30 câu Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 19 (Cánh diều) có đáp án: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

880

Tailieumoi.vn xin giới thiệu Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ sách Cánh diều. Bài viết gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm với đầy đủ các mức độ và có hướng dẫn giải chi tiết sẽ giúp học sinh ôn luyện kiến thức và rèn luyện kĩ năng làm bài trắc nghiệm Địa Lí 12. Ngoài ra, bài viết còn có phần tóm tắt nội dung chính lý thuyết Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ. Mời các bạn đón xem:

Trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

Phần 1. 30 câu trắc nghiệm Địa Lí 12 Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

Câu 1. Vùng nào sau đây ở nước ta có tiềm năng thủy điện lớn nhất?

A. Tây Nguyên.

B. Duyên hải Nam Trung Bộ.

C. Bắc Trung Bộ.

D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chọn D

Trung du và miền núi Bắc Bộ có tiềm năng thủy điện lớn nhất nước ta. Riêng hệ thống sông Hồng chiếm trên 30% trữ lượng thủy năng của cả nước (11 triệu kW), trong đó sông Đà gần 6 triệu kW. Ngoài ra, vùng có nhiều sông, suối, thuận lợi để xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất vừa và nhỏ.

Câu 2. Hệ thống sông nào sau đây ở nước ta có tiềm năng thủy điện lớn nhất?

A. Sông Mã.

B. Sông Hồng.

C. Sông Cả.

D. Sông Ba.

Chọn B

Hệ thống sông Hồng chiếm trên 30% trữ lượng thủy năng của cả nước (11 triệu kW), trong đó sông Đà gần 6 triệu kW. Tiếp theo là hệ thống sông Đồng Nai.

Câu 3. Các loại cây công nghiệp lâu năm được trồng ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là

A. chè, cà phê, hồi, quế.

B. cao su, chè, hồi, tiêu.

C. cà phê, điều, cao su.

D. quế, chẩu, tiêu, điều.

Chọn A

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn thứ ba cả nước (sau Tây Nguyên và Đông Nam Bộ). Các loại cây công nghiệp lâu năm được trồng trong vùng là chè, cà phê, hồi, quế,...

Câu 4. Vùng nào sau đây ở nước ta có diện tích chè lớn nhất?

A. Tây Nguyên.

B. Duyên hải Nam Trung Bộ.

C. Bắc Trung Bộ.

D. Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Chọn D

Chè là cây công nghiệp quan trọng số một của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Năm 2021, diện tích chè đạt trên 90 nghìn ha, chiếm hơn 70% diện tích chè cả nước. Các tỉnh trồng chè nhiều nhất là Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang.

Câu 5. Chè được trồng chủ yếu ở các tỉnh nào sau đây của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang.

B. Thái Nguyên, Yên Bái, Cao Bằng.

C. Thái Nguyên, Phú Thọ, Điện Biên.

D. Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn.

Chọn A

Các tỉnh trồng chè nhiều nhất ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang. Các cơ sở chế biến chè ngày càng phát triển đã nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.

Câu 6. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm bao nhiêu tỉnh?

A. 13.

B. 15.

C. 14.

D. 16.

Chọn C

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Câu 7. Ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, than tập trung chủ yếu ở tỉnh nào sau đây?

A. Lạng Sơn, Thái Nguyên.

B. Yên Bái, Hà Giang.

C. Bắc Giang, Cao Bằng.

D. Lai Châu, Sơn La.

Chọn A

Một số loại khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn, có khả năng khai thác với quy mô công nghiệp như than ở Lạng Sơn, Thái Nguyên; sắt ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang; đồng ở Sơn La, Bắc Giang; đồng - vàng ở Lào Cai; thiếc ở Cao Bằng, Thái Nguyên; đất hiếm ở Lai Châu; a-pa-tít ở Lào Cai; đá vôi, đá xây dựng có ở nhiều tỉnh trong vùng; nước khoáng ở Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang.

Câu 8. Đất hiếm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ tập trung chủ yếu ở tỉnh nào sau đây?

A. Hà Giang.

B. Lai Châu.

C. Bắc Giang.

D. Cao Bằng.

Chọn B

Mỏ khoáng sản đất hiếm lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm này là mỏ Đông Pao (Tam Đường, Lai Châu). Mỏ có diện tích hơn 11km2, trữ lượng trên 5 triệu tấn oxit và thân quặng chính là F3 và F7, một loại quặng quý hiếm rất cần trong chế tạo công nghệ điện tử.

Câu 9. Nhà máy điện than nào sau đây không thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Na Dương.

