Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh đang trong quá trình ôn tập tài liệu Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi gồm 6 bài văn mẫu giúp các em học sinh có thêm tài liệu tham khảo trong quá trình ôn tập, củng cố kiến thức và chuẩn bị cho kì thi môn Ngữ văn sắp tới. Chúc các em học sinh ôn tập thật hiệu quả và đạt được kết quả như mong đợi.
Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi
Dàn ý Suy nghĩ về câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi.
2. Thân bài
a. Giải thích
“tử tế”: sống và cư xử với người khác lịch sự, nhã nhặn đúng với chuẩn mực. Người tử tế là những người sống đúng, chuẩn mực, không vi phạm đạo đức, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và có một trái tim nhân hậu, dạt dào tình yêu thương.
Kẻ ti tiện: những người ích kỉ nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không nghĩ cho người khác.
Ý kiến đề cao, ca ngợi người sống tử tế và phê phán những người nhỏ nhen, ích kỉ, không biết nhận sai mà chỉ đổ lỗi cho người khác.
b. Phân tích
Người tử tế là người biết nhìn nhận bản thân cũng như đại cuộc, sống đúng, khi mình có lỗi sẵn sàng nhận lỗi và sửa sai. Từ hành động dũng cảm đó, người tử tế sẽ nhận được sự tin yêu, tín nhiệm của mọi người và cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp.
Những người có lối sống nhỏ nhen, ích kỉ thường có cái nhìn hạn hẹp, khi bản thân mắc lỗi không dám thừa nhận và tìm cách đổi lỗi cho người khác. Người không dám nhìn, không dám đối mặt với lỗi lầm của mình gây ra là những người hèn nhát, những người này sẽ khó rút ra được bài học cho bản thân và sớm bị xã hội đào thải, mọi người xa lánh.
c. Liên hệ bản thân
Mỗi người đặc biệt là lớp trẻ hiện nay hãy sống với lối sống lành mạnh, dũng cảm, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm với hành động của mình để hoàn thiện bản thân,… có như thế chúng ta mới tiến bộ và vươn đến thành công được.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi.
Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi - Mẫu 1
"Nhân vô thập toàn" cổ nhân từ xa xưa đã có một câu nói vậy tức để chỉ ra rằng sở dĩ vạn vật trên thế gian không bao giờ là thập toàn thập mỹ và chính bản thân con người được xem là sinh vật tiến hóa vượt trội nhất trên trái đất cũng không thể thoát khỏi quy luật này. Chính vì vậy việc một cá thể mắc lỗi, hay phạm những sai lầm luôn xảy ra trong cuộc sống, và để đáp ứng nhu cầu phát triển và tự hoàn thiện con người ta không ngừng tìm ra lỗi và khắc phục lỗi, đồng thời tự tích lũy kinh nghiệm cho cá nhân để biến bản thân thành một phiên bản ngày càng tốt hơn. Cũng chính quá trình này đã để chúng ta nhìn thấy một sự thật về phẩm chất của con người thông qua câu nói "Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi".
Người tử tế ở đây tức là chỉ những người có tư cách đạo đức, phẩm giá tốt đẹp, có cách hành xử phù hợp với chuẩn mực xã hội, sống ngay thẳng, tư duy tích cực, có cách đối xử với người khác chân thành, không vụ lợi. Người tử tế là tử tế trong mọi trường hợp, mọi hành động và đối với mọi người không phân biệt già trẻ, sang giàu. Họ luôn hướng tới một cuộc sống nhân văn, tình nghĩa, luôn cố gắng hoàn thiện bản thân bằng những hành vi đẹp, đồng thời thông qua sự đánh giá, yêu mến của xã hội mà lấy đó làm động lực cho bản thân ngày càng hoàn thiện về bản chất đạo đức. Trái lại kẻ ti tiện cũng không phải là ít trong xã hội, những người này không coi trọng hoặc phớt lờ đi các tiêu chuẩn đạo đức xã hội, họ cố gắng tìm mọi cách để thu về lợi ích cho bản thân, dù hành động đó có thể gây tổn thất cho các cá nhân khác. Họ có lối sống hẹp hòi, ích kỷ, thích so đo, tư duy tiêu cực, luôn có cái nhìn hoài nghi, đố kỵ với người khác, luôn sống một cuộc sống thích tranh giành và khôn vặt, cư xử hẹp hòi thiếu lễ độ. Khi đứng trước những lỗi lầm do bản thân gây ra thì hai kiểu người trên có cách cư xử rất khác biệt, nếu như người tử tế sẵn sàng suy xét nguyên nhân hậu quả, nhận thức được lỗi lầm và có thiện chí sửa đổi, thì trái lại người ti tiện lại luôn tìm lý do để đùn đẩy, quyết không nhận trách nhiệm về mình, thậm chí cố gắng đổ lỗi cho những cá nhân khác, hoặc lỗi do hoàn cảnh, cốt để bản thân mình không liên quan.
