TOP 20 bài Phân tích bài thơ Xuân về 2025 SIÊU HAY

273

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Phân tích bài thơ Xuân về gồm 10 bài văn mẫu giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.

Phân tích bài thơ Xuân về

Đề bài: Phân tích bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính.

Dàn ý phân tích bài thơ Xuân về

1. Mở bài:

- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả Nguyễn Bính và bài thơ "Xuân về".

- Nêu cảm nhận chung nhất về tác phẩm.

2. Thân bài:

a, Chủ đề và mạch cảm xúc của bài thơ:

- Chủ đề: Bức tranh thiên nhiên và con người ở làng quê Việt Nam khi xuân về.

- Mạch cảm xúc: Cảm hứng trữ tình, say đắm với vẻ đẹp mà mùa xuân mang lại.

b, Phân tích tác phẩm:

- Bức tranh thiên nhiên mùa xuân:

  • Gió xuân về: làm ửng hồng gò má của "gái chưa chồng"; mang cái lạnh se se, cứ đến rồi lại đi.

  • Những cơn mưa mùa xuân qua đi, trời quang mây tạnh.

  • Ánh nắng dịu nhẹ, ấm áp bắt đầu xuất hiện.

  • Lộc non đâm chồi, phủ lên lớp "tráng bạc" sau cơn mưa xuân.

  • Đồng lúa vào "thì con gái" xanh mướt, "mượt như nhung".

  • Các vườn cây tràn ngập màu sắc và mùi hương của các loài hoa, thu hút bướm ong về tụ họp.

- Hình ảnh con người:

  • Đôi má đỏ hây hây của "gái chưa chồng".

  • Cô hàng xóm với "đôi mắt trong" ngước nhìn bầu trời.

  • Con trẻ nô đùa, "chạy xun xoe" dưới ánh nắng mùa xuân.

  • Sự thong thả của người nông dân được "nghỉ việc đồng" sau những tháng này làm lụng vất vả.

  • Hình ảnh nô nức khi đi trẩy hội chùa, từ những cô gái trẻ với "yếm đỏ, khăn thâm" tới những cụ già "tóc bạc".

c, Đánh giá:

- Nội dung:

  • Cảnh ngày xuân nơi làng quê giản dị, mộc mạc.

  • Bức tranh thiếu nữ duyên dáng đi hội chùa.

- Nghệ thuật:

  • Hình ảnh thơ chân thực, gần gũi.

  • Ngôn ngữ trong sáng, giản dị, được sử dụng khéo léo.

  • Các biện pháp tu từ.

  • Nhịp thơ chậm rãi, cách ngắt nghỉ nhịp nhàng.

-> Nét đẹp dân dã đặc trưng của thơ Nguyễn Bính.

3. Kết bài:

- Khẳng định lại giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ.

- Khẳng định lại ý nghĩa của bài thơ đối với bản thân.

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 1

Nhắc đến mùa xuân là nhắc đến sự sinh sôi, "thay da đổi thịt" của vạn vật. Đó là thời khắc mở đầu cho một năm, đánh dấu biết bao điều mới mẻ, hạnh phúc. Không lạ khi mùa xuân đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, văn chương của nhiều thế hệ. Có thể kể đến Xuân Diệu với "Vội vàng"; Tố Hữu với "Xuân sớm" hay Thanh Hải với "Mùa xuân nho nhỏ". Trong đó, "Xuân về" của Nguyễn Bính cũng được đánh giá là một tác phẩm tiêu biểu và mang nhiều giá trị. Bằng những hình ảnh thơ gần gũi, tác giả đã đem đến cho người đọc một mùa xuân đẹp, bình dị ở chốn làng quê thân thuộc.

"Xuân về" đã vẽ nên một bức tranh làng quê và con người Việt Nam thơ mộng trong giai đoạn khởi đầu một năm mới. Xuyên suốt bài thơ, ta được thấy cảm hứng trữ tình cùng sự say mê, niềm vui sướng của tác giả khi chứng kiến giai đoạn đổi thay của trời đất.

Trước hết, thiên nhiên trong tác phẩm hiện lên vô cùng đẹp đẽ và tràn trề sức sống. Gió xuân xuất hiện mang theo chút ấm áp nhẹ nhàng: "Đã thấy xuân về với gió đông". Cơn gió cứ "về từng trận" rồi lại "bay đi", tô hồng gò má người thiếu nữ. Chúng mang đi cả những cơn mưa phùn lạnh giá, trả lại bầu trời quang đãng cùng sự lấp ló của tia nắng Mặt Trời. Cả khung cảnh dường như bừng sáng thông qua từ "nắng mới hoe". Nắng mới khiến lớp nước còn đọng lại trên cỏ lá trở nên lấp lánh như được "ai tráng bạc". Đây quả là một biện pháp so sánh vô cùng độc đáo mà tác giả đã sử dụng. Lộc non đua nhau đâm chồi, mang thêm sức sống cho khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Không chỉ có đất trời đổi thay, làng quê Việt Nam cũng khoác lên mình chiếc áo mới: "Lúa thì con gái mượt như nhung/Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng/Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng". Ở đây có cánh đồng lúa bát ngát đang độ xanh mướt, có vườn tược "ngào ngạt" hương thơm của hoa bưởi, hoa cam. Điều này đã thu hút ong bướm về tụ họp, khiến không gian trở nên ngập tràn màu sắc. Tất cả đã tái hiện rất thành công bức tranh làng quê lúc xuân về.

Bên cạnh đó, hình ảnh con người cũng được nhà thơ đưa vào một cách vô cùng tài tình. Những cô gái xuất hiện ngay từ khổ thơ đầu tiên với cơn gió xuân thoang thoảng. Đó là cô "gái chưa chồng" má đỏ hây hây, là "cô hàng xóm" có "đôi mắt trong" đang ngước nhìn bầu trời. Chỉ đơn giản như vậy thôi nhưng đó lại là điểm nhấn, là nét chấm phá cho khung cảnh mùa xuân thơ mộng. Tiếp theo, ta được thấy hình ảnh của "Từng đàn con trẻ chạy xun xoe". Đây là chi tiết thể hiện niềm vui, sự háo hức của những đứa trẻ khi Tết đến xuân về hay cũng chính là cảm xúc, tâm tư của tác giả gửi vào con chữ. Người nông dân bây giờ có thể tạm gác lại tháng ngày làm lụng vất vả, "thong thả" mà nghỉ ngơi, tận hưởng tiết trời trong lành của đầu xuân năm mới. Họ xúng xính áo quần đi trẩy hội. Từ những thiếu nữ trẻ trung với "yếm đỏ, khăn thâm" tới những bà lão "tóc bạc" chống gậy trúc, ai ai cũng nô nức, vui vẻ đi "trẩy hội chùa". Tất cả đã hợp nhất lại, tái hiện trước mắt người đọc khung cảnh làng quê Việt Nam dưới trời xuân vừa đẹp đẽ, náo nhiệt, vừa dân dã, hồn hậu.

Với "Xuân về", nhà thơ Nguyễn Bính đã thành công cả về nội dung và nghệ thuật. Với hình ảnh thơ giản dị, gần gũi cùng ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, tác giả đã khắc họa vô cùng rõ nét cảnh ngày xuân nơi làng quê hết sức dung dị mà không kém phần nên thơ, trữ tình. Xuyên suốt tác phẩm, nhịp thơ luôn chậm rãi, từ tốn kết hợp với cách ngắt nghỉ nhịp nhàng đã tạo cảm giác thong thả, thư thái. Điều đó giúp người đọc cảm nhận rõ nét hơn không khí yên bình của chốn làng mạc. Không chỉ vậy, tác giả còn thành công sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh: "...mượt như nhung", ẩn dụ: "lúa thì con gái", hay cả đảo ngữ, hoán dụ. Nó đã góp phần nâng cảm xúc của bài thơ, khiến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người càng được nhấn mạnh hơn. Và đó là nét rất riêng của thơ Nguyễn Bính, đồng thời nói lên chính con người tác giả. Với danh hiệu "nhà thơ của làng quê Việt Nam", ông đã rất thành công mang đến cho độc giả bức tranh chân thật và đẹp đẽ, thơ mộng nhất bằng ngòi bút tài hoa, dân dã của mình.