B. Sơn Động.

C. An Khánh.

D. Uông Bí.

Chọn D

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có một số nhà máy nhiệt điện than như Na Dương (Lạng Sơn) công suất 110 MW, Sơn Động (Bắc Giang) công suất 220 MW, An Khánh (Thái Nguyên) công suất 120 MW. Còn nhà máy điện than Uông Bí (Quảng Ninh) thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng.

Câu 10. Nhà máy thủy điện nào sau đây ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có công suất lớn nhất?

A. Lai Châu.

B. Sơn La.

C. Hòa Bình.

D. Bản Chát.

Chọn B

Trung du và miền núi Bắc Bộ đã xây dựng nhiều nhà máy thủy điện có công suất lớn. Trên sông Đà, ba nhà máy thủy điện lớn nhất cả nước đã được xây dựng là nhà máy thủy điện Lai Châu (1 200 MW), nhà máy thủy điện Sơn La (2 400 MW), nhà máy thủy điện Hòa Bình (1 920 MW). Các nhà máy thủy điện đáng kể khác là Huội Quảng (520 MW), Tuyên Quang (342 MW), Bản Chát (220 MW), Thác Bà (110 MW).

Câu 11. Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cây cà phê được trồng chủ yếu ở tỉnh nào sau đây?

A. Điện Biên, Yên Bái.

B. Lạng Sơn, Sơn La.

C. Sơn La, Điện Biên.

D. Lai Châu, Lào Cai.

Chọn C

Ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cây cà phê được trồng ở khu vực Tây Bắc chủ yếu ở Sơn La và Điện Biên.

Câu 12. Tỉnh nào sau đây ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có nhiều bò nhất?

A. Hà Giang.

B. Sơn La.

C. Cao Bằng.

D. Yên Bái.

Chọn B

Các tỉnh có số lượng bò lớn là Sơn La, Bắc Giang, Hà Giang,... trong đó, Sơn La có số lượng bò lớn nhất vùng với 373,3 nghìn con, chiếm 30,8% tổng đàn bò của cả vùng (năm 2021). Bò sữa được nuôi tập trung ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).

Câu 13. Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp giáp với vùng kinh tế nào sau đây?

A. Đồng bằng sông Hồng.

B. Duyên hải Nam Trung Bộ.

C. Tây Nguyên.

D. Đông Nam Bộ.

Chọn A

Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp giáp với Trung Quốc ở phía bắc, phía tây giáp Thượng Lào, phía nam giáp vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Câu 14. Phát biểu nào sau đây không đúng với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Nằm ở phía bắc, diện tích rộng lớn.

B. Có sự phân hóa thành hai tiểu vùng.

C. Dân số đông nhất, kinh tế phát triển.

D. Tiếp giáp với Trung Quốc và Lào.

Chọn C

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng nằm ở phía bắc tiếp giáp với Trung Quốc và Lào; có diện tích rộng nhất (95,2 nghìn km2) so với các vùng khác trong cả nước và có sự phân hóa thành hai tiểu vùng (Đông Bắc và Tây Bắc).

Câu 15. Tỉnh nào sau đây thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Hải Dương.

B. Thanh Hóa.

C. Vĩnh Phúc.

D. Cao Bằng.

Chọn D

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm 14 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.

Câu 16. Vị trí của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có điểm khác biệt nào sau đây so với các vùng khác trong cả nước?

A. Có biên giới kéo dài với Trung Quốc và Lào.

B. Tất cả các tỉnh đều giáp với biển, có biên giới.

C. Vị trí trung chuyển giữa miền Bắc, miền Nam.

D. Ví trí tiếp giáp với cả Lào và Cam-pu-chia.

Chọn A

Điểm khác biệt về vị trí của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ so với các vùng khác trong cả nước là có biên giới kéo dài với Trung Quốc và Lào.

Câu 17. Tài nguyên khoáng sản than của nước ta tập trung chủ yếu ở tỉnh nào sau đây?

A. Thái Nguyên.

B. Quảng Ninh.

C. Cao Bằng.

D. Lạng Sơn.

Chọn B

Quảng Ninh là vùng than lớn bậc nhất và chất lượng than tốt nhất Đông Nam Á (than antraxit). Bể than Đông Bắc Quảng Ninh là lớn nhất cả nước với trữ lượng khoảng 3,5 tỉ tấn. Điển hình với nhiều mỏ như Hà Tu, Hà Lầm, Đèo Nai, Cọc Sáu,…

Câu 18. Chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở cao nguyên nào sau đây của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Đồng văn.

B. Tả Phình.

C. Mộc Châu.

D. Sín Chải.

Chọn C

Ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).

