Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10

Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 10 tài liệu sơ đồ tư duy bài Tấm Cám hay nhất, gồm 11 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:

Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Tấm Cám Ngữ văn lớp 10.

Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10:

Tấm Cám

Bài giảng: Tấm Cám - Tiết 1

A. Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám

Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám

Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám 

 

B. Tìm hiểu bài Tấm Cám

I. TÁC PHẨM

1. Thể loại: Truyện cổ tích thần kì. 

2. Tóm tắt

  Tấm mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tấm sống với dì ghẻ cay nghiệt. Một lần, Tấm đi bắt tép, bị Cám trút hết giỏ tép, Tấm mang bống về nuôi. Mẹ con Cám giết bống ăn thịt. Vua mở hội, mẹ con Cám đi chơi, Tấm phải ở nhà nhặt thóc lẫn gạo. Được Bụt giúp đỡ Tấm có quần áo đẹp đi hội. Trên đường đi Tấm làm rơi một chiếc hài. Nhà vua nhặt được, Tấm thử hài và trở thành hoàng hậu. Mẹ con Cám giết hại Tấm. Tấm chết hóa thành chim vàng anh, cây xoan, khung cửi, quả thị. Kết thúc, Tấm được vua đón về cung, mẹ con Cám bị trừng trị.

3. Bố cục

Phần 1 (Từ đầu đến … mẹ con Cám): Thân phận của Tấm và con đường đến với hạnh phúc.

Phần 2 (Còn lại): Cuộc đấu tranh giành hạnh phúc của Tấm.

4. Giá trị nội dung

Xung đột giữa dì ghẻ và con chồng trong gia đình phụ quyền thời cổ. Sức sống mãnh liệt của con người.

5. Giá trị nghệ thuật

Kết cấu của truyện cổ tích, sử dụng các yếu tố thần kì.

II. DÀN Ý PHÂN TÍCH

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Tấm Cám” (giá trị nội dung, nghệ thuật). 

2. Thân bài

a. Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Tấm Cám”

- Thể loại: Truyện cổ tích thần kì. 

- Tóm tắt:

Tấm mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Tấm sống với dì ghẻ cay nghiệt. Một lần, Tấm đi bắt tép, bị Cám trút hết giỏ tép, Tấm mang bống về nuôi. Mẹ con Cám giết bống ăn thịt. Vua mở hội, mẹ con Cám đi chơi, Tấm phải ở nhà nhặt thóc lẫn gạo. Được Bụt giúp đỡ Tấm có quần áo đẹp đi hội. Trên đường đi Tấm làm rơi một chiếc hài. Nhà vua nhặt được, Tấm thử hài và trở thành hoàng hậu. Mẹ con Cám giết hại Tấm. Tấm chết hóa thành chim vàng anh, cây xoan, khung cửi, quả thị. Kết thúc, Tấm được vua đón về cung, mẹ con Cám bị trừng trị.

b. Nhân vật và mâu thuẫn -  xung đột chủ yếu

- Trong quan hệ gia đình: mâu thuẫn gia đình: Tấm >< Cám (hai chị em cùng cha khác mẹ).

→ Mâu thuẫn Tấm - Cám là chủ yếu, xuyên suốt toàn truyện, liên tục và ngày càng căng thẳng, quyết liệt.

- Tấm >< Dì ghẻ (Con chồng và dì ghẻ).

→ Mâu thuẫn dì ghẻ - con chồng chỉ đóng vai trò bổ sung, phụ trợ.

- Trong quan hệ xã hội:

Phe thiện: Tấm Ông Bụt.

Phe ác: Cám và dì ghẻ.

→ Mâu thuẫn vì quyền lợi xã hội.

c. Diễn biến của mâu thuẫn - xung đột giữa Tấm và mẹ con Cám

- 3 chặng:

+ Từ thân phận khổ đau trở thành hoàng hậu.

+ Cuộc đấu tranh không khoan nhượng để giành lại hạnh phúc.

+ Trừng trị kẻ thù độc ác, giành lại hạnh phúc trọn vẹn nơi trần thế.

