Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Phân tích bài thơ Chiều xuân gồm 12 bài văn mẫu giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Phân tích bài thơ Chiều xuân
Dàn ý Phân tích bài thơ Chiều xuân
Dàn ý số 1
1. Mở bài
Bài thơ “Chiều xuân” trích trong tập thơ “Bức tranh quê” là một thi phẩm đầy yên bình và dịu ngọt vị xuân quê nhà.
2. Thân bài
Làn mưa bụi bay bay “êm êm” trong cơn gió nhẹ.
Con đò dường như cũng mệt mỏi, đành cho phép bản thân “biếng lười” đôi chút, thả mình dưới dòng nước mênh mang, mặc kệ sông kia có bồng bềnh sóng nhỏ.
Quán tranh những ngày sớm mai vốn đông vui thì khi ngày gần tàn lại đầy im ắng, lặng lẽ, cô đơn.
Cánh hoa xoan tím rụng “tơi bời” theo làn gió xuân nhẹ nhàng, sắc tím nhạt màu của cánh hoa càng làm tăng thêm vẻ hoang hoải nơi cảnh vật.
Triền đê xanh biếc cỏ non cùng đàn sáo mổ vu vơ gợi khung cảnh đầy thanh bình, êm ái
Những cánh cò trắng trốn mình nơi những vạt lúa xanh, “chốc chốc” bay ra tận hưởng khí trời xuân tuyệt diệu.
Hình ảnh cô nàng yếm thắm cần mẫn với công việc đầy đẹp đẽ, nên thơ.
3. Kết bài
Chiều xuân của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.
Dàn ý số 2
I. Mở bài
- Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm:
+ Anh Thơ (1921 - 2005) là một nữ thi sĩ tiêu biểu của phong trào thơ Việt Nam hiện đại với những tác phẩm thơ thiên về tả cảnh bình dị quen thuộc.
+ Chiều xuân trích từ tập thơ đầu tay “Bức tranh quê” in năm 1941.
2. Thân bài
a) Luận điểm 1: Bức tranh chiều xuân
* Bến vắng chiều xuân (Khổ 1)
"Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"
- "mưa bụi, con đò, nước sông trôi, quán tranh vắng, hoa xoan tím,…"
-> Những hình ảnh quen thuộc đặc trưng cho miền quê Việt Nam: bến đò vắng khách, con đò nằm yên một chỗ, quán nhỏ, cây xoan đầy hoa tím...
=> Cảnh đẹp, êm ả, yên bình nhưng gợn buồn.
- "Êm êm": từ láy gợi tả hình ảnh những giọt mưa rơi nhẹ điểm xuyết cho khung cảnh, không ồn ào, vội vã hay nặng hạt mà có chút gì đó như chầm chậm theo từng khoảnh khắc thời gian.
- "êm êm, biếng lười, im lìm, tơi bời"… : gợi tả sự vắng lặng của chiều quê.
=> Cuộc sống yên tĩnh có phần ngưng đọng: chiều mưa lạnh, bến sông ven làng tiêu điều, vắng vẻ; một bức tranh dường như thiếu sắc màu và ánh sáng.
* Đường đê chiều xuân (Khổ 2)
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa
- "cỏ non tràn biếc cỏ, đàn sáo, cánh bướm, trâu bò,..." -> những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân đồng bằng Bắc Bộ
- "sà xuống mổ vu vơ, rập rờn, thong thả..." -> Từ ngữ diễn tả hoạt động
-> Bức tranh có sự chuyển đổi từ gam màu buồn sang sự sống, gam màu xanh "biếc" của cỏ, từ tĩnh sang động
=> Cảnh vật thân thương và bình yên quá đỗi, độc đáo và nên thơ, cảnh quen thuộc trở nên mới mẻ, sinh động, làm vơi đi nỗi cô đơn của bến vắng.
b) Luận điểm 2: Không khí và nhịp sống thôn quê (Khổ 3)
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
- “Xanh rờn”: màu xanh nhẹ nhàng đầy sức sống của mùa xuân
- "cô nàng, yếm thắm": Cảnh sắc bớt vắng vẻ và trở nên ấm áp hơn.
- "cúi, cuốc, cào, chốc chốc vụt qua" -> Câu thơ tả động để nói đến cái tình, và nhấn mạnh nhịp sống bình yên của làng quê.
=> Nhịp sống khoan thai nơi đồng quê.
- “sắp ra hoa” -> Niềm tin của con người vào một tương lai tươi sáng.
* Không khí thơ mộng, êm đềm, tĩnh lặng thể hiện qua:
- Hình ảnh dân dã, hài hòa, êm dịu trong tổng thể bức tranh làng quê thanh bình.
- Từ ngữ gợi hình, gợi cảm: sử dụng hiệu quả biện pháp nhân hóa (đò biếng lười, quán tranh đứng im lìm…), cách diễn đạt độc đáo (cúi ăn mưa, cỏ non tràn biếc cỏ)…
- Bút pháp lấy động tả tĩnh: cái giật mình của cô gái khác đàn cò vút bay ra.
* Nhịp sống nhẹ nhàng, chậm rãi, khoan thai thể hiện qua:
- Hệ thống từ láy gợi cảm diễn tả trạng thái nhẹ nhàng, êm đềm của đối tượng.
- Thiên nhiên và con người được miêu tả trong nhịp điệu chậm rãi, khoan thai.
3. Kết bài
- Khẳng định lại giá trị của bài thơ:
+ Nội dung: Vẻ đẹp chiều xuân bình dị, đơn sơ mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, tình yêu làng quê, đất nước sâu sắc và thiết tha.
+ Nghệ thuật: Từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm, sử dụng nhiều từ láy; thủ pháp lấy cái động để nói cái tĩnh.
- Cảm nhận đánh giá của em về bài thơ.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 1
Nữ sĩ Anh Thơ (1921 - 2005) tên thật là Vương Kiều Ân, xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học. Quê gốc của nữ sĩ ở thị xã Bắc Giang nhưng bà lại sinh ra và lớn lên tại Ninh Giang, Hải Dương. Tuy chưa học hết tiểu học nhưng vốn có khiếu văn chương nên bà rất thích đọc sách và làm thơ. Bút danh Anh Thơ xuất hiện trong phong trào Thơ mới với những bài thơ viết về đề tài nông thôn tràn ngập những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, gợi nhớ những ki niệm êm đềm về làng mạc, quê hương trong tâm thức của mỗi con người. Thơ của bà mỗi bài là một bức tranh thiên nhiên tươi mát, hài hòa, gợi nên không khí và nhịp sống êm đềm ở miền quê Bắc Bộ. Nữ sĩ Anh Thơ được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007.
Tác phẩm đã xuất bản: Bức tranh quê (thơ, 1941); Xưa (thơ, in chung, 1942); Răng đen (1944); Hương xuân (thơ, in chung, 1944); Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ, 1957); Theo cánh chim câu (thơ, 1960); Đảo ngọc (thơ, 1964); Hoa dưới trăng (thơ, 1967); Mùa xuân xanh (thơ, 1974); Quê chồng (thơ, 1979); Lệ sương (thơ 1995).
Chiều xuân in trong tập Bức tranh quê (xuất bản năm 1941) là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Anh Thơ. Bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi mát, thơ mộng và khung cảnh làng quê tĩnh lặng, thanh bình khiến cho con người thêm gắn bó với quê hương.
Buổi chiều thường là khoảnh khắc dễ làm nảy sinh cảm xúc và thi hứng của thi nhân. Nhà thơ đã quan sát và lựa chọn những hình ảnh, chi tiết đặc trưng của cảnh vật để phác họa nên ba bức tranh chiều xuân êm ả, thanh bình.
Bức tranh thứ nhất tả cảnh một chiều mưa bụi với hình ảnh bến sông vắng khách, con đò nằm gần như bất động, quán tranh xơ xác bên chòm xoan rụng đầy hoa tím:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Nữ sĩ quan sát, thưởng thức bằng cái nhìn tâm tưởng nên đã cảm nhận được cái hồn của cảnh vật thân quen. Trong chiều mưa lạnh, quang cảnh bến sông ven làng càng tiêu điều, vắng vẻ. Một bức tranh dường như thiếu sắc màu và ánh sáng. Trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của không gian vẫn có sự hoạt động của cảnh vật, dù là nhẹ đến mức như có như không: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng. Con đò thường ngày tất bật chở khách sang sông, giờ đây dường như mệt mỏi, biếng lười nằm mặc nước sông trôi. Còn quán tranh cũng như thu mình lại, đứng im lìm trong vắng lặng bởi không còn khách vào ra với tiếng cười, tiếng nói rộn ràng. Chòm xoan hoa tím rụng tơi bời trước ngọn gió xuân còn vương hơi lạnh của buổi tàn đông. Tất cả đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín khó nói thành lời.
Bức tranh thứ hai:
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Hình ảnh đường đê trong buổi chiều xuân qua cảm nhận của nữ sĩ thật thân thương và bình yên. So với cảnh bến vắng đìu hiu ở trên thì cảnh đường đê vui hơn và nhiều sức sống hơn. Màu xanh biếc của cỏ non mơn mởn trải dài hút tầm mắt khiến nhà thơ có một liên tưởng bất ngờ và thú vị: Đàn trâu bò đang ung dung gặm cỏ mà như đang thong thả cúi ăn mưa. Đó là một ảo giác nghệ thuật nảy sinh từ thực tế, qua lăng kính lãng mạn của nhà thơ. Trên cái phông nền xanh mát mắt và mát cả hồn người ấy điểm xuyết vài nét chấm phá của Đàn sáo đen và Mấy cánh bướm rập rờn. Đoạn thơ có nhiều nét tươi mát và thơ mộng, chứng tỏ tác giả có tài quan sát và có sự rung động tinh tế nên nhận thấy cảnh vừa thực lại vừa ảo, vừa quen, vừa lạ.
Thế nhưng bức tranh quê dù đẹp đẽ, thanh bình đến đâu chăng nữa cũng sẽ trống trải nếu thiếu hình ảnh con người. Con người xuất hiện làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh sinh hoạt:
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra.
