Chuyên đề Địa Lí 12 Kết nối tri thức Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng

1.3 K

Tailieumoi.vn giới thiệu giải Chuyên đề học tập Địa Lí lớp 12 Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm Chuyên đề Địa Lí 12. Mời các bạn đón xem:

Giải Chuyên đề Địa Lí 12 Chuyên đề 12.2: Phát triển vùng

I. Quan niệm, ý nghĩa, cơ sở hình thành vùng

Mở đầu trang 19 Chuyên đề Địa Lí 12: Vùng kinh tế là sản phẩm của công tác phân vùng và tổ chức lãnh thổ kinh tế quốc gia. Quy hoạch vùng kinh tế gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Vùng kinh tế được hiểu như thế nào, ý nghĩa của vùng kinh tế là gì? Nước ta có những loại vùng kinh tế nào, đặc điểm và sự hình thành của các vùng ra sao?

Lời giải:

- Vùng kinh tế và ý nghĩa vùng kinh tế:

+ Vùng kinh tế là hệ thống vùng được phân chia nhằm hoạch định chiến lược, kế hoạch và quản lí quá trình phát triển theo lãnh thổ của một quốc gia.

+ Vùng kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khai thác hợp lí các nguồn lực, tổ chức và quản lí có hiệu quả nền kinh tế theo lãnh thổ, trên cơ sở phân công lực lượng sản xuất một cách phù hợp.

- Những loại vùng kinh tế ở nước ta, đặc điểm và sự hình thành:

+ Vùng kinh tế tổng hợp: gồm 6 vùng kinh tế - xã hội là Trung du và miền núi Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Vùng kinh tế trọng điểm: gồm 4 vùng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Vùng kinh tế ngành: gồm 7 vùng sinh thái nông nghiệp, 6 vùng công nghiệp, 7 vùng du lịch.

3. Cơ sở hình hành vùng trong nền kinh tế đất nước

Câu hỏi trang 21 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục I, hãy trình bày:

- Quan niệm về vùng, vùng kinh tế, ý nghĩa của vùng trong nền kinh tế quốc gia.

- Cơ sở hình thành vùng, vai trò của mỗi nhóm nhân tố.

Lời giải:

- Quan niệm về vùng, vùng kinh tế, ý nghĩa của vùng trong nền kinh tế quốc gia:

+ Vùng: là một lãnh thổ bao gồm các yếu tố cầu thành có mối quan hệ với nhau, đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của lãnh thổ đó và có mối quan hệ với các lãnh thổ khác.

+ Vùng kinh tế: được phân chia nhằm hoạch định chiến lược, kế hoạch và quản lí quá trình phát triển theo lãnh thổ của một quốc gia. Có 3 loại vùng kinh tế phổ biến là:

• Vùng kinh tế - xã hội: là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các hoạt động kinh tế - xã hội tương đối độc lập, thực hiện sự phân công lao động xã hội của cả nước. Đây là loại vùng phục vụ việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo lãnh thổ cũng như để quản lí các quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi vùng của đất nước.

• Vùng kinh tế trọng điểm: là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia, hội tụ các điều kiện và yếu tố phát triển thuận lợi, có tiềm lực kinh tế lớn, giữ vai trò động lực, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.

• Vùng kinh tế ngành: là một loại vùng kinh tế được hình thành nhằm mục tiêu tổ chức, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của vùng cho một ngành kinh tế.

+ Ý nghĩa của vùng:

• Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

 Mỗi vùng có những đặc trưng riêng về các yếu tố cấu thành, tạo tiền đề cần thiết nhằm khai thác, sử dụng hợp lí các nguồn lực của lãnh thổ.

• Mỗi vùng có khả năng khai thác lãnh thổ khác nhau, xu hướng phát triển cũng không giống nhau. Như vậy, sự hình thành vùng sẽ giúp các nhà quy hoạch, quản lí xác lập cơ cấu tổng thể các ngành kinh tế, trên cơ sở phân bố tốt hơn nguồn lực sản xuất của vùng.

- Cơ sở hình thành vùng, vai trò của mỗi nhóm nhân tố:

+ Các nhân tố nội vùng:

• Vị trí địa lí: có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xác định phạm vi lãnh thổ của vùng, khả năng phát triển kinh tế trong vùng và mở ra các mối liên kết bên ngoài.