Nhìn chung, đề tài mùa xuân đã không còn quá xa lạ trong văn học nước nhà nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên qua bàn tay nhào nặn của từng tác giả khác nhau, ta sẽ nhận được những thành phẩm độc đáo, riêng biệt mà vẫn mang đầy ý nghĩa. Với "Xuân về", Nguyễn Bính đã đem đến cho độc giả mùa xuân thật dân dã, gần gũi ở làng quê Việt Nam thân thuộc. Tác phẩm sẽ luôn là một trong những bài thơ tiêu biểu và ý nghĩa nhất viết về chủ đề này.

TOP 20 bài Phân tích bài thơ Xuân về 2024 SIÊU HAY (ảnh 1)

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 2

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, sinh năm 1919 tại thôn Thiệu Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo. Mồ côi mẹ từ lúc còn nằm nôi, lên 10 tuổi Nguyễn Bính đã phải theo anh là Nguyễn Mạnh Phác (nhà văn Trúc Đường) ra Hà Nội giúp nhau kiếm sống. Nguyễn Bính ba lần vào Nam, để lánh chuyện bị chính quyền Pháp làm khó dễ. Nguyễn Bính đã đổi tên trong căn cước thành Nguyễn Bính Thuyết. Nguyễn Bính làm thơ khá sớm. Cô hái mơ là bài thơ đăng báo đầu tiên. Năm 1937, ông được giải thưởng Tự lực Văn đoàn với tập thơ Tâm hồn tôi. Từ đó, người đọc quý mến Nguyễn Bính bởi ông đã tạo được phong vị thơ đặc biệt cho mình: phong vị lục bát ca dao. Bài thơ Xuân về lại mang phong vị khác cho bạn đọc: phong vị thơ mới thất ngôn.

Ít có nhà văn, nhà thơ nào không ghi cảm nhận về mùa xuân của mình lên trang giấy. Mỗi người một nét nhìn, một phong vị văn thơ khác nhau nhưng hầu như ai cũng ca ngợi sức sống của đất trời, của con người mùa xuân. Với Nguyễn Bính mùa xuân bao trùm lên tất cả. Trong bốn khổ thơ bảy chữ tác giả là người quan sát và miêu tả bằng những câu thơ trong sáng, nhẹ nhàng. Nét xuân đầu tiên mà nhà thơ cảm nhận từ một vị trí gần với nhà thơ nhất:

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

“Xuân về" đầu tiên mà Nguyễn Bính “thấy” chỉ là cảm nhận qua tác nhân khác, qua hình ảnh khác. Tác nhân ấy là “gió đông”, có thể không còn làm da lạnh buốt khiến nhà thơ cảm nhận là xuân đang về và tác nhân ấy chính là “cổ hàng xóm" mới lớn có “màu má - đôi mắt trong" biểu hiện sức sống dạt dào, thanh tân của những ngày đầu năm mới. Xuân gần là ở đó, là ở gió, là cô láng giềng đang lơ đãng nhìn trời dưới mái hiên...

Rồi xa hơn một chút:
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi.

Khung cảnh thật tươi sáng và trong lành. Trời không mưa. “Gió về từng trận gió hay đi", câu thơ mang lại cho người đọc không khí mát mẻ, nhẹ nhàng mà không là gió lốc, gió xoáy. “Lá nõn nhành non ai tráng bạc" là một câu thơ đẹp về hình ảnh, hay về nội dung. Đẹp về hình ảnh “lá nõn nhành non” và nghệ thuật so sánh “ai tráng bạc”; hay là ở chỗ nó làm phong phú thêm sắc màu tươi trẻ của ngày xuân, làm cái nền rất phù hợp với niềm vui của “đàn con trẻ”. Bức tranh xuân về mở rộng thêm:

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương hay, bướm vẽ vòng.

Không gian bức tranh Xuân về mở rộng thành một tổng thể. Từ mái hiên hàng xóm, lá nõn nhành non rộng ra khu vườn với màu sắc của hoa bưởi hoa cam ngọt ngào hương thơm và đầy ong bướm lượn. Tất cả nằm trong khung nền của cánh đồng làng “lúa thì con gái mượt như nhung". Lúa đang lớn, đang vào lúc sắp trổ bông lá xanh mềm mại trải khắp. Lúc này, nhà nông nhàn nhã nghĩ tới việc “tháng giêng ăn tết ở nhà"

Phần cuối cùng của bức tranh tổng thể Xuân về là hình ảnh

Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

Nếu ở hai khổ thơ giữa nhà thơ miêu tả cảnh cây cỏ, ruộng lúa,... là chính thì ở khổ thơ trên nhà thơ lại tập trung miêu tả về con người đang đón xuân về, đặc biệt là các cô gái và các cụ bà. Ba khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả xuân đang về với con người, còn ở khổ thơ này thì xuân đã về, con người thực sự đón xuân. Một trong những hình thức đón xuân ấy là “trẩy hội chùa”. Cảnh trong khổ thơ là cảnh làng quê miền Bắc vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đi trẩy hội chùa phần lớn là người già và các cô gái. Quanh năm chân lấm tay bùn, quần áo bạc màu mưa gió. Nhân xuân về, các cô diện “yếm đỏ khăn thâm” dắt bà thong thả đến chùa cầu phước.

Như trên đã viết, Xuân về mang một phong vị khác trong thơ ca của Nguyễn Bính. Cảnh Xuân thì vẫn là cảnh đầy sức sống với cảnh sắc tươi sáng, trong lành của làng quê Việt Nam nhưng những dòng thơ về cảnh sắc ấy lại là những dòng thơ mới đang trong thời khuấy động thành phong trào. Riêng về Xuân về mà xét thì đó là một bài thơ hay trong những bài thơ ghi lại những hình ảnh đặc trưng của quê Việt vào những năm đầu của thế kỉ XX.

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 3

Thi sĩ Nguyễn Bính xuất hiện trong phong trào "Thơ mới" trước năm 1945. Phong cảnh đồng quê, hình ảnh cô thôn nữ, bến đò ngang, phiên chợ Tết... được Nguyễn Bính nói lên một cách bình dị, thân mật đáng yêu. "Tương tư", "Chợ Tết", "Mưa xuân", "Xuân về",... là những bài thơ hay của ông được nhiều người yêu thích.

Bài thơ "Xuân về" là một bức tranh xuân có bốn cảnh xinh xắn, thân mật về đồng quê. làng quê Việt Nam hơn 60 năm về trước. Con người và cảnh sắc nông thôn đã được thi vị hóa qua một hồn thơ lãng mạn tài hoa.

Cảnh xuân thứ nhất nói về cô thôn nữ khi gió đông (gió xuân) thổi về. Gió xuân mang hơi ấm và khí xuân làm hồng lên đôi má "gái chưa chồng", tuổi xuân mơn mởn. Cô láng giềng, cô hàng xóm của nhà thơ bâng khuâng nhìn trời với “đôi mắt trong" như đang ước hẹn, đợi chờ ai... Bức tranh xuân trẻ trung, tình tứ được chấm phá qua hai hình ảnh "màu má gái chưa chồng" và "đôi mắt trong" của cô hàng xóm đang "ngước mắt" nhìn trời xuân:

"Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong "

Cảnh xuân thứ hai vừa đẹp, vừa sống động, hồn nhiên và tươi xinh. Gió xuân thổi về từng trận rồi "gió bay đi", gợi lên sự phơi phới. Sau những tháng ngày mưa xuân, mưa bụi trắng trời, nay mưa đã tạnh, bầu trời rất đẹp, một không gian ấm áp: "giời quang, nắng mới hoe". Nắng mới là nắng đầu xuân: "nắng mới hoe" là nắng hồng nhạt, cỏ cây đâm chồi nảy lộc:

"Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc?"