Chặng 1: Từ thân phận khổ đau trở thành hoàng hậu.

- Thân phận:

+ Mồ côi, ở với dì ghẻ cay nghiệt.

+ Bị bóc lột sức lao động, cướp công vật chất.

+ Bị đày đọa về tinh thần.

→ Thân phận bất hạnh, đáng thương, bị cướp đoạt từ công sức lao động đến những khát khao nhỏ bé.

- Phản ứng của Tấm trước những âm mưu, việc làm độc ác của mẹ con Cám: khóc.

→ Đó là phản ứng tự nhiên của một con người yếu đuối, thụ động vì bất lực trước những trớ trêu của phận mình. 

- Bản chất của mẹ con Cám: độc ác, nhẫn tâm hành hạ Tấm.

Chặng 2Cuộc đấu tranh không khoan nhượng để giành lại hạnh phúc

- Mâu thuẫn: Tấm - Cám và dì ghẻ ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, phát triển thành mâu thuẫn mang tính quan hệ xã hội, mâu thuẫn một mất một còn giữa thiện >< ác.

+ Mẹ con Cám: Tìm đủ mọi cách độc ác hòng tiêu diệt Tấm, chiếm ngôi hoàng hậu, hưởng vinh hoa phú quý.

- Cuộc đấu tranh không khoan nhượng để giành lại hạnh phúc: Tấm 4 lần bị giết - 4 lần hóa thân.

- Từ  một cô gái yếu đuối, thụ động, chỉ biết khóc khi gặp khó khăn, bị đày đọa, Tấm đã trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn, luôn tìm cách báo hiệu sự có mặt của mình trong các hình thức hóa thân, tuyên chiến với kẻ thù, không chịu chết một cách oan ức trong im lặng.

- Bốn lần bị giết, Tấm đều tìm cách hoá thân sang kiếp khác và đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, tìm cách rủa mắng, tố cáo tội ác giết chị, cướp chồng của Cám.

*Vai trò của yếu tố thần kì:

+ Làm cho cốt truyện phát triển sinh động.

+ Là những vật Tấm gửi linh hồn để trở về đấu tranh quyết liệt, triệt để với cái ác giành lại hạnh phúc.

+ Sức sống mãnh liệt, sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhân vật.

+ Thể hiện quan niệm luân hồi của đạo Phật nhào nặn qua lí tưởng, thể hiện ước mơ công lí, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào lẽ tất thắng của cái thiện của nhân dân lao động.

-  Đôi giày - vật trao duyên.

- Vật nối duyên: miếng trầu têm cánh phượng.

→ Sự khéo léo, đảm đang của người vợ hiền.

→ Là hình ảnh quen thuộc trong đời sống văn hóa, gắn với phong tục hôn nhân của người Việt: nhận trầu ăn trầu là giao ước kết đôi.

- Ông vua: Trước những hành động độc ác của Cám, vua đều không nói gì, hoàn toàn như người ngoài cuộc.

→ Vua nhân vật chức năng.

Chặng 3: Trừng trị kẻ thù độc ác, giành lại hạnh phúc trọn vẹn nơi trần thế.

- Việc trả thù quyết liệt của Tấm:

+ Phù hợp với quá trình chuyển biến tính cách nhân vật: từ yếu đuối, thụ động chấp nhận đã trở nên mạnh mẽ, quyết liệt hơn, kiên cường đấu tranh đến cùng cho hạnh phúc của mình.

+ Thể hiện quan niệm về thiện - ác, ước mơ công lí, tinh thần lạc quan, tin tưởng vào lẽ tất thắng của chính nghĩa, của cái thiện của nhân dân.

 

III. MỘT SỐ CÂU HỎI ĐỌC HIỂU VÀ BÀI PHÂN TÍCH

Câu hỏi: Đọc và trả lời những câu hỏi sau:

“Dịu dàng là thế Tấm ơi

Mà sao em phải thiệt thòi, vì sao?