• Các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên là cơ sở vật chất cho sự hình thành và khả năng phát triển chuyên môn hóa và phát triển tổng hợp của mỗi vùng. Mỗi vùng có các lợi thế cạnh tranh khác nhau, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

• Các điều kiện kinh tế - xã hội: các yếu tố dân cư và nguồn lao động, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất - kĩ thuật, vốn và khoa học công nghệ; đường lối chính sách của nhà nước có vai trò quyết định với sự hình thành, hướng phát triển và việc tổ chức không gian kinh tế - xã hội trong vùng.

+ Các nhân tố bên ngoài: các mối quan hệ liên vùng, khu vực và quốc tế; nguồn vốn và đầu tư công nghệ từ bên ngoài; bối cảnh quốc tế và khu vực,… cũng có tác động mạnh đến sự phát triển của các vùng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

II. Phân biệt các loại vùng kinh tế

Câu hỏi trang 23 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục II, hãy:

- Phân biệt đặc điểm hình thành vùng kinh tế tổng hợp, vùng kinh tế trọng điểm và vùng kinh tế ngành.

- Trình bày các tiêu chí của một số loại vùng kinh tế.

Lời giải:

- Đặc điểm hình thành vùng kinh tế tổng hợp, vùng kinh tế trọng điểm và vùng kinh tế ngành:

+ Vùng kinh tế tổng hợp: phục vụ việc hoạch định chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo lãnh thổ cũng như để quản lí các quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên mỗi vùng của đất nước.

+ Vùng kinh tế trọng điểm: giữ vai trò động lực, đầu tàu thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.

+ Vùng kinh tế ngành: hình thành nhằm mục tiêu tổ chức, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của vùng cho một ngành kinh tế.

- Các tiêu chí của một số loại vùng kinh tế:

+ Vùng kinh tế - xã hội:

• GRDP và mức độ đóng góp trong cả nước: phụ thuộc các nguồn lực phát triển cũng như khả năng khai thác các nguồn lực của các vùng khác nhau.

 GRDP bình quân đầu người: phụ thuộc vào GRDP và số dân của vùng.

• Cơ cấu GRDP: phụ thuộc vào các thế mạnh nổi trội của vùng.

• Trị giá xuất khẩu so với cả nước.

+ Vùng kinh tế trọng điểm:

• GRDP và mức độ đóng góp trong cả nước: thường cao hơn so với các lãnh thổ lân cận.

 GRDP bình quân đầu người: phụ thuộc vào GRDP và số dân của vùng.

• Cơ cấu GRDP: phụ thuộc vào các thế mạnh nổi trội của vùng.

• Trị giá xuất khẩu so với cả nước.

• Thu hút vốn đầu tư.

III. Các loại vùng kinh tế ở Việt Nam

1. Vùng kinh tế - xã hội

Câu hỏi trang 27 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục III.1, hãy:

- Cho biết quá trình hình thành các vùng kinh tế tổng hợp ở nước ta.

- Trình bày 6 vùng kinh tế tổng hợp ở nước ta.

Lời giải:

- Quá trình hình thành các vùng kinh tế tổng hợp:

+ Sau khi thống nhất đất nước, công tác phân vùng bắt đầu được chú trọng. Trong thập niên 80 của thế kỉ XX, cả nước được phân chia thành 4 vùng kinh tế lớn, 7 tiểu vùng, trên nền 40 đơn vị hành chính tỉnh, thành phố: Vùng kinh tế lớn Bắc Bộ, Vùng kinh tế lớn Bắc Trung Bộ, Vùng kinh tế lớn Nam Trung Bộ, Vùng kinh tế lớn Nam Bộ.

+ Giai đoạn 1986 – 2000: nước ta chia thành 8 vùng, không có tiểu vùng, trên nền 61 tỉnh, thành phố: vùng Đông Bắc, vùng Tây Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Giai đoạn sau năm 2000: nước ta chia thành 6 vùng kinh tế gắn với 3 vùng kinh tế trọng điểm trên cơ sở sáp nhập vùng Đông Bắc và Tây Bắc thành vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; vùng Bắc Trung Bộ với Duyên hải Nam Trung Bộ thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trên nền của 64 tỉnh, thành phố (trước 2008, Hà Tây chưa sáp nhập vào Hà Nội).