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm,
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
Khung cảnh thực mà giống như trong một giấc mơ. Giữa cánh đồng lúa xanh rờn nổi bật lên hình ảnh một cô nàng yếm thắm tràn đầy sức sống của tuổi xuân. Hình ảnh đáng yêu ấy thể hiện chất trữ tình lãng mạn đậm đà trong tâm hồn nữ thi sĩ nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Tiếng động bất ngờ của Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra khiến cô gái giật mình ngơ ngác là một điểm nhấn nghệ thuật. Hình ảnh cô thôn nữ với cái dáng cắm cúi, chuyên cần làm việc giữa khung cảnh chiều xuân êm đềm như thế quả đã làm xúc động lòng người, vẻ đẹp của cô thôn nữ bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên khiến cho cảnh sắc bình thường, thân quen bỗng trở nên đẹp đẽ lạ thường. Thủ pháp lấy động tả tĩnh đã làm nổi bật vẻ thanh bình, vắng lặng của chiều xuân chốn đồng quê.
Ba bức tranh vẽ ba khung cảnh khác nhau nhưng trong cùng một thời điểm. Nữ sĩ Anh Thơ tìm cảm hứng từ những khung cảnh bình dị, quen thuộc xung quanh và tỏ ra có thế mạnh ở lối miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, thâu tóm được cái hồn của cảnh vật thiên nhiên. Mặc khác, Anh Thơ còn đóng góp cho Thơ mới ở cách dùng từ độc đáo, mới lạ chưa từng có trong thi ca. Đó là những cụm từ mưa đổ bụi, đò biếng lười; rụng tơi bời, mổ vu vơ; Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa... Những nét độc đáo, mới lạ ấy được thể hiện qua sự duyên dáng, mềm mại của các câu thơ càng làm nổi bật phong cách lãng mạn của tác giả. Bức tranh tổng thể về buổi chiều xuân yên ả, thanh bình vừa hòa hợp với tâm hồn nữ sĩ vừa gợi nên tình cảm làng mạc, quê hương sâu sắc trong lòng mỗi con người.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 2
Mùa xuân là mùa của cây cối sinh sôi nảy nở, mùa xuân cũng là mùa của biết bao nhiêu thế hệ thi sĩ đắm chìm vào những bài thơ miêu tả xuân. Nếu như đa số những nhà thơ nói đến cái màu sắc yêu kiều tinh khôi của xuân vào buổi sáng bình minh cây xanh nắng dội thì Anh Thơ lại chọn riêng cho mình tả mùa xuân vào buổi chiều. Và bài thơ Chiều Xuân ra đời như thế, qua đây ta thấy được thêm những nét đẹp của mùa xuân vào buổi chiều - vẻ đẹp êm đềm trên những cánh đồng quê hương dịu ngọt.
Nhà thơ vẽ lên một bức tranh mùa xuân vào buổi chiều , bức tranh ấy cũng bắt đầu bằng hình ảnh của mưa xuân êm đềm:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”
Không gian mở ra trên bến đò xưa cũ và bức tranh mùa xuân hiên lên có sự có cả âm thanh, màu sắc, hình ảnh. Tứ thơ mùa xuân lan tỏa trong từng hình ảnh từng chi tiết, từng lời thơ. Đó là những hình ảnh đặc trưng của mùa xuân xứ Bắc: mưa bụi êm đềm, chùm hoa xoan tím rụng trên quán nhỏ hình ảnh cơn mưa bụi gợi lên sự êm đềm phảng phất của những hạt mưa xuân nhỏ nhẹ êm êm. Chiều xuân cũng vắng như những buổi chiều, con đò được nhân hóa như biết lười biếng để mặc cho nước trôi lững lờ cong mình thì nằm im lìm trên bến vắng đó. Trước mắt ta là một cảnh tượng hữu tình sông nước bến vắng với con đò. Anh Thơ không phải tìm đâu xa mà những hình ảnh bình thường nhưng lại nên thơ ấy đã như phô trước mắt chỉ cần một tâm hồn biết cảm nhận là toát lên những lời thơ tuyệt vời. Quán nước cũng im lìm trong sự vắng lặng ấy, chòm xoan hoa tím rụng tơi bời. Mùa chiều vốn tàn tạ nhưng mùa xuân thì nảy nở sinh sôi. Vậy Anh Thơ đã cho ta biết thêm một vẻ đẹp nhẹ nhàng lững lờ của mùa xuân nữa. Mọi thứ đều hoạt động một cách nhẹ nhàng phảng phất buồn trong sự vắng lặng của con người.
Sang khổ thơ thứ hai lại là một phiên cảnh khác, không phải là cảnh bến vắng con đò lười nữa mà là cảnh mùa xuân trên những triền đê:
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”
Màu sắc của cỏ cũng trở nên thật dịu nhẹ làm sao, sắc cỏ dịu dàng biếc cỏ. Sắc màu ấy không rực rỡ không chói chang không nổi sóng như bài xuân chín của Hàn Mạc Tử, cũng không bàn bạc thời gian như trong thơ Quách Tấn, mà sắc màu ấy là gam màu của cuộc sống được khúc xạ qua một tâm trạng ngẩn ngơ một chút buồn vu vơ của thi sĩ. Những con sáo đen sà xuống mổ vu vơ, mấy cánh bướm thì chập chờn trong gió, những đàn trâu thong thả ăn những búi cỏ ướt đẫm mưa xuân. Ở đây ta cảm thấy được nghệ thuật ngôn từ của nhà thơ quả thật rất hay. Những con số như “đàn”, “mấy”, “những” thể hiện sự nhiều, sự đầy đủ nhưng cũng không quá đông của những con vật làm đẹp cho bức tranh chiều mùa xuân ấy. Và đặc biệt là hình ảnh cánh bướm thì trôi trước gió, đàn trâu thì ăn mưa. Người ta chỉ hay nói rằng trôi theo nước, ăn cỏ hay uống mưa chứ không ai nói như thi sĩ cả. Những cái vô lý ấy lại trở thành cái có lý thành những hình ảnh nghệ thuật vô cùng đẹp. Nó nhằm thể hiện lên sự dập dìu của thiên nhiên cảnh vật, cánh bướm mỏng manh bay trong gió tựa như đang trôi theo những làn gió nhẹ nhàng ấy. Đàn trâu gặm những búi cỏ ướt đẫm những hạt mưa xuân như đang ăn mưa vậy.
Chia tay cảnh chiều xuân trên triền đê bãi cỏ chúng ta đến với cảnh xuân trên trong ruộng lúa nước thân quen:
“Trong đồng hoa lúa xanh dờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”
Cơn mưa xuân êm êm kia cũng làm cho những cây lúa trên đồng ướt lặng. Cái chữ lặng kia làm cho chúng ta thấy được sự lặng lẽ êm đềm của cảnh vật xuân nơi làng quê. Cánh đồng không thiếu đi hình ảnh những con cò chân đứng chân co rồi lại chốc chốc bay vút lên bầu trời kia. Cánh cò cứ bay lả rập rờn như thế. Cái hành động chốc chốc bay ra ấy khiến cho những cô gái yếm thắm giật mình. Cái giật mình ấy thật đáng yêu làm sao. Hình ảnh những người con gái xưa duyên dáng với chiếc yếm trên thân mình gợi cho ta bao niềm liên tưởng về những con người ngày xưa. Đặc biệt câu thơ cuối với bốn từ liền nhau đều mang âm đầu là “c” “cúi cuốc cào cỏ” thể hiện sự nhịp nhàng trùng điệp. Những cô gái yếm thắm ấy không chỉ duyên dáng trong trang phục của người xưa mà còn đẹp với cái nết na chăm chỉ vun vén cho những cây lúa tốt tươi, cuốc những cây cỏ đang ra hoa kia đi.
Như vậy có thể nói ba cảnh ấy hợp lại thành một bức tranh chiều xuân với nét đẹp vẫn sinh sôi nảy nở nhưng lại êm đềm vắng vẻ và thoáng chút buồn vu vơ của người thi sĩ. Có thể nói ta cảm nhận được sau bức tranh ấy là một tâm hồn thuần phát trong sáng của nhà thơ.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 3
Nhắc đến nhà thơ Anh Thơ người độc giả lại nhớ về hình ảnh một nữ thi sĩ tiêu biểu của phong trào thơ Việt Nam hiện đại. Tuổi thơ êm đềm đã từng gắn liền với đồng ruộng cánh cò quê hương sớm chiều mưa hay nắng, chính điều này là nền tảng khơi nguồn cho dòng suối cảm xúc thơ trong bà với phong cách thơ bình dị mà sâu sắc qua từng câu chữ, qua bao hình ảnh của cảnh sắc nông thôn quê hương nhẹ nhàng được gợi tả một cách khéo léo. Càng ấn tượng hơn khi bà đến với thơ ca như con đường giải thoát khỏi cuộc đời tù túng, buồn tẻ và tự khẳng định giá trị người phụ nữ trong xã hội đương thời. Tập thơ "bức tranh quê" đầu tiên ra đời chan chứa những gì mộc mạc và dung dị, đặc biệt qua bài thơ "chiều xuân", một bức tranh về cảnh mây trời tắt nắng trong sắc xuân tươi đẹp.