Phận nghèo hôm sớm dãi dầu

Hoá bao nhiêu kiếp, ngọt ngào, đa đoan.

Người ngoan ở với người gian

Dẫu hiền như Bụt cũng tan nát lòng

Tin em, em cướp mất chồng

Đành làm quả thị thơm cùng nước non…”

(Trích “Lời của Tấm” – Ánh Tuyết)

1.    Những chi tiết nào nói về “phận nghèo” “thiệt thòi” của nhân vật Tấm trong đoạn thơ trên?

2.    Trong truyện “Tấm Cám”, Tấm đã “hoá bao nhiêu kiếp”? Đó là những kiếp nào?

3.    Liệt kê nhân vật “người ngoan” và “người gian” trong truyện “Tấm Cám”?

4.    Viết một đoạn văn (khoảng 5 đến 7 câu) trình bày suy nghĩ của em về nhân vật Tấm qua những lời thơ trên?

 Trả lời:

1. Những chi tiết nào nói về “phận nghèo” “thiệt thòi” của nhân vật Tấm: Phận nghèo, phải ở với dì ghẻ và Cám, bị lừa cướp mất chồng.

2. Tấm hoá 4 kiếp: Vàng anh, Xoan đào, Khung cửi, Quả thị.

3. Người ngoan: Tấm, người gian: Dì ghẻ và Cám.

4. Cảm nhận về nhân vật Tấm:

- Người con gái dịu hiền, nết na nhưng lại chịu số phận bất hạnh đáng thương. 

- Tấm biết vươn lên tìm hạnh phúc, vượt qua những thách thức cuộc đời. 

- Bằng phẩm chất của mình đã để lại sự yêu mến cho bao thế hệ bạn đọc. 

Bài phân tích

Phân tích truyện cổ tích “Tấm Cám”.

   Dù là truyện loài vật, thần kì hay thế tục thì truyện cổ vẫn mang yếu tố chính là xuất hiện và phản ánh những sự việc xảy ra trong xã hội loài người. Truyện cổ tích Tấm Cám thuộc loại truyện thần kì kể về đời cô Tấm, một cô bé bất hạnh phải chịu nhiều nỗi đắng cay, chua xót nhưng được tiên, Bụt…  phò trợ nên đã vượt qua và đạt được hạnh phúc trong đời.

   Truyện tuy có những chi tiết thần kì giữ vai trò mở nút thắt trong từng tình huống, nhưng trên tấtcả là thề hiện ước mơ cháy bỏng của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng xã hội, về phẩm chất và năng lực tuyệt vời của con người.

    Đoạn đầu truyện, dân gian giới thiệu các nhân vật chính và hoàn cảnh sống của họ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm đã chết từ hồi Tấm còn bé. Sau đó mấy năm thì cha Tấm cũng chết. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ của Cám. Lời giới thiệu không chỉ gọn, rõ mà còn gợi mở số phận đắng cay của nhân vật Tấm với người đọc. Đúng vậy, tục ngữ - ca dao cũng đã từng nhắc nhở:

