Tailieumoi.vn xin giới thiệu đến các quý thầy cô, các em học sinh lớp 10 tài liệu sơ đồ tư duy bài Tỏ lòng hay nhất, gồm 9 trang đầy đủ những nét chính về văn bản như:
Các nội dung được Giáo viên nhiều năm kinh nghiệm biên soạn chi tiết giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức từ đó dễ dàng nắm vững được nội dung tác phẩm Tỏ lòng Ngữ văn lớp 10.
Mời quí bạn đọc tải xuống để xem đầy đủ tài liệu Sơ đồ tư duy bài Tỏ lòng dễ nhớ, ngắn nhất - Ngữ văn lớp 10:
Tỏ lòng
Bài giảng: Tỏ lòng
A. Sơ đồ tư duy bài Tỏ lòng
B. Tìm hiểu bài Tỏ lòng
I. TÁC GIẢ
- Phạm Ngũ Lão (1255- 1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc Ân Thi - Hưng Yên).
- Xuất thân: Từ nông dân, nhưng ngay từ thời trẻ tuổi đã có chí lớn cứu nước giúp đời. Nên ông đã trở thành một tướng tài dưới quyền Trần Hưng Đạo.
- Cuộc đời:
+ Ông lấy con gái nuôi của Trần Hưng Đạo.
+ Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên.
+ Người có chí lớn, văn võ song toàn.
- Sự nghiệp văn chương: hai tác phẩm còn lại của ông: Thuật Hoài và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương.
II. TÁC PHẨM
1. Hoàn cảnh sáng tác: Khoảng cuối 1284, trước khi diễn ra cuộc kháng chiến Chống Mông – Nguyên lần thứ 2.
2. Thể loại: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
3. Bố cục: 3 đoạn
+ Hai câu đầu: Hình ảnh người tráng sĩ và quân đội nhà Trần.
+ Hai câu sau: Chí làm trai - Tâm tình của tác giả.
4. Giá trị nội dung
Vẻ đẹp của con người thời Trần có sức mạnh, lí tưởng, nhân cách cao đẹp.
5. Giá trị nghệ thuật
Hình ảnh kì vĩ, ngôn ngữ hàm súc, giàu tính biểu cảm.
III. DÀN Ý PHÂN TÍCH
1. Mở bài
- Giới thiệu về tác giả Phạm Ngũ Lão (đôi nét về tiểu sử, tài năng, con người, sáng tác chính,... ).
- Giới thiệu khái quát về tác phẩm “Tỏ lòng” (hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật).
2. Thân bài
a. Hai câu đầu : Hình ảnh người tráng sĩ và quân đội nhà Trần.
*. Hình ảnh người tráng sĩ
- Người tráng sĩ thời Trần cắp ngang ngọn giáo để bảo vệ non sông đất nước “hoành sóc”.
- Hai chữ “múa giáo” trong bản dịch thơ chưa chuyển tải hết được ý nghĩa của hai từ “hoành sóc”.
- So sánh giữa bản dịch và nguyên tác:
+ Hoành sóc: Cắp ngang ngọn giáo, thế tĩnh, tư thế chủ động, tự tin, điềm tĩnh của con người có sức mạnh, nội lực.
+ Múa giáo: Thế động, gợi trình độ thuần thục của nghề cung kiếm trong thao tác thực hành, có chút phô trương, biểu diễn.
- Dịch chưa thật đạt: Thơ Đường luật chữ Hán rất hàm súc, uyên bác, khó dịch cho thấu đáo.
- Dịch giả muốn giữ đúng luật thơ (nhị tứ lục phân minh: chữ 2, 4, 6 đối thanh, bài thơ có luật trắc – thanh 2, 4, 6: T-B-T)
- Vẻ đẹp của con người thời Trần - chân dung tự họa của tác giả:
+ Tư thế: “cầm ngang ngọn giáo” – chủ động, hiên ngang, oai hùng.
+ Tầm vóc: con người đối diện với non sông đất nước lớn lao, kì vĩ, mang tầm vóc vũ trụ, sánh ngang, thậm chí như át cả không gian bát ngát mở ra theo chiều rộng của núi sông trong thời gian dằng dặc (“mấy thu”- con số tượng trưng chỉ thời gian dài).