Những cơn mưa xuân đặc trưng nơi miền Bắc là những cơn mưa bụi li ti rơi nhẹ tắm mát cho chồi non ngọn cỏ thêm xanh tươi, mưa xuất hiện trong dòng thơ đầu tiên rất đỗi lặng lẽ trên bến đò vắng, cảnh vật thoáng buồn và chút tĩnh lặng, thêm cái lạnh của tâm hồn bằng sự trống trải:
"Mưa bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi"
Từng giọt mưa mãi rơi hững hờ và "êm êm" trước mắt nhà thơ. Từ láy gợi tả hình ảnh những giọt mưa rơi nhẹ điểm xuyết cho khung cảnh, không ồn ào vồn vã hay nặng hạt mà có chút gì như chầm chậm theo từng khoảnh khắc thời gian. Bến sông thì thưa khách đi đò chiều, vắng mênh mông, không gian rộng hơn và sự trống trải lan tỏa vào tâm hồn. Con đò nhỏ sau một ngày làm việc chở khách ngược xuôi trên dòng sông quê hương bây giờ nằm đây và lắng vào phút giây nghỉ ngơi, mạn đò lung lay theo sóng nhỏ, vô tình trôi bềnh bồng theo nước sông. Như thế đấy ta có cảm giác nhịp mưa rơi nhịp sóng vỗ nhẹ nhịp đò trôi hòa theo nhau tạo nên bức tranh giản dị nhưng sâu lắng bao cảm xúc. Ánh mắt nhà thơ chuyển hướng và cũng bắt gặp sự yên tĩnh đang bao trùm:
"Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"
Quán tranh được nhà thơ nhân hóa qua động từ "đứng". Không chỉ là "đứng" mà là "đứng im lìm" và "trong vắng lặng", từ láy nối tiếp động từ như nhân thêm sự trống vắng không chỉ riêng bến sông gây hiệu ứng mạnh trong khổ thơ.Nơi quán tranh này là trung tâm của hoang vắng và xơ xác khi ngày sắp kết thúc. Hoa tím rụng "tơi bời" vào những phút cuối của ngày dài. Dường như không chỉ con người mệt mỏi mà vạn vật cũng rã rời, trút bỏ tàn dư cuối cùng.Thời gian thì cứ mỗi phút trôi qua mang theo sự rộn ràng hối hả của ban ngày và thay thế là chiếc áo khá buồn tẻ vì cô đơn và vắng lặng khắp nơi.Khổ thơ thứ hai hiện lên bằng những hình ảnh được thu gọn vào tầm mắt nhà thơ:
"Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ"
Đường đê rộng đôi bờ chạy dài và mơn mởn bao ngọn cỏ xanh tươi, màu sắc của câu thơ chính là màu "biếc" của cỏ. Ngòi bút nhà thơ tạo những nét chấm phá màu sắc khá đẹp, cảnh thoáng buồn của khổ một bây giờ như được dung hòa lại bằng chính màu sắc của sự sống dù chỉ là ngọn cỏ. Đến đây không gian bớt đi màu tàn phai nhường chỗ cho màu biếc rạng rỡ, cái tĩnh lặng cũng tan dần theo tiếng vỗ cánh của đàn chim sáo đen đang sà xuống.Chúng vô tư như những đứa trẻ nghịch trên đồng qua cách miêu tả tinh tế "mổ vu vơ". Không phải "mổ vu vơ" mà thực ra chúng đang mổ những con mồi bé nhỏ nhưng trong mắt nhà thơ hình ảnh đó khá là dễ thương và mang cảm giác thanh bình hạnh phúc vì cuộc sống tự do và khoáng đạt. Không dừng lại bấy nhiêu đó, hình ảnh tiếp theo mang lại cho độc giả cái nhìn hơi ngỡ ngàng vì những điều bình dị mà không bao nhiêu người cảm nhận được:
"Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa"
Gió lướt qua thổi mát khung cảnh và không ít lần làm nghiêng nghiêng cánh bướm, khả năng dùng từ láy khá là phong phú "rập rờn", nhà thơ miêu tả cái cách chú bướm nhỏ muốn bay nhưng không sao vượt qua sức ép của cơn gió nên đôi cánh kia cứ mãi chao đi chao lại theo làn gió thổi. Động từ "trôi" càng tô đậm thêm hình ảnh cánh bướm nhỏ bị cơn gió kia hững hờ mang đi. Từng đợt gió đến rồi đi và tiếp tục thổi cho cánh bướm mãi "rập rờn" chao nghiêng. Thấp hơn cánh bướm là những chú trâu bò đang từ tốn nhai cỏ non một cách "thong thả", chậm rãi như tận hưởng hạnh phúc. Mưa vẫn còn rơi và vương hạt mưa lên ngọn cỏ cho ta cảm giác trâu bò đang thưởng thức chính "mưa". Nhịp thơ không nhanh mà theo nhịp hoạt động của muôn vật. Đây là khoảng thời gian mọi thứ trở nên lắng đọng và chầm chậm trôi xua đi mỏi mệt dần tan biến. Đến khổ thơ cuối cùng của bài thơ, không gian mở rộng khắp phía và làm hoàn chỉnh bức tranh "chiều xuân" thơ mộng của thi sĩ Anh thơ:
"Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa."
Quê hương tươi đẹp bởi những cánh đồng xanh rì ngọn lúa rung rinh xào xạc theo đợt gió thổi về, còn thấm đẫm những giọt mưa bụi lất phất. Lũ cò con lông trắng là hình ảnh gắn liền với ruộng đồng, với bầu trời thôn quê, với cơn gió mát chiều về, nghịch ngợm bay ra vội vàng hối hả làm xao động cả góc trời, chúng tung cánh tự do phiêu lãng và vô tình làm giật mình một cô gái nông thôn đang cần mẫn làm việc bởi âm thanh bay lên của những đôi cánh. Cô gái trong câu thơ vẫn chăm chỉ làm nốt những công việc cuối cùng của ngày sắp tàn và cũng là những gì hiện lên trước mắt nhà thơ sau chót. Khung cảnh thanh bình tràn đầy sức sống, hoạt động của muôn vật đã xây dựng nên nhịp sống vui tươi nơi đây dù thời gian trôi gần hết ngày.
Nghệ thuật sử dụng từ ngữ, khéo léo dùng ngòi bút của mình vẽ nên những hình ảnh bình dị nhưng thật ấm áp và chan chứa vẻ đẹp cuộc sống, bên cạnh đó theo dòng thơ mạch cảm xúc của người đọc được dâng lên và nhờ đó ta cảm nhận sâu nhất tình cảm cảm xúc của nhà thơ, đây chính là thành công khẳng định giá trị của bài thơ.
Đôi lúc nhịp thơ chầm chậm nhẹ nhàng sâu lắng đôi lúc lại mang đến cảm giác rộn ràng và vui vẻ, cả bài thơ như bài nhạc muôn giai điệu phong phú làm rung động trái tim suy nghĩ của người đọc bài thơ. Tấm lòng yêu thơ ca và yêu những gì thân thuộc giản dị của quê hương cùng tài năng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công của bài thơ "Chiều xuân".
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 4
Anh Thơ ( 1921-2005) quê ở Bắc Giang, từ nhỏ bà đã tìm đến văn thơ để giải thoát và tự khẳng định mình. Tháng 8 năm 1945 Anh Thơ hăng hái tham gia cách mạng, nhiệt tình phục vụ kháng chiến và xây dựng đất nước bằng sáng tác thơ ca bà từng là ủy viên ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam, bà đã để lại nhiều tập thơ có ý nghĩa tinh thần và nghệ thuật sâu sắc. Trong đó có bài “chiều xuân” Anh Thơ đã miêu tả một bức tranh quê chiều xuân thanh bình, đồng thời thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha của mình.
Quê hương đất nước là mảng đề tài quen thuộc của giới văn nghệ sĩ, đã có nhiều tác phẩm tuyệt vời ra đời, Anh Thơ là một trong số những nhà văn đó đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước thiết tha qua những vần thơ mộc mạc, chân thành nhưng sâu lắng. Cảnh quê hương thanh bình yên ả của một quê hương giàu đẹp được thi nhân đón nhận bằng cả tâm hồn. Trải rộng bài thơ trích trong tập thơ “bức tranh quê” xuất bản năm 1941.
Anh thơ đã chọn thể thơ 8 chữ, gieo vần giãn cách, mỗi khổ có 4 câu là một bức tranh quê êm đềm, thư thái như tâm hồn người phụ nữ :
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”
Nhịp thơ 3/5 chậm rãi, khoan thai với những hình ảnh quen thuộc trong ca dao và thơ ca cổ điển Việt Nam vẫn là bến nước, con sông, con đò, quán nước nhưng có lẽ không phải bên sông có đông người lên xuống mà là một bến vắng, con đò cũng không phải là con đò nối giữa cầu hai cảng mà là con đò biếng lười, hờ hững để mặt dòng sông trôi xuôi và quán tranh im lìm, vắng lặng trong một chiều mưa xuân . Tất cả cảnh vật như rơi vào tình trạng im ắng tuyệt đối, tất cả như đang mong mỏi một cái gì đó đến từ nơi xa thẳm. Nếu như không có sự chuyển động của nước sông trôi và “chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” thì người đọc tưởng như mình đang đối diện với bức tranh xuân tĩnh vật, bức tranh xuân tuyệt đẹp, thật êm ả nhưng cũng thật buồn , chất chứa tâm trạng buồn não nề của chủ thế tôi đang cô đơn, khao khát đợi chờ, hỏi thăm. Khổ thơ như chứa đựng được nỗi niềm của thi nhân.
Ở khổ thứ 2, từ cái nhìn bao quát tác giả đi gần vào với con người và thiên nhiên
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa .”
Cảnh chiều xuân được mở rộng hơn sau những ngày băng giá, xuân về cỏ non trở nên tốt tươi hơn “cỏ non tràn biếc cỏ”, điệp từ “cỏ” được lặp lại 2 lần đã khắc họa được cảnh vật thân quen ở nông thôn, cỏ non xanh mơn mởn, sức sống bừng lên mạnh mẽ qua cụm từ “tràn biếc cỏ” trên nền hình ảnh cỏ xuân ấy, chiều xuân hiện ra thật sinh động:“Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ” cùng với đàn bò đang gặm cỏ để ăn và cao hơn một chút là: “Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió”, cảnh vật có động nhưng thật nhẹ nhàng vì đàn sáo đen sà xuống nhưng chỉ mổ một cách vu vơ, vài ba cánh bướm thì lại không bay mà để mặc trôi trước gió, mấy chú trâu bò kia lại cúi thong thả ăn mưa, cách miêu tả của Anh Thơ đã làm cho vật đã tỉnh nay càng thêm tỉnh hơn, càng trở nên mơ hồ, huyền hoặc hơn.