Mấy đời bánh đúc có xương,

Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng

     Cám thì được mẹ nuông chiều, được ăn trắng mặc trơn. Ngược lại thì Tấm bị dì ghẻ bắt làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà không hết việc. Sau đoạn văn giới thiệu, tình huống thứ nhất xuất hiện do mụ dì ghẻ rất cay nghiệt bày ra. Mụ mang ra hai cái giỏ đưa cho hai chị em đi bắt tôm bắt tép, và ra điều kiện rằng: “Hễ đứa nào bắt được đầy giỏ thì thưởng cho một cái yếm đỏ!” Một điều kiện, một lời hứa khá là công bằng, chẳng bắt ép con ghẻ, cũng chẳng thiên vị con ruột. Đứa nào nhiều hơn thì được thưởng. Thế thôi! Nhưng ai biết được mụ đã nói gì với Cám, con gái cưng của mụ? Tất nhiên trong sinh hoạt hàng ngày mụ dư biết Tấm đã quen với việc mò tôm bắt tép, còn Cám thì không. Chỉ một buổi thôi, Tấm đã bắt được một giỏ đầy. Thấy vậy, Cám mới bảo: Chị Tấm ơi, chị Tấm! Đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng. Về hình thức thì câu nói có vần có điệu khiến lời kể hấp dẫn hơn. Về nội dung thoạt nghe thì hữu lí, nhưng nghĩ lại cho cùng thì ẩn chứa sau lời nhắc nhở có chút đe dọa kia là một mưu toan. Tin là thật nên Tấm làm theo, còn Cám thì thừa dịp đó trút hết tôm tép vào giỏ của mình rồi ba chân bôn cẳng chạy về nhà. Tất cả những chi tiết tạo nên tình huống trên giúp người đọc thấy rõ đặc tính của mỗi nhân vật, ai là người chân thật, ai là kẻ dối trá và lừa đảo. Trước tình cảnh đó, cô Tấm chỉ còn biết khóc. Thế là Bụt xuất hiện. Nếu không có Bụt xuất hiện thì hướng phát triển của truyện theo chiều hiện thực (chẳng hạn Tấm về nhà, bị mụ dì ghẻ đánh mắng và đuổi đi...). Có Bụt xuất hiện Bụt mới chỉ cho Tấm cách nuôi con cá bống duy nhất còn sót lại trong giỏ. Và bống cũng trở thành con cá thần kì nghe được tiếng người gọi theo lời Bụt dặn để trồi lên...

Bống bống, bang bang,

Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta,

Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.

   Thế giới siêu nhiên thần kì sống giao hòa với con người bắt đầu từ tình huống này. Tấm làm theo lời Bụt nuôi cá bống ở giếng trong vườn nhà, mỗi ngày gặp nhau bằng câu Bụt dặn. Với người tin thế giới tâm linh thì đó là câu thần chú. Với người bình thường thì đó là câu mật khẩu để nhận ra người cùng phe dù không biết mặt mũi của nhau. Nhờ vậy mà Tấm với bống sống và gặp gỡ nhau trong một thời gian dài.

   Nhưng sự việc không qua được cặp mắt soi mói, đầu óc nghi ngờ của mụ dì ghẻ. Mụ sai Cám đi rình, học thuộc mấy câu trên, rồi thực hiện âm mưu đen tối của mình. Mụ sai Tấm chăn trâu, phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng nhà, làng bắt mất trâu. Tấm làm theo. Tới chiều về, Tấm mang cơm ra cho bống như mọi khi. Gọi mãi mà không thấy bống, cuối cùng chỉ thấy một cục máu nổi lên mặt nước. Chi tiết kì ảo ấy khiến người đọc có cảm giác rờn rợn. Tính độc ác tăng dần trong con người của hai mẹ con mụ dì ghẻ. Cái chết đã xuất hiện, dù là cái chết của con cá bống. Mà cá bống, trong trường hợp này lại là một phần của lực lượng siêu nhiên bởi có sự dẫn dắt, chỉ bảo của Bụt, rõ hơn là tình thương, là sự giúp đỡ của Bụt đối với Tấm - cô bé mồ côi, bất hạnh. Bởi vậy, khi nghe Tấm vừa khóc vừa trình bày sự việc, Bụt đã cho biết là bống đã bị người ta ăn thịt và chi cho cách sử dụng xương của bống. Tấm lục lọi tìm xương của bống khắp vườn, nhưng không thấy. Thấy vậy, một con gà bảo Tấm: Cục ta cục tác! Cho ta nắm thóc, ta bới xương cho. Tấm làm theo yêu cầu của gà, rồi theo gà vào bếp. Lấy được xương bống, Tấm cho vào bốn cái lọ và chôn dưới bốn chân giường theo lời Bụt dặn.