*. Sức mạnh của quân đội nhà Trần
- Ba quân: 3 đạo quân (tiền – trung - hậu quân) - chỉ quân đội nhà Trần.
- “Khí thôn ngưu” - “nuốt trôi trâu” - phù hợp với hình ảnh so sánh phóng đại: “ba quân như hổ báo”.
- Biện pháp nghệ thuật: So sánh, phóng đại.
+ Sức mạnh của quân đội nhà Trần - Sức mạnh của hổ báo (có thể nuốt trôi trâu).
- Sức mạnh vật chất và tinh thần quyết chiến quyết thắng, khí thế hào hùng của quân đội nhà Trần - đội quân mang hào khí Đông A, mang âm hưởng sử thi.
- Cách nhìn của tác giả: Vừa mang nhãn quan hiện thực khách quan vừa là cảm nhận chủ quan, kết hợp yếu tố hiện thực và lãng mạn.
Tác giả đặt hình ảnh tráng sĩ bên cạnh ba quân với khí thế át sao ngưu khiến cho hình ảnh tráng sĩ đã kì vĩ lại thêm kì vĩ. Hình ảnh ba quân đặt bên cạnh cái kì vĩ của tráng sĩ đã mạnh mẽ lại càng thêm mạnh mẽ.
b. Hai câu sau : Quan niệm về chí nam nhi và nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão
*. Quan niệm về chí nam nhi
- Công danh trái: Món nợ công danh.
- Công danh nam tử: Sự nghiệp công danh của kẻ làm trai.
- Công danh: + Lập công (để lại sự nghiệp).
+ Lập danh (để lại tiếng thơm).
- Công danh biểu hiện chí làm trai của trang nam nhi thời phong kiến: phải làm nên sự nghiệp lớn, vì dân, vì nước, để lại tiếng thơm cho đời, được mọi người ngợi ca, tôn vinh.
- Đó là lí tưởng sống tích cực, tiến bộ. Sự nghiệp công danh của cá nhân thống nhất với sự nghiệp chung của đất nước - sự nghiệp chống giặc ngoại xâm cứu dân, cứu nước, lợi ích cá nhân thống nhất với lợi ích của cộng đồng.
- Chí làm trai của Phạm Ngũ Lão có tác dụng cổ vũ con người từ bỏ lối sống tầm thường, ích kỉ, sẵn sàng chiến đấu hi sinh cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân để “cùng trời đất muôn đời bất hủ”.
*. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão
- Vũ Hầu - Khổng Minh Gia Cát Lượng - bậc kì tài, vị đại quân sư nổi tiếng tài đức, bậc trung thần của Lưu Bị thời Tam Quốc.
- Thẹn: hổ thẹn – Phạm Ngũ Lão thẹn chưa có được tài mưu lược lớn như Gia Cát Lượng đời Hán để trừ giặc, cứu nước.
- Các nhà thơ trung đại mang tâm lí sùng cổ (lấy giá trị xưa làm chuẩn mực), thêm nữa từ sự thật về Khổng Minh nỗi tự thẹn của Phạm Ngũ Lão là hiển nhiên.
- Song xưa nay, những người có nhân cách lớn thường mang trong mình nỗi thẹn với người tài hoa, có cốt cách thanh cao, cho thấy sự đòi hỏi rất cao với bản thân.
- Hoài bão lớn: Ước muốn trở thành người có tài cao, chí lớn, đắc lực trong việc giúp vua, giúp nước.
- Đó là nỗi thẹn tôn lên vẻ đẹp tâm hồn tác giả, thể hiện cái tâm vì nước, vì dân cao đẹp.
3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.
+ Nội dung: Bài thơ là bức chân dung tinh thần của tác giả đồng thời cũng là vẻ đẹp của con người thời Trần - có sức mạnh, lí tưởng, nhân cách cao đẹp, mang hào khí Đông A.
+ Nghệ thuật: Thủ pháp gợi, thiên về ấn tượng bao quát, hàm súc, bút pháp nghệ thuật hoành tráng có tính sử thi với hình tượng thơ lớn lao, kì vĩ.
