Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 gồm 7 bài văn mẫu giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 - Mẫu 1
Bài thơ năm chữ Nắng hồng của nhà thơ Bảo Ngọc là một áng thơ hay và đặc sắc. Các khổ đầu của bài thơ tái hiện lại khung cảnh trời đông giá rét, dưới góc nhìn của bạn nhỏ. Cái rét ấy được khẳng định qua việc mặt trời, bầy ong, chim sẻ rồi cả hàng cây phải co ro mình lại. Tất cả đều dừng việc rong chơi, ca hát để tránh gió lạnh, nên bức tranh thiên nhiên trở nên thật ảm đạm. Bỗng, một nguồn sáng ấm áp từ xa chiếu lại, vẽ lên màu sắc cho bức tranh. Đó chính là mẹ. Mẹ là mùa xuân, là mặt trời, là tia nắng, xua đi băng giá, sưởi ấm cho con. Niềm vui sướng hồn nhiên của bạn nhỏ khi thấy mẹ về, đã giúp người đọc cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng và ấm áp.
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 - Mẫu 2
Nắng hồng là một bài thơ năm chữ hay và ý nghĩa của nhà thơ Bảo Ngọc. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh một mùa đông lạnh lẽo và ảm đạm qua các hình ảnh nhân hóa thú vị. Từ Mặt Trời, hàng cây, bầu trời đến chim sẻ, chú ong đều phải thu mình lại vì gió rét. Nổi bật lên trong bức tranh mùa đông ảm đạm ấy, là hình dáng của mẹ với chiếc áo choàng màu đỏ, bước chân mang theo nắng hồng cùng nụ cười ấm áp. Mẹ xuất hiện mang theo hơi ấm, mang theo niềm vui xua tan đi buốt giá. Mẹ chính là mùa xuân của người con. Những hình ảnh thơ ấy, giúp em cảm nhận được tình cảm trong sáng, yêu thương quấn quýt mà người con dành cho mẹ của mình. Đó là thứ thình cảm thiêng liêng, trong sáng vô cùng.
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 - Mẫu 3
Trong các bài thơ viết về tình cảm mẹ con, em đặc biệt yêu thích bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc, bởi các hình ảnh trong sách, liên tưởng thú vị của bài thơ. Trong các khổ thơ đầu, tác giả tái hiện lại một mùa đông lạnh lẽo và ảm đạm khi mọi con vật, cây cối đều thu mình lại để tránh rét. Ấy vậy mà, trong cái rét tê tái của lối quê đến cóng cả bàn tay, bạn nhỏ vẫn chờ mẹ đi chợ về. Và từ màn sương xa ấy, người mẹ xuất hiện với chiếc áo choàng đỏ tươi, ấm áp. Mẹ đem đến tia nắng hồng của mùa xuân ấm áp, xua tan đi lạnh giá. Một nụ cười của mẹ thôi cũng sáng bừng cả không gian mùa đông ảm đạm xung quanh mình. Chỉ bằng chừng ấy chi tiết thôi, mà cũng đủ để em cảm nhận được tình yêu thương tha thiết mà bạn nhỏ dành cho mẹ của mình. Điều đó khiến em cảm phục và thấu hiểu được sức mạnh vĩ đại của tình mẫu tử thiêng liêng.
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 - Mẫu 4
Bài thơ Nắng hồng của tác giả Bảo Ngọc đã khắc họa vẻ đẹp của mùa đông. Khi mùa đông tới, tiết trời trở nên lạnh giá. Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa khiến cho các sự vật thiên nhiên trở nên thật sinh động, gần gũi. Mặt trời “trốn đi đâu”, cây cối “khoác tấm áo nâu”, “áo trời xám ngắt”. Các loài vật cũng trở nên lười biếng hơn như sẻ giấu tiếng hát núp trong mái nhà, ngay cả chị ong chăm chỉ cũng không đến vườn hoa. Đặc biệt là hình ảnh người mẹ xuất hiện như làm sáng bừng cảnh vật. Mẹ mặc chiếc áo choàng đỏ được tác giả so sánh với “đốm nắng đang trôi”. Và khi mẹ bước chân đến cửa, mẹ đã mang theo ánh nắng, mang theo vạt nắng hồng trong nụ cười hiền dịu. Bài thơ đã mang đến những cảm xúc tuyệt vời trong lòng người đọc.