+ Hiện nay: cả nước chia thành 6 vùng kinh tế - xã hội là vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

- 6 vùng kinh tế tổng hợp ở nước ta:

+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:

• Kinh tế phát triển còn khiêm tốn, nông nghiệp chủ yếu là các cây lâu năm, chăn nuôi gia súc lớn và phát triển lâm nghiệp. Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, thủy điện. Dịch vụ phát triển chậm.

• Hướng phát triển: phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; mở rộng diện tích cây ăn quả; khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản. Phát triển bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu. Phát triển du lịch bền vũng mang đặc trưng riêng của vùng.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng:

• Có nền kinh tế phát triển, cơ cấu kinh tế tiến bộ, chỉ sau Đông Nam Bộ. Công nghiệp đa dạng: cơ khí chế tạo; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất hóa chất; nhiệt điện; sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống và sản xuất hàng tiêu dùng. Dịch vụ phát triển với đầy đủ các hoạt động thương mại, du lịch, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải,… Nông nghiệp phát triển lâu đời, là vùng trọng điểm lương thực, chăn nuôi.

• Hướng phát triển: phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại; nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Phát triển các đô thị vệ tinh để giảm sức ép cho các đô thị lớn. Phát triển các hành lang kinh tế, các tuyến đường giao thông kết nối vùng Thủ đô với các địa phương trong và ngoài vùng.

+ Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung:

• Kinh tế còn khiêm tốn, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phù hợp với đặc điểm tự nhiên của vùng. Công nghiệp phát triển một số lĩnh vực: sản xuất vật liệu xây dựng; khai khoáng; sản xuất hóa chất; sản xuất, chế biến thực phẩm. Phát triển dịch vụ cảng biển, trung chuyển quá cảnh, du lịch biển,…

• Hướng phát triển: chú trọng phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng an ninh trên biển. Phát triển công nghiệp lọc hóa dầu; sản xuất kim loại; cơ khí chế tạo; sản xuất, chế biến thực phẩm; năng lượng tái tạo. Tăng cường kết nối hạ tầng và hệ thống cảng biển, các trung tâm dịch vụ logistics. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

+ Vùng Tây Nguyên:

• Là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn, chăn nuôi gia súc lớn. Công nghiệp chủ yếu là sản xuất, chế biến thực phẩm; thủy điện và khai thác khoáng sản (bô-xít). Du lịch kết hợp các du lịch tự nhiên và văn hóa.

• Hướng phát triển: phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao với quy mô phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; năng lượng tái tạo; khai thác và chế biến bô-xít. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa gắn với bảo tồn. Phát triển hành lang kinh tế cùng với mạng lưới đường bộ cao tốc, kết nối với Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Nam Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia.

+ Vùng Đông Nam Bộ:

• Có trình độ phát triển kinh tế cao nhất. Công nghiệp nổi bật là công nghiệp khai thác, chế biến dầu khí; sản xuất điện; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; cơ khí đóng tàu. Công nghiệp nhẹ phát triển hướng ra xuất khẩu. Các lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh, đứng đầu cả nước. Là vùng chuyên canh cây công nghiệp hàng hóa lớn của cả nước có trình độ tập trung hóa và thâm canh cao.

• Hướng phát triển: giữ vững vai trò là vùng kinh tế động lực hàng đầu cả nước. Phát triển khoa học – công nghệ, đi đầu trogn đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số. Phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị hiện đại và các khu công nghiệp công nghệ cao. Phát triển mạnh kinh tế biển. Nâng cao hiệu quả phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi, ứng dụng công nghệ cao. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng. Phát triển các hành lang kinh tế, các tuyến đường giao thông hiện đại, kết nối vùng TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong và ngoài vùng.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

• Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn giữ vai trò đáng kể trong cơ cấu kinh tế. Là vùng trọng điểm số một của cả nước về sản xuất lúa, khai thác và nuôi trồng thủy sản, có giá trị hàng hóa cao. Công nghiệp chủ yếu là sản xuất, chế biến thực phẩm; cơ khí nông nghiệp; đang khai thác thế mạnh khoáng sản dầu, khí ở thềm lục địa.