Như vậy thông qua thái độ của mỗi người trong việc đối mặt với lỗi lầm ta có thể dễ dàng phân định được đâu là người tử tế và đâu là kẻ ti tiện trong xã hội. Đối với người tử tế quá trình mắc lỗi, nhận lỗi và sửa lỗi chính là một trình tự cần thiết để tự hoàn thiện và đánh giá bản thân. Rõ ràng sống trên đời mấy mươi năm, con người ta ít nhiều cũng có vài lần phạm lỗi, hoặc thậm chí trong từng tháng từng năm chúng ta liên tục mắc những lỗi khác nhau, trong học tập, trong công việc, trong cách cư xử với người khác, trong tình cảm,... và lỗi ấy có thể do vô tình hoặc cố ý. Và việc mắc lỗi vốn dĩ là một sự kiện rất bình thường để xây dựng nên quy luật xã hội. Điều cốt yếu nhất ấy là con người ta phải biết nhận thức được lỗi lầm của mình và nỗ lực sửa lỗi để tránh lặp lại sai lầm tương tự trong tương lai. Có thể thấy rằng việc dám đứng ra nhận lỗi chính là một hành động dũng cảm, vượt lên chính bản thân và nỗi e sợ định kiến xã hội, cũng như lòng tự ái cá nhân để đi tìm sự hoàn thiện trong nhân cách, xây dựng một tinh thần hướng thiện, tôn trọng sự thật, sống ngay thẳng, chính trực. Đó là một thái độ sống tích cực, là biểu hiện của một cá nhân đang nỗ lực từng ngày vươn lên, mà biểu hiện đầu tiên ấy là chiến thắng chính bản thân và lỗi lầm do mình gây ra. Bên cạnh đó, không chỉ biết nhận lỗi, sửa sai mà bản lĩnh của người tử tế còn nằm ở việc họ sẵn sàng chịu trách nhiệm, nhận hình phạt thích đáng cho những hậu quả mà lỗi lầm của mình đã tạo nên, dù rằng điều ấy có thể khiến họ đánh mất nhiều thứ, tiền tài, danh vọng, địa vị, các mối quan hệ,... Thế nhưng họ vẫn sẵn sàng đương đầu và cố gắng để làm lại từ đầu, bước đi trên con đường trong sạch, ngay thẳng.
Còn trái lại đối với kẻ ti tiện, khi đứng trước lỗi lầm, phản ứng đầu tiên của họ là tìm cách đổ lỗi, viện lý do, nhằm tránh thoát những lỗi lầm do mình gây ra, thậm chí có những người sẵn sàng dùng một hành động sai trái khác để che lấp lỗi lầm ban đầu, dùng nhiều lời biện bạch để che giấu những sai lầm do mình gây ra, chứ quyết không chịu nhận trách nhiệm, không chịu tỉnh ngộ nhận sai. Cá nhân những người này vốn là kẻ hèn nhát, sợ bị công kích, sợ đánh mất những lợi ích cá nhân đang có, nên họ không dám đối mặt với bản thân. Đặc biệt thường thấy nhất ở những kẻ ti tiện ấy là lòng tự ái cao, họ chỉ yêu bản thân và mặc kệ những người xung quanh, dù làm việc gì họ cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân dù rằng hành động đó có thể khiến họ trở nên xấu xí và mất phẩm giá. Một ví dụ dễ thấy nhất ấy là cảnh một ông chồng ngoại tình, thế nhưng lại đổ lỗi cho người vợ là không biết chăm sóc gia đình, không làm ông ta thấy hạnh phúc. Trong khi đó rõ ràng bản thân mình đã ti tiện, ích kỷ nhưng lại tự lừa mình dối người và tìm cách đổ lỗi cho người khác một cách vô lý.
Từ những phân tích và bàn luận trên, mỗi chúng ta cần phải ý thức được rằng sống ở trên đời hãy làm một người tử tế. Tạo hóa đã ban cho chúng ta một bộ óc siêu việt, một khả năng giao tiếp tối ưu, một hình hài tiến hóa bậc nhất, chính vì vậy chúng ta cũng phải sống và cư xử sao cho văn minh, phải luôn nỗ lực làm mới và phát triển bản thân mỗi ngày. Đừng sợ sai và cũng đừng ngại phải nhận sai, có nhận sai chúng ta mới thấy rõ được khuyết điểm của bản thân và sửa chữa, đồng thời đó cũng là một cơ hội tốt để chúng ta tích lũy kinh nghiệm mỗi ngày. Hãy nhớ rằng lỗi lầm là chuyện tất yếu của cuộc đời, chúng ta chẳng phải bậc thánh nhân mà không bao giờ phạm lỗi, chính vì vậy đừng vì mình mắc một lỗi nhỏ mà cảm thấy tự ti, xấu hổ, hay muốn trốn tránh. Đã là con người thì phải đi ngay đứng thẳng, dám đối diện với bản thân, với lỗi lầm và với cả những người xung quanh. Dũng cảm, nhận lỗi, sửa sai và chịu trách nhiệm không chỉ là tiền đề khiến chúng ta đi lên mà còn là một thước đo định giá phẩm cách, bản thân không thẹn với lòng thì mới có thể khiến người khác yêu quý và tin tưởng. Như vậy ngày chúng ta chạm vào thành công sẽ không còn xa trong tương lai. Trái lại sống ti tiện, hay đổ lỗi chỉ thu về cho bản thân ta một cái vỏ bọc xấu xí, một tâm hồn hẹp hòi và sự căm ghét, xa lánh của những người xung quanh, để khi nhìn lại, bản thân chúng ta cuối cùng chỉ trở thành kẻ cô độc, đáng xấu hổ nhất thế gian mà thôi.