Câu 19. So với khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc có

A. mùa đông đến sớm và kết thúc muộn hơn.

B. mùa đông đến muộn và kết thúc muộn hơn.

C. mùa đông đến sớm và kết thúc sớm hơn.

D. mùa đông đến muộn và kết thúc sớm hơn.

Chọn A

Đông Bắc là nơi đón những đợt gió mùa Đông Bắc đầu tiên và cả những đợt gió mùa Đông Bắc cuối cùng thổi vào nước ta nên so với khu vực Tây Bắc, khu vực Đông Bắc có mùa đông đến sớm và kết thúc muộn hơn.

Câu 20. Chăn nuôi lợn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển nhờ có

A. diện tích trồng hoa màu lớn.

B. lao động chuyên môn đông.

C. thị trường tiêu thụ rộng lớn.

D. thu hút được nhiều đầu tư.

Chọn A

Ngành chăn nuôi lợn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phát triển là do vùng này có diện tích trồng hoa màu lớn ở các đồng bằng giữa núi như Mường Thanh, Mường Lò,…

Câu 21. Khó khăn chủ yếu về tự nhiên đối với phát triển chăn nuôi gia súc ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là

A. địa hình bị chia cắt phức tạp.

B. hiện tượng rét đậm, rét hại.

C. mùa đông thiếu nhiều nước.

D. đồng cỏ chưa được cải tạo.

Chọn B

Do địa hình cao, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên hiện tượng rét đậm, rét hại hay xảy ra ở Trung du và miền núi Bắc Bộ gây ảnh hưởng rất lớn đến chăn nuôi gia súc (trâu, bò, lợn,…).

Câu 22. Thế mạnh nào sau đây không phải của Trung du và miền núi Bắc Bộ?

A. Phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa và lợn.

B. Phát triển các ngành kinh tế biển và đảo.

D. Khai thác, chế biến khoáng sản, thuỷ điện.

C. Trồng cây công nghiệp lâu năm cận nhiệt.

Chọn B

Thế mạnh của Trung du và miền núi Bắc Bộ là phát triển chăn nuôi gia súc lớn (trâu, bò, ngựa, lợn); trồng và chế biến cây công nghiệp, cây ăn quả, dược liệu có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới; khai thác, chế biến khoáng sản và phát triển thuỷ điện. Hiện nay, Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên là hai vùng không tiếp giáp với biển (không phát triển các ngành kinh tế biển, đảo).

Câu 23. Trung du và miền núi Bắc Bộ ít có điều kiện thuận lợi để phát triển

A. các cây đặc sản, cây căn quả cận nhiệt và ôn đới.

B. cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt, ôn đới.

C. cây công nghiệp lâu năm có nguồn gốc nhiệt đới.

D. các cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới.

Chọn C

Trung du và miền núi Bắc Bộ có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh, khí hậu có sự phân hóa theo đai cao thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu, ăn quả có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới. Ngược lại, đặc điểm khí hậu này không phù hợp với các loài cây công nghiệp lâu năm có nguồn gốc nhiệt đới.

Câu 24. Đặc điểm khí hậu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thuận lợi để phát triển các loại cây có nguồn gốc

A. ôn đới, nhiệt đới.

B. cận nhiệt, ôn đới.

C. cận nhiệt, nhiệt đới.

D. xích đạo, nhiệt đới.

Chọn B

Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh và khí hậu có sự phân hóa theo đai cao thuận lợi phát triển cây công nghiệp có nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới.

Câu 25. Trung du và miền núi Bắc Bộ không tiếp giáp với vùng/quốc gia nào sau đây?

A. Trung Quốc.

B. Lào.

C. Bắc Trung Bộ.

D. Cam-pu-chia.

Chọn D

Trung du và miền núi Bắc Bộ tiếp giáp với Trung Quốc ở phía bắc, phía tây giáp thượng Lào, phía nam giáp vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Trung du và miền núi Bắc Bộ không tiếp giáp với Cam-pu-chia.

Câu 26. Vùng nào sau đây ở nước ta có đàn trâu lớn nhất cả nước?

A. Trung du và miền núi Bắc Bộ.

B. Bắc Trung Bộ.

C. Duyên hải Nam Trung Bộ.

D. Đồng bằng sông Hồng.

Chọn A

Đàn trâu trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có số lượng lớn nhất cả nước. Các tỉnh nuôi nhiều trâu là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La.

Câu 27. Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh nổi bật nhất cả nước về tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp nào sau đây?