Tác giả lại đi vào chỉ tiết hơn ở cánh trong đồng, được Anh Thơ thể hiện trong khổ 3 của bài thơ:
“Trong đồng hoa lúa xanh dờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa .”
Thi nhân tiếp tục khắc họa thêm hình ảnh chiều xuân với “đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng” , có những chú cò con thỉnh thoảng lại tung vụt bay lên giữa mảnh ruộng sắp ra hoa, trên khung cảnh chiều xuân ấy lại có sự xuất hiện thêm bóng dáng của thiếu nữ đang cúi cuốc cào, tưởng chừng như cô gái đang chăm chỉ với công việc, nhưng không tập trung vào công việc của mình nhiều lắm, chỉ cần tiếng cất cánh của đàn chim con” thôi mà cô gái cũng phải giật mình, cái “giật mình” thật đáng suy nghĩ, nàng yêu thắm kia thả hồn về nơi đâu trong tuổi dậy thì mơ mộng với nỗi buồn vu vơ, nàng ngẩn ngơ trước cảnh vật đang rạo rực vào xuân.
Cả bài thơ chỉ vỏn vẹn có 3 khổ thơ, mỗi khổ là một bức tranh xuân hợp lại, tạo nên cảnh xuân buổi chiều êm ả, bình yên và tĩnh lặng. Qua thủ pháp lấy động tả tĩnh cảnh sắc tươi tắn, con người mộng mơ, với sự quan sát tinh tế của người con gái phải yêu quê hương tha thiết thì ngòi bút của nhà văn Anh Thơ mới dựng lên được một cảnh chiều mưa xuân đẹp đến như thế.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 5
Anh Thơ (1921-2005) là một nhà thơ xuất thân trong một gia đình công chức nhỏ, quê gốc ở tỉnh Bắc Giang, tên tuổi của bà xuất hiện trong phong trào Thơ mới với những bài thơ viết về cảnh sắc nông thôn tràn ngập những hình ảnh gần gũi, thân thuộc, gợi được không khí và nhịp sống sôi động nơi đồng quê miền Bắc nước ta.
Anh Thơ được được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2007. Các tác phẩm tiêu biểu của bà là: Bức tranh quê (thơ -1941), Kể chuyện Vũ Lăng (truyện thơ – 1957), Từ bến sông Thương (hồi kí – 1986)…
Bài thơ Chiều xuân là bài thơ được rút từ “Bức tranh quê” – là tập thơ đầu tay của Anh Thơ. Đây là bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Anh Thơ, bài thơ là bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi mát, thơ mộng và khung cảnh làng quê tĩnh lặng, thanh bình làm cho con người thêm gắn bó với quê hương.
Bài thơ với ba khổ thơ như vẽ nên ba bức tranh về chiều xuân yên ả, thanh bình. Những bức tranh nhỏ ghép lại thành một bức họa lớn về bức tranh thiên nhiên nơi đồng quê miền Bắc nước ta. Khổ thơ thứ nhất tương ứng với bức tranh thứ nhất, tả cảnh một chiều mưa bụi với những hình ảnh thân thuộc, “bến sông vắng khách”, “quán tranh” và “chòm xoan đầy hoa tím”:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”.
Nhà thơ đã dùng cả tâm hồn nhạy cảm của mình để cảm nhận cảnh vật, trong một buổi chiều mưa lạnh nên cảnh vật trở nên tiêu điều, vắng vẻ và có phần xơ xác. Bao trùm cả bức tranh là một vẻ tĩnh lặng gần như là hoàn toàn, nhưng vẫn có sự hoạt động của cảnh vật dù chỉ là sự hoạt động rất nhẹ: “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”, các cảnh vật còn lại dường như chỉ lặng im, con đò thì “nằm mặc nước sông trôi”, còn quán tranh thì “đứng im lìm”.
Con đò hàng ngày tất bật chở khách thì hôm nay trở nên “biếng lười”, như tỏ vẻ mệt mỏi. Quán tranh trong buổi chiều mưa bụi cũng trở nên vắng lạnh vì thiếu đi sự nhộn nhịp tấp nập tiếng cười, tiếng trò chuyện của khách. Nhưng cơn mưa dù nhỏ, nhẹ nhưng khi kèm theo những cơn gió gió còn vướng hơi lạnh của những ngày cuối mùa đông cũng đủ sức làm cho những chòm hoa xoan tím rụng “tơi bời”.
Nhưng có lẽ chính sự tĩnh lặng này đã làm cho bức tranh buổi chiều xuân có chiều sâu của nó, tất cả cảnh vật đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín. Tiếp đến là khổ thơ thứ hai với bức tranh thứ hai, nếu như ở bức tranh thứ nhất là bức tranh về cảnh vật tĩnh lặng thì ở bức tranh thứ hai dường như đã có sự sống, hoạt động của các loài động vật:
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”.
Con đê ven làng là hình ảnh thân thuộc mà có lẽ ở vùng quê nào cũng có, mùa xuân là mùa của hoa lá, cỏ cây bắt đầu sinh sôi nảy nở, chính vì vậy mà con đường ven đê cỏ non tràn biếc cỏ, câu thơ thể hiện sự tươi mát, xanh non của cảnh vật tràn ngập sức sống của mùa xuân, hai từ cỏ như mở ra trước mắt ta một không gian ngập tràn màu xanh làm tâm hồn ta mênh mang, rộng mở.
Trên cái nền xanh tươi ấy là hình ảnh “đàn sáo đen”, là “mấy cánh bướm” và “những trâu bò”, tất cả như một sự điểm xuyết làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động hơn. Trong bức tranh này các hoạt động cũng trở nên rộn ràng, tấp nập hơn chứ không nhỏ, nhẹ như bức tranh thứ nhất nữa, đàn sáo đen sà xuống mặt đất mổ nhưng chỉ là mổ vu vơ, trước cơn gió xuân ta cảm giác như những cánh bướm không bay mà là đang “trôi’ theo làn gió, đặc biệt là hình ảnh trâu bò “cúi ăn mưa”, tại sao không phải là ăn cỏ mà lại là “ăn mưa”.
Đây là một hình ảnh thật sự lãng mạn, mưa xuống những ngọn cỏ còn long lanh nước, ta có cảm giác như không phải là trâu bò gặm cỏ dưới làn mưa bụi mà là đang cúi xuống để gặm những hạt mưa. Bức tranh thứ hai là một bức tranh được nhìn bằng sự lãng mạn của nhà thơ, chính vì vậy nó vừa thực vừa ảo, vừa gợi cảm giác tươi mát vừa gợi sự thơ mộng.
Bức tranh thứ ba được thể hiện qua khổ thơ cuối cùng với sự xuất hiện của con người, đây chính là yếu tố quan trọng làm cho từ một bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh sinh hoạt của con người:
“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”.
Một bức tranh dù đẹp đến đâu nhưng nếu thiếu vắng đi bóng dáng con người thì bức tranh cũng thật đơn điệu và kém phần sinh động. Từ bức tranh thứ nhất đến bức tranh thứ ba đã có sự biến chuyển đi từ tĩnh lặng gần như là tuyệt đối đến đã bắt đầu có sự hoạt động của sự vật và ở bức tranh cuối cùng là hoạt động của con người.
Giữa cánh đồng lúa xanh rờn và hành động của lũ cò con “chốc chốc vụt bay ra” thì đã xuất hiện hình ảnh của con người đó là “một cô nàng yếm thắm”, cả bức tranh là một sự hòa hợp của nhiều sắc màu, lúa xanh, cò trắng, yếm thắm làm cho bức tranh trở nên sinh động và rất tươi tắn.
Ba bức tranh đã khắc họa nên những cảnh vật khác nhau với những dáng vẻ khác nhau nhưng đó đều là những hình ảnh rất thân thuộc, gần gũi với làng quê nông thôn, mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật của Anh Thơ.
Bài thơ mang cho ta cảm nhận về bức tranh thiên nhiên của một buổi chiều xuân êm đẹp, qua đó gợi lên tình yêu quê hương đất nước sâu sắc trong trái tim mỗi con người chúng ta.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 6
Anh Thơ là một nhà thơ của quê hương với những hình ảnh về làng mạc, quê quán thân thương gần gũi. Bài thơ “Chiều xuân” trích trong tập “Bức tranh quê” là bài thơ tiêu biểu cho phong trào thơ mới. Bài thơ mang âm hưởng du dương, yên bình của vùng quê tĩnh lặng.
Hiện lên trước mắt ta là bức tranh thứ nhất với cảnh sắc tĩnh của bến sông vắng khách, con đò nằm im, quán tranh vắng vẻ bên chòm xoan rụng hoa tím lả lơi:
Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi ...
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Tác giả không phải chỉ dùng con mắt để quan sát mà còn dùng tâm tình thi ca của mình để cảm nhận. Bức tranh hiện lên với một màu sắc ẩm đạm: Mưa đổ xuống bên bến vắng, con đò qua sông nay lại nằm im bất động, quan tranh không còn tấp nập người vào ra, tiếng nói, tiếng cười mà im lìm trong vắng lặng, hoa xoan rụng tả tơi trước thềm vương hơi sương lạnh của tàn đông. Tất cả hình ảnh hiện lên như một nỗi buồn thầm kín, sâu lắng khó nói nên lời.
Xua tan đi mạch cảm xúc đượm buồn, bức tranh thứ hai hiện với với cảnh vật vừa gần gũi, vừa xa lạ, vừa ảo, vừa thật tràn đầy sức sống:
Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Nhà thi sĩ cảm nhận hình ảnh đường đê thật thân thương với cỏ non tràn biếc đọng lạ những giọt mưa đầu mùa. Hòa vào màu xanh tươi mới của cỏ non, Đàn sáo đen và cánh bướm rập rờn đã tô điểm cho bức tranh xanh biếc ấy nhiều sắc màu rực rỡ. Từ màu xanh đó, tác giả liên tưởng đến một hình ảnh thú vị rằng những chú trâu bò đang thong thả cúi xuống ăn mưa, liên tưởng đó thật lãng mạng.