Chung quy lựa chọn làm người tử tế hay kẻ ti tiện chỉ là trong một ý nghĩ và hành động của mỗi chúng ta, nếu sống làm người tử tế chúng ta trở nên tốt đẹp biết bao nhiêu, thì làm kẻ ti tiện lại khiến chúng ta trở nên xấu xí, tụt lùi bấy nhiêu. Chính vì vậy ngay từ bây giờ mỗi bạn trẻ hãy tự ý thức để có cách cư xử cho phù hợp, luôn ghi nhớ rằng lỗi lầm là chuyện nhỏ, chúng ta có thể khắc phục và sửa sai nó một cách dễ dàng, chỉ cần bạn đủ nỗ lực, quyết tâm để trở thành người tử tế. Còn việc trở thành một kẻ xấu, hẹp hòi, ích kỷ và chậm tiến mới thực sự là một điều đáng quan ngại sâu sắc.
Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi - Mẫu 2
Con người dù có tốt có giỏi đến mức nào, ai có thể vỗ ngực: “Ta đây chưa một lần mắc lỗi”? Bởi vì từ khi sinh ra đã không có ai hoàn hảo. Dù có một đầu óc minh mẫn, thì cũng có lúc nó mờ đi làm ta chếnh choáng. Dù có một lí trí vững chắc thì cũng có lúc nó phải lầm đường lạc lối. Nhưng đánh giá phẩm chất một người không phải là ta đã phạm bao nhiêu lỗi, lỗi như thế nào, mà là cách ta đối mặt với nó. Có ý kiến cho rằng: “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi.” Trôn tránh như một kẻ hèn nhát hay đối mặt như một người dũng cảm đó là quyền lựa chọn của mỗi người. Liệu có ai thích bị gọi là “ti tiện”?
Chắc chắn không có ai muốn mình là một kẻ ti tiện cả nhưng họ không nghĩ chỉ một hành động đồ lỗi lại bị cho là “ti tiện”. Họ quên mất rằng ti tiện đơn giản là hèn nhát, nhỏ nhen. Đó là những kẻ chỉ nghĩ cho bản thân mình, thậm chí không từ bât kì diều gì chí đế tốt cho bản thân nhưng lại là những kẻ “miệng hùm gan sứa”. Còn tử tế thì trái ngược. Người tử tế luôn là người biết cách đối xử với mọi người, từ cách ăn nói đến hành động thái độ trước những việc xảy ra trong cuộc sống. Ý kiến trên đã chi ra hai cách ứng xử khác nhau của hai kiểu người trước việc “có lỗi”. Người tử tế thì cư xử đàng hoàng, họ sẵn sàng đứng ra nhận lỗi của mình.
Còn kẻ ti tiện lại không dám đứng lên mà lại co rúm phía sau, đẩy tội qua người khác chì để cho mình được thoát, mình không có lỗi.
Ông bà ta từ xưa đã để cao câu: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Con người mà, ai thẩn thánh đến mức không bao giờ mắc lỗi. Điều quan trọng là đứng ra nhận lỗi, đó chính là “người tử tế'’. Họ luôn coi trọng những chuẩn mực đạo đức cùa xã hội, coi trọng nhân cách và phẩm giá của mình. Họ có một lòng tự trọng cùa riêng mình. Đơn giản, những gì mình đã làm thì mình phải nhận, dù tốt dù xấu. Một người có lòng tự trọng không thể là người chấp nhận nhìn người khác bị oan trong khi đó là lỗi của mình. Tại sao ta không tự hỏi, vì sao pháp luật nhà nước lại khoan hồng cho những phạm nhân truy nã khi họ tự thú? Đâu phải ngẫu nhiên những bán án nặng nề thậm chí được giảm đi một nửa dù họ đã gây ra những lỗi lầm trầm trọng? Bởi một khi đã tự ý thức được việc mình làm là sai và dám đi tự thú thì dó là một sự dũng cảm và bản lĩnh dáng trân trọng. Đúng như vậy, những người biết sẵn sàng nhận lồi phải có một bản lĩnh và sự dũng cảm mới có thể đối diện với khuyết điểm, những lỗi lầm. Họ mong muốn hoàn thiện mình, muốn sửa sai, muốn được trở thành người tốt. Chân thành nhận lỗi là điều đầu tiên mà mồi người chúng ta cần làm khi mình làm sai. Có những chuyện chỉ cần một lời xin lỗi chân thành đã giải quyết dược, nhận lỗi cũng là một cách đế hòa giải những bất đồng.
Nghe có vẻ như nặng nề nhưng thực chất “người tử tế'’ chỉ ở xung quanh ta. Đó là khi đứa bé làm vỡ bình hoa và nó mếu máo nhận lỗi mà không đổ lỗi cho con mèo hay con chó. Dó có thể là khi học sinh dám thừa nhận mình nói chuyện hay đã gian lận. Đó là những nhân viên nhận lỗi trước sếp vì hành động lười biếng của mình chẳng hạn. Hay là những lời xin lỗi trước mọi người trong công ty khi có những chiến lược hoạt dộng sai lầm,... Rất nhiều những “người tử tế” xuất hiện bình dị ớ xung quanh ta, từ một đứa bé, một học sinh, một nhân viên, một giám đốc,... Hay đôi bạn bất đồng ý kiến, có một người đứng ra nhận lỗi thì mọi chuyện sẽ trở nên êm đẹp,... Có thể những điều này nhỏ nhặt nhưng nếu lặp lại nhiều lần cái nho nhỏ ấy thì nó sẽ trở thành cái nếp, trở thành tính cách riêng của mỗi người. Để rồi sau này mỗi người đều có thế dũng cảm nhận lỗi khi mắc những sai lầm lớn mà không đớn hèn đổ lỗi cho người khác.