A. Luyện kim.

B. Khai khoáng.

C. Thuỷ điện.

D. Thực phẩm.

Chọn C

Trung du và miền núi Bắc Bộ có thế mạnh nổi bật nhất cả nước về tiềm năng để phát triển công nghiệp thuỷ điện với hệ thống sông Hồng (11 nghìn MW) chiếm 1/3 trữ lượng thủy điện cả nước. Các nhà máy thủy điện của vùng là Sơn La (2 400 MW), Hòa Bình (1 920 MW), Lai Châu (1 200 MW), Tuyên Quang (342 MW),… Ngoài ra, vùng còn có nhiều nhà máy thủy điện nhỏ có ý nghĩa đối với việc cung cấp điện sinh hoạt cho người dân.

Câu 28. So với với khu vực Đông Bắc, khu vực Tây Bắc có

A. trữ năng về thủy điện lớn hơn.

B. tài nguyên khoáng sản phong phú.

C. cơ sở vật chất hạ tầng tốt hơn.

D. nhiều trung tâm công nghiệp hơn.

Chọn A

So với với khu vực Đông Bắc, khu vực Tây Bắc có trữ năng về thủy điện lớn hơn từ các con sông lớn, đặc biệt là hệ thống sông Hồng với sông Đà.

Câu 29. Thế mạnh vượt trội của Tây Bắc so với các vùng khác trong cả nước là

A. cây dược liệu.

B. cây ăn quả cận nhiệt.

C. thủy năng.

D. năng lượng.

Chọn C

Thế mạnh vượt trội của Tây Bắc so với các vùng khác trong cả nước là vùng này có trữ lượng thủy năng rất lớn (chiếm khoảng 1/3 của cả nước).

Câu 30. Đặc điểm tự nhiên quan trọng nhất tạo cơ sở cho việc hình thành vùng chuyên canh chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là

A. đất và nước.

B. khí hậu và đất.

C. địa hình và đất.

D. khí hậu và nước.

Chọn B

Đặc điểm tự nhiên quan trọng nhất tạo cơ sở cho việc hình thành vùng chuyên canh chè ở Trung du và miền núi Bắc Bộ là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với mùa đông lạnh và sự tập trung của đất feralit thành các vùng rộng lớn ở vùng đồi trung du.

Phần 2. Lý thuyết Địa Lí 12 Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

I. KHÁI QUÁT

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Vị trí địa lí:

+ Tiếp giáp Trung Quốc và Lào; giáp vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

+ Vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

- Phạm vi lãnh thổ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Là vùng có diện tích lãnh thổ lớn, khoảng 95,2 nghìn km2, chiếm 28,7% diện tích cả nước.

2. Dân số

- Dân số năm 2021 khoảng 12,9 triệu người, mật độ dân số TB 136 người/km2, tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên là 1,05%.

- Cơ cấu dân số nhóm 0-14 tuổi chiếm 27,9%, nhóm 15-64 tuổi chiếm 65,1%, nhóm từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% (2021). Tỉ lệ dân số thành thị thấp, khoảng 20,5%.

- Có nhiều dân tộc sinh sống: Kinh, Tày, Nùng, Dao,… cư trú xen kẽ, kinh nghiệm sản xuất bản địa lâu đời, phong phú; luôn đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

II. CÁC THẾ MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Lý thuyết Địa Lí 12 Cánh diều Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

a) Thế mạnh về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

- Địa hình, đất: địa hình đa dạng, phức tạp; địa hình cac-xtơ khá phổ biến; các cao nguyên; dạng địa hình đồi thấp. Đất fe-ra-lit đỏ vàng chiếm 2/3 diện tích => tạo nên thế mạnh phát triển các ngành kinh tế khác nhau: trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc lớn, sản xuất công nghiệp và du lịch.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh, phân hóa rõ rệt theo độ cao địa hình => thuận lợi trồng các cây nguồn gốc cận nhiệt và ôn đới.

- Sông ngòi: Là đầu nguồn cả một số sông thuộc hệ thống sông Hồng có trữ năng thủy điện dồi dào => là cơ sở xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất lớn nhất cả nước.

- Khoáng sản: giàu tài nguyên khoáng sản, đa dạng chủng loại nhưng trữ lượng vừa và nhỏ; một số loại trữ lượng lớn là: a-pa-tit, thiếc, chì – kẽm, sắt, than,…

- Rừng: diện tích rừng lớn (chiếm 36,5% diện tích rừng cả  nước), nhiều vườn quốc gia với hệ sinh thái đa dạng, cảnh quan đẹp => phát triển du lịch, bảo vệ môi trường.

b) Thế mạnh về điều kiện kinh tế - xã hội:

- Dân cư và lao động: nguồn lao động khá đông (60% dân số vùng), lao động đang làm việc chiếm 11,7% tổng số cả nước; tỉ lệ lao động đã qua đào tạo chiếm 25,9%, cao hơn trung bình cả nước (2021).