• Hướng phát triển: phát triển thành vùng kinh tế nông nghiệp bền vững năng động và hiệu quả cao. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Chú trọng công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển một số hành lang kinh tế, tăng cường hạ tầng kết nối với vùng TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ; đường thủy nội địa, kết nối với đường biển.

2. Vùng kinh tế trọng điểm

Câu hỏi trang 31 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục III.2, hãy trình bày về 4 vùng kinh tế trọng điểm ở nước ta.

Lời giải:

- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ:

+ Là vùng có vai trò quan trọng hàng đầu về chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học – công nghệ của cả nước. Là vùng tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Hồng. Phát triển vùng tập trung vào Tam giác Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh để tạo nên vùng động lực, trong đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng quan trọng nhất trong liên kết phát triển khu vực phía Bắc và kết nối quốc tế.

+ Tập trung đầu tư, đi đầu trong khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số; phát triển một số ngành dịch vụ hiện đại, chất lượng cao, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; chú trọng kinh tế biển với các ngành vận tải biển, du lịch biển đảo, kinh tế hàng hải,…

- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung:

+ Có vị trí chiến lược và thuận lợi hình thành các hành lang giao lưu kinh tế, thương mại với các quốc gia láng giềng cả trên đất liền và đường hàng hải quốc tế. Phát triển tập trung vào khu vực ven biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi, tạo vùng động lực. Chú trọng phát triển dịch vụ, công nghiệp, khoa học – công nghệ; trung tâm logistics và du lịch biển. TP Đà Nẵng là cực tăng trưởng quan trọng trong liên kết và thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng và vùng Tây Nguyên.

+ Phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế; trung tâm công nghiệp lọc hóa dầu quốc gia, công nghiệp ô tô – phụ trợ ngành cơ khí, khu công nghệ cao. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam:

+ Nằm trên các tuyến giao thông quan trọng, có nhiều cửa ngõ thuận lợi cho giao lưu kinh tế - xã hội trong cả nước, khu vực và quốc tế. Phát triển tập trung vào Tứ giác TP Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai – Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó TP Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng lớn nhất; giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển khu vực phía Nam và kết nối quốc tế.

+ Các lĩnh vực dịch vụ được đẩy mạnh là tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tập trung phát triển mạnh khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kinh tế số, xã hội số của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công viên phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Chú trọng phát triển kinh tế biển như dịch vụ logistics, khai thác, chế biến dầu khí, du lịch biển.

- Vùng kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Dẫn đầu cả nước về sản xuất lương thực, thực phảm của cả nước. Phát triển tập trung vào Tam giác Cần Thơ – An Giang – Kiên Giang, trong đó TP Cần Thơ là cực tăng trưởng quan trọng nhất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với các vùng chuyên canh; xây dựng vùng dẫn đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ về nông nghiệp quốc gia và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Tăng cường phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm; cơ khí sản xuất hóa chất phục vụ nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó Phú Quốc được xây dựng thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế.

3. Vùng kinh tế ngành

Câu hỏi trang 34 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục III.3.a, hãy trình bày về các vùng nông nghiệp ở nước ta.

Lời giải:

- Vùng sinh thái nông nghiệp: gồm 7 vùng duy trì cho đến hiện nay.

+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: cây công nghiệp lâu năm cận nhiệt như chè, cây dược liệu như hồi, quế,… Trong vùng trồng một số cây công nghiệp hàng năm như đậu tương, thuốc lá, lạc,… và cây ăn quả. Là vùng phát triển chăn nuôi gia súc lớn, đặc biệt là trâu, bò, lợn.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng: sản xuất lúa gạo, trồng cây thực phẩm, cây công nghiệp hàng năm; chăn nuôi lợn, gia cầm, nuôi bò sữa.

+ Vùng Bắc Trung Bộ: trồng lúa ở dải đồng bằng Thanh – Nghệ - Tĩnh, một số loại cây ăn quả và cây công nghiệp hàng năm. Là địa bàn trọng điểm về chăn nuôi gia súc lớn, đàn bò đứng đầu cả nước, chăn nuôi trâu, lợn. Ngành thủy sản nghiêng về nuôi trồng nhưng vai trò không đáng kể.