    Chắc chắn Tấm chẳng biết ai ăn thịt bống, nhưng qua đoạn văn thì siêu nhiên (ở đây là Bụt) biết, chỉ cho Tấm cách dùng xương của bống, và sắp xếp cho gà gặp và mách bảo cho Tấm. Gà nói được tiếng người hay người nghe được tiếng gà cũng do quyền năng của siêu nhiên. Quyền năng ấy là điều bí ẩn, cũng như việc chôn bốn lọ đựng xương xuống dưới bốn chân giường để làm gì, sau này chúng thành những thứ gì thì con người chẳng ai biết. Nhưng người đọc nhận ra sự liên can giữa bốn lọ xương với Tấm khi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao không chôn bốn lọ xương ấy ở một nơi nào khác mà lại chôn dưới bốn chân giường của Tấm? Chính những chi tiết ấy khêu gợi tính tò mò của người đọc khiến họ không muốn đứt câu chuyện.

     Truyện được kể tiếp về những ngày hội ở kinh đô. Không muốn Tấm cùng đi, mụ dì ghẻ trộn hai đấu thóc và gạo vào nhau, bảo Tấm lựa hai loại để riêng ra rồi hãy đi. Bụt lại giúp Tấm hai câu thần chú gọi chim sẻ:

Rặt rặt xuống nhặt cho tao

Ăn mất hạt nào, thì tao đánh chết.

    Không có quần áo đẹp đi dự hội, Bụt bảo Tấm đào bốn cái lọ đã chôn dưới bốn chân giường lên. Xương của bống đã hóa thành lễ phục, đôi giày thêu, con ngựa và yên ngựa. Từ phương tiện để chưng diện, di chuyển ấy Tấm nhanh chóng đi dự lễ hội. Ngựa phóng qua chỗ lội, Tấm bị rơi mất một chiếc giày. Hai chú voi đẫn đầu đoàn xa giá của vua đến dự hội tới đấy đều kêu rống lên, không chịu đi tiếp. Nhà vua phải sai quân hầu tìm hiểu thì vớt được chiếc giày. Nhà vua nhìn kĩ chiếc giày và thầm bảo: Chà, một chiếc giày thật xinh! Người đi giày này hẳn phải là một trang tuyệt sắc. Từ chiếc giày ở đây trở lại đầu truyện, những chi tiết tạo nên những tình huống giúp Tấm vượt qua thử thách đều do Bụt, và bống là nhân vật liên can. Chính nhờ chiếc giày được biến hóa từ xương của bống mà Tấm được vua sai đoàn thị nữ rước nàng vào cung, dù trước đó khi gặp hai mẹ con Cám trong buổi thử giày nàng đã bị mụ dì ghẻ bĩu rằng: Chuông khánh còn chả ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre. Từ đây trở về sau, các chi tiết chính tạo nên các tình huống chính đều liên can trực tiếp đến sinh mạng của Tấm, và mưu mô ác độc của mụ dì ghẻ và Cám.

    Tuy sống sung sướng trong hoàng cung, Tấm vẫn không quên ngày giỗ cha. Chi tiết ấy cho người đọc nhận ra Tấm không chỉ là cô gái thật thà mà còn là người con hiếu thảo. Nàng xin phép nhà vua về phụ với dì ghẻ làm cỗ cúng cha thì bị mụ dì ghẻ lợi dụng lòng hiếu thảo ấy sai nàng trèo lên cây cau xé lấy một buồng để cúng bố. Mụ còn đưa Cám vào cung thay thế vai trò của chị. Nhà vua thì trong bụng không vui, nhưng vẫn không nói gì cả.

    Cái chết của Tấm nảy sinh ra một chuỗi tình huống nhỏ tiếp theo. Tấm chết, hóa làm chim vàng anh, bay thẳng về cung nhắc nhở Cám: Phơi áo chồng tao, phai lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao. Chim vàng anh được vua vô cùng yêu quý, cho ở lồng vàng. Cám biết được, nghe lời mẹ bắt vàng anh làm thịt nấu ăn và vứt lông chim ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây xoan đào được vua cho mắc võng và ngày nào cũng ra nằm hóng mát. Mụ dì ghẻ và Cám lén chặt cây làm khung cửi. Cứ mỗi lần ngồi dệt, Cám lại nghe lời đe dọa.