Cảnh vật thiên nhiên có đẹp đẽ đến đâu cũng không thể thiếu vắng đi nét độc đáo của con người. Bức tranh thứ 3 đã phát hiện ra vẻ đẹp yêu kiều của cô nàng yếm thăm thông qua cảnh sắc trữ trình của thiên nhiên:
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra.
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm,
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
Khung cảnh hiện lên cứ ngỡ trong mơ mà lại rất thực. Thi sĩ đã tạo nên một cảnh tượng đầy nghệ thuật với hình ảnh giữa đồng lúa thơm dịu bát ngát, lũ cò con chốc chốc vụt bay ra làm lộ ra cô nàng yến thắm ngơ ngác, rối bời. Cô gái đó cúi cuốc cào cỏ, chăm chỉ lao động đã làm lay động tâm hồn thi sĩ. Hình ảnh cô gái đã khiến cho cảnh sắc thiên nhiên đã đẹp đẽ nay còn thơ mộng đến lạ thường.
Ba bức tranh hiện lên trong bài thơ tuy là ba khung cảnh khác nhau nhưng đều nói lên cái trữ tình trong lòng của thi sĩ. Anh Thơ đã khéo léo sử dụng những từ ngữ độc đáo, mới lạ làm nổi bật lên khung cảnh buổi chiều xuân thanh bình hòa hợp với tình cảm sâu sắc với quê hương trong lòng tác giả cũng như trong lòng mỗi con người.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 7
Bài thơ “Chiều xuân” trích trong tập thơ “Bức tranh quê” là một thi phẩm đầy yên bình và dịu ngọt vị xuân quê nhà. Trong đó có bài “chiều xuân” Anh Thơ đã miêu tả một bức tranh quê chiều xuân thanh bình, đồng thời thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước thiết tha của mình.
Cảnh quê hương thanh bình yên ả của một quê hương giàu đẹp được thi nhân đón nhận bằng cả tâm hồn. Trải rộng bài thơ trích trong tập thơ “bức tranh quê” xuất bản năm 1941.
Khổ thơ thứ nhất tương ứng với bức tranh thứ nhất, tả cảnh một chiều mưa bụi với những hình ảnh thân thuộc, “bến sông vắng khách”, “quán tranh” và “chòm xoan đầy hoa tím”:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”.
Trong chiều mưa lạnh, quang cảnh bến sông ven làng càng tiêu điều, vắng vẻ. Một bức tranh dường như thiếu sắc màu và ánh sáng. Trong sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối của không gian vẫn có sự hoạt động của cảnh vật, dù là nhẹ đến mức như có như không: Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng. Con đò thường ngày tất bật chở khách sang sông, giờ đây dường như mệt mỏi, biếng lười nằm mặc nước sông trôi. Còn quán tranh cũng như thu mình lại, đứng im lìm trong vắng lặng bởi không còn khách vào ra với tiếng cười, tiếng nói rộn ràng. Chòm xoan hoa tím rụng tơi bời trước ngọn gió xuân còn vương hơi lạnh của buổi tàn đông. Tất cả đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín khó nói thành lời.
Ở khổ thứ 2, từ cái nhìn bao quát tác giả đi gần vào với con người và thiên nhiên
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa .”
Cảnh chiều xuân được mở rộng hơn sau những ngày băng giá, xuân về cỏ non trở nên tốt tươi hơn “cỏ non tràn biếc cỏ”, điệp từ “cỏ” được lặp lại 2 lần đã khắc họa được cảnh vật thân quen ở nông thôn, cỏ non xanh mơn mởn, sức sống bừng lên mạnh mẽ qua cụm từ “tràn biếc cỏ” trên nền hình ảnh cỏ xuân ấy, chiều xuân hiện ra thật sinh động:“Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ” cùng với đàn bò đang gặm cỏ để ăn và cao hơn một chút là: “Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió”, cảnh vật có động nhưng thật nhẹ nhàng vì đàn sáo đen sà xuống nhưng chỉ mổ một cách vu vơ, vài ba cánh bướm thì lại không bay mà để mặc trôi trước gió, mấy chú trâu bò kia lại cúi thong thả ăn mưa, cách miêu tả của Anh Thơ đã làm cho vật đã tĩnh nay càng thêm tĩnh, càng trở nên mơ hồ, huyền hoặc hơn.
Ở khổ thứ ba, con người xuất hiện làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh sinh hoạt:
“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra.
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm,
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.”
Đồng lúa quê hương xanh rờn được đắm mình trong những cơn mưa xuân, lúa lặng lẽ tận hưởng vị mát dịu của những hạt mưa trong lành mà ông trời ban tặng, ướt đẫm trên lá. Những cánh cò trắng trốn mình nơi những vạt lúa xanh, "chốc chốc" bay ra tận hưởng khí trời xuân tuyệt diệu.
Đẹp nhất là hình ảnh những người lao động thôn quê, cần mẫn cúi cuốc cào, chắc có lẽ "cô nàng yếm thắm" ấy đang tập trung với công việc của mình mà chợt cò bay ngang qua khiến nàng không khỏi giật mình. Thửa "ruộng sắp ra hoa" phải chăng chính là những thành quả lao động mà còn người sẽ nhận được sau những ngày vất vả cuốc cày chăm bón.
Tóm lại, tác giả đã khắc họa bức tranh những cảnh vật khác nhau với những dáng vẻ khác nhau nhưng đó đều là những hình ảnh rất thân thuộc, gần gũi với làng quê nông thôn, mang đậm dấu ấn phong cách nghệ thuật. Bài thơ mang cho ta cảm nhận về bức tranh thiên nhiên của một buổi chiều xuân êm đẹp, qua đó gợi lên tình yêu quê hương đất nước sâu sắc trong trái tim mỗi con người chúng ta.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 8
Anh Thơ là nữ thi sĩ tiêu biểu của thơ Việt Nam hiện đại. Bà có sở trường viết về cảnh sắc nông thôn, gợi được không khí và nhịp điệu sống ở miền Bắc. Ham văn chương, chịu khó đọc sách, Anh Thơ tìm đến văn chương như một cách tự giải thoát và khẳng định mình.
Năm 1937 (mười sáu tuổi) bà đã có thơ đăng báo. Nguyễn Bính viết về nét “chân quê”, thì Anh Thơ lại thiên về “cảnh quê” thân thuộc pha chút tâm sự bâng khuâng, u buồn của cái tôi thơ mới. Bài thơ Chiều xuân là một bài thơ tả cảnh, giọng điệu thơ rất dịu dàng, ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng.
Bài thơ Chiều xuân được rút từ Bức tranh quê, tập thơ đầu tay của Anh Thơ gồm 41 bài viết về cảnh nông thôn bình dị, quen thuộc. Một số bài trong tập thơ làm xúc động lòng người đọc bởi những nét vẽ chân thực, tinh tế, thấm đượm tình quê đằm thắm và có chút tâm sự bâng khuâng, u buồn của “cái tôi” thơ mới.
Bài thơ với ba khổ thơ như vẽ nên ba bức tranh về chiều xuân yên ả, thanh bình. Những bức tranh nhỏ ghép lại thành một bức họa lớn về bức tranh thiên nhiên nơi đồng quê miền Bắc nước ta. Khổ thơ thứ nhất tương ứng với bức tranh thứ nhất, tả cảnh một chiều mưa bụi với những hình ảnh thân thuộc, “bến sông vắng khách”, “quán tranh” và “chòm xoan đầy hoa tím”:
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”
Nhà thơ đã dùng cả tâm hồn nhạy cảm của mình để cảm nhận cảnh vật, trong một buổi chiều mưa lạnh nên cảnh vật trở nên tiêu điều, vắng vẻ và có phần xơ xác. Bao trùm cả bức tranh là một vẻ tĩnh lặng gần như là hoàn toàn, nhưng vẫn có sự hoạt động của cảnh vật dù chỉ là sự hoạt động rất nhẹ: “mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng”, các cảnh vật còn lại dường như chỉ lặng im, con đò thì “nằm mặc nước sông trôi”, còn quán tranh thì “đứng im lìm”.
Con đò hàng ngày tất bật chở khách thì hôm nay trở nên “biếng lười”, như tỏ vẻ mệt mỏi. Quán tranh trong buổi chiều mưa bụi cũng trở nên vắng lạnh vì thiếu đi sự nhộn nhịp tấp nập tiếng cười, tiếng trò chuyện của khách. Những cơn mưa dù nhỏ, nhẹ nhưng khi kèm theo những cơn gió gió còn vướng hơi lạnh của những ngày cuối mùa đông cũng đủ sức làm cho những chòm hoa xoan tím rụng “tơi bời”.
Nhưng có lẽ chính sự tĩnh lặng này đã làm cho bức tranh buổi chiều xuân có chiều sâu của nó, tất cả cảnh vật đều như ẩn chứa một nỗi buồn sâu kín. Tiếp đến là khổ thơ thứ hai với bức tranh thứ hai, nếu như ở bức tranh thứ nhất là bức tranh về cảnh vật tĩnh lặng thì ở bức tranh thứ hai dường như đã có sự sống, hoạt động của các loài động vật:
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”
Con đê ven làng là hình ảnh thân thuộc mà có lẽ ở vùng quê nào cũng có, mùa xuân là mùa của hoa lá, cỏ cây bắt đầu sinh sôi nảy nở, chính vì vậy mà con đường ven đê cỏ non tràn biếc cỏ, câu thơ thể hiện sự tươi mát, xanh non của cảnh vật tràn ngập sức sống của mùa xuân, hai từ cỏ như mở ra trước mắt ta một không gian ngập tràn màu xanh làm tâm hồn ta mênh mang, rộng mở.
Trên cái nền xanh tươi ấy là hình ảnh “đàn sáo đen”, là “mấy cánh bướm” và “những trâu bò”, tất cả như một sự điểm xuyết làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động hơn.