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: cây công nghiệp hàng năm, lúa, chăn nuôi lợn và bò thịt; thế mạnh trong khai thác hải sản.

+ Vùng Tây Nguyên: cây cà phê và một số sản phẩm cây công nghiệp lâu năm khác như cao su, hồ tiêu, chè,… là vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt lớn.

+ Vùng Đông Nam Bộ: cao su, điều, hồ tiêu,… một số cây công nghiệp hàng năm như mía, lạc,… Chăn nuôi bò sữa quanh khu vực TP Hồ Chí Minh, khai thác hải sản phát triển mạnh ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: sản xuất lúa, chiếm hơn 1 nửa diện tích, sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Là vùng trồng cây ăn quả nhiệt đới có giá trị hàng hóa, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Chăn nuôi gia cầm phát triển, nhất là nuôi vịt. Là vùng sản xuất thủy sản trọng điểm số một cả nước, phát triển cả khai thác và nuôi trồng. Nuôi trồng chiếm hơn 70% về diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước.

- Vùng nông nghiệp chuyên canh:

+ Có quy mô rất linh hoạt, có thể là cả một vùng nông nghiệp. Trong trồng trọt có các vùng chuyên canh cây công nghiệp như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Trung Du và miền núi Bắc Bộ; chuyên canh cây lương thực Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Các vùng chuyên canh không bao trùm hết toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Có thể là một lãnh thổ nhỏ hơn nằm trong một vùng nông nghiệp (vùng chuyên canh mía ở Đồng bằng sông Cửu Long), hoặc một địa phương cấp tỉnh, có mức độ chuyên môn hóa sâu về một sản phẩm (vùng chuyên canh vải ở Hải Dương, Bắc Giang,…).

+ Trong các lĩnh vực khác, có các vùng chuyên môn hóa hoặc gọi là vùng sản xuất trọng điểm như vùng chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò) ở Trung Du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; chăn nuôi lợn ở Đồng bằng sông Hồng; vùng sản xuất thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long,…

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

+ Về trồng trọt: phát triển các vùng sản xuất nông sản ứng dụng công nghệ cao, tập trung như: cà phê tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ; chè tại Thái Nguyên, Lâm Đồng; thanh long tại Bình Thuận; rau tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; hoa tại Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng; cây ăn quả chủ lực xuất khẩu tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Về chăn nuôi: phát triển các vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tập trung như: bò sữa tại Sơn La, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng; lợn tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ; gia cầm tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

+ Về thủy sản: phát triển các vùng sản xuất tôm nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Câu hỏi trang 36 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục III.3.b, hãy trình bày về 6 vùng công nghiệp ở nước ta.

Lời giải:

- Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ:

+ Tập trung phát triển các ngành khai thác và chế biến khoáng sản; thủy điện; sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất hóa chất; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất kim loại. Tại các tỉnh dọc tuyến hành lang Lào Cai – Hà Nội phát triển công nghiệp lắp ráp linh kiện, công nghiệp hỗ trợ theo hướng hợp tác và khai thác thị trường Trung Quốc.

+ Các trung tâm công nghiệp chính tập trung ở khu vực Đông Bắc như Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Giang,…

- Vùng Đồng bằng sông Hồng:

+ Cơ cấu công nghiệp khá đa dạng, phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất kim loại, sản xuất hóa chất, nhiệt điện, công nghiệp công nghệ cao. Phát triển có chọn lọc công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện cơ khí, ô tô, xe máy, linh kiện điện tử xung quanh TP Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh.

+ Các trung tâm công nghiệp lớn trong vùng là Hà Nội, Hải Phòng và một số trung tâm công nghiệp khác.

- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ:

+ Hoạt động công nghiệp chủ yếu ở khu vực ven biển với các ngành chế biến hải sản; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí đóng tài và sửa chữa tàu biển; mới đây có công nghiệp lọc hóa dầu. Công nghiệp được phát triển gắn với sự phát triển của hệ thống cảng biển; trục hành lang Đông – Tây.

+ Trung tâm công nghiệp lớn nhất của vùng là Đà Nẵng.