- Cơ sở hạ tầng trong vùng đang được đầu tư nâng cấp, đường bộ khá phát triển với hệ thống các quốc lộ từ Hà Nội đến các địa phương trong vùng; quốc lộ chạy dọc biên giới, các tuyến đường cao tốc. Có các khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp đang khai thác có hiệu quả => thu hút vốn đầu tư, giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế.

- Chính sách: Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, có các trung tâm giáo dục – đào tạo, nghiên cứu khoa học => khai thác thế mạnh phát triển kinh tế.

III. KHAI THÁC THẾ MẠNH VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ

1. Khai thác thế mạnh khoáng sản và thủy điện

Lý thuyết Địa Lí 12 Cánh diều Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

a) Khai thác khoáng sản:

- Có nhiều điều kiện thuận lợi cho ngành khai thác và chế biến khoáng sản phát triển.

+ Khai thác a-pa-tit ở Cam Đường (Lào Cai) phục vụ công nghiệp sản xuất phân bón. Năm 2021 sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn.

+ Khai thác than, quặng sắt, đồng, ni-ken, chì – kẽm, thiếc, quặng đất hiếm, đá vôi.

b) Khai thác thủy điện:

- Có trữ năng thủy điện dồi dào, nhiều nhà máy thủy điện công suất lớn nhất nước đã được xây dựng và cung cấp nguồn điện lớn cho quốc gia. Các nhà máy thủy điện lớn đều nằm trên lưu vực sông Đà.

c) Các ngành công nghiệp khác:

- Công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển và phân bố rộng khắp các tỉnh trong vùng: chế biến chè ở Thái Nguyên, chế biến rau quả ở Sơn La,…

- Công nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính phát triển mạnh nhờ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tập trung ở Thái Nguyên, Bắc Giang.

d) Hướng phát triển công nghiệp của vùng:

- Phát triển hiệu quả các cơ sở khai thác gắn với chế biến các loại khoáng sản.

- Phát triển địa bàn trọng điểm thủy điện quốc gia ở khu vực Tây Bắc.

- Xây dựng trung tâm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Bắc Giang; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La,…

2. Khai thác thế mạnh phát triển cây công nghiệp lâu năm, cây dược liệu, cây rau thực phẩm.

Lý thuyết Địa Lí 12 Cánh diều Bài 19: Khai thác thế mạnh ở Trung du và miền núi Bắc Bộ

- Cây công nghiệp lâu năm quan trọng nhất là cây có nguồn gốc cận nhiệt – cây chè (chiếm gần 80% diện tích cả nước). Các vùng chuyên canh chè ở Thái Nguyên với các thương hiệu nổi tiếng trong nước và quốc tế (Tân Cương, Shan Tuyết).

- Cây dược liệu có diện tích ngày càng tăng, là cây thế mạnh của vùng, nổi bật là cây hồi, cây sa nhân, các cây dược liệu như quế, tam thất, thảo quả,…

- Cây ăn quả được phát triển mạnh, diện tích tăng nhanh, gồm cây có nguồn gốc nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới.

- Cây rau thực phẩm có diện tích lớn và ngày càng mở rộng, rau được trồng nhiều ở Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình,…

- Hướng phát triển các cây trồng của vùng: tập trung trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến. Phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, sản xuất an toàn, hữu cơ, xanh, sạch; hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn.

3. Khai thác thế mạnh chăn nuôi gia súc lớn

- Đàn gia súc lớn chủ lực của vùng là trâu và bò (lấy thịt, sữa).

- Vùng dẫn đầu cả nước về đàn trâu, nuôi nhiều ở Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai.

- Đàn bò (thịt và sữa) ngày càng tăng, bò sữa nuôi nhiều ở Mộc Châu.

IV. Ý NGHĨA CỦA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VỚI AN NINH QUỐC PHÒNG

- Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh quốc phòng được đảm bảo, chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc.

- Đường biên giới dài với Trung Quốc và Lào với nhiều cửa khẩu quốc tế thuận lợi cho giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế và hội nhập.

- Vùng là căn cứ địa cách mạng, nhiều di tích lịch sử, văn hóa của nhiều thời kì lịch sử dựng nước và giữ nước. Phát triển kinh tế trong đó có du lịch góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức cộng đồng dân tộc, tăng cường giáo dục an ninh quốc phòng, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững.

Xem thêm các bài Trắc nghiệm Địa Lí lớp 12 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Đánh giá

0

0 đánh giá