IV. MỘT SỐ CÂU HỎI ĐỌC HIỂU VÀ BÀI PHÂN TÍCH
Câu hỏi: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
(…) Hào khí Đông A là một cơn gió mạnh, một mặt nó là con đê chắn giữ cho vận nước vững bền (chống lại mọi kẻ thù xâm lược), một mặt nó khơi nguồn cho bao nhiêu tiềm lực tinh thần ẩn giấu. Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão như một hạt muối kết tinh từ nước biển và ánh sáng mặt trời của một thời đại vẻ vang trong lịch sử, một thời đại đặc sắc của thơ ca Việt Nam.
( Trích Văn bản Ngữ văn 10, gợi ý đọc hiểu và lời bình, Vũ Dương Quỹ-Lê Bảo, trang 75, NXBGD 2006)
1/ Anh/ chị hiểu Hào khí Đông A là gì ?
2/ Cụm từ chống lại mọi kẻ thù xâm lược thuộc thành phần gì trong câu văn?
3/ Xác định biện pháp tu từ về từ trong văn bản. Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp đó.
4/ Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ những bài học được rút ra dành cho tuổi trẻ hôm nay.
Trả lời:
1/ Hào khí Đông A là hào khí thời Trần, tức khí thế chống ngoại xâm của quân dân đời nhà Trần, vì chữ Trần có thể đọc theo lối chiết tự là Đông A.
2/ Cụm từ chống lại mọi kẻ thù xâm lược thuộc thành phần phụ chú.
3/ Biện pháp tu từ về từ trong văn bản là so sánh. Cụ thể :
–Hào khí Đông A – một cơn gió mạnh – con đê chắn giữ.
–Thuật hoài – một hạt muối kết tinh từ nước biển và ánh sáng mặt trời.
Hiệu quả nghệ thuật: tạo hình ảnh cụ thể, gợi sự liên tưởng phong phú trong tâm trí người đọc về vẻ đẹp của Hào khí Đông A và giá trị bài thơ Thuật Hoài.
4/ Bài học được rút ra dành cho tuổi trẻ hôm nay: (Gợi ý)
- Cần có lòng yêu nước, yêu Tổ quốc.
- Rèn luyện tinh thần tự lực, tự cường, sẵn sàng chống lại các thế lực kẻ thù xâm lược.
Bài phân tích
Phân tích bài thơ “Tỏ lòng” của Phạm Ngũ Lão.
Từ ngàn xưa, nhân dân ta đã có truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ đất nước mỗi khi đất nước cần. Lòng yêu nước được thể hiện qua nhiều lĩnh vực nhưng có lẽ nổi bật nhất vẫn là ở lĩnh vực văn học. Trong các bài thơ của Phạm Ngũ Lão, có một tác phẩm rất đặc biệt - “Tỏ lòng” đây chính là tác phẩm đã làm toát lên rất rõ về vẻ đẹp, khí thế của con người nhà Trần. Phạm Ngũ Lão là danh tướng thời Trần, có công rất lớn trong công cuộc chống Nguyên - Mông. “Tỏ lòng” được ông sáng tác khi cuộc chiến lần thứ hai Nguyên - Mông đang đến rất gần, nhằm khơi dậy sức mạnh toàn dân. Lúc đó, tác giả cùng một số vị tướng khác được cử lên biên ải Bắc trấn giữ nước.
Nói đến hào khí Đông A là nói đến hào khí đời Trần. Thời này là một mốc son chói lọi trong lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, quân và dân thời Trần đã kiên cường anh dũng lập nên 3 kì tích: 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông, để có được thắng lợi đó, quân dân thời Trần đã phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, căm thù giặc sôi sục cùng lòng quyết tâm chiến thắng. Hào khí dân tộc thể hiện ở sự hòa quyện giữa hình ảnh người anh hùng với hình ảnh “Ba quân” đã tạo nên một bức tranh tượng đài nghệ thuật sừng sững đang hiện ra.
“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu.”