- Vùng Tây Nguyên:

+ Cơ cấu công nghiệp theo ngành khá đơn giản.Chủ yếu là công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ; thủy điện; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản (bô-xít).

+ Trong vùng chưa có một trung tâm công nghiệp nào với quy mô đáng kể.

- Vùng Đông Nam Bộ:

+ Phát triển các ngành công nghiệp cơ khí; dầu khí và các chế phẩm hóa dầu, hóa chất; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; công nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp phụ trợ; công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; sản xuất hàng tiêu dùng cho xuất khẩu.

+ TP Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp lớn hàng đầu cả nước và một số trung tâm khác như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu.

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long:

+ Tập trung phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, thủy hải sản xuất khẩu; cơ khí nông nghiệp; công nghiệp khí – điện – đạm. Các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, điển hình là công nghiệp dệt mau,… cũng góp mặt trong cơ cấu công nghiệp của vùng.

+ Cần Thơ là trung tâm công nghiệp lớn nhất trong vùng, các trung tâm công nghiệp khác có quy mô nhỏ hơn và được phân bố trải đều.

Câu hỏi trang 39 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào nội dung mục III.3.c, hãy:

- Cho biết quá trình hình thành các vùng du lịch ở nước ta.

- Trình bày về các vùng du lịch ở nước ta hiện nay.

Lời giải:

- Quá trình hình thành các vùng du lịch ở nước ta:

+ Phân vùng du lịch ở Việt Nam bắt đầu được nghiên cứu vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỉ XX. Phương án 3 vùng du lịch được phê duyệt năm 1995 gồm: vùng du lịch Bắc Bộ, vùng du lịch Bắc Trung Bộ, vùng du lịch Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

+ Năm 2011, nước ta được quy hoạch thành 7 vùng du lịch. Định hướng và tổ chức phát triển du lịch trên 7 vùng lãnh thổ, phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với vùng kinh tế, vùng văn hóa, vùng địa lí, khí hậu và các hành lang kinh tế. Phát triển du lịch theo vùng với quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm.

+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ gồm các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện biên, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh.

+ Vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

+ Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.

+ Vùng Đông Nam Bộ gồm: TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ.

- Các vùng du lịch ở nước ta hiện nay:

+ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc; hệ sinh thái núi cao, hang động, trung du; nghỉ dưỡng núi; nghỉ cuối tuần, du lịch thể thao, khám phá; du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch: Sơn La - Điện biên, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên - Lạng Sơn, Hà Giang.

+ Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc: du lịch văn hóa gắn với văn minh lúa nước sông Hồng; du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn, du lịch lễ hội; du lịch vui chơi giải trí cao cấp. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch: Thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh – Hải Phòng, Ninh Bình.

+ Vùng Bắc Trung Bộ: du lịch tham quan di sản, di tích lịch sử văn hóa, du lịch biển, đảo; du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái; du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu. Địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Thanh Hóa, Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh, Quảng Bình – Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: du lịch biển, đảo; du lịch tham quan, nghiên cứu bản sắc văn hóa. Địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Đà Nẵng – Quảng Nam, Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa, Bình Thuận.

+ Vùng Tây Nguyên: du lịch văn hóa Tây Nguyên, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, du lịch nghỉ dưỡng núi, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái cao nguyên, du lịch biên giới gắn với cửa khẩu. Địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai – Kon Tum.

+ Vùng Đông Nam Bộ: du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí; du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm; du lịch biên giới gắn với cửa khẩu. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: du lịch sinh thái; di lịch biển, đảo; du lịch văn hóa, lễ hội. Các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch là Tiền Giang – Bến Tre, Cần Thơ – Kiên Giang, Đồng Tháp – An Giang, Cà Mau.

IV. Thực hành: Tìm hiểu và viết báo cáo về vùng kinh tế ở nước ta

Thực hành trang 39 Chuyên đề Địa Lí 12: Thực hành: Tìm hiểu và viết báo cáo về vùng kinh tế ở nước ta

Lời giải:

Nguồn lực và thực trạng phát triển của một trong bốn vùng kinh tế trọng điểm ở Việt Nam:

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Nguồn lực phát triển:

+ Vùng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc. Có 2 hành lang và 1 vành đai kinh tế trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc đi qua; có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ của cả nước.