"Lá nõn" là những mầm lá, những lá non màu xanh mượt, "nhành non" là những cành tơ mới nẩy lộc có nhiều lá nõn màu xanh như ngọc. Nhà thơ sung sướng ngạc nhiên nhìn “lá nõn, nhành non" rồi thốt lên câu hỏi "ai tráng bạc".

Lá xuân mỡ màng, non tơ sáng ngời lên lấp lánh. Các chữ: "nõn", "non", 'bạc?", đã gợi lên sắc xuân và sức xuân kì diệu. Thi sĩ Xuân Diệu cũng đã nói hoa, lá, cành mùa xuân, cũng nói đến "cành tơ" đầy gợi cảm:

"Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất... "

("Vội vàng")

Cảnh xuân càng trở nên rộn ràng, vui tươi và hồn nhiên khi xuất hiện "Từng đàn con trẻ chạy xum xoe". Các em nô đùa, các em đón nắng mới, các em theo bà, theo chị đi trẩy hội mùa xuân. Cảnh xuân càng trở nên ý vị đậm đà.

Nét xuân đẹp thứ ba trong bức tranh xuân của Nguyễn Bính mở ra một không gian nghệ thuật rộng lớn gợi lên cái hồn quê buổi xuân về. Giêng hai là thời gian nông nhàn, bà con dân cày "nghỉ việc đồng", ai nấy đều tíu tít trong lễ hội mùa xuân. Cánh đồng làng bát ngát "lúa con gái mượt như nhung". Một so sánh rất hay, rất gợi cảm làm hiện lên những cánh đồng quê lúa xanh thẫm, biển lúa êm đềm "mượt như nhung". Vườn tược, xóm thôn nở trắng màu hoa cam, hoa bưởi "ngào ngạt hương bay". Mùi thơm nồng nàn, quấn quít "bướm vẽ vòng". Cảnh bướm, hoa trong vườn xuân thật trữ tình nên thơ:

"Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,
Ngào ngạt hương bay, bướm lượn vọng. "

Chữ "đầy", chữ "ngào ngạt" là hai nét vẽ gợi lên cái thần, cái hồn của vườn xuân chốn quê. Nguyễn Bính đã đem cái tình yêu mùa xuân, yêu làng mạc đồng quê để viết nên những câu thơ tuyệt bút về hương hoa, về bướm hoa trong mùa xuân.

Một nét đẹp nữa trong bức tranh "Xuân về" là cảnh đi trẩy hội. "Một đôi cô" duyên dáng, tươi xinh trong bộ đồ dân tộc: "yếm đỏ khăn thâm" đi trẩy hội chùa. Các cụ già, bà già "tóc bạc" lưng còng, tay chống gậy trúc, vừa đi vừa lần tràng hạt, miệng lầm rầm tụng nam mô. Có cái phơi phới, say mê của cô gái quê. Có cái phúc hậu, thánh thiện của tuổi già. Cảnh trẩy hội xuân vừa tưng bừng náo nhiệt, vừa dân dã hồn hậu đáng yêu. Ta cảm thấy như mình đang được sống lại lễ hội mùa xuân của làng quê hơn trăm năm về trước:

"Trên đường cát mịn, một đôi cô,
Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,
Tay lần tràng hạt miệng nam mô".

"Xuân về" là một bài thơ xuân đẹp, cho ta nhiều ấn tượng và yêu thích. Những nét vẽ về "lá nõn, nhành non...", về lúa con gái, "mượt như nhung", về hoa bưởi hoa cam rụng đầy vườn "ngào ngạt hương bay", với "bướm vẽ vòng", tất cả đã gợi lên một bức tranh xuân tươi đẹp, đầy hương sắc, rất mặn mà, thân thuộc. Bức tranh xuân ấy còn có hình ảnh thiếu nữ với má hồng, mắt trong, duyên dáng đi hội chùa làng, với "yếm đỏ khăn thâm"-, còn có bà già đi hội, chống gậy trúc, lần tràng hạt, miệng nam mô. Cảnh xuân, tình xuân được nhà thơ nói đến rất bình dị, mộc mạc, rất thân thuộc đậm đà, đáng yêu. Nguyễn Bính đã gợi lên cái hồn quê nơi thôn quê, đã để thương để nhớ trong lòng người bấy nay.

Tình quê, hồn quê là nét đẹp trong "Xuân về" của Nguyễn Bính. Thơ trong sáng, dung dị vơi đầy một tình xuân đồng quê đầm ấm và rung động, thiết tha. Thơ Nguyễn Bính dịu dàng, êm đẹp như ca dao, dân ca.

TOP 20 bài Phân tích bài thơ Xuân về 2024 SIÊU HAY (ảnh 2)

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 4

Mùa xuân trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong các sáng tác của các nhà thơ, nhà văn. Mỗi trang viết về mùa xuân là một lời ca ngợi sức sống của đất trời, của con người mùa xuân. Với Nguyễn Bính, mùa xuân cũng vô cùng đặc biệt, cứ thế thật tự nhiên hoà cùng bao vần thơ của Xuân về.

Mở đầu bài thơ là những vần thơ thật nhẹ nhàng:

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

“Xuân về” đầu tiên mà Nguyễn Bính “thấy” chỉ là cảm nhận qua tác nhân khác, qua hình ảnh khác. Tác nhân ấy là “gió đông”, có thể không còn làm da lạnh buốt khiến nhà thơ cảm nhận là xuân đang về và tác nhân ấy chính là “cổ hàng xóm” mới lớn có “màu má – đôi mắt trong” biểu hiện sức sống dạt dào, thanh tân của những ngày đầu năm mới. Xuân gần là ở đó, là ở gió, là cô láng giềng đang lơ đãng nhìn trời dưới mái hiên…

Rồi xa hơn một chút:

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi.

Khung cảnh thật tươi sáng và trong lành. Trời không mưa. “Gió về từng trận gió hay đi”, câu thơ mang lại cho người đọc không khí mát mẻ, nhẹ nhàng mà không là gió lốc, gió xoáy. “Lá nõn nhành non ai tráng bạc” là một câu thơ đẹp về hình ảnh, hay về nội dung. Đẹp về hình ảnh “lá nõn nhành non” và nghệ thuật so sánh “ai tráng bạc”; hay là ở chỗ nó làm phong phú thêm sắc màu tươi trẻ của ngày xuân, làm cái nền rất phù hợp với niềm vui của “đàn con trẻ”. Bức tranh xuân về mở rộng thêm:

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương hay, bướm vẽ vòng.

Không gian bức tranh Xuân về mở rộng thành một tổng thể. Từ mái hiên hàng xóm, lá nõn nhành non rộng ra khu vườn với màu sắc của hoa bưởi hoa cam ngọt ngào hương thơm và đầy ong bướm lượn. Tất cả nằm trong khung nền của cánh đồng làng “lúa thì con gái mượt như nhung”. Lúa đang lớn, đang vào lúc sắp trổ bông lá xanh mềm mại trải khắp. Lúc này, nhà nông nhàn nhã nghĩ tới việc “tháng giêng ăn tết ở nhà”

Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

Nếu ở hai khổ thơ giữa nhà thơ miêu tả cảnh cây cỏ, ruộng lúa,… là chính thì ở khổ thơ trên nhà thơ lại tập trung miêu tả về con người đang đón xuân về, đặc biệt là các cô gái và các cụ bà.