Nhận lỗi là quá khó khăn chăng? Tại sao chúng ta không thể nhận lỗi? Có lẽ do một phần nào sự tự ti và sự lo sợ. “Nhân chi sơ, tính bản thiện” - con người chúng ta sinh ra vốn dĩ lương thiện, nhưng cách mà chúng ta đối diện với những gì xảy ra xung quanh hình thành nên tính cách. Có lẽ không ai muốn mình trở nên ti tiện, nhưng do thiếu tự tin, không biết giá trị của bản thân mình từ đó không có lòng tự trọng mà một con người cần có. Thế cho nên họ luôn tìm cách che giấu những khuyết diểm cúa mình, mong đừng ai biết. Không muốn đối mặt hay chính xác hơn là không dám đối mặt với những sai lầm dế sửa chữa và hoàn thiện mình. Họ có một nỗi sợ lớn, sợ người khác sẽ hơn mình, sợ mọi người sẽ đánh giá mình, họ sợ không đạt được những gì mình mong muốn. Những kẻ “ti tiện” ấy chỉ còn cách là đố lỗi cho người khác dể mình được “trong sạch”. Họ không biết chính vì thế mà họ mắc thêm một sai lầm lớn nữa đó là vướng vào cái bẫy của sự “dối trá”, họ càng vùng vẫy dùng sự dối trá để thoát ra thì càng bị nhấn sâu, dính chặt trong cái xấu xa. Ta đã nói dù đó là một lỗi nhỏ nhưng đố lỗi cho người khác cũng là một sự hèn hạ. Huống hồ có những lúc đồ lỗi chỉ vì người đó hèn nhát, nhưng cũng có lúc là vì rắp tâm hãm hại người khác để trục lợi cho mình. Có từ nào có thể miêu tả ngoài xấu xa, ti tiện?
Có một người nước ngoài chia sẻ rằng, dường như người Việt quên mất cách xin lỗi. Ông kể, tôi dừng chân tại một quán ăn khá đông đúc, món Phở nổi tiếng của Việt Nam. Khi tô phở nghi ngút được bưng ra thì ông phát hiện trong tô của mình có vài sợi ni-lông vướng vào sợi phở. Õng gọi chủ quán và chỉ có ý định nhắc nhở cẩn thận. Nhưng khi đề cập đến thì bà chủ quán chối nguầy nguẩy, khăng khăng quán mình luôn hợp vệ sinh, cẩn thận. Dù rõ ràng có một sợi ni lông vướng vào bát phờ. Một lời chia sẻ ngắn, một chuyện hết sức bình thường thôi nhưng tại sao bà chủ lại không nhận lỗi? Vì sợ quán mất khách? Vì sợ mất tiếng tăm của quán? Có lẽ là thế. Nhưng bà chủ ấy lại quên rằng, trong lúc cãi nhau với người nước ngoài kia thì những khách hàng trong quán đã chứng kiến tất cả. Họ sẽ nghĩ gì? Chỉ một lời xin lỗi nhưng không được thực hiện đã phần nào làm xấu hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, chuyện đó có đáng chăng? Hay câu chuyện người kia đổ xăng làm vấy bẩn cái áo sơ mi của khách nhưng cũng không có một lời xin lỗi. Câu chuyện về những cô, cậu học sinh còn nhỏ nhưng lại lên tiếng chửi lại đàn anh, đàn chị bằng những lời khiếm nhã, đến khi mọi người góp ý lại không thèm nghe với thái độ bất cần đời,... Những câu chuyện như thế cứ thấy rồi lại quên đi không chú ý. Vì sao? Vì nó quá nhỏ bé so với những gì ghê gớm xảy ra trong cuộc đời này, nó không đáng nhận hai chữ “ti tiện”?. Đúng, nhưng góp gió thì thành bão, nếu không ý thức ngay từ đầu sự ích kỉ xấu xa của hành động chối lỗi và đố lỗi cho người khác thì sẽ như thế nào. Cuộc sống luôn luôn thay đổi, sẽ không có chỗ đứng cho những người chỉ suốt ngày lo sợ rằng người ta sẽ biết mình mắc sai lầm, hay vì cái tôi quá lớn mà không chịu nhận mình đã sai mà đang tâm đổ lỗi cho người khác. Khoảng cách giữa “người tử tế” và “kẻ ti tiện” đôi lúc chi cách nhau bởi những phút yếu lòng hèn nhát hay nỗi sợ hãi vô lí mà chọn không nhận lỗi thay vì đứng ra chịu trách nhiệm và sửa sai.