Trong bức tranh này các hoạt động cũng trở nên rộn ràng, tấp nập hơn chứ không nhỏ, nhẹ như bức tranh thứ nhất, đàn sáo đen sà xuống mặt đất mổ nhưng chỉ là mổ vu vơ, trước cơn gió xuân ta cảm giác như những cánh bướm không bay mà là đang “trôi’ theo làn gió, đặc biệt là hình ảnh trâu bò “cúi ăn mưa”, tại sao không phải là ăn cỏ mà lại là “ăn mưa”.
“Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”
So với cảnh đầu bài thơ, ở đây không gian đã hoạt động hơn, đã có con người làm lụng và cảm xúc, ruộng lúa sắp ra hoa thay vì hoa xoan rụng, cảnh sắc bớt vắng vẻ, bài thơ có được cái ấm áp của đời thường.
Màu đỏ của chiếc yếm thắm được đặt trong một khuôn tranh có màu xanh của lúa, màu trắng của cò trở nên đối chọi mà vẫn hết sức hòa hợp. Bức tranh chiều xuân trên cánh đồng lúa vì vậy mà trở nên tươi sáng hơn, giàu sức sống hơn, ấm áp hơn. Xua tan đi tất cả những giá lạnh, buồn bã, quạnh hiu của buổi chiều xuân ở những khổ thơ trên.
Chiều xuân của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 9
Anh Thơ là một nữ thi sĩ nổi tiếng của văn học Việt Nam, bà để lại cho đời nhiều tác phẩm hay và có giá trị, có thể kể tới Theo cánh chim câu, Đảo ngọc hay Hương Xuân,.... Thơ bà mang thương nhớ cho người thưởng thức bởi sự nhẹ nhàng, sâu lắng và đậm dư vị của tình quê.
Đến với thơ Anh Thơ, ta bất chợt lắng lòng mình lại để cảm nhận vẻ đẹp của vạn vật, của quê hương từ những điều dung dị, đời thường. Bài thơ "Chiều xuân" trích trong tập thơ "Bức tranh quê" là một thi phẩm đầy yên bình và dịu ngọt vị quê nhà như thế:
"Mưa bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi"
Một chiều mùa xuân có chút gì đó đượm buồn, vẫn bình lặng yên ả thế thôi nhưng bầu không khí có phần thiếu tươi vui như bao mùa xuân trong thơ Xuân Diệu hay Nguyễn Bính. Làn mưa bụi bay bay "êm êm" trong cơn gió nhẹ, mưa cũng thân thương mà đầy dịu dàng, không quá nặng hạt cũng chẳng phải mang giông tố, mưa mơ màng êm ả đi qua bến vắng của dòng sông.
Và có lẽ mưa cũng đang dừng chân nơi bến đỗ để ngắm dòng sông thơ, nơi có con đò nằm "im lìm" lặng lẽ, sau một ngày dài làm việc, con đò dường như cũng mệt mỏi, đành cho phép bản thân "biếng lười" đôi chút, thả mình dưới dòng nước mênh mang, mặc kệ sông kia có bồng bềnh sóng nhỏ. Không gian có trời, có sông, cao rộng mà phảng phất buồn bởi chút trống trải, yên tĩnh lạ thường.
"Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"
Cảnh vật xa xa dần lại gần hơn, quán tranh những ngày sớm mai vốn đông vui thì khi ngày gần tàn lại đầy im ắng, tịch liêu, quán tranh đang "im lìm trong vắng lặng" gợi sự cô đơn, lặng lẽ, hiu hắt buồn. Đó phải chăng còn là hình ảnh người thi sĩ đang một mình thưởng thức cảnh quê hương giữa khung cảnh mênh mang.
Cánh hoa xoan tím rụng "tơi bời" theo làn gió xuân nhẹ nhàng, sắc tím nhạt màu của cánh hoa càng làm tăng thêm vẻ hoang hoải nơi cảnh vật. Chiều cuối ngày, thiên nhiên phải chăng đã mệt mỏi, muốn ngơi nghỉ, mà không còn rộn ràng, háo hức, sức sống tươi vui như những buổi sớm bình minh hay khi ngày trưa sống động.
Bức tranh xuân qua bốn câu thơ đầu có buồn nhưng không phải là cái buồn của bi lụy, hoang tàn mà là nét buồn lãng mạn, nên thơ, nét buồn thấm vào mưa, vào con đò, vào mái tranh hay cánh hoa đều mang cả sự mơ màng, thương mến.
"Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa"
Làng quê Việt Nam tự bao đời gắn với cánh đồng mênh mông rộng lớn, những triền đê xanh mát mỗi chiều về. Triền đê bước vào thơ Anh Thơ cũng đẹp đẽ đến nao lòng, những áng cỏ non " biếc" như đang thi nhau vươn mình đón nắng, mọc tràn cả bờ đê xanh mát, tươi non mơn mởn.
Đàn sáo đen cũng bị hấp dẫn bởi vẻ tươi non mà hạ cánh mình xuống mổ vu vơ. Sáo đen đang đi tìm mồi, đang kiếm ăn, đang lao động đấy thôi mà sao nghe nhẹ nhàng đến thế, chúng tựa như những đứa bé đang nghịch ngợm những ngọn cỏ non xanh dưới chân mình, vui vẻ kiếm tìm những con mồi nhỏ bé. Cảnh tượng thật bình yên và khoáng đạt biết bao!
Những chú bướm dang đôi cánh của mình bay "rập rờn" giữa khoảng trời yên bình, trong từng cơn gió thổi. Những đôi cánh mỏng manh ấy lượn lờ chào nghiêng thật mềm mại và duyên dáng.
Nơi triền đê là những chú trâu, chú bò "thong thả cúi ăn mưa", cuối chiều, khi những hạt mưa êm êm buông mình xuống mặt cỏ, trên những cây cỏ còn đọng lại những giọt mưa, trâu bò ăn cỏ mà tựa như đang thưởng thức những hạt mưa tinh túy của đất trời. Sự lắng đọng của cảnh trước được thay thế dần bằng những hoạt động của vật, bởi thế mà cảnh cũng tình hơn.
"Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa."
Đồng lúa quê hương xanh rờn được đắm mình trong những cơn mưa xuân, lúa lặng lẽ tận hưởng vị mát dịu của những hạt mưa trong lành mà ông trời ban tặng, ướt đẫm trên lá. Những cánh cò trắng trốn mình nơi những vạt lúa xanh, "chốc chốc" bay ra tận hưởng khí trời xuân tuyệt diệu.
Đẹp nhất là hình ảnh những người lao động thôn quê, cần mẫn cúi cuốc cào, chắc có lẽ "cô nàng yếm thắm" ấy đang tập trung với công việc của mình mà chợt cò bay ngang qua khiến nàng không khỏi giật mình. Thửa "ruộng sắp ra hoa" phải chăng chính là những thành quả lao động mà còn người sẽ nhận được sau những ngày vất vả cuốc cày chăm bón.
Còn điều gì đẹp hơn khi một bức tranh có cảnh, có người. Một bức tranh nghệ thuật chiều xuân đầy hài hoà và xinh đẹp của quê hương đất Việt, biểu tượng của hồn quê hương, hồn dân tộc. "Chiều xuân" của Anh Thơ là một bản nhạc đầy thương yêu và tự hào dành cho quê hương mà thi sĩ gửi đến cho chúng ta, bồi đắp và nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người những tình cảm đẹp đẽ cho cảnh vật bình dị của làng quê Việt.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 10
Anh Thơ, với danh tiếng là một nữ thi sĩ văn học Việt Nam, đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng độc giả thông qua những tác phẩm đầy tình cảm và giản dị như "Theo cánh chim câu," "Đảo ngọc," hay "Hương Xuân." Thơ của bà không chỉ là những bản hòa âm nhẹ nhàng mà còn là những giai điệu sâu sắc, làm đậm chất quê hương, tình thân và tình người. Bức tranh thơ của Anh Thơ không chỉ là những hình ảnh đẹp mắt mà còn là những cảm xúc tinh tế, là những dấu vết của thời gian. Bài thơ "Chiều xuân" trong tập "Bức tranh quê" mang đến cho độc giả một không khí yên bình và ngọt ngào, như một tình ca dành cho quê hương. Khi đọc thơ Anh Thơ, con người ta bỗng chợt ngỡ ngàng, lắng đọng lại trước vẻ đẹp của những điều giản dị và quen thuộc. "Chiều xuân" không chỉ là một bức tranh mà là một bản hòa nhạc tinh tế, mê hoặc từng tâm hồn yêu thơ. Chính trong những câu thơ, Anh Thơ đã làm cho cuộc sống trở nên trân trọng hơn, làm cho những khoảnh khắc bình dị trở nên quý giá hơn.
Tác phẩm của Anh Thơ là cuộc hành trình tìm về gốc rễ, tìm lại những giá trị bản thân và tình cảm quê hương. Bà đã khắc họa lên bức tranh đẹp mắt của quê nhà, nơi mà từng đường nét, từng câu thơ đều là một góc nhìn chân thực và nhẹ nhàng về cuộc sống. Thấu hiểu tâm trạng, Anh Thơ đã tặng cho độc giả những tràng thơ tràn ngập hương sắc và tình cảm, để lại ấn tượng sâu sắc và mãi mãi in sâu trong lòng người đọc:
"Mưa bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi"
Bức tranh mùa xuân trong bài thơ chứa đựng một tâm trạng đặc biệt, không phải là sự tươi vui sôi nổi mà thường thấy trong thơ ca mùa xuân, mà là một bức tranh buồn buồn, êm đềm nhưng lạc quan. Làn mưa bụi "êm êm" mang đến một hình ảnh nhẹ nhàng, mềm mại của dòng mưa nhỏ, không làm xáo trộn, không làm xao lạc cảnh vật bình yên của mùa xuân. Điều này thể hiện sự tinh tế và nhẹ nhàng của thiên nhiên, tạo nên không khí thoải mái và ấm áp. Mưa mơ màng, êm ả, điều này như làm nền cho bức tranh mùa xuân thêm phần dịu dàng.