Ba khổ thơ đầu, nhà thơ miêu tả xuân đang về với con người, còn ở khổ thơ này thì xuân đã về, con người thực sự đón xuân. Một trong những hình thức đón xuân ấy là “trẩy hội chùa”. Cảnh trong khổ thơ là cảnh làng quê miền Bắc vào những năm trước Cách mạng tháng Tám. Đi trẩy hội chùa phần lơn là ngươi già và các cô gái. Quanh năm chân lấm tay bùn, quần áo bạc màu mưa gió. Nhân xuân về, các cô diện “yếm đỏ khăn thâm” dắt bà thong thả đến chùa cầu phước.

Có thể thấy rằng, thật là cảnh xuân với cảnh sắc tươi sáng, trong lành của làng quê Việt Nam...

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 5

Đã xa quê gần ba chục năm để sống ở thành phố. Mỗi dịp về quê là biết bao công việc theo về. Cảnh làng quê và đặc biệt cánh đồng lúa non, hay vườn cây trĩu quả, bên cầu ao thả cá, chỉ còn lại trong ký ức.

Ngồi trên xe mà lòng tôi nao nao. Nhớ quê, nhớ tới “Xuân Về” của thi sĩ Nguyễn Bính. Mà kỳ lạ là sao lúc ấy tôi chỉ nhớ được có mỗi câu: “Lúa thì con gái mượt như nhung”. Lẩm bẩm hoài, cũng không nhớ, trong khi bình thường tôi thuộc cả bài. Về đến nhà mở sách ra đọc cho thỏa và tự nhiên tôi rất muốn viết. Sau một hồi đắn đo thì cuối cùng tôi đã viết sau khi đọc:

Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.…..

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam mô

Thi Sĩ Nguyễn Bính được người yêu thơ dặt cho biệt hiệu Thi Sĩ Chân Quê. Bởi thơ ông là sự chắt lọc những ngôn từ chân thật, mộc mạc, nhưng hồn thơ, ý thơ tình thơ thì bay bổng và lưu dấu trong lòng người đọc

Xuân Về, là một bức tranh sống động của làng quê Bắc bộ những năm đầu trong thập niên 30 của thế kỷ trước. Bước vào chiêm ngưỡng bức tranh quê của thi sĩ Nguyễn Bính ta gặp ngay:

Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

Mùa xuân giờ đã về trên từng bờ cây ngọn cỏ, trên đôi má của những cô gái xuân thì: “Với trên màu má gái chưa chồng” .Mà gái chưa chồng ở đây chính là “cô hàng xóm” đang ở “bên hiên hàng xóm”. Cô gái ấy có thấy thi sĩ đang nhìn mình để thấy Xuân Về hay không? Sao cô lại: “ngước nhìn giời” với đôi mắt trong”. Phải chăng chính là “đôi mắt trong” của cô hàng xóm ấy cộng thêm “màu má” ửng hồng khi gió đông thổi về, cho thi sĩ của chúng ta “Đã thấy xuân về”.

Thi sĩ đưa ta vào chiêm ngưỡng kỹ hơn bức họa của mình. Bằng khung cảnh sống động trong khổ thơ sau:

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,

Mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe.

Lá nõn, nhành non, ai tráng bạc?

Gió về từng trận, gió bay đi…

Xuân về, tết đến ở các làng quê Bắc bộ, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh đám trẻ với khuôn mặt tươi rói theo mẹ theo chị đi chợ tết hoặc đi xem hội làng hội xuân. Để tô điểm thêm cảnh xuân tác giả miêu tả “mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe”. Nắng mới hoe là nắng sớm, nắng xuân ấm áp sau khi mưa bụi vừa tạnh trả lại bầu trời quang đãng.

Lúc này mới thấy điểm nhấn của mảnh ghép chính của bức tranh: Lá nõn, nhành non. Dấu hiệu của xuân thật sự chính là đây. Lá nõn là mầm lá mới nhú, nhành non là nhành cây vừa mới nảy lộc chưa kịp cứng cáp. Và một phát giác lý thú của thi sĩ khi nhìn thấy “lá nõn, nhành non” dưới nắng mới sau cơn mưa vừa tạnh, đã phải thốt lên câu hỏi: “ai tráng bạc”.

Chẳng có ai tráng bạc lên chúng, có chăng là cái lấp lánh của mầm cây mới cựa mình thức dậy dưới ánh “nắng mới hoe” và còn sót lại chút mưa bụi bám vô những giọt li ti long lanh để thi sĩ thấy như “ai tráng bạc” đấy thôi. Mảnh ghép bức tranh thêm sống động ở câu cuối “gió về từng trận, gió bay đi…” gió xuân mà tác giả cảm nhận nó về “từng trận” rồi bay đi cũng “từng trận” phải chăng gió đã nô đùa quá trớn trên những “lá nõn nhành non” của thi sĩ!

Còn đây là khổ thơ làm điểm nhấn cho bức họa Xuân Về của thi sĩ:

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung.

Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Xuân về cũng là lúc những công việc đồng áng của nhà nông tạm xong. Người dân gác lại mọi việc để đón xuân, vui tết. Xuân về “lúa thì con gái mượt như nhung”. Đây chính là lúc cây lúa bước vào thời kỳ chuẩn bị “ngậm đòng” cây lúa có màu xanh mát dịu làm nao lòng những người con xa quê.

Không chỉ có cây lúa, mà mảnh ghép này còn có “đầy vườn hoa bưởi, hoa cam” nhưng là chúng đã “rụng” xuống. chứ không hẳn là còn trên cây. Cho dù hoa bưởi hoa cam ấy đã rụng thì vẫn “ngào ngạt hương bay” hương bay xa còn nhờ từng trận gió về và đi kia nâng cánh, để cho lũ bướm dập dìu về nô đùa trong vườn mà ở đây thi sĩ dùng hình ảnh chúng “vẽ vòng”.

Phải chăng hình ảnh “đầy vườn” hoa rụng, còn có ẩn ý trái đã kết, cánh hoa rụng xuống bướm vẽ vòng, chính là biểu hiện vòng tuần hoàn của trời đất, của cây cối, hoa sau khi khoe hương sắc thì nhường chỗ cho trái ngon quả ngọt lớn lên.

Một mảnh ghép của bức tranh cũng sống động không kém xuất hiện:

Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam mô

Xuân Về tết đến, trên khắp các ngả đường làng luôn dập dìu các cô các chị ăn mặc thật đẹp để tham gia trảy hội. hoặc đi chùa cầu may. Yếm đỏ, khăn thâm là những trang phục truyền thống của các thôn nữ ở những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20.

Đường làng không chỉ có các cô mà còn có các “Bà già tóc bạc” chống cây gậy trúc đi chùa. ở đây tác giả đã để cây “gậy trúc dắt” bà già đi, Bởi bà còn bận “tay lần tràng hạt,miệng nam mô”. Một hình ảnh rất thi vị. Cây gậy đi trước ắt hẳn nó là người dẫn đường. Nhưng không phải ai cũng quan sát kỹ để nhận ra điều ấy.

Bốn mảnh ghép với bốn mảng màu sắc khác nhau, đã được thi sĩ Nguyễn Bính ghép vô bức tranh Xuân Về hoàn hảo. Xuân Về có đôi má ửng đỏ của cô gái chưa chồng, xuân về có đám trẻ xun xoe nô đùa trong xóm, Có “lá nõn nhành non ai dát bạc” Xuân Về có cánh đồng lúa đang thì con gái, có đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng, hứa hẹn một mùa trái ngọt phía trước, “Xuân Về” có các cô Thôn nữ bên các bà già tóc bạc đi chùa cầu may.