Nhưng có phải chúng ta cũng nên nhìn theo một hướng khác hơn? Người nhận lỗi chưa chắc là người tử tế ? Đó là khi nhận lỗi mà lại là vì thói đạo đức giả, giả vờ biết lỗi nhưng trong lòng lại không cam tâm. Khi đó họ nhận lỗi không phải vì lòng tự trọng, không phải vì mong muôn được hoàn thiện mình mà chỉ là không muôn rước lấy rắc rối, lằng nhằng, chi bằng nhận cho xong. Cũng có khi nhiều người không thế nhận lỗi vì một lí do đặc biệt nào đó, có lẽ lúc này chững chúng ta nên thông cảm cho họ chăng? Thế nhưng với lí do gì đi chăng nữa thì hành động đố lỗi cũng không thể châ'p nhận được. Không có lí do gì để những kẻ “ti tiện” mượn để bao che cho hành động hèn nhát của mình.
Ebbert đã từng nói rằng: “Sai lầm lớn nhất mà bạn mắc phải trong cuộc sống là luôn sợ mắc sai lầm”. Là một trong số học sinh sinh viên, là thế hệ trẻ của đất nước, việc biết chấp nhận sai lầm và dám trung thực nhận lỗi để khắc phục là một dức tính cần phải có. Tuổi trẻ vốn dĩ luôn mắc phải sai lầm, bởi cái hoài bão đôi lúc quá lớn, bởi cái ước mơ nhiều lúc quá xa vời. Nhưng không ai đánh thuế ước mơ, việc gì tuổi trẻ phải phí hoài với những nỗi lo sợ, sợ sẽ thất bại, sợ sẽ mắc sai lầm? Thanh niên học cách nhận lỗi một cách chân thành, rút kinh nghiệm từ những thất bại mới có thế trưởng thành. Không một người thành công nào có dưới một lần phải nói hai từ xin lỗi. Nghệ thuật, xin lỗi là cả một nghệ thuật. Xin lỗi làm sao đế người khác thoải mái nhưng cũng không hạ thấp giá trị bản thân, lúc đó lời xin lỗi cũng như một vũ khí đắc lợi để lùi một bước, tiến hai bước chăng? Và ta cũng không thể quên một điều cấm kị là “tìm cách đố lỗi cho người khác”. Còn trẻ có nghĩa là ta cũng chưa chín chắn, còn trẻ cũng là lúc thấy nhận lỗi là một việc gì đó không hay, cũng đôi lúc không đủ dũng cảm để nhận lỗi nhưng cũng không phải vì thế mà có thế viện cớ đổ lỗi cho người khác một cách đớn hèn. “Chúng ta là con người và đừng tự làm mình hèn hạ” - Cố Ngạn.
Ý kiến đã chỉ ra cho ta thấy thái độ đúng đắn trước lỗi lầm của chính bản thân mình. Nó đề cao, trân trọng những con người trung thực, dũng cảm biết nhận lỗi và phê phán nghiêm khắc những kẻ chỉ biết tìm mọi cách đổ lỗi khi mắc sai lầm. Hướng con người đến một xã hội tốt đẹp văn minh hơn với những môi quan hệ khăng khít giữa người và người mà sự tử tế là một điều cần thiết. Mark Taiwan: “Sự tử tế là loại ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe thấy, người mù có thể đọc được”. Điều cần thiết trước khi học làm một người tốt, một người siêu phàm là làm một người tử tế. Một xã hội dù có tiến xa đến mấy mà không có sự tử tế thì cũng chỉ là cái vỏ bề ngoài mong manh dễ gãy mà thôi.
Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi - Mẫu 3
Cổ nhân có câu: "Nhân bất thập toàn", tức là trong cuộc sống, không ai sinh ra đã là hoàn hảo, sai lầm là biểu hiện thường thấy của con người. Sẽ có những sai lầm giúp con người hướng đến thành công, và cũng sẽ có những sai lầm sẽ người ta gục ngã. Dẫu cho bạn có một người bình thường hay là một vĩ nhân của nhân loại thì việc gặp những sai lầm trong cuộc sống cũng vẫn xảy đến. Khi có sai lầm thì lời xin lỗi sẽ luôn là hành động thực tế giúp hạn chế phần nào đó những hậu quả đáng tiếc xảy ra, đồng thời phần nào xoa dịu được tâm hồn người bị tổn thương.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc một người mở lời xin lỗi thường sẽ khó hơn so với việc họ đổ lỗi. "Đổ lỗi" được hiểu là hành vi của một người đang cố tình chối bỏ sai lầm của mình bằng cách viện ra đủ lý do khách quan hay thậm chí tồi tệ hơn là họ đổ lỗi sai cho một cá nhân khác. Điều đáng buồn là hiện tượng đổ lỗi này lại thường xuyên diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Còn "nhận lỗi" được hiểu là hành động tự nhìn nhận về cái sai của bản thân, là sự chia sẻ đối với người bị tổn thương, thiệt hại và cụ thể hóa bằng lời xin lỗi. Việc biết nhận lỗi là thể hiện sự mong muốn được đền bù và mong muốn được tha thứ.