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 - Mẫu 5
Bài thơ Nắng hồng của Bảo Ngọc đã gợi cho tôi nhiều cảm xúc đẹp đẽ. Tác giả đã khắc họa khung cảnh mùa đông hiện lên với những nét đặc trưng, nhưng cũng rất đẹp đẽ. Khi mùa đông tới, tiết trời trở nên lạnh giá. Thiên nhiên cũng trở nên lười biếng hơn. Nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa để diễn tả sinh động các sự vật như mặt trời “trốn đi đâu”, cây cối “khoác tấm áo nâu”, “áo trời xám ngắt”, chim sẻ “giấu tiếng hát núp trong mái nhà”, ngay cả “chị ong chăm chỉ cũng không đến vườn hoa”. Những cơn mưa phùn, hay màn sương mờ ảo bao trùm lấy xóm làng. Trong khung cảnh đó, hình ảnh người mẹ xuất hiện như làm bừng sáng bức tranh mùa đông. Mẹ trở về sau buổi chợ xa, mặc chiếc áo choàng đỏ được tác giả so sánh với “đốm nắng đang trôi”. Khi bước chân đến cửa, mẹ đã mang theo “nắng hồng” trong nụ cười - gợi ra sự ấm áp, tươi sáng. Và mùa xuân như đến theo nụ cười của mẹ vậy.
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 - Mẫu 6
Nhà thơ Bảo Ngọc đã sáng tác nên một bài thơ rất hay và ý nghĩa về tình mẫu tử, đó chính là Nắng hồng. Nắng hồng đã miêu tả lại thế giới trong cái nhìn của người con. Trong ánh nhìn thơ ngây ấy, thế giới của những ngày đông vừa lạnh lẽo, lại xám xịt và ảm đạm biết bao nhiêu. Ấy vậy mà, khi người mẹ vừa xuất hiện, bức tranh ấy lại bỗng có những thay đổi nghiêng trời lệch đất. Đó là sự xâm lấn của vùng sáng ngời với sắc hồng ấm áp. Nguồn sáng ấy đến từ người mẹ. Mẹ đến như một mặt trời riêng của con, đem theo hơi ấm, xua tan đi mọi giá lạnh, mọi âm u của ngày đông. Trong mắt người con, mẹ là mặt trời, mẹ là tia năng ấm, bởi mẹ luôn yêu thương, chở che cho con. Mẹ sưởi ấm con bằng tình thương, sự quan tâm vô bến. Bởi vậy, mà chỉ cần nơi nào có mẹ, thì nơi đó có ánh sáng, có hơi ấm, có mái nhà. Suy nghĩ ngây thơ và tình cảm chân thành ấy của người con đã được nhà thơ Bảo Ngọc khéo léo gửi gắm vào từng hình ảnh và vần thơ trong Nắng hồng. Từ đó tạo ra một tác phẩm thơ giàu ý nghĩa về tình mẫu tử.
Đoạn văn Nêu cảm xúc của em về bài thơ Nắng hồng lớp 7 - Mẫu 7
Nắng hồng là một tác phẩm thơ viết về tình mẫu tử mà em vô cùng yêu mến. Tác giả Bảo Ngọc đã khéo léo miêu tả khung cảnh mùa đông lạnh lẽo, xám xịt và ảm đạm đê làm khung nền cho sự xuất hiện của “ánh nắng hồng”. Khi mùa đông về, cả bầy ong, chú chim sẻ và cả những hàng cây đều thu mình lại, co ro để tránh rét. Mặt trời của tự nhiên lẩn trốn sau những đám mây, nhưng bạn nhỏ trong bài thơ vẫn không hề thấy lạnh lẽo. Bởi bạn ấy có cả một mặt trời riêng của mình, đó chính là mẹ. Mẹ của bạn nhỏ xuất hiện, đem theo những tia nắng hồng ấm áp, xua tan đi giá lạnh. Nắng hồng ở đây là hình ảnh ẩn dụ cho tình yêu thương, sự chở che, quan tâm, chăm sóc của mẹ dành cho bạn nhỏ. Chính bởi có mẹ, nên bạn ấy chẳng hề thấy lạnh lẽo hay cô đơn. Cách khắc họa tình mẫu tử thiêng liêng và ấm áp ấy của nhà thơ Bảo Ngọc vừa đặc biệt lại ý nghĩa. Đó chính là lý do khiến em yêu thích tác phẩm thơ này đến vậy.