tích truyện, tranh cảnh vật. Tranh Đông Hồ thường dùng nhiều bản khắc để in , mỗi bản là một mầu. Mầu vẽ thường lấy từ thiên nhiên: Trắng từ vỏ con điệp ngoài biển, đỏ son lấy từ sỏi son trên đồi núi, vàng lấy từ hoa hoè, đen từ tro lá tre... Tranh Đông Hồ được in trên giấy Dó, một loại giấy được làm thủ công từ nguyên liệu là cây Dó mọc trên rừng giống như vỏ cây Bạch đàn. Cây Dó đem về cho vào cối giã nhỏ, rây thành bột mịn, sau đó dùng bột này chế biến thành giấy Dó. Do trên nền giấy thường được quét bằng một lớp hồ hoặc nhựa thông có pha loại bột từ vỏ sò Điệp giã nhỏ tạo màu sáng lấp lánh nên còn được gọi là giấy Điệp.

Làng nghề đã thu hút được hầu hết số lao động vào các khâu sản xuất, không chỉ vào thời gian nông nhàn, mà nay đã là một nghề sản xuất quanh năm của số đông các gia đình trong làng với tổng doanh thu hàng tỷ đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân làng nghề ngày được nâng cao, làng quê đã ngói hoá 100%, nhiều gia đình xây nhà kiên cố, nhà nhiều tầng, trong nhà tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ và là một trong những làng có tốc độ đô thị hoá nhanh ở huyện Thuận Thành. Hiện nay tại làng nghề đã hình thành Trung tâm giao lưu văn hóa dân gian tranh Đông Hồ” rộng đến 5.500m². Trung tâm đã tạo ra được một không gian văn hóa độc đáo, trở thành địa chỉ không thể thiếu đối với các tour du lịch làng nghề. Mỗi năm trung tâm đã đón hàng chục nghìn lượt khách cả trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu và mua sản phẩm.

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập 1 trang 54 Chuyên đề Địa Lí 12: Việc bảo tồn và phát triển làng nghề có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta?

Lời giải:

Bảo tồn và phát triển làng nghề có ý nghĩa gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Luyện tập 2 trang 54 Chuyên đề Địa Lí 12: Lập sơ đồ thể hiện tác động của làng nghề đến kinh tế - xã hội và tài nguyên, môi trường ở nước ta.

Lời giải:

Lập sơ đồ thể hiện tác động của làng nghề đến kinh tế xã hội và tài nguyên

Vận dụng trang 54 Chuyên đề Địa Lí 12: Sưu tầm thông tin, hãy viết bài giới thiệu và quảng bá về sản phẩm của một làng nghề ở nước ta đến du khách quốc tế.

Lời giải:

Làng nón Chuông

Làng nón Chuông tọa lạc tại xã Quốc Trung huyện Thanh Oai cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30 km. Làng Chuông thường được biết với tên gọi khác là làng nón lá Thanh Oai với diện tích trên 481 ha gồm 8 thôn dân cư là Tây Sơn, Liên Tân, Quang Trung, Mã Kiều, Chung Chính, Tân Tiến, Tân Dân 1 và Tân Dân 2. Là một làng nghề ở hà nội lâu đời, từ thế kỉ thứ 8 thì làng đã bắt đầu sản xuất nón. Trong thời kỳ phát triển, làng Chuông Hà Nội là nơi cung cấp nhiều loại nón truyền thống như nón quai thao, nón lá giá ghép sống. Trong đó, quai thao sử dụng để người già đội đi chùa chiền. Còn nón lá già ghép sống phục vụ những người phụ nữ làm công việc đồng áng. Hàng trăm năm đi qua, nghề đan nón lá tại làng Chuông ngày một thịnh vượng. Nghề đan nón đã truyền qua nhiều thế hệ và là một trong những chiếc nôi sản xuất nón lá nổi tiếng nhất Hà Thành. Hiện tại, có hơn 4000 hộ dân ở làng Chuông đan nón lá đem đến những sản phẩm giá rẻ, mẫu mã phong phú cho khách hàng trong nước và quốc tế.

Nguyên liệu chính để làm cái nón lá là lá cọ tươi nhập từ một số tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, còn chỉ và khung nón đan bằng nan tre có ở địa phương. Để tạo ra nón đẹp trước hết cần có khung vững chắc. Khung chủ yếu được đan bởi nan nứa và vật liệu này có nhiều dọc hai bờ đê sông Đáy. Người thợ cần quấn đủ 16 vành trong xếp tầng từ trên xuống dưới theo một kích thước nhất định. Các bước tiếp theo là khâu lá vào khung và đan nhôi nón. Cái tài của người thợ làng Chuông là các mối kết nối dây đan đều giấu kín bằng từng đường chỉ tinh tế. Sợi dây đan theo các đường kim với 16 lớp vòng thì chiếc nón mới thành hình. Khi chiếc nón đã đan xong, người ta hơ với hơi diêm để làm màu nón trở nên trắng và giữ nón không ẩm mốc. Trong khi làm nón, các cô gái làng Chuông trang trí thêm bằng việc dán vào thân nón những họa tiết hoa bằng giấy đủ màu. Tinh tế hơn là dùng chỉ màu may chéo ở hai điểm đối diện trong lòng nón để sau đó có thể gắn quai nón bằng những dải lụa mềm, nhiều màu sắc, làm tôn lên nét duyên dáng của mỗi cô gái dưới vành nón.

Đến nơi đây, ngoài khám phá nghề làm nón làng chuông xưa, du khách còn có thể trải nghiệm nhiều hoạt động khác như lễ hội làng Chuông, hội chợ làng Chuông là địa điểm hội tụ và diễn ra nhiều hoạt động văn hoá dân gian trong vùng, là nơi để du khách có thể đi đi chơi, để xem trò chơi dân gian độc đáo là đánh cờ nghệ thuật và thổi cơm thi. Bên cạnh đó còn được tham quan các công trình như đình làng Chuông có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” đặc trưng triều Nguyễn, chùa làng nón Chuông khoác trên mình một nét cổ kính nhuộm màu thời gian mang đặc trưng của những ngôi làng cổ ở Hà Nội.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

 
Đánh giá

0

0 đánh giá