+ Có một số khoáng sản quan trọng, trữ lượng lớn như than đá, than nâu, đá vôi,…; có không gian biển để xây dựng các cảng biển và phát triển dịch vụ hàng hải; có lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, các bãi biển, danh thắng,…

+ Có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất nước. Có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời, tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới (Hoàng thành Thăng Long, dân ca Quan họ Bắc Ninh,…). Cơ sở hạ tầng được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại bậc nhất cả nước với nhiều tuyến cao tốc, cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn), cảng biển (Hải Phòng, Quảng Ninh),…

- Thực trạng phát triển:

+ Quy mô GRDP, tỉ lệ đóng góp vào GDP cả nước đứng thứ 2, chỉ sau Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

+ Cơ cấu kinh tế tương đối hài hòa, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Năm 2021, thu hút 31,8% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 26,9% tổng số vốn đăng kí, đóng góp 32,5% trị giá xuất khẩu của cả nước.

+ Các ngành kinh tế nổi bật: công nghiệp (sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất kim loại,…); dịch vụ (tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, giáo dục – đào tạo,…); nông nghiệp thâm canh, áp dụng công nghệ cao,…

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập trang 40 Chuyên đề Địa Lí 12: Lập bảng kể tên các loại vùng kinh tế của nước ta hiện nay theo mẫu sau vào vở ghi bài:

Lập bảng kể tên các loại vùng kinh tế của nước ta hiện nay theo mẫu sau

Lời giải:

Vùng kinh tế tổng hợp

Vùng kinh tế trọng điểm

Vùng nông nghiệp

Vùng công nghiệp

Vùng du lịch

- Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

- Vùng Đồng bằng sông Hồng

- Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

- Vùng Tây Nguyên

- Vùng Đông Nam Bộ

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

- Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

- Vùng kinh tế trọng điểm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Vùng sinh thái nông nghiệp

- Vùng nông nghiệp chuyên canh

- Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

- Vùng Đồng bằng sông Hồng

- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

- Vùng Tây Nguyên

- Vùng Đông Nam Bộ

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

- Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

- Vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc

- Vùng Bắc Trung Bộ

- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ

- Vùng Tây Nguyên

- Vùng Đông Nam Bộ

- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

 

Vận dụng trang 40 Chuyên đề Địa Lí 12: Tìm hiểu thông tin về vùng kinh tế có địa phương (tỉnh, thành phố) em.

Lời giải:

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

- Quá trình hình thành: thành lập năm 1997, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Năm 2004 mở rộng thêm tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh. Năm 2021, vùng có diện tích hơn 15 nghìn km2, số dân 17,6 triệu người.

- Nguồn lực phát triển:

+ Vùng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc. Có 2 hành lang và 1 vành đai kinh tế trong quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc đi qua; có Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học – công nghệ của cả nước.

+ Có một số khoáng sản quan trọng, trữ lượng lớn như than đá, than nâu, đá vôi,…; có không gian biển để xây dựng các cảng biển và phát triển dịch vụ hàng hải; có lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà, các bãi biển, danh thắng,…

+ Có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo cao nhất nước. Có lịch sử khai thác lãnh thổ lâu đời, tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới (Hoàng thành Thăng Long, dân ca Quan họ Bắc Ninh,…). Cơ sở hạ tầng được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại bậc nhất cả nước với nhiều tuyến cao tốc, cảng hàng không quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn), cảng biển (Hải Phòng, Quảng Ninh),…

- Thực trạng phát triển:

+ Quy mô GRDP, tỉ lệ đóng góp vào GDP cả nước đứng thứ 2, chỉ sau Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

+ Cơ cấu kinh tế tương đối hài hòa, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Năm 2021, thu hút 31,8% tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 26,9% tổng số vốn đăng kí, đóng góp 32,5% trị giá xuất khẩu của cả nước.

+ Các ngành kinh tế nổi bật: công nghiệp (sản xuất ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; sản xuất kim loại,…); dịch vụ (tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, giáo dục – đào tạo,…); nông nghiệp thâm canh, áp dụng công nghệ cao,…

Xem thêm các bài giải Chuyên đề học tập Địa Lí 12 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

 
Đánh giá

0

0 đánh giá