Sách bài tập Toán 8 Bài 18 (Kết nối tri thức): Thu thập và phân loại dữ liệu

2.2 K

Với giải sách bài tập Toán 8 Bài 18: Thu thập và phân loại dữ liệu sách Kết nối tri thức hay, chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Toán 8. Mời các bạn đón xem:

Giải SBT Toán lớp 8 Bài 18: Thu thập và phân loại dữ liệu

Giải SBT Toán 8 trang 58

Bài 5.1 trang 58 sách bài tập Toán 8 Tập 1: Em muốn thu thập dữ liệu về khối lượng, bán kính, khoảng cách đến Mặt Trời, số mặt trăng của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.

a) Nên thu thập bằng phương pháp nào?

b) Xác định mỗi dữ liệu thu được thuộc loại nào.

Lời giải:

a) Nên thu thập từ nguồn có sẵn, chẳng hạn như website của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA): solarsystem.nasa.gov.

b) Dữ liệu về khối lượng, bán kính, khoảng cách đến Mặt Trời của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời đều là số liệu liên tục.

Dữ liệu về số mặt trăng của các hành tinh trong Hệ Mặt Trời là số liệu rời rạc.

Bài 5.2 trang 58 sách bài tập Toán 8 Tập 1: Minh muốn tìm hiểu về thói quen đọc sách của các bạn trong lớp.

a) Hãy giúp Minh đặt 3 câu hỏi để thực hiện thu thập dữ liệu.

b) Xác định xem dữ liệu thu được từ mỗi câu hỏi đó thuộc loại nào.

Lời giải:

a) Ba câu hỏi để thực hiện thu thập dữ liệu về thói quen đọc sách của các bạn trong lớp:

• “Thời gian dành cho đọc sách mỗi ngày của bạn là bao lâu?”

• “Trong một tháng, bạn đọc được bao nhiêu cuốn sách?”

• “Bạn thường đến đâu để đọc sách?”

b) Dữ liệu thu được từ câu trả lời của câu hỏi về thời gian dành đọc sách mỗi ngày thuộc dữ liệu liên tục;

Dữ liệu thu được từ câu trả lời của câu hỏi về số cuốn sách đọc trong 1 tháng thuộc dữ liệu rời rạc;

Dữ liệu thu được từ câu trả lời của câu hỏi về địa điểm đọc sách thuộc dữ liệu rời rạc.

Bài 5.3 trang 58 sách bài tập Toán 8 Tập 1: Một nhà nghiên cứu muốn đánh giá hiệu quả của một loại thức ăn mới đến cân nặng của cá basa. Họ đã cân và ghi lại khối lượng của 200 con cá sau 1 tháng cho cá ăn loại thức ăn này.

a) Số liệu thu được là số liệu rời rạc hay liên tục?

b) Nhà nghiên cứu này đã thực hiện thu thập dữ liệu trực tiếp hay gián tiếp?

Lời giải:

a) Số liệu thu được là số liệu thu được từ phép đo cân nặng nên là số liệu liên tục.

b) Nhà nghiên cứu này đã thực hiện thu thập dữ liệu trực tiếp bằng cách cân và ghi lại khối lượng của 200 con cá sau 1 tháng cho ăn loại thức ăn này.

Bài 5.4 trang 58 sách bài tập Toán 8 Tập 1: Ghép cặp cho phù hợp và ghi kết quả vào vở.

a. Số trường THCS tại các huyện, thị xã của tỉnh.

A. Số liệu liên tục.

b. Tên của các huyện, thị xã của tỉnh.

B. Số liệu rời rạc.

c. Tốc độ tăng trưởng của các huyện, thị xã của tỉnh năm 2022 (đơn vị tính là %).

C. Dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự.

d. Kết quả xếp loại công tác cải cách hành chính của các huyện, thị xã của tỉnh với các mức: Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình, Yếu.

D. Dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.

Lời giải:

a ‒ B: Số trường THCS tại các huyện, thị xã của tỉnh là số liệu rời rạc.

b ‒ D: Tên của các huyện, thị xã của tỉnh là dữ liệu không là số, không thể sắp thứ tự.

c ‒ A: Tốc độ tăng trưởng của các huyện, thị xã của tỉnh năm 2022 (đơn vị tính là %) là số liệu liên tục.

d ‒ C: Kết quả xếp loại công tác cải cách hành chính của các huyện, thị xã của tỉnh với các mức: Xuất sắc, Tốt, Khá, Trung bình, Yếu là dữ liệu không là số, có thể sắp thứ tự.

Bài 5.5 trang 58 sách bài tập Toán 8 Tập 1: Em muốn khảo sát về ý kiến đánh giá của các bạn trong khối 8 về chuyến đi dã ngoại do nhà trường tổ chức bằng cách lấy ý kiến của 30 bạn với các mức đánh giá từ Rất hài lòng đến Thất vọng.

a) Em định thu thập ý kiến từ những bạn nào? Dữ liệu thu thập được có tính đại diện không?

b) Dữ liệu thu được thuộc loại nào?

Lời giải:

a) Ta có thể thu thập dữ liệu bằng cách lập bảng hỏi dành cho cả 30 bạn.

Dữ liệu thu thập được từ cách thu thập trên đảm bảo tính đại diện.

Hoặc ta cũng có thể phỏng vấn trực tiếp, hỏi ý kiến ngẫu nhiên một số bạn trong 30 bạn, dữ liệu thu thập được cũng đảm bảo tính đại diện.

Ngoài ra, nếu ta thu thập bằng cách chỉ phỏng vấn các bạn nam hoặc chỉ phỏng vấn các bạn nữ thì cũng thu được dữ liệu, tuy nhiên dữ liệu này không đảm bảo tính đại diện.

b) Dữ liệu thu được là dữ liệu không là số, có thể sắp xếp thứ tự.

Xem thêm giải sách bài tập Toán lớp 8 Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài tập cuối chương 4

Bài 18: Thu thập và phân loại dữ liệu

Bài 19: Biểu diễn dữ liệu bằng bảng, biểu đồ

Bài 20: Phân tích số liệu thống kê dựa vào biểu đồ

Bài tập cuối chương 5

Lý thuyết Thu thập và phân loại dữ liệu

Thu thập dữ liệu có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp.

Thu thập dữ liệu trực tiếp là việc thu thập dữ liệu thông qua quan sát, làm thí nghiệm, lập bảng hỏi, phỏng vấn,…

- Thu thập dữ liệu gián tiếp là việc thu thập dữ liệu từ những nguồn sẵn như sách, báo, mạng Internet,…

Để có thể đưa ra các kết luận hợp lý, dữ liệu thu thập được phải đảm bảo tính đại diện cho toàn bộ đối tượng đang được quan tâm.

Số liệu có thể nhận giá trị tùy ý trong một khoảng nào đó được gọi là số liệu liên tục. Số liệu không phải là số liên tục được gọi là số liệu rời rạc.

Sơ đồ phân loại dữ liệu

  (ảnh 1)

Ví dụ:

Cho hai dãy dữ liệu như sau:

(1) Số học sinh các lớp 6 trong trường:

35       42     87      38       40     41      38.

(2) Tên món ăn yêu thích của các thành viên trong gia đình:

Bánh chưng, pizza, canh cua, gà rán, rau muống luộc, cá kho, rượu vang.

Trong các dãy dữ liệu trên, dãy (1) là dãy số liệu rời rạc. Giá trị 87 không hợp lý vì theo quy định, mỗi lớp ở bậc THCS thường có không quá 45 học sinh. Thực tế, do điều kiện khó khăn một số lớp có số học sinh nhiều hơn 45 nhưng không lớp nào có 87 học sinh. Do đó 87 là số liệu không hợp lí.

Dãy (2) là dãy dữ liệu không là số, không thể sắp xếp thứ tự. “Rượu vang” là dữ liệu không hợp lí vì đây không phải là tên món ăn mà là tên một loại đồ uống.

Đánh giá

0

0 đánh giá