Dòng sông trôi qua bên làng quê êm đềm, và con đò "im lìm" lặng lẽ, trái ngược với sự nhộn nhịp, hối hả của một ngày làm việc. Sự "biếng lười" của con đò thể hiện sự thư giãn, nghỉ ngơi sau những cảnh làm việc mệt mỏi. Đây có thể là một cảm xúc quen thuộc của những người làm công việc nặng nhọc, chấp nhận sự bình yên và yên bình của dòng sông. Buồn bởi chút trống trải, yên tĩnh lạ thường trong không gian rộng lớn của trời, sông, và đồng cỏ. Nhưng chính sự lạ thường ấy lại tạo ra một không khí đặc biệt, giúp người đọc cảm nhận được cái gì đó nguyên bản, mộc mạc và gần gũi với tự nhiên.
"Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời"
Trong bức tranh thơ "Chiều xuân" của Anh Thơ, cảnh vật xa xa bước nhanh hơn trong tầm nhìn của người đọc, tạo nên một không khí gần gũi và ấm áp. Quán tranh, một địa điểm quen thuộc, từng đông vui nhộn nay lại yên bình, tịch liêu, mang đến hình ảnh cô đơn và vắng lặng. Cảnh "im lìm trong vắng lặng" không chỉ là một hình ảnh của quán tranh mà còn là biểu tượng cho sự cô đơn của người thơ, như một góc nhìn cô độc và hiu quạnh giữa cảnh quê hương. Cánh hoa xoan tím rụng "tơi bời" dưới làn gió xuân nhẹ nhàng, với sắc tím nhạt nhòa, tạo nên hình ảnh hoang hoải và buồn bã. Chiều cuối ngày, thiên nhiên dường như đang chìm vào giấc ngủ, mang đến không khí của sự trầm lặng, một trạng thái mệt mỏi, nhưng đồng thời cũng là sự dịu dàng và êm đềm.
Bức tranh xuân qua bốn câu thơ đầu không mang theo buồn bã của sự hủy hoại hay hoang tàn, mà lại là buồn trong tình yêu thương và mơ mộng. Sự buồn này thấm vào từng chi tiết như mưa, con đò, mái tranh và cánh hoa, là những hình ảnh tưởng chừng bình thường nhưng với tác giả, chúng trở nên đặc biệt và đầy cảm xúc.
"Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa"
Đồng lúa quê hương mỡ màng trong bức tranh thơ "Chiều xuân" của Anh Thơ, chìm đắm trong làn mưa xuân mát dịu. Cảnh lúa xanh tươi là biểu tượng của sự mạnh mẽ, sống động và tươi mới của quê hương. Những giọt mưa xuân ướt đẫm trên lá lúa tạo nên hình ảnh tươi mới, tinh khôi, làm bùng nổ màu xanh của đồng lúa, khiến không khí trở nên trong lành và tươi mới.Hình ảnh cánh cò trắng "chốc chốc" bay ra từ những vạt lúa xanh tươi làm cho bức tranh thêm phần sống động và thơ mộng. Cò, là loài chim quen thuộc trong làng quê, bay lượn giữa đồng lúa như những nghệ sĩ nhỏ của tự nhiên, tô điểm thêm vẻ đẹp mộng mơ của quê hương.
Những người lao động nông thôn, chăm chỉ cày cuốc, chăm sóc lúa, là hình ảnh sống động của những người con của đất đai. "Cô nàng yếm thắm" đang chăm chỉ làm việc giữa đồng lúa, và hình ảnh cò bay ngang qua là điều bất ngờ, nhưng cũng là biểu tượng của sự tự do và nhẹ nhàng trong công việc.
Thửa ruộng "sắp ra hoa" là hình ảnh của một kỳ vọng, là mục tiêu mà những người lao động nông thôn hướng đến sau những ngày công việc vất vả. Bức tranh "Chiều xuân" không chỉ là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh và người mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và tự hào đối với quê hương, dân tộc. Đó là bản nhạc của cuộc sống quê hương, những giọt mưa, đồng lúa, cánh cò và con người hòa quyện thành một tác phẩm thi vị và xúc động.
"Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa."
Mặt đồng lúa trải dài, mênh mông và rộng lớn, như một bức tranh tự nhiên của làng quê Việt Nam, gắn liền với hình ảnh triền đê xanh mát, nơi mỗi chiều về đều mang đến cảm giác thanh bình và bình yên. Triền đê trở nên đẹp đẽ và đặc biệt hấp dẫn trong thơ Anh Thơ, với những áng cỏ non "biếc" mọc tràn bờ đê, tươi non mơn mởn, như đang thi nhau tạo nên một mảng xanh mát và tươi mới. Cảnh tượng của đàn sáo đen hạ cánh mình xuống, nhấm nháp từng hạt mưa vu vơ, tạo nên hình ảnh nhẹ nhàng và bình yên. Sáo đen, trong hành trình kiếm ăn của mình, trở nên như những đứa trẻ nghịch ngợm chơi đùa giữa thảm cỏ non xanh mướt. Sự yên bình và tươi mới của cảnh tượng này khiến cho tâm hồn người đọc trở nên nhẹ nhàng và an nhiên.
Các đôi cánh mỏng manh của bướm "rập rờn" giữa khoảng trời yên bình, được mô tả như những đám hoa bay trong không gian thanh thoát. Hình ảnh này không chỉ góp phần làm phong phú bức tranh tự nhiên mà còn làm tăng thêm vẻ dịu dàng và duyên dáng của cảnh tượng.
Trâu và bò thong thả, cúi đầu ăn mưa, hình ảnh này thể hiện sự hòa mình của gia súc với thiên nhiên, những giọt mưa tinh khôi như là một phần của bữa tiệc thiên nhiên, và sự "thong thả" của chúng khiến cảnh tượng trở nên thư giãn và tĩnh lặng. Cảnh vật buổi cuối chiều với trâu bò, cây cỏ và những giọt mưa như góp phần làm nổi bật vẻ đẹp giản dị và thân thiện của quê hương.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 11
Bài thơ "Chiều xuân" của Anh Thơ trong tập thơ "Bức Tran Quê" thực sự là một tác phẩm tinh tế, đẹp đẽ, chứa đựng nhiều cảm xúc sâu sắc về quê hương và vẻ đẹp của chiều xuân. Không chỉ mô tả cảnh quê yên bình, mà nhà thơ còn kết hợp với những cảm nhận tâm hồn vô cùng tế nhị, làm cho bức tranh quê hương trở nên sống động và tận cùng dịu dàng. Khổ thơ thứ nhất khắc họa một chiều xuân tràn ngập hương sắc quê hương. Cảnh mưa bụi là hình ảnh quen thuộc, mô tả sự tươi mới của vùng quê sau cơn mưa. "Bến sông vắng khách" là biểu tượng cho sự yên bình, trôi qua bao thăng trầm và gió lạnh của thời gian. "Quán tranh" và "chòm xoan đầy hoa tím" là những hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết và tinh tế của làng quê, nơi mà mỗi chiều xuân trở thành một bức tranh sống động và hài hòa. Khổ thơ này không chỉ là mô tả hình ảnh mà còn là sự hòa mình vào không gian đó, cảm nhận mỗi chi tiết, mỗi hương thơm như là một trải nghiệm tâm linh. Anh Thơ đã tận dụng ngôn ngữ mộc mạc, đơn giản nhưng rất giàu cảm xúc, giúp người đọc dễ dàng hòa mình vào không gian yên bình và dịu dàng của chiều xuân quê hương.
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng
Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”.
Trong bức tranh chiều mưa lạnh, bến sông ven làng trở nên càng tiêu điều và vắng vẻ hơn. Quang cảnh thiếu sắc màu và ánh sáng như làm cho không khí trở nên lạc lõng. Dưới sự tĩnh lặng tuyệt đối, không gian vẫn sống động qua sự nhẹ nhàng, nhưng đầy ý nghĩa: Mưa rơi nhè nhẹ, làm giọt nước bắn bụi mịt mờ lên bến sông hẻo lánh. Con đò, thường ngày hối hả với những chuyến chở khách, giờ đây như lạc quan lẻ loi, chìm đắm trong dòng nước trôi. Quán tranh, nơi trước đây náo nhiệt với tiếng cười và tiếng nói, bây giờ như một bức tranh cô lập, đứng im lặng giữa không gian trống trải.
Chòm xoan hoa tím, một lúc vinh quang nay đã tàn lụi, giữa bức tranh mùa xuân ẩn chứa hơi lạnh của buổi tàn đông. Những đường nét mềm mại, nhưng đồng thời mang theo một nỗi buồn sâu sắc khó tả thành lời, làm cho cảnh sắc trở nên trữ tình và cảm xúc. Ở khổ thứ hai, tác giả chuyển từ cái nhìn toàn cảnh bức tranh xuống chi tiết hơn, gần gũi với con người và sự sống động của thiên nhiên.
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa .”
Nhà thơ tiếp tục tả chiều xuân bằng hình ảnh về con người, làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên sinh động và gần gũi hơn. Anh Thơ sử dụng hình ảnh của những người phụ nữ trên sân thượng mở, những bức rèm trắng bay theo gió để mô tả sự bình yên và hạnh phúc của cuộc sống quê hương. Các chi tiết như "vòm mắt hiền" và "miệng cười thanh thoát" tạo nên hình ảnh của những người phụ nữ gặp nhau, trò chuyện vui vẻ, tạo nên không khí thân thiện và ấm cúng. Những cảm xúc này được nhấn mạnh thông qua việc sử dụng các từ ngữ như "hiền" và "thanh thoát". Sự phản chiếu của chiều xuân cũng được thể hiện qua ánh sáng và màu sắc. "Bóng rợp lên mái tóc xanh đen" mô tả bức tranh ánh sáng dịu dàng chiếu lên mái tóc của những người phụ nữ, tạo nên vẻ đẹp tinh khôi và hài hòa. Màu xanh đen của mái tóc cũng là biểu tượng cho sức sống và trẻ trung. Những chi tiết nhỏ như "nón lá trắng, áo dài xanh" làm cho bức tranh thêm phần tươi mới và sôi động, kết hợp với hình ảnh của bông hoa mai mở, tạo nên không khí lễ hội và vui tươi.