Cót ca cót két,

Lấy tranh chồng chị,

Chị khoét mắt ra.

    Sợ quá, Cám nghe lời mẹ đốt khung cửi rồi sai người mang tro đổ bên vệ đường cách xa hoàng cung. Từ đống tro mọc lên một cây thị chỉ đậu được một quả khi đến mùa, hương thơm ngát tỏa ra khắp nơi. Bà lão hàng nước gần đó thấy bèn xin: Thị ơi thị, rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi, chứ bà không ăn. Về với bà lão hiền từ, Tấm từ quả thị chui ra giúp bà dọn dẹp nhà cửa, múc nước, nấu cơm. Bà lão thấy lạ bèn rình xem. Khi thấy cô gái xinh đẹp thì bà ôm choàng lấy, rồi xé vụn vỏ thị. Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương yêu nhau như hai mẹ con. Nhân một chuyến vi hành, thấy quán nước sạch sẽ và tươm tất nên nhà vua ghé vào. Bà lão mang cau trầu và nước dâng vua. Thấy miếng trầu têm cánh phượng, vua nhớ tới miếng trầu Tấm têm dâng vua ngày trước, bèn hỏi bà lão. Nhờ vậy mà Tấm và vua đoàn tụ.

   Một chuỗi nguyên nhân và kết quả, một chuỗi tình huống nhỏ xuất phát từ cái chết, từ xương thịt của Tấm. Từ chim vàng anh, cây gỗ xoan đào, khung cửi, cây thị đều có gốc từ xương thịt của Tấm mà ra. Nhưng chỉ từ cây thị, quả thị Tấm mới hóa kiếp lại thành người bởi Tấm đã trả xong những món nợ trong quá khứ mà đạo Phật gọi là nghiệp (nghiệp báo) nay ở vào hoàn cảnh gặp được người lành.

       Nếu ở truyện cổ Thạch Sanh - Lí Thông, Thạch Sanh thì tha nhưng Trời thì trừng phạt, cả hai mẹ con Lí Thông bị sét đánh chết thì ở truyện này Tấm lại trả thù, giết chết Cám. Có người cho rằng Tấm nhẫn tâm. Nhưng suy cho cùng thì mẹ con Cám đã tạo nghiệp ác quá nhiều, giết mẹ con Cám là Tấm muốn xóa sạch nghiệp ác ấy, để những người khác không phải chịu hành vi độc ác của mẹ con Cám nếu cả hai còn sống. Cái chết của mẹ con Cám hợp với quy luật: Gieo gió thì gặp bão!

       Truyện cổ tích thần kì Tấm Cám kể lại số kiếp long đong trong một phần đời của Tấm kể từ ngày mất mẹ, mất cha, và phải sống với mụ dì ghẻ và đứa em gái cay nghiệt độc ác. Qua nghệ thuật hư cấu với những chi tiết thần kì, phần đời ấy, sự chuyển biến hình tượng của Tấm chính là sự đấu tranh giữa điều thiện với cái ác, là sự mâu thuẫn và xung đột trong gia đình dưới chế độ mẫu hệ. Từ một cô bé mồ côi bị hãm hại phải chết đi sống lại nhiều lần, cuối cùng Tấm vẫn giữ ngôi hoàng hậu đã thể hiện sức mạnh của điều thiện trước cái ác.

Bài giảng: Tấm Cám - Tiết 2

 

Xem thêm
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 1)
Trang 1
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 2)
Trang 2
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 3)
Trang 3
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 4)
Trang 4
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 5)
Trang 5
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 6)
Trang 6
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 7)
Trang 7
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 8)
Trang 8
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 9)
Trang 9
Sơ đồ tư duy bài Tấm Cám dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10 (trang 10)
Trang 10
Tài liệu có 11 trang. Để xem toàn bộ tài liệu, vui lòng tải xuống
Đánh giá

0

0 đánh giá

Tải xuống