Bài thơ “Xuân Về” đã ra đời cách nay gần 80 năm. Nhưng những hình ảnh về phong cảnh làng quê thì vẫn như vừa mới viết đây thôi! Xuân về bây giờ ta vẫn gặp những đôi má ửng hồng, của các cô thôn nữ chưa chồng.

Xuân về vẫn gặp bầy trẻ ríu rít, theo bà, theo mẹ đi chợ tết, hoặc đi xem hội. Đặc biệt những “lá nõn nhành non” thì càng không thể không gặp. Xuân về vẫn nhiều lắm những cây gậy trúc dắt các cụ đi chùa đầu năm. Duy chỉ có “Yếm đào mỏ quạ đã biệt tăm” thay vào đó là những tà áo dài tha thướt, hoặc những cánh áo hoa dịu dàng của các cô thiếu nữ hôm nay, trên khắp các ngả đường thôn quê hôm nay dù còn “cát mịn”, đường gạch hay đã “bê tông hóa”

Bài thơ “Xuân Về” đã vẫn và sẽ sống mãi cùng năm tháng, bởi sự sống động và chân thật của ngôn từ diễn đạt gần gũi và thân thiết với mọi thế hệ người Việt Nam yêu thơ.

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 6

Nguyễn Bính, tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, sinh năm 1919 tại thôn Thiệu Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại, được biết đến với biệt danh "nhà thơ của tình quê" nhờ giọng điệu thơ rất riêng, mang sắc thái quê mùa, dân dã khó trộn lẫn. Người đọc yêu mến Nguyễn Bính bởi ông đã tạo ra một phong vị thơ độc đáo cho riêng mình: phong vị lục bát ca dao. Tuy nhiên, bài thơ "Xuân Về" lại mang đến một hương vị khác, đậm chất thơ mới thất ngôn.

Mùa xuân là đề tài quen thuộc với nhiều tác giả, ít ai bỏ lỡ cơ hội để ghi lại những nét thơ ca về mùa xuân qua góc nhìn của mình. Mỗi người có một cách nhìn, một phong vị văn thơ khác nhau, nhưng hầu như ai cũng ca ngợi sức sống mãnh liệt của đất trời và con người khi xuân về. Với Nguyễn Bính, mùa xuân bao trùm lên tất cả. Trong bốn khổ thơ bảy chữ, tác giả quan sát và miêu tả mùa xuân qua những câu thơ trong sáng, nhẹ nhàng. Những nét xuân đầu tiên mà nhà thơ cảm nhận là từ một vị trí gần gũi nhất:

Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong.

"Xuân Về" là một bức tranh sống động của làng quê Bắc Bộ vào những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ trước. Mùa xuân đã về trên từng cành cây ngọn cỏ, trên đôi má ửng hồng của những cô gái xuân thì. Cô gái hàng xóm bên hiên nhà, đôi mắt trong ngước nhìn trời xanh, như thổi hồn vào cảnh vật, làm cho nhà thơ cảm nhận rõ nét sự hiện diện của mùa xuân. Sự tươi mới và trong sáng của mùa xuân được tác giả miêu tả qua hình ảnh cô gái tuổi đôi mươi chưa chồng, đầy sức sống và dịu dàng:

Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi.

Khung cảnh làng quê thật tươi sáng và trong lành. Trời quang mây tạnh, nắng mới hoe, gió xuân thổi về mang theo hơi thở của sự sống. Hình ảnh "lá nõn nhành non ai tráng bạc" đẹp như một bức tranh, làm phong phú thêm sắc màu tươi trẻ của ngày xuân. Những đứa trẻ nô đùa trên đường, tiếng cười rộn rã, tất cả như hòa quyện vào bản giao hưởng mùa xuân.

Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Từ cô em gái hàng xóm, những đứa trẻ nô đùa, tác giả chuyển sang cái nhìn tổng thể hơn về bức tranh mùa xuân. Những người nông dân nghỉ việc đồng áng, chuẩn bị đón xuân về nồng đượm. Cánh đồng lúa xanh mướt, những bông lúa mượt như nhung, như những cô gái mới lớn, tươi trẻ. Hoa bưởi, hoa cam rụng đầy vườn, hương thơm ngào ngạt, bướm vẽ vòng tròn, biểu hiện cho vòng tuần hoàn của tự nhiên.

Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô.

Khổ thơ cuối là hình ảnh người dân làng quê miền Bắc đón xuân về. Các cô gái diện yếm đỏ khăn thâm, dắt tay bà già tóc bạc, tay lần tràng hạt, miệng niệm nam mô. Họ cùng nhau đi trẩy hội chùa, một hình thức đón xuân truyền thống. Những dòng thơ trong sáng, gần gũi vang lên thuần khiết, thấm đẫm tình quê, tạo nên bức tranh mùa xuân đầy sức sống.

"Xuân Về" của Nguyễn Bính là một bài thơ tuyệt đẹp, ghi lại những hình ảnh đặc trưng của quê hương Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX. Những dòng thơ về cảnh sắc mùa xuân không chỉ phản ánh tình cảm sâu sắc của nhà thơ với quê hương, mà còn là minh chứng cho tài hoa của một người nghệ sĩ chân chính.

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 7

Nguyễn Bính, tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, sinh năm 1919 tại thôn Thiệu Vịnh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình nhà Nho nghèo khó. Mất mẹ từ khi còn trong nôi, Nguyễn Bính lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương và sự chăm sóc của người mẹ. Đến năm 10 tuổi, ông đã phải cùng anh trai là Nguyễn Mạnh Phác (nhà văn Trúc Đường) lên Hà Nội mưu sinh. Cuộc đời ông là một hành trình gian truân, ba lần vào Nam để tránh sự truy đuổi và làm khó dễ của chính quyền Pháp. Để bảo vệ bản thân, Nguyễn Bính đã đổi tên trong căn cước thành Nguyễn Bính Thuyết.

Nguyễn Bính bắt đầu sáng tác thơ từ rất sớm. Bài thơ đầu tiên của ông, "Cô hái mơ", đã được đăng báo và từ đó, ông liên tục ghi dấu ấn trong lòng độc giả. Năm 1937, ông đạt giải thưởng Tự lực Văn đoàn với tập thơ "Tâm hồn tôi". Phong cách thơ của Nguyễn Bính được yêu mến bởi sự giản dị và đậm đà bản sắc dân tộc, phong vị lục bát ca dao. Tuy nhiên, bài thơ "Xuân về" của ông lại mang đến một phong vị khác, phong vị thơ mới thất ngôn.

Trong làng văn chương, ít có nhà văn hay nhà thơ nào không ghi lại cảm nhận về mùa xuân. Mỗi người có một cách nhìn, một phong vị văn thơ khác nhau, nhưng tựu chung lại, họ đều ca ngợi sức sống của đất trời và con người trong mùa xuân. Đối với Nguyễn Bính, mùa xuân là một bức tranh bao trùm lên tất cả, được ông vẽ nên bằng những câu thơ trong sáng, nhẹ nhàng trong bốn khổ thơ bảy chữ.

Nguyễn Bính bắt đầu bức tranh xuân từ những gì gần gũi nhất:

"Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong."

Cảm nhận đầu tiên của Nguyễn Bính về xuân là từ gió đông. Gió đông không còn lạnh buốt nữa, thay vào đó là hơi ấm nhẹ nhàng của mùa xuân. Xuân hiện lên qua màu má hây hây của cô gái chưa chồng, đôi mắt trong veo của cô hàng xóm lơ đãng nhìn trời. Xuân không chỉ đến với đất trời mà còn đến với lòng người, mang theo sự tươi mới, sức sống dạt dào.

Tiếp đó, không gian mở rộng hơn:

"Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi."