Khổ thơ cuối cùng của bài thơ là sự hoàn thiện cho bức tranh chiều xuân, khi mặt trời đã lặn và bầu trời dần chuyển sang màu cam của hoàng hôn. Hình ảnh "bên núi sương mỏng phai" là biểu tượng cho sự tĩnh lặng và yên bình của cuộc sống nông thôn vào cuối một ngày dài. Cảnh chiều xuân được kết thúc bằng "cảnh quê hương hiền hoà", làm cho độc giả hình dung được hòa mình vào không khí ấm áp và an lành của quê hương.
“Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra.
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm,
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.”
Đồng lúa quê hương xanh rờn, như là một biểu tượng của sự mát mẻ, tươi mới, ngập tràn trong những cơn mưa xuân nhẹ nhàng. Những hạt mưa nhỏ rơi như những viên ngọc trên những lá lúa, làm cho cảnh sắc trở nên tinh khôi và bình yên. Lúa lặng lẽ hòa mình trong vị mát dịu của mưa, từng giọt nước ướt đẫm trên lá như là những giọt ngọc lấp lánh, tạo nên bức tranh thiên nhiên tràn ngập sức sống. Những cánh cò trắng, như những nghệ sĩ đang múa bay giữa bức tranh lúa xanh. "Chốc chốc" bay ra từ những vạt lúa xanh tươi, chúng tạo nên điểm nhấn nhẹ nhàng, như muốn chứng minh rằng cả thiên nhiên cũng như là đang thưởng thức vẻ đẹp tuyệt vời của mùa xuân.
Hình ảnh người lao động thôn quê, một cô gái mặc yếm thắm đang cúi cuốc cào, là một biểu tượng cho công việc chăm sóc ruộng đất. Hành động cần mẫn, sự chăm chỉ của họ được tác giả diễn đạt một cách chân thật và gần gũi. Điều này càng làm nổi bật sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Cuối cùng, hình ảnh "ruộng sắp ra hoa" là một hình tượng phong phú và sâu sắc, đại diện cho thành quả của những ngày lao động miệt mài. Tất cả những yếu tố này cùng nhau tạo nên một bức tranh chiều xuân đẹp đẽ, tràn ngập tình yêu quê hương và sự gắn kết với đất đai.
Phân tích bài thơ Chiều xuân - Mẫu 12
Khổ thơ thứ nhất của bài thơ "Chiều Xuân" mở đầu bức tranh với hình ảnh chiều mưa bụi, tạo nên không khí bình dị và quen thuộc của làng quê miền Bắc. Bức tranh bắt đầu bằng "bến sông vắng khách", nơi thường ngày đón chào bao thuyền xuôi ngược, nhưng giờ đây, nó lại hiện lên trống trải và ảm đạm. Hình ảnh "quán tranh" là một phần không thể thiếu của cảnh quê, nơi mọi người tập trung để tán gẫu, chia sẻ những câu chuyện buổi chiều. Điều này tạo nên một không gian giao lưu và sự gắn bó trong cộng đồng. Còn "chòm xoan đầy hoa tím" là một bức tranh mô tả sự rực rỡ và tươi tắn của cảnh đồng quê vào mùa xuân. Hình ảnh chòm xoan nở hoa tím như một biểu tượng cho sự trở lại của sức sống và màu sắc sau những ngày lạnh giá của mùa đông. Cảnh này không chỉ là hình ảnh màu sắc, mà còn là biểu tượng cho sự hồi phục và thịnh vượng của tự nhiên.
Khổ thơ thứ hai của bài thơ mở rộng cảnh quan với "cỏ non tràn biếc cỏ", mô tả sự tươi mới và mạnh mẽ của mùa xuân. "Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ" và "mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió" là những hình ảnh sống động của động vật nhỏ, tạo nên một bức tranh về sự sống động và hoạt bát của tự nhiên. Khổ thơ thứ ba chú trọng vào con người, nơi mà bức tranh mở ra với hình ảnh những người phụ nữ trên sân thượng mở. Bức tranh này thể hiện không khí bình yên và hạnh phúc của cuộc sống nông thôn, nơi những người phụ nữ cùng nhau trò chuyện, cười đùa, và chia sẻ những khoảnh khắc bình yên của chiều xuân.
“Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng,
Đò biếng lười nằm mặc nước trôi sông;
Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng
Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời”
Trong buổi chiều mưa lạnh, cảnh vật xung quanh trở nên tiêu điều và vắng vẻ, phản ánh qua bức tranh chân thực và sống động của tác giả. Với trái tim nhạy cảm, nhà thơ đã lắng nghe những gì môi trường xung quanh muốn truyền đạt. Cảnh mưa nhẹ, êm dịu, kết hợp với lạnh lẽo của không khí cuối đông tạo nên một không gian tĩnh lặng, buồn bã. Bức tranh chiều xuân này được chăm chút từng chi tiết, từ "mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng", tạo nên hình ảnh mịn màng, tinh tế. Sự im lìm và trống trải của quán tranh và con đò, thậm chí là bức tranh chung xung quanh, tất cả đều thể hiện sự tiêu điều và lạnh lùng của không gian này.
Con đò, thường ngày tấp nập chở khách, giờ đây "biếng lười" và như là "nằm mặc nước sông trôi". Điều này tạo nên một hình ảnh tráng lệ của sự uể oải và mệt mỏi, làm cho không khí trở nên trầm lắng và trải nghiệm. Quán tranh, thường nhộn nhịp với tiếng cười, tiếng nói, giờ đây "đứng im lìm", khiến không gian trở nên vắng vẻ, lạnh lùng. Tất cả những chi tiết này kết hợp với môi trường chiều mưa bụi tạo ra một bức tranh hòa mình vào không khí u tịch, nỗi buồn sâu kín. Những cơn mưa nhỏ kèm theo hơi lạnh cuối đông làm cho những chòm hoa xoan tím "rụng tơi bời", tạo nên một cảm giác thoảng đãng và buồn bã. Cảnh tượng này như là một cách biểu đạt tâm trạng của thiên nhiên và cũng là biểu hiện của nỗi buồn sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ.
Chính sự tĩnh lặng và buồn bã này làm nổi bật và tăng thêm chiều sâu cho bức tranh chiều xuân, làm cho người đọc cảm nhận được sự gắn kết giữa tâm trạng của thiên nhiên và tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ.
“Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió,
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa”
Con đê ven làng, như một con đường nhỏ, trở thành bức tranh rực rỡ của mùa xuân với sự nảy nở của hoa lá, cỏ cây, và đặc biệt là cỏ non tràn biếc cỏ. Cảnh tượng này được thể hiện qua câu thơ, tạo nên một không gian tươi mới, tràn ngập màu xanh tinh khôi của mùa xuân. Hình ảnh của cỏ non mọc um tùm tạo nên một khung cảnh hữu tình, mang đến sự tươi mới và mát lành cho tâm hồn đọc giả. Câu thơ tiếp theo mô tả "đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ", cho thấy hình ảnh đàn sáo đen bay thấp xuống, mổ vu vơ một cách nhẹ nhàng và duyên dáng. Cảnh này thể hiện sự điệu đà và dễ thương của đàn sáo đen, góp phần làm phong phú thêm bức tranh thiên nhiên.
"Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió" là một hình ảnh tuyệt vời, tạo nên sự nhẹ nhàng và bay bổng của những sinh linh nhỏ bé này. Hình ảnh của bướm bay trên làn gió xuân mang đến không khí nhẹ nhàng, tươi mới, và tạo nên một hình ảnh bồng bềnh đầy màu sắc cho cảnh xuân. Cuối cùng, "những trâu bò cúi ăn mưa" là một hình ảnh động đậy và hài hòa với môi trường xung quanh. Việc trâu bò cúi người xuống để ăn mưa không chỉ thể hiện sự thân thiện và thân thiện của động vật với tự nhiên mà còn làm cho bức tranh trở nên sống động và chân thực hơn. Thay vì chỉ là hình ảnh trâu bò đứng đó, việc chúng "cúi ăn mưa" tạo nên một bức tranh tinh tế về sự hòa mình với môi trường xanh tươi của mùa xuân.
“Trong đồng hoa lúa xanh rờn và ướt lặng,
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm.
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa”
Ở khổ thơ này, không gian trở nên sống động và hoạt bát hơn so với cảnh vắng vẻ ở khổ thơ trước đó. Nhà thơ đã chuyển đến một bức tranh sôi động của đời thường, nơi con người và cảm xúc cùng nhau tồn tại và tương tác với môi trường tự nhiên. Đây là một sự chuyển biến tích cực, tạo nên một không khí tràn ngập năng lượng và ấm áp. Màu đỏ của chiếc yếm thắm nổi bật trên nền màu xanh của cánh đồng lúa, tạo nên một hiệu ứng đẹp mắt và hài hòa. Sự đối chọi giữa màu trắng của cò và màu đỏ của yếm không chỉ tạo nên một hình ảnh độc đáo mà còn là biểu tượng cho sự cân bằng và hòa hợp trong cảnh vật thiên nhiên. Bức tranh đã trở nên tươi sáng và phong cách hơn, thể hiện sự giàu sức sống và ấm áp của chiều xuân.
Cảnh ruộng lúa sắp ra hoa là một biểu tượng của sự trổ bông, của sự mới mẻ và tươi mới. Bức tranh này hóa thân cho sự hứng khởi và hi vọng của mùa xuân, xua tan đi mọi giá lạnh, buồn bã và quạnh hiu từ những khổ thơ trước đó. Nhà thơ đã chuyển dòng cảm xúc của người đọc từ tâm trạng u tịch và buồn bã sang một không gian ấm áp và hạnh phúc. Cuối cùng, "Chiều xuân" của Anh Thơ không chỉ là một bức tranh nghệ thuật, mà còn là một bản nhạc tràn ngập tình yêu và tự hào dành cho quê hương. Tác giả gửi đến chúng ta không chỉ là hình ảnh bình dị mà còn là niềm tự hào và tình yêu thương sâu sắc dành cho làng quê Việt