Trong đời sống, sẽ có những lúc con người ta sẽ gặp những tình huống éo le và phạm phải sai lầm theo từng mức độ khác nhau, việc nhận lỗi và sửa chữa chúng sẽ khiến bản thân ta tốt hơn từng ngày, hoàn thiện nhân cách và đồng thời lấy lại niềm tin của người khác với mình. Lỗi lầm sẽ khiến cho cuộc sống của chúng ta đi theo chiều hướng tiêu cực như: gây tổn thương cho người khác, làm mất đi niềm tin, khiến cho bản thân cảm thấy day dứt, ân hận, ... Nhưng việc ta biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi sẽ giúp cho những cảm xúc tiêu cực sẽ được giảm bớt và tạo dựng thêm nhiều bài học bổ ích. Người biết nhận lỗi và sửa chữa lỗi lầm sẽ là người có cái nhìn nhận thực tế vào đời sống cũng như nhận được sự đánh giá cao của người khác. Người biết nhận lỗi sẽ là người có bản lĩnh, bởi họ biết bước ra khỏi "cái tôi" của chính mình để phát triển bản thân theo một chiều hướng tốt đẹp hơn, họ xứng đáng được tin tưởng, được tha thứ và được noi gương. Tuy nhiên, trong xã hội thì vẫn còn rất nhiều những cá nhân khi mắc sai lầm lại lựa chọn phương án giải quyết là đổ lỗi, chối bỏ trách nhiệm của mình về sự sai sót đó; hay có những người vì lợi ích của bản thân mà cố tình gây ra tổn thương cho người khác; hay có khi là đổ lỗi lầm cho một cá nhân không liên quan nào đó; ... Những con người như thế rất đáng bị xã hội lên án, chỉ trích.
Chúng ta chỉ được sống một lần trên đời, khi còn cơ hội thì hãy cố gắng hoàn thiện và phát triển bản thân để có thể trở thành một người có đạo đức, có trách nhiệm, biết nói cảm ơn và biết nói xin lỗi đúng thời điểm, đúng con người để phấn đấu thành một công dân có ích cho xã hội.
Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi - Mẫu 4
Chắc hẳn trong mỗi chúng ta đều đã ít nhất một lần mắc sai lầm, khi đó mỗi chúng ta sẽ có cách xử lý khác nhau. Sẽ có người dũng cảm đối mặt với sự thật, với lỗi lầm bằng cách nhìn nhận lại bản thân, nhận sự sai sót về mình. Những cũng sẽ có những người hèn nhát, trốn trách thực tế và rồi họ đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác mà không muốn bị mọi người phán xét.
Nhận lỗi là biết nhận thức được cái sai của bản thân từ đó có những hành vi tích cực như xin lỗi, sửa chữa, bù đắp hậu quả. Đây chính là thái độ, là việc mà một người mắc lỗi lầm nên làm. Còn đổ lỗi lại là việc khi mình biết bản thân mình đã sai nhưng không dám nhận, ngược lại còn tìm đủ mọi lý do để thoái thác cho sự sai lầm của mình. Những người đổ lỗi thường cho rằng trách nhiệm của người khác để bản thân không phải chịu sự khiển trách. Nhận lỗi và đổ lỗi là hai trạng thái hoàn toàn khác nhau, hay nói cách khác là trái ngược nhau. Tuy nhiên, để cuộc sống tốt đẹp hơn thì chúng ta nên học cách can đảm nhận lỗi, xây dụng biện pháp sửa đổi lỗi lầm của bản thân, thay vì tìm đủ mọi lý do, viện cớ để đổ lỗi cho người khác.
Xin lỗi và nhận lỗi thể hiện ý thức trách nhiệm của bản thân đối với những hành vi mà mình gây nên, thể hiện được văn hóa ứng xử, phẩm chất của một con người hay tối thiểu chỉ là một phép lịch sự trong giao tiếp. Đã có người từng nói: "Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn là sự im lặng". Do đó, việc bạn biết nhìn nhận và nhận lỗi lầm sẽ khiến bạn cảm thấy thanh thản hơn, nhẹ nhõm hơn. Người mắc sai lầm cũng sẽ không vì lỗi sai của mình mà day dứt mãi, suy nghĩ mãi. Tại sao mình lại phải sống trong sự hối hận và canh cánh mãi về một lỗi sai đúng không nào?
Không chỉ thế, việc một người biết nhận lỗi về mình cũng sẽ giúp cho người khác có cái nhìn thiện cảm hơn về bản thân, đồng thời cũng sẽ có nhiều sự tin tưởng hơn từ những người xung quanh. Nhận lỗi là phép tương đồng với sự tôn trọng. Và tất nhiên, ai cũng luôn muốn bản thân mình được tôn trọng. Vậy nên, thử hỏi rằng nếu bạn mắc lỗi sai nhưng bạn lại im lặng, không nhận lỗi hay thậm chí là đổ lỗi cho người khác thì mọi người xung quanh sẽ cho bạn một sự nhìn nhận như thế nào? Chắc hẳn là mọi người sẽ không còn dành sự tin tưởng, không còn cái nhìn thiện cảm với bạn nữa.
Hoạt động nhận lỗi sẽ là liều thuốc tâm hồn giúp xoa dịu đi những tổn thương mà lỗi sai của mình gây ra cho họ, đồng thời lời xin lỗi cũng sẽ làm bớt đi sự tức giận của họ và có khả năng ngăn chặn sự việc phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn, Như vậy, có thể nói, việc nhận lỗi sẽ là biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, những mâu thuẫn không đáng có trong mối quan hệ người với người. Nếu sự biết ơn là cách thể hiện sự hạnh phúc trong cuộc sống thì nhận lỗi chính là biện pháp hóa giải những đau khổ và tổn thương.