Khung cảnh trở nên tươi sáng và trong lành hơn. Trời không mưa, nắng mới làm cho lá nõn nhành non trở nên lấp lánh như được tráng bạc. Trẻ con nô đùa, chạy nhảy xun xoe, tất cả tạo nên một bức tranh mùa xuân sống động và đầy màu sắc.

Không gian tiếp tục mở rộng với cảnh đồng quê:

"Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng."

Người nông dân có thể tạm nghỉ ngơi, ngắm nhìn cánh đồng lúa xanh mượt, vườn tược ngát hương hoa bưởi, hoa cam, và bướm bay lượn đầy màu sắc. Mọi thứ hòa quyện lại, tạo nên một không gian yên bình và trù phú của làng quê Việt Nam.

Cuối cùng là cảnh người dân đi trẩy hội chùa:

"Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô."

Những cô gái diện yếm đỏ khăn thâm, dắt tay bà cụ già tóc bạc, cùng nhau đi trẩy hội chùa. Hình ảnh này phản ánh một nét văn hóa truyền thống của làng quê miền Bắc, nơi mọi người cùng nhau cầu phước và tận hưởng niềm vui đầu năm mới.

Nguyễn Bính đã khéo léo kết hợp giữa phong vị thơ mới và nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam trong bài thơ "Xuân về". Bài thơ không chỉ là một bức tranh mùa xuân đầy màu sắc mà còn là lời ca ngợi sự sống, niềm vui và tình yêu thương. Chính sự kết hợp này đã tạo nên một phong vị riêng biệt cho thơ ca của Nguyễn Bính, làm nên tên tuổi của ông trong lòng độc giả.

Nhìn chung, đề tài mùa xuân không còn xa lạ trong văn học, nhưng qua ngòi bút tài hoa của Nguyễn Bính, mùa xuân hiện lên với vẻ đẹp giản dị, gần gũi và đậm chất trữ tình. "Xuân về" sẽ luôn là một tác phẩm tiêu biểu và ý nghĩa, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu thơ.

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 8

Mùa xuân luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong các tác phẩm văn học của nhiều nhà thơ và nhà văn. Mỗi trang viết về mùa xuân là một lời ca tụng sự sống của đất trời và con người trong mùa xuân. Đối với Nguyễn Bính, mùa xuân mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt, như một dòng chảy tự nhiên len lỏi vào từng câu thơ của ông, tạo nên những bản hòa ca dịu dàng của Xuân.

Ngay từ đầu bài thơ, Nguyễn Bính đã mở ra một khung cảnh thật nhẹ nhàng:

"Đã thấy xuân về với gió đông

Với trên màu má gái chưa chồng

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong."

"Xuân về" đầu tiên mà Nguyễn Bính cảm nhận không phải qua mùa màng hay thời tiết, mà qua hình ảnh "gió đông" và "màu má gái chưa chồng". Những chi tiết này gợi lên hình ảnh của một cô thiếu nữ mới lớn, đôi má hồng hào và đôi mắt trong trẻo, biểu thị cho sức sống dạt dào của mùa xuân. Xuân đến không chỉ là trong không gian mà còn là trong lòng người, ở đôi mắt ngước nhìn trời của cô hàng xóm.

Tiếp theo là khung cảnh rộng mở hơn một chút:

"Từng đàn con trẻ chạy xun xoe

Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe

Lá nõn nhành non ai tráng bạc

Gió về từng trận gió bay đi."

Cảnh xuân hiện ra thật tươi sáng và trong lành. Trời không còn mưa, nắng mới hoe, và từng cơn gió nhẹ nhàng mang lại sự mát mẻ, không gợi lên sự mạnh mẽ của gió bão. Hình ảnh "lá nõn nhành non ai tráng bạc" đẹp về cả hình thức lẫn nội dung, gợi lên sự tươi trẻ và tràn đầy sức sống của ngày xuân. Sắc xanh non mỡ màng của lá, những cành non tràn đầy nhựa sống, tạo nên một bức nền hoàn hảo cho niềm vui của những đứa trẻ chạy nhảy.

Bức tranh xuân tiếp tục mở rộng:

"Thong thả dân gian nghỉ việc đồng

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng."

Không gian xuân mở rộng với cánh đồng lúa đang thì con gái, mượt mà như nhung, và khu vườn ngào ngạt hương hoa bưởi, hoa cam. Những cánh bướm bay lượn vẽ vòng, tạo nên một bức tranh sống động, tươi đẹp của làng quê Việt Nam.

Trên đường làng:

"Trên đường cát mịn một đôi cô

Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc

Tay lần tràng hạt miệng nam mô."

Nếu trong những khổ thơ trước, Nguyễn Bính tập trung miêu tả cảnh sắc thiên nhiên và đời sống nông thôn, thì ở khổ thơ này, ông đã khắc họa hình ảnh con người đón xuân, với cảnh đi hội chùa của các cô gái và các cụ bà. Cảnh vật và con người hòa quyện, tạo nên một bức tranh xuân đầy màu sắc và cảm xúc.

Ba khổ thơ đầu miêu tả xuân đang về, còn khổ thơ này thì xuân đã đến, con người thực sự đón xuân. Một trong những hình thức đón xuân đặc trưng là đi hội chùa. Cảnh làng quê miền Bắc vào những năm trước Cách mạng tháng Tám được hiện lên rõ nét, với các cô gái diện "yếm đỏ khăn thâm", dắt bà già đến chùa cầu phước.

Có thể nói, "Xuân về" là một tác phẩm xuất sắc trong chùm thơ của Nguyễn Bính, không chỉ thể hiện tài năng thơ ca của ông mà còn biểu thị sâu sắc tình yêu quê hương, yêu mùa xuân. Nguyễn Bính xuất hiện trong phong trào "Thơ mới" trước năm 1945, với những tác phẩm miêu tả phong cảnh đồng quê, cô thôn nữ, bến đò ngang, phiên chợ Tết... bằng ngôn ngữ giản dị, thân mật và đáng yêu. Những bài thơ như "Tương tư", "Chợ Tết", "Mưa xuân", "Xuân về" đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

"Xuân về" là một bức tranh xuân với bốn cảnh xinh xắn, thân mật về đồng quê Việt Nam hơn 60 năm trước. Thiên nhiên và con người được Nguyễn Bính miêu tả với nét thơ lãng mạn, tài hoa, làm sống dậy trong lòng người đọc tình yêu quê hương và niềm vui đón xuân.

Cảnh xuân đầu tiên với hình ảnh cô thôn nữ khi gió xuân thổi về, làm hồng đôi má "gái chưa chồng", tạo nên bức tranh xuân trẻ trung, tình tứ. Tiếp đến là cảnh thiên nhiên tươi đẹp với nắng mới, lá nõn, nhành non, và từng đàn con trẻ chạy nhảy. Khung cảnh càng thêm sinh động với cánh đồng lúa mượt mà và khu vườn hoa cam, hoa bưởi ngào ngạt hương thơm.

Cuối cùng, bức tranh xuân hoàn thiện với hình ảnh con người đi trẩy hội, các cô gái duyên dáng trong trang phục dân tộc và các bà già phúc hậu, thánh thiện. Cảnh trẩy hội xuân vừa náo nhiệt, vừa dân dã, hồn hậu, gợi lên không khí lễ hội mùa xuân làng quê từ những năm xa xưa.

"Xuân về" là một bài thơ xuân đẹp, gợi lên trong lòng người đọc nhiều ấn tượng và cảm xúc yêu thích. Nguyễn Bính đã dùng tình yêu mùa xuân, tình yêu quê hương để viết nên những câu thơ tuyệt bút, mang lại cho người đọc cảm giác ấm áp, thân thuộc và mặn mà. Bức tranh xuân trong "Xuân về" không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một bức tranh sống động về tình yêu và cuộc sống của con người Việt Nam trong những ngày đầu xuân.