Câu thơ đầu khắc họa một hình ảnh người anh hùng đang trong tư thế hiên ngang, vững chãi, “Hoành sóc” là việc cầm ngang ngọn giáo, với sứ mệnh trấn giữ giang sơn, giữ yên bờ cõi ròng rã đã mấy năm rồi mà không biết mệt mỏi. Con người đó được đặt trong một không gian kì vĩ: núi sông, đất nước khiến con người trở nên vĩ đại sánh ngang với tầm vóc vũ trụ. Hình ảnh còn mang ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần xông pha sẵn sàng chiến đấu, một tư thế hiên ngang làm chủ chiến trường. Tiếc thay, khi ta chuyển dịch thành “múa giáo” thì phần nào đã làm hai chữ “hoành sóc” giảm đi tính biểu tượng và tư thế oai phong lẫm liệt của hình tượng vĩ đại này. Ngày xưa, quân lính chia làm ba tiểu đội: tiền quân, trung quân và hậu quân. Tuy nhiên, khi nói đến “ba quân” thì sức mạnh của cả quân đội nhà Trần, sức mạnh của toàn dân tộc đang sục sôi biết bao. Câu thơ thứ hai sử dụng thủ pháp so sánh để làm toát lên khí thế, “Tam quân tỳ hổ” chính là ví sức mạnh của tam quân giống như hổ như báo, nó vững mạnh và oai hùng. Nhờ đó, tác giả đã bày tỏ niềm tự hào về sự trưởng thành, và lớn mạnh của bậc quân đội. Không chỉ thế, câu thơ còn sử dụng thủ pháp phóng đại “Khí thôn ngưu” - khí thế quân đội mạnh mẽ lấn át cả Sao Ngưu hay là khí thế hào hùng nuốt trôi trâu. Như vậy, hai câu thơ đầu khắc họa vẻ đẹp người anh hùng hòa trong vẻ đẹp của thời đại hào hùng tạo nên những con người anh hùng. Câu thơ gây ấn tượng mạnh bởi sự kết hợp giữa hình ảnh khách quan với cảm nhận chủ quan giữa hiện thực và lãng mạn. Qua đó, tác giả bộc lộ niềm tự hào về sức mạnh của nhà Trần nói riêng cũng như là của toàn dân tộc nói chung.
“Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu”.
Qua hai câu thơ trên, lí tưởng của người anh hùng đang được thể hiện rõ qua hai cặp từ “nam nhi và công danh”. Nhắc đến chí là nhắc đến chí làm trai, lập công là để lại công danh, sự nghiệp để lại danh tiếng cho muôn đời, công danh được coi là món nợ phải trả của kẻ làm trai. Một danh tướng có nỗi trăn trở, canh cánh trong lòng là chưa trả xong nợ công danh mặc dù con người ấy đã lập lên bao nhiêu chiến công rồi. Đó chính là khát vọng, lí tưởng lớn lao muốn được phò vua giúp nước, trong không khí sục sôi của thời đại bấy giờ, chí làm trai có tác dụng cỗ vũ cho con người sẵn sàng chiến đấu giành lại hòa bình cho đất nước.
Ở câu cuối của bài thơ, nói lên cái tâm của người anh hùng, điều đáng quý bên cạnh trí là còn có cái tâm. “Thẹn với Vũ Hầu” – Vũ Hầu chính là Gia Cát Lượng, một tài năng, một nhân cách, một người có tâm, tác giả thẹn vì chưa có tài mưu lược như Gia Cát Lượng chăng? Mặc dù tác giả là người lập nhiều công cho đất nước nhưng vẫn thấy thẹn. Qua nỗi thẹn ấy, người đọc nhận ra thái độ khiêm nhường, một ý nguyện cháy bỏng được giết giặc, lập công đóng góp cho sự nghiệp chung.
Qua bài thơ, hiện lên hình ảnh của đấng nam nhi thời đại Bình Nguyên, với khát vọng có thể phá được cường địch để báo đáp hoàng ân, để non sông được vững vàng. Vẻ đẹp của người anh hùng lồng trong vẻ đẹp của thời đại làm nên hào khí của thời đại nhà Trần, hào khí Đông A. Bài thơ cũng là nỗi lòng riêng của Phạm Ngũ Lão về khát vọng lí tưởng, về nhân cách của con người phải được giữ gìn.