Mặc dù nhận lỗi là tốt, là cần thiết song việc nhận lỗi phải xuất phát từ sự chân thành, phải đi cùng với hành động sửa chữa lỗi lầm. Nếu chỉ là một lời xin lỗi thì chẳng khác nào "lời nói gió bay", chưa thể xóa bớt đi những tổn thương về tâm hồn của người khác. Sự chân thành sẽ được thể hiện trong cách mà người mắc lỗi lầm nhận lỗi. Vậy nên, hãy luôn nhận lỗi bằng cả tấm lòng của mình, đồng thời phải đúng thời điểm, đúng con người. Hãy nhận lỗi ngay khi để xảy ra lỗi lầm, đừng để quá lâu mà khiến cho bản thân ngần ngại việc xin lỗi và khiến cho đối phương tổn thương, đau khổ.
Trái ngược với nhận lỗi thì việc đổ lỗi lại là hành vi đáng phê phán, là sự thể hiện của một người có EQ thấp. Các nhà khoa học thường gọi hiện tượng một người mắc sai lầm nhưng không chịu thừa nhận trách nhiệm mà lại đùn đẩy trách nhiệm sang người khác hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan là hiện tượng "tâm lý nạn nhân".
Nhận lỗi là vượt qua "cái tôi" của mình thì khó, song việc đổ lỗi lại rất dễ. Thế nên, thực tế lại có rất nhiều người thích bản thân trở thành nạn nhân để nhận được sự thương cảm của người bị thiệt hại. Sẽ có người coi việc bản thân đổ lỗi là do không khống chế được cảm xúc, nhưng cũng có người lại coi đổ lỗi là một phương pháp tự vệ. Họ lo sợ ai đó sẽ nhìn thấy khuyết điểm của bản thân, lo sợ sẽ bị người đời phán xét về sai lầm của mình.
Người xưa đã khuyên dạy rằng "Lùi một bước, trời cao biển rộng". Lời dạy này quả không sai. Đổ lỗi sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, có thể làm ảnh hưởng tới nhiều người, nhưng nhận lỗi lại mang tới nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Hãy là một con người biết học cách nhận lỗi, đừng nên là người đổ lỗi. Cúi đầu nhận lỗi không phải là sự hèn hạ, đó là sự tôn trọng và phép lịch sự cơ bản trong mối quan hệ con người với nhau.
Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi - Mẫu 5
Người tử tế là người có cái tâm đẹp, có lòng chăm sóc đến mọi người, chu đáo, tươm g tất trong mọi quan hệ và ứng xử đầy tình người. Con người tử tế là con người hiền lành, tình nghĩa được ưa chuộng.
Kẻ ti tiện là loại người có tâm địa nhỏ nhen, hèn hạ, bị đồng loại coi khinh, coi thường và xa lánh. Ý kiến trên đây rất chính xác khi đưa ra một tình huống “khi có lỗi” để nhận diện, khám phá, sự tốt / xấu, sự đáng trọng / đáng khinh của người tử tế và kẻ ti tiện.
Tại sao khi có lỗi người tử tế sẵn sàng nhận lỗi? Người tử tế có cái lòng lành, có cái tâm sáng, có cái đức tốt nên rất phục thiện. Trước lỗi lầm, khuyết điểm của bản thân, họ thành tâm xin lỗi, rồi hết lòng sửa chữa, lấy đó làm bài học “xương máu” cho đời mình. Sẵn sàng nhận lỗi và quyết tâm khắc phục lỗi lầm là để tu dưỡng đạo đức, tư cách, làm cho bản thân ngày một tốt đẹp hơn. Sẵn sàng nhận lỗi khác nào ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
Một sĩ quan biên phòng trên đường về bản họp bàn công tác sản xuất, nhưng gặp mưa lũ. Người ướt như chuột lột, bà con thấy anh đến vỗ tay hoan hô. Anh cất lời xin lỗi vì đến muộn. Các mệ nói với nhau: “Cán bộ tốt tâm!” (Báo Công an biên phòng). Một học sinh Tiểu học lúc chơi đùa vô tình xô bạn ngã, đã chạy lại ôm lấy bạn, vừa xin lỗi vừa lấy tay vuốt áo quần cho bạn. Chỉ có những người tử tế mới có lời nói ấy, cử chỉ ấy.
Trái lại, kẻ ti tiện lòng dạ thì đen tối, tư cách thì méo mó, cách sống thì “khép kín”, nhưng lúc nào cũng muốn tỏ vẻ ta đây! Gây ra lỗi lầm thì họ chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác, “phủi tay” xong là an toàn vô sự! Họ xảo quyệt tìm đủ mọi mánh khóe để bảo vệ mình, bảo vệ uy tín mình trước đồng loại. Ở đâu ta cũng có thể bắt gặp loại người ti tiện này. Ớ bến xe, bến tàu, cổng bệnh viện,… có đủ loại kẻ ti tiện, đó là lũ “cò” đáng sợ! “tranh công, đổ lỗi” là hành động của bọn quan chức tha hóa, của những “ông dân” cực kì ti tiện. Kẻ ti tiện tìm cách đổ lỗi vì sợ bị tai tiếng, sợ mất chức, mất quyền. Thậm chí, kẻ ti tiện còn “gắp lửa bỏ tay người" (tục ngữ). Các vụ án oan, oán sai mà báo chí nói đến cho ta thấy rõ bộ mặt ghê tởm của kẻ ti tiện!