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 9

Nguyễn Bính là một trong những tác gia nổi tiếng của nền  thi ca Việt Nam hiện đại. Ông sáng tác ở nhiều thể loại, viết rất đều và luôn dốc lòng cho sự nghiệp thi ca của nước nhà. “Xuân về” là một trong những sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Bính, tác phẩm được viết năm 1937, in trong tuyển tập thơ Nguyễn Bính:

      Thi sĩ Nguyễn Bính được giới yêu thơ ưu ái gọi là Thi Sĩ Chân Quê. Bởi trong thơ ông, phong cảnh đồng quê, bến đò ngang, phiên chợ Tết hiện lên một cách bình dị, mộc mạc, thân mật và thật đáng yêu. Bài thơ "Xuân về" là một bức tranh mùa xuân sống động, xinh xắn, thân mật về đồng quê Bắc Bộ hơn 60 năm về trước.

       Bước vô thưởng thức bức tranh quê của người thi sĩ ta gặp ngay:

"Đã thấy xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong"

Gió xuân đã về trên những bờ cây ngọn cỏ, mang theo làn hơi ấm làm hồng lên đôi má của cô gái "chưa chồng”. Ấy chính là cô hàng xóm đang bâng khuâng nhìn trời “ngước mắt” nhìn trời xuân bên hiên nhà. Với “đôi mắt trong" dường như nàng đang thầm ước hẹn, đợi chờ ai...Bức tranh ngày xuân tươi tắn, trẻ trung, tình tứ được nhà thơ chấm phá một cách tinh tế qua hai hình ảnh "màu má gái chưa chồng" và "đôi mắt trong" của cô gái nhà bên đang thưởng thức bầu trời ngày xuân.

Tiếp đến nhà thơ cho chúng ta chiêm ngưỡng một khung cảnh sống động biết bao:

“Rồi xa hơn một chút:
Từng đàn con trẻ chạy xun xoe
Mưa tạnh giời quang nắng mới hoe
Lá nõn nhành non ai tráng bạc
Gió về từng trận gió bay đi.”

Gió xuân thổi từng cơn rồi gió lại “bay đi", gợi cho độc giả thấy sự phơi phới, tươi mát. Sau những cơn mưa xuân, thì nay trời đã tạnh, một bầu trời thật đẹp, nắng xuân thật ấm áp "giời quang, nắng mới hoe". Những mầm “lá nõn” xanh mượt vừa nhú, những “nhành non” mới nảy lộc còn chưa kịp cứng cáp. Chàng thi sĩ ngạc nhiên sung sướng nhìn “lá nõn, nhành non" rồi thốt lên hỏi "Ai tráng bạc?".

“Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương hay, bướm vẽ vòng.”

Xuân về cũng là lúc những bác nông dân sẽ tạm gác lại mọi công việc đồng áng để đón xuân, vui tết. Thời điểm này cũng là lúc  “lúa thì con gái mượt như nhung” những cây lúa với màu xanh mát dịu đã làm nao lòng biết bao người con xa quê. Không chỉ có lúa, mà còn có “đầy vườn hoa bưởi, hoa cam” tuy là đã “rụng” nhưng vẫn “ngào ngạt hương bay”.

Nét xuân đẹp thứ ba trong bức tranh xuân của Nguyễn Bính mở ra một không gian nghệ thuật rộng lớn gợi lên cái hồn quê buổi xuân về. Giêng hai là thời gian nông nhàn, bà con dân cày "nghỉ việc đồng", ai nấy đều tíu tít trong lễ hội mùa xuân. Cánh đồng làng bát ngát "lúa con gái mượt như nhung". Một so sánh rất hay, rất gợi cảm làm hiện lên những cánh đồng quê lúa xanh thẫm, biển lúa êm đềm "mượt như nhung". Vườn tược, xóm thôn nở trắng màu hoa cam, hoa bưởi "ngào ngạt hương bay". Mùi thơm nồng nàn, quấn quít "bướm vẽ vòng". Cảnh bướm, hoa trong vườn xuân thật trữ tình nên thơ:

"Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng,
Ngào ngạt hương bay, bướm lượn vọng"

Chữ "đầy", chữ "ngào ngạt" là hai nét vẽ gợi lên cái thần, cái hồn của vườn xuân chốn quê. Nguyễn Bính đã đem cái tình yêu mùa xuân, yêu làng mạc đồng quê để viết nên những câu thơ tuyệt bút về hương hoa, về bướm hoa trong mùa xuân.

“Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô.”

Nếu ở hai khổ thơ giữa nhà thơ miêu tả cảnh cây cỏ, ruộng lúa,…là chính thì ở khổ thơ trên nhà thơ lại tập trung miêu tả về con người đang đón xuân về, đặc biệt là các cô gái và các cụ bà.

Xuân về tết đến, cảnh xuân rộn ràng vui tươi hơn bao giờ hết. Trên khắp các ngả đường các cô các chị sửa soạn thật đẹp để tham gia trẩy hội hay đi chùa cầu may. “Yếm đỏ”, “khăn thâm” đều là những trang phục truyền thống, quen thuộc của các cô thôn nữ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20. Các cụ già tóc bạc phơ, vừa chống cây gậy trúc” vừa lần tràng hạt, miệng nam mô”. Quả thật là một hình ảnh rất thi vị.   

Bài thơ “Xuân về” mang một phong vị mới lạ trong thơ ca của thi sĩ Nguyễn Bính. Với bức tranh ngày xuân tràn đầy sức sống, cảnh sắc trong lành, tươi tắn của làng quê Việt Nam. Dù thời gian có chảy trôi, nhưng tôi tin rằng bài thơ “Xuân Về”  của nhà thơ Nguyễn Bính đã vẫn và sẽ mãi sống cùng năm tháng, bởi sự trong sáng, sống động và chân thật của ngôn từ, cách diễn đạt thân thiết, gần gũi với mọi thế hệ người Việt Nam.   

Phân tích bài thơ Xuân về - Mẫu 10

Như một con chim thoát ra khỏi sự nuôi nhốt, họ hoá thân theo bản năng tự do thể hiện, viết, cảm những gì mình thích nhưng luôn phù hợp với nhu cầu thị hiếu thẩm mĩ của con người. Nguyễn Bính là một nhà thơ đi ra từ phong trào thơ mới, những sáng tác của ông dù theo khuynh hướng của phong trào này nhưng vẫn có những nét riêng, cụ thể là nét chân quê mộc mạc. Một thi phẩm như Xuân về là một trong những bài thơ thể hiện rõ nét cá tính của ông.

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người”

Nguyễn Bính lựa chọn cho mình đi theo một con đường riêng, cũng thơ tình đấy, đắm say và da diết đấy nhưng ông trở về với cái dân dã thôn quê chứ không đi theo những kiểu cải cách phương Tây, đó là một trong những điểm sáng giúp thơ Nguyễn Bính sống mãi. Bài thơ Xuân về là một bài thơ thấm đẫm tìn cảm của ông đối với quê hương, miêu tả chi tiết những cảnh vật đổi thay, con người ở miền quê Nam Định khi mùa xuân trở về.

“Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng.

Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm

Ngước mắt nhìn giời, đôi mắt trong.”

Xuân theo cơn gió đông về trên miền quê êm đềm, một mùi hương mởn mơn của những loại thảo mộc vừa chớm nụ hoa chào đón không khí lành lạnh tê tái ấy. Trên đôi má người thiếu nữ cũng đỏ ưng ửng hồng hào, đôi mắt trong vây đầy tâm tư nghĩ về một điều gì mới mẻ ấy. Mùa xuân được Nguyễn Bính cảm nhận thông qua những sự vật và con người xung quanh mình, cụ thể là cô gái hàng xóm. Những nét ngây thơ của cô gái ấy tượng trưng cho sức sống tươi trẻ mà mùa xuân mang lại, căng tràn mùi vị, tựa như đang ở sát bên mình. Cái nét miêu tả gần gũi ấy như khiến mùa xuân càng thêm nôn nao trong ngày trở về, phải bung xõa hết mình để làm cho cái không khí lúc này hết mực tươi vui và náo nức. Cách miêu tả sự việc thông qua một vật thể nào đó cũng có nét tương đồng trong tác phẩm Chiều Xuân của Anh Thơ :

“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;

Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng

Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”

Sự vật thiên nhiên như lặng tờ nao nao đón xuân về trên từng nhành cây, ngọn cỏ. Nguyễn Bính đã thật tài tình chỉ với vài ba câu thơ mà đã đặt bút làm nên những nét vẽ cơ bản trong bức tranh ngập tràn sắc xuân. Cô gái mới lớn đầy sự hồn nhiên đang ngóng xuân về, trên đôi má, đôi mắt, đâu đâu cũng là sự tươi trẻ, như là sự hiện diện của mùa xuân vậy.

Đến khổ thơ thứ hai, nhà thơ đã bắt đầu đi sâu hơn, đã từng bước cảm nhận được mùa xuân một cách rõ nét nhất, xuân đã về len lỏi khắp các ngõ ngách, gió đượm xuân thổi hồn bay xa bao trùm lên toàn bộ miền quê yên bình. Rồi xa hơn một chút:

“Từng đàn con trẻ chạy xun xoe,

Mưa tạnh giời quang, nắng mới hoe

Lá nõn, ngành non ai tráng bạc?

Gió về từng trận , gió bay đi.”

Tạm biệt những cơn mưa lạnh lẽo và những ngọn gió bấc vô tình của mùa đông, nay đã nhường chỗ cho sắc xuân trở về. Trời quang hơn, trong xanh và cao, những tia nắng nhẹ nhè đâm xuyên xuống mặt đất một cách dịu dàng, sưởi ấm sự vật, là lời mời gọi hoa lá cỏ cây thức dậy sau những chuỗi phải phải ẩn mình dưới cái lạnh của mùa đông. Cây cối đua nhau nở rộ, những chồi xanh nhú lên đua nhau đón nắng mới, cái nắng mà ai ai cũng mơ ước tắm mình dưới nó một lần. Lá xanh như được tráng qua một lớp bạc, óng ánh, tươi trẻ, tự như cái sắc xuân mơn mởn đang về vậy, làm phong phú thêm cái nét tươi trẻ của ngày xuân.

Những đứa trẻ hàng xóm nhôn nhao đổ ra đường, hít một ngụm khí trời thanh tao, mát rượi, đùa giỡn trên con đường làng đất đỏ, tất cả hiện lên hoà vào nhau như một bức tranh êm đềm ngày xuân trên miền quê Nam Định, khiến cho bất cứ một người nào đọc vào cũng sẽ ngay lập tức quay về cái ngày còn bé của mình, cảm nhận từng chút kỉ niệm đã qua, bồi hồi, xao xuyến. Nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Bính vô cùng gần gũi, không cách điệu mà theo xu hướng nhưng lại có những nét độc đáo riêng biệt.

“Đêm xuân một giấc mơ màng

Bốn bề xuân tỏa một nàng ở trong

Chiều xuân dễ khiến … ngại ngùng

Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?”

Xuân về, cái không khí ấy khiến ai mà cầm lòng nổi. Hơn thế khi tắm mình trong từng câu thơ của Nguyễn Bính, xuân không còn ở trên giấy mà như hiện hữu trước mặt, miêu tả mà như tái hiện, sắc xuân nồng nàn đượm trên ánh mắt hồn nhiên của độc giả.

Đã miêu tả con người, bức tranh xuân nay trở thành góc nhìn cao hơn, xa hơn, trở thành một tổng thể nhất định:

“Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung.

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương hay, bướm vẽ vòng.”

Từ cô em gái hàng xóm, từ những đứa trẻ nô đùa trên đường, nay tác giả nhìn nhận mùa xuân với góc nhìn cao hơn để thể hiện một cách rộng nhất cái bức tranh màu sắc ấy. Những người nông dân đã nghỉ việc ở ngoài đồng, chuẩn bị đón xuân về nồng đượm trên quê hương, những bông lúa thự mướt và non như những cô gái mới lớn, xanh rờn, tươi trẻ. Bông lúa tháng Giêng nằm phơi mình giữa đồng đón nắng mới, như một thiếu nữ e thẹn, ngại ngùng trước sự đổi thay của thiên nhiên.

“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,

Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra”

Tác giả Anh Thơ cũng nhận thấy điều đó trong tác phẩm của mình, nhưng Nguyễn Bính lại ví ngọn lúa như con người, có những xúc cảm và tình cảm như con người, đó là sự khác biệt của ông. Ngoài vườn hoa bưởi hoa cam đã rùng trải trắng cả một bóng cây, mùi hương cay cay lan toả theo những ngọn gió mới mà xoa xịu khứu giác của mọi người, tưởng tượng không khí lúc này thật bình dị biết bao. Gió nhẹ đưa hương, không khí trong lành man mast chạy trên làn da mặt, một màu xanh nõn bao phủ cảnh vật, ai trông thấy bức tranh ấy mà lại không nao nức trong lòng.

Ở khổ thơ cuối, nhà thơ đã đưa độc giả đến với những hoạt động đón xuân của con người một cách nhẹ nhàng và khơi gợi :

“Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Tay lần tràng hạt miệng nam mô.”

Cái cảnh trẩy hội chùa là một nét phong tục đặc trưng của người Việt, chính vì vậy Nguyễn Bính sau khi miêu tả thiên nhiên thì đã đưa nó vào thi phẩm của mình. Những cô em gái, bà cụ mặc những bộ đồ tươm tất, khoác yếm đỏ, nối đuôi nhau đi đến chùa trẩy hội đầu xuân. Cái không khí vui tươi hoà nhã ấy là sự quen thuộc của người việt, đọc đến những dòng thơ này ai mà không cảm được cái vui tươi ấy, trang thơ của Nguyễn Bính có sức mạnh lớn lao lay động lòng người và khơi gợi về những kỉ niệm.

Nghệ thuật tả cảnh của nhà thơ Nguyễn Bính vô cùng đặc sắc và có sức mạnh gợi tả vô cùng to lớn. Miêu tả sự vật, cây cối, con người, con ong con bướm, tất cả là những hình ảnh thân thuộc đối với vùng quê, khi đi qua  thơ Nguyễn Bính  như được hoá hồn, trở nên thực và đi vào trong tâm trí người đọc. Cái tình mà Nguyễn Bính gửi vào đó đậm đà sự dân dã, ông viết nên những dòng thơ ấy bằng chính trái tim yêu quê hương đất nước, trong sáng và đáng yêu. Những dòng thơ trong sáng, dung dị vang lên một cách thuần khiết nhất, thấm đẫm trong từng câu chữ, đó là cái tài hoa của một người nghệ sĩ chân chính.

Hoài Thanh đã bình luận về giọng thơ ấy thế này : “Nhà thơ đã gọi dậy cái hồn buồn của Ðông Á,…đã khơi lại cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này”, gói gọn trong hai từ “chân quê”, hay nói cách khác giọng thơ ấy “dường như nói bằng hàng nghìn giọng, mê đắm và thuyết phục, nó nâng cái mô tả từ chỗ ngắn ngủi một lần và tạm thời lên chỗ tồn tại muôn đời”. Xuân về là một thi phẩm xuất sắc trong chùm thơ Nguyễn Bính, không chỉ bộc lộ rõ cái tài trong phong cách làm thơ của ông mà con biểu thị con người ấy theo những nét riêng trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật.

Đánh giá

0

0 đánh giá