Người tử tế là người sống có văn hóa, giàu tình thương. Họ là con người mới đáng kính, đáng yêu, đáng trọng. Những cháu ngoan Bác Hồ, những thanh niên tình nguyện, v.v… theo tôi, đó là những gương sáng, những người tử tế trong cuộc đời. Sống gần gũi, học tập và noi gương người tử tế, để mỗi chúng ta sống đẹp hơn, sống tốt hơn. Đồng thời, mỗi chúng ta, nhất là tuổi trẻ phải biết xa lánh kẻ ti tiện. Suy nghĩ ý kiến trên đây về người tử tế, về kẻ ti tiện, tôi càng thêm thấm thía bài học “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” mà ông bà thường nhắc nhở.
Suy nghĩ câu: Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi - Mẫu 6
Trong cuộc sống, hành vi ứng xử trước sự việc xảy ra, của mỗi người đều không giống nhau. Sự khác biệt đó thể hiện đạo đức, nhân cách từng người. Ý kiến sau đã chỉ rõ cách ứng xử của người tử tế và kẻ ti tiện khi có lỗi: “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”.
Tại sao khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi? Tại sao khi có lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi?
Người tử tế là người có đạo đức tốt, cách sống đẹp, cách ứng xử văn minh lịch sự, được mọi người nể trọng. Còn kẻ ti tiện là loại người xấu tính, phẩm hạnh kém, hèn hạ, nhỏ nhen, bị đồng loại coi thường, coi khinh!
Ngày xưa, bậc quân tử thì được coi trọng; kẻ tiểu nhân thì bị coi khinh. Xã hội ngày nay cũng có người tử tế được quý mến, còn kẻ ti tiện, chẳng ai dám gần.
“Nhân sinh vô thập toàn” – người xưa đã nhận xét như vậy. Ai cũng có thể có lỗi này, lỗi nọ. Người tử tế có lỗi vì sơ suất hoặc khách quan mà mắc phải. Với tấm lòng trung thực, có lòng tự trọng và biết tôn trọng người, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, không né tránh, không phân bua phải trái. Họ lễ phép, họ chân thành nói: “Xin lỗi". Đi đường, do vô ý gây ra va quệt, người tử tế không hề bỏ chạy, họ dừng lại, xuống xe tìm cách giúp đỡ người bạn đường, xin lỗi hoặc bồi thường (nếu có thiệt hại).
Sẵn sàng nhận lỗi, nhận khuyết điểm, tìm cách sửa chữa là để tự hoàn thiện nhân cách, rút ra bài học để ngày một tốt đẹp hơn. Cán bộ thực sự là công bộc của dân, họ sẵn sàng xin lỗi nhân dân, sẵn sàng nhận trách nhiệm, hoặc đền bù, hoặc tìm cách giải quyết thấu tình đạt lý. Họ được nhân dân quý mến và tin cậy.
Tại sao, khi có lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi? Kẻ ti tiện chỉ biết mình chẳng hề biết người! Họ đổ lỗi cho người khác, hoặc tìm đủ mọi mánh khóe để chống chế, để đổ vấy cho đồng loại. Khi có thành tích thì kẻ ti tiện, kẻ ranh ma giành lấy, khi có lỗi lầm, khuyết điểm thì kẻ ranh ma né tránh hoặc phủi tay. Thành ngữ “tranh công, đổ lỗi” nhằm vạch mặt kẻ ti tiện trong xã hội.
Báo chí nói đến nhiều vụ án oan, oán sai, hoặc các vụ cưỡng chế về nhà đất? Hầu như ở địa phương nào cũng có. Vụ án xử oan ông Nguyên Thanh Chấn ở Bắc Giang phạm tội giết người, với mức án chung thân, cho đến nay vẫn chưa thấy vị quan chức nào thành khẩn xin lỗi, nhận lỗi! (Sau 10 năm ông Chấn đi tù, nay đã trở về nhà!).
Không chịu nhận lỗi, che giấu lỗi, kẻ ti tiện sợ mất uy tín trước cộng đồng, thậm chí sợ mất chức, mất quyền! Nào có thấy “ông cán bộ thoái hóa đạo đức” nào xin từ chức!
Kẻ ti tiện hám danh hám lợi đạo đức giả, nên khi đã có lỗi, hắn tìm đủ mọi cách “gắp lửa bỏ tay người”. Xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ là để xây dựng con người có văn hóa, không chí lao động tốt, mà còn có cách ứng xử tốt đẹp. Biết nhận lỗi và tìm mọi cách sửa lỗi mới là người tử tế, người có văn hóa.
Tuổi trẻ phải biết nhận mặt kẻ ti tiện, xa lánh kẻ ti tiện; luôn luôn tu dưỡng đạo đức, nhân cách để trở thành người tử tế, sống đẹp, sống đàng hoàng trước đồng loại. Là một học sinh, một đoàn viên, tôi muốn trở thành